Cái Đình


Ngày gặp gỡ văn hóa Việt Nam Hải Ngoại

Với sự hợp tác của một số hiệp hội văn hóa và cơ sở truyền thông Việt Nam hải ngoại, Ngày Gặp Gỡ Văn Hóa Thường Niên Việt Nam Hải Ngoại lần đầu tiên được tổ chức tại Trung Tâm Văn Hóa Maison Notre-Dame du Chant d'Oiseau, Bruxelles, Vương quốc Bỉ, từ chiều thứ sáu 29 tháng 08 đến sáng thứ hai 01 tháng 09 năm 2008.

Trên 60 người từ các quốc gia Âu châu chưa kể hàng chục người trong các đoàn thể văn hóa và các cộng đồng người Việt hải ngoại tại Vương quốc Bỉ (với tư cách cá nhân hoặc đại diện các hiệp hội văn hóa và cộng đồng) đã tham dự sinh hoạt trong các ngày nói trên.

Một phòng triển lãm thường trực được khai trương trong Ngày Gặp Gỡ Văn Hóa để trưng bày những tác phẩm của các tác giả hiện diện cũng như của nhiều học giả từ xa gởi đến: sách, báo, tạp chí, CD, DVD, các thông tin, hình ảnh, các dự án sinh hoạt của các tổ chức văn hóa Việt Nam Hải Ngoại. Gian hàng triển lãm của nhóm Cái Đình Hòa Lan, ngoài các ấn phẩm của Cái Đình và thân hữu, còn có một số sách báo, tài liệu tiêu biểu (Việt ngữ và Hòa ngữ) liên hệ đến sinh hoạt của tập thể người Việt tại Hòa Lan trong ba mươi năm qua. Gian hàng này đã gây chú ý đặc biệt của người tham dự về những sinh hoạt văn hóa văn học của cộng đồng người Việt nhỏ bé ở xứ hoa tulip.

Cũng cần nói thêm, Ngày Gặp Gỡ Văn Hóa Thường Niên VNHN lần đầu tiên, đúng như tên gọi, chú trọng đến sự gặp gỡ, thông tri các hoạt động văn hóa của cá nhân và đoàn thể, nhằm phát huy tình thân hữu hơn là một sinh hoạt có tính cách hội nghị theo nghĩa thông thường.

Diễn tiến sinh hoạt:

Sáng thứ bảy 30 tháng 08, 2008:

Theo chương trình dự định, Hòa thượng Thích Minh Tâm sẽ phát biểu khai mạc Ngày Văn Hóa. Nhưng vì bận Phật vụ vào giờ chót nên Hòa thượng không đến tham dự được, ông Nguyễn Đăng Trúc đã đại diện Ban Tổ Chức phát biểu lời chào mừng. Sau đó năm thuyết trình viên đã tuần tự chia sẻ các đề tài riêng của mình chung quanh chủ đề ‘Cộng Đồng Việt Nam Hải Ngoại: Thực Tại và Ý Nghĩa' (trong chương trình có phần thuyết trình của Mục sư Huỳnh Văn Công, Hòa Lan, nhưng vì bận chuyện gia đình ông không đến tham dự được).

– Linh mục Hồng Kim Linh, tiến sĩ văn chương tại Institute Catholique de Paris, Pháp, trình bày đề tài: ‘Thử đi tìm Hồn Việt qua cách khảo sát ngôn ngữ để góp phần phát huy căn tính Việt tộc' (bấm vào đây để xem toàn bài).

– Linh mục Nguyễn Thái Hợp, tiến sĩ triết học và thần học luân lý, giáo sư tại các Đại Học Gioan XXIII, Lima, Peru, Đại Học Thánh Thomas d'Aquin (Angelicum), Rôma, Ý, Đại Học Khoa Học Xã HộI và Nhân Văn, Sài gòn, trình bày đề tài: ‘Văn hóa Việt Nam trong thời toàn cầu hóa'.

