Lý Văn Quý & Nguyễn Hiền


 

Chương 5

Cái chết trong làng

 

 

Majestic là một khách sạn được xây dựng theo phong cách kiến trúc vùng Riviera của nước Pháp. Tôi rất mến cái vẻ quyến rũ đang tàn tạ của tòa nhà đó cùng với những câu chuyện được kể về cái quá khứ đầy màu sắc, đặc biệt là những huyền thoại chung quanh người chủ, một nhân vật huyền bí trong nhóm người đảo Corse tại Đông Dương. Tên ông ta là Mathieu Franchini. Ông đến Sài Gòn từ thành phố Marseille ngay sau Đệ Nhất Thế Chiến với tư cách là bồi phòng trên một chiếc tầu và mau chóng tự tạo cho mình một cơ đồ đáng kể, tuy có nhiều mặt không được lương thiện lắm.

Franchini kết hôn với một người thuộc các gia đình Việt Nam giàu có nhất và trở thành một chủ khách sạn nổi tiếng, đồng thời còn được coi là "bố già" của những tập đoàn người đảo Corse tại Sài Gòn. Trong nhiều thập niên, Franchini làm cố vấn tài chánh chính cho Bình Xuyên, một lực lượng quân sự-chính trị độc lập trong quân đội Việt Nam. Sau này thì Bình Xuyên bị chính quyền Việt Nam tiêu diệt mất. Nhiều người tôn thờ Bình Xuyên như là những Robin Hood của phương Đông, người khác thì sợ Bình Xuyên như là những tên băng đảng tàn nhẫn. Họ khởi đầu là những tên cướp hoạt động trên sông và sau đó thâu tóm việc buôn bán thuốc phiện, mãi dâm và có thời kỳ làm cả cảnh sát của miền Nam Việt Nam. Tôi được nghe kể rằng có một dạo Franchini sở hữu hầu hết các căn nhà chứa ở thành phố. Là một nhà báo luôn luôn tò mò, tôi rất tiếc chưa bao giờ được diện kiến Mathieu Franchini. Khi tôi đến Sài Gòn, ông đã về lại Pháp, nơi ông qua đời trong mùa Thu năm 1965.

Tuy nhiên, ấn tượng của buổi tối tang thương hôm đó đã in quá sâu vào trong tâm trí để tôi có thể ở tiếp trong khách sạn Majestic: gặp được cặp tình nhân đầy duyên dáng trong nhà hàng để rồi vài tiếng đồng hồ sau bị nghe tiếng thét tra tấn từ cửa phòng bên cạnh, thấy người phụ nữ mặc đồ tím bỏ chạy dọc hành lang với mái tóc dài đen tung rối đàng sau, và sau đó bất lực trước cảnh người tình Mỹ của cô đổ máu đến chết từ háng ra, bộ phận sinh dục và lưỡi dao cạo dài nằm bên cạnh. Trong hai, ba ngày sau căn phòng bên cạnh đó bị niêm phong để cảnh sát và chuyên gia pháp y làm việc. Sau đó, thợ có đến để sơn sửa lại nhưng tôi đã rời khách sạn rồi.

Trong lúc tôi đang thanh toán hóa đơn thì Bernard B. Fall bước vào. Anh là một nhà nghiên cứu về chính trị, người Pháp, và là tác giả của cuốn "Hai đất nước Việt Nam" mà tôi quan niệm là một cuốn sách cần thiết phải đọc cho những ký giả nào muốn tường thuật về cái xứ sở kỳ bí này.

"Anh viết cho Die Welt phải không?" Fall hỏi tôi bằng tiếng Đức. "Định bỏ đi à, thật là một điều đáng tiếc."

Tôi rất ngạc nhiên. Bernard Fall sinh ra tại Vienna, cha mẹ là người Do Thái và đã trốn qua Pháp với gia đình khi Đức chiếm đóng Áo quốc. Tại Pháp, mật thám Gestapo đã tra tấn cha của Fall đến chết, trong khi mẹ của ông thì bị đày đến trại Auschwitz và bị giết trong phòng hơi ngạt. Vậy mà người này lại lấy làm tiếc khi thấy một tay người Đức ra đi?

"Tôi đã đọc những truyện của anh," anh ta giải thích. "Anh có vẻ yêu mến cái đất nước Việt Nam và đang cố gắng tìm hiểu nó. Chúng ta có cùng chung một điều là: tôi đã dành tặng cuốn 'Hai Đất Nước Việt Nam' cho cái dân tộc Việt Nam đầy dũng cảm và khổ đau triền miên này."

"Tôi chỉ dọn lên Continental thôi," tôi nói. "Hay có muốn ăn trưa ở Ramuntcho trên đường Lê Lợi không? Họ có a-ti-xô tươi từ trên Đà Lạt đưa xuống. Loại ngon nhất thế giới và đang trong mùa đấy."

"Thế mình hẹn một giờ tại Ramuntcho vậy," Fall nói.

Tôi lái xe chở va-li dọc đường Tự Do lên Continental, một khách sạn kiểu Pháp còn cũ hơn nữa mà sau này sẽ trở thành chỗ tôi trú ngụ tại Sài Gòn trong bốn năm sau đó. Được xây vào năm 1880, khách sạn này được điều hành bởi người con của Mathieu Franchini tên là Philippe, một người đảo Corse lai Việt có tính nghệ sĩ, một nhà văn và sử gia, lấy được một cô vợ người Hoa rất quyến rũ. Philippe đã trở thành bạn thân của tôi và là một nguồn thông tin vô giá về lịch sử đất nước của anh và bản chất phức tạp của xã hội Việt Nam.

Tại tiệm Ramuntcho, vẻ mặt Bernard B. Fall không vui. Anh ta đã viết thật nhiều về nạn khủng bố của Cộng sản ở Bắc Việt và rõ ràng không muốn chuyện đó xảy ra tại miền Nam. Fall ủng hộ các nỗ lực chiến tranh của Hoa Kỳ nhưng có vẻ tuyệt vọng về sự ngây thơ và sự thiếu kiên nhẫn của người Mỹ.

