Nguyễn thị Quỳnh Anh


Hòa Lan và các sắc dân thiểu số trong năm qua

 

Bối cảnh xã hội Hòa Lan

Vào những năm cuối thập niên 70 và đầu thập niên 80, những nhóm người Việt tị nạn cộng sản đến Hòa Lan đã được người bản xứ đón tiếp nồng hậu và tận tình giúp đỡ. Hai giá trị xã hội lúc bấy giờ là sự bao dung (tolerantie) và hiếu khách đã có từ trước đó, tiếp tục tồn tại trong nhiều năm.

Gần ba mươi năm sau, vào dịp Giáng Sinh 2007, nữ hoàng Hòa Lan Beatrix trong một bài diễn văn gởi đến nhân dân Hòa Lan (hiểu theo nghĩa bao gồm cả những sắc dân đến từ các quốc gia khác, sinh sống ở đây và có quốc tịch Hòa Lan) đã phải kêu gọi lại sự bao dung trong xã hội Hòa Lan. Lời kêu gọi bao dung của nữ hoàng sau đó đã gây nhiều tranh luận về nội dung của giá trị xã hội này, kể cả bị chỉ trích, từ nhiều phía khác nhau. Riêng giá trị hiếu khách đã từ lâu không còn được nhắc nhở. Để có thể hiểu rõ hơn những số liệu thống kê về tình trạng xã hội Hòa Lan bên dưới, chúng ta thử nhìn xem những thay đổi xã hội được đặt trên những cơ sở nào và phát triển theo chiều hướng nào.

Cuối thập niên 90 và đầu thập niên 2000, số người ngoại quốc, bao gồm cả người xin tị nạn chính trị hoặc vì lý do kinh tế hay những lý do khác đổ xô đến Hòa Lan ngày càng nhiều. Một số thành phần của các sắc dân khác đã định cư qua vài thế hệ tại Hòa Lan như Thổ, Marốc hoặc các sắc dân từ các nước thuộc địa cũ của Hòa Lan như Antilles, Suriname cũng đã gây nhiều vấn đề xã hội liên quan đến hội nhập, tệ nạn, phạm pháp… Sự bất ổn xã hội do các nhóm sắc dân mới và cũ này gây ra càng trở nên trầm trọng. Sự chống đối chính sách đa văn hóa của chính phủ (với các đảng đang cầm quyền lúc bấy giờ bao gồm PvdA, VVD và D'66) gia tăng. Các chính trị gia của các đảng phái trên hầu như không dám đề ra những biện pháp giài quyết cứng rắn hơn do sự e ngại sẽ phải nhận lãnh trách nhiệm về sự phân cực, chia rẽ giữa các thành phần nhân dân trong xã hội. Hơn nữa, đảng lao động PvdA được hầu hết cử tri của các sắc dân thiểu số dồn phiếu trong các cuộc bầu cử và là đảng đã đóng góp tích cực vào cấu trúc của chính sách văn hóa đa nguyên.

Vào năm 2001, Pim Fortuyn đã phê phán gay gắt tất cả các chính sách và biện pháp giải quyết của chính phủ liên hệ đến xã hội, kinh tế, hành chánh. Ông tấn công thẳng vào các đảng phái vẫn đóng vai trò quyết định trong sinh hoạt chính trị Hòa Lan từ nhiều thập niên, bao gồm các chính đảng đang cầm quyền nêu trên và cả đảng đối lập Dân Chủ Thiên Chúa Giáo CDA. Ông cho rằng các chính đảng này chỉ giải quyết vấn đề đất nước trong nội bộ nhau, trong phạm vi phòng họp, mà không hề lắng nghe các phản kháng từ quần chúng bình thường bên ngoài xã hội. Qua phong cách chính trị trên, ông đã mở đầu phong trào populisme (chủ nghĩa bình dân, sẽ được đề cập bên dưới)) khuynh hữu. Ông chỉ trích kịch liệt các tôi phạm “người ngoại quốc” đang sinh sống tại Hòa Lan và cộng đồng của họ, cho rằng các nguyên nhân của vấn đề do sự thiếu hội nhập, thiếu trách nhiệm của các thành phần này trong môi trường văn hóa xã hội Hòa Lan, nhất là các cộng đồng người Marốc, Antilles, Thổ và Suriname. Ông công khai phê phán Hồi giáo quá “lạc hậu”, bảo thủ. Có thể nói rằng đây là thái độ chỉ trích thẳng thắn đầu tiên mở ngõ cho các phê phán của các chính trị gia khác và quần chúng sau này. Đường lối chính trị của ông đã đem lại thắng lợi lớn cho đảng LPF của ông vào năm 2002, mặc dầu ông đã bị ám sát (do một người Hòa Lan da trắng cực tả) trước khi bầu cử. Đây là vụ ám sát chính trị đầu tiên trong lịch sử sinh hoạt dân chủ của Hòa Lan.

