Nguyễn Lê Hồng Hưng


Về trại lu xi măng

    

Chuyến về Việt Nam vừa qua Hùng có ghé thăm Thúy, cô bạn thuở nhỏ ở Bạc Liêu. Chiều hôm ấy Thúy dẫn Hùng đi dọc bờ kinh xáng, đoạn đường xuống khu vực nhà máy Bạc Liêu. Thúy hỏi Hùng:

– Về thăm chốn xưa anh thấy sao?

Hùng cười hì một cái và nói:

– Hơn bốn mươi năm mà đã xưa rồi sao?

Thúy day qua nhìn Hùng và vừa cười vừa nói:

– Tánh dí dỏm của anh cũng y chang ngày xưa.

– Ừa, vậy thì nói chuyện ngày xưa nghe đi.

– Vâng, theo em cái gì cũ là xưa à, Bạc Liêu mình ngày xưa là tỉnh lẻ, nay được nâng lên thành phố. Dù sao thì thành phố Bạc Liêu nghe nó mới mẻ và hiện đại hơn tỉnh Bạc Liêu, phải không anh?

– Phải rồi, Bạc Liêu bây giờ cái gì cũng đồ sộ, mới mẻ và mọi vật đổi thay hổng còn dấu vết nào của những ngày xưa hết.

Hùng chỉ tay về chiếc cầu bắc ngang kinh:

– Anh nhớ hồi đó đâu có chiếc cầu treo này.

– Dưới đầu cầu đó là bến đò Trà Kha, anh quên rồi sao?

– Em hổng nói thì anh quên mất tiêu luôn rồi, anh nhớ hồi đó trên bến kinh này xuồng, ghe tấp nập và đi ra là gặp người quen chớ đâu có như bây giờ, cũng có xuồng, có ghe và có nhiều người mà lạ hoắc lạ huơ.

– Đúng rồi anh, ngày xưa ngoài ghe xuồng mua bán và xay xát lúa gạo của nhiều nhà máy lớn, nhỏ còn có các trại sản xuất lu xi măng nữa.

– Ừa, anh nhớ rồi, ngoài những gia đình làm lu lẻ tẻ ra có vựa lu xi măng của ông Năm Cư cũng lớn?

– Anh còn nhớ ông Năm Cư hả?

– Ừa! hổng hiểu sao tự nhiên anh chợt nhớ ra, lúc đó mần chung với ông Năm còn có ông Tư Hý mà anh quên tên cúng cơm của ông ta rồi.

– Ờ... ờ... anh nói em mới nhớ lại, ông Lý văn Huy, mắt lươn nên người ta đặt tên ông là Tư Hý.

Hùng bâng khuâng nhìn cảnh vật đổi thay chợt nhớ về một nghề thủ công đã từng có mặt trên xứ sở Bạc Liêu này, đó là nghề sản xuất lu xi măng.

Hùng nói:

– Hồi đó còn ở quê, anh cũng hay suy tư thời cuộc và hay phân biệt tốt xấu. Những năm tháng ở xứ người hình ảnh quê hương luôn ở trong lòng, lúc đầu anh nhớ từng chi tiết, dần dà anh chỉ còn nhớ có hai tiếng Việt Nam nằm bên kia bờ đại dương. Nay trở về muốn ôn lại nhưng thấy quê hương thay đổi hổng còn dấu vết quen thuộc nào nữa, làm đầu óc anh lúc nhớ cái này khi nhớ cái nọ giống như khúc phim bị đứt ráp từng đoạn vậy đó.

– Giờ anh nhớ được gì?

Hùng khoa tay một vòng:

– Mọi vật thay đổi hết, thí dụ bây giờ con người ta sanh sản ra nhiều quá, nhà cửa chen lấn chật chội, dòng kinh hình như cũng hẹp lại. Trại làm lu hồi thời chiến tranh, tuy không phải là khá giả, trông có vẻ nghèo nàn nhưng cũng giúp nhiều người có công ăn chuyện làm, có lẽ vậy mà nó đều đặn sản xuất ra lu từ lúc anh còn nhỏ cho tới ngày anh đi nó vẫn còn, vậy mà bây giờ cũng mất tiêu luôn. Nếu hông có em nhắc chắc anh quên hết rồi.