"Võ Nguyên Giáp chắc đang xoa tay khoái chí lắm. Ông ta tiên đoán là các nền dân chủ không có lòng nhẫn nại để nhìn thấy thông suốt mọi chuyện."

"Tôi biết, tôi đã đọc điều đó trong cuốn sách của bạn rồi," tôi trả lời.

"Trong vài tháng tới đây, Washington sẽ Mỹ hóa cuộc chiến này nhằm giải quyết cho xong thay vì kiên nhẫn xây dựng những khu vực bền vững cho người dân Việt Nam và tạo cho họ một cảm giác an toàn hơn. Cái thành phố và cả cái xứ sở này rồi đây sẽ đầy lính Mỹ. Một số sẽ trở về trong bao xác, phong trào phản chiến tại Hoa Kỳ sẽ phát triển mạnh mẽ, gây áp lực lên chính quyền để tìm một lối thoát nhanh hơn. Tôi đánh cá là Võ Nguyên Giáp đang sướng mê tơi. Có vẻ là một điều mâu thuẫn bi thảm nhưng tôi biết là nước Mỹ không có cái quyết tâm để đánh bại chế độ độc tài tàn bạo trong một cuộc chiến tranh du kích. Điều này làm tôi lo ngại vì đã phải chịu đựng sự độc tài lúc còn nhỏ và phải chiến đấu chống lại nó.”

Bernard Fall đã từng chiến đấu trong kháng chiến Pháp chống lại Đức Quốc Xã và phục vụ trong quân đội Pháp trước khi qua Mỹ để học hậu đại học. Trong thời gian chúng tôi gặp nhau thì anh đã là Giáo sư thực thụ của trường Howard University tại Washington, D.C.

Tôi kể lại cho Fall về Long Khốt và Đại úy Ngữ.

"Anh thấy chưa?" Fall nói, "Đó chính là chiến lược của Sir Robert Thompson đấy. Washington không chịu nghe theo lời ông ta. Đơn giản  là [Bộ trưởng Quốc phòng] McNamara không hiểu gì về cuộc chiến này. Vì vậy Sir Robert phải ra đi."

"Bạn có vẻ giống tụi Lính Mũ Nồi Xanh nhỉ," tôi bảo anh ta.

"Tôi biết chứ. Họ là những người giỏi và hoàn thành tốt trách nhiệm. Bạn lên vùng Cao nguyên Trung Phần thì rõ ngay. Đi ngay trước khi những sư đoàn lính Mỹ đến. Đi để nhìn tận mắt nơi nào Lực Lượng Đặc Biệt đã thành công và nơi nào họ bị mắc kẹt lại." Fall nói với giọng đầy vẻ buồn bã.

"Bọn Cộng sản đang thắng thế rồi," anh ta tiếp. "Chúng đã xâm nhập từ miền Bắc qua ngả Lào và Cam Bốt rất đông. Và những dân làng miền Nam Việt Nam không có khả năng tự vệ vào ban đêm. Những lực lượng lớn của Mỹ sẽ tiến hành các cuộc hành quân "Tìm và Diệt," sẽ giết hàng khối binh lính Cộng sản bằng hỏa lực không quân. Vấn đề là bọn Cộng sản không cần biết họ chết bao nhiêu. Họ thừa người. Nhưng ban đêm thì lính bộ binh Mỹ sẽ rút về căn cứ của họ. Họ không có nhiệm vụ tảo thanh lãnh thổ rồi cố thủ để bảo vệ người dân vì chuyện này phải đòi hỏi một sự cam kết trong hàng chục năm lận."

Chỉ trong vòng một vài câu mà Bernard B. Fall đã vạch rõ tình trạng tiến thoái lưỡng nan của Hoa Kỳ tại Việt Nam trước khi nó trở nên hiển nhiên đối với các nhà lãnh đạo chính trị và các chiến lược gia tại Mỹ. Một năm trước đó, Fall đã công khai nói lên niềm tin của anh rằng Hoa Kỳ không thể thắng nổi cuộc chiến Việt Nam vì chính những lý do mà anh đã kể cho tôi nghe tại quán Ramuntcho đó. Không phải là Fall muốn nước Mỹ thất trận, cũng không phải là tay cựu chiến binh này là một gã phản chiến xuẩn ngốc hay tệ hơn nữa, là thân cộng, cũng không phải là anh không trung thành với nước Mỹ. Ngược lại anh đã bi quan phỏng đoán về việc Mỹ không có khả năng giànhthắng lợi trong một cuộc chiến tranh lâu dài với một nỗi buồn và một lòng hối tiếc sâu xa.

J. Edgar Hoover, giám đốc FBI đã đặt Bernard B. Fall vào danh sách cần theo dõi chỉ vì lý do là Washington không nhìn ra quan điểm của anh ta, cũng như quan điểm của Sir Robert Thompson cho đến nhiều năm sau khi Tổng thống Richard M. Nixon tìm lại lời khuyên xưa của viên cựu cố vấn đại tá người Anh thì đã quá muộn màng rồi. Lục lọi lại những mẩu bài viết của tôi trong thời kỳ đó, tôi tìm lại được một bản tin phân tích tôi viết trên tờ Die Welt ngày 7/9/1967 với tựa đề “Verfolgen die USA eine falsche Strategie?” (Có phải Hoa Kỳ đang theo đuổi một chiến lược sai lầm?) dựa một phần vào những cuộc thảo luận của tôi với Fall và bài bình luận của Sir Robert Thompson trên tạp chí The Spectator của Anh quốc.

