Hồng Kim Linh


Thử đi tìm Hồn Việt qua cách khảo sát ngôn ngữ
để góp phần phát huy căn tính Việt tộc

(Bài phát biểu trong Ngày Gặp gỡ Văn hóa Hải ngoại tại Bruxelles ngày 29-31/08/2008)

Thân chào quý vị,

Thật là một vinh hạnh và hân hoan cho kẻ đã rời quê hương từ năm 1966 được có cơ hội gặp gỡ và trao đổi với nhau về những hoài bão, nguyện vọng của mình liên quan đến việc bảo tồn truyền thống và quảng bá văn hóa dân tộc cho thế hệ kế tiếp.

Vinh hạnh vì trong số các vị hiện diện hôm nay trong hội trường nầy là những bậc trí thức học giả lỗi lạc mà tôi chỉ được nghe danh hoặc học hỏi trong sách vở nhưng chưa có dịp tiếp kiến.

Hân hoan vì được gặp lại những vị trong những cuộc hội ngộ học hỏi nơi nầy nơi kia ở Âu châu hay Mỹ châu trong những năm qua.

Vậy bài phát biểu nầy do ban tổ chức sắp xếp chỉ mong là khơi động những gì chúng ta đã nghĩ tới và chắc đã từng chia sẻ với nhau trong các cuộc hội thảo, thuyết trình, giảng huấn nhiều nơi trên thế giới, nơi có nhiều đồng bào định cư, trong đó có những cộng đồng các sắc tộc khác đồng cảm với Việt tộc trong những vấn đề văn hóa dân tộc và ngôn ngữ.

Nói thế để quí vị miễn thứ cho khi nghe những điều đã nghe, đã đọc và đã nói.

Nội dung phát biểu gồm những vấn đề quen thuộc nhắc lại đây trong một cuộc Đại hội có tầm vóc ‘quốc tế, liên châu' nầy để chúng ta cùng tâm đắc, tâm niệm và xác tín: nỗ lực chung sức chung lòng bảo vệ phát huy văn hóa duy trì hồn sống cho dân tộc. Điểm hẹn là giới trẻ, tương lai của người Việt quốc gia, quốc tế.

Với cương vị của một linh mục, không có chuyện truyền tử lưu tôn, như phần lớn trong các vị, tôi chỉ mong truyền đạt những sở vọng trong khối cộng đồng dân tộc mình có trách nhiệm như giới trẻ, học sinh sinh viên, các bậc phụ huynh, các hội đoàn hoặc những nơi mà mình có dịp thăm hỏi trong những chuyến đi xa.

Đây là điều mà tôi thường đề cập trong những cuộc gặp gỡ nói chuyện trong những năm qua và hôm nay trình bày đại lược với quí vị.

1.- Vấn đề ngôn ngữ:

Thiết lập Câu lạc bộ Văn hóa Hải ngoại ưu tiên bằng phương tiện chuyên chở tư tưởng mà ai cũng dễ dàng thực hiện: Việt ngữ là tiếng mẹ dành được ưu thế gói ghém tình tự dân tộc và dễ tạo mối cảm thông giữa những đồng bào sống rải rác khắp năm châu. Nhưng thế hệ chúng ta rồi sẽ qua đi, thế hệ hải ngoại sau có còn hiểu được những gì thế hệ đàn anh để lại chăng? Vì thế việc nên làm và phải làm là giữ được căn tính của Việt tộc dù ở hải ngoại hay nội địa.

Vấn đề biết mình: dân tôi và nước tôi :

Một câu hỏi mà trong các cuộc đối thoại với người nước ngoài thường gặp phải.

Thưa rằng tôi thuộc một chủng tộc có một tình tự thân thiết coi nhau như trong gia đình: bởi vậy khi nói năng, trò truyện với nhau có lối xưng hô với từ ngữ dùng trong thân tộc, xưng hô với người đối diện tùy theo tuổi tác, thứ bậc, địa vị bằng cụm từ con cháu – ông bà, chú bác, cậu mợ, dượng dì; em em – anh anh, chị chị: ai ai cũng ràng buộc trong mối liên hệ gia đình thân tộc. Và tất cả đều là ruột thịt như cùng nhau ở trong một bọc trứng: ngôn từ ‘ đồng bào ' vì vậy mà chúng tôi người Việt dùng để gọi nhau (1).