Sau đó vì áp lực xã hội, cùng lúc vì lo sợ mất phiếu trong cuộc bầu cử, các đảng phái chính trị lớn dưới chiêu bài “an toàn” và “hội nhập xã hội” cũng bắt đầu có những tuyên bố mạnh bạo và đề ra các giải pháp cứng rắn hay nghiêm khắc hơn đối với các sắc dân đến từ các nước khác trong vấn đề di dân và hội nhập. Biến cố 11 tháng 9 ở Hoa Kỳ và tình trạng suy thoái của kinh tế Hòa Lan trong thời gian này đã tác dụng mạnh mẽ vào bối cảnh xã hội Hòa Lan. Sự chỉ trích các giá trị tiêu cực của Hồi giáo gia tăng. Các nhóm Hồi giáo cực đoan bắt đầu hoạt động tích cực hơn. Cao đìểm của tình trạng xã hội này là biến cố đạo diễn Theo van Gogh bị Mohamed B., một thanh niên Hồi giáo gốc Marốc, ám sát sau ông khi cùng nữ dân biểu Ayaan Hirsi Ali thực hiện cuốn phim “submission” lên án sự đàn áp phụ nữ trong văn hóa Hồi giáo. Hiện Hòa Lan có khoảng 850.000 tín đồ Hồi giáo (số thống kê cũ một triệu người Hồi giáo không chính xác vì có nhiều người định cư đến từ các quốc gia Hồi giáo nhưng không theo đạo Hồi, hoặc rời khỏi đạo Hồi sau một thời gian định cư ở Hòa Lan), hầu hết đều ôn hòa và tôn trọng luật pháp Hòa Lan. Những người này cảm thấy họ là nạn nhân giữa hai lằn đạn: một bên là sự kỳ thị và bất bao dung của người bản xứ, một bên là thiểu số gây bất ổn xã hội xuất phát từ tập thể của họ và các nhóm Hồi giáo cực đoan.

Cũng như Pim Fortuyn, nữ dân biểu Ayaan Hirsi Ali (gốc Somalie, Hồi giáo, đã đến tị nạn tại Hòa Lan), dân biểu Geert Wilders, bà cựu bộ trưởng Rita Verdonk hiểu rõ sự bất an của đại đa số nhân dân Hòa Lan trong thời gian này nên đều đả kích chính sách văn hóa đa nguyên, kêu gọi sử dụng các biện pháp mạnh để đối phó với những vấn đề xã hội liên hệ đến các sắc dân thiểu số như phạm pháp, sự cực đoan hóa… để mang lại an toàn xã hội. Tinh thần bao dung được xem như đồng nghĩa với sự im lặng chấp nhận những “giá trị lạc hậu trong các nền văn hóa khác” (như trường hợp quyền phụ nữ trong Hồi giáo theo Hirsi Ali) là “nguyên nhân cản trở vấn đề hội nhập” và “gây bất ổn xã hội”. Tuy nhiên nhờ Hirsi Ali, một số tập quán tiêu cực của Hồi giáo đã dược đưa lên nghị trình chính trị và sau đó trở thành luật (luật pháp Hòa Lan vẫn còn nghiêm cấm việc cắt bỏ một phần bộ phận sinh dục của phụ nữ theo tục lệ của một vài quốc gia Hồi giáo). Qua các quá trình đấu tranh và sinh hoạt chính trị ở Hòa Lan, Hirsi Ali đã phải ẩn trốn do các đe dọa ám sát đến từ phía Hồi giáo và sau đó nổi tiếng trên khắp thế giới.

Cực đoan và gây hấn hơn, Geert Wilders cho rằng sự bành trướng của Hồi giáo sẽ như “đợt sóng thần” cuốn trôi đi các giá trị văn hóa của Hòa Lan, kinh Koran là quyển sách kêu gọi bạo lực cần phải nghiêm cấm. Cuối năm 2007, đảng LPF của Pim Fortuyn do khủng hoảng lãnh đạo cùng mâu thuẫn nội bộ đã bị giải thể trước đó và chấm dứt mọi hoạt động, nhưng phong trào populisme khuynh hữu vẫn được tiếp nối qua Đảng PVV (Đảng Tự Do) do Geert Wilders thành lập và lãnh đạo cũng như qua phong trào “Hãnh Diện Hòa Lan” (Trots op Nederland) của bà Rita Verdonk. Cả hai tổ chức này đều nhận đuợc nhiều ủng hộ của quần chúng.