Bài bình luận này được viết một năm sau khi ông rời Việt Nam và sau khi nước Mỹ bị thiệt hại 4 ngàn binh lính đầu tiên của họ trong cuộc chiến. Bài viết trên tờ The Spectator là một khuyến cáo lần nữa của Sir Robert là Hoa Kỳ nên theo đuổi một "chiến lược dẫn đến chiến thắng": Bằng mọi cách phải sử dụng tối đa sức mạnh quân sự chống lại lực lượng chính quy Bắc Việt nhưng phải giảm thiểu tối đa thương vong của người dân thường, phải triển khai quân đội Mỹ và Nam Việt với trọng tâm là để chinh phục, chiếm đóng và bảo vệ các trung tâm dân cư, ngăn chận các nguồn tiếp tế có giá trị cho Việt Cộng về các mặt tuyển dụng nhân sự và tiếp liệu. Đấy cũng là thông điệp của Bernard Fall.

Sau lần gặp gỡ đầu tiên, tôi gặp lại Fall nhiều lần nữa tại Sài Gòn và một hay hai lần tại trường đại học Howard tại Washington. Ngày 21/2/1976 ông đạp nhằm một quả mìn nẩy loại "Bouncy Betty" và bị giết cùng với Thượng sĩ Byron G. Highland, một nhiếp ảnh gia TQLC Hoa Kỳ. Fall đã chết trên "Con Lộ không Niềm Vui" (Street Without Joy), tên gọi mà Quân đoàn Viễn chinh Pháp đã đặt cho đoạn đường dài 70 dặm của quốc lộ 1 từ Huế đến Quảng Trị. Đó cũng là tựa đề của cuốn sách nổi tiếng của Fall viết về cuộc chiến Đông Dương lần thứ nhất. Trong cuốn tự truyện "Cuộc Hành Trình Hoa Kỳ Của Tôi" (My American Journey), nguyên Bộ trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ tướng Colin Powell đã nói về tác phẩm đó như sau:

"Gần đây tôi đã đọc lại cuốn sách của Bernard Fall viết về Việt Nam, Con Lộ Không Niềm Vui (Street Without Joy). Fall đã làm sáng tỏ một cách đau đớn là chúng ta hầu như không có sự hiểu biết nào về những gì mà chúng ta đã dấn thân vào."

Ngay trong buổi sáng sau khi ăn trưa với Fall xong, tôi đến căn cứ không quân Tân Sơn Nhất để đón một chuyến bay C-123 đi Pleiku ở Cao Nguyên Trung Phần. Đích đến cuối cùng của tôi là căn cứ hình tam giác của Lực Lượng Đặc Biệt Hoa Kỳ tại Plei Me, 25 dặm về hướng Nam của Pleiku, mà tám tháng sau đó sẽ trở thành địa bàn chính của các cuộc đụng độ lớn giữa quân đội chính quy Bắc Việt và lực lượng Hoa Kỳ. Tôi nôn nóng đến Plei Me vì nhóm "Mũ Nồi Xanh" ở Mộc Hóa, cũng như Fall và Sir Robert Thompson đã nói với tôi rằng: Trong cuộc chiến này, phía bên nào kiểm soát được Cao Nguyên sẽ nắm được thượng phong. Cao Nguyên quan trọng như thế nào đã rõ hơn trong tuần lễ trước chuyến đi của tôi. Việt Cộng tấn công trại Holloway, một căn cứ máy bay trực thăng gần đó, giết 8 lính canh, làm bị thương 108 người và phá hủy 18 máy bay. Sự kiện này đã khiến Tổng thống Lyndon B. Johnson bắt đầu một chiến dịch dội bom chống Bắc Việt.

Trong lúc chờ đợi chuyến bay C-123 đi Pleiku, trạng thái tâm lý thần kinh căng thẳng đã chơi tôi một vố. Ngồi chờ bên cạnh tôi trên sàn của phòng đợi của trạm đi căn cứ quân sự Tân Sơn Nhất là một trung tá Không Lực Hoa Kỳ có đeo trên bộ áo trận huy hiệu hình con rắn cuốn quanh cây gậy thần Y khoa Aesculapius.

"Anh là bác sĩ hả?" Tôi hỏi.

"Nha sĩ," ông ta trả lời. "Tôi là nha sĩ trưởng Không Quân tại Việt Nam, đi kiểm tra các cơ sở chúng tôi tại những vùng hẻo lánh."

Tự dưng tôi cảm thấy bị nhức răng và khai với ông ta như vậy.

"Bạn may mắn đấy. Khi chúng ta đến Pleiku, đi theo tôi ngay. Phòng khám chúng tôi ngay trong phi trường."

Máy bay hạ cánh. Tôi theo đến một cái lều, nhìn thấy một cái máy khoan răng đạp chân, nghe thấy tiếng rít ghê rợn của nó và tiếng rên của bệnh nhân thì chợt hết nhức răng ngay tức khắc. Bên ngoài cái phòng khám tạm bợ đó có ai gọi tên tôi: "Siemon-Netto đi Plei Me!" Cảm ơn Chúa, mồm tôi được thoát nạn rồi. Tôi mừng rỡ với phép lạ được khỏi bệnh, chào vĩnh biệt nha sĩ và vui vẻ nhảy lên một chuyến xe jeep tới một căn cứ quân sự mà tôi rất thích thú sau này.

Plei Me là nơi đặt bản doanh của Toán Lực Lượng Đặc Biệt A-313, gồm 12 người dưới quyền chỉ huy của Đại úy Ronnie A. Mendoza, một viên sĩ quan gốc Philippines lực lưỡng mà 5 năm sau lên Trung tá và mất mạng trong một chuyến bay Air America bị rớt tại Cao Nguyên Trung Phần. Air America còn được mệnh danh là "Hãng Hàng Không Ma Quái" (Spooky Airlines) do CIA làm chủ và điều hành.

