Nguyễn Hoàn Nguyên


Một số vấn đề văn hóa

 

Trong ba ngày từ 29 tháng 8 đến 31 tháng 8/2008, với sự hợp tác của một số hiệp hội văn hóa và cơ sở truyền thông Việt Nam hải ngoại, Ngày Gặp Gỡ Văn Hóa Việt Nam Hải Ngoại 2008 được tổ chức tại Bruxelles, thủ đô của Vương Quốc Bỉ. Sinh hoạt này đã qui tụ được các thành phần tham dự bao gồm nhiều tôn giáo khác nhau, hoạt động trong các lãnh vực văn hóa, giáo dục, văn học và truyền thông đến từ một số quốc gia ở Âu Châu (xin đọc bài tường thuật Ngày Gặp Gỡ VHVNHN 2008 trong mục Sinh Hoạt Thế Giới).

Các ngày sinh hoạt trên chú trọng nhiều hơn về sự gặp gỡ, thông tri các hoạt động văn hóa, phát huy tình thân hữu (cùng sống văn hóa trước khi bàn đến hoạt động văn hóa) hơn là một hội nghị theo đúng nghĩa thông thường. Tuy nhiên những bài thuyết trình liên quan đến chủ đề ‘Cộng Đồng Người Việt Hải Ngoại, Thực Thể và Văn Hóa' cũng như một số bài tham luận sau đó của các nhà tôn giáo, các nhân sĩ, thành viên sinh hoạt trong lãnh vực văn hóa, giáo dục, nghệ thuật đã trình bày được ít nhiều vấn đề về thực tại văn hóa Việt Nam trong và ngoài nước hiện nay. Nhất là hoàn cảnh sinh hoạt văn hóa giáo dục trong nước bị kìm chế dưới chế độ độc tài trong khi Việt Nam đang phải đối diện trước vấn đề toàn cầu hóa cũng như đang bị những áp lực chính trị, quân sự và văn hóa của Trung Quốc. Một số vấn đề văn hóa liên quan đến việc phục hồi, phát huy và đóng góp vào sự chuyển hóa hoàn cảnh Việt Nam cũng như nỗ lực tiếp tục đầu tư văn hóa Việt vào thế hệ trẻ kế tiếp đã được đề ra. Chúng tôi cố gắng tóm tắt một số các vấn đề văn hóa và nhận định của các thuyết trình viên, tham dự viên qua các bài thuyết trình, tham luận trong ba ngày gặp gỡ văn hóa nói trên. Học vị, bằng cấp hoặc chức vụ được nêu lên nhằm mục đích trình bày rõ hơn sở trường và phạm vi chuyên môn của từng người.

1- Linh mục Hồng Kim Linh, tiến sĩ Văn Chương tại Institute Catholique de Paris và Đại Học Sorbonne, Paris, Pháp với bài thuyết trình ‘Thử Đi Tìm Hồn Việt Qua Cách Khảo Sát Ngôn Ngữ Để Góp Phần Phát Huy Căn Tính Việt Tộc' (bấm vào đây để đọc toàn bài)

Sau khi trình bày một vài đặc điểm ngôn ngữ trong văn hóa Việt (người Việt gọi quốc gia mình là ‘nước' vì có nguồn gốc văn minh lúa nước của Bách Việt), linh mục đã đề nghị một số các biện pháp văn hóa cụ thể:

– Thiết lập Câu Lạc Bộ Văn Hóa Hải Ngoại: Cố gắng gìn giữ được căn tính của Việt tộc. Điều quan trọng: Điểm hẹn là giới trẻ.
– Tiếng Việt là ngôn ngữ quốc tế của người Việt Nam ở khắp nơi.
– Phục hồi niềm tin minh triết Trời trong văn hóa Việt Nam (tháp Báo Thiên, tế lễ Nam Giao...).
– Việt Nam không có chiến tranh tôn giáo, vì thế không biến tôn giáo thành ý thức hệ.
– Thề hiện tình tự dân tộc trong cách xử thế.

