nguyễn như mÂy
Xóm Dã Tràng
.
Vì là mây nên tôi đã tung đôi cánh huyền thoại của mình bay dọc suốt hơn 3000 km bờ biển quê hương Việt Nam từ bắc vào tận chóp mũi Cà Mau trong những ngày rong rêu phiêu bạt. Nhưng không có bờ biển nào đẹp và hấp dẫn tâm hồn tôi cho bằng bờ biển của Phan Thiết quê mình! Ở đây, ngoài những tảng sáng thả mình trôi trên ngàn sóng biển lênh đênh dưới ánh mặt trời trong veo xanh ngắt, bạn sẽ được nhìn ngắm các di tích văn hoá nổi danh gần đó như Lầu Ông Hoàng gắn liền với chuyện tình thơ mộng giữa Nhà thơ Hàn Mặc Tử và Nữ sĩ Mộng Cầm; tháp Chăm Pô Xá I Nức xây hoàn toàn bằng gạch đất nung tại chỗ vào cuối thế kỷ thứ 13 gắn liền với duyên nợ vợ chồng huyền thoại Huyến Trân Công chúa và vua Chiêm Thành Chế-Mân. Và xa xa là hai địa danh Mũi-Né và Hòn Rơm mà bạn sẽ không thể nào không tìm đến.
Một chiều thu vàng, sau khi lượn vài vòng để ngắm cho thoả thích thành phố biển Phan Thiết thân thương, tôi nhẹ nhàng hạ cánh trên bờ biển Đồi Dương quê mình. Thấy tôi xuất hiện, lũ còng gió đang vui hát bên những vỏ sò vỏ ốc liền bỏ chạy tán loạn. Tôi dùng hai bàn tay làm koa kêu gọi chúng quay lại vì tôi đang muốn hát ca với chúng tới suốt đêm nay. Một con có vẻ lớn tuổi nhất bắt tay tôi rồi yêu cầu tôi phải gọi đúng tên chúng là Dã Tràng thay vì cứ gọi “tên cúng cơm” là Còng Gió! Tôi vui vẻ nói “Ô-kê!” nên tất cả chúng đều quay lại ngồi chung quanh tôi. Chúng không tiếc lời trầm trồ khen ngợi rồi dùng hai bàn tay còn bám đầy cát biển để vuốt ve đôi cánh kết bằng lông ngỗng của tôi. Ngoài xa, nắng vàng của hoàng hôn đang đổ tràn trên mặt biển gập ghềnh sóng. Tôi nâng niu từng chú Dã Tràng nho nhỏ màu trăng trắng trong lòng bàn tay với tất cả lòng mến yêu và trân trọng những người bạn nhỏ vô danh và thân thương của quê mình.
Dã Tràng thuộc họ nhà giáp-xác (carapace), mỗi chú có tới 10 cái chân xíu xiu rất dễ thương nhưng lại chạy rất nhanh trên cát. Tên khoa học của chúng là Decapoda hay Ocypodoidea... Hồi nhỏ, mỗi lần ra biển là tôi dành nhiều thời gian để rượt bắt chúng tới nỗi quên cả tắm biển. Chúng đã chạy nhanh hơn tôi và lại có hang đào sẵn dọc đường nên trốn vội xuống đó làm tôi đứng “ngẩn tò te” rồi quay về tay không. Chúng sống thành bầy đàn trên cát biển mỗi khi sóng biển vừa rút xuống. Tôi hỏi chàng Dã Tràng có vẻ là đầu đàn:
– Các bạn mình tìm thức ăn trong cát phải không ? Thu hoạch hằng ngày có khá không ?
Chú Dã Tràng ấy vui vẻ trả lời, giọng nói nghe có tí chát chát của hồn muối mặn đại dương:
– Cảm ơn anh Hai đã hỏi. Vì từ mấy ngàn năm nay tụi em chỉ toàn là bị người đi tắm biển đuổi chạy trối chết để bắt về chơi chứ có ai hỏi thăm được như anh Hai đâu!..
Tôi làm thinh vì hồi nhỏ mình cũng từng là “vua” rượt bắt từng con còng gió rồi bỏ trong lon sữa bò đem về nhà chơi cho tới khi Dã Tràng “nhớ biển” mà chết đi!..