Tuy xã hội Hòa Lan đã thay đổi thái độ nhiều đối với các sắc dân khác do tâm lý lo sợ hay kỳ thị ngấm ngầm người Hồi giáo do những lý do đã nêu trên, nhưng Hòa Lan vẫn là một trong các quốc gia trên thế giới có nền tảng sinh hoạt tự do dân chủ vững chắc nhất. Xã hội dân sự của Hòa Lan có khả năng ghi nhận các dấu hiệu xấu trong sinh hoạt chính trị xã hội rất nhanh và có khả năng chuyển hóa tình trạng tiêu cực sau một hay vài cuộc bầu cử. Các sắc dân thiểu số Hồi giáo như Thổ, Marốc, Somalie, Afghanistan,…đều có đại diện trong các hội đồng thị xã, nhất là ở các thành phố lớn, cũng như trong quốc hội. Chính phủ Hòa Lan hiện nay có hai thứ trưởng là người thuộc các sắc dân khác gốc Hồi giáo: thứ trưởng bộ Tư Pháp, bà Nebahat Albayrak, người Thổ và thứ trưởng bộ Xã Hội, ông Ahmed Aboutaleb, người Marốc.


Populisme

Từ “populisme” gắn liền với Pim Fortuyn, có ảnh hưởng đến sinh hoạt chính trị, xã hội trong thời kỳ sau khi ông mất và do đó có ảnh hưởng đến dư luận quần chúng Hòa Lan cùng sự phê phán các chính sách của chính phủ liên hệ đến các sắc dân thiểu số. Từ ngữ này cũng được gán cho phong cách sinh hoạt cùng quan điểm chính trị khuynh hữu của bà cựu bộ trưởng bộ Hội Nhập Rita Verdonk, lãnh tụ Geert Wilders của đảng PVV và đảng Xã Hội khuynh tả SP (hậu thân của đảng Cộng Sản Hòa Lan, hiện là chính đảng lớn hàng thứ ba căn cứ vào số ghế trong quốc hội) trong thời gian qua.

Từ populisme phát xuất từ một nhánh của văn học Pháp vào khoảng năm 1930. Một cách đơn giản, có thể nói những người theo chủ nghĩa populisme là những người đấu tranh cho quyền lợi của nhân dân ở tầng lớp thấp của xã hội, cho những “người bình thường”, đối nghịch lại giai cấp danh phận, có thế lực. Tuy nhiên rất khó có một định nghĩa thật chính xác, cố định cho từ ngữ này.

Trước hết, populisme được xem như một phong cách sinh hoạt chính trị hơn là một ý thức hệ như trong trường hợp ý thức hệ đấu tranh cho giai cấp vô sản của chủ nghĩa cộng sản. Trong quá trình hoạt động chính trị, populisme có thể được nhìn và phê phán bằng nhiều cách, từ nhiều góc cạnh khác nhau.

Trong trường hợp sự kiện đảng LPF của Pim Fortuyn hay đảng PVV của Geert Wilders chiếm được nhiều ghế trong quốc hội Hòa Lan sau một cuộc bầu cử, từ populisme có thể được xem là phản ảnh cụ thể sự phản kháng tích cực của một thành phần nhân dân Hòa Lan (thành phần những “người bình thường” hay “đa số quần chúng thầm lặng”) không đồng ý với quan điểm và các chính sách của chính phủ, trong đó có các biện pháp xã hội liên hệ đến các sắc dân thiểu số (thí dụ như chính sách văn hóa đa nguyên).

Ngược lại, các phong trào hay các đảng chính trị populisme này lại bị phê phán là không hề có một cơ sở tư tưởng rõ ràng, những vận động chính trị cũng như các giải pháp đưa ra chỉ nhắm vào tâm lý lo sợ nhất thời của quần chúng do các biến động xã hội và các hoạt động của các nhóm Hồi Giáo cực đoan. Từ populisme trong trường hợp này gần như đồng nghĩa với từ cơ hội chủ nghĩa.