– Lê Mộng Nguyên, tiến sĩ luật học, giáo sư luật khoa ban công pháp tại Đại Học Paris, viện sĩ Hàn Lâm Viện Hải Ngoại của Pháp (ông cũng là nhạc sĩ sáng tác, tác giả bài nhạc tiền chiến bất hủ ‘Trăng mờ bên suối'), trình bài đề tài: ‘Chung đụng văn hóa xã hội tại Việt Nam trong thời kỳ giữa hai cuộc đại chiến'.

– Bùi Hạnh Nghi, tiến sĩ văn chương, cao học kinh tế, tiến sĩ luật học, nguyên giám đốc ngân hàng tại Cộng Hòa Liên Bang Đức, trình bày đề tài: ‘Thân phận lưu vong'.

– Nguyễn Đăng Trúc, tiến sĩ triết học, giáo sư tại Đại Học Minh Đức, Việt Nam (trước 1975) và Đại Học Strasbourg (Phân Khoa thần học), Pháp, trình bày đề tài: ‘Văn hóa và thân phận lưu đày của con người'.

Chiều thứ bảy 30 tháng 08, 2008:

Phần phát biểu tự do và tham luận của một số tham dự viên:

– Nguyễn văn Hướng, bút hiệu Hoài Việt, tiến sĩ khoa học, nghiên cứu viên tại Viện Pasteur, Paris, chủ tịch Hội Bạn Văn, chủ nhiệm tập san ‘Làng xưa phố cũ' và ‘Duo', phát biểu bài tham luận: ‘Thi họa Việt, Pháp và sự trao đổi văn hóa Việt, Pháp'.

– Hoàng Đức Phương, tiến sĩ khoa học, sáng lập Hội Văn Hóa VN tại Sarcelles, Pháp. Sáng lập viên Ban Giảng Huấn Việt Tộc, phát biểu về đề tài: ‘Văn hóa, chất liệu kết hợp để thoát hiểm'.

– Nguyễn Hiền (xem hình), dược sĩ, nhà văn, hội trưởng Hội Sinh Hoạt Văn Hóa Văn Học Cái Đình, Hòa Lan, phát biểu bài tham luận: ‘Cộng đồng người Việt hải ngoại và sự phát triển văn hóa Việt Nam' (bấm vào đây để xem toàn bài).

– Trịnh Khải, nguyên tổng thanh tra Bộ giáo dục VNCH, kỹ sư lý hóa (responsable de Projet Schlumberger Industries), Pháp, phát biểu bài tham luận: ‘Văn hóa và chính trị qua chế độ cộng sản VN với chiến lược xâm lăng của Trung Cộng'.

– Nguyễn Khắc Tiến Tùng, tiến sĩ triết học, giáo sư tại Đại Học Leipzig, Đức quốc, phát biểu bài tham luận: ‘1946-1954: một giai đoạn sáng tác văn chương bị lãng quên'.

– Đinh Lâm Thanh, cao học kinh tế, nhà văn, sáng lập Hội Văn Hóa Người Việt Tự Do, tổ chức nhà xuất bản Sàigòn tại California, Hoa Kỳ, phát biểu bài tham luận: ‘Tương quan giữa văn hóa và chính trị' (bấm vào đây để xem toàn bài).

(Quý độc giả có thể đọc tóm lược các điểm quan trọng của các bài thuyết trình và tham luận trong các NGGVHVNHN 2008 trong bài Một Số Vấn Đề Văn Hóa trong mục ‘Văn Hóa')

Tối thứ bảy 30 tháng 08, 2008:

Sinh hoạt âm nhạc:

– Lược khảo về nhạc tiền chiến, giới thiệu nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên và trình bày một số bản nhạc tiến chiến chọn lọc.

– Ông Phạm Hồng Lam điều hợp chương trình và trình bày sơ lược về quá trình hình thành nhạc tiền chiến. Sau đó ông đã giới thiệu nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên. Một số các bài nhạc tiền chiến được trình bày như Đêm Đông và các sáng tác của nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên như Trăng Mờ Bên Suối, Mơ Về Đà Lạt (được sáng tác trước khi nhạc sĩ rời khỏi quê hương), Một Chiều Thương Nhớ. Nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện, Thiên Lý, Đoàn Công Dũng đệm nhạc với các giọng hát của Đoàn Công Đức, Mai Thị Ngọc Hương và Nguyễn thị Lệ Thu.

