Lý Văn Quý & Nguyễn Hiền
Chương 1
Như biển cả, như bầu trời
Chỗ tôi ở trong hầu hết thời gian tại Việt Nam từ đầu năm 1965 cho đến cuối năm 1969, và sau đó một lần nữa vào năm 1972 là căn suite số 214 của khách sạn Continental Palace. Nơi đó thật tiện nghi dễ chịu, chẳng hạn như cung cách hai anh hầu trên tầng thứ hai đối với những đòi hỏi bất chợt của tôi. Họ biết tôi thích dùng quạt trần hơn là cái máy điều hòa không khí đã hư rồi, tuy có thể đuổi muỗi mòng không cho vào phòng nhưng lại làm tôi ngủ không được suốt đêm vì tiếng ồn lọc cọc, và lại còn không điều chỉnh được nhiệt độ nữa. Với ý tưởng đó trong đầu, hai anh chàng đầy tớ dễ mến đã bắt thằn lằn ngoài hành lang bỏ vào phòng tôi cho chúng ăn hết các loại côn trùng gây bệnh sốt rét.
Tôi không thể nghĩ ra một nơi nào thích hợp cho một phóng viên ở ngay giữa trung tâm Sài Gòn hơn là căn phòng số 214 đó. Các cửa sổ dọc căn phòng trông ra hướng Tây Nam. Bên dưới là con đường Tự Do, trước đây là đường Catinat , trải dài từ Nhà Thờ Đức Bà xuống bến cảng sông Sài Gòn, lúc nào cũng ồn ào hòa âm hỗn loạn của tiếng xe gắn máy, xe tắc-xi Renault 4 mã lực màu xanh trắng, tiếng chuông xe đạp, xe du lịch sang trọng và xe vận tải nhà binh . Giữa hai cánh cửa sổ đó là cái bàn giấy của tôi. Về chiều thì nó biến thành cái quầy rượu, chỗ tôi pha những ly rượu mạnh Dry Martini cho những người khách như anh bạn Peter Heller, phát ngôn viên của chính phủ Hoa Kỳ, sau khi anh ta "sống sót" ra khỏi các cuộc họp báo gọi là "Những câu chuyện điên rồ lúc 5 giờ" thường làm anh kiệt sức. Anh ta xứng đáng được thưởng cho một ly rượu mạnh sau khi kể lại tôi nghe những bản tóm tắt dí dỏm các cuộc họp báo đó mà anh phải điều khiển mỗi ngày trong một văn phòng gần đó, gần một bức tượng mà giới báo chí chúng tôi mệnh danh là "Tượng đài thô tục" vì nó diễn tả hai người lính đang xung phong với cái tư thế không đẹp chút nào.
Tôi ít khi muốn mất thời giờ vào cái nghi thức này vì nó thường bị khống chế bởi những anh chàng "nổ" như Joe, một tay biên tập viên của một tờ lá cải lớn của Mỹ lúc nào cũng hung hăng và hay bắt bẻ. Hắn ta hiếm khi nào dám vào vào những vùng nội địa, nơi mà sự nguy hiểm của chiến tranh sẽ đi ngược lại quan niệm về lối sống an toàn của hắn. Theo Richard Pyle của hãng thông tấn AP, 75% "đoàn quân" báo chí ngoại quốc đã tường thuật cuộc chiến bằng cách ở ngay trong thành phố Sài Gòn, giống như anh chàng Joe vậy. Tôi thấy họ là những tay chỉ trích đường lối tiến hành cuộc xung đột một cách cố chấp nhất,[1] trong khi đó thì những phóng viên chiến trường thật sự chạm mặt với thương tật và tính mạng còn đang mải lo bảo toàn mạng sống để mang thông tin ra ngoài, còn thời giờ đâu mà tranh cãi nữa.
