Nguyễn Trung
Tự do ngôn luận và trách nhiệm
Có lẽ trong lịch sử chưa hề có một phim ngắn nào gây xôn xao dư luận trên khắp thế giới trong suốt thời gian qua như trường hợp phim phản Hồi giáo mang tựa đề Fitna của Geert Wilders, chủ tịch Đảng Tự Do (PVV) trong khi chưa ai biết mặt mũi cuốn phim đó thật sự ra sao.
Phát xuất từ Hà Lan, tin Geert Wilders sẽ thực hiện một cuốn phim ngắn phản kháng bộ kinh Koran của Hồi giáo được nhật báo De Telegraaf tung ra vào ngày 28-11-2007. Nhưng chính Wilders sau đó đã xác quyết là không hề đưa tin này lên báo. Hơn nữa, ông còn tỏ vẻ bực bội, cho rằng sự loan tin nhằm mục đích ngăn trở dự định của ông. Về phía nhật báo De Telegraaf, họ xác định nguồn tin phát xuất từ nội bộ của chính phủ Hà Lan.
Truy nguyên nguồn gốc, người ta được biết là trước đó vài tuần, Geert Wilders đã thông báo cho Tjibbe Joustra, phối trí viên quốc gia chống khủng bố, về dự định thực hiện cuốn phim của mình. Wilders nghĩ rằng việc thực hiện cuốn phim trên sẽ gây nguy hiểm cho các cộng sự viên và cho cả dân Hà Lan ở nước ngoài. Joustra đã thông báo cho chính phủ biêt về dự định đó. Một thời gian sau, bộ trưởng bộ Tư Pháp Hirsch Ballin và bộ trưởng bộ Nội Vụ Ter Horst đã mời Geert Wilders đến hội kiến về vấn đề này. Cả hai vị bộ trưởng nói trên đều bày tỏ sự lo ngại về các hậu quả xấu có thể xảy ra do việc trình chiếu cuốn phim cũng như một số điểm tiêu cực có thể bị truy tố trước pháp luật. Một thời gian sau nữa, bộ trưởng bộ Ngoại Giao Maxime Verhagen đã mời Geert Wilders đến tiếp chuyện và nhấn mạnh rằng các nguy hiểm quốc tế có thể xảy ra do cuốn phim đưa đến. Wilders đã định nghĩa các buổi tiếp xúc trên là sự “đe dọa”.
Trong chương trình Buitenhof của kênh truyền hình Hà Lan, Tổng thư ký khối NATO Jaap de Hoop Scheffer (cũng là người Hà Lan), vừa trở về từ Washington, đã kể rằng chính tổng thống Bush cũng đề cập đến cuốn phim của Geert Wilders. Ở Afghanistan, nơi Hà Lan đang gửi quân để hỗ trợ khối NATO chống chế độ Hồi giáo quá khích Taliban và giúp đỡ tái thiết quốc gia, cờ Hà Lan đã bị đốt trong những cuộc biểu tình, và dân chúng đã hô to khẩu hiệu “giết Hà Lan”.
Tổng thư ký Tổ Chức Nghị Hội Hồi Giáo (OIC) cũng đã thông báo cho bộ trưởng Verhagen về cuốn phim của Geert Wilders là “sẽ có những hậu quả vô cùng tai hại ra ngoài mọi giới hạn và rất khó kiềm chế…”. OIC là cơ quan quốc tế có ảnh hưởng lớn, bao gồm 57 quốc gia hội viên. OIC cũng đã bàn thảo về bản báo cáo của Ủy Ban Âu Châu Chống Kỳ Thị Chủng Tộc và Bất Bao Dung (ECRI) về tình trạng gia tăng kỳ thị trong xã hội Hà Lan, chỉ trích các hoạt động của nữ dân biểu Ayaan Hirsi Ali. Nhưng tất cả các phê phán gay gắt đều nhắm vào Geert Wilders. Hội Đồng Âu Châu đã báo động cho tất cả các sứ quán trong các quốc gia Hồi giáo để chuẩn bị đối phó với các bạo động có thể xảy ra do hậu quả cuốn phim.
