Nguyễn Văn Thành


Con đường bao dung
(Trong Văn Hóa và Huyền Sử Việt Nam)

(Bài thuyết trình trong Ngày Gặp gỡ Văn Hóa Hải Ngoại, Bruxelles 29-31/08/2008)

 

Phần I: Định nghĩa con đường Bao Dung

1.- Nhân vật cần được quy chiếu khi nói đến Bao Dung: Nguyễn Trãi từ khu kháng chiến Chí Linh với Lê Lợi cho đến ngày thắng lợi ở Đông Quan (Thăng Long, Hà Nội).

Đảm nhiệm vai trò chiến lược và thương lượng với quân Minh ở Chí Linh, nhân danh Lê Lợi.

Tại Đông Quan, Quân Minh bị bao vây tứ phía. Trước đoàn lũ đòi hỏi bảo thủ tận diệt quân Minh, duy một mình Nguyễn Trãi đề nghị con đường bao dung để xây dựng Đất Nước:

Lấy đại nghĩa mà thắng hung tàn
Đem chí nhân mà thay cường bạo.

Mở rộng cửa Nhân mời khách đến,
Vun trồng cây Đức nuôi con ăn.

Chăn lạnh choàng vai đêm chẳng ngủ,
Suốg đời ôm mãi nỗi lo dân.

2.- Sau khi diễn tả lời yêu cầu của mình, Nguyễn Trãi đã thinh lặng lắng nghe, đón nhận bao nhiêu ý kiến bất đồng và lời tố cáo của quần chúng.

3.- Đối với Nguyễn Trãi, ý chí thù hận là tự nhiên và chính đáng. Tuy nhiên, để xây dựng Đất Nước về lâu về dài, và nhất là muốn để lại cho con cháu một gia sản trọng đại và bao la, ngay từ bây giờ chúng ta phải dấn vước trên con đường bao dung.

4.- Trong ca dao tục ngữ, Tổ Tiên và Cha Ông chúng ta cũng nhắc lui nhắc tới cho con cháu về con đường Bao Dung:

Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
Người trong một nước phải thương nhau cùng.

Bầu ơi thương lấy bí cùng,
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.

Phần II- Những trở ngại lớn lao trên con đường Bao Dung:

1.- Ngay từ thời Lập Quốc, chính Lạc Long Quân đã phải đối đầu với ba con Yêu Tinh Ma Quái, có mặt khắp nơi trên mọi nẻo đường của Đất Nước:

Con thứ nhất: Mộc Tinh, một cây mất gốc mất rễ, không hoa không lá… đe dọa khách qua đường, đòi hỏi quà hối lộ.

Con thứ hai: Ngư Tinh, một con cá ăn thịt người…

Con thứ ba: Hồ Tinh, những con cáo đội lốt người để hà hiếp và lạm dụng đàn bà và trẻ con.

Sau khi Lạc Long Quân và Âu Cơ qua đời, một loại yêu Tinh thứ tư đã bắt đầu xuất hiện từ trong vòng anh em ruột thịt cùng cha khác mẹ, mang tên là “Đồng Bào” (nghĩa là cùng nhau chia sẻ một bào thai duy nhất của mẹ). Đó là Sơn Tinh và Thủy Tinh, một loại “gà nhà bôi mặt đá nhau” từ đời này qua đời nọ và vẫn còn tiếp diễn cho đến hôm nay trên khắp mọi nẻo đường của Đất Nước.

2.- Mộc Tinh có mặt trong lãnh vực thực tế và thực tại, khi chúng ta lãng quên nguồn gốc đích thực của mình, để “rước voi về chà mả tổ…”

Ngư Tinh, thay vì làm của ăn, ngày ngày nhả ra trong môi trường xã hội bao nhiêu độc khí và độc chất, như: “Tao hơn mày thua, tao tốt mày xấu, tao chính mày ngụy, tao yêu nước mày bán nước…”

Hồ Tinh là những con chồn ẩn núp trong hang động u tối, ban đêm chúng nó mang mặt người đi ra các khu xóm bắt con nít và đàn bà đem về hãm hiếp và ăn thịt.

3.- Ngày hôm nay giữa chúng ta, vẫn còn có những con Mộc Tinh mất gốc mất rễ, đem Đất Nước bán đứng cho thực dân và ngoại bang như Pháp, Nga, Trung Quốc, Mỹ Châu.