– Vì sao dùng cụm từ ‘đồng bào' thay vì đồng xứ, đồng hương (compatriote, concitoyen) hay gọi thẳng tên dân Français, Française (kiểu gọi của tướng De Gaulle, còn Tổng thống Ngô Đình Diệm thì gọi: quốc dân đồng bào). Thưa, cụm từ ‘đồng bào' gợi giúp chúng tôi nhớ huyền thoại bà Âu Cơ với Trăm Trứng Trong Bọc: phân nửa lên vùng cao miền núi, phân nửa xuống đồng bằng canh tác lúa nước.

Số 100 : phát xuất từ cụm từ: ‘trăm họ', ‘bá quan', nhắc nhớ đến dòng giống nguyên thủy là Bách Việt sống rải rác miền Nam Dương Tử giang, từ Động Đình Hồ rải xuống Ngũ Lĩnh (theo một trong những truyền thuyết về nguồn gốc dân tộc) v.v…

– Địa bàn và lãnh thổ chúng tôi sinh sống vì vậy không gọi bằng từ ‘quốc gia' kiểu Hàn quốc, Mỹ quốc mà là ‘nước' Việt Nam. Từ ‘nước' có ngữ nghĩa khác với quốc, states như United States, nation như Nations Unies, patrie, country. Gọi nước trong cụm từ Nước Việt Nam để gợi nhớ đến nguồn gốc xa xưa của dân tộc thuộc nền văn minh ‘lúa nước'. Nguồn gốc đó được chứng minh theo chữ viết: (2)….

– Việt bởi gốc tự đọc là Yuè dó nghĩa là lúa (mễ) thuộc khối dân Bách Việt vùng Nam Dương Tử sống nghề nông cùng với việc chế ra dụng cụ là chiếc Rìu để thực hiện nghề nông trồng Lúa Nước (diễn nghĩa theo cách hài thanh và hội ý).

Ngoài ra, khi nói đến chiếc Rìu bằng kim loại, bằng đồng có những chạm trổ các hình biểu tượng, người, giao long, nai, ta phải nhớ đến các Trống Đồng Đồng Sơn (núi Đồng mà có thể người ta quen đọc không có dấu nên là Đông Sơn (Civilisation dongsonnienne). Trống đồng đẹp và mỹ thuật điêu luyện hơn hết là Trống đồng Ngọc Lũ ở tỉnh Hà Nam (3).

– Từ ‘Việt; chữ Hán hiện đại phiên âm ra mẫu tự la tinh được người Hoa và Nhật đọc là Yuè, đọc theo giọng ta là Việt có nghĩa là “ vượt lên ” như siêu việt, “ vượt qua ” ghép với Nam để gọi dân bước, chạy đi, vượt về phương nam: Việt Nam (có thể coi là cách ‘hài thanh' hay ‘hội ý').

Từ ‘ Nước ' để chỉ xứ sở Việt Nam đã ảnh hưởng trong ngôn ngữ nói của dân tộc: chẳng hạn lúc di chuyển, muốn nhờ ai chuyên chở ‘giùm' thì ta xin cho ‘ quá giang ': điều mà ngoại ngữ gọi là ‘autostop', ‘give a lift'. Hỏi người trẻ Việt sống ở Âu Mỹ chắc là ngớ ra; vì đi xe nhờ mà sao lại đi ‘qua sông'!? Nền văn minh ‘lúa nước' sinh sống nhờ sông rạch nhiều: di chuyển đường thủy nhiều hơn đường bộ khiến kiểu nói ‘quá giang' ghe thuyền của ngày xưa trở thành là xe cộ của ngày nay.

Cũng một thể ấy, trong các diễn từ khai mạc người ta hay cám ơn những quan khách đến từ xa: người Việt quen dùng thành ngữ “các vị không quản ngại đường xá xa xôi lặn lội tới đây”. (Ban tổ chức hôm nay chắc phải nói câu nầy để chào đón cám ơn quí vị).

Nếu phải dịch cho em bé Việt sống nước ngoài không biết gì về địa lý nhân văn của đất nước thỉ quả là một kỳ bí quá sức tưởng tượng của thời đại cơ khí nguyên tử: dù ở phương trời nào, người ta có thể đi tới bằng máy bay, xe lửa, xe hơi, chứ có lội lặn làm chi…

Học cho biết về đất nước và yêu thương dân tộc, còn lầm than, hạ từng cơ sở còn yếu kém. Xứ ta lấy nước làm nguồn sinh sống mà chưa có nước sạch để dùng: Việt Nam là một trong 60% các nước trên thế giới không có nước sạch để dùng.