Những cánh cửa sổ lớn theo kiểu Pháp phòng tôi nhìn ra hướng Đông Nam, nhìn ra ngã tư giữa đường Tự Do và đại lộ Lê Lợi, một khu vực bận rộn nhất của thành phố. Công trường Lam Sơn, mà trước kia gọi là Nhà Hát Lớn nằm ở phía dưới. Đây là một tòa kiến trúc thời thực dân Pháp theo mẫu mực "Tòa Cung Điện Nhỏ" tại Paris, nằm bên trái của công trường. Trong thời kỳ tiền cộng sản, đó là chỗ họp của Quốc Hội nhưng nay đã trở thành Nhà Hát Thành Phố. Bên kia công trường Lam Sơn tôi thấy có khách sạn Caravelle mà sở hữu chủ là giáo phận Công giáo địa phận Sài Gòn. Tôi cảm thấy chỗ này khá khô khan, mặc dù có một số người khác thì ca tụng đó là một nơi ẩn núp an toàn bởi người lạ và các phụ nữ "kém đức hạnh" bị cấm không được vào. Khách sạn Caravelle là chốn ưa thích của hạng người mà Pyle mệnh danh là "các nhà bình luận tiếng tăm và tiên lượng gia chính trị." Khi họ xuất hiện tại Sài Gòn để ở tạm, họ tìm thấy sự thoải mái trong không khí trong lành của quán ăn và quầy rượu của khách sạn Caravelle, nơi mà họ bàn cãi về hiện trạng của cuộc chiến với những nguồn tin đáng tin cậy và đặc biệt là trao đổi lẫn với nhau. Sân thượng của khách sạn cho một tầm nhìn rộng rãi qua lãnh thổ của "đối phương," là những vùng đầm lầy ngập mặn trên bờ xa của sông Sài Gòn. Khi chiến tranh lan rộng, cái sân thượng này đã trở thành vị trí hàng đầu để quan sát cái mà chúng tôi gọi là "Âm thanh và Ánh sáng," theo cách gọi những cuộc trình diễn ngoài trời ban đêm tại những di tích lịch sử của nước Pháp. Sài Gòn "Thanh Sắc" là những cảnh tượng chết người trình diễn bởi những con rồng huyền thoại "Puff." Đây là những chiến đấu cơ AC-47 Spooky của Không lực Hoa Kỳ. Với hàng loạt đạn bắn ra mãnh liệt, giống như tiếng đánh "rắm" khủng khiếp cùng với các tiếng động khác bùng nổ ra, những chiếc máy bay này có thể tưới lửa các vị trí của cộng quân với nhịp độ 100 viên đạn một giây.
Mặc dù an toàn, tôi không màng đến cái sân thượng đó mấy vì nó gây ấn tượng xấu đối với tôi như một địa điểm vô hồn trong một vùng đầy màu sắc. Giống như các phóng viên Âu Châu và những người chiến binh siêng năng với tật uống rượu như hũ chìm, dũng cảm nhưng không được vinh danh trong số những đồng nghiệp người Mỹ của tôi, tôi thích không khí gay gắt của quán mái hiên của khách sạn Continental hơn. Khung cảnh nơi này thanh lịch ngang hàng với những sân ngoài trời của những khách sạn Carlton tại Cannes, Shepheard ở Cairo hay Raffles tại Singapore. Nơi đây có thể tìm thấy trọn vẹn "toàn giới Sài Gòn" với những tướng tá, viên chức cao cấp dân sự và các nhà ngoại giao; các thành viên của giới thượng lưu Sài Gòn cùng nhóm trẻ hơn khao khát địa vị đó; những tàn dư của cộng đồng Pháp cũ, các lãnh chúa thuốc phiện người đảo Corse, các nữ nhiếp ảnh gia tự do dâm đãng nhưng liều lĩnh bụng ghim đầy miểng lựu đạn , hệ quả tất nhiên của thói quen cứ xông lên phía trước những toán tiền sát để săn những tấm ảnh giật gân nhất; những tay nhà thầu béo phị đi chung với những tên lại cái ăn mặc lập dị, những phần tử bất hảo trong nghề mại dâm, các chuyên gia, gián điệp, những nhà mạo hiểm, những tên lười biếng bất lương đủ mọi loại, những tay bác sĩ và y tá thuộc bệnh viện địa phương Seven Day Adventists, vì tôn giáo cấm uống rượu nên chỉ nhâm nhi những ly chanh vắt; và không nghi ngờ gì là có lẫn một số cán bộ cộng sản nằm vùng mà sự hiện diện đã tránh cho chúng tôi không bị khủng bố Việt Cộng đặt mìn nổ tung.