Sáng chủ nhật 31 tháng 08, 2008:

Trình bày và thảo luận các dự án văn hóa:

– Dự án Ngày Gặp Gỡ Văn Hóa Thường Niên Việt Nam Hải Ngoại do kỹ sư Nguyễn Minh Chính điều hợp, bao gồm: Phúc trình về tiến trình vận động dự án - Trình bày nội dung dự án - Thảo luận và đi đến các quyết định do tham dự viên biểu quyết.

a- Các tham dự viên với tư cách cá nhân hoặc đại diện tổ chức của mình đồng ý tham gia việc khai sinh và tổ chức sinh hoạt văn hóa lấy tên Ngày Gặp Gỡ Văn Hóa Thường Niên Việt Nam Hải Ngoại (NGGVHTNVNHN).

b- NGGVHTNVNHN nằm trong khuôn khổ của Câu Lạc Bộ Văn Hóa được điều hành bởi một Ban Điều Hợp do những người tham gia NGGVHVNHN đề cử.

c- Tham dự viên NGGVHVNHN lần đầu (2008 tại Bruxelles) đề cử Ban Điều Hợp cho nhiệm kỳ 2008-2009, gồm 12 thành viên sau đây: Trần Viết Khoái, Nguyễn Hiền, Quách Vĩnh Thiện, Nguyễn Đăng Trúc, Phạm Hồng Lam, Nguyễn Minh Chính, Nguyễn Quốc Bảo, Đoàn Công Đức, Nguyễn Quý Sơn, Phùng Trọng Kiệt, Phan Đình Vĩnh Trinh, Lâm Chi Thiên Lý. Ban Điều Hợp đã mời 5 vị cố vấn thường trực: Các ông Nguyễn Văn Tánh, Nguyễn Bá Lệ, Đỗ Văn Bùi, Đinh Lâm Thanh, Phùng Hoàng Minh.

d- Các tham dự viên quyết định NGGVHTNVNHN lần thứ hai cũng sẽ được tổ chức tại Trung Tâm Văn Hóa Maison Notre-Dane du Chant d'Oiseau, Bruxelles, Vương quốc Bỉ, từ chiều thứ sáu 28 tháng 08 đến sáng thứ hai 31 tháng 08 năm 2009.

– Dự án thành lập Học Viện Nhân Văn Và Nghệ Thuật Việt Nam Hải Ngoại:

Trước khi trình bày chi tiết dự án, ông Nguyễn Đăng Trúc, hội trưởng hội Convergence (Trung Tâm Văn Hóa Nguyễn Trường Tộ) đã trình bày sơ lược về Trung Tâm Văn Hóa Nguyễn Trường Tộ. Vào tháng 10 năm 1992, Đức ông Trần Văn Hoài đã kêu gọi các vị tôn giáo hội kiến nhau nhằm mục đích đưa tiếng nói tự do của tôn giáo vào đời và cho dân tộc Việt Nam. Đáp lời kêu gọi, các vị lãnh đạo tôn giáo (gồm Thiên chúa giáo và các tôn giáo khác) đã gặp nhau ở Strasbourg. Trong bối cảnh đó TTVHNTT được thành lập. Ông Nguyễn Đăng Trúc nhấn mạnh đến điểm làm người không am tường dễ gây ngộ nhận, là TTVHNTT tuy được đề xướng do Thiên chúa giáo, nhưng ban tổ chức và các tham dự viên đều là nguời của các tôn giáo khác nhau và cùng yêu văn hóa Việt. Đây là hội đoàn hoạt động văn hóa và cho tất cả mọi người. Các hoạt động được nhiều người biết đến của TTVHNTT gồm: tổ chức các khóa Đại Học Hè về Văn Hóa Việt Nam cho những người trẻ, xuất bản tạp chí văn hóa Định Hướng, thành lập nhà xuất bản Định Hướng Tùng Thư. Ngoài ra, TTVHNTT có dự định cố gắng nghiên cứu, xuất bản và lưu trữ các công trình nghiên cứu văn hóa có tính cách hàn lâm ở hải ngoại nằm trong dự án thành lập Học Viện Nhân Văn và Nghệ Thuật Việt Nam Hải Ngoại.

