Lý Văn Quý & Nguyễn Hiền
Chương 4
Cái chết trong thành phố
Chuyến trở về Sài Gòn của tôi mất hàng giờ ngồi xe jeep, thêm ba chuyến bay và còn vất vả hơn cả chuyến đi đến Long Khốt nhiều. Sau khi về đến căn phòng mát mẻ của khách sạn Majestic, tôi không còn hứng thú đi đâu nữa. Tôi bỏ cả ý định phải đi tìm lại những món ăn quen thuộc mà tôi thèm thuồng sau kinh nghiệm đau thương với món "gỏi ngỗng" của Đại úy Ngữ, hay gọi là cái gì cũng được cho cái món kỳ cục đó. Tôi đã tưởng tượng sẽ phải thưởng thức một bữa ăn tối theo kiểu vùng Alsace, chẳng hạn như món dưa bắp cải của bà Eudel tại quán Guillaume Tell, hoặc món đậu lăng độn xúc xích tại Chez Henri, một quán ăn nhỏ khiêm nhường mà dân Tây xa xứ thường tụ tập uống rượu vang đỏ Algerie với nhau để hồi tưởng về vinh quang thời thuộc địa và khoe nhau những cuộc gặp gỡ với cấp lãnh đạo du kích Việt Cộng trong những lần đi thăm đồn điền Tây trong nội địa. Đối với tôi, và chắc chắn dưới nhãn quan của các nhân viên tình báo là những thân chủ thường xuyên của Henri, chỗ này có vẻ như là một đầu mối tình báo tuyệt vời, mặc dù không phải là lúc nào cũng đáng tin cậy. Tuy nhiên tối hôm đó, tôi không thể nào ăn uống thịnh soạn gì nổi. Tôi cũng chẳng còn hơi sức đâu mò đến chỗ đổi tiền chợ đen ở góc phố trên đường Tự Do do một người Ấn Độ nói tiếng Pháp gốc Madras làm chủ, ông ta vẫn thường đổi đô la ra tiền Nam Việt Nam cho tôi với giágấp mười lần số tiền mà tôi có thể nhận được từ nhà băng.
Sau khi tắm táp xong xuôi, tôi tự rót cho mình một ly Scotch và nằm dài ra trên giường. Tuy nhiên niềm hạnh phúc của tôi rất ngắn ngủi. Có tiếng gõ cửa phòng. Tôi vội quấn một cái khăn tắm quanh hông và ra mở cửa. Linh đi vào với vẻ mặt quan trọng.
"Chuyện lớn rồi," anh ta nói. "Chuyện lớn, lớn lắm."
Linh lúc nào cũng có vẻ nghiêm trọng, khác hẳn với bản tính năng động của hầu hết người Sài Gòn, lúc nào cũng cười được dù trong những tình huống khó khăn nhất. Linh là một người có đầu óc, lúc nào cũng tỏ vẻ căng thẳng và cáu kỉnh. Vừa ngồi xuống là Linh sốt ruột rung đùi, một cái tật cố hữu của anh. Tôi được biết đó là một đặc tính của người Huế, cố đô duyên dáng ở miền Trung Việt Nam và Linh sinh ra tại Huế.
Tôi có nhiều cảm tình với Linh. Nói đúng ra, tôi rất thích anh ta. Ít ra, Linh nắm vững và nói được tiếng mẹ đẻ của tôi, một khả năng anh đã học được khi làm việc trong một Tiểu đoàn nói tiếng Ðức trong đạo quân Lê Dương Pháp với tư cách là một nhạc công kèn trombone trong một ban nhạc quân đội.