Hằng ngày, Dã Tràng đào cát biển đang còn ướt đẵm nước rồi vo tròn lại thành nhiều cục nhỏ xíu để đắp lên miệng hang tới khi nào kín hết mới thôi. Đã có lần tôi đưa cô bạn giáo viên dạy vạn vật ra biển để hai đứa cùng chơi trò con nít: đắp cát biển lên bàn chân để tạo ra từng cái nhà cho Dã Tràng ở. Minh Hoàng, tên cô giáo, ngây thơ hỏi tôi:
– Mình làm nhà cho chúng ở rồi chúng có... nhớ ơn mình không anh ?
Tôi trả lời, ra vẻ “từng trải”:
– Răng không ? Chúng trả ơn mình bằng cách dạy cho mình tánh kiên nhẫn khi “xây lâu đài trên cát”. Vì chúng vừa xây xong là sóng biển tràn lên xoá sạch đi; và chúng lại xây nữa xây nữa và xây nữa cho tới khi không còn sóng tràn lên phá tan đi mới thôi... Mình phải “học” chúng là ở chỗ nớ!...
Bất chợt, tôi nghe Minh Hoàng cất tiếng hát bài “Aline” của Christophe:
– J’ avais dessiné sur le sable...
Rồi hai đứa vừa vọc cát biển vừa hát cho tới hết bài mới thôi. Từ hôm đó, tôi thường gọi Minh Hoàng với “biệt danh” Aline ấy...
Chúng tôi cào cát biển đắp dày lên hai mu bàn chân để “sản xuất” ra cả chục cái nhà cho Dã Tràng ở. Nhưng phải nói thật là anh em chúng tôi đã vất vả đi tìm bắt cho được từng chàng Dã Tràng rồi đem về phủi sạch hết cát biển bám đầy trên mình chúng rồi mới “trân trọng” rước các chàng vào nhà. “Aline” gọi đó là “Xóm Dã Tràng” cho có vẻ “văn hoá” và ra vẻ một “thành phố biển”...
Nhưng than ôi! Các bạn mình biết điều gì đã xảy ra trong “Xóm Dã Tràng” vừa mới “cắt băng khai trương” không? Chúng tôi quả nhiên là không biết tí tỉ tì ti gì về các chàng Dã Tràng yêu quí của mình! Họ đâu có chịu ở trong những cái “lâu đài trên cát” ấy! Bị bắt bỏ trong hang cát này đối với họ như “thả cọp về rừng” vậy! Thế là họ được dịp đào hang sâu xuồng lòng cát biển ướt rồi “ trôi “ đi đâu mất tiêu rất nhanh! Ôi! Mãi sau này chúng tôi mới nhớ ra đó là nghề “pro” cha truyền con nối của họ mà chúng tôi giờ đây chỉ biết ngắm nhìn dãy nhà trống trơn không còn một ai bên trong! “Aline” bật khóc khi thấy cảnh trống vắng của “Xóm Dã Tràng”. Cô ấy tiếc công mình lặn lội cả ngày ngoài nắng để sưu tầm các loại vỏ sò vỏ ốc và rong biển về trang trí cho từng cái nhà bằng cát của mình với những con đường xe chạy “ láng o “ trồng đầy hoa mười giờ đỏ rực suốt hai bên đường... Lòng tôi như vương vấn mãi câu ca dao:
Dã Tràng xe cát biển đông
Nhọc lòng mà chẳng nên công cán gì!...
Hoàng hôn ở đâu về đang tràn xuống nhanh trên biển. Màu áo dài tím của cô em giáo viên chợt gợi cho tôi vài ý tưởng buồn buồn khi quay nhìn lại những cái nhà bằng cát trong “Xóm Dã Tràng” đang bị từng làn sóng vô tình kia tràn lên làm cho tan nát ra đến không còn một tí dấu vết gì của công sức hai anh em chúng tôi hì hục làm cả ngày trời dưới cái nắng biển rát rạt trên tay trên lưng...
Dọc đường ra về, tôi biết Minh Hoàng đang “mít ướt” nhưng vẫn cố gắng hát nho nhỏ:
– J’ avais dessiné sur le sable... \.
* Khai Bút 2021
nguyễn như mÂy
______
Hình minh họa: rượu cuối năm một mình * nguyễn như mÂy
Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhocnghethuat/van/xomdatrang.htm