2.- Linh Mục Nguyễn Thái Hợp, tiến sĩ Triết Học và Thần Học luân lý, giáo sư tại các Đại Học Gioan XXIII. Lima (Péru), Đại Học Thánh Thomas d'Aquin (Angelicum), Roma (Ý), Đại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn, Sài gòn, hiện đang hoạt động ở Việt Nam trong lãnh vực từ thiện, giúp đỡ các nạn nhân đang bị bệnh AIDS):

Linh mục đã ứng khẩu phác họa một số nét về đề tài ‘Văn Hóa Việt Nam Trong Thời Toàn Cầu Hóa':

– Văn hóa Việt Nam phải thích nghi thế nào trong bối cảnh toàn cầu?
– Việt Nam là nơi hội tụ của 4 miền văn hóa: Ấn Độ, Trung Quốc, Mã Lai, và văn hóa tây phương đến từ đại dương.
– Lần đầu tiên Việt Nam mở cửa nhìn ra thế gìới bên ngoài bằng con mắt của chính người Việt chớ không qua nhãn quan của Trung Quốc như trong quá trình lịch sử. Như thế cần một cách tiếp cận mới để tiếp thu những tinh hoa nhằm đưa đến dân chủ (thoát ra khỏi Khổng giáo), đưa đến nhân phẩm, nhân quyền, nhân vị. Sự tiếp thu khoa học, kỹ thuật sẽ đưa đến sự đề cao cá nhân, sự đầu tư vào tư bản nhân văn (danh từ trong nước gọi là vốn con người) để đào tạo con người sáng tạo, con người trí thức, văn hóa.
– Phát huy văn hóa Đông Phương cùng nối kết yếu tố thời đại (để tự do không trở thành tự do phóng túng, tư bản nhân văn không trở thành cá nhân chủ nghĩa,...).

Linh mục đã đề ra mô hình ba bàn tay để cải tổ Việt Nam:

a) Kinh tế thị trường.

b) Nhà nước pháp trị: Đề ra các kế hoạch, hướng đi phù hợp thời đại, tránh khủng hoảng kinh tế.

c) Xã hội nhân sự: Mục đích làm giảm nhẹ sự quá độ của kinh tế thị trường, đóng góp và việc giữ thơm quê mẹ, đào tạo tư bản nhân văn.

3.- Giáo sư Lê Mộng Nguyên, tiến sĩ Luật Khoa, giáo sư Luật Khoa ban công pháp tại Đại Học Paris, luật sư tòa thượng thẩm Paris, viện sĩ Viện Hàn Lâm Khoa Học Hải Ngoại của Pháp Quốc: Với đề tài của bài thuyết trình ‘Chung Đụng Văn Hóa Xã Hội Tại Việt Nam Trong Thời Kỳ Giữa Hai Cuộc Đại Chiến, ông đã trình bày:

– Sự tự do, tự quyết của dân tộc Pháp; các bi kịch do các mâu thuẫn, xung khắc của cộng đồng Pháp Việt cùng những ảnh hưởng của Voltaire, Rousseau, Montesquieu trong giai đoạn lịch sử này.
– Phán xét lại văn hóa cổ truyền và các giá trị của văn hóa mới.
– Trước khi bị Pháp chiếm đóng, xã hội Việt Nam là xã hội đóng kín, nặng về luân lý, tôn giáo.
– Dòng văn hóa Âu Tây đưa đến chủ nghĩa quốc gia ở Việt Nam.

4.- Bùi Hạnh Nghi, tiến sĩ Văn Chương, Luật Học; cao học Kinh Tế, giáo sư Đức ngữ, nguyên giám đốc ngân hàng tại Cộng Hòa Liên Bang Đức trình bày đề tài ‘Thân Phận Lưu Vong'.

– Tình trạng lưu vong của người Việt hải ngoại là sự rời xa một chế độ độc tài và môi trường địa lý. Về văn hóa không hề có sự lưu vong nếu biết bảo tồn và phát huy văn hóa, trong đó điều quan trọng là giữ gìn ngôn ngữ Việt (có thể hiểu người Việt có thể lưu vong văn hóa ngay chính trên quê hương nếu đánh mất bản chất văn hóa Việt).