Cám cảnh sinh tình trong nguyện ước sao cho đất nước sớm thoát cơn bĩ cực, đồng thời vẫn giữ được niềm tin siêu thế như câu nói dân gian:

Ông Trời có mắt!
Trời nào có phụ ai đâu?
Biết sự Trời, mười đời chẳng khó.

Bởi thế ca dao vẫn truyền tụng lời kêu xin xuyên thấu tới Trời để nước không còn là thực thể của đất mà là của Trời ban:

Lạy Trời mưa xuống
Lấy nước tôi uống
Lấy ruộng tôi cầy
Lấy chén cơm đầy
Lấy khúc cá to… (*)

2.- Phụng Thiên và Kính Thiên

Đề cập về Nước của dân Việt ta mà quên phần tâm thức của dân Việt là một thiếu sót: đó là sự kính Thiên và phụng Thiên , niềm tin sâu xa nhất của dân Việt. Khi nói về Văn hóa và Tín ngưỡng của dân Việt, các nhà khảo cổ giải thích rằng: Hình Mặt Trời ở giữa mặt Trống Đồng là biểu tượng về niềm tin vào một vị Hóa Công tạo thành Trời Đất vạn sự vạn vật và nhân loại. Tiếng Trống đồng vang dội gióng lên mỗi khi có lễ cầu mưa để xin “Ông Trời hưởng ứng với tiếng sấm chớp hãi hùng báo hiệu cơn mưa”, như câu “ đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu ”.

Đối với dân Việt, Ông Trời là Vị Thần cao siêu hơn các Vị Thần khác, nhưng cũng rất thân mật, thân tình, nên mới dùng danh từ trong thân tộc để xưng hô ‘Ông Trời' hay ông ‘Cao Xanh'. Lễ tế Nam Giao, do Vua Việt, mệnh danh là con trời (Thiên Tử) làm chủ tế, như đại diện toàn dân để tế Trời: Lễ tế nầy vẫn tiếp diễn trong các triều đại cho đến năm 1945.

Thật vậy, quan niệm Trời đã được ghi nhận trong lịch sử từ Lý Nam Đế (544 – 548) với niên hiệu là Thiên Đức, tới Lê Đại Hành với niên hiệu Ứng Thiên (994 – 1005) và việc vua kêu Trời ba tiếng giặc phải thua cũng được Đại Việt Sử Ký Toàn Thư ghi chép (4).

Và tiếp theo đời Lý, các vua đã đặt cho niên hiệu, tôn hiệu, và cung điện, đền, chùa, và các công chúa những danh từ như: Pháp Thiên, Phụng Thiên, Thuận Thiên, Kính Thiên, Bảo Thiên, Thiên Tự, Thiên Đạo, Thiên Đế, Thiên Phù, Thiên Hựu, Thiên Sùng, Thiên Lý, Thiên Cam, Thiên Đức (5).

Hẳn là dân gian Đại Việt đã sống tín niệm nầy nên chi các vua triều Lý đã nắm bắt được tâm lý ấy để làm nổi bật việc mình lên ngôi vua là “ứng mệnh Trời, thuận lòng người” theo như sử thần Ngô Sĩ Liên nhận định (6). Và khi lên ngai trị vì, gặp lúc nguy nan thì kêu Trời , lúc đánh giặc gặp bất trắc “biết đốt hương khấn Trời, xin lòng Trời soi xét”(7). Ngô Sĩ Liên nhìn ra niềm tin tưởng đó của vua nên đưa ra lời nhận định rằng: “Trời và người cảm ứng nhau rất nhỏ nhạy, ảnh hưởng rất chóng, ai bảo là trong chỗ tối tăm mặt Trời không soi đến ta mà dám dối Trời chăng?”(8).