Nơi đây đã từng là quán "mái hiên" của Graham Greene. Có lẽ nó không khác biệt gì mấy so với thập niên 1950s, thời mà ông đã ở đó trong lúc tường thuật cuộc chiến Đông Dương Pháp, ngoại trừ trước kia phong cách có thể kiểu cách hơn. Quán vỉa hè Continental rất đặc trưng cho cuộc xung đột Đông Dương trong cuốn sách của ông với tựa đề Người Mỹ Thầm Lặng.[2] Cuốn sách này là cuốn gối đầu giường của tất cả các biên tập viên đúng đắn, cùng với cuốn Chiến tranh nhân dân, Quân đội nhân dân,[3] mộttập cẩm nang chiến tranh du kích viết bởi tướng Bắc Việt Võ Nguyên Giáp, và kiệt tác của Bernard B. Fall, cuốn Hai Đất Nước Việt Nam[4]làmột bản phân tích chính trị và quân sự về bản chất và nguồn gốc cuộc chiến "ủy nhiệm" nóng bỏng của Chiến Tranh Lạnh toàn cầu. Sau này tôi mới chiêm nghiệm ra sự thất bại khó hiểu của các nhà phân tích về thảm kịch Việt Nam để rút ra những kết luận cụ thể từ công trình của Giáp và Fall.
Đọc Graham Greene, tôi không thể không sặc cười đoạn ông viết về người phụ nữ Việt Nam trong cuốn Người Mỹ Thầm Lặng:
"Mang người phụ nữ An Nam lên giường giống như mang một con chim vậy: họ líu lo và hót trên gối của bạn."
Tôi tưởng tượng căn suite 214 của tôi đã từng là căn phòng của Greene; có thể tại đây, trên chiếc giường bây giờ là của tôi, ông đã đưa ra nhận xét đầy tính thuyết phục này. Mặc dù vậy, cảm giác riêng của tôi đối với những sinh vật tuyệt diệu này được tạo hình thông qua nhãn quan nhiều hơn là thính giác. Mỗi buổi sáng, tôi điểm tâm bằng bánh sừng bò, xoài, đu đủ, măng cụt và cà phê đen trong một chiếc ghế bành da thời thuộc địa đặt trước một trong những cửa sổ đàng trước, và rất sung sướng trước cảnh tượng kỳ diệu nhất mà một người say mê vẻ đẹp phụ nữ có thể mơ đến được. Ngay sau 6 giờ sáng khi hết giờ giới nghiêm, từng đoàn người dáng dấp đẹp đẽ đổ dồn xuống các đường phố trung tâm Sài Gòn: hàng chục ngàn người đàn ông lẫn đàn bà đi bộ, đi xe đạp, lái xe gắn máy, hoặc ngồi trên những chiếc xe gọi là xích-lô đạp, và cả xe hơi nữa. Trong những phần đất còn lại của thế giới, cảnh tượng con người lưu thông trên đường đi đến sở làm hay trường học chẳng thú vị chút nào.Tuy nhiên, lạy Chúa Tôi, ở đây phụ nữ quá sức yêu kiều làm tôi không bao giờ biết chán! Xin các bạn nam giới người Việt tha thứ cho tôi cái tội chỉ muốn ngắm giới phụ nữ đầy khiêu khích trong bộ trang phục quốc gia gọi là Áo Dài, một kiểu áo khêu gợi không hề có trong bất cứ văn hóa nào; đúng như câu nói "chiếc áo dài bao phủ tất cả mọi thứ nhưng không che dấu một cái gì cả."
Chiếc áo dài có lẽ là một trong những ví dụ hay nhất của một sự pha trộn Đông-Tây hoàn toàn thành công về nét thẩm mỹ và sự cảm thụ. Áo dài có nguồn gốc từ văn hóa Việt Nam, nhưng dưới ảnh hưởng của thời trang Paris, đã được thiết kế lại trong thập niên 1920 và 1930 bởi các nghệ sĩ của trường đại học Hà Nội. Sau đó các nhà may mặc của Sài Gòn thập niên 1950 còn sáng chế ra, tạo thêm phần quyến rũ nữa. Chiếc áo dài gồm một giải lụa bó sát phần ngực chặt hơn là chiếc áo sường xám của Trung Hoa, và tách ra vùng trên thắt lưng thành hai cánh tà dài, một ở phía trước và một ở phía sau.