– Việc bảo tồn phát huy văn hóa đòi hỏi sự đóng góp của rất nhiều người. Tóm lại phải cùng ngồi lại với nhau để cùng làm việc (cho đến nay vẫn chưa đạt được mục đích). Cùng nhau hoạt động văn hóa sẽ vượt qua các mâu thuẫn chính trị.

– Lưu vong trong một ý nghĩa rộng lớn luôn gắn liền với bản chất con người. ‘Con người lưu vong' luôn có mâu thuẫn nội tại, khao khát tìm một cái gì khác mà ta cho là tốt đẹp hơn: một thứ hạnh phúc toàn vẹn, một thiên đường đã mất, hạnh phúc xa xưa. Mâu thuẫn này có điểm tích cực: con người tìm mọi cách thăng hoa cuộc sống (của chính minh, của dân tộc) để trở thành tốt đẹp hơn, nhân bản hơn. Lúc sinh ra là bắt đầu cuộc hành trình đi vào cõi chết. Điều này đưa đến điểm tích cực: đánh giá đúng mức giá trị sự sống (theo đuổi, thực hiện các lý tưởng, các công trình văn hóa), muốn né tránh sự phai tàn (đi tìm tuyệt đối, tìm thiên đường đã mất).

– Tính lưu vong của người Việt hải ngoại:
* Yếu tố tiêu cực: Các nguy hiểm trong chuyến vượt biên, nhớ nhà, xa rời làng mạc, láng giềng, văn hóa, sự xung khắc giữa hai nền văn hóa (giữa vợ chồng, con cái, cha mẹ)...
* Yếu tố tích cực:
+ Phong phú thêm đời sống vật chất, tinh thần.
+ Có cơ hội tiếp cận các nền văn hóa khác, làm giàu thêm vốn liếng văn hóa.
+ Tăng cường ý thức về quê hương và giá tri văn hóa truyền thống Việt Nam.
+ Thành công vượt bực của thế hệ thứ hai, thứ ba.
+ Các hoạt động văn hóa, các hiệp hội chuyên ngành.
+ Hội nhập: Phải hiểu biết về lịch sử nhân văn của nơi mình đang sống, sự giao lưu phải hai chiều: tiếp nhận và giới thiệu, truyền lại nét đẹp văn hóa Việt Nam.
+ Bảo tồn văn hóa là phải gin giữ và phát huy cả văn chương bình dân
+ Phát huy văn học lưu vong.

Bài thuyết trình được kết luận: Phải bảo tồn và phát huy văn hóa Việt để chu toàn trách nhiệm đối với chính mình, với đất nước.

5.- Nguyễn Đăng Trúc (tiến sĩ Triết Học, cựu giáo sư Đại Học Minh Đức, giảng viên phân khoa Thần Học Đại Học Strasbourg, Pháp, hội trưởng hội văn hóa Trung Tâm Nguyễn Trường Tộ) với đề tài ‘Văn Hóa và Thân Phận Lưu Đày Của Con Người'.

Ông đưa ra ba tiêu chuẩn cụ thể để nói lên một thực thể văn hóa:

a) Nội dung thiết yếu và tối thượng của văn hóa: ý thức nhân tính và phát huy nhân tính:
Ý thức về nhân tính của mình, hãy tự biết lấy mình. Chỉ một điều này thôi, tất cả đều là xa xỉ.

b) Văn hóa phải có dấu chứng: chữ viết và văn bản:
Các bản văn trên khắp thế giới về nhân tính đều nói về sự lưu đày của nhân tính. Trước chân lý, con người đều là lưu vong. Thân phận lưu đày là thân phận văn hóa:

