Nguyễn Trung
Tự do ngôn luận và trách nhiệm (II)
Trong sinh hoạt truyền thông, do các biến chuyển dồn dập, nhanh chóng thay đổi liên tục hàng giờ, các báo mạng, các hệ thống kênh truyền thanh, truyền hình đã được xem như lấn sân của các nhật báo, tạp chí ngôn luận phát hành định kỳ hàng tuần hay hàng tháng trong lãnh vực tranh luận về xã hội, chính trị. Điều này khá đúng với các chuyển biến trong và ngoài Hà Lan chung quanh phim phản thánh kinh Hồi giáo Fitna của Geert Wilders.
Phim Fitna
Phim được đưa lên hệ thống mạng internet vào 19giờ (giờ Hà Lan) ngày thứ năm 27/03/2008. Khoảng ba giờ trước đó Wilders đã thông báo cho cơ quan Phối Trí Chống Khủng Bố Hà Lan về thời điểm công chiếu phim. Và đợi gần đến thời điểm trên, Wilders mới thông báo phim được đưa lên trang mạng điện tử www.liveleak.com (thay vì trên mạng www.fitnathemovie.com). Chỉ trong vòng một giờ đầu tiên, phim đã được xem đến 75.000 lần. Bản sao của phim cũng được tải lên một số mạng khác. Trên mạng YouTube, một số đoạn của Fitna cũng được đưa lên khoảng mười giờ đêm cùng ngày. Tuy nhiên, bất cứ trang internet nào có trình chiếu phim Fitna trong thời điểm trên cũng đều gặp trở ngại nghẽn mạch.
Tuy đã gây nhiều dao động trong thời gian trước khi được công chiếu, Fitna chỉ là một phim ngắn, khoảng 15 phút, chịu ảnh hưởng của hai cuốn phim: Obsession, Radical Islam's War Against the West (2006) và The Violent Oppression of Womens in Islam (2007). Cuốn phim đầu nói về sự đe dọa của Hồi giáo ở Tây phương và đưa ra mối liên hệ giữa Đức Quốc Xã và Hồi giáo cực đoan. Cuốn phim sau, như tựa đề đưa ra, trình bày vấn đề phụ nữ bị đàn áp trong thế giới Hồi giáo. Nhiều hình ảnh từ hai cuốn phim trên cũng được đưa vào phim Fitna.
Phim Fitna bắt đầu và chấm dứt với tranh hí họa của họa sĩ Đan Mạch Kurt Westergaard với đức Mohammed cùng quả bom đã châm ngòi trên khăn đội đầu. Có thể chia nội dung phim Fitna làm hai phần. Phần đầu với những đoạn thánh thi, trích dẫn từ một trong 114 chương (soera) của kinh Koran, được Fitna xem là kêu gọi sự cực đoan và sự ‘chính đáng' của khủng bố. Như trong trích dẫn “Kẻ thù của Allah là kẻ thù của quí vị” (đoạn thơ 60, chương 8). Các cảnh khủng bố Twin Towers ở New York , ở Madrid , Londen cũng được đưa vào phim. Xen kẽ các cảnh thảm sát là những cảnh các giáo sĩ Hồi giáo cực đoan kêu gọi sử dụng bạo lực đối với người Do Thái, những nguời ngoại đạo và đồng tính luyến ái. Có một đoạn phim ngắn ghi những phút cuối cùng của doanh gia Nick Berg bị bắt làm con tin và bị hành quyết. Một bé gái ba tuổi khi được hỏi “Những người Do Thái là gì?” đã trả lời: “Những con khỉ và lợn rừng”. Cảnh những người Hồi giáo cực đoan biểu tình tuần hành với các khẩu hiệu tuyên bố ‘sự diệt chủng mới'. Lời tuyên bố của tổng thống Iran Ahmadinejad: “Nếu Allah muốn, Hồi giáo sẽ xâm chiếm tất cả các đỉnh núi của thế giới”… Tóm lại, những ‘xen' rời rạc, những hình ảnh khác nhau đã được góp nhặt với mục đích cho khán giả thấy sự nguy hiểm của ‘chủ nghĩa Hồi giáo' qua cách phát động ‘jihad' (thánh chiến) và mục đích ‘Hồi giáo hóa' toàn cầu của tôn giáo này theo quan điểm của Geert Wilders.
