nguyễn như mÂy
v ề m ộ t c á i c h ò i g i ữ r ẫ y
Khi vừa ra đời, tôi được ở trong ngôi nhà của cha mẹ mình. Đó là một hạnh phúc! Trong sự yêu thương, nuôi nấng và dạy dỗ của cha mẹ, tôi lớn lên từng ngày dưới mái nhà thân yêu ấy đến tận ngày nay. Rồi tôi lập gia đình; rồi cha mẹ tới tuổi già theo qui luật nên để lại ngôi nhà cho gia đình tôi; nay thì tôi lại sắp “bàn giao” nó lại cho chủ mới là các con tôi. Ngôi nhà đó có thể là tất cả vốn liếng, tài sản mang đầy đủ mồ hôi và nước mắt để có được từ các bậc ông bà xa xưa truyền lại cho cha mẹ mình... Cũng chính trong ngôi nhà ấy, từ một trẻ thơ vô tư ngày nào, tôi đã dần dần lớn lên để rồi trở thành một con người có quan điểm sống, đau khổ, hy vọng và đủ cả vinh nhục riêng của cuộc đời dành cho mình...
Chúng ta gắn bó cả đời mình với một ngôi nhà cùng biết bao là vui, buồn nhân thế! Và những khi trái gió trở trời với nắng mưa hai mùa thay đổi nhau của trời đất; chúng ta học cách chịu đựng mọi gian khổ, bầm dập hay tìm cách “luồn lách” để vượt qua mọi chướng ngại cuộc đời hoặc để cùng tồn tại trong bối cảnh “cạnh tranh sinh tồn” giữa cuộc đời vốn đã nhiều đau khổ từ tinh thần tới vật chất !.. Nay, ngôi nhà ấy đã trở thành một nhân chứng sống của mọi cuộc “thương hải biến vi tang điền; tang điền biến vi thương hải”...
Ngôi nhà, sau đó còn là một “cõi” thiêng liêng của gia đình với sự sum họp giữa các thế hệ trong những dịp giỗ kỵ, tết nhất. Phong tục đẹp ấy còn in dấu trên các mặt trống đồng Ngọc Lũ, Đông Sơn từ bốn-ngàn-năm trước truyền lại cho chúng ta...
Cái nhà là nhà của ta
Ông cố, ông cha làm ra
Các con phải gìn giữ lấy
Nước non là nước non nhà ...
Ca Dao
Trong văn học, hình ảnh ngôi nhà thân thương ấy luôn xuất hiện qua các áng thơ văn đã có cả ngàn năm nay. Bao giờ ngôi nhà cũng đi kèm với con sông, bến nước, cầu ao, trăng sáng... Với tuổi thơ gắn bó cùng hột mít lùi tro dân dã nhưng vẫn thấm đượm tình cảm quê hương, ruột thịt... Khi đi xa ngôi nhà thân thương của mình, bất cứ người Việt Nam nào cũng đem lòng thương nhớ, quyến luyền về nó như xa một người thân yêu của mình... Chính vì ngôi nhà thân thương và những mồ mả ông bà mà chúng ta sẵn sàng đổ cả máu của mình để cầm súng đứng lên giành lại từ tay kẻ xâm lược rồi làm nên những trang lịch sử oai hùng của cả dân tộc suốt bốn-ngàn-năm qua ...
Thừa hưởng tình cảm đẹp ấy dưới mái nhà thân yêu của mình cho tới một ngày lang thang trên một vùng núi cao đầy sương khói, tôi quay lại nhìn thì “gặp” ngay một ông già lại là chính mình đang ngồi im lặng bên cái “ché” rượu cần giữa chòi giữ rẫy của bà con dân tộc ...
Cái chòi được dựng lên đơn sơ từ những khúc cây rừng nhỏ nhoi chỉ đủ sức chịu đựng vài tấm tôn và một cái sàn tre cùng một cái bếp lửa đặt giữa nhà. Cái thang gỗ không có tay vịn được bắt từ dưới đất lên sàn rất giản tiện như đời sống của bà con giữa một vùng đồi núi quạnh hiu nhưng rất “giàu” sương khói, mây mù và gió rét lạnh căm này. Từ vị trí của chòi, tôi vừa nằm võng vừa uống rượu, hút thuốc lá rẫy hoặc cà phê lại vừa ngắm cảnh chiều xuống hoặc lúc trăng đang lên bên kia núi...