Trong một buổi họp báo, thủ tướng Hà Lan Balkenende (thuộc đảng CDA) đã nói về cuốn phim tương lai của Geert Wilders: “Cả biến động tâm lý chung quanh cuốn phim đã tạo nên thực tại của nó và đó là điều vô cùng đáng lo ngại”. Cũng cần nói thêm những biến động trong và ngoài Hà Lan cho đến nay đều không có sự tham dự cụ thể và trực tiếp của nhân vật chính Geert Wilders.
Geert Wilders và Fitna
Geert Wilders trong quá khứ là dân biểu thuộc đảng khuynh hữu VVD (Volkspartij voor Vrijheid en Democratie – Đảng Nhân Dân cho Tự Do và Dân Chủ), hiện là đảng lớn hàng thứ tư căn cứ vào số ghế ở quốc hội. Đảng VVD đã liên tục nắm quyền ở Hà Lan trong nhiều năm qua, hiện là đảng đối lập trong quốc hội. Do các tuyên bố quá khích về vấn đề Hồi giáo và hội nhập, Geert Wilders đã bị trục xuất ra khỏi đảng VVD vào năm 2004. Vào tháng hai năm 2006, Geert Wilders thành lập đảng PVV (Partij voor de Vrijheid – Đảng [cho] Tự Do). PVV là đảng khuynh hữu, bảo thủ, nặng tinh thần quốc gia. Wilders được nhiều người biết đến qua truyền thông do các đề nghị khá cực đoan trước quốc hội yêu cầu nghiêm cấm các sắc dân khác có quốc tịch Hà Lan giữ hai quốc tịch, cấm áo có mạng che mặt bourka, cấm lưu hành kinh thánh Koran của Hồi giáo… Cùng với bà cựu bộ trưởng bộ Hội Nhập Rita Verdonk, Wilders là chính trị gia được báo chí chú ý và đăng tải tin tức nhiều nhất ở Hà Lan trong thời gian qua. Qua cuộc bầu cử quốc hội và thủ tướng vào năm 2006, đảng PVV chiếm được chín ghế trong quốc hội, được xem là thắng lớn nếu tính theo tỉ lệ cử tri và số ghế trong quốc hội Hà Lan. Một điều trội bật nữa là đảng PVV mới thành lập và chưa có thành tích gì gọi là đáng kể. Mặc dù vậy đảng PVV vẫn tiếp tục được sự hỗ trợ của cử tri và có thể chiếm thêm một số ghế nữa nếu có bầu cử ngay lúc này.
Cuốn phim của Geert Wilders có tựa đề là Fitna , được Wilders chuyển dịch sang tiếng Hà Lan là Thử Thách (Beproeving), dài 15 phút. Cho đến nay, Wilders không tiết lộ gì nhiều và vẫn khẳng định nội dung phim Fitna nằm trong vòng pháp luật Hà Lan. Wilders chỉ cho biết là một số trích dẫn từ kinh Koran có liên hệ đến khủng bố hay sự đàn áp nữ quyền sẽ được đan xen với nhau. Trên weblog của mình, Wilders nói rằng “phim ngắn trên sẽ cho thấy kinh Koran không phải là quyển sách cũ đầy bụi bặm. Quyển kinh đó vẫn là nguyên nhân và nguồn cảm hứng cho sự bất bao dung, thảm sát và khủng bố”. Ngoài ra, Wilders cũng từ chối tất cả các lời mời gọi tranh luận về vấn đề Hồi giáo của các cơ quan đa văn hóa ở Hà Lan cũng như kênh truyền hình Hồi giáo Hà Lan NMO. “Sau khi phim được trình chiếu, tôi sẽ cùng họ tranh luận, trước đó thì không”, Wilders đã trả lời câu hỏi tại sao vẫn né tránh mọi tranh luận. Và trả lời qua tin nhắn nhanh sms.