– Thời khai sinh của các nền văn hóa và tôn giáo còn tồn tục: Thế kỷ thứ VI và thứ V trước công nguyên (thời trục):
* Văn hóa Hy Lạp: Thời bi kịch Hy Lạp [Eschyle (525 – 457 trước công nguyên): Prométhée enchainé' Sophocle (496 – 406 tcn): Œdipe Roi], các nhà tư tưởng Héraclite (544 – 480 tcn), Parménide (510 – ... tcn), Socrate (470 – 399 tcn)...
* Văn hóa Trung Hoa: Lão Tử (khoảng thế kỷ thứ VI tcn), Khổng Tử (551 – 479 tcn).
* Đức Phật (563 – 483 tcn) và truyền thống Phật giáo.
* Truyền thống Do Thái giáo và Ky tô giáo: Thời các tiên tri trong Cựu Ước (khoảng thế kỷ IX đến V tcn), các bản Kinh Thánh được ghi chép (khoảng từ thế kỷ VII đến V tcn).

– Truyền thống văn hóa Việt Nam:
Trong huyền thoại có tính cách văn hiến (tác phẩm Lĩnh Nam Chích Quái): thân phận lưu đày và khắc khoải của Âu Cơ, của Tiên Dung và Chử Đồng Tử, của Mai An Tiêm...; trong tác phẩm Kiều của Nguyễn Du.

c)– Ý thức thân phận lưu đày gắn liền với nhân tính giúp xác định vai trò và nét đặc trưng của văn hóa:

– Văn hóa và phẩm giá cao cả của con người vượt thời gian không gian, vượt lên trên những đánh giá và luật lệ của các định chế chính trị, xã hội do con người làm ra: nhân tính là linh ư vạn vật; thần vô phương (thần là hơi thở làm nên nhân tính, là sức sống của văn hóa, không phải là sản phẩm do trí tường tượng của con người).

– Văn hóa luôn là biểu hiện lòng bao dung. Do đó làm văn hóa đòi hỏi phải bao dung. Văn hóa có chức năng nhắc nhở lòng bao dung và khiêm tốn. Con người là lữ hành hướng về chân lý. Không có chân lý tuyệt đối để áp đặt, chi phối các dị biệt khác. Văn hóa có tính cách liên đới. Làm văn hóa một mình là vô nghĩa.

Kết luận: Cộng Đồng Việt Nam hải ngoại đang sống thân phận lưu đày trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể của đất nước và có trọng trách gin giữ cũng như phát huy văn hóa.

6.- Nguyễn văn Hướng (thi sĩ Hoài Việt), tiến sĩ Khoa Học, nghiên cứu viên tại viện Pasteur. Paris, chủ tịch hội B, chủ nhiệm tập san ‘Làng Xưa Phố Cũ' và ‘Duo', phát biểu qua bài tham luận: ‘Thi họa Việt, Pháp và Sự Trao Đổi Văn Hóa Việt Pháp':

Qua bài tham luận, ông đã đề nghị một số các ý kiến:

– Làm thế nào để đóng góp vào sự sáng tác những tác phẩm của người Việt ở hải ngoại, đóng góp vào văn hóa Việt Nam: viết các tác phẩm song ngữ, dịch truyện cổ tích, trao đổi văn hóa...
– Đóng góp vào sự tranh đấu cho tự do dân chủ.
– Chú trọng vào thế hệ trẻ Việt Nam sinh ra ở hải ngoại.

7.- Hoàng Đức Phương, tiến sĩ khoa học, sáng lập Hội Văn Hóa VN tại Sarcelles, Pháp, sáng lập viên ban giảng huấn Việt Tộc:

Là khoa học gia trong lãnh vực đóng máy bay, phi thuyền ông nhìn vấn đề văn hóa khác với cái nhìn của triết gia. Ông đặt vấn đề có tính cách cụ thể, thực dụng: ‘Công dụng của văn hóa là gì?' và chủ trương dùng khoa học thực nghiệm để kiểm chứng lịch sử, văn hóa Việt.

