Lý Văn Quý & Nguyễn Hiền
Chương 6
Kịch Trường Truyền thông của sự Phi Lý
Một sự bất ngờ khó chịu đã chờ đón tôi lúc trở về khách sạn Continental sau chuyến đi chứng kiến cái bề mặt không được đánh bóng của cuộc chiến Việt Nam tại Cao Nguyên Trung Phần. Đó là một bức điện tín từ Julius Hollos, trưởng biên tập ở Hamburg với nội dung mà thuật ngữ trong dịch vụ truyền tin Mỹ gọi là "rocket" (hỏa tiễn), có nghĩa là một lời khiển trách. Bức điện tín được đọc như sau:
CHÚNG TÔI NGHE BẠN SAY SƯA TRONG MỌI CUỘC HỌP BÁO. CHẤM. YÊU CẦU GIẢI THÍCH. CHẤM THAN. HOLLOS
Tôi đớ cả người. Lời tố cáo hoàn toàn bố láo này có thể kết thúc sự nghiệp phóng viên quốc tế của tôi như chơi. Có thể tôi thích thưởng thức một ly Scotch hay Martini sec và luôn luôn uống rượu vang trong bữa ăn tối nhưng tôi không bao giờ đụng vào rượu mạnh trước khi trời tối, và với một lý do rất chính đáng: bằng chứng sự tác hại của rượu và ma túy trong một vùng chiến tranh nhiệt đới như Sài Gòn đầy rẫy cả ra. Tuy tôi không phải là một con người chín chắn lắm nhưng tôi không bao giờ có ý định tự sát cả. Hơn nữa, tôi ít khi tham dự "Những chuyện điên rồ lúc 5 giờ chiều" (The Five O'clock Follies), tên chúng tôi gọi những buổi họp báo hàng ngày được tổ chức bởi chính quyền Nam Việt, Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ và quân đội Mỹ. Thế là tôi tức giận bắn lại:
CHO BIẾT NGUỒN. BÁO THẰNG CHÓ MẠ LỴ NÓ SẮP CHẾT TIỆT RỒI. CHẤM. UWE
Julius quả là một tay chuyên nghiệp tột bực. Anh ta biết cách đối phó với cơn nóng giận của tôi và vài tuần sau đó gởi cho tôi một lá thư hòa giải kể rằng tại Luân Đôn anh đã đi xem đoạn diễn thử của một vở kịch về chiến tranh Việt Nam với tựa đề "US." Vở kịch có chêm những màn hài hước trong những buổi họp báo chính thức trong đó có một tay phóng viên người Đức luôn luôn say khướt và đặt ra những câu hỏi kỳ khôi lúc nào cũng bắt đầu bằng một giọng khàn khàn vịt đực "Ờ... Ờ... Ờ... Ừ... Ừ... Ừ"
"Khán giả được báo trước là vở kịch được dựa vào sự thật," Julius viết. "Tôi không biết bất kỳ phóng viên chính thức người Đức nào khác nữa ở Sài Gòn, do đó tôi đoán chừng tên say rượu đó là anh. Nếu có nhầm lẫn, cho tôi xin lỗi nhé."
Tất nhiên có nhiều phóng viên người Đức đã đến Sài Gòn với những nhiệm vụ ngắn hạn, trong đó có nhiều tay ký giả thuộc hạng giỏi nhất trong ngành nghề mà chúng tôi sẽ nhắc đến vài người trong đoạn sau. Nhưng cho tới khi cái vụ đó xảy ra tôi vẫn tưởng tôi là phóng viên bán thường trực người Đức duy nhất trong thành phố Sài Gòn. Anh bạn trẻ bụi đời tinh ranh tên "Đức" báo cho tôi biết là đã lầm to.
"Ê, ông Đức," thằng quỉ con nói, vừa dùng tiếng Việt cho chữ German, và cũng là tên của nó. "Ông không phải là người Đức duy nhất ở đây. Ông kia cũng là người Đức đấy, và cũng là ký giả giống ông nữa."
Thằng bé chỉ tay vào một người đàn ông mặt đỏ gay đang ngồi đồng bên cạnh một ly nước cam trên sân mái hiên của khách sạn Continental. Tôi đã biết anh ta từ trước đó rồi. Nhân vật này lúc nào cũng ngồi riêng một mình trên một cái bàn từ sáng cho đến chiều tối.
"Đức, tay này không thể là người Đức được. Người Đức không bao giờ uống nước trái cây cả ngày như vậy cả," Tôi phản đối.
"Hi hi, cái ông này không uống nước sinh tố. Ông uống 'tuốc-nơ-vít' (screwdriver). Rất nhiều 'tuốc-nơ-vít'. Say tối ngày. Hi hi."
Screwdriver là những "ngụm" (shot) vốt-ka ngụy trang bằng nước cam.
Anh bạn Ronald Ross của tôi, một thông tín viên sinh ra tại Anh quốc nhưng làm việc cho tờ Minneapolis Tribune đã nghe lỏm được mẩu đối thoại này và phát cười. Công việc của Ronald tại Việt Nam là hàng ngày thực hiện những bản báo cáo, cho nên anh bắt buộc phải đi dự những buổi họp báo mỗi ngày. Tôi đã tránh được số phận nghiệt ngã này bởi công việc của tôi là viết phóng sự, những chuyện đàng sau sân khấu, thực hiện những bản phân tích tin tức, còn nhường lại tin tức sốt dẻo cho nhóm dịch vụ đường điện tín.