Những cư dân khác của Plei Me gồm khoảng 250 người bộ tộc Jarai nói tiếng Môn-Khmer, một dạng ngôn ngữ Malayo-Polynesian. Họ là những chiến binh dũng mãnh, trung thành một cách mãnh liệt không kém đối với người Mỹ mà họ thích hơn là đa số những người Việt Nam khác, Cộng sản hay không. Nhóm Mũ Nồi Xanh rõ ràng là rất yêu mến những người đàn ông nhỏ thó này vì tài năng vượt qua Lào làm công tác trinh sát và mang về những tin tức tình báo đáng tin cậy. Mendoza và một vài thuộc cấp nói được tiếng Jarai và cũng xoay sở tập được cách im lặng hút bằng ống trúc những lượng lớn rượu gạo, một loại thức uống có vị hôi để lên men trong những vò thật to. Trong những năm sau đó, các bộ lạc miền núi như thế này vẫn thường thử nam tính của tôi bằng cách hứa hẹn những cô gái đáng yêu nhất trong làng nếu tôi thành công uống nổi một số lượng nào đó cái chất kinh sợ đó. Dĩ nhiên là tôi thất bại, người bật ngửa ra phía sau trước khi liếc nổi những cô gái xinh đẹp đã được hứa hẹn kia.

Tôi mang theo một chai Scotch và chai này được chuyền tay trong nhóm Mũ Nồi Xanh trong lúc họ kể lại những thành công và thất vọng của họ. Câu chuyện hay nhất liên quan đến một tay Đại úy Lực Lượng Đặc Biệt da đen đã được giới thiệu với một gia đình Rhadé. Có liên hệ với người Jarai, người Rhadé là một xã hội mẫu hệ. Nếu con gái của viên trưởng làng Rhadé mà yêu bạn thì hậu quả sẽ không lường được. Điều này đã xảy ra với viên Đại úy. Gia đình cô ta bắt buộc anh chàng Đại úy phài cưới ngay cô gái.

Nếu từ chối lời yêu cầu này thì cái cộng đồng Rhadé có thể sẽ trả thù nhóm Lực Lượng Đặc Biệt bằng cách chuyển lòng trung thành họ sang phía Việt Cộng. Do đó, mặc dù đã có vợ và ba đứa con ở Mỹ rồi nhưng viên sĩ quan này phải trải qua những nghi lễ hôn phối bộ lạc và chuyển vào ở chung với cô ấy trong cái nhà sàn dài bằng tre của gia đình. Lại còn phải học cả cách người Rhadé giao tiếp với Thượng đế qua âm nhạc, hòa điệu bằng những cái cồng chiêng treo trên cao, những ống sáo và những thứ đàn dây khác. Mỗi buổi sáng, giống như mọi người chồng Rhadé đàng hoàng khác, anh ta đi làm, tức là đi đánh trận.

Rồi thì nhiệm kỳ 12 tháng của anh ta đáo hạn. Viên Đại úy phải về lại Mỹ với gia đình. Nhưng bằng cách nào đây?

"Chúng tôi giả mạo cái chết của anh ta," một tay Mũ Nồi Xanh kể lại. "Chúng tôi mang về bảng tên, một vài mảnh áo trận vấy máu, một ít sợi tóc, cái bình nước và cái bật lửa Zippo, và kể lại với cô gái là anh đã bị tan xác bởi một trái bích kích pháo của Cộng quân. Thực tế là chúng tôi đã vội vàng đưa viên Đại úy ra khỏi xứ này rồi. Không còn lối nào khác hơn được. Bằng cách này, chúng tôi thậm chí còn làm họ căm thù Cộng sản thêm nữa."

Chúng tôi ngả lăn ra cười. Nhưng đột nhiên nhóm Mũ Nồi Xanh chuyển qua thái độ long trọng hơn. Một người trong họ lên tiếng: "Những gì đã xảy ra trong những làng mạc đó, kinh hay thượng không thể lấy làm trò đùa được." Anh ta tiếp: "Những hành vi khủng bố kinh tởm chống lại các trưởng làng trung thành với Sài Gòn đang gia tăng với một tốc độ đáng lo ngại. Những tay chỉ huy địa phương nếu đứng về phe chúng ta là họ tự sát. Một số đã bị thảm sát, thường là ban đêm vì không có ai ở đó bảo vệ họ. Quân Bắc Việt đang đổ qua từ bên kia biên giới. Trinh sát của chúng ta đã mang về những tin tức tình báo đáng tin cậy về những kế hoạch tấn công các căn cứ Nam Việt trong nay mai. Ngay lúc này đây, bọn Victor Charlie (Việt Cộng) dường như lập kế hoạch tấn công bản doanh của Trung đoàn 45 QLVNCH gần Nha Trang. Tại đó có một số cố vấn Lực Lượng Đặc Biệt đấy. Không khá chút nào cả."

Tôi kiếm được chỗ trên một chuyến bay quân sự con thoi nối liền các tỉnh Cao Nguyên Trung Phần với nhau. Chiếc máy bay, một lần nữa lại loại C-123, đưa tôi đến Nha Trang, một thị trấn nghỉ mát ven biển với những bãi cát trắng tuyệt đẹp của Biển Nam Hoa (Biển Đông). Vào tháng 2 năm 1965, nơi này giống như đang bị bao vây. Sắp tới giờ giới nghiêm ban đêm rồi. Ngoài phi trường không có một chiếc taxi nào cả. Một viên trung úy Việt Nam đề nghị giúp tôi một cuốc xe trên chiếc gắn máy Honda 125 phân khối đến bản doanh Trung đoàn 45 QLVNCH gần Nha Trang, chỉ qua khỏi Quốc lộ 1 một chút. Lính canh chận tôi ngoài cổng và gọi điện thoại xin chỉ thị của cấp trên.

Vài phút sau có một Đại úy Lực Lượng Đặc Biệt mắt trợn trắng hùng hổ tiến ra:

"Anh là ai?" Anh ta gầm gừ.