Ông đã trình bày biểu đồ biến thái văn hóa của loài người từ ngày có con người cho đến nay cùng các hình thức văn hóa qua các thời đại: từ lúc tìm ra lửa, đồ nung cho đến giai đoạn hình thành cái nhìn, nếp sống, sự hình thành các học thuyết, tâm linh. Trong các quá trình này, nhiều nền văn hóa đã hình thành hay đã bị đào thải vì không bắt kịp đà tiến của nhân loại.

Cho đến thời đại đồ thép (cuộc cách mạng lần thứ ba) Đông Phương không theo kịp đà cách mạng của Âu Châu. Trong thời đại nguyên tử cả Đông lẫn Tây đều chới với trước những vấn đề nhân sinh.

Một số các ý kiến của ông về vấn đề văn hóa Việt:

– Chữa lại các suy tư sai lệch.
– Tìm cách tiếp xúc lại với tổ tiên (văn hóa gốc)
– Do đó phải truy nguyên về nguồn gốc văn hóa Việt Nam. Văn hóa gốc này hiện diện trước hàng ngàn năm trong sinh hoạt của tộc Việt trước khi Việt Nam du nhập tam giáo Phật, Khổng, Lão.
– Văn hóa Tàu chiếm giữ văn hóa Việt (có chứng cớ khoa học). Nếp sống tạo nên tâm tính con người: văn hóa nông nghiệp của Việt tộc đưa đến chế độ mẫu hệ, văn hóa du mục của Tàu có chế độ phụ hệ.
– Nguyên tắc xử thế: Kết hợp nhau bằng Tâm, cư xử với nhau bằng Đức.
– Xây dựng và canh tân văn hóa, tư tưởng, tư duy, đóng góp vào sinh hoạt toàn cầu.
– Cùng nhau soạn thảo bộ Việt Học Toàn Thư (học về người Việt và nước Việt), đề ra những học thuyết mới để tư tưởng Việt có thể đóng góp vào sinh hoạt thế giới.

8.- Nguyễn Hiền, dược sĩ, nhà văn, hội trưởng Hội Sinh Hoạt Văn Hóa Văn Nghệ ‘Cái Đình', Hòa Lan:

Sau ít lời giới thiệu đến sinh hoạt văn hóa văn học hơn 15 năm qua của Cái Đình ớ Hòa Lan, ông trình bày nhận định văn hóa có thể xem là nguyên nhân sâu xa đưa đến sự hình thành thực thể cộng đồng người Việt ở hải ngoại, qua bài 'Cộng đồng người Việt hải ngoại và sự phát triển văn hóa Việt Nam'. (bấm vào đây để đọc toàn bài).

Qua bài tham luận trên vấn đề văn hóa Việt Nam có thể được nhìn từ các chiều kích khác nhau:

– Trong quá khứ:
* Hình thành, tiếp thu và cố gắng gìn giữ tính đặc thù, khai phóng của văn hóa Việt Nam trong quá trình dựng và giữ nước.
* Khủng hoảng văn hóa, suy thoái tư duy, đánh mất khả năng dung hóa, đối thoại với văn hóa Tây Phương.

– Trong hiện tại:
* Văn hóa Việt Nam dưới chế độ độc tài cộng sản.
* Sự cố gắng bảo tồn và phát huy văn hóa Việt ở hải ngoại, sự tiếp cận và thu thập tinh hoa của các nền văn hóa khác.

– Nhìn về tương lai: Văn hóa Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa.

9.- Nguyễn Khắc Tiến Tùng, tiến sĩ triết học, giáo sư tại Đại Học Leipzig, Đức quốc (ông đã diễn giảng nhiều về đạo Cao Đài, Xá Lợi Phật và tín ngưỡng Á Châu), phát biểu bài tham luận: ‘1946 - 1954, Một Giai Đoạn Sáng Tác Văn Chương Bị Lãng Quên'.

