Nguyễn Hiền


Câu chuyện của nhà văn Nguyễn Lê Hồng Hưng

.

Nhà văn Nguyễn Lê Hồng Hưng (NLHH) là một thuyền nhân cư ngụ tại Dronten (Hòa Lan). Anh đã làm việc trên 40 năm cho một công ty hàng hải Hòa Lan. Với công việc này anh đã ghé hàng chục quốc gia khắp thế giới, từ Nam Mỹ cho tới bờ tây Thái Bình Dương. Dưới đây là bài phỏng vấn anh, do Nguyễn Hiền (NH) thực hiện.

***

Tại bến cảng Sint Petersburg, Nga, 2017

NH. Xin anh cho biết chút ít về bản thân anh và về gia đình.

NLHH. Nguyễn Lê Hồng Hưng là bút hiệu của tôi, còn tên thật là Nguyễn Tấn Hưng. Tôi sanh năm 1959 tại ấp Công Nghiệp, quận Sông Ông Đốc thị xã Cà Mau.

Trước 1975 tôi theo nghề ngư phủ. Hiện làm nghề thủy thủ tàu viễn dương Hòa Lan. Có vợ và hai con gái.

NH. Khi còn ở Việt Nam, hoàn cảnh sinh sống của anh ra sao? Anh có những trải nghiệm nào về chiến tranh trong thời gian đó?

NLHH. Ba tôi là lính tác chiến của miền Nam Việt Nam, đơn vị ông hoạt động ở miệt U-Minh, Cà Mau. Mỗi khi ông đổi đi một nơi nào, thì mang theo cả gia đình, cho nên hoàn cảnh sống cứ nay đây mai đó. Năm mười bốn tuổi, tôi làm nghề đánh cá trong vùng vịnh Thái Lan. Tôi sanh ra và lớn lên trong cuộc chiến tranh Nam-Bắc Việt Nam, trải nghiệm qua những chết chóc và hận thù... nên tôi rất ghét chiến tranh.

NH. Vì sao anh quyết định ra đi? Chuyến đi của anh ra sao và do đâu anh đã tới được Hòa Lan?

NLHH. Sau những năm sống dưới chế độ cộng sản, tôi thấy dân chúng quê tôi, trong đó có tôi, cực khổ cực không sao kể hết.Tôi cũng như bao thanh niên ngư phủ khác, chúng tôi chuyên đánh cá, nhưng khi nhà nước cần thì họ bắt đi đào đất đắp đê, hay xây dựng nghĩa trang hoặc làm cho họ chuyện gì đó, luôn cả chuyện bắt đi đánh trận bên Miên, cuộc chiến mà họ đã bày ra. Cho nên làm ăn không được gì hết, nếu chống lại thì bị họ ghép cho tội phản động, theo Mỹ, Ngụy... Nói chung tôi không quen với lối sống áp đặt của nhà nước này nên tôi quyết định ra đi. Tôi là dân đánh cá, vùng biển trong vịnh Thái Lan và Mã Lai, ngư phủ chúng tôi rành vùng biển này lắm. Nhằm lúc nhà nước bật đèn xanh cho người Tàu đăng ký đi vượt biển, họ mướn tôi chạy ghe qua Mã Lai. Tôi nhận lời và theo họ ra đi trong thời gian đó. Ghe tôi là loại ghe đánh khơi, dài hai mươi hai thước, ngang ba thước, chở hai trăm ba chục người, nhờ trời chúng tôi đi trót lọt, hai ngày tới đảo Pulau-Bidong – Mã Lai, không một người nào bị sao hết. Sau 1 năm ở Bidong, tôi được Hòa Lan chấp thuận cho nhập cư, khi đó là năm 1979.

NH. Trong những năm đầu tiên ở Hòa Lan anh đã sinh hoạt thế nào?

NLHH. Thủ tục ban đầu cũng như nhiều người Việt ty nạn lúc đó, được nhà nước Hoà Lan cho học bốn trăm giờ tiếng Hòa Lan. Chuyện học ngoại ngữ đối với tôi rất khó khăn, sau khi học xong tôi chỉ biết bập bẹ đủ chào hỏi thăm sức khoẻ và hỏi thăm đường.

NH. Lý do gì khiến anh chọn một nghề trên biển?

NLHH. Sau khi học xong bốn trăm giờ tiếng Hoà Lan, người đỡ đầu xin cho tôi làm thủy thủ công ty Holwerda ở Heerenveen. Tôi không có học trường hàng hải. Tôi làm thủy thủ được một năm, công ty cho tôi đi học khoá nấu ăn ngắn và sau đó tôi làm bếp trên tàu cho cho tới nay.