Nhờ khả năng sinh ngữ giỏi, Linh đã xin được một công việc làm bền vững là thông dịch viên và phụ tá cho đoàn truyền hình Đức những khi họ đến Việt Nam . Anh đồng thời cũng là đại diện tại địa phương cho họ trong lúc họ vắng mặt. Linh là một người đàng hoàng, bản tính trung thành và khéo léo, biết cách luồn lách các thủ tục quan liêu của chính phủ. Anh ta biết cách xoay sở vé máy bay ngay cả khi mọi chuyến bay ra khỏi Sài Gòn đã hết chỗ. Anh cũng biết làm thế nào để xin được giấy phép quay phim và du lịch tưởng chừng như không tài nào kiếm được, biết cách gởi phim ảnh về Đức qua những chuyến bay vận tải một cách nhanh chóng nhất, biết cách đối phó với thủ tục quan thuế Việt Nam lúc nào cũng chỉ muốn kiếm chác nơi các phóng viên ngoại quốc, và nhất là biết làm thế nào để sắp xếp những cuộc phỏng vấn với các quan chức mà bình thường họ sẽ không ra tiếp chuyện với giới truyền thông báo chí. Linh không hề sợ hãi khi phải tranh đấu điều gì, và rất tự hào về chuyện đó. Có một lần một tay biên tập viên trạc tuổi trung niên, tính tình thô tục và cục cằn -Một gã nhà quê duy nhất trong một loạt các đồng nghiệp lịch lãm- đã ra lệnh cho Linh phải kiếm cho hắn một cô gái. Linh trả lời, "Truyền hình Đức mướn tôi không phải để làm ma cô." Gã phóng viên say rượu đã tát thẳng cánh vào mặt Linh. Anh lặng lẽ bước ra khỏi phòng. Sau đó Linh đến gặp tôi để xả hơi trong một trạng thái bực bội tâm lý hiếm thấy nơi anh.
"Tôi chỉ muốn 'cắt đầu' cái thằng bẩn thỉu béo ị này," anh ta nói, sử dụng một thuật ngữ thường dùng và rất khó chịu trong ngôn ngữ Việt Nam để ám chỉ việc giết hại ai đó.
'Bình tĩnh lại, anh Linh," tôi nói với anh. "Thằng ngu này cuối cùng sẽ tự chôn vùi lấy thân, anh không cần phải làm dùm hắn chuyện đó để rồi bị sống nốt cõi đời còn lại trong tù tội. Nó đã từng bị tống ra khỏi Ấn Độ bởi cái tư cách đốn mạt của nó rồi."
"Có lẽ anh đúng," Linh đáp lời, "Chắc tôi phải cắn răng chịu đựng và kiếm cho hắn một cô gái cho rồi -một cô nào đó mà hắn sẽ không bao giờ quên trong một thời gian thật dài. Anh biết tôi muốn nói cái gì chứ: về phương diện y tế đấy..."
Tôi bật cười: "Vâng, tất nhiên chúng ta không nên nuôi dưỡng mãi lòng hận thù nhưng nếu không thể làm cách nào khác, cái cách sau cùng này có vẻ đỡ nguy hiểm cho bạn hơn."
Linh ra về, cười mỉm một cách tinh quái. Đó là lần đầu tiên và cuối cùng tôi thấy Linh nở một nụ cười.
Khi không có nhóm truyền hình Đức trong thành phố, Linh làm việc cho tôi, hoặc ít nhất là gặp tôi mỗi ngày, như anh ta đã làm vào cuối buổi chiều hôm đó khi tôi trở về từ Long Khốt.
"Bạn có vẻ căng thẳng hơn bình thường đấy, anh Linh ạ," tôi chọc anh. "Chuyện lớn gì vậy?" Tôi hỏi anh.
"Sáng nay có một bà nhà giàu đã bị giết ngoài chợ trung tâm, một phụ nữ rất đẹp."
"Bà ấy bị giết như thế nào?"
"Có người đã cắt cổ bà từ phía sau bằng dây sắt. Hung thủ đã lẻn ra phía sau lưng bà, vòng dây kẽm có hai tay cầm quanh cổ rồi siết chặt. Gọn bâng, nhớp nhúa và máu me tùm lum. Chưa có ai bị bắt hết."
"Chao ơi," tôi nói, nhớ lại cái cách đã từng được áp dụng để thanh toán các cán bộ Việt Cộng lúc họ ngủ trong rừng.