Bên dưới, người phụ nữ Việt mặc một chiếc quần dài nhưng để lộ ra một vài phân phần da thịt ở hai bên phía trên chỗ cắt của chiếc áo. Nếu là chiếc quần màu trắng và mỏng, như trong đa số các trường hợp, người mộ điệu chăm chú ngắm kỹ có thể nhận ra ẩn hiện chiếc quần lót bên trong. Sự kết hợp của bộ chân phụ nữ được chiếc quần dài bao phủ và được xỏ vào đôi giày cao gót đưa đẩy tà áo lụa về phía trước khiến cho bước chân trở nên duyên dáng vô cùng. Không một nhà làm phim "đồi trụy" của thế kỷ 21 có thể có nổi óc tưởng tượng và ham muốn đủ để tạo ra một cảm xúc như vậy được. Thêm vào đó nữa là mái tóc đen dày trên đôi mắt lá răm là bạn đã say đắm với cả một quốc gia rồi. Hoặc ít nhất đó là trường hợp của tôi.
Đó là những gì tôi nhớ lại khi bác sĩ nhãn khoa Anna Phuong Nguyen ở Costa Messa, California, với ánh mắt tinh nghịch, yêu cầu tôi khai ra những cảm xúc lãng mạn trong cuộc sống tại Sài Gòn, thành phố quê hương của cô.
"Vậy thì, hi hi, ông có bỏ lại cuộc tình lớn nào tại Sài Gòn hay không?" Cô ta hỏi tôi.
"Có cả trăm ngàn người," tôi đánh trống lảng, "Tôi yêu tất cả những người đẹp tôi ngắm từ của sổ phòng tôi tại khách sạn Continental."
Rắn mắt thật! Bộ cô ta muốn biến cái cửa hàng tại Quận Cam này thành một nơi tôi xưng tội hay sao? Trung tâm mua sắm ở Costa Mesa chứ nào phải là nhà thờ? Tuy nhiên tôi lại mến cái tính tò mò bộc trực của Anna, giống như lần tôi rất thú vị cái lối dò xét trắng trợn của một chục phụ nữ người Việt trong một tiệm làm móng tay tại Irvine.
"Ông muốn uống cái gì?" Cô tiếp viên hỏi tôi sau khi đưa tôi vào ghế ngồi.
Tìm được trong đầu một chút tàn dư của vốn ngữ vựng Việt văn nhỏ bé của tôi , tôi bật nói: nước!
"Ông này nói tiếng Việt!" Cô gái đang tẩm ướt cái tay trái của tôi hét lên.
"Ông ta nói được tiếng Việt!" Một cô gái xinh xắn khác đang ngồi trên cái ghế đẩu phía bên chân trái tôi và sửa soạn ngâm nó vào cái bồn nước ấm phụ họa theo.
"Ông nói tiếng Việt! Ông đã sang Việt Nam đánh trận? Ông có con rơi ở Sài Gòn, đúng không?" Một cô đồng nghiệp khác đang làm móng chân cho một cô khách tóc vàng với vẻ rầu rĩ ở ghế bên mặt mừng rỡ nói chen vào.
"Mọi người lắng nghe đây! Ông này có con ở Việt Nam. Ông có con gái, đúng không? Chắc chắn rồi, ông có con gái. Con gái ông tóc vàng giống Mỹ còn mắt như Việt Nam, đúng chứ?"
"Tôi không phải là người Mỹ, tôi là người Đức," Tôi sửa cô ta. Đúng lúc này, ngay cả cái cái cô khách tóc vàng đang ủ rũ cũng phải chú ý bật cười to lên. Và cả cái bà Ấn độ trên cái ghế bên trái tôi cũng vậy, bà cười rú lên. Chẳng bao lâu sau, nửa tá các cô thợ móng tay, móng chân, và cả người phụ bán hàng nữa rúc rích vây quanh tôi.
"Ô-kê, Ô-kê," cô gái đang hỏi cung tiếp tục, "Ông người Đức, cao này, có tóc vàng này. Ông có đứa con gái tóc vàng với cặp mắt Việt Nam, Ô-kê?"