Ông đã nghiên cứu để tìm lại một số tên tuổi văn nghệ sĩ, miền Bắc cũng như miền Nam, đã trở thành vô danh trong thời kỳ 1946 - 1954. Đây là thời kỳ kháng chiến chống Pháp, cũng là giai đoạn chế độ quốc gia Việt Nam bắt đầu thành hình ở Đông Dương dưới sự trợ giúp của Pháp. Các văn nghệ sĩ này đã về thành, sống giữa không khí kháng chiến và quốc gia, nhiều người trong số họ đã sáng tác văn thơ hướng về quê hương.

Một số tên tuổi tiêu biểu trong giai đoạn này (có thể nói cùng thời với Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, Vũ Khắc Khoan):

– Thơ: Hoàng Phủ Tịnh, Nguyễn Quốc Trinh, Song Nhất Nữ, Hoàng Song Liêm, Dương Diên Nghị.
– Văn: Thụy An, Ngọc Giao, Huyền Linh Nguyễn Trọng Hối...
– Kịch: Hoàng Công Khanh.
– Trào phúng: Muỗi Sài Gòn.
– Xã thuyết: Ngô Vân.
– Báo chí: Tờ Đại Học Luật Khoa (Nguyễn Cao Hách và thân hữu).

10.- Trịnh Khải, nguyên tổng thanh tra Bộ Giáo Dục VNCH, kỹ sư lý hóa (responsable de Projet Schlumberger Insdustries) ở Pháp, phát biểu bài tham luận: ‘Văn Hóa và Chính Trị Qua Chế Độ Cộng Sản VN Với Chiến Lược Xâm Lăng Của Trung Cộng':

– Các ảnh hưởng của miền Nam tác động lên cơ cấu tổ chức nhân sự, quân đội của chế độ cộng sản theo các biến đổi thời sự.
– Đảng và nhà nước đã sử dụng văn hóa để cai trị và áp bức.
– Chính sách ‘tam tương' của Trung Quốc và chế độ cộng sản Việt Nam đã đánh mất sự độc lập về chính trị, văn hóa, tư tưởng Việt Nam và là mối hiểm họa của sự diệt vong trong tương lai: Tương thông lý tưởng, tương đồng văn hóa, tương quan định mệnh (định mệnh của đất nước Việt Nam phải lệ thuộc vào định mệnh Trung Quốc).

Ông đưa ra một số đề nghị để thực hiện cùng kêu gọi bằng mọi cách phải bảo vệ văn hóa và dân tộc Việt Nam:

– Tự do tư tưởng, độc lập hành động.
– Trung lập văn hóa, trung lập tôn giáo
– Trung lập chính trị (đa đảng), trung lập đối ngoại.

11.- Đinh Lâm Thanh, cao học kinh tế, nhà văn sáng lập Hội Văn Hóa Người Việt Tự Do, tố chức nhà xuất bản Sàigòn tại CA, Hoa Kỳ, phát biểu bài tham luận: ‘Tương Quan Văn Hóa và Chính Trị' (bấm vào đây để đọc toàn bài).

Ông đặt câu hỏi: ‘Trước thực tại chính trị, văn hóa, xã hội hiện nay, phải làm gì trong giai đoạn này?' và đưa ra một số quan điểm:

– Không thể tách rời văn hóa và chính trị: Hai yếu tố hành động này liên quan mật thiết nhau và phải song song thực hiện, bổ túc nhau.
– Việc bảo tồn và phát huy văn hóa hiện nay không đơn giản như trong thời bình vì phải đối đầu với chế độ CS.
– Làm thế nào để cho thế hệ trẻ hiểu biết về văn hóa Việt Nam, lịch sử và cảm thông hoàn cảnh của người Việt Nam trong nước.
– Báo động: Thế hệ trẻ không còn nghĩ đến các vấn đề nhức nhối của Việt Nam sau khi tốt nghiệp.
– Trong tiến trình hành động giải cứu quê hương, dựa vào con đường chính trị để phát huy văn hóa nhân bản.