"Tôi là một phóng viên được công nhận của một nhà xuất bản lớn nhất của Tây Đức," tôi trả lời, vừa trình cho hắn thẻ nhà báo do bộ chỉ huy hỗ trợ quân sự Hoa Kỳ tại Việt Nam (MAC-V) và chính phủ Việt Nam cấp.

"Tôi không tin," hắn nói. "Anh nói không giống người Đức. Tôi từng đóng quân tại Bavaria. Tôi biết người Đức phát âm như thế nào. Tôi đã được huấn luyện với Biệt Động Quân Tây Đức ở dãy Alps. Anh nói không giống họ. Anh là một thằng ba xạo. Tôi nghĩ anh là điệp viên cộng sản. Xéo đi chỗ khác ngay."

"Vâng, tôi xin lỗi đã không nói chuyện được như đám Đức trong [phim truyền hình] Hogan's Heroes. Ngó thẻ báo và giấy thông hành Tây Đức của tôi đây này. Tôi chính là thật đây. Sắp giới nghiêm trong một vài phút nữa. Tôi đi đâu bây giờ đây?"

"Tôi cóc cần biết. Xéo đi ngay." Hắn quay lưng lại và lững thững đi bộ vào trong doanh trại.

Hồi tưởng lại, điều này chắc chắn là một trong những kinh nghiệm khôi hài nhất của tôi trong 5 năm tại Việt Nam. Nó còn trở nên buồn cười hơn nữa khi mà 22 năm sau tôi gặp lại tay sĩ quan này trong một bệnh viện cựu chiến binh, nơi mà anh ta đang được chữa trị bệnh rối loạn thần kinh hậu chấn thương. Chúng tôi đã cười với nhau về cuộc gặp gỡ đầu tiên đó. Tại thời điểm bài viết này, một phần tư thế kỷ sau, chúng tôi đã trở thành bạn thân với nhau, đó là lý do tôi không ngần ngại tiết lộ tên thật của anh ta. Chúng ta cứ gọi anh ta là Trung tá Bradford Jones, Quân đội Hoa Kỳ (đã về hưu).

Năm 1965 anh ta là cố vấn cho Trung tá Lý Tòng Bá, chỉ huy trưởng Trung đoàn 45 và là một trong những sĩ quan tài ba nhất của quân đội miền Nam Việt Nam. Bá sau này đã được lên đến cấp Thiếu tướng và là tư lệnh sư đoàn 23 lừng danh. "Chúng tôi đang chờ đợi sẽ có đụng độ lớn đêm đó," anh ta giải thích, "Đó là lý do tại sao Trung tá Bá rất lo lắng khi anh xuất hiện trước căn cứ và sai tôi ra xem có phải là thật hay giả. Và tôi nghĩ rằng bạn không phải là thật bởi vì tôi chưa bao giờ gặp được một người Đức mà không có cái lối nói chuyện của Thượng sĩ Schultz."

May mắn là viên trung úy Việt Nam chở tôi đi còn đó và đề nghị đưa tôi đến một cái "khách sạn" duy nhất mà anh biết, cũng gần thôi. Hóa ra là một nhà chứa, lại một chuyện "lần đầu tiên" trong buổi tối hôm đó. Tôi chưa bao giờ ngủ trong một căn "nhà thổ" như vậy. Ông chủ là một người đàn ông lớn tuổi, thân thiện với hai cái răng bịt bạc là vật duy nhất còn sót lại trong miệng. Khác với Đại úy Jones, ông ta chấp nhận tôi là ai ngay.

"Báo chí Đức," ông ta vui vẻ thốt lên, đọc thấy bảng tên của tôi trên bộ đồ trận, "Anh là nhà báo Đức. Lâu lắm tôi không thấy người Đức. Trước kia có nhiều lính Lê Dương Đức qua đây. Họ đều là khách quý. Những người lính tốt. Nào, ông Đức, vào đây, tôi sẽ dành cho ông căn phòng tốt nhất."

Tôi giải thích chỉ cần một căn phòng sạch sẽ là đủ rồi -và có lẽ một cái bánh mì kẹp giăm bông cùng với một hay hai chai bia, tôi chưa ăn gì cả suốt ngày hôm nay. Căn phòng hoàn hảo nhưng khá trống trải, chỉ có một cái giường với cái mùng màu trắng thật sạch. Có một cái ghế gỗ, một cái bàn đầu giường, một quạt trần, một cái đèn nê-ông trên cao và một phòng tắm với vòi sen nước lạnh. Tôi nhào vào xài ngay một lúc lâu. Khi tôi bước ra khỏi phòng tắm thì thấy một chai bia Larue loại một lít và một khúc bánh mì thịt trên bàn đầu giường: bánh mì ổ dài với thịt nguội, bơ và dưa chuột. Thật là sướng điên lên.

Ở xa xa, tôi nghe thấy tiếng ầm ì của đạn bích kích pháo và tiếng nổ dòn tan của súng máy. Trận đánh có vẻ tiến tới càng lúc càng gần hơn. Có phải đó là trận tấn công của Việt Cộng mà nhóm Lực Lượng Đặc Biệt đã báo trước cho tôi? Chẳng cần biết làm gì, tôi mệt lắm rồi. Tôi chìm vào giấc ngủ ngay, nhưng không được lâu. Ánh đèn nê-ông đánh thức tôi dậy. Một "sinh vật" như trẻ con với mái tóc cắt ngắn kiểu con trai với những đường cong không rõ rệt trườn vào trong mùng tôi.

"Đi đi," tôi nói. "Tôi không cần ai ngủ với tôi đêm nay. Tôi cần ngủ một mình, với lại tôi không ngủ với con trai."

"Không, không, không! Tôi không phải là con trai," "sinh vật" đó nói thầm trong tai tôi, vừa cởi cái áo khoác ra để chứng minh.

"Tôi là một cô gái," cô ta nói bằng tiếng Việt.