"Bạn chưa biết anh ta à? Gã này thật là tếu," Ronald nói. "Tiếng 'ậm ừ...' của hắn là những điểm nổi bật nhất của Follies."
Tôi sẽ không đề cập đến tên thật của đồng nghiệp này, một người lập dị dễ mến mà sau này đã qua đời vì bệnh nghiện rượu. Cứ gọi anh ta là Eberhard Budelwitz. Anh là một phóng viên, nhân viên của một cơ sở dịch vụ điện tín của Đức chuyên tải về những tin tức cập nhật mà không bình luận. Chính vì vậy mà ông xếp của tôi không hề biết đến anh ta. Mãi sau này tôi mới được xem qua một số bài tường thuật hết sức uyên bác về Việt Nam mà Budelwitz đã viết ra trong những khoảnh khắc tỉnh táo của anh, sau những lần liên tục đi cai rượu trong các phòng khám tại Đức. Nhưng thật đáng buồn là nó không kéo dài được bao nhiêu.
Có lần tôi đi theo Ronald đến Follies với mục đích duy nhất để nghe Eberhard nói. Anh ta lảo đảo bước vào phòng họp báo cạnh "bức tượng thô tục" trên đại lộ Lê Lợi. Anh nhặt các tờ báo cáo hàng ngày do Chính phủ Sài Gòn, Tòa Đại sứ và Quân đội Hoa Kỳ phát ra. Như thường lệ chúng tôi rơi vào ngay cơn buồn ngủ bởi những con số thống kê khô khan và những bài tường thuật tẻ nhạt được đọc bởi một giọng nói đơn điệu dường như là dấu ấn của các phát ngôn viên chính thức. Họ không tiết lộ được điều gì đáng ghi nhận như hành động tàn ác mà tôi đã chứng kiến tại Tây Nguyên.
Không khí trong phòng trung tâm báo chí nóng nhớp nháp. Nhiều ký giả bồn chồn ngó đồng hồ chằm chằm, đặc biệt là các phóng viên báo chí của Sài Gòn đầy sức sống, phóng viên Nhật Bản và Đại Hàn mà hạn chót đã gần kề. Sau đó, ngay lúc chúng tôi sửa soạn chạy vội về các máy đánh chữ, sô diễn "Kịch Trường của sự Phi Lý" thường ngày bắt đầu! Thuyết trình viên đề cập đến một biến cố bất thường không có chút giá trị tin tức nào nhưng lại tạo cho những tay ưa nổ và xu nịnh như Joe, ký giả điên loạn của một tờ báo lá cải lớn, cái 15 phút vinh quang của họ. Tôi đã nói 15 phút? Không, đó là lời của Andy Warhol. Thực tế là 30, 60 hay 90 phút khùng điên.
Đặc biệt ngày hôm đó, cơn điên loạn đã được kích động như sau: Một phát ngôn viên cất giọng lạnh lùng thông báo là các thượng tọa Phật Giáo ở miền Trung Việt Nam đã than phiền là một số binh lính Hoa Kỳ đã tiểu tiện vào chùa của họ ở nông thôn. Sự kiện này đã làm dấy lên một loạt những câu hỏi đại loại có nội dung như sau:
"Họ đi tiểu bên trong hay bên ngoài chùa?"
"Không phải là binh lính chúng ta đã được hướng dẫn là không bao giờ được giơ "chim" ngoài công cộng, nhất là gần những nơi cúng bái hay sao?"
"Có phải họ đã đi tiểu khi say? Nếu vậy tình hình có trở thành nghiêm trọng hơn không, vì các nhà sư Phật giáo cấm rượu? Nếu chỉ có một lon cô-ca trong người thì liệu họ có làm chuyện bậy vào chùa hay không?"
"Những hậu quả của hành động xúc phạm này đối với giáo lý Phật giáo sẽ như thế nào?"
"Nếu cho là các Phật tử tin rằng mọi chúng sinh đều có thể là hóa thân của con người, như vậy có phải tiểu tiện lên côn trùng tương tự như đái vào con người?"
"MAC-V (Bộ Chỉ Huy Yểm Trợ Quân Sự Hoa Kỳ tại Việt Nam) đã có những biện pháp gì để dọn dẹp cái vụ dơ dáy này? Hay là các ông sư phải tự làm lấy?"
"Liệu Bộ Chỉ Huy Hoa Kỳ đã nghĩ tới chuyện xây dựng nhà vệ sinh cho lính Mỹ gần các chùa chiền chưa?"
"Có thể nào những người vi phạm sẽ bị đưa ra Tòa án quân sự mặt trận vì tội đái vào chùa hay không, và hình phạt sẽ ra sao?"
Những tay thư ký của "Kịch Trường của sự Phi Lý" như Eugène Ionesco, Samuel Beckett, Jean Genet, Harold Pinter, Edward Albi hay Friedrich Dürrenmatt vào lúc này có thể khoái trí lắm, nhưng dù óc tưởng tượng của họ có phong phú đến đâu cũng không thể lường trước được chuyện gì xảy ra sau đó. Sau một tiếng đồng hồ bàn cãi về nước tiểu, những tay xu nịnh bắt đầu im lặng. Thật là một giây phút yên tĩnh đầy hạnh phúc. Chúng tôi đã kiệt sức, sẵn sàng về nhà hoặc nếu thuộc vào một nhóm chọn lọc khoảng 2 chục phóng viên đáng tin cậy thì sẽ được mời tham dự buổi thuyết trình có giá trị hơn, có chiều sâu và không giới hạn về nội dung gọi là "Sau Cơn Ðiên” (After-Follies) tại văn phòng của Barry Zorthian, Giám đốc báo chí của chính phủ Hoa Kỳ tại Sài Gòn.