NH. Làm đầu bếp trên một chiếc tàu xuôi ngược trong một thế giới mênh mông chắc hẳn là một thay đổi lớn trong đời anh? Anh có gặp nhiều trở ngại trong thời gian đầu không, trong ngôn ngữ và trong cách sắp xếp thực đơn?

Helsinki, Phần Lan (2015)

NLHH. Chuyện biển cả mênh mông, sóng gió bão bùng thì ai cũng biết, nhứt là những người tị nạn lần đầu ngồi ghe vượt biển trong cơn bão thì đó là chuyện kinh hoàng, nhưng vì tôi là ngư phủ nên mau thích nghi hơn. Theo tôi nghĩ thì bất cứ công việc nào thời gian đầu cũng bị trở ngại, người Việt có câu "Vạn sự khởi đầu nan". Làm đầu bếp trên tàu cũng vậy, vì tôi là ma mới, lúc ban đầu cũng gặp vài người đố kỵ, cứng đầu cự nự phàn nàn và vì công việc mới nên cũng trở ngại trong chuyện nấu nướng. Tuy nhiên nhờ trên tàu luật lệ rất nghiêm nên thuyền viên phải tuân thủ theo luật. Tôi biết chút tiếng Anh và tiếng Hòa Lan cũng tạm đủ để làm việc, tuy không khá lắm, nhưng sống chung lâu ngày cũng hiểu nhau hết. Ban đầu chưa có kinh nghiệm nên ra thực đơn hơi khó, nhưng quen rồi thì cũng ổn.

NH. Anh có để ý tới vấn đề kiêng cử trong ăn uống theo tôn giáo của họ khi lập thực đơn? Anh có thường nấu món ăn Việt Nam cho họ không? Món Việt Nam nào họ thấy ngon nhứt?

NLHH. Trên tàu có nhiều người In Đô theo đạo Hồi, họ hổng ăn thịt heo, không ăn khoai tây, cho nên bàn của In Đô tôi không dọn thịt heo và không dọn khoai tây. Nói cho ngay, đây chỉ là hình thức thôi, tôi không thể dùng một bộ dụng cụ nhà bếp riêng để nấu cho những người theo đạo Hồi này. Nếu người In Đô nào muốn ăn thịt heo và khoai tây thì hỏi tôi, đúng ra thì tôi dọn gì họ phải ăn nấy, tôi làm theo lương tâm thôi chớ không bắt buộc. Món ăn Việt Nam thì lúc nào và bất cứ người ở quốc gia nào cũng ưa chuộng, nhứt là món chả giò Việt Nam.

NH. Lịch hải hành của anh ra sao?

NLHH. Mỗi sau kỳ nghỉ trở lại hải hành, công ty đổi tàu chạy vùng nào thì tôi đi vùng đó. Thủy thủ không nhứt thiết phải đi trên một chiếc tàu, nên lịch trình không nhứt định. Thí dụ như chuyến tới, đầu tháng 5/2022, tôi sẽ qua Tây Ban Nha, chuyển hàng từ đất liền ra quần đảo Canary hoặc qua Ma-Rốc. Chuyến sau thì chưa biết đi đâu. Theo quy định, mỗi chuyến đi 2 tháng thì được nghỉ một tháng, quy định là vậy, nhưng tùy theo nhu cầu và sắp xếp lẫn nhau. Thí dụ nếu muốn nghỉ nhiều thì xin đi thêm.

NH. Anh đã cặp bến hàng chục quốc gia. Quốc gia nào đã để lại trong anh dấu ấn sâu đậm nhứt?

NLHH. Dĩ nhiên là Hoà Lan là quốc gia để lại trong tôi dấu ấn tuyệt vời, vì nó đã cưu mang tôi, người Hòa Lan rất tốt, họ giúp tôi rất nhiều. Ngoài ra những nước khác thì tôi thích những quốc gia vùng Scandinavia hơn. Những thành phố của các quốc gia này rất đẹp, con người hiền hòa, thân thiện, tôi thích nhứt là Stockholm, thủ đô của nước Thụy Điển.

NH. Anh có thường gặp người Việt Nam tại những quốc gia đó không? Anh có còn nhớ một cuộc gặp gỡ nào thật cảm động không?

NLHH. Trước đây lúc phong trào người Việt tị nạn có tên là Vietnamese boat people, lúc đó người Việt còn hiếm lắm. Cho nên đi tới đâu tôi cũng tìm gặp người Việt để trò chuyện cho vơi bớt buồn xa xứ. Sau này gặp người Việt bên Nga, họ là người miền Bắc, đứng bán chợ trời trên đường phố trung tâm St. Peterburg, họ cũng mừng rỡ chào mời tới nhà chơi, cũng có tình thâm. Những năm sau này người Việt nhiều quá, đi tới đâu tôi cũng gặp người Việt nên thấy cũng thường thôi...