Thúy nói:

– Vâng, từ năm một ngàn chín trăm năm tư trại lu xi măng sản xuất bền bỉ, cho đến sau năm bảy lăm vô hợp tác xã được một thời gian không hiểu sao người ta dẹp luôn.

– Lu là đồ dùng quen thuộc của người Việt mình thời đó, bây giờ chắc bị lỗi thời nên người ta hổng xài nó nữa.

Nghe Hùng nói vậy, Thúy ra vẻ nghiêm túc kể:

– Vâng, anh nói đúng, lu là đồ dùng quen thuộc, thường dùng để đựng nước hoặc đựng muối hay đựng gạo. Người miền Nam trước thời giải phóng ngoài loại lu sành làm bằng đất nung do các làng gốm miệt Đồng Nai, Bình Dương sản xuất, người dân còn biết đến một loại lu làm bằng xi măng pha cát ở Bạc Liêu.

– Em còn nhớ nhiều quá vậy?

– Nhớ chớ, em có viết một bài chính luận về trại lu xi măng nhưng gởi báo mà người ta hổng đăng.

– Chắc tại em viết dở quá. 

Hùng cười làm Thúy cũng cười theo.

– Vâng, chắc là vậy.

Rồi Thúy kể tiếp:

– Những năm năm mươi, nghề làm lu xi măng bắt đầu hình thành ở Trà Kha, Trà Khứa và phát triển cho đến sau năm bảy lăm, đồng thời đáp ứng nhiều nhu cầu khác trong đời sống của cư dân vùng Cà Mau - Bạc Liêu.

– Ờ anh nhớ rồi, dân mình thời đó nhà nào cũng xài lu chứa nước, anh còn nhớ hồi đó nhà anh có năm cái lu xi măng tổ bố đựng nước để bên hè, hai lu sành dành muối cá làm nước mắm, nhưng đựng gạo và muối thì bằng khạp sành. Còn một cái lu xi măng tổ bố chôn giữa nhà để mỗi khi mấy ông Việt Cộng pháo kích cả nhà chui xuống trốn, nhưng lúc đó anh không để ý phân biệt lu xi măng và lu sành loại nào tốt hơn. 

Nghe Hùng nói cô ngước lên cười và nói:

– Mấy chục năm rồi em mới nghe lại cụm từ “Việt Cộng pháo kích”.

Hùng cũng cười một cái rồi nói:

– Em chỉ nghe Mỹ-Nguỵ bỏ bom, bắn phá đốt nhà dân thôi. Phải hông?

Thúy cười ra tiếng và nói tiếp về chuyện lu xi măng:

– Lu xi măng rẻ hơn và bền hơn lu sành và tiện lợi hơn vì khi chẳng may bị bể, bị nứt người ta có thể vá lại một cách dễ dàng. Thực tế, bây giờ vẫn còn những chiếc lu làm từ hơn bốn chục năm trước, trông rất cũ kỹ nhưng vẫn còn xài được đó anh.

Thật ra thì người ta xài lu xi măng vì nó rẻ hơn lu sành, tiện đưng nước và đồ đạc khô thôi, chớ làm mắm bằng lu xi măng thì không được, vì nước muối lâu ngày thấm làm mục xi măng nước mắm sẽ rịn ra, còn lu sành thì không sao, với lại lu sành nhẹ hơn, mỗi lần di chuyển cũng dễ dàng hơn lu xi măng. Hổng hiểu sao Thúy hứng thú về chuyện lu xi măng, trong bụng cô như sắp sẵn câu chuyện và sẵn sàng tuông ra.

Tôi hỏi: 

– Sao em rành về lu xi măng quá.

– Anh quên rằng ngày xưa nhà em cũng sản xuất lu xi măng sao.

– Hèn chi.