Nhưng ngay lúc chúng tôi đứng dậy thì hoạt cảnh Eberhard bắt đầu:
"Ờ... Ờ... Ờ... Ừ... Ừ... Ừ..."
"Vâng, Ông Budelwitz," trưởng phát ngôn của Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ nói bằng tiếng Đức khá giỏi. "Ông còn có câu hỏi nào khác nữa không?"
"Tại sao người Mỹ các ông không bảo mấy ông sư tự sắm lấy một chiếc tầu ngầm?"
Mọi người đều choáng váng nhìn chằm chằm vào Eberhard. Ronald Ross và tôi đều đồng ý rằng chúng tôi thực sự cần phải vỗ tay tán thưởng anh chàng, bởi vì trong tâm trí say rượu của mình, qua cách liên kết tính chất "ướt át" của biến cố này với một chiếc tàu hải quân cùng một nơi thánh địa thì quả thật anh ta đã bộc lộ màn diễntrong "Kịch Trường của sự Phi Lý" một cách ngoạn mục nhất không bao giờ có thể quên được.
"Kịch Trường của sự Phi Lý" giống như chủ nghĩa Siêu Thực, là phong trào nghệ thuật tuyên dương cho “sự sáp vào nhau của hai thực tại ít hay nhiều xa nhau,” theo như Pierre Reverdy. Nhà thơ vĩ đại người Pháp này đã viết trong Thế Chiến Thứ Nhất rằng, "Quan hệ giữa hai thực tại được đặt cạnh nhau càng xa nhau và càng thích đáng chừng nào thì hình ảnh tạo ra càng mạnh mẽ chừng đó – nó sẽ càng có sức mạnh xúc cảm và càng có thêm tính thơ hơn." Một trong những lý do tại sao tôi nhớ đến Eberhard một cách trìu mến là vì những câu hỏi kỳ quái của anh đã đưa tính siêu thực của Chiến Tranh Việt Nam vút lên đến một điểm: các thực tại xa rời được mang đặt cạnh nhau đã tạo nên những hình ảnh mạnh mẽ của một sức mạnh xúc cảm mãnh liệt.
Có lần tôi chộp lấy Eberhard trước khi anh ta uống xong ly "tuốc-nơ-vít" thứ nhất và hỏi phải chăng những câu hỏi siêu thực đó chỉ đơn giản là "rượu nói" hay cách nói lập dị đó đã được suy nghĩ kỹ lưỡng trước rồi? Thời điểm có lẽ vào khoảng ngay sau vụ sinh viên Pháp nổi loạn năm 1968, bởi vì câu trả lời của Eberhard làm tôi nhớ lại khẩu hiệu Tân-Siêu-thựccủa đám Tân Tả Phái Quốc Tế: "Dồn mọi sức mạnh cho óc tưởng tượng." Không phải là Eberhard đã chấp nhận cái khái niệm xem ra vô lý một cách nguy hiểm đó, đặc biệt là khi nó cố gắng chà đạp lên những thực trạng đẫm máu của cuộc Chiến Tranh Lạnh đang chuyển thành nóng tại Đông Dương. Không, Eberhard bảo tôi là những câu hỏi của anh không phải là những đóm lấp lánh ngẫu nhiên. Chúng diễn tả phản ứng của anh đối với sự phi lý của những gì mà chúng tôi đang trải nghiệm mỗi ngày.
Thế nên, sự phi lý của tấn thảm kịch làm chúng tôi phải từ những góc xa xôi nhất của địa cầu bay tới để viết bài tường thuật là cái gì? Đó là trong buổi chiều hôm đó tại phòng họp báo, sự vô lý và lãng phí về một vấn đề nhỏ nhặt như là chuyện vi phạm vặt do đái bậy trong khi đêm này qua đêm nọ vô số đàn ông, phụ nữ và trẻ em đã bị tra tấn đến chết trong những ngôi làng không phòng vệ bởi mệnh lệnh của con quỷ độc tài toàn trị mà tên tuổi được giới sinh viên biểu tình khắp nơi trên thế giới Tây phương ca vang: "Ho-Ho-Ho-Chi-Minh." Quả là một điều siêu thực một cách quái gở khi đo lường sự tiến triển của cuộc chiến bằng số lượng xác chết đếm được hàng ngày qua những con số thống kê với ba chữ tắt - KIA, WIA và MIA (tử trận, bị thương, và mất tích trong công tác) - làm như cuộc xung đột này chỉ là một sự kiện thể thao trong đó phe thắng giữ những thành tích rùng rợn nhất.
Nó còn siêu thực một cách bệnh hoạn hơn nữa - ở đây tôi đang vượt qua trước câu chuyện của tôi - là trong khi những người lính VNCH, Mỹ, Úc, Tân Tây Lan, Thái Lan và Đại Hàn đang nằm xuống ngoài chiến trận và trong các cuộc tấn công khủng bố, thì một ngôi sao điện ảnh, Hollywood Jane Fonda, cho người ta chụp ảnh cô đang cưỡi một khẩu đại bác phòng không Cộng sản với một nụ cười toe toét trên môi, rõ ràng là nhắm bắn vào phi công của đất nước cô.