Phần thứ hai của phim Fitna nhắm vào đối tượng Hồi giáo ở Hà Lan với số liệu thống kê tín đồ Hồi giáo ở Hà Lan và Âu châu, số lượng các đền Hồi cùng các biến cố xảy ra ở Hà Lan phát xuất từ các phần tử Hồi giáo cực đoan. Khác với các dự đoán từ trước, không có cảnh xé các trang kinh Koran. Nhưng ở cuối phim có cảnh gợi ý tưởng một trang kinh Koran sắp bị xé bỏ và sau đó chỉ còn là âm thanh của trang giấy đang bị xé. Nhưng phim cho khán giả biết ngay đó chỉ là một trang giấy của quyển sổ điện thoại bị xé. Wilders: “Điều đó không phải ở tôi, mà là ở phía tín các đồ Hồi giáo để xé bỏ các đoạn thơ gieo rắc hận thù từ kinh Koran”. Hàng chữ ở cuối phim ám chỉ việc chiến thắng Đức Quốc Xã năm 1945 và chủ nghĩa cộng sản quốc tế năm 1989: “Phải chiến thắng chủ nghĩa Hồi giáo bây giờ”. Các đoạn hòa tấu khúc cổ điển của hai nhạc sĩ Tsjaikovski và Grieg đã được chọn làm nhạc đệm của phim.
Sau khi Fitna được công chiếu, cuốn phim đã cho thấy có nhiều khuyết điểm hơn là chính Wilders đã công nhận. Nhiều số liệu thông tin trong phim không chính xác (số thống kê người Hồi giáo ở Hà Lan nói riêng và Âu Châu nói chung), không trung thực hoặc mất thời gian tính (khoảng 10 trong số 32 bài báo trong phim). Ảnh Mohammed B. (người đã ám sát đạo diễn Hà Lan Theo van Gogh) trong phim lại là ảnh của ca sĩ nhạc rap Hà Lan gốc Ma Rốc Salah Edin…
Phản ứng trong Hà Lan
Phim Fitna đã không đi quá đà như giới truyền thông, chính trị và quần chúng đã nghĩ. Không có cảnh xé các trang trong kinh Koran, không có cảnh đốt quyển kinh thánh này. Nhìn chung, hầu hết phản ứng đầu tiên từ mọi phía ở Hà Lan, kể cả các tổ chức và tập thể người Hồi giáo, sau khi phim Fitna được công chiếu là thái độ giữ khoảng cách hay từ khước cuốn phim và một hơi thở phào nhẹ nhõm. Thủ tướng Hà Lan Balkenende tuyên bố rằng, “phim không có mục đích nào khác hơn là làm tổn thương tình cảm và đồng hóa Hồi giáo với những hành động dã man một cách sai lầm”. Các tổ chức Hồi giáo ở Hà Lan cho rằng Fitna tương đối ‘khá ôn hòa'. Fitna được xem là một phim có nội dung từ sự cắt dán của nhiều cảnh hay hình ảnh rời rạc khác nhau. Tất cả những hình ảnh đó không có gì mới lạ, đồng hóa hầu hết mọi tín đồ Hồi giáo với một số phần tử cực đoan. Có nhiều vấn đề trong phim đã bị chính những tín đồ Hồi giáo lên án hay đã thảo luận trong nội bộ với nhau.
Phản ứng của Wilders ngay sau khi được trình chiếu cũng là sự nhẹ nhõm và cho rằng nhà nước Hà Lan đã làm ồn ào quá đáng về Fitna. Tuy nhiên, bộ Tư pháp và một số luật sư Hà Lan tuyên bố sẽ nghiên cứu xem trong phim có các điểm vi phạm luật pháp hay không để có thể truy tố Wilders theo luật pháp hiện hành của Hà Lan.
Phản ứng ngoài Hà Lan
Điều đáng ghi nhận là trong khi phản ứng trong Hà Lan về phim Fitna khá ôn hòa, chừng mực, các phản ứng bên ngoài nhìn chung gay gắt hơn. Phim đã gây nên nhiều cuộc biểu tình, tuy không lớn, ở các quốc gia Hồi giáo. Các bộ trưởng của Á Rập đã lên án cuốn phim. Pakistan đã áp dụng các biện pháp an toàn để bảo vệ các sứ quán và cơ sở các xí nghiệp của Hà Lan. Non nửa quốc hội Jordanie yêu cầu chính phủ cắt đứt ngoại giao và trục xuất đại sứ Hà Lan. Đại sứ Hà Lan ở Iran đã bị cấm hiện diện trong các sinh hoạt ngoại giao ở quốc gia này. Ở Mã Lai, cựu thủ tướng Mohamed Mahathir kêu gọi 1,3 tỉ tín đồ Hồi giáo trên thế giới tẩy chay các sản phẩm Hà Lan.