12.- Nguyễn Văn Thành, giáo sư Đại Học Huế, giáo sư trưởng ban tâm lý Phân Khoa Nhân Văn và Nghệ Thuật, ĐH Minh Đức (trước 1975), chuyên gia tâm lý bên cạnh những trẻ em bị bệnh tâm thần, thuyết trình về đề tài: ‘Con Đường Bao Dung Trong Văn Hóa và Huyền Sử Việt Nam' (bấm vào đây để đọc dàn bài của bài thuyết trình).

Bài thuyết trình của ông chia làm ba phần:

a) Định nghĩa con đường bao dung:

– Nhân vật lịch sử được đề cập khi nói đến bao dung là Nguyễn Trãi: Lấy đại nghĩa thắng hung tàn. Lấy chí nhân thay cường bạo. Ý thức bao dung (đại nghĩa, chí nhân) là sự vượt qua ý thức hành động của đối phương (cường bạo, hung tàn). Chính ý lực bao dung này đã đưa đất nước sau đó đến hòa bình trong thời gian dài dưới đời Hậu Lê.
– Sự không đồng tâm không đưa đến con đường bao dung (biểu tượng bằng hai vòng tròn không đồng tâm, cách xa nhau).
– Sự bạo động đang xảy ra trong xã hội, gia đình, ngôn ngữ Việt Nam. Cá nhân đóng kín (tự bế hay tự kỷ).
– Đau khổ nằm trong các phạm vi giác quan, tư tưởng, xúc động, quan hệ thuộc về nội tâm, là nguyên nhân đưa đến ngôn ngữ, hành động bất bao dung biểu hiện, diễn tả ra ngoài.

b) – Những trở ngại lớn lao trên con đường bao dung:

– Bao dung rất khó khăn, từ quá khứ lịch sử cho đến nay.
– Trong lịch sử Việt Nam có rất nhiều biến cố không bao dung.
– Dục vọng, bạo lực, vong thân văn hóa được huyền thoại gọi là Mộc tinh, Ngư tinh, Hồ tinh. Những điều này đưa đến hoàn cảnh khổ đau của đất nước và dân tộc.
– Về mặt tâm lý vùng xúc động gặp khó khăn nhất vì trung gian não bộ hoạt động mạnh (thí dụ bị chạm tự ái đưa đến sự mất ngủ).

c) Phương thức hóa giải những trở ngại để mở ra con đường bao dung:

– Phải tự soi sáng, tự biết, tự hiểu lấy mình để giải trừ đau khổ, bạo lực. Có như thế chúng ta mới có đủ khả năng thật sự để giáo dục con cái.
– Bao dung là nhảy ra ngoài những cặp phạm trù đối kháng nhị nguyên: anh xấu tôi tốt, anh dở tôi hay...
– Cha ông chúng ta đã thực hành các phương pháp thiền tập.
– Bao dung phải được thực tập vừa bằng các phương pháp điều tâm bên trong kết hợp với một số phương pháp thực hành bên ngoài.
– Minh đức (trong nghĩa minh minh đức: làm sáng cái đức làm người) trong tâm là ánh sáng đẩy lui bóng tối trong nghĩa ‘chuyển hóa'.
– Sử dụng các yếu tố tích cực văn hóa: VĂN là ánh sáng mặt trời (minh đức) đưa đến HÓA, chuyển hóa bóng đêm (của dục vọng, vô minh) để đạt đến sự bao dung.
– Phương pháp trị liệu giữa bạn bè, cha mẹ, vợ chồng, con cái, các đoàn thể...

* Tạo vùng trung gian: Hai vòng tròn tuy chưa đồng tâm nhưng đã xích lại gần nhau (bắt đầu tinh thần bao dung, biết tôn trọng nhau, lắng nghe nhau).
* Trong tinh thần bao dung, chúng ta không nên chờ đợi, phải chủ động bước bước thứ nhất, tạo cơ hội tiếp cận nhau (vùng trung gian).
* Chia xẻ đồng hành: nâng đỡ, hỗ trợ nhau...
* Thiền tập hay điều tâm là phương pháp chia xẻ đồng hành ở mức độ sâu sắc nhất.

 

Nguyễn Hoàn Nguyên

 


Cái Đình - 2008 .