Đồng thời, nó còn vô lý một cách ghê tởm hơn nữa khi nghe những ngôi sao truyền thông thỉnh thoảng ghé thăm tường trình về những nỗ lực của Việt Nam Cộng Hòa và miêu tả dân tộc nhiều đau thương này là những kẻ hèn nhát bất tài chuyên đi lường gạt, mà không đếm xỉa gì đến sự hy sinh hàng ngày của họ và làm ngơ trước một dữ kiện không thể chối cãi được là: trong số hàng triệu nạn nhân chiến cuộc bởi cuộc chiến này và trong cuộc chiến do người Pháp tiền nhiệm đã dựng lên, một số rất ít đã tìm sự an toàn tại miền Bắc Cộng Sản hay trong những nơi gọi là "vùng giải phóng" được thành lập bởi Việt Cộng trong miền Nam. Cho đến lúc tận cùng, đa số đã bỏ chạy vào những khu vực thu hẹp dần còn được kiểm soát bởi chính phủ Sài Gòn cùng những đồng minh Hoa Kỳ, Ðại Hàn và Úc của họ, cho đến ngày cuối cùng, binh lính VNCH bị Hoa Kỳ bỏ rơi khi biết là họ chẳng còn tí hy vọng nào, đã chiến đấu dũng mãnh cho cái lý tưởng đã bị đánh mất của họ.
Tôi cũng đã thất kinh trước cách đối xử siêu thực của thế hệ "Hậu Thế Chiến" (baby-boomers) tự cho mình là cái rốn của vũ trụ, miệng hót như những con vẹt khẩu hiệu ngớ ngẩn "hãy làm tình, đừng làm chiến tranh" và đã mạ lỵ binh lính Mỹ khi họ trở về nước: Hầu hết cựu chiến binh Hoa Kỳ mà tôi có dịp được giao rảng giáo lý trong thập niên 80 đều bị gọi là “đồ giết trẻ con” trong 24 tiếng đồng hồ đầu tiên khi họ trở về từ chiến tranh. Đối với tôi là một quan sát viên ngoại cuộc, có vẻ như là trong những trường đại học và ở những khu công cộng khái niệm "người Mỹ xấu xí" đã hiển hiện rõ hơn là trong rừng rậm Đông Nam Châu Á mà những người lính, dù bị động viên hay chuyên nghiệp, đã hy sinh mạng sống của họ.
Có lẽ bức ảnh siêu thực và đáng trách nhất trong toàn bộ cuộc xung đột là tấm hình được chụp 20 năm sau khi Cộng sản cưỡng chiếm miền Nam. Nó cho thấy Bộ trưởng Quốc phòng Mc Namara đang cười về phíamáy ảnh bên cạnh đối phương cũ, tướng Võ Nguyên Giáp, tác giả của cuộc tàn sát tôi đã chứng kiến tại Tây Nguyên và cuộc thảm sát đẫm máu thường dân tại Huế vài năm sau đó. Theo những tiêu chuẩn tòa án quốc tế Nuremberg thì Giáp lẽ ra phải bị mang ra xét xử vì tội ác chiến tranh. Mặc dù vậy, Mc Namara, một trong những "đỉnh cao trí tuệ" của John F. Kennedy, đã vinh danh đối thủ cũ của mình bằng một cái vỗ đùi đen đét theo kiểu “bạn thâm giao xưa”, như thể muốn nói: "Các anh đã thắng, chúng tôi thua, nhưng chúng ta đã có một thời dzui dẻ đánh lẫn nhau, đúng không, hahaha?" Tôi rất chướng tai gai mắt trước cái ngu xuẩn của hành động sỉ nhục hàng trăm ngàn người miền Nam đã phải trả giá cho niềm tin của họ đối với Hoa Kỳ bằng những năm tháng trong những trại tù "cải tạo" của Giáp mà thực chất là những trại tập trung không hơn không kém. Sự khinh thường trơ trẽn đối với những người đàn ông và phụ nữ đã phải khổ đau cho suốt quãng đời còn lại của họ vì di chứng của sự hành hạ bởi đòn tra tấn Cộng sản đã khiến lòng tôi dấy lên sự khinh miệt [đối với Mc Namara].
Tất cả những điều trên là những khía cạnh bỉ ổi của "Kịch Trường của sự Phi Lý." Chúng phù hợp với phương châm của nhóm Tân Tả Phái trong thời kỳ Phục Hưng của chủ nghĩa Siêu Thực trong thập niên 1960: "Dồn mọi sức mạnh cho óc tưởng tượng." Nhìn lại, hành vi lập dị của Eberhard đã mang tính tiên tri một cách kỳ lạ. Bằng men say anh đã vẽ ra một bức biếm họa chính xác nhất cái tương lai mà nhiều người trong chúng tôi theo linh tính đã lo ngại, kể cả Sir Robert Thompson và Bernard Fall và nhóm chúng tôi, những phóng viên đã thương mến đất nước Việt Nam và đã đọc qua lời dự đoán chiến thắng của Võ Nguyên Giáp cũng như sự thất bại tất nhiên của Phương Tây: "Kẻ thù... không có được... những phương tiện tâm lý và chính trị để theo đuổi một cuộc chiến lâu dài."