Tự do ngôn luận và trách nhiệm
Ngay trước khi phim Fitna được công chiếu, phản ứng của nhà nước Hà Lan qua thủ tướng Balkenende và các bộ trưởng bộ Ngoại giao, bộ Nội vụ và bộ Tư pháp đã bị chỉ trích là quá đà, cường điệu, gây ảnh hưởng tiêu cực đến các nguyên tắc căn bản của quyền tự do ngôn luận. Nhưng số thống kê cho thấy đa số nhân dân Hà Lan đã đồng ý với các biện pháp của nhà nước. Đại đa số đều không đồng ý phim đã đồng hóa hầu hết tín đồ Hồi giáo với thiểu số cực đoan, đồng hóa 94% Hồi giáo ôn hòa với 6% phần tử Hồi giáo được xem là thành phần nguy hiểm trong xã hội Hà Lan. Phim cũng không để ý đến khía cạnh đại đa số những nạn nhân bị thảm sát do các hoạt động khủng bố của các tổ chức Hồi giáo cực đoan ở Afghanistan, Pakistan, Irak, Ma Rốc, Soedan.. đều là tín đồ Hồi giáo.
Tuy nhiên một số vấn đề xung quanh phim Fitna cũng đã tạo nên các phản ứng ở chiều hướng khác. Ngoài các chỉ trích về phản ứng cường điệu của nhà nước Hà Lan có thể làm thiệt hại đến các nguyên tắc căn bản của quyền tự do ngôn luận như chúng ta đã biết, các phản ứng của nhà nước đã thật sự làm quảng cáo không công cho Fitna. Phản ứng như thế cũng vô tình khuyến khích các tổ chức cực đoan rằng sự đe doạ và áp dụng bạo lực của họ sẽ đạt được mục đích một cách hữu hiệu để bóp chết sự tự do ngôn luận, gây áp lực cụ thể trong môi trường sinh hoạt của một quốc gia tự do dân chủ. Và một cách gián tiếp, nhà nước đã đánh giá thấp các tổ chức Hồi giáo ở Hà Lan, xem họ thiếu trưởng thành để có những phản ứng chừng mực về phim Fitna trong môi trường nhà nước pháp trị Hà Lan.
Sử dụng lý do ‘vì sự an toàn' để nghiên cứu và có những dự định nghiêm cấm một cuốn phim của các bộ trưởng, dù chưa được biết rõ ràng về nội dung của phim đó, là điều phổ biến ở các quốc gia có chế độ độc tài, nhưng là nguyên tắc khó chấp nhận trong sinh hoạt dân chủ Hà Lan. Hơn nữa, dù không chấp nhận quan điểm của Geert Wilders, nhưng Wilders là một dân biếu trong quốc hội, việc kiểm soát sự phát biểu của một dân biểu qua nội dung của một cuốn phim để tìm biện pháp nghiêm cấm có thể được xem là đi ngược lại hiến pháp Hà Lan: nhà nước phải kiểm soát quốc hội. Dư luận trong chiều hướng này cũng cho rằng Hà Lan có truyền thống tự do ngôn luận và sự bao dung để có thể phát biểu và thảo luận về mọi vấn đề. Các dữ kiện văn hóa, lịch sử cũng được dẫn chứng để đề cập đến môi trường xã hội Hà Lan, nơi dung thân an toàn của các tên tuổi lớn trong lịch sử triết học tây phương như Descartes, John Locke, Spinoza… lúc sinh thời.
Ngoài ra, dù không đồng ý với Fitna, nhưng phim cũng là nguyên nhân đưa đến các cuộc thảo luận về vấn đề Hồi giáo. Lời phát biểu của Ahmed Aboutaleb, thứ trưởng bộ xã hội, người Hà Lan gốc Ma Rốc và cũng là tín đồ Hồi giáo, nhắm vào đối tượng tập thể người Hồi giáo Hà Lan, đã được nhắc lại nhiều lần: “Người Hồi giáo phải suy nghĩ về nỗi sợ hãi do tôn giáo của mình mang lại. Đại đa số vẫn giữ im lặng, đó là điều không đúng. Chúng ta đã chọn Hà Lan, do chính vì sự tự do ở nơi đây. Điều đó phải được phát biểu. Tôi thấy thiếu những tiếng nói phản đối chủ nghĩa bạo lực.”