Tuy nhiên bài viết trên tờ De Telegraaf đã gieo cho độc giả ý tưởng Wilders sẽ xé hay đốt quyển kinh Koran trong phim. Qua chương trình Netwerk trên kênh truyền hình Hà Lan, gợi ý đó được đẩy đi xa hơn qua các nguồn tin từ nội bộ chính phủ Hà Lan. Hơn nữa, có thể chính phủ Hà Lan lo ngại sẽ nhận lãnh trách nhiệm về các hậu quả của phim Fitna , nên đã vận động dư luận cùng sự hỗ trợ của các quốc gia khác ngay từ ban đầu. Có thể đó là nguyên nhân chính đưa đến những biến động chung quanh phim Fitna đã đề cập trên. Nhất là dư luận quần chúng hãy còn nhớ đến biến cố tranh hí họa về Mohamed ở Đan Mạch vừa qua.
Wilders dự định ra mắt phim Fitna vào cuối tháng 3 tại trung tâm báo chí Nieuwspoort ở quốc hội. Hầu hết các dân biểu ở quốc hội, dù không đồng quan điểm với Geert Wilders, đều đồng ý và hỗ trợ vận động chi phí tổ chức. Do chi phí quá cao để bảo vệ an ninh và do Wilders từ chối tất cả mọi hỗ trợ của đồng nghiệp, dự định này đã bị hủy bỏ. Cho đến nay, không kênh truyền hình Hà Lan nào, công cộng hay thương mãi, chịu phát hình phim Fitna . Do đó Geert Wilders sẽ đưa phim Fitna trong vòng tháng ba này lên mạng của đảng PVV và qua mạng www.fitnathemovie.com . Có thể Fitna cũng sẽ được đưa lên mạng video YouTube nếu nội dung của Fitna không đi ra ngoài điều lệ của YouTube. Ngoài ra một số shocklog cho biết sẵn sàng chiếu phim này sau khi phim được hoàn thành
Tự do ngôn luận và trách nhiệm
Để đối phó với dư luận quần chúng trên thế giới, nhà nước Hà Lan đã bằng mọi cách vận động và giải thích rằng quan điểm của Geert Wilders không phải là quan điểm của nhà nước Hà Lan. Đối với hầu hết nhân dân ở nhiều quốc gia Hồi giáo, do sống trong chế độ thiếu tự do dân chủ, do đó thiếu hiểu biết về việc hành xử quyền tự do ngôn luận và do áp lực tôn giáo quá mạnh, họ chỉ nghĩ đơn giản là chính quyền Hà Lan phải nghiêm cấm phim Fitna của Wilders. Họ không thể tưởng tượng cả một bộ máy nhà nước lại không ngăn chặn được việc thực hiện cuốn phim này và đồng hóa quan điểm cá nhân của Geert Wilders với quan điểm của chính quyền Hà Lan. Việc nghiêm cấm nói trên là điều chính quyền ở quốc gia họ có thể thi hành dễ dàng đối với một cá nhân. Ở Afghanistan , phó chủ tịch Hội Đồng Tôn Giáo, cơ quan cố vấn của nhà nước, đã nói rằng “tự do ngôn luận là điều quan trọng, nhưng Hồi giáo là tôn giáo của con người. Nếu một người nhục mạ Hồi giáo thì người đó phải bị xử tử hình”.
Nhưng ở Hà Lan, quyền tự do ngôn luận của một cá nhân lại là chuyện khác, nhất là cá nhân đó đang là dân biểu trong quốc hội. Chính phủ Hà Lan hiện nay được thành lập do sự kết hợp của ba chính đảng: Đảng Dân chủ Thiên Chúa Giáo (CDA: Christen-Democratisch Appèl, đảng hiện chiếm nhiều ghế nhất trong quốc hội), đảng Lao Động (PvdA: Partij van de Arbeid, đảng lớn hàng thứ hai ở Hà Lan) và đảng nhỏ Liên Hiệp Thiên Chúa Giáo (CU: Christen Unie). Các cuộc tranh luận của hai đảng lớn CDA và PvdA trong chính phủ cũng như trong quốc hội về phim Fitna của Wilders đã trình bày tất cả cốt tủy của vấn đề: Quyền tự do ngôn luận và trách nhiệm.