Đoạn Thúy kể tiếp:

– Em còn nhớ, từ những năm năm mươi, có hai người thợ từ Nam Vang qua mướn đất, lập lò sản xuất lu xi măng tại xóm Hàng Me. Sau đó được một số người dân xóm Trà Kha, Trà Khứa học hỏi. Cũng từ đó nghề làm lu xi măng trở thành nghề thủ công của nhiều gia đình, mỗi nhà tự làm một ngày được ba bốn cái lu, đủ tiền mua gạo. Ông Năm Cư vốn người xóm Hàng Me tản cư vào vùng nông thôn Phước Long, rồi qua Vĩnh Hưng, sau đó ông về Trà Kha A lập nghiệp, ông mua lu của những người thợ xóm Hàng Me và Trà Khứa, dùng ghe lườn chở đi rao bán trên các miền sông, rạch. Dạo đó, lu xi măng chưa phổ biến, ông Năm phải giới thiệu, quảng bá để người mua xài thử. Dần dà, người dân Bạc Liêu thấy rõ ưu điểm của loại lu bằng chất liệu mới này.

Hùng nói chen vào:

– Anh còn nhớ năm sáu tám, sáu chín gì đó thương lái chở lu xi măng đầy nhóc ghe lườn xuống tới miệt Cà Mau và Năm Căn.

– Vâng, thời gian sau này thấy lu xi măng bán được, ông Năm Cư tập hợp những thợ làm lu xi măng ở Trà Kha A thành lập lò lu và kêu gọi những nông dân khá giả, những nhà có ghe vùng Gành Hào, Xóm Lung, Chủ Chí, Cà Mau thành những thương lái chuyên mua lu chở đi bán.

– Ờ người mình biết cách làm ăn quá chớ.

– Vâng ạ, người mình cũng biết xài lu nữa, nhứt là trong thời gian chiến tranh ở U Minh, nơi đó quanh năm sình lầy, lu xi măng ngoài việc sử dụng thông thường người mình cũng sáng tạo một cách thông minh. Như bộ đội nằm vùng hồi đó, họ đem lu xi măng chôn trên những bờ ruộng, vườn dừa hay trong rừng rồi đậy nắp lại, ngụy trang trên mặt lu làm hố tránh bom, pháo và làm kho chứa lương thực, vũ khí, đạn dược.

Hùng cười ha ha, làm Thúy ngạc nhiên hỏi:

– Anh cười gì?

– Nếu trong thời chiến tranh mấy ông nhà nước phát hiện ra tiện ích của cái lu xi măng, chắc mấy ông phải tuyên dương mà gọi lu xi măng là “anh hùng lu xi măng” và bây giờ trong danh ngôn anh hùng của cách mạng có thêm cụm từ “lu chống Mỹ.”

Thúy cười và nói:

– Bây giờ nhà nước cởi mở nhiều, nên anh nói không sao, chớ trước kia anh nói vậy công an nghe được là anh tàn đời.

Hùng nhìn cô em bạn, nhớ lại sau bảy lăm, Thúy học trung học cô ta bỏ học hồ hởi phấn khởi nhập vào thanh niên xung phong, đi vào vùng quê dạy cho những người mù chữ. Lúc đó người ta gọi mỉa mai là “cách mạng ba mươi”. Còn Hùng thì ở lại với chế độ mới được ba năm rồi đi vượt biển. Bặt tin hơn mười năm anh mới liên lạc được với gia đình, có hỏi thăm nhưng không biết Thúy ở đâu, chỉ nghe lúc đó Thúy đã thực thụ là giáo viên cấp hai. Nhờ có Facebook mà Hùng gặp lại Thúy, cũng đã hơn mười năm rồi. Bây giờ Hùng mới về nước và Thúy cũng đã về hưu mấy năm rồi. Như vậy Thúy cũng là người trí thức của chế độ mới, nên nhận thức được về lịch sử đất nước và con người nơi đây có hơi chủ quan. Tuy thâm tình, nhưng không hiểu sao nói chuyện với nhau có hơi lấn cấn. Có lẽ vì thời cuộc hay là vì ba của cô ngày trước cũng là thợ lu nên cô nói tiếp chuyện lu xi măng:

– Nhưng rất tiếc nghề làm lu xi măng đã mai một, nhứt là khi đồ nhựa lên ngôi như hiện nay, dẫu gì đó cũng là cái nghề thủ công đã một thời hưng thịnh ở Trà Kha và trên thực tế, chiếc lu xi măng đã đồng hành cùng người dân Bạc Liêu - Cà Mau suốt mấy chục năm trường thì làm sao có thể dễ dàng quên được. 