Hậu Fitna
Vào đầu tháng tư, trong buổi điều trần trước quốc hội về vấn đề phim Fitna, Geert Wilders và đáng Tự Do PVV đã bị các đảng phái khác, gồm các chính đảng đang cầm quyền và các đảng đối lập, chỉ trích nặng nề về quan điểm chính trị, phong cách hành xử chính trị không đúng nguyên tắc sinh hoạt tự do dân chủ của Hà Lan cũng như các vấn đề trong phim Fitna. Đây cũng là lần đầu tiên Wilders bị các đảng phái trong quốc hội tấn công và chỉ trích kịch liệt vì các đảng phái này đã nắm vững các thông tin về nội dung của Fitna. Cuộc thăm dò về số ghế trong quốc hội cho mỗi đảng phái nếu ngay bây giờ có cuộc bầu cử cũng cho thấy Fitna không đem lại thắng lợi chính trị cho Wilders và đảng PVV. Có thể nói Wilders hầu như bị cô lập chính trị ở quốc hội.
Nhưng vấn đề gay cấn xảy ra trong phần cuối buổi điều trần khi bộ trưởng bộ Tư pháp Hirsch Ballin tiết lộ rằng Wilders đã thật sự dự định xé một phần kinh Koran trước ống kính thu hình trong phim Fitna, nhưng Wilders đã thay đổi ý định đó do các áp lực tôn giáo và chính trị. Dữ kiện này nằm trong các biên bản mật về các buổi tiếp xúc của Wilders với bộ trưởng bộ Tư pháp, bộ trưởng bộ Nội vụ và cơ quan Phối Trí Chống Khủng Bố Quốc Gia trong tháng 11 năm 2007. Wilders đã phủ nhận tất cả các điều trên và cho rằng bộ trưởng bộ Tư pháp đã phát biểu dối trá. Các biên bản này, với sự đồng ý của Wilders, đã được đệ trình trước quốc hội. Tuy nhiên sau đó, số thống kê cho thấy có đến 32% nhân dân Hà Lan cho rằng nhà nước, qua bộ trưởng Hirsh Ballin đã nói dối, 43% cho rằng Wilders đã nói dối
Fitna và báo chí
Học viện nghiên cứu Nederlandse Nieuwsmonitor (NN) trực thuộc đại học Amsterdam đã ghi nhận kể từ ngày 28-11-2007, ngày nhật báo De Telegraaf mở đầu bản tin về phim Fitna, cho đến ngày 29-04-2008, có tất cả 1297 bài báo về Wilders. Wilders đã thành công trong việc đánh động dư luận báo chí do chỉ đưa ra rất ít dữ kiện và hầu như không tuyên bố gì trước khi phim Fitna được công chiếu. Nếu điều này thật sự là tính toán của Wilders và các cộng tác viên thì đó là sự tính toán khôn ngoan vì đã gây rất nhiều phản ứng về mặt truyền thông và chính trị. Viện cũng ghi nhận tuy Wilders với phim Fitna đã bị báo chí và các chính trị gia cho rằng chống báng, kỳ thị ‘tín đồ Hồi giáo', Fitna chỉ tấn công vào ‘Hồi giáo' và một số biểu tượng của tôn giáo này. Chính Wilders cũng khẳng định chỉ chống lại ‘chủ nghĩa Hồi giáo hóa' chứ không chống ‘tín đồ Hồi giáo'. Đây là một nhận định khá đặc thù với sự phân chia nhị nguyên như trên. Điều quan trọng là Fitna đã gây được sự tranh luận về vấn đề Hồi giáo. Nhưng cho đến nay, theo học viện NN, cả chính phủ và Wilders chưa mang lại được những tranh luận đạt đến nội dung sâu sắc về vấn đề này.
Trong một buổi thảo luận bàn tròn với sự hiện diện của một số ký giả và quần chúng, bộ trưởng bộ Tư pháp Hirsch Ballin đã tiếp tục đưa ra các dữ kiện và lý luận, khẳng định rằng các bộ trưởng của nhà nước Hà Lan đã trình bày sự thật về vấn đề Wilders dự định xé kinh Koran trong phần cuối phim Fitna. Một bà lão từ phiá khán giả xin phát biểu: “Tôi đã dầm mưa đến đây cho một buổi thảo luận về vấn đề văn hóa đa nguyên. Ông chỉ mãi đề cập về cuốn phim đó thôi”. Bà đã nhận được một tràng pháo tay của khán giả.
Nguyễn Trung
__________
Để có thêm khái niệm về sinh hoạt chính trị, xã hội Hòa Lan trong thời gian qua cùng những biến chuyển liên hệ đến các vấn đề thời sự của thế giới như Hồi giáo cực đoan, khủng bố,… quí độc giả có thể đọc những bài sau:
– Tự Do Ngôn Luận và Trách Nhiệm (I) (Nguyễn Trung)
– Hòa Lan và Các Sắc Dân Thiểu Số Trong Năm Qua (Nguyễn thị Quỳnh Anh)
– Theo van Gogh Bị Ám Sát (Nguyễn Trung),
Ban biên tập Cái Đình