Đó là niềm tin Trời đã thể hiện rõ nét đời Lý, triều đại cực thịnh của Đại Việt. Nhưng niềm tin đó không phai mờ trong thời gian, dù đất nước đã trải qua nội chiến Trịnh Nguyễn, ngoại xâm (đời nhà Thanh) để tới thống nhứt thời Nguyễn. Nguyễn Du, đại văn hào của thế kỷ với tác phẩm ‘Đoạn Trường Tân Thanh' đã “kêu Trời tới 40 lần trong tác phẩm”. Vậy tiếng kêu Trời đó có nghĩa gì? Đó là những tiếng kêu khắc khoải, lo sợ, bất an của cá nhân thi nhân, hay là tiếng kêu quằn quại đau thương của cả dân tộc Việt Nam, hoặc tiếng kêu cầu cứu của nhân loại, của một kiếp người lầm than, cát bụi? Đặt câu hỏi nầy, Đường Thi Trương Kỷ, tác giả bàn về Nguyễn Du (9) viết: “Tìm hiểu được thâm ý, bộc lộ được tâm sự của thi bá Nguyễn Du không phải là việc dễ dàng. Chính thi nhân đã ưu tư về việc đó, khi than thở trườc khi lìa đời tạm nầy:

Bất tri tam bách dư niên hậu,
Thiên hạ hà nhân khốc Tố Như?

(Sau hơn ba trăm năm nữa, trong cõi đời nầy, không biết có còn ai thương khóc Tố Như chăng?)

Thua quí vị,

Được Ban Tổ chức cho đóng góp với vài ý kiến thô thiển trước khi được nghe nhiều bài tham luận súc tích khác, tôi chỉ xin rút ra một hệ luận nhỏ:

1.- Câu lạc bộ Văn hóa Hải ngoại cần bảo tồn ngôn ngữ Việt vì hồn Việt không thể thoát xác ngôn ngữ Việt. Nên phát huy tinh thần tôn trọng tiếng mẹ, khuyến khích con em hải ngoại học hỏi tiếng Việt, và nêu cao khẩu hiệu ‘tiếng Việt là tiếng quốc tế của người Việt Nam'. Giá trị quốc tế của ngôn ngữ Việt được thể hiện nhiều nơi, cũng như mới đây trong cuộc Đại Hội Giới trẻ Thế giới JMJ Sydney, có nhiều người trẻ gốc Việt đến từ Mỹ, Pháp, Đức, Nhật, Đan Mạch, Canada, Việt Nam… gặp nhau ở Úc được giới trẻ ở Úc vui vẻ hội họp trao đổi thân tình, nhờ tiếng Việt nối kết hồn Việt với nhau.

2.- Câu lạc bộ Văn Hóa Hải ngoại cần thể hiện một tinh thần ‘đồng đạo' đạo Trời. Đây là một Niềm Tin và một Minh Triết của dân Việt, khác hẳn với các hình thức phiếm thần không phân biệt Đấng Tuyệt Đối với loài tương đối. Ông Trời là một Ngôi Vị siêu việt, quyền uy, công minh, chính trực có một Ý chí và Tình Thương hằng nghe tiếng “kêu Trời của kiếp người lầm than và bắt sửa đổi lỗi lầm những người phận lớn và bênh vực những người phận hèn”. Niềm Tin nầy đã khiến Vua phải tế lễ Nam Giao, lập đền Kính Thiên , dựng chùa Sùng Khánh Báo Thiên (1056), xây tháp Đại Thắng Tự Thiên (1057), quen gọi là Tháp Báo Thiên , để chi? Để kính nhớ Trời cho thắng trận và báo ân báo cáo công việc của mình. Chính nhờ Niềm Tin nầy mà người thấp cổ bé miệng không thất vọng hủy thân, người lớn sợ trừng phạt và mọi người hành xử với nhau trong tình thương với chữ ‘ đùm bọc ' đỡ nâng. Nhắc câu chữ: lá lành đùm bọc lá rách, nâng như nâng trứng . Các tôn giáo nhờ đặt niềm tin nơi Đấng Tối Cao nên nhờ đó không tranh chấp với nhau tới đổ máu: Lịch sử cho hay Việt Nam không có chiến tranh tôn giáo: phải chăng là vì thế. Duy trì và tôn trọng Niềm Tin chung, không để cho tôn giáo trở thành ý thức hệ độc tôn, toàn trị, chỉ tổ gây ra tranh chấp loại trừ.