Một thoáng Im lặng.
"Nó đây này," cô ta kêu lên, chỉ tay vào một cô khác có vẻ là con lai. "Kelly. Nó đây này. Mọi người nghe đây! Chúng ta đã tìm ra bố của Kelly. Ông ta là Đức."
Đến lúc này, chúng tôi đã đạt đến mốc thời điểm mà sự vui mừng náo loạn trong cái tiệm làm móng tay ở Irvine đã dẹp đi hết những điều hợp lý liên quan đến tuổi tác và thời gian. Khỏi cần biết là Kelly sinh vào cuối năm 1973, một năm sau khi tôi rời bỏ cái thành phố đó lần cuối cùng. Trong vòng nửa tiếng đồng hồ, tôi đã có được một cô con gái, cộng thêm một đại gia đình các cô gái vui vẻ. Cái cô đã khám phá ra "mối phụ hệ" với tôi còn ôm chặt lấy tôi lúc tôi ra về.
Vở kịch ngắn đó tại Irvine làm tôi nhớ lại những đức tính trái ngược nhưng lại làm tôi rất thích ở người phụ nữ Việt Nam một nửa thế kỷ về trước. Một mặt thì họ có vẻ dịu dàng, mảnh mai, thật đúng với tiếng hót ngọt ngào líu lo bên gối người đàn ông mà Graham Greene đã mô tả. Mặt khác thì họ có thể tầm thường và thẳng thừng, thậm chí vô cảm đầy ác ý, ngay cả trong vấn đề chăn gối, như bất kỳ phụ nữ nào đầy tự tin người Đức mà tôi đã từng gặp. Là người Đức, tôi cảm thấy sự kết hợp này cực kỳ hấp dẫn, nhất là khi so sánh với cái bề ngoài cứng rắn của quan niệm nữ quyền chỉ biết đến mình mà tôi thấy có đà gia tăng trong thế hệ "trẻ em bùng nổ" tại Hoa Kỳ trong những thập niên 1960. Tôi luôn luôn coi đó là dấu hiệu của sự yếu đuối. Người đàn bà Việt Nam không tỏ ra là mạnh mẽ. Họ thực sự rất mạnh. Đó là sự khác biệt.
Tôi không phủ nhận là đôi khi đặc tính nàycó thể vượt quá giới hạn cho phép. Tôi nghi là lòng ác cảm của một số ký giả Mỹ đặc trách theo dõi chính quyền Sài Gòn và trú ngụ trong khách sạn Caravelle đã bắt nguồn phần nào từ sự ngộ nhận của những người mà họ gọi là những "con rồng cái" trong phủ Tổng thống. Ác liệt nhất trong số này là bà Trần Lệ Xuân đã quá cố, được biết đến như bà Nhu, mà cái miệng ong óng có vẻ như không phù hợp với sắc đẹp gợi cảm, nhất là nếu xét theo tiêu chuẩn của một nền văn hóa khắt khe . Bà thường tuôn ra những lời độc địa ghê tởm được gọi là sửa sai về chính trị.
Là em dâu của Tổng thống Ngô Đình Diệm, một người độc thân, bà đương nhiên trở thành đệ nhất phu nhân bởi vì chồng là Ngô Đình Nhu, người em đầy quyền lực của Tổng thống Diệm với chức vụ cố vấn trưởng về chính trị. Cả hai người đều theo đạo Công giáo và đã bị giết chết trong một cuộc đảo chánh vào tháng 11 năm 1963, sau hàng loạt vụ biểu tình bởi Phật giáo chống lại cái gọi là kỳ thị tôn giáo. Cơn khủng hoảng này đã lên cực độ với vụ tự thiêu cúng dường của nhà sư Thích Quảng Đức, một Thượng tọa Phật giáo tại ngay trong trung tâm thành phố Sài Gòn. Bà Nhu đã bình luận biến cố này với một thái độ rõ ràng là thiếu hòa nhã. Người nào phải có tính khí châm biếm và chua chát lắm mới chịu nổi những lời phân trần của bà bằng tiếng Anh với âm sắc tiếng Pháp trong một buổi truyền hình. Bà vừa phe phảy quạt một cách quý phái bên dưới cái cằm không chút tì vết, vừa nói:
"Những người (ngừng lại với một vẻ hùng biện) lãnh đạo Phật Giáo đã làm gì...? Họ đã 'nướng sống' chính một nhà sư của họ, sau khi đã thuốc ông ta - và đã lợi dụng niềm tin của người ta. Đó không phải là 'nướng sống' thì là cái gì?"