Lui trở về ngày 13 tháng Giêng 1965, Stanley Karnow, một trong những người chỉ trích ồn ào nhất cuộc chiến Việt Nam trên báo chí Hoa Kỳ, đã sử dụng câu trích dẫn này trong bản cuối của loạt bài viết thông tin với tựa đề, "Trong lòng Việt Cộng." Karnow đã ngụ ý bằng từ ngữ "kẻ thù", Giáp có ý muốn nói đến một chuỗi liên tục các chính quyền Sài Gòn yếu kém, bất ổn và có khi độc tài đàn áp. Tuy nhiên Bernard Fall đã giải thích lời tuyên bố của Giáp một cách chính xác nhất trên một bình diện rộng lớn hơn. Trong kiệt tác "Hai đất nước Việt Nam” (trang 113), Fall diễn tả tuyên bố của tướng Giáp là một "ước tính của các thiếu sót về chính trị và tâm lý của một hệ thống dân chủ (chữ nghiêng của tôi) khi phải đối mặt với một hoạt động quân sự bất phân thắng bại." Đọc cách này, những câu tiên tri của Giáp đã có những hệ quả rất lớn đối với khả năng tồn tại của nền dân chủ.
Khi tôi đang viết những dòng chữ này vào 40 năm sau, nhóm Taliban của Afghanistan, một lực lượng cũng độc tài toàn trị và bền bỉ không kém Cộng sản Việt Nam, đã thừa hưởng được sự bất lực về tâm lý và chính trị của Hoa Kỳ nhằm theo đuổi một cuộc chiến tranh lâu dài cho đến ngày chiến thắng cuối cùng. Hoa Kỳ và các đồng minh NATO đã lơ đễnh cho Taliban biết thời hạn mà các lực lượng Tây phương sẽ rút ra khỏi Afghanistan. Giống như ở Việt Nam, bọn "kẻ thù của tự do" [Taliban] đã biểu lộ tính vô nhân đạo của họ một cách thô bạo nhất vì dự đoán được chiến thắng của họ đã gần kề. Cách đây không lâu, họ đã chặt đầu 17 người về "tội danh" tham dự một bữa tiệc có đủ hai giới nam nữ lẫn lộn.
Làm như Washington không bao giờ rút ra được một kết luận hợp lý nào từ những lời cảnh báo bi quan do Bernard Fall để lại. Anh viết:
"Trong mọi tình huống, Giáp kết luận, ý kiến công chúng trong nền dân chủ sẽ đòi hỏi phải chấm dứt ngay các 'cuộc đổ máu vô ích.' Hoặc giới lập pháp sẽ cố nài muốn biết bao lâu nữa họ phải bỏ phiếu cho những ngân sách khổng lồ mà không thấy thắng lợi nào rõ rệt nào trong tầm tay. Điều này vĩnh viễn buộc các cấp chỉ huy quân sự của những quân đội dân chủ phải hứa hẹn một sự kết thúc nhanh chóng trong mọi cuộc chiến - 'mang tụi nhỏ về nhà trước Giáng Sinh' - hoặc là buộc các chính trị gia dân chủ phải đồng ý với hầu hết các thỏa hiệp nhục nhã chứ không chấp nhận ý tưởng phải theo đuổi một chiến dịch lâu dài chống du kích chiến."
Kể từ khi sau cuộc chiến Việt Nam, giới truyền thông đã bị cáo buộc là những kẻ đểu giả trong cái "Kịch Trường của sự Phi Lý" này, mà các sử gia tương lai có thể diễn tả bằng cụm từ ngữ trần trụi hơn: "Lời cầu hồn cho nền dân chủ." Nhưng cũng thật không công bằng khi đổ lỗi cho tập đoàn báo chí Sài Gòn về khúc quanh bi thảm này. Khi tôi đến Việt Nam lần đầu, hầu hết những nhà báo có tín nhiệm đều hỗ trợ cho nỗ lực chiến tranh. Một số "ủng hộ" bằng cách thói chỉ trích mà tôi luôn cảm thấy khó chịu ở giới báo chí Hoa Kỳ: họ biểu lộ cái bản năng bắt lỗi "quả tang nhé" trong những câu chuyện kể lại các sơ xuất của chính phe mình. Một số kém sâu sắc hơn thì có xu hướng nhấn mạnh một cách quá đáng "góc cạnh Mỹ" của cuộc xung đột, đồng thời ít quan tâm tới cái dân tộc mà cuộc chiến này hoàn toàn xoay quanh nó: người Việt Nam. Phóng viên của các tờ báo địa phương như anh bạn Ronald Ross của tờ Minneapolis Tribune thì phải chịu thêm gánh nặng phải có trách nhiệm với dân bản xứ nữa. Tuy nhiên những bản tin về binh lính và thường dân trong những vùng mà các tờ báo này được phân phối cũng là phương tiện hữu hiệu để giúp cho độc giả tập trung vào cuộc chiến nhiều hơn.
Ngay cả cái đám 70 phần trăm mà theo như Richard Pyle mô tả là đã không bao giờ ra tới mặt trận, trong đó dĩ nhiên có tay nhà báo Joe Ba Xu đầy hung hăng, cũng không hẳn là những kẻ phản bội. Trong khi đó thì đám 30 phần trăm còn lại có tham dự chiến trận thì quả là can đảm có thừa và thường phải trả một giá rất đắt cho lòng dũng cảm đó bằng thương tật, bằng chấn thương tâm lý dễ đưa đến các cuộc ly dị, và đôi khi kể cả cái chết nữa. Họ bao gồm những bạn bè hào hùng của tôi như gương huyền thoại William Tuohy của tờ Angeles Los Times, hay R.W. Apple của tờ New York Times, hoặc Ron Nessen của đài truyền hình ABC, người sau đó trở thành thư ký báo chí của Tòa Bạch Ốc thời Tổng thống Gerald Ford, James Wilde của tờ Time, hoặc Peter R. Kann, nhà văn dí dỏm của tờ Wall Street Journal, sau này vươn lên là Giám đốc điều hành và Chủ tịch Hội đồng quản trị của Dow Jones.