Đảng PvdA cho rằng thủ tướng Balkenende (đảng CDA), hai bộ trưởng bộ Tư Pháp và Ngoại Giao (cũng thuộc đảng CDA) quá nhấn mạnh ở điểm trách nhiệm Wilders phải nhận lãnh nếu có các hậu quả tai hại sau này. PvdA chủ trương đầu tiên phải giữ gìn các giá trị căn bản của quyền tự do ngôn luận trong các cuộc thảo luận. Đảng này xác định: Wilders trở nên nhân vật quá khích nên cần phải ngăn chận, nhưng không vì thế chúng ta đánh mất các giá trị căn bản trong việc hành xử quyền tự do ngôn luận.
Tóm lại PvdA cho rằng giá trị căn bản của quyền tự do ngôn luận quan trọng hơn, trong khi CDA nhấn mạnh về trách nhiệm của cá nhân hành xử quyền tự do này. Vấn đề này vẫn được bàn cãi sôi nổi. Ngay trong nội bộ đảng VVD, chính đảng của Wilders trước kia, cũng xuất hiện quan điểm dị biệt. Mark Rutte, chủ tịch đảng VVD ở Tweede Kamer (Hạ Viện) nghiêng về lập trường của CDA, trong khi chủ tịch đảng VVD ở Eerste Kamer (Thượng Viện) Uri Rosenthal cho rằng cung cách hành xử của chính phủ Hà Lan trong thời gian qua được xem là dấu hiệu yếu đuối trên bình diện đối ngoại với các quốc gia Hồi giáo.
Dữ kiện thư
Cơ quan đa văn hóa Forum ở Hà Lan đã thực hiện và cấp tốc gởi một quyển Factbook (Dữ Kiện Thư) đến cơ quan đầu não của Tổ Chức của Hội Nghị các Quốc Gia Hồi Giáo (OIC) ở Senegal . Factbook bao gồm các dữ kiện khách quan ở Hà Lan, các con số thống kê và sự phát triển, về tập thể người Hồi giáo Hà Lan. Thí dụ: “Điều 6 của hiến pháp Hà Lan cho phép mọi công dân Hà Lan có quyền hành xử tín ngưỡng cúa mình. Tín đồ Hồi giáo đều được bình quyền. Vào năm 2003, có 435 đền Hồi ở Hà Lan được đăng ký. Ở Hà Lan có 40 trường tiểu học và hai trường trung học Hồi giáo”. Hoặc các dữ kiện tiêu cực hơn: “Chỉ có 33% người gốc Antilles, 39% người gốc Suriname, 14% người gốc Ma Rốc, 12% người gốc Thổ cảm thấy mình thuộc thành phần của xã hội Hà Lan…” Hoặc tích cực hơn: “Trong cuộc bầu cử thị xã trong năm 2006 có 69,7% dân Hà Lan gốc ngoại quốc đi bầu cử so với 58,2% người Hà Lan bản xứ. Về dân Hồi giáo thuộc thế hệ trẻ ở Hà Lan: 71% thanh niên gốc Ma Rốc, 67% thanh niên gốc Thổ cảm thấy hạnh phúc ở Hà Lan…”
Mục đích của việc gửi dữ kiện thư để điều chỉnh các hình ảnh lệch lạc ở thế giới Hồi giáo về
Hà Lan, cho thấy các biến động ở các quốc gia Hồi giáo về vấn đề phim Fitna của Geert Wilders cho đến nay hoàn toàn không dựa trên các dữ kiện khách quan. Một cách gián tiếp, văn kiện tài liệu này muốn truyền đạt đến những quốc gia Hồi giáo một cách không chính thức quan điểm lập trường của chính quyền Hà Lan. Thông điệp đó cũng nhẳm mục đích cho thấy người Hồi giáo ở Hà Lan sống trong môi trường tốt của xã hội Hà Lan và họ có điều kiện chiếm giữ một vị trí nhất định trong các cuộc thảo luận.
Nguyễn Trung
(03/2007)