Với tôi lúc này, cái chòi giữ rẫy đang là một “cõi riêng” sau mấy chục năm lặn lội đi tìm cho mình một nơi bình yên đơn sơ nhưng thơ mộng nhất... Đừng ai bảo tôi hãy “đổi” một ngôi biệt thự to lớn nào đó để lấy cái chòi này! Vô ích!.. Vì ở đây, tôi đang rất hạnh phúc! Tôi chỉ cần mình hạnh phúc bên những khói sương của hư vô là đã đủ rồi!.. Rót thêm chén rượu cần thơm ngát, tôi ngâm nga bài thơ của thi sĩ Lý Bạch (Trung Hoa):
Vấn dư hà sự thê bích san ?
Tiếu nhi bất đáp, tâm tự nhàn
Đào hoa lưu thuỷ yểu nhiên khứ
Biệt hữu thiên địa, phi nhân gian ...
Tạm dịch :
Có ai đó hỏi sao ta lại chọn ở trong núi ?
Ta chỉ mỉm cười mà không trả lời
Hoa đào, nước suối chảy đều lặng lẽ trôi đi hết
Đây riêng một cõi đất trời, không phải là cõi nhân gian sao ?
Gió núi và một ít giọt mưa rừng thổi lồng lộng quanh ta, việc gì mà phải che chắn nó đi? “Đêm ngàn sao” của bao kẻ từng mơ ước có được là đây; hãy nghĩ rằng ta đang là một kẻ “hằng tâm, hằng sản” với cả một trời đất đang đẵm mình trong sương khói của thiên nhiên bao phủ kín mít cái chòi giữ rẫy lạnh ngắt bằng gỗ và tranh tre nứa lá rừng núi hoang vu này...
Đêm nay ta là “vua” khi một mình hưởng trọn vẹn khung cảnh lộng lẫy đầy ánh trăng thu vàng đang chảy róc rách dưới suối kia:
Chiêm bao thấy núi ngủ quên
Bỏ ta ngồi hát bồng bềnh trong mây
Hôm qua, núi thức suốt ngày
Chờ ta tỉnh rượu cùng quay về ngàn
Hôm qua, ta gánh thu vàng
Về chơi với núi đến tàn khói sương
Có ngờ đâu núi với rừng
Vẫn nhen nhóm bếp lửa hồng chờ ta
Chiêm bao thấy núi ra hoa
Biết thu đang đến; và ta đang già...
Nhưng kìa, ai giống như ta
Vừa bay trong cánh hạc qua cõi trời...
Ôi! Tâm hồn tôi lúc này nghĩ lại thấy cả một trời “hư vô” nào đó trong tận cõi xa thẳm cũng không còn là gì giữa khi một vùng rừng núi chín vàng những rẫy bắp và lúa dưới kia. Vài cánh chim ở đâu như mơ hồ bay vụt qua làm tôi không kịp mời chim chén rượu. Tôi sợ mình “thất lễ” với chim !.. Rồi bất ngờ, mây từ đỉnh núi bên kia bay ào tới rồi rủ nhau ùa hết vào phủ kín hết tấm thân xác phiêu bồng này làm cho tôi cảm thấy vui vui trong khi men rượu đang nhè nhẹ dâng lên trong từng mạch máu...
Lẫn trong sương khói mùa thu
Ngày đi như có ai vừa thoáng qua
Làm cho tôi với rừng hoa
Cùng im lặng để ngắm - và nhìn theo
Rồi hai đứa thấy hiu hiu
Nỗi niềm rừng núi đang chiều trong nhau...
Kìa ai như thoáng chiêm bao
Dáng thơm áo lụa phai vào khói sương
- Biết rằng: đời vẫn vô thường
Nhưng tôi vẫn thả hết hồn mình theo ...
Để nhớ thôn Đá Trắng, núi Bác Ái
Thuận Hải cũ (1983).
nguyễn như mÂy
Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhocnghethuat/van/vemotcaichoigiuray.html