Họ chắc chắn không phải là những người đã để thua Việt Nam. Nhưng, như tướng Giáp đã trả lời phóng viên CBS Morley Safer trong một cuộc phỏng vấn vào năm 1989: "Đừng quên là cuộc chiến đã được mang vào tận phòng khách của dân Mỹ." Vì thế ông đã thừa nhận vai trò của các phương tiện truyền thông trong thắng lợi của ông ta. Như vậy thì ai là đồng minh trên nguyên tắc của Giáp nếu không phải là những ký giả Mỹ trên chiến địa? Đến đây tôi xin phép được nói lan qua về những cuộc nghiên cứu về truyền thông với lời hứa sẽ trở về lại phần tường thuật trong những đoạn tiếp theo. Tôi vẫn luôn phẫn nộ đối với lời cáo buộc rằng các phóng viên trú đóng tại Sài Gòn vẫn hướng lòng về phía Hà Nội hay đúng ra, hướng về Mạc Tư Khoa, kẻ bảo trợ chính của Hà Nội. Nếu cho là chúng tôi đã hy sinh mạng sống hay một phần thân thể để phản bội những kẻ đã cùng với nhiều người trong chúng tôi chia sẻ nỗi thống khổ hàng ngày thì đó là một sự vu khống trắng trợn, mà nó lại còn lờ đi sự thay đổi căn bản của ngành báo chí Mỹ và sau đó là truyền thông Âu Châu trongkhi chúng tôi vẫn làm nhiệm vụ theo các lề lối xưa cũ.
Một thế hệ mới các nhà truyền thông nổi tiếng và đám trẻ đầy tham vọng theo chân họ đã xuất hiện trong các phòng tin và phòng họp báo của các công ty phát thanh truyền hình và các nhà xuất bản trong những năm 1960. Một mặt, đây là những ngôi sao sáng như Walter Cronkite đã từng một thời là phóng viên chiến trường xuất sắc nhưng đã tàn lụi dần từ khi được quàng hào quang của một siêu sao, mặt khác đó là sản phẩm của những trường cao đẳng và đại học nghệ thuật tự do ngày càng lý tưởng hão huyền hơn. Họ không được khuyến khích bởi cái cảm giác ngạc nhiên, đã một thời là dấu ấn của các nhà báo cổ điển, mà bởi khát vọng "tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn," khát vọng mà phần lớn các sinh viên báo chí Mỹ cho rằng đó là một trong những lý do để lựa chọn nghiệp vụ này. Nhà xuất bản Rupert Murdoch sau này nhắc đến dạng người này một cách khinh thường là một loại "học giả tự-phục-vụ."
Họ theo đuổi một sự thay đổi thời thượng trong ngành báo chí khi nghề này đã biến chất từ một nghề "thủ công" thực tiễn thành một tháp ngà học thuật giả hình. Như James Fallows đã viết trong cuốn sách "Breaking the News" (Nhà xuất bản Pantheon, New York, 1996), "Khuynh hướng là... trở thành một ký giả 'nổi bật' mà không cần phải làm công việc của một phóng viên." Steven Cuozzo, nguyên biên tập viên điều hành của tờ New York Post, đã nhận xét là lớp già "thô lỗ, uống rượu như hũ chìm," tầng lớp lao động của đệ tứ quyền đã dần bị thay thế bởi đám trẻ cả nam lẫn nữ nghiêm trang, có học vấn cao hơn và chú trọng trước tiên vào các vấn đề xã hội. Lớp cũ thì có khả năng cười đùa trong những chủ đề mà họ đang tường thuật -"Để đó, làm chầu bia cái đã"; lớp sau này thì có cái nhãn hiệu cầu chứng là "sự vắng bóng của tính hài hước," Cuozzo đã viết như vậy trong cuốn hồi ký vui "Vẫn còn sống!" (Nhà xuất bản Random House, New York, 1996).
Những ký giả theo trường phái truyền thống, loại thủ công nghiệp vẫn còn hoạt động trong thời gian tôi ở Việt Nam. Những câu chuyện của họ vẫn được đăng, mặc dù trong nhiều trường hợp, càng lúc càng lui dần về những trang sau. Ánh đèn sân khấu được dành riêng cho các nhà báo mới, những chuyên viên, những nhà bình luận ngôi sao thường thích ban ý kiến nhiều hơn là tường thuật. Họ bay ra bay vô Sài Gòn với các "nhiệm vụ đặc biệt" và phủ trên người những bộ đồ trận mới ủi, lên mặt giảng dạy trước hàng triệu khán giả, không phải trên căn bản những gì họ trải qua trong rừng rậm và làng mạc, trong đồng bằng sông Cửu Long hay trên Tây Nguyên, mà là dựa vào cái mẫu mực của tư tưởng phản chiến mà chính họ đã được nuôi dưỡng từ trong những khu công cộng tại Hoa Kỳ. Và do đó, chính họ là những người đã gây ra cái tình trạng mà Võ Nguyên Giáp đã tiên đoán khi ông viết: "Kẻ thù... không có được... những phương tiện tâm lý và chính trị để theo đuổi một cuộc chiến lâu dài."
