nguyễn như mÂy
Xin một cành hoa dại cho bạn tôi
.
Một hôm, khi trời vừa mờ sáng giữa lòng thủ đô Sài Gòn đang bắt đầu náo nhiệt ngựa xe, sau một đêm ngủ bụi thức dậy, tôi từ bên đường Hàm Nghi đi băng ngang qua công viên Quách Thị Trang trước chợ Bến Thành để vào ăn hoành thánh trên đường Nguyễn An Ninh cạnh chợ thì thấy nó còn nằm ngủ trên ghế đá giữa trời lạnh giá... Từ đó tôi quen rồi kết bạn với nó...
Nó nằm ngủ vô tư như bao thằng bụi đời rách nát khác của Sài Gòn. Điều làm tôi chú ý là nó đang gối đầu trên cuốn tự điển Anh ngữ Webster loại bỏ túi nhưng khá dày. Hình như cuốn sách bị nó dùng làm gối đã lâu nên bìa và sách đã tả tơi, dơ dáy như giẻ lau. Nó nằm nghiêng bên phải, bàn tay lót dưới mặt. Tôi nghĩ cuốn sách đã phải “chịu trận” với nó ít nhất một hai năm rồi chứ không phải mới đây! Nó quàng áo măng-tô thay cái mền để che nhưng không kín hết hai cái chân nhiều ghẻ lỡ cáu bẩn. Khi tôi ngồi xuống ở đầu ghế đá nó đang nằm vẫn còn nghe nó ngáy to như sấm, đủ biết sức khoẻ nó còn khá tốt. Chính cuốn tự điển kia đã làm tôi chú ý tới nó chứ giữa một Sài Gòn đang thời chiến tranh này thì có biết bao nhiêu là những tên bụi đời...
Tôi đặt nhẹ bàn tay trên vai nó với một ý định thân thiết để gọi nó thức dậy vì lúc ấy tôi cũng đang là một tên “giang hồ” đã có “thâm niên” hơn một năm của Sài Gòn. Nhưng giờ đây nếu so ra, tôi vẫn còn lành lặn hơn nó vì tôi chưa bị ghẻ lở!
Nó chợt thức dậy với cái nhìn không một chút thiện cảm vừa ném thẳng vào mặt tôi rồi vùng ngồi dậy ngơ ngác nhìn ra đường phố xôn xao xe và người. Tôi có cảm nghĩ nó như vừa từ một “cõi” nào trên thiên đàng “rớt” xuống trần gian này và... gặp ngay tôi! Nhưng kìa, đôi mắt nó đẹp hơn của một cô búp-bê tây phương mà tôi đã từng thấy. Rồi như một thói quen, nó cúi xuống lấy cái bình nước để sẵn dưới ghế đá để rửa mặt rồi làm các thủ tục buổi sáng ngay cạnh ghế đá.
Tôi mỉm cười ra vẻ chào, nó đáp lại khá lịch sự nhưng chưa hết sự hoài nghi về tôi. Trong lúc ấy, tôi vẫn nhìn chăm chăm vào đôi mắt đẹp như con gái của nó. Nó xếp cái áo khoác thật gọn rồi bỏ vào cái giỏ lác giấu dưới ghế đá. Hình như đó là nơi nó tin tưởng nhất trong đời đi bụi của mình? Tôi bắt tay nó kèm theo một nụ cười thật nhẹ để dè chừng phản ứng của nó. Nhưng chỉ qua vài giây sau, nó vói tay lấy cái ví tiền giấu trong bụi cỏ dưới một cái ghế đá khác ở gần bên. Đó là kinh nghiệm cất tiền của bọn bụi đời mà tôi đã học được.
Tôi cầm cuốn Webster lên ngắm nghía nhưng nghe từ sách bốc lên một mùi hôi rất nặng. Nó hỏi :
– Mày thích hả?
– Không! Tau học tiếng Pháp. Nhưng giờ đã trả hết chữ cho thầy rồi... Cuốn sách này làm tau... thích mày đó...
Rồi nó thay bộ áo quần, giầy, rồi đeo mắt kính Rayban đen ngay giữa công viên. Cả Sài Gòn đang lao vào cuộc sống vội vã của mình nên không có ai ở không để nhìn thấy nó thay đồ cả!.. Sau đó, nó rủ tôi tới nhà hàng Brodard ăn sáng thay vì đi ăn hoành thánh. Tuy nó không hé nửa lời nhưng tôi biết chính xác rằng nó là một “ vị “ bụi đời “ de luxe “ mà lần đần đầu tiên tôi được hân hạnh gặp và quen biết. Nó đẹp trai với mái tóc dài bềnh bồng xuống quá vai kèm với dáng đi oai vệ của tài tử Marlon Brando của Mỹ mà tôi rất thích. Tôi lại bắt đầu nhìn nó với cái nhìn thiện cảm khác hơn nữa khi nhìn thấy bộ dạng có vẻ “trí thức” của nó. Giờ đây, nó đã trở thành một chàng thanh niên có vẻ con nhà giàu đẹp trai hết biết hoàn toàn khác với tên bụi đời ngủ trên ghế đá tôi vừa gặp khi nãy.