Từ một góc cạnh khác, những biện pháp do các phong trào hay đảng phái chính trị populisme đề ra thường bị đánh giá là quá đơn giản để có thể giải quyết có hiệu quả các vấn đề của đất nước. Đa số các chính trị gia của thành phần này không cầm quyền nên họ có thể dễ dàng đưa ra một giải pháp hay một phê phán gay cấn, có vẻ dễ thực hiện mà không nhận lãnh trách nhiệm cho những tuyên bố này về mặt luật pháp hay hiến pháp trước quốc hội (thí dụ Geert Wilders của đảng PVV yêu cầu nghiêm cấm sử dụng và lưu hành quyển thánh kinh Koran của Hồi giáo). Hơn nữa những giải pháp này không trải qua quá trình thảo luận của nhiều cấp khác nhau trong nội bộ như trong trường hợp của các chính đảng truyền thống, hoặc không đặt cơ sở trên những suy tư phức tạp hay qua tri thức về các vấn đề liên hệ nên dễ được nhiều người dễ dàng chấp nhận vì có vẻ dễ hiểu, không đòi hỏi tư duy sâu sắc. Sự loan tin có tính cách gay cấn hay cường điệu của giới truyền thông cũng đóng góp một vai trò quan trọng. Populisme trong trường hợp này được hiểu như sự đơn giản hóa vấn đề có tính cách mị dân.

Như đã đề cập trên, mặc dù populisme được hiểu là sự đấu tranh cho quyền lợi của “người bình thường”, tức là có tính cách khuynh tả, nhưng tính populisme nằm trong sinh hoạt chính trị của cả phe tả (đảng SP) cũng như của cả phe hữu (đảng của Pim Fortuyn trước kia, đảng PVV và phong trào “Hãnh diện Hòa Lan” của bà cựu bộ trưởng bộ hội nhập Rita Verdonk hiện nay…). Tuy có quan điểm cùng giải pháp chính trị khác nhau, cả hai bên phe tả và hữu populisme này có đặc điểm giống nhau là ít nhiều bảo thủ hơn, đặt nặng tinh thần quốc gia hơn. Cũng cần mở dấu ngoặc ở đây: các quan điểm và sinh hoạt chính trị của các đảng phái hay nhân dân Hòa Lan khá phức tạp, vì thế sự phân chia “khuynh tả” hay “khuynh hữu” theo ý nghĩa của thập niên 50 hay 60 của thế kỷ trước không còn chính xác và phù hợp với hoàn cảnh hiện nay.


Một vài số liệu

Theo bản tường trình về tình trạng xã hội Hòa Lan trong vòng hai năm qua của Phòng Kế Hoạch Văn Hóa Xã Hội (SCP: Sociaal en Cultureel Planbureau) dân Hòa Lan đã vượt qua nhanh hơn các dự đoán chủ nghĩa bi quan trong thời kỳ chịu ảnh hưởng “populisme” của Pim Fortuyn, sau khi Theo van Gogh bị ám sát cùng sự chậm phát triển của kinh tế trong thời gian qua. Có thể nói trong cuối năm 2006 và trọn năm 2007, nỗi lo sợ đã tương đối lắng dịu, Hòa Lan ít nhiều đã “back home”.

Nhân dân Hòa Lan cảm thấy tự tin hơn, lạc quan hơn và hài lòng hơn ở nhiều lãnh vực khác nhau. Sự tin tưởng vào chính phủ Hòa Lan và các chính sách của nhà nước đã gia tăng từ 42% lên đến 67% trong cuối năm 2007 qua. Thành phần người Hòa Lan cảm thấy có quá nhiều người ngoại quốc sinh sống trên vương quốc này (nói theo ngôn ngữ Pim Fortuyn: Hòa Lan đã đầy rồi) đã giảm từ 51% trong năm 2000 xuống 41% trong năm 2006. Phần lớn nhân dân Hòa Lan hài lòng với hoàn cảnh sinh sống của mình. Gần 90% cảm thấy hài lòng với vấn đề an cư, hơn 82% cảm thấy “hạnh phúc” hay “ rất hạnh phúc”.

