Nguyễn Hiền


Cộng đồng người Việt hải ngoại và sự phát triển văn hóa Việt Nam

 

Kể từ biến cố tháng tư năm 1975 cho tới nay, các nguyên nhân hình thành thực thể cộng đồng người Việt hải ngoại – với đa phần là người Việt tị nạn cộng sản – thường được các nhà nghiên cứu và bình luận nhìn từ góc độ chính trị nhiều hơn từ góc độ văn hóa. Để có ý niệm sâu sắc và chính xác hơn về sự hình thành thực thể cộng đồng người Việt hải ngoại cũng như ít nhiều có thể đánh giá khả năng đóng góp của của cộng đồng này cho quê hương Việt Nam nói riêng và cho môi trường thế giới nói chung, chúng ta không thể bỏ qua khía cạnh văn hóa trong vấn đề hình thành thực thể cộng đồng người Việt hải ngoại.

Do vị trí địa lý đặc biệt, Việt Nam – theo nhà khảo cổ học Olov Jansé đã viết – là quốc gia nằm trong ‘ngã tư giao lưu của chủng tộc và văn hóa'. Văn hóa Việt Nam trong thời gian phát triển đất nước đã chịu ảnh hưởng của hai nền văn hóa lớn của châu Á là Trung Hoa và Ấn Độ, và sau đó là sự tiếp cận với văn hóa Tây phương thời cận đại. Nhưng như chúng ta đã biết, tuy chịu ảnh hưởng của những nền văn hóa này và bị Bắc thuộc một ngàn năm, Việt Nam vẫn bằng phong cách riêng, hình thành ý thức dân tộc, dành lại chủ quyền của đất nước, giữ gìn bản sắc đặc thù và tránh không bị đồng hóa về văn hóa. Nhất là trong hai vấn đề sau (giữ gìn bản sắc đặc thù và không bị đồng hóa trên phương diện văn hóa), chúng ta có thể nhìn xuyên qua lịch sử nhân văn, từ việc hình thành huyền thoại lập quốc, văn minh Đông Sơn, văn minh Lạch Trường (Văn minh cổ mộ Bắc Ninh), sự hình thành các tư tưởng bình dân cho đến tam giáo đồng nguyên sau này. Điều chúng ta có thể ghi nhận ở đây là dân tộc Việt Nam có khả năng thâu thập, dung hóa (dung hòa và hóa giải) các tinh hoa từ các nguồn văn hóa khác để hình thành nên văn hóa, tư tưởng đặc thù Việt Nam. Chữ Nôm là một bằng chứng nói lên ước vọng độc lập của tiền nhân kết hợp với khả năng thích ứng và sáng tạo trong cuộc bảo tồn và lưu truyền ngôn ngữ nói nguyên thủy của người Việt. Tích cực hơn, văn hóa tư tưởng Việt Nam được hình thành này có đặc điểm cởi mở, khai phóng như cụ Lê Quý Đôn đã viết trong Vân Đài Loại Ngữ: “Thù đồ nhi đồng quy, bách lự nhi nhất trí.” (Đường đi khác nhau mà cùng về mục đích chung, trăm ý nghĩ cùng đi đến một lý).

Tuy nhiên, điều không may cho cả dân tộc là, trong quá trình lịch sử, tinh thần minh triết của Nho giáo đã bị đánh mất. Nho giáo trở nên từ chương, khoa bảng và bảo thủ, nhất là trong hệ thống giáo dục, trong quốc sách của triều đình khi Nho giáo trở thành độc quyền, thành vũ khí bảo vệ ngai vàng. Hậu quả là tinh thần dung hóa và khai phóng nói trên đã bị đánh mất. Đến khi tiếp xúc với văn hóa Tây phương trong thời kỳ lịch sử cận đại và hiện đại, văn hóa Việt Nam đã không đủ khả năng tiếp nhận, đối thoại với nền văn hóa mới này. Việt Nam bị thực dân Pháp đô hộ, đưa đến sự du nhập và áp đặt những sản phẩm duy lý cực đoan của văn hóa Tây phương, trong đó phải kể đến chủ nghĩa duy vật và phong trào cộng sản quốc tế. Ở mi ền Bắc, t rong tham vọng cải tạo xã hội một cách triệt để, qua sự cào bằng các tầng lớp dân chúng không nằm trong giới lãnh đạo, những người cầm đầu đảng cộng sản đã cổ võ sự đảo lộn những khái niệm đã ăn sâu trong tâm thức Việt từ nhiều thế kỷ. Quan hệ giữa các thành tố trong gia đình, trật tự xã hội bị xét lại dưới nhãn quan của chủ nghĩa cộng sản, lấy đấu tranh giai cấp làm kim chỉ nam, trong khi những người nắm quyền chưa đề ra, hoặc không muốn đề ra một hướng đi văn hóa mang tính chất Việt, hay ít ra cũng phải nhân bản hơn. Miền Nam thì bị lúng túng trước sự xâm lấn quá vũ bão của một nền văn hóa duy lý Âu Mỹ lấy vật chất làm thước đo con người. Và tiếp theo là biến cố 1975 với những di hại mà chúng ta ai ai cũng đã trải nghiệm. T ất cả nằm trong hệ lụy văn hóa nếu nhìn theo chiều hướng này.