NH. Làm sao anh có thể tìm được sự cân bằng giữa công việc và đời sống riêng tư, khi anh có một việc làm đặc biệt như vậy?

NLHH. Thủy thủ Hòa Lan hưởng quy chế cũng khá tốt. Thí vụ như vợ có bầu, có thể tự sắp xếp ngày nghỉ, như đi làm lâu, dành ngày nghỉ về nuôi vợ đẻ cho tới ngày vợ khoẻ mới đi lại. Có lần vợ tôi ở nhà bị đột quị, vừa nghe tin thì được công ty sắp xếp cho về liền, và còn được ở nhà săn sóc cho tới khi vợ lành bịnh. Đó là những quy chế công ty cho thủy thủ, còn chuyện cá nhân thì cũng có lúc bất đồng, nhưng ổn hay không là do gia đình dàn xếp với nhau. Trên tàu làm việc cũng phải có giờ giấc. Làm hết giờ, xong việc thì nghỉ. Trong giờ nghỉ thì làm chuyện riêng tư..., như tôi khi nào rảnh tôi thường làm thơ, viết văn...

Ra mắt tuyển tập truyện ngắn đầu tay Dòng Sông Sữa Mẹ – Nieuwegein, 1994

NH. Anh đã viết nhiều truyện ngắn về những gì đã xảy ra trong thủy thủ đoàn và những gì anh đã trải qua. Những người trên tàu có khi nào tò mò muốn biết anh viết gì trong những truyện đó không? Họ có khi nào gợi ý là anh dịch những truyện đó cho họ đọc không?

NLHH. Có nhiều đồng nghiệp người nước khác, biết tôi viết văn và có in sách, cũng  hỏi sách tôi có dịch ra tiếng nước họ không? Và cũng có vài người bạn đồng nghiệp người Hòa Lan khuyên tôi viết hoặc dịch sách tôi ra tiếng Hòa Lan. Tôi nghĩ mình không có khả năng đó nên không nghĩ tới.

Những tuyển tập truyện ngắn của Nguyễn Lê Hồng Hưng đã xuất bản ở Hòa Lan

NH. Đại dịch Covid đã gây tác động ra sao trên lịch hải hành? Tôi thiết tưởng nhiều người đã bị bắt buộc ở lại lâu trên tàu vì quốc gia họ đang ở bị phong tỏa. Chuyện này có đưa tới vấn đề tâm thần trong thủy thủ đoàn không?

NLHH. Thiệt ra thì chuyện thủy thủ đổ bộ hơn bốn mươi năm qua thay đổi rất nhiều chớ không riêng gì do đại dịch Covid. Bốn mươi năm trước những bến cảng Âu Châu cho phép thủy thủ gần như tự do đi lại. Từ khi có HIV và khủng bố, nhiều bến cảng phải có thủ tục nhập cảnh mới lên bờ được, nói chung thì đi lại hạn chế hơn. Khi dịch Covid bùng phát thì thủy thủ khi lên bờ phải rửa tay bằng nước khử trùng, mang khẩu trang, nói chung chúng tôi cũng phải tuân theo luật phòng chống giống như những người trên bờ vậy thôi. Thỉnh thoảng tôi có nghe vài vị thuyền trưởng cấm không cho thủy thủ lên bờ, thủy thủ phàn nàn buồn chán chút vậy thôi chớ chưa nghe có người thủy thủ bị tâm thần như tôi đã nghe những người trên đất liền bị.

NH. Anh có bao giờ suy tính tới chuyện chuyển lên bờ làm hay không?

NLHH. Trước kia lúc mới cưới vợ, tôi có lên bờ làm việc một thời gian, nhưng tôi thấy làm trong xưởng hay nhà hàng ít ngày nghỉ, mỗi lần nghỉ và đi lại cũng hạn chế. Nên tôi xin làm lại. Cho tới nay gần về hưu rồi, tôi không nghĩ nữa và mong cho có sức khoẻ làm việc cho tới ngày về hưu.

NH. Cám ơn anh Nguyễn Lê Hồng Hưng đã dành thời giờ cho cuộc phỏng vấn.

 

Nguyễn Hiền

____________

*** Xem những truyện ngắn của Nguyễn Lê Hồng Hưng đã đăng trên www.caidinh.com

*** Xem những bài thơ của Nguyễn Lê Hồng Hưng đã đăng trên www.caidinh.com

 

Direct link: trangluu/phongvanthuyennhan/cauchuyencuanhavannguyenlehonghung.html


Cái Đình - 2022