Với những con số trên, cơ quan SCP vẫn dè dặt với sự lạc quan vì vẫn còn các thành phần nhân dân, tuy chiếm thiểu số hơn trong cấu trúc xã hội, nhưng vẫn không thích nghi được với quyền lực nhà nước cũng như vấn đề dị biệt giữa các sắc dân trong Hòa Lan. Hoàn cảnh xã hội có khá hơn hai hay ba năm trước, nhưng không tốt đẹp hơn những năm cuối thập niên 90. Nhiều người Hòa Lan cho rằng không cảm thấy trở ngại gì khi hàng xóm bên cạnh mình là người thuộc sắc dân thiểu số. Tuy nhiên trên thực tế, nói chung người Hòa Lan cảm thấy khó khăn với một xã hội văn hóa đa nguyên. Theo cơ quan SCP, các tập thể của các sắc dân khác nhau gần như không giao thiệp với nhau. Người Hòa Lan kết bạn trong tập thể người Hòa Lan, người Thổ giao thiệp với người Thổ, người Marốc với người Marốc…

Theo thống kê của đại học Erasmus, khoảng 76% sinh viên các sắc dân thiểu số cảm thấy mình bị tiếp cận khác hơn sinh viên da trắng bản xứ, 54% cảm thấy bị đối xử khác biệt trong các cơ sở thực tập, 52% sinh viên các sắc dân thiểu số trong ngành sư phạm đã bỏ học sau một năm.Việc người Hòa Lan chỉ giao thiệp trong tập thể Hòa Lan, cũng theo SCP, là sự kiện đã phổ biến từ lâu. Nhưng sự kiện đó trở thành vấn đề xã hội do những phê phán tiêu cực về các sắc dân thiểu số và sự gia tăng kỳ thị. Theo báo cáo của Uỷ Ban Âu Châu Chống Kỳ Thị và Bất Bao Dung (ECRI) vào đầu năm nay, Hòa Lan đã gia tăng kỳ thị chủng tộc và dị ứng Hồi giáo trong suốt thời gian qua. Đa số nạn nhân là người Thổ và Marốc. Ủy Ban cũng phê phán ngôn ngữ tranh luận trong sinh hoạt chính trị của Hòa Lan về vấn đề hội nhập ngày càng xuống cấp hơn. Các sự kiện đó cũng giải thích được lý do của sự phân cực trong sinh hoạt chính trị của Hòa Lan và tại sao các đảng phái populisme được nhiều sự ủng hộ của cử tri như đã nói trên.

Một trong những hiện tượng xã hội đáng được chú ý là sự gia tăng tôn trọng giá trị của quyền tự do tư tưởng, nhất là sau biến cố Theo van Gogh. Người Hòa Lan quan niệm rằng họ có quyền tự do phát biểu về tất cả mọi vấn đề . Tuy nhiên việc thực hiện quyền tự do này phải ở trong tinh thần trách nhiệm và không được xúc phạm hay nhục mạ các quan điểm dị biệt.

Cũng cần nói thêm, sau cái chết của Theo van Gogh, có thể do quá bận tâm giải quyết vấn đề Hồi giáo cực đoan, các phong trào quá khích cực hữu đã không bị theo dõi chặt chẽ. Nhiều dấu hiệu cho thấy các nhóm quá khích cực hữu vẫn còn hoạt động và đang cố gắng phát triển tổ chức. Một trong những vấn đề xã hội chính quyền Hòa Lan phải giải quyết liên hệ đến sắc dân thiểu số là do sự bành trướng của tổ chức Liên Hiệp Âu Châu, dân từ một số các quốc gia Đông Âu như Ba Lan, Lỗ Ma Ni (Roemanie), Bảo Gia Lợi (Bulgarie) đã đổ xô đến cư ngụ và làm việc tại Hòa Lan gây nên những vấn đề xã hội mới.