Bà ta còn châm vào sự xúc phạm bằng cách nói thêm:
"Lại còn không xài các phương tiện tự túc nữa vì đã sử dụng xăng nhập cảng."
Thật là vô cảm, hãi hùng, và không “đẹp mặt”chút nào. Tuy nhiên, khi cặp môi đẹp đẽ "đáng chú ý" của bà thốt lên những điều tàn nhẫn "đáng chú ý" đó, bà vẫn tỏ ra yêu kiều một cách "đáng chú ý." Phải công nhận rằng: Với bà Nhu, chúng ta biết bà đang đứng ở vị trí nào.
Nói xong điều đó, tôi phải kể thêm một nhận xét riêng trong "bài thơ" ca ngợi người đàn bà Việt Nam của tôi. Thẳng thắn ra, tôi tự nghĩ không nên nói dối Anna với một lý do chung chung nào đó. Không phải vì tôi đang thú nhận điều gì đâu, nhưng là vì chuyện Josephine.
Một buổi sáng thứ bẩy tôi lấy chiếc xe Citroen Traction 15 mã-lực để đi chơi biển trong một ngày với một anh bạn mà tôi sẽ gọi là Fabian Fuchs cho mục đích của câu chuyện này. Fabian đại diện cho một tổ chức phi-chính-phủ Tây Đức đang giúp đỡ chính phủ Sài Gòn trong những vấn đề xã hội. Anh ta vừa kiếm được một cô bạn gái mới rất xinh đẹp gọi là Monique mà cha là một người Pháp kết hôn với một người Công giáo di cư từ Hà Nội. Cô ta mang theo một người bạn khác, cũng lai như cô, hay gọi là "nửa giống" cũng vậy. Cô này là một người phụ nữ lộng lẫy nhất mà tôi từng gặp tại Sài Gòn: Cao ráo với đôi môi như bà Nhu, mắt ướt và mái tóc đen dày dài xuống quá hông. Và tên cô là Josephine.
Tôi cũng mời cả Đức, người trông nom cái xe và thủ lãnh của băng trẻ bụi đời trên đường Tự Do đi theo chơi cho vui. Tôi còn đề nghị trả lại cho bà Má, bà chủ của Đức, số tiền lỗ vì Đức đi chơi với tôi. Nhưng bà ta xua tay: "Không, không, nó cần nghỉ ngơi một chút! Đi đi, Đức, đi chơi cho vui con!" Tuy nhiên thằng bé từ chối: "Mấy đứa kia không đi, con không đi. Đi về an toàn nhe, tụi con cần cái xe tối nay." Chiếc Traction, nói cho cùng, chính là cái "phòng ngủ" của bọn nhỏ. Đúng là Đức của tôi, một đứa bé tinh quái nhưng đầy tinh thần trách nhiệm.
Chúng tôi lái về hướng Đông Nam dọc theo quốc lộ 5 đến Biển Đông. Chiếc xe của tôi chắc đã thực hiện cái chuyến 80 dặm dài này không biết bao nhiêu lần rồi: Từ thời trước Thế Chiến Thứ Hai, trong thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng Việt Nam, thời gian trước khi Pháp bị thất trận tại Điện Biên Phủ, và sau khi Việt Nam bị chia đôi năm 1954. Chúng tôi lái lượn qua giữa những chiếc xe vận tải, xe jeep, xe bọc sắt và xe kéo trọng pháo. Chúng tôi lái qua mặt những chiếc chở hành khách phun đầy khói đen, những chiếc xe gắn máy chở cả gia đình năm người, xe Lam ba bánh chứa cả hai chục người nông dân trong đó, những chiếc xe du lịch sang trọng gắn máy lạnh của giới thượng lưu Sài Gòn và cả các kiều dân Âu và Á Châu, tất cả đều dán những tấm giấy thông hành từ tòa Đại sứ của họ trên kính chắn gió như: Pháp, Đức, Ý, Anh, Canada, Úc, Nhật. Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan và Do Thái. Vào thời kỳ đó của cuộc chiến, không ai nghĩ là du kích cộng sản sẽ chận đường trong ngày thứ bẩy thành thử những người ngoại quốc thường lánh cái oi bức của thủ đô để tìm chút không khí trong lành của vùng "Riviera" Đông Dương.