Tôi khoác tay ra dấu tôi mệt mỏi lắm rồi. Cô chỉ ra cửa sổ, bịt tai và bắt đầu khóc. Tôi hiểu những gì cô ấy đang gắng diễn tả với tôi: "Ở ngoài kia đang đánh nhau, xin đừng đuổi tôi đi."

Cô ta nhẹ nhàng nhấc tay phải của tôi lên, ngồi dậy và xích cái cơ thể nhỏ bé tới bên cạnh đầu tôi. Cô ngồi đó và đúng như Graham Green đã viết, bắt đầu hát thì thầm rồi líu lo bên gối cho đến lúc tôi thiếp đi. Thức dậy buổi sáng hôm sau thì cô ta đã biến mất rồi.

"Ông không thích cô gái tôi sai vào phòng ông sao?" Ông chủ hỏi tôi lúc thanh toán tiền, có vẻ bị tổn thương lắm.

"Tôi không phải loại người hành hạ trẻ con," Tôi đáp lại.

"Cô ta không phải là trẻ con. Cô là một goá phụ chiến tranh. Chồng cô là Thiếu úy bị tử trận tháng trước. Thật tội nghiệp, cô ấy dễ thương lắm."

"Cái đó thì tôi đồng ý," tôi công nhận.

Sau đó thì ông chủ động đưa tôi trở lại căn cứ. Lần này thì tôi không bị trở ngại nữa để vào trại. Có một sĩ quan Hoa Kỳ đặc trách về báo chí hiện diện. Anh đón tôi ở cổng và lái xe thẳng tới một bãi đáp trực thăng nơi đó đang có một đàn UH-1, người ta gọi là Huey, đang chờ lệnh khởi hành, động cơ nổ sẵn đinh tai nhức óc và cánh quạt vỗ sành sạch.

"Đang tiến hành một cuộc hành quân lớn," viên sĩ quan báo chí nói, "một tiểu đoàn QLVNCH bị Việt Cộng đánh tả tơi đêm hôm qua.Thiệt hại hết bộ chỉ huy sĩ quan và hạ sĩ quan. Gần hết đạn luôn. Chúng ta đang bay vào để bổ sung thêm sĩ quan mới, vật liệu và cố gắng thêm một ít không trợ. Do đó, nếu bạn muốn xem một ít màn ngoạn mục thì nhảy lên tàu của Trung tá đây. Ông ta là xếp đấy. Chúc bạn may mắn."

Tôi chiếm chỗ ngồi đằng sau một Trung tá phi công đang "ngồi lái trên ghế phải," có nghĩa là đang tự tay lái chiếc trực thăng này. Điều này rất hiếm xảy ra. Thông thường thì chỉ có các sĩ quan cấp Trung úy, Đại úy hay Chuẩn úy mới lái những con ngựa bay này của Quân đội Hoa kỳ. Ngồi kẹp giữa hai xạ thủ hai bên cửa có ba người Việt Nam: một Thiếu tá, một Trung úy và một Thượng sĩ. Chúng tôi bay về hướng Tây trên một địa hình đồi núi xinh đẹp trông thì có vẻ bình yên lắm.

Trong một trảng thật lớn, chúng tôi phát hiện ra cảnh hỗn độn tuyệt vọng phía bên dưới. Binh lính chạy tứ tán như rắn mất đầu và súng cối thì bắn lung tung hỗn loạn vô cùng. Trực thăng chúng tôi nhào xuống thật nhanh.

"C...!" viên trung tá gào lên khi một viên đạn súng cối rít sát cạnh trực thăng chúng tôi, rồi tiếp theo là một quả thứ hai và quả thứ ba nữa. "Bắn lầm rồi. Bọn mình chết mất."

"Ngưng bắn ngay," ông ta hét vào máy vô tuyến nhưng không liên lạc được với mặt đất bên dưới.

"Đơn vị này hết người chỉ huy nữa," ông ta giải thích (khoảng gần một nửa thế kỷ sau, Bradford Jones kể lại với tôi: "có lẽ đó là một đơn vị của trung đoàn 44, lúc đó đang bị hỗn độn kinh hoàng").

"Mình xuống thật nhanh nếu không chúng bắn tung chúng ta trên trời bây giờ," viên Trung tá tiếp tục nói, "Tôi sẽ không đáp xuống đất đâu. Bạn nhảy xuống ngay lúc nào nhảy được và chạy xa ngay lập tức."

Chiếc trực thăng lơ lửng khoảng một phút đồng hồ cách mặt đất khoảng hai ba thước, tôi và ba người lính Việt Nam nhảy xuống chạy tìm chỗ núp trong khi trực thăng bốc thật lẹ lên trời.

Thật là một cảnh hỗn loạn chung quanh chúng tôi. Những anh lính trẻ kêu nhau ơi ới đầy vẻ lo lắng, vừa gắng cho những quả đạn súng cối 81 ly bắn đi. Một vài anh bắn lên trời lung tung, chẳng nhằm một mục tiêu nào cả. Những anh khác thì không sao bắn được vì khí ẩm đã làm cho đạn bị thối không xài được nữa.

Cách chúng tôi vài thước có ba anh lính trẻ đang vụng về sửa chữa một cái súng cối bị kẹt đạn nguy hiểm vô cùng. Một anh còn dùng nhánh cây chọc vào quả đạn, thử làm cho nó lỏng ra.

"Khôôônnnggg!" Viên Thượng sĩ cùng đi với chúng tôi thét lên. Anh nhảy ra để chỉ cho mấy anh lính cách đối phó với cái súng bị kẹt trong tình huống như vậy: phải có một người nhẹ nhàng chúc ống đạn xuống và một người khác túm lấy trái đạn khi nó vừa tuột ra. Tuy nhiên những anh chàng mặc áo lính chưa được đôi mươi này chẳng còn biết nghe lệnh lạc gì nữa. Họ bây giờ đã hoảng loạn lắm rồi, bắn loạn đả tứ phía gây nguy hiểm cho tất cả mọi người.