Trưa đó, nó gọi tắc-xi để rủ tôi về nhà nó ở ngả tư Bảy Hiền. Thấy nó về, cả nhà vui như ngày hội dù biết nó về là để xin tiền rồi lại “đi bụi” như cũ! Má nó mừng đến phát khóc. Bà kéo tôi ra nhà sau căn dặn:
– Con nhắc chừng nó đừng “chơi ken” nha!
Rồi bà nhét vào túi tôi ít tiền với một cái “khâu” vàng khá nặng. Bà cho biết gia đình không chấp nhận việc nó bỏ nhà đi hoang nhưng do sợ nó sẽ có những việc làm không tốt có hại tới thân xác nên cuối cùng họ không còn biết cách nào “thắng” lại những vó câu hoang dã của con ngựa chứng này nữa. Bà cho biết nó học tiếng Pháp ở trường tây và tiếng Anh ở hội Việt-Mỹ nên rất giỏi tiếng nước ngoài nhưng không hiểu sao lại chỉ thích bỏ nhà đi hoang để cho cả gia đình đau buồn suốt mấy năm nay? Nhưng tôi nghe thấy có một điều đặc biệt rằng nó rất có hiếu với cha mẹ nên bất cứ trong hoàn cảnh nào và bất cứ giá nào nó cũng về thăm nhà hai lần trong một tuần đúng vào lúc 11 giờ mỗi ngày thứ hai và thứ năm. Chưa bao giờ nó chậm trễ trong việc ấy; nhất là lúc nghe tin ba hoặc má nó đau bịnh. Ba nó đang là giám đốc một công ty dệt và nhập khẩu tơ sợi lớn có hạng của Sài Gòn nên ông sẵn sàng chịu tốn rất nhiều để lo mọi thủ tục cho nó ra nước ngoài học tiếp nhưng...
Tôi với nó chơi thân đến nỗi coi nhau như ruột thịt rồi sẵn sàng chia sẻ cho nhau từng bữa đói bữa no giữa một Sài Gòn vừa náo nhiệt, lộng lẫy về ăn chơi vừa “nóng” vì tình hình chiến tranh... Bất cứ điều gì tôi không biết hoặc chưa biết trên đời này đều được nó giải thích hoặc phân tích cặn kẽ không cần qua bất cứ một cuốn sách nào làm tôi thầm tôn nó là “thầy” của mình. Với tôi, nó là một cuốn “Bách khoa toàn thư” (Encyclopédie) sống ở bất bất cứ đề tài, lãnh vực nào trên cõi đời này. Nếu chịu khai văn bằng mình đang có, nó có thể là một giáo sư sinh ngữ lớp 12; hoặc đi sĩ quan Thủ Đức... nhưng... Nay nó vừa là bạn bụi đời lại vừa là một ông thầy tốt bụng luôn gần gũi với tôi nhất – kể cả những đêm thác loạn của hai thằng cứ như con thiêu thân đâm đầu vào “chơi” ở các ninght-club, snack-bar với gái, với rượu và với những chất gây nghiện đắt tiền thời thượng của thanh niên Sài Gòn lúc bấy giờ!.. Rồi dần dần, lòng yêu quí và kính trọng của tôi dành cho nó ngày càng tươi thắm và to lớn hơn! Nhưng chưa bao giờ tôi nghe nó “chịu” nói gì về mình! Chưa bao giờ tôi nghe nó than thở hay có ý trách móc một ai, một điều gì không vừa ý mình! Tôi nghĩ nó như một vị bồ tát khổ hạnh đã sẵn sàng từ bỏ hết nhà cửa, vật chất giàu sang và phù du chỉ để được đánh đổi lấy cuộc sống tự do và hoan hỉ bên mình – một thằng bụi đời bằng tuổi nó nhưng lúc nào cũng chỉ đáng là đứa học trò nhỏ bé của nó!..
Ngày tôi cưới vợ, nó ra tận nhà và cho tôi một món quà dễ thương nhưng đầy kỷ niệm là cuốn “Webster” – vẫn là loại bỏ túi mà nó từng làm gối ngủ ngày nào – loại mới nhập vào Việt Nam. Tôi và nó chỉ biết ôm nhau khóc ròng như hai đứa trẻ con khi cả hai đều còn nắm chặt cuốn sách ấy.
Sau năm 1975, tôi vào Sài Gòn thăm thì gia đình cho biết nó đã bỏ nhà đi biệt tích ngay từ khi nhà nó bị “đánh” tơi bời vì giàu quá!.. Trên đường về, lòng tôi rất buồn khi lo nghĩ tới nó – một cành hoa dại mọc hoang bên cạnh cái ghế đá lạnh giá của công viên ngày nào...
Đến nay, tôi vẫn nuôi hy vọng nó đang còn sống ở đâu đó; và nó sẽ đọc thấy bài hồi ký này viết về nó – nhưng không dám viết tên nó ra – một người bạn giang hồ rất bình thường, một người thầy đáng quí trọng và thương nhớ của tôi...
.
nguyễn như mÂy
Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhocnghethuat/van/xinmotcanhhoadai.html