"Tụi Việt Cộng đã làm điều này à?" Tôi hỏi.
"Tôi không chắc lắm nhưng tôi không nghĩ vậy." Linh trả lời. "Hoàn cảnh xảy ra làm người ta không nghĩ là như vậy. Bà này là người Hoa chuyên buôn ngũ cốc và sống tại Chợ Lớn (một dạng phố Tầu của Sài Gòn). Người ta nghi ngay bà ta là đầu nậu của một nhóm đầu cơ đã nâng giá gạo tăng vọt khủng khiếp mấy ngày hôm nay."
"Nâng giá bằng cách nào?"
"Bằng cách tích trữ để thị trường khan hiếm gạo," Linh giải thích.
"Hay là Việt Cộng đã giết để lấy lòng dân chúng?"
"Nếu vậy, tại sao Việt Cộng không đứng ra nhận? Im lặng như vậy, họ không tuyên truyền được cái gì cả. Đây không phải là lối Việt Cộng hoạt động," Linh nói. "Nói cho cùng, tuyên truyền đóng một vai trò rất quan trọng trong chiến lược của họ."
"Vậy thì sao?"
"Theo tôi, giá cả ngũ cốc đang có chiều hướng gia tăng ngoài tầm kiểm soát của chính phủ rồi..."
"Anh cho rằng có một cơ quan chính phủ đứng đàng sau vụ giết người này?" Tôi hỏi.
"Rất nhiều người nghĩ như vậy. Hoặc là như vậy, hoặc có một số người vì quyền lợi muốn đưa giá xuống. Người ta đồn đây là thủ đoạn của một bộ phận trong chính quyền. Có lẽ là chúng ta sẽ không bao giờ biết được sự thật. Nhưng phe chúng tôi có một số người khá thính mũi và hiệu quả lắm."
"Tôi tin điều anh nói," tôi trả lời mà giấu không kể lại những cuộc trao đổi của tôi với toán biệt kích tại Mộc Hóa.
Linh bước ra cửa. "Tôi chẳng hơi đâu nhỏ lệ cho cái chết của bà đó. Ngày mai tôi sẽ mua được gạo rẻ hơn để nuôi gia đình. Hẹn gặp anh sáng mai nhé."
Tôi mặc quần áo vào và leo lên nhà hàng tại tầng thứ năm của khách sạn Majestic. Tầng này dành cho khách một tầm nhìn tuyệt diệu qua con sông Sài Gòn, qua Bến Bạch Ðằng ngay phía dưới, và bến cảng bận rộn đầy những chiếc tàu chiến, những thương thuyền, ghe tam bản và tàu đánh cá. Những chiếc bàn được sắp đặt một cách thanh lịch trong tiệm ăn đều trống trơn, ngoại trừ một cặp là một người Mỹ, cao ốm, ăn mặc chỉnh tề và một phụ nữ Á Châu trạc ngoài 30 tuổi nổi bật trong một chiếc áo xường xám bó sát màu tím, cái màu tượng trưng cho sự xuất thân quyền quý. Họ đang bắt đầu một buổi chiều tối với một chai Dom Pérignon, loại sâm banh ngon nhất sẵn có ở Sài Gòn. Tôi chỉ quen sơ họ. Anh ta là một Đại tá thực thụ ở phòng cạnh tôi và cô ta là một thành viên của một gia đình nổi tiếng người Hoa đang làm việc với tư cách thông dịch viên cho một cơ quan Hoa Kỳ trong thành phố. Giới phóng viên chúng tôi có dịp gặp cô ta trong những bữa tiệc ngoại giao và rất ngưỡng mộ không những sắc đẹp mà còn thán phục tài năng ngoại ngữ của cô, có thể nói được tiếng Anh với một giọng Anh quốc chuẩn mực, nói tiếng Pháp trơn tru, tiếng Việt, tiếng Quảng Đông, Quan Thoại, một ít tiếng Đức và chắc hẳn một ít ngôn ngữ khác nữa. Vì là hàng xóm của ông Đại tá, tôi biết họ là tình nhân với nhau, và phần nào thán phục sự sành điệu của ông ta đối với phụ nữ. Tôi tiến đến gần bàn họ để chào hỏi.