Bây giờ, tôi xin tiếp tục cuộc hành trình đầy cảm xúc, trở về lại những chuỗi ngày của một phóng viên trẻ tại những gì còn lại của Sài Gòn như một Paris của phương Đông; cuộc hành trình trở về những ngày mà đường Tự Do vẫn còn giống con đường Catinat cũ đầy sức quyến rũ và trước khi thành phố đó biến thành một khu phố đèn đỏ khổng lồ. Trở về lại thời đại mà tiếng Pháp vẫn còn được dùng xen kẽ trong tầng lớp có học thức, và có thể tiếp xúc được với các tướng lãnh quyền hành nhất bằng cách lắng nghe lời gợi ý kín đáo của viên tùy phái thì thầm trong tai bằng tiếng Pháp: "Ông có thích rượu sâm banh không? Ồ, tôi cũng vậy, tôi mê Dom Pérignon lắm!" Tôi đi mua ngay ba chai trong PX và đương nhiên trở thành người bạn thân của ông tướng cho đến khi tôi rời hẳn Sài Gòn. Không phải là ông tướng uống sâm banh mà chính là viên tùy phái với đồng lương nghèo đói đó. Cạn ly nhé, ông quan ba của tôi ơi, cái gu của ông thật là quý phái.
Vấn đề tạm xong, bây giờ tôi phải giải quyết một chuyện sinh tử: làm thế nào để đưa được những câu chuyện của tôi ra ngoài? Thời đó chưa có Internet, cũng chẳng có email hay máy fax. Dịch vụ điện tín có hệ thống telex riêng của họ, chẳng hạn như dịch vụ tin tức của các tờ báo New York Times, Washington Post, Los Angeles Times mà một số phóng viên Mỹ cũng có thể sử dụng ké được. Nhưng rồi những người còn lại thì sao? Thư máy bay thì chậm và không tin tưởng được. Tôi có quyền sử dụng hệ thống bưu chính APO rất đáng tin cậy của quân đội Hoa Kỳ nhưng nó chỉ có thể cung cấp thư từ cho nội bộ nước Mỹ mà thôi. Ðôi khi tôi dùng đường vận chuyển hàng không nhưng quá cồng kềnh và đắt tiền để đưa những bản sao của tôi ra ngoài. Tuy nhiên có một cơ sở "tiền chiến" - trong trường hợp này có nghĩa là trước Thế Chiến thứ Hai: hệ thống Bưu Chính, Điện Thoại và Điện Tín (P.T.T.), một tổng công ty cổ phần vẫn còn là sở hữu và được điều hành bởi công ty mẹ bên Pháp. Theo những gì tôi biết, nó chỉ có một đường dây điện thoại qua Paris, có thể là hai, nhưng rất hay bị hư. Phải mất hàng giờ để bắt được Hamburg nhưng với phẩm chất quá kém thì giá cả như vậy là quá đáng. Điện tín rẻ hơn nhưng chỉ có thể gởi đến văn phòng báo chí tại Paris, và những bản viết của tôi tới nơi cũng thường trở thành một mớ hỗn độn một cách tuyệt vọng.
"Tôi phải làm sao bây giờ?" Tôi hỏi Linh, nhân vật nguyên là nhạc công trombone của đoàn Lê Dương Hải Ngoại mà thỉnh thoảng vẫn làm phụ tá cho tôi.
"Vấn đề là phải làm sao né được kiểm duyệt," Anh ta đề nghị.
"Tôi tưởng là không có cái vụ kiểm duyệt ở đây?" Tôi phản đối.
"Bề ngoài thì không có kiểm duyệt, nhưng thực tế thì có, nhưng những người lo kiểm duyệt thường chỉ biết tiếng Anh hoặc tiếng Pháp. Khi bạn gởi một điện tín, tôi đoán là họ phải tìm một tay lính Lê Dương cũ biết tiếng Đức. Điều này sẽ làm chậm trễ mọi thứ và tôi e rằng một số điện tín của bạn sẽ không bao giờ tới nơi được. Để tôi xem có thể làm được cái gì không."
Vài ngày sau đó Linh đến khách sạn Continental với một ông già trông bề ngoài hốc hác và giới thiệu là phó giám đốc, hay là phó quản lý của Bưu Điện Trung Ương Sài Gòn, một cơ sở nguy nga được trang trí lộng lẫy và xây dựng vào năm 1891 bởi Alfred Foulhoux et Henri Vildieu, hai kiến trúc sư vĩ đại của Thời Kỳ Tươi Ðẹp Pháp Quốc.
Ông ta tự giới thiệu là Nguyễn, một cái tên phổ biến ở Việt Nam như Smith trong tiếng Anh, Dupont tiếng Pháp hoặc Müller trong tiếng Đức. Ông Nguyễn háo hức nhận điếu thuốc lá Gitanes Pháp loại nặng của tôi, cho rằng ngon hơn hẳn so với loại Bastos sản xuất trong nước. Ông hút thuốc lá liên tục.