Chúng tôi cố sức chạy đi thật nhanh. Phải mất tới hai tiếng đồng để các sĩ quan và hạ sĩ quan tăng viện từ Nha Trang đến mới khôi phục được một chút kỷ luật cho cái đơn vị mất đầu này. Những chiếc trực thăng quay trở lại. Tôi nhảy lên chiếc của tay Trung tá.

"Chào mừng bạn trở lại," anh cười toét miệng. "Sau hỗn loạn bây giờ tới địa ngục nhe."

Khi trực thăng bay sâu hơn về hướng Tây, anh giải thích: Cái anh vừa thấy là một tiểu đoàn của một trong những trung đoàn dở nhất của quân đội VNCH. Họ kém vì đã mất gần hết cả bộ chỉ huy. Họ cần được tái huấn luyện và tái trang bị  triệt để trước khi đưa vào mặt trận trở lại. Thật là một cuộc tàn sát không hơn không kém. Bây giờ chúng ta được gởi tới một trong những trung đoàn khá nhất. Họ đang tiến hành một công tác nguy hiểm theo đuổi một toán Việt Cộng sát nhân côn đồ đã để lại một vết tích dài đầy máu trong khu vực đó.

Chiếc trực thăng thả tôi xuống một trảng rừng nơi có bộ chỉ huy của một tiểu đoàn QLVNCH vào khoảng 450 người. Tiểu đoàn này hoàn toàn tương phản với nhóm các anh lính trẻ hỗn quân hỗn quan mà tôi gặp buổi sáng hôm đó. Tiểu đoàn này thuộc trung đoàn 45 (nếu tôi nhớ không lầm) và đã hoàn toàn phủ nhận sự thiên vị ngu như bò của nhiều thành viên trong đoàn quân báo chí tại Sài Gòn cho là lính VNCH kém cỏi. Mặc dù đã có mặt trong khu vực nhiều tuần lễ liền để cố gắng duy trì một sự hiện diện tối thiểu của chính phủ tại các làng xa xôi hẻo lánh, các sĩ quan và thuộc cấp có vẻ rất sung sức. Họ có tinh thần cao, thông minh, khỏe mạnh, rất kỷ luật và rất am tường tình hình. Các sĩ quan cố vấn Hoa Kỳ, ba Mũ Nồi Xanh nói với tôi là đơn vị đặc biệt này có trinh sát và mật báo viên đáng tin cậy trong những khu vực thường bị Việt Cộng quấy rối về ban đêm. Một số làng mạc và thôn xóm này có những người già trong làng theo phe chính phủ đã bị những toán sát nhân Cộng sản giết hại lần mòn.

Những cố vấn Mỹ chia sẻ khẩu phần C với tôi. Tôi nhớ đã được ăn xúc xích và đậu nấu từ trong lon ra, tiếp theo là trái cây xắt nhỏ đóng hộp. Sau đó tôi cuộn mình vào tấm pông xô cố dỗ một giấc ngủ ngắn. Vào khoảng 3 giờ sáng chúng tôi nhận được lệnh khẩn cấp di chuyển đến một ngôi làng hẻo lánh vừa bị một đơn vị Việt Cộng "thăm viếng." Tiểu đoàn chúng tôi tiến đến mục tiêu từ ba hướng, không bị cản trở. Kẻ địch rõ ràng đang quan sát chúng tôi từ xa nhưng vì mục tiêu tâm lý chiến cố hữu trong chiến lược "Chiến Tranh Nhân Dân" của Võ Nguyên Giáp, chúng muốn chúng tôi chứng kiến những gì mà chúng đã làm: một hành động vô nhân đạo không thể tả, bộ mặt thật của chiến tranh Việt Nam, một bộ mặt mà các nhà tranh đấu cho hòa bình diễu hành qua các đường phố của Hoa Kỳ và Âu Châu trong vài năm sau đó đã làm ngơ không nhìn nhận.

Trong cuốn sách của ông, The Real War (New York: Warner books/Random House, 1980), Tổng thống Richard Milhous Nixon đã trích đoạn báo cáo của tôi về sự kiện đó. Ông viết: "... Nhà báo Đức Uwe Siemon-Netto đã cho chúng ta thấy một minh chứng sống động du kích Cộng sản đã dùng khủng bố như thế nào để thực hiện mục đích của họ. Siemon-Netto, trong lần tháp tùng một tiểu đoàn VNCH đến một ngôi làng lớn mà Việt Cộng đã càn qua vào năm 1965, kể lại rằng: 'Treo lủng lẳng trên cây và những cây cọc trong đình làng là ông lý trưởng, vợ ông, 12 người con, những người đàn ông, và cả một đứa trẻ con nữa...'"

Bọn Việt Cộng đã ra lệnh mọi người trong làng phải chứng kiến cả gia đình, đầu tiên là bị tra tấn dã man và sau đó là bị treo cổ lên. "Chúng bắt đầu bằng đứa trẻ và từ từ hành động dần lên với những người con lớn, người vợ và sau cùng là đến phiên ông lý trưởng... Tất cả được thực hiện một cách lạnh lùng như chuyện bình thường trong chiến tranh, thể như bắn một phát súng phòng không vậy..."

Tổng thống Nixon giải thích đấy là cái cách Cộng sản "chiếm những trái tim và khối óc của nhân dân trong vùng quê." Cộng sản không đắc nhân tâm bằng những cử chỉ nhân ái mà bằng những hành động tàn nhẫn nhất nhằm đe dọa người dân. Tôi đã phỏng vấn nhiều người dân làng, trong đó có một người lớn tuổi thông thạo tiếng Pháp đã kể cho tôi nghe là cán bộ Việt Cộng đã vào làng nhiều lần trước đó và cảnh cáo ông lý trưởng nếu ông ta không ngừng hợp tác với chính phủ Nam Việt thì sẽ chịu những hậu quả nghiêm trọng.