"Đang ăn mừng hả?" Tôi hỏi.
"Đang ăn tối vĩnh biệt đây," anh ta nói. "Tour tôi hết hạn rồi. Ngày mai tôi trở về Hoa Kỳ."
Tôi chào tạm biệt và nói với cô ấy: "Thế nào mình cũng sẽ gặp lại nhau tại văn phòng của bà hay trong một buổi tiếp tân nào đó." Cô ta gật đầu mỉm cười với một vẻ buồn bã. Ai đó đã mách với tôi là ông Đại tá sắp trở về lại với vợ con tại Mỹ. Mặc dù vậy, anh ta và cô bạn người Hoa thật xứng đôi là một cặp hết sức lịch lãm.
Nhà hàng khách sạn Majestic đặc trưng với quầy món rau sống. Một đĩa khai vị, tiếp theo là phô mai ăn với bánh mì Pháp và một chai vang đỏ ướp lạnh Brouilly, loại rượu Beaujolais ưa thích của tôi, là tất cả những gì tôi cần trong buổi tối nóng nực đó. Tôi chọn một cái bàn bên cạnh cửa sổ nhìn ra bờ sông. Bên dưới, phía tay phải tôi nhận ra ánh đèn và tiếng cười đùa từ quán Mỹ Cảnh, một nhà hàng nổi danh tiếng với các món ăn Tầu và Việt Nam cùng với rượu Pháp loại mắc tiền. Bốn tháng sau, vào ngày 25 tháng 6 năm 1965 trong lúc tôi không có mặt ở Việt Nam, chỗ hạnh phúc này đã trở thành tiêu đề cho cho tất cả các báo chí lớn chung quanh thế giới: hai quả bom định giờ do Việt Cộng đặt đã thổi tung nhà hàng Mỹ Cảnh lên khỏi mặt nước giết chết 42 thực khách và người phục vụ cùng 80 người nữa bị thương. Trong số các nạn nhân, có 14 người Mỹ nhưng tất cả còn lại là người Việt Nam, kể cả đàn bà và trẻ em. Việt Cộng đã tuyên truyền và tự hào về hành động ghê tởm này. Đây là một lời nhắc nhở rõ nhất là cuộc xung đột tại Việt Nam đã đạt đến một cường độ của giai đoạn hai trong "Cuộc chiến giải phóng quốc gia" theo cuốn sách giáo khoa viết bởi Bộ trưởng Quốc phòng Võ Nguyên Giáp, một cuốn sách gối đầu giường của mỗi phóng viên có lòng tự trọng. Giai đoạn hai gồm chiến tranh du kích, khủng bố hăm dọa, và là khúc dạo đầu cho giai đoạn ba: chiến tranh qui ước với những trận đánh lớn mà tôi sẽ tường thuật vào cuối năm.
Tôi đi ngủ sớm và lập tức đi ngay vào giấc ngủ. Một tiếng hét đánh thức tôi dậy, một tiếng thét lớn, khủng khiếp và bất thường đến nỗi ban đầu tôi không nghĩ đó là tiếng hét của con người nữa. Đèn trên đầu giường tôi bật sáng, và dưới chân giường anh "boy" đứng run rẩy. Trong tiếng lóng Pháp thời thuộc địa, boy có nghĩa là đứa hầu trai (anh bồi), trong khi boyesse là đứa hầu gái. Hiện tượng "đúng đắn về chính trị" (political correctness) chưa làm ô nhiễm lối nói chuyện của người Tây Phương vào dạo năm 1965 lúc đó.