Ngày hôm nay, vẫn còn có những Hồ Tinh xem đồng bào là công cụ nhằm thỏa mãn những dục vọng bỉ ổi của mình.

Một cách đặc biệt những tranh chấp và xung đột giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh đã và đang còn tạo nên những tai ương hoạn nạn như: Nam Bắc phân tranh, những con sông Bến Hải, những Đại Lộ kinh hoàng, những tai nạn bị đắm tàu trên các vùng của các đại dương, cho người Việt tỵ nạn từ những biến cố năm 1975.

4.- Nếu chúng ta phân tích một cách khoa học,

Mộc Tinh có mặt trong lãnh vực thực tế, khi chúng ta thiếu khả năng quan sát và ghi nhận các sự kiện một cách khách quan.

Ngư Tinh nhả ra những lý thuyết hay là những chủ nghĩa ngoại lai, khả dĩ gây chia rẽ và hận thù trong lòng Đất Nước.

Hồ Tinh len lỏi nằm vùng trong lãnh vực xúc động, cũng như thao tác những chương trình bạo động, hận thù, trong môi trường sinh thái của Quê Hương.

Sau cùng Sơn Tinh và Thủy Tinh làm ô nhiễm mọi liên hệ giữa người với người.

Phần III: Phương thức hóa giải những trở ngại, để ngày ngày mở ra con đường Bao Dung

Nhằm hóa giải những chướng ngại vừa được nêu ra trên đây, chúng ta cần thức tỉnh về những hiện tượng tất yếu sau đây:

1.- Giữa tôi và người khác, có ba loại sinh hoạt khách quan thông thường như sau:

Tôi và người có những điểm giống nhau, cho nên chúng ta có thể thương nhau và hợp tác với nhau.

Tôi và người có những điểm hoàn toàn khác nhau. Cho nên bao nhiêu vấn đề xung đột có thể xuất phát từ nơi đây, nếu chúng ta ngày ngày nuôi dưỡng lỗi nhìn lưỡng năng đã được nói tới trên đây như: tao tốt mày xấu…

Tuy nhiên, cũng nhờ khác nhau, chúng ta mới có khả năng bổ túc và ngày ngày cố quyết kiện toàn cho nhau.

Nhờ đó khi hai người anh chị em đồng bào ngồi lại lắng nghe, đón nhận và hợp tác với nhau,

Chúng ta có một trăm con mắt để nhìn đời.
Chúng ta có một trăm lỗ tai để lắng nghe tiếng kêu trầm thống và khổ đau của anh chị em.
Chúng ta có một trăm đôi chân và một trăm đôi tay để làm đẹp Đất Nước và xây dựng Quê Hương.

Phải chăng đó là con đường bao dung chúng ta đang đi và có khả năng trối lại cho các thế hệ giới trẻ con cháu đang đến sau này?

2.- Xét về mặt khoa học kỹ thuật:

Trong lãnh vực thực tế, chúng ta ngày ngày học tập sử dụng Ngôn Ngữ Chính Xác, để mô tả những sự kiện khách quan, thay vì xuyên tạc, tổng quát hóa hay là chủ quan hóa.

Trong lãnh vực tư duy, chúng ta bắt đầu ghi nhận những Sự Kiện cụ thể và khách quan. Xuất phát từ đó, chúng ta đề nghị những giả thuyết. Từ những giả thuyết ấy, chúng ta chọn lựa một kết luận. Dựa trên kết luận ấy, chúng ta quyết định một chương trình hành động. Và sau từng giai đoạn thực hiện, chúng ta đánh giá kết quả, để điều chỉnh giả thuyết lúc ban đầu hay là tiếp tục, bổ túc và kiện toàn. Sau khi thực hiện những bước tư duy của mình, chúng ta cho phép kẻ khác cũng có quyền đưa ra những quan điểm của mình. Và lúc bấy giờ chúng ta lắng nghe một cách cẩn trọng.

Trong lãnh vực xúc động, chúng ta hãy khảo sát Nhu Cầu ẩn núp ở bên dưới mỗi xúc động.

Sau hết, trong những quan hệ tiếp xúc và trao đổi giữa người với người, chúng ta cần phát huy về phía của mình hay là tạo điều kiện thuận lợi cho kẻ khác thực hiện bốn bước đi tới: Xin, Cho, Nhận và Từ Chối.

 

Bruxelles, ngày 29/08/2008
Nguyễn Văn Thành

 

 

 


Cái Đình - 2008 .