Hiện tại, chế độ cộng sản vẫn giữ độc quyền lãnh đạo trên toàn đất nước và dân tộc Việt Nam vẫn chưa có được tự do dân chủ đúng nghĩa. Tuy đạt được một số thành tựu về kinh tế ở mặt nổi, các bất công xã hội cùng sự suy thoái trầm trọng về đạo đức, ý thức, trí tuệ vẫn là sự thật phô bày từ hơn ba thập niên qua trên quê hương. Có thể nói, vấn đề khủng hoảng văn hóa trong quá khứ như đã được đề cập trên đây và việc đất nước Việt Nam rơi vào tay chế độ cộng sản sau này là các nguyên nhân hỗ tương, trực tiếp và gián tiếp cho việc hình thành tập thể người Việt hải ngoại.

Phục hưng và phát triển văn hóa Việt Nam là vấn đề cốt tủy cho việc phục hoạt con người và trí tuệ Việt. Văn hóa dân tộc có khả năng đóng góp vào vấn đề nhận thức và hành động chánh trị trong việc đấu tranh cho tự do dân chủ và nhà nước pháp trị. Nhìn về tương lai, vấn đề Việt Nam phải được nhìn trong chiều hướng toàn cầu hóa và chiều hướng bản sắc đặc thù của Việt Nam.

Nhìn trong chiều hướng toàn cầu, cộng đồng người Việt hải ngoại có cơ hội học hỏi, tiếp thu và sinh hoạt trong môi trường đa văn hóa. Ngoài sự tiếp cận với văn hóa dòng chính của những quốc gia đang cư ngụ như Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Bỉ, Hòa Lan v.v…, người Việt hải ngoại còn phải/được/bị tiếp xúc với những văn hóa của các sắc dân ngoại quốc khác đang cư ngụ trong những quốc gia này như văn hóa Ả Rập, Indonesia, Mễ Tây Cơ… Trong môi trường này, người Việt hải ngoại đã có cơ hội thử nghiệm ‘văn hóa Việt mình còn giữ được' để đối chiếu với những nền văn hóa khác trong chiều hướng học hỏi. Nhưng quan trọng hơn, người Việt hải ngoại hiểu được thế nào là sinh hoạt trong môi trường tự do dân chủ, có cơ hội tiếp xúc với các trào lưu mới của thế giới. Vì là chiếc cầu nối liền với Việt Nam và thế giới nên người Việt hải ngoại có thể đóng góp cho quê hương Việt Nam về nhiều phương diện: tổ chức dân xã và nhà nước pháp trị, kinh tế, khoa học kỹ thuật, nghệ thuật v.v...

Nhìn về phương diện bản sắc đặc thù Việt Nam, tuy có được những cơ hội như đã nói, nhưng nếu thiếu nhận thức văn hóa dân tộc và không khôi phục được linh hồn của tư tưởng Việt Nam là sự minh triết, thì sự tiếp thu những giá trị mới từ bên ngoài chỉ là công tác thiếu trách nhiệm và sáng tạo, sẽ gây ra những khủng hoảng văn hóa khác trong tương lai. Khôi phục tinh thần minh triết, với nhận thức văn hóa sâu sắc, cộng đồng người Việt hải ngoại nói riêng và toàn thể nhân dân Việt Nam nói chung mới có thể phát huy trọn vẹn khả năng dung hóa và khai phóng như đã từng thành công trong quá trình dựng nước và giữ nước.

Nhìn về tương lai một cách lạc quan hơn, nếu văn hóa Việt được phục hưng và khởi sắc, Việt Nam ít nhiều có thể đối thoại với các nền văn hóa khác. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, triết học Tây phương đang trở thành một môn khoa học về triết học sử nên không đáp ứng được tất cả vấn đề minh triết, tâm linh của con người. Việt Nam trong truyền thống minh triết Á Đông, có thể đóng góp cho các sinh hoạt trên phương diện toàn cầu để hóa giải sự thái quá của nền kinh tế thị trường, của xã hội tiêu thụ, của sự mất quân bình của con người trong các môi trường xã hội Tây phương v.v... Có thể nêu thí dụ như trong vấn đề giải quyết về môi sinh, chúng ta sẽ có thể không chỉ dừng lại ở nguyên tắc căn bản tổng quát như Al Gore đã nói, là trên mặt đạo đức và tâm linh, mà còn đi xa hơn trong các chi tiết nhận thức và thực hành, như sự liên hệ gắn bó, hài hòa giữa con người và vũ trụ của triết lý tam tài, duyên khởi...

Tóm lại có thể nói nguyên nhân sâu xa của sự hình thành thực thể cộng đồng người Việt hải ngoại bắt nguồn từ khủng hoảng văn hóa. Nhưng với khả năng đặc thù của dân tộc Việt trong quá trình dựng nước và giữ nước như đã đề cập trên, cộng đồng người Việt hải ngoại sẽ là nhân tố quan trọng đóng góp vào vấn đề phục hưng và phát triển văn hóa Việt Nam. Ra đi trong hoàn cảnh bi đát, nhưng trở về với những hành trang mới để chuyển hóa quê hương trở thành tốt đẹp hơn. Điều đó xác định thực thể và sứ mệnh lịch sử của cộng đồng người Việt hải ngoại.

 

Nguyễn Hiền
(07/2008)

 


Cái Đình - 2008 .