"Nhanh lên ông ơi," anh boy la lên bằng tiếng Pháp. Gọi là boy nhưng thực tế đó là một người đàn ông trang nghiêm đã ngoài 50. Tôi theo ông ta ra ngoài phòng. Thoáng thấy có một người phụ nữ mảnh mai mặc đồ tím đang chạy xuống hành lang lờ mờ sáng. Mái tóc dài đen của nàng tung rối đàng sau lưng.
Cánh cửa phòng của ông Đại tá bên cạnh để hở. Tôi nghe thấy tiếng rên và một tiếng "cười" rú đầy vẻ bối rối. Trên giường tôi thấy ông Đại tá trong một vũng máu. Máu bắn lên tường, chảy xuống sàn nhà và còn đang phun lên trời từ vùng háng của ông ta. Máu nhuộm đẫm cả người boy Việt Nam được giao nhiệm vụ chăm sóc phòng của ông Đại tá. Anh ta đang cố cầm máu một cách tuyệt vọng bằng cách dùng nắm tay mặt đè chặt lên động mạch lưng của nạn nhân, miệng thì bật lên tiếng "cười" hoảng hốt. Cái cách cười với thanh âm cao độ mà một số người Á châu thường biểu lộ trong những lúc thảng thốt thường làm người Tây phương không tài nào hiểu được. Sau này tôi được biết là có nhiều chiến binh Hoa Kỳ đã hiểu lầm một cách đau lòng đây là biểu lộ một sự khiêu khích và đôi khi đã có những hậu quả bi thảm trong lúc chiến đấu. Không ai giải thích cho họ biết đó chỉ là một sự cố gắng để che giấu niềm kinh hãi, một dấu hiệu khi bối rối mà thôi.
Ông Đại tá bây giờ đã bất tỉnh rồi. Bộ phận dương vật của ông đặt bên cạnh cùng với một lưỡi dao cạo dài đã được dùng để cắt đứt nó từ tận cuống khiến chuyện cầm máu không thể làm được.
"Anh đã gọi bác sĩ với xe cứu thương chưa?" Tôi hỏi anh hầu vừa rời khỏi phòng vài phút và nay đã trở lại.
"Thưa rồi ạ, nhưng phải mất một thời gian nữa họ mới đến được. Ông hiểu đấy: giới nghiêm mà..."
"Còn người đàn bà thì sao?"
"Bà ta không trốn đi đâu được vì lệnh giới nghiêm. Bà đã bị chận lại ngoài cổng và an ninh chúng tôi bắt giữ rồi."
Cho đến lúc bác sĩ và những người khiêng cáng đến, cùng với cảnh sát Việt Nam và quân cảnh Mỹ thì ông Đại tá đã chảy máu cho tới chết rồi. Một sĩ quan cảnh sát người Việt nói tiếng Pháp yêu cầu tôi trở về phòng và ở lại đó cho đến khi anh ta trở lại thăm tôi vào sáng hôm sau, lần này cùng với một đồng nghiệp khác. Cuộc thảo luận của chúng tôi hết sức ngắn gọn, rất chuyên nghiệp và được đánh dấu bởi những gì mà tôi cảm thấy đó là một sự biểu lộ đầy cảm xúc của tình nhân loại. Cuộc đối đáp đại khái đã diễn ra như sau:
"Thật là một sự kiện đầy bi thảm," viên sĩ quan nói.
"Đúng vậy," tôi nói, "Họ dường như là một cặp đầy hạnh phúc."
"Ông có quen với họ, đúng không?"
"Chỉ sơ giao thôi. Tôi có nói chuyện với họ tối hôm qua trong nhà hàng."
"Ông thấy bà ta ra sao?"
"Có vẻ buồn lắm, rất buồn. Họ đang ăn bữa tối để chia tay."
"Thật là tội nghiệp," viên sĩ quan tiếp lời bằng tiếng Pháp. "Ông có biết tại sao bà ta hành động như vậy hay không? Bà có nói điều gì không? Vẻ mặt ra sao? Có thái độ gì lạ không? Ông là phóng viên chắc có thể nhận xét được một điều gì đó."