"Thưa ông, tôi đến gặp ông với một yêu cầu khá bất thường," ông ta nói. "Ông thấy đó, thằng cháu của tôi có thể sẽ chết vì lao phổi nếu không có những biện pháp quyết liệt. Các loại thuốc lao hiện có ở Việt Nam đều không còn hiệu nghiệm nữa. Tôi nghe nói Tây Đức đã sản xuất ra một loại thuốc mới chưa có trên thị trường vì còn đang trong giai đoạn thử nghiệm." Ông Nguyễn đưa cho tôi một mảnh giấy có ghi một tên La Tinh nào đó. "Ông có thể nào tìm cho tôi được không? Tôi nghĩ chúng tôi không còn nhiều thời gian nữa. Tôi rất mừng nếu được phép trả một giá phải chăng."
Nhìn ông Nguyễn tôi quá nghi là ông nói về chính ông ta chứ chẳng phải người bà con nào hết.
"Để xem chúng ta có thể làm gì được nào," tôi trả lời, đi đến bàn làm việc và gõ ngay một bức điện tín cho ông xếp Julius Hollos tại Hamburg. Đó là một lời yêu cầu khẩn cấp chuyển cho BS Langsch, Y sĩ trưởng của Tổng công ty Axel Springer tại Hamburg để lùng cái sản phẩm đó ngay từ hãng sản xuất và gởi nó về Sài Gòn ngay trong chuyến bay Air France sớm nhất.
"Xin ông vui lòng gởi cái này đi Hamburg nội trong ngày hôm nay nhé." Tôi nói với ông Nguyễn. "Ông cố làm sao để nó đến được trước cuối tuần thì bác sĩ công ty chúng tôi có thể ra tay ngay lập tức."
Nhờ tính hiệu quả đáng ngạc nhiên của người Đức kết hợp với sự linh động của một đế quốc xuất bản đang phát triển mạnh mẽ thời hậu chiến, BS Langsch đã xoay sở tìm ra cho tôi cái sản phẩm đó chỉ trong vòng ba ngày sau. Một mảnh giấy lịch sự kèm theo trong gói bưu phẩm thông báo cho ông Nguyễn biết món dược phẩm đó là quà tặng của nhà xuất bản Axel Springer Verlag và xin ông đừng ngần ngại liên lạc lại với tôi nếu cần bất kỳ nhu cầu nào khác về sức khỏe.
Điều này đã giải quyết xong vấn đề thông tin liên lạc của tôi. Từ đó trở đi những điện tín của tôi đến văn phòng Paris nhanh cấp kỳ và không còn bị lộn xộn nữa. Khi tôi gặp lại ông Nguyễn vài tháng sau tôi hầu như không thể nhận ra ông nữa. Ông trông trẻ hẳn ra, tràn đầy sức khỏe và béo tốt, bỏ không hút thuốc nữa và khuyên tôi nên làm như vậy. Tôi nghe lời ông mười năm sau tại Paris trong tháng Sài Gòn bị thất thủ. Ông cũng nói là "cháu trai" ông đã khỏi bệnh và xin tôi chuyển lời cảm ơn chân thành nhất đến Hamburg.
Bất cứ khi nào tôi nghĩ về câu chuyện gặp viên tùy phái thích sâm banh của ông tướng và ông phó giám đốc sở Bưu điện P.T.T. và câu chuyện về “đứa cháu trai” bị lao thì lòng tôi lại quặn thắt nhớ đến Sài Gòn và những ngày đầu của tôi tại Việt Nam. Cũng là một điều thú vị khi tôi nhận thấy các đồng nghiệp người Mỹ và Âu Châu đã phản ứng khác nhau với các giai thoại đó. Người Mỹ, nhất là đám trẻ nghiêm trang, cho rằng đó là những bằng chứng rõ thêm là chế độ miền Nam Việt Nam đã tham nhũng như thế nào. Người Âu Châu, đặc biệt các phóng viên đài truyền hình Đức thỉnh thoảng ghé qua Việt Nam và anh bạn Nam Phi Donald Wise, hầu hết đã từng là sĩ quan chiến trường thời Thế Chiến thứ Hai, thì lắng nghe các câu chuyện của tôi với một nụ cười hiểu biết. Họ cảm thấy những mẩu chuyện rất thú vị và cho thấy toàn bộ bản sắc văn minh của một quốc gia đã từng đón tiếp chúng tôi, họ đã biết sử dụng một cách khéo léo những khuyết điểm của con người, cùng với các nhược điểm vô hại để làm tròn công việc.
Nguyên tác: Media Theatre of The Absurd – Chương 6 trong tác phẩm: "Duc, a reporter's love for a wounded people", tác giả: Uwe Siemon-Netto.
Người dịch: Lý Văn Quý & Nguyễn Hiền
________________________
Xem chương 1: Như biển cả, như bầu trời
Xem chương 2: Yếu tố Gillian
Xem chương 3: Ðể tỏ lòng tôn kính đến đại úy Ngữ
Xem chương 4: Cái chết trong thành phố
Xem chương 5: Cái chết trong làng
***
Uwe Siemon-Netto (1936), sinh tại Leipzig (Ðức), từng là ký giả quốc tế suốt 53 năm. Trong thập niên '60 ông là phóng viên thường trực của tạp chí Ðức Thế Giới (Die Welt) tại Việt Nam. Hiện ông cư ngụ tại California (Hoa Kỳ) và là Giám Ðốc Ðiều Hành Trung tâm Thần học Luther và Ðời Công. Tác phẩm "Ðức, Tình yêu của một phóng viên cho một dân tộc nhiều đau thương" được ông viết theo lời thỉnh cầu của Lý Văn Quý.