Biện pháp của chính phủ Hòa Lan trong vấn đề phân cực xã hội

Cuối năm 2006, khoảng 71% nhân dân Hòa Lan cho rằng quá nhiều người ngoại quốc sinh sống ở đây không thích nghi với văn hóa Hòa Lan (con số năm 2002 là 81%). Với số liệu vừa đề cập, các đảng phái đối lập khuynh hữu như VVD hay PVV đã chỉ trích chính sách hội nhập của chính phủ và yêu cầu phải thi hành các biện pháp cứng rắn. Tuy nhiên bộ trưởng bộ An Cư và Hội Nhập Hòa Lan, bà Ella Vogelaar (thuộc đảng PvdA), cho rằng bộ trưởng tiền nhiệm Rita Verdonk (thuộc đảng VVD) đã là trở ngại chính cho vấn đề một xã hội sống chung hài hòa. Trong buổi trình bày giác thư hội nhập 2007 – 2011 , bà đã nhiều lần nhắc lại rằng vấn đề hội nhập phải được nhìn từ hai mặt. Thứ nhất: các sắc dân thiểu số gặp nhiều khó khăn do sự cứng rắn và thiếu bao dung hơn của xã hội Hòa Lan, thứ hai: người dân bản xứ cảm thấy bị đe dọa do nhiều biến động xã hội và vấn đề Hồi giáo cực đoan.. Có thể nói những nhận định của bà Vogelaar dựa trên các nhận định trong quyển sách Đất Mới (Land van Aankomst) của Paul Scheffer. Bà cho rằng nhiệm vụ của bà trong nhiệm kỳ này là giải quyết vấn đề phân cực xã hội, bình thường hóa cuộc sống hài hòa. Vấn đề này phải được đặt lại trách nhiệm từ phía các sắc dân thiểu số cũng như từ phía người bản xứ Hòa Lan. Quan điểm này có thể được xem là không có thành phần nào hoàn toàn là “nạn nhân” và cũng không có thành phần nào hoàn toàn là “thủ phạm” (thí dụ tập thể người Hồi giáo bị kỳ thị nhưng chính họ cũng kỳ thị người đồng tính luyến ái).

Bà Vogelaar đã đề ra 56 biện pháp để giải quyết vấn đề phân cực xã hội: Từ việc đơn giản hóa nhiều hơn các thủ tục hội nhập cho đến sự xác định các quan điểm về vấn đề di dân của các sắc dân đến từ Đông Âu; gia tăng khả năng lao động, dễ dàng tìm việc làm cũng như khuyến khích sự kinh doanh, sống tự lập của thành phần người thiểu số; các biện pháp đối phó các vấn đề cực đoan; giải quyết vấn đề xã hội của từng khu cư dân cho đến việc thành lập trên toàn quốc các mạng lưới cơ quan giải quyết các vấn đề kỳ thị. Đây là một dự án dài hơi và có thể kéo dài qua nhiều thế hệ. Bà cũng chia xẻ sự lạc quan với sự giảm thiểu số phần trăm người Hòa Lan cho rằng có quá nhiều người ngoại quốc sinh sống ở đây cũng như sự gia tăng mau chóng phẩm chất khi bắt đầu công ăn việc làm của giới trẻ thuộc các sắc dân thiểu số do khả năng cùng trình độ học vấn gia tăng.

Tóm lại vào năm 2008, các vấn đề di dân, hội nhập, vấn đề Hồi giáo, sự gia tăng quá nhanh số di dân từ Đông Âu sẽ là các vấn đề mà chính phủ Hòa Lan sẽ phải tiếp tục đầu tư sự quan tâm và tiếp tục giải quyết.


Tập thể người Việt

Tập thể người Việt định cư tại Hòa Lan hầu như không bị lôi cuốn vào cơn bão của các tranh luận gay gắt trong khoảng thời gian qua. Với con số gần 20.000 người trên toàn Hòa Lan, đây là một tập thể nhỏ. Nhìn chung người Việt tương đối hội nhập tốt, không gây ra những vấn đề xã hội trầm trọng. Thế hệ trẻ thành công nhiều trong học đường, sau khi tốt nghiệp bận tâm nhiều hơn đến vấn đề công ăn việc làm và cố phấn đấu để thăng tiến trong nấc thang xã hội Hòa Lan. Thế hệ người Việt lớn tuổi bận tâm với vấn đề kinh tế gia đình, học vấn của con cái, hoàn cảnh sống của thân nhân ở Việt Nam hay các vấn đề chính trị, xã hội ở Việt Nam hơn các vấn đề ở xã hội Hòa Lan. Cả hai thế hệ đều không tham dự tích cực vào các tranh luận công khai về các đề tài xã hội vừa qua hay tham gia các sinh hoạt chính trị so với các sắc dân khác như Thổ, Marốc, Suriname. Hoặc như các sắc dân Iran, Somalie, Afghanistan… mặc dù họ đến định cư tại Hòa Lan sau tập thể người Việt. Nếu nhìn bằng nhãn quan của người Hòa Lan, đó là thái độ sống khép kín. Nhưng cũng có thể thử nhìn từ góc cạnh khác để có thể nói rằng đó là sự chọn lựa thái độ sống để có thể đạt được những thành quả thực tế, những đóng góp quân bình hơn trong khả năng cho cả hai đất nước: quê mẹ Việt Nam và đất nước đang định cư Hòa Lan.

 

Nguyễn thị Quỳnh Anh

 


Cái Đình - 2008 .