Ánh mắt cô em bạn lấp lánh niềm vui nhưng cũng thoáng chút u buồn khi nhớ về chuyện xưa:

– Em biết những thợ làm lu xi măng có đức tính cần cù, sáng tạo và có đạo đức nghề nghiệp với lối sống chuẩn mực, không rượu chè với tinh thần trách nhiệm để đưa đến người tiêu dùng những chiếc lu bền và đẹp đúng ra nó mãi mãi cần được giữ gìn và phát huy trong xã hội hôm nay và mai sau mới phải.

– Đúng là giọng giảng bài của cô giáo.

Thúy nhẹ giọng nói:

– Vâng, em là cô giáo mà. Chắc những người thợ lu chất phác ngày xưa, họ không biết rằng nghề lu xi măng sẽ bị mất dấu theo thời gian, phải không anh?

– Ừa, có thể là vậy vì đây cũng là một trong những nét đẹp truyền thống. Nhưng thời đại mỗi ngày một tiến bộ, cái nào hổng còn quan trọng nữa thì bị đào thải, mình phải chấp nhận chớ biết làm sao. 

Hai người vừa đi vừa nói chuyện một hồi thì phố đã lên đèn. Hai bờ kinh về đêm đèn sáng chiếu lấp lánh trên mặt nước và có rất nhiều màu sắc, trông cũng tráng lệ huy hoàng. Hùng định rủ Thúy tìm một nơi nào bên bờ kinh ngồi chơi, nhưng thấy không tiện nên rủ cô vô một quán cà phê, quán giờ này chưa đông khách. Thúy chọn chiếc bàn trong góc, kêu Hùng ngồi xuống và đưa túi xách qua qua cho Hùng, nói:

– Anh giữ hộ em cái này.

Bây giờ Hùng mới ra vẻ ngạc nhiên trố mắt nhìn Thúy, nói:

– Giữ hộ!

Thúy tưởng Hùng thắc mắc chuyện cô đi đâu nên mới nói:

– Em vô toa-lét.

Thúy đi vô trong rồi Hùng mới hiểu ra. Vì sao nói chuyện với Thúy anh bị lấn cấn? Vì từ đầu tới cuối nghe giọng nói Nam hổng ra Nam mà Bắc hổng ra Bắc của Thúy, Thúy xài chữ “vâng” thay cho “dạ” và “giữ dùm” thành ra “giữ hộ” làm Hùng nghe có hơi chướng tai. Không phải vì anh phân biệt, kỳ thị vùng miền đâu, nhưng tiếng miền Tây nói đúng giọng cũng hay mà. Phải không? Hay là do tiếp xúc năm này qua tháng nọ với ra-dô, ti-vi và quan chức nên chữ nghĩa đàng ngoài nó cũng lân la vô chiếm chỗ trong lời ăn tiếng nói ở tuốt miệt dưới này hồi nào không hay. Hùng nhớ lại những lời Thúy vừa nói với anh và nhận ra nhiều chữ cô dùng thoải mái như ‘chất liệu’, ‘chuẩn mực’, phát huy’…  nhưng anh vẫn thấy kỳ kỳ sao đó. Anh chắt lưỡi: “thây kệ, chung đụng lâu ngày phải ra con lai, biết đâu ngôn ngữ lai kiểu này không chừng cũng có cái hay.”

   

Nguyễn Lê Hồng Hưng
Bắc Đại Tây Dương  27-11-2023

 

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhocnghethuat/van/vetrailuximang.html


Cái Đình - 2023