3.- Ý thức trên thực tế về chính mình: dân Việt tức bộ tộc Lạc Việt của khối Bách Việt đã sớm ý thức được thân phận ‘nước nhỏ sống cạnh nước lớn' nên vì sự tồn vong của dân tộc và đất nước, đã sớm học được cung cách nhún nhường , ‘thắng không kiêu, bại không nản': vẫn kiên trì chiến đấu để tồn tại, nhưng không bỏ cơ hội để thuyết phục nhân tâm đối phương và khi thắng địch không dương dương tự đắc làm mất mặt người ta, hầu mong tái lập hòa khí để sống hòa bình. Việt Nam tuy là một nước gặp nạn can qua, nhưng vẫn tồn tại được là nhờ yêu chuộng hòa bình trong tâm thức sâu thẳm: cứ đọc tên trên bản đồ Việt Nam ta thấy rất nhiều danh ngữ có ngữ nghĩa hòa bình: Yên như Hưng Yên, Yên Bái…; Ninh như Ninh Bình, Ninh Thuận, Bắc Ninh, Nam Ninh, Tây Ninh; Bình như Bình Thuận, Bình Hòa, Bình Chánh'; Hòa như Hòa Bình, Hòa Lộc, Hòa Khánh, Biên Hòa; An như An Hóa, An Thạnh, An Nhơn v.v… Mong muốn hòa bình an ninh để được vĩnh viễn yên bình thì phải xây dựng và kham khổ kiến tạo, dù cả khi phải chiến đấu để tồn tại: đó là gương lịch sử để lại qua việc anh hùng Nguyễn Trãi đã thành công. Dù đánh nhưng vẫn đàm, viết hằng chục bức thơ dụ địch hàng đầu trong trận công phá thành Đông Quan và đã biết tạo cảm thông giữ lễ để tạo hòa khí về lâu về dài nên chi đã xử sự một cách ‘hòa nhã ‘độ lượng' quên hận thù': sẵn sàng cho ngựa thuyền lương thực đưa quan quân Minh Triều về bổn quán. Rộng lượng tử tế với kẻ thất thế, một bài học để đời: nhờ đó mà Đại Việt đã tránh khỏi nạn can qua dài lâu từ phương Bắc những 167 (?) năm. Mới hay thắng địch, đồng thời cũng biết thắng mình để không huênh hoang tự đắc, chẳng những không làm mất mặt kẻ thua mình, mà còn xử sự khôn khéo như thể vuốt giận kẻ cả. Vì thế trong lịch sử đã ghi Sầm Nghi Đống, tướng Tàu thua trận, được người Việt lập đền thờ; vua Quang Trung sau chiến thắng Đống Đa, lo sai sứ bộ qua điều trần với vua Càn Long và còn dọn đường đích thân đến yết kiến.

Tóm kết: Bảo tồn được ngôn ngữ, phát huy được Niềm Tin, thể hiện được tình tự dân tộc trong cách xử thế chân thành hợp với di sản và truyền thống dân tộc: hy vọng đó là điều mong mỏi Câu lạc bộ Văn hóa Hải ngoại đồng thuận để thực hiện.

 

Xin cám ơn quí vị.
Fx. Hồng Kim Linh

_______

Chú thích :

(1) Hồng Kim Linh, Người Việt, Hồng Lĩnh xuất bản tại Paris (1985), 414 trang.

(2) Người Việt, quyển I.

Tên Dân và Tên Nước – Ngữ ảnh và Ngữ nghĩa.

Tủ sách nghiên cứu Dân tộc và Ngôn ngữ, Hồng Lĩnh xuất bản tại California (1999), 289 trang. Tr. 41-42.

(3) Peter Bellwood, Man's conquest of the Pacific, The Prehistory of Southeast Asia and Oceania, Oxford University Press (1979).

(4) Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Bản kỷ, q. 1, kỷ nhà Lê, tờ 23a; Đại Việt Sử Lược, tr. 103.

(5) Xem Hồng Kim Linh, mục chữ Thiên trong truyền thống đặt tên qua các triều đại trong bài ‘Tháp Báo Thiên', trong tập san Định hướng 23, Mùa Hè 2000, tr. 62-69.

(6) Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, q.2, tờ 1a.

(7) Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, q.2, tờ 5b.

(8) Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, q.2, tờ 6a.

(9) Đường Thi Trương Kỷ, Đạo Thiên Chúa và Dân Nước Việt, Tủ sách Đàm Đạo Tôn Giáo, (1900), Grand Ave. Carthage, MO. 64836, USA, tr. 100-101, 165.

 

(*) Có nơi nói là: ‘Lấy đầy bát cơm, Lấy rơm đun bếp' (chú thích của BBT Cái Đình)

 

 


Cái Đình - 2008 .