Nhưng ông lý truởng vẫn trung thành với chính phủ, cho nên nửa đêm bọn chúng đã trở lại và đánh thức mọi người dậy để chứng kiến cuộc thảm sát. Trong lúc đó một tên cán bộ tuyên truyền với mọi người rằng: "Đây là những gì sẽ xảy ra đối với những người nào không theo Cách mạng, nhớ đấy!" Tôi thật xấu hổ là bây giờ không tài nào nhớ được tên cái làng đó. Nhưng điều này có lẽ không nghĩa lý gì vì chuyện này đã xảy ra khắp nơi trong miền Nam vào ban đêm thuở bấy giờ.

Ðơn vị chiến đấu hộ tống tôi rời ngôi làng gần hai giờ sau đó, sau khi một toán sĩ quan an ninh quân đội đã tới để điều tra hành động hung bạo này và thẩm vấn những nhân chứng. Họ cũng hạ những tử thi trên cây xuống.
“Tại sao dân làng không làm chuyện này?” tôi hỏi một trong những viên cố vấn Hoa Kỳ.
“Sợ,” ông ta trả lời. “Họ sợ những điềm chỉ viên trà trộn trong đó. Bọn Việt Cộng sẽ suy diễn đó là một hành động phá hoại chống lại việc họ làm và sẽ giết những người ấy với cùng một cách họ đã trừng phạt ông trưởng làng. Bản chất của khủng bố là như thế đó.”

Khi sửa soạn viết chương 5, tôi đã kể sự việc này với Bradford Jones, tay sĩ quan Mũ Nồi Xanh vào năm 1965 đã đuổi tôi khỏi căn cứ Nha Trang vì tưởng tôi là điệp viên Cộng sản. "Chắc chúng ta vào ngôi làng đó cùng ngày với nhau và gần như cũng cùng một giờ," anh nói. "Tôi còn nhớ xác chết của người đàn ông đó, vợ và con ông ta nữa. Đó không phải là cuộc thảm sát duy nhất tôi từng thấy tại Việt Nam nhưng có lẽ là lần tàn bạo nhất."

Tôi kể cho anh nghe về Sir Robert Thompson và Bernard Fall.

"Họ đều đúng cả," ông trả lời, "Đó là lý do tại sao chúng tôi đã cố gắng hết sức để bảo vệ nông thôn miền Nam Việt Nam. Việt Cộng đã giết rất nhiều các cấp lãnh đạo tại địa phương trong thời gian tôi còn ở đó. Chúng tôi đã cố gắng chỉ định một số sĩ quan Nam Việt có khả năng vào giúp những cái làng đó để huấn luyện lực lượng nhân dân tự vệ."

"Thompson thực hiện điều đó tại Mã Lai Á và ông đã muốn áp dụng tại Việt Nam."

"Ông ta đúng."

"Chuyện gì đã xảy ra?" Tôi muốn biết.

"Giới truyền thông đã bóp nghẹt cái ý định đó, cho rằng chúng tôi muốn quân sự hóa nông thôn."

Công chúng Hoa Kỳ phần lớn không biết gì về những hành động tàn bạo đó bởi vì bởi vì các phương tiện truyền thông Mỹ hiếm khi nào tường thuật lại. Trong những cuộc họp báo thường ngày tại Sài Gòn -Còn gọi là "Những điên rồ lúc 5 giờ" (The five o'clok follies)- Những biến cố như vậy được giảm thiểu xuống chỉ còn lại một con số thống kê. Nói rõ hơn, các thuyết trình viên chỉ thường xuyên thông báo cho các phóng viên số lượng khổng lồ các biến cố đã xảy ra trong 24 giờ trước đó.

Những cuộc họp báo đó nghe giống như một bản báo cáo thương mãi: "Quân đoàn I, 184 biến cố từ phía đối phương; Quân đoàn II: 360 biến cố; Quân đoàn III, 225; Quân đoàn IV, 480." Chỉ có thế mà thôi. Không có một chi tiết nào hết. Những gì có liên quan chỉ  là các con số, không có số phận các người dân đàn ông, phụ nữ và trẻ em. Công bằng mà nói, không cách nào các phóng viên có thể theo dõi nổi từng con số thống kê một, và cũng khó mà có thể thông tin được những câu chuyện như vậy. Vì vậy một tay trưởng biên tập của tạp chí thiên tả Der Stern đã nói với tôi khi được đề cập đến chủ đề này tại Hambourg: "Cái vấn đề đối với anh, Uwe, là anh ở quá gần hiện trường. Thái độ khôn ngoan hơn là phải đánh giá những câu chuyện này từ một khoảng cách xa hơn nữa."

 

Nguyên tác: Death in the village – Chương 5 trong tác phẩm: "Duc, a reporter's love for a wounded people", tác giả: Uwe Siemon-Netto.
Người dịch: Lý Văn Quý & Nguyễn Hiền

________________________

Xem chương 1: Như biển cả, như bầu trời

Xem chương 2: Yếu tố Gillian

Xem chương 3: Ðể tỏ lòng tôn kính đến đại úy Ngữ

Xem chương 4: Cái chết trong thành phố

Xem tiếp chương 6: Kịch trường Truyền Thông của sự Phi Lý

 

***

Uwe Siemon-Netto (1936), sinh tại Leipzig (Ðức), từng là ký giả quốc tế suốt 53 năm. Trong thập niên '60 ông là phóng viên thường trực của tạp chí Ðức Thế Giới (Die Welt) tại Việt Nam. Hiện ông cư ngụ tại California (Hoa Kỳ) và là Giám Ðốc Ðiều Hành Trung tâm Thần học Luther và Ðời Công. Tác phẩm "Ðức, Tình yêu của một phóng viên cho một dân tộc nhiều đau thương" được ông viết theo lời thỉnh cầu của Lý Văn Quý.

 

 


Cái Đình - 2012