Dù vậy, chúng tôi phải trở về Sài Gòn trước ban đêm vì khi màn đêm buông xuống, con đường quốc lộ 5 sẽ thuộc quyền kiểm soát của cộng sản. Khi trời vừa trở nóng vào lúc gần trưa, chiếc Trắc-xông bị chết máy nằm ụ, may mắn thay chỉ cách một trạm xăng khoảng 500 mét. Monique, Fabian và tôi ra khỏi xe; Josephine, mà chồng cũ đã từng dạy cô lái xe, thì ngồi cầm lái. Chúng tôi vất vả đẩy cái "tấn thép" từng thước một vào cái ga-ra. Một tay thợ máy nói được tiếng Pháp trong đó ra tiếp.
"Hết xăng rồi," anh ta nói (bằng tiếng Pháp), "tội nghiệp cái xế này."
Anh ta chui xuống dưới gầm xe, tìm ra chỗ nứt của cái ống dẫn xăng từ bình vào máy xe và chỉ cho tôi cách chữa: chỉ việc dán một miếng kẹo cao su ẩm ướt là sẽ giữ được xăng. Sau đó tôi có dạy lại cho anh thợ máy của tôi ở Sài Gòn cái trò luôn luôn hiệu nghiệm này. Từ đó, cái lỗ trong cái ống nối đó không bao giờ được hàn lại một cách đàng hoàng.
Chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình trong nắng trưa và ướt đẫm mồ hôi khi đến được Cấp St. Jacques. Do đó chúng tôi lái thẳng đến bãi biển đầy cát trắng Vịnh Hàng Dừa, còn gọi là Bãi Trước theo tiếng Việt, và tung mình vào những làn sóng của biển Nam Hải . Khi chúng tôi bơi khá xa ra khỏi bờ và không có ai bên cạnh, Josephine bắt đầu bơi chung quanh tôi, càng lúc càng gần hơn nữa. Nàng bám lấy tay tôi nói: "Mình cùng nhảy nhé anh." Chúng tôi ôm nhau nhảy trên biển, tiếng nhạc trong đầu, và mái tóc dài của nàng nổi trên sóng thành một tấm thảm đen bao quanh lấy chúng tôi.
"Em yêu anh như biển cả, như bầu trời." Nàng nói bằng tiếng Pháp.
Chúng tôi nhảy với nhau một chốc rồi quay trở lại bãi biển. Sau đó chúng tôi về lại Sài Gòn trước khi màn đêm nhiệt đới đổ xuống.
________________________________________________________________________
[1]Richard Pyle and Horst Faas, Lost over Laos (Cambridge, MA: Da Capo Press, 2003), 86.
[2]Greene, Graham. The Quiet American. London: Heinemann, 1955.
[3]Giap, Vo Nguyen. People’s War, People’s Army. Hanoi: Foreign Languages Publishing House, 1961.
[4]Fall, Bernard B. The Two Viet-Nams. London: Paul Mall Press, 1955.
Nguyên tác: Comme la mer, comme le ciel – Chương 1 trong tác phẩm: "Duc, a reporter's love for a wounded people", tác giả: Uwe Siemon-Netto.
Người dịch: Lý Văn Quý & Nguyễn Hiền
Xem tiếp chương 2: Yếu tố Gillian
***
Uwe Siemon-Netto (1936), sinh tại Leipzig (Ðức), từng là ký giả quốc tế suốt 53 năm. Trong thập niên '60 ông là phóng viên thường trực của tạp chí Ðức Thế Giới (Die Welt) tại Việt Nam. Hiện ông cư ngụ tại California (Hoa Kỳ) và là Giám Ðốc Ðiều Hành Trung tâm Thần học Luther và Ðời Công. Tác phẩm "Ðức, Tình yêu của một phóng viên cho một dân tộc nhiều đau thương" được ông viết theo lời thỉnh cầu của Lý Văn Quý.