Dự án nói trên sẽ thành lập các phân khoa văn hóa, giảng dạy qua internet hoặc bằng các phương tiện khác của kỹ thuật truyền thông nhằm tìm lại các nhà nghiên cứu văn hóa cũ, kết hợp với người mới để đào tạo nhân sự, tránh sự đứt đoạn về trao truyền văn hóa. Sự mất dần trí thức văn hóa trong và ngoài nước là một báo động cần phải được ghi nhận. Hơn nữa không được trang bị bằng văn hóa, các nhân sự mới sẽ thiếu vũ khí đấu tranh.

Chiều chủ nhật 31 tháng 08, 2008:

– Nguyễn Văn Thành, giáo sư Đại Học Huế, giáo sư trưởng ban Tâm Lý, Phân Khoa Nhân Văn và Nghệ Thuật, Đại Học Minh Đức (trước 1975), chuyên gia tâm lý bên cạnh những trẻ em bị bệnh tâm thần, thuyết trình về đề tài: ‘Con đường bao dung trong văn hóa và huyền sử Việt Nam' (bấm vào đây để xem dàn bài).

– Giới thiệu những bản trường ca phổ nhạc toàn bộ tác phẩm Kim Vân Kiều của Nguyễn Du do nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện phổ nhạc: Kỹ sư Nguyễn Minh Chính giới thiệu tiểu sử của Quách Vĩnh Thiện, cho biết ông đã du học ở Pháp năm 1964, tốt nghiệp kỹ sư tin học, hiện là hội viên Hàn Lâm Viện Pháp về Tây Ban Cầm. Khi 15 tuổi, ông là người đầu tiên đệm bài Mexico cho ca sĩ Cao Thái (bài hát và ca sĩ nổi tiếng lúc bấy giờ) hát ở Sàigòn. Nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên cũng đã nói qua về truyện Kiều và giới thiệu một số sáng tác âm nhạc của nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện.

Khác vớI Phạm Duy nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện khi phổ nhạc Kiều không sửa đổi một câu thơ nào. Theo lời ông kể, việc ông đọc Kiều và có ý định phổ nhạc là một cơ duyên (ông được một một thầy bói Kiều tặng cho quyển Kiều ông thầy đã dùng để bói tới rách nát). Để có thể thực hiện được công trình này ông đã phải trải qua quá trình thiền tập, tìm đọc và so sánh 15 bản truyện Kiều khác nhau. Hiện ông đã thực hiện được 4 CD (cũng do chính ông hòa âm) trong vòng bốn năm: CD 1: Chú trọng đến nhạc cổ truyền Việt Nam, CD 2: chú trọng đến nhạc Tây Phương, CD 3: sử dụng nhạc của các quần đảo, CD 4: sử dụng nhạc rock ‘n roll. Để hoàn tất công trình phổ nhạc toàn bộ tác phẩm Kiều gồm 3254 câu thơ, ông đang ráo riết thực hiện 3 CD nữa, trong đó CD cuối cùng sẽ trở lại nhạc cổ truyền - trở về nguồn cội. Các bài nhạc của 4 CD đầu trên được các ca sĩ đang nổi tiếng trong nước trình bày như Tố Hà, Thùy Lan, Ngọc Ánh, Hương Giang, Mai Thảo... Bài ‘Chương Đài' đã được tác giả cho khán thính giả trong hội trường thưởng thức.

Tối chủ nhật 31 tháng 08, 2008:

Sinh hoạt văn nghệ nội bộ và chụp hình lưu niệm

Sáng thứ hai 01 tháng 09, 2008:

Sau khi ăn sáng mọi người bắt tay từ giã nhau và hẹn gặp lại trong NGGVHTNVNHN sang năm.

 

Cái Đình

 


Cái Đình - 2008 .