Tôi lắc đầu. "Chịu thôi. Lòng ghen? Tôi không phải là người Việt Nam . Chuyện này có hay xảy ra đối với văn hóa các ông hay không?"
"Không hẳn như vậy," viên sĩ quan trả lời, "Chắc chắn không có chuyện đó trong môi trường của bà này. Bà dường như đã mất trí thình lình, nhưng tại sao? Chúng tôi vẫn luôn ngưỡng mộ sắc đẹp và nhân cách của bà ta."
Khi viên sĩ quan và người đồng nghiệp ra về, tôi rất muốn ôm lấy cả hai vì lòng nhân bản của họ. Họ không phải là hai viên chức cảnh sát cứng rắn nữa mà là những người đàn ông hết sức đau buồn trước một hoàn cảnh mà họ cho là một bi kịch riêng không thể nào diễn tả nổi.
Sau đó một người quen của tôi làm việc trong văn phòng công tố viện đã đưa ra một sự biện minh có lý cho hành động khó hiểu của cô đó, là cả hai đã lên giường và làm tình với nhau lần cuối. Sau đó thì ông Đại tá đã cộc cằn xoay lưng lại và ngủ thiếp đi, để mặc cho người tình một mình trong nỗi sầu khôn nguôi. Tòa án có vẻ chấp nhận lời khẳng định của cô là đã "thiến" tình nhân mình mà không có dự mưu gì cả, đã hành động nhất thời trong một giây phút bị tổn thương, và đã dùng cái lưỡi dao cạo râu của ông Đại tá mới xài xong trước khi âu yếm cô.
Nếu tôi không nhầm thì tòa án Sài Gòn đã gọi hành động của cô là một tội phạm do mê muội và đã tuyên án cô 15 năm tù. Ba hay bốn năm sau cô được thả ra. Một người phụ nữ hốc hác mảnh dẻ, không son phấn trang điểm, trong bộ váy tầm thường đã đột ngột chận tôi lại trên con đường Tự Do: "Ông có biết tôi là ai không?"
"Chúa ơi, chuyện gì xảy ra cho bà vậy? Bọn nó ngược đãi bà trong tù hay sao?" Tôi hỏi.
"Hoàn toàn không có chuyện đó," cô trả lời, "Mọi người đều tốt với tôi, kể cả cảnh sát, công tố viên, tòa án và nhân viên nhà giam. Ngay cả anh boy khách sạn Majestic và một số người Mỹ đã vào thăm tôi trong tù. Người ông đang thấy trước mặt là một phụ nữ bối rối, buồn bã và lòng đầy hối hận. Một người đàn bà đã giết người yêu quý nhất trên đời mà vẫn không hiểu tại sao," cô nói và tan biến đi trong dòng người đông đúc của giờ cao điểm trên đại lộ tấp nập nhất của Sài Gòn. Tôi không bao giờ gặp lại người phụ nữ ấy nữa.
Nguyên tác: Death in the city – Chương 4 trong tác phẩm: "Duc, a reporter's love for a wounded people", tác giả: Uwe Siemon-Netto.
Người dịch: Lý Văn Quý & Nguyễn Hiền
________________________
Xem chương 1: Như biển cả, như bầu trời
Xem chương 2: Yếu tố Gillian
Xem chương 3: Ðể tỏ lòng tôn kính đến đại úy Ngữ
Xem tiếp chương 5: Cái chết trong làng
***
Uwe Siemon-Netto (1936), sinh tại Leipzig (Ðức), từng là ký giả quốc tế suốt 53 năm. Trong thập niên '60 ông là phóng viên thường trực của tạp chí Ðức Thế Giới (Die Welt) tại Việt Nam. Hiện ông cư ngụ tại California (Hoa Kỳ) và là Giám Ðốc Ðiều Hành Trung tâm Thần học Luther và Ðời Công. Tác phẩm "Ðức, Tình yêu của một phóng viên cho một dân tộc nhiều đau thương" được ông viết theo lời thỉnh cầu của Lý Văn Quý.