nguyễn như mÂy
Vài kỷ niệm với nhạc sĩ Ngọc Chánh
Nhạc sĩ Ngọc Chánh và nhạc sĩ Phạm Duy với ba ca khúc: Bao Giờ Biết Tương Tư,
Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang và Tuổi Biết Buồn (Ảnh: Trần Quốc Bảo/Thế Giới Nghệ Sĩ)
Nhạc sĩ Ngọc Chánh (tên là Nguyễn Ngọc Chánh, tên thánh là Mathias) vốn là dân ở khu Ông Tạ, gần nhà thờ Sao Mai – nay là đường Bành Văn Trân, quận Tân Bình. Trước đó, vào khoảng năm 1903, dòng họ anh sinh sống ở khu nhà thờ Thanh Hoà – nay là nhà thờ Chí Hoà cùng quận. Anh sinh tại Sài Gòn năm 1937, lớn hơn tôi một giáp (1949), nhưng chúng tôi vẫn cứ anh anh em em với nhau rất thích thú. Đôi lúc, anh “moa moa toa toa” với thằng em đang tập sự ăn chơi ở các phòng trà là tôi nhưng khi hát ca, nhảy nhót xong, lại kéo nhau đi Chợ Lớn ăn đêm – anh có tật hay “bao” nên tôi thường mua nước mắm cá cơm loại ngon nhất và đắt tiền nhất của Phan Thiết vào làm quà cho gia đình anh. Những lúc ấy, tôi đang ở khách sạn Tự Do, gần phòng trà Tự Do (trên đường cùng tên) của chị Khánh Ly nên hay “chạy qua chạy lại” các nơi của anh chị chơi mỗi đêm... Tôi còn nhớ có một đêm kẹt nhạc công, anh Ngọc Chánh đành ôm guitar ra sân khấu đệm cho chị Mai Hương hát “Mưa rơi” của Ưng Lang (trong khi ngón nghề của anh là chơi Keyboard)...
Theo lời anh kể, năm 1945, anh học các trường La San Đức Minh (Tân Định), Kỹ thuật Cao Thắng (1950). Ngày trẻ, anh học nhạc từ các nhạc sĩ như Cổ Tấn Long Châu, Monito (Phi Luật Tân)... Vậy mà tới năm mới 16 tuổi, anh đã viết cuốn sách “Tự học Tây ban cầm” rồi tự đem bán bản quyền cho ông Mỹ Tín là một chủ tiệm bán đàn nổi tiếng ở Sài Gòn giá 24.500 đồng để có tiền mua cây đàn piano giá 22.000 đồng cũng ở tiệm bán đàn của ông ấy! Khi xuất bản, ông đã chia bản thảo của anh Ngọc Chánh ra in thành hai tập để bán có lời hơn!
Các năm từ 1960 đến 1966, anh tham gia các sân khấu vũ trường Melody, Lai Yun, Văn Cảnh, Eden Rock, Mỹ Phụng (ở đường Tự Do và trên sông Bạch Đằng của Sài Gòn). Năm 19 tuổi, anh đi sĩ quan Thủ Đức. Nhưng nghe nói sau đó anh được biệt phái vào Ban văn nghệ của Bộ Công dân vụ, rồi cùng với ca sĩ-quái kiệt Trần Văn Trạch (bào đệ GsTs. Trần Văn Khê) phụ trách chương trình “Hoa thơm cỏ lạ”. Anh còn chơi nhạc ở Hồ tắm Cộng Hoà vào các năm 1960, 1961. Đến năm 1968, anh thành lập ban nhạc chuyên đi biểu diễn dạo ở các Câu lạc bộ ca nhạc của quân đội Mỹ mang tên “USO“ (United Service Organisation).
Vào tháng 3 năm 1971, anh mở Phòng trà Queen Bee (sang lại từ ca sĩ Jo Marcel) là nơi tôi thường tới nhảy nhót rồi quen anh. Tới năm 1974, anh dời phòng trà này qua vũ trường Quốc Tế (nên tôi lại “chạy” theo anh qua đó!). Queen Bee qui tụ những nhạc công, nhạc sĩ và ca sĩ nổi tiếng lúc bấy giờ như:
Sau này, anh Ngọc Chánh còn thành lập ban nhạc “The Dreamer” rồi tiến tới sản xuất 37 băng-đĩa ca nhạc lấy chủ đề chung là “The Shotguns”, trong đó có 5 băng-đĩa chủ đề Xuân (các năm từ 1971 đến 1975), 2 tuyển tập Băng Vàng Shotguns với các giọng ca nổi tiếng thời bấy giờ. Hoặc sản xuất các băng ca nhạc trẻ cho các ca sĩ Thanh Thuý, Thanh Lan và ban nhạc Phượng Hoàng của ca sĩ Elvis Phương; các băng đĩa tân cổ nhạc giao duyên (lần đầu tiên ở miền Nam) hay hát Hồ Quảng với các giọng ca lẫy lừng như Thanh Nga, Thanh Kim Huệ, Phượng Liên, Tấn Tài, Thành Được... với phần đệm nhạc ca cổ của các nhạc sĩ Bảy Bá (tức Viễn Châu), Văn Vĩ (guitar), Năm Cơ (đàn Kìm), ban nhạc Hồ Quảng... Ngoài ra, nhạc sĩ Ngọc Chánh còn tổ chức băng ca nhạc cho ca sĩ Chế Linh trong dòng băng nhạc Shotguns... Rồi anh còn mở Phòng trà Ritz để đưa ban nhạc Shotguns về – chơi khoảng một giờ trước khi chơi chính thức những bản nhạc Mỹ. Sau này tôi mới biết tên ban nhạc Shotguns của anh Ngọc Chánh là bắt nguồn từ ý tưởng một bản nhạc Mỹ “Shotguns” của Junior Walker do anh giải thích nên rất thích.
Anh còn là tác giả các ca khúc nổi tiếng một thời ở miền Nam lúc bấy giờ như :
* Bao Giờ Biết Tương Tư (Ngọc Chánh viết lời, Phạm Duy viết nhạc và do ca sĩ Anh Khoa hát).
* Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang (Anh Khoa hát đầu tiên). Nhạc phẩm này do Ngọc Chánh viết lời để lồng vào cuốn phim nhan đề “Điệu ru nước mắt” – của đạo diễn Lê Hoàng Hoa – quay thành phim từ tiểu thuyết của nhà văn Duyên Anh viết về cuộc đời giang hồ đàn anh Trần Đại (1971). Nhân vật chính của phim là “Hoàng Guitar” – dựa theo mẫu chàng Hoàng Sayonara – quân sư của Đại Ca Thay – do Trần Quang thủ vai...
Còn bài hát “Tuổi biết buồn” do Ngọc Chánh viết lời chung với nhạc sĩ Phạm Duy, ca sĩ Thanh Thuý là người hát đầu tiên. Sau này, qua báo Time, tôi đọc tin ngắn kể lại ca sĩ Thanh Lan đã hát bài này và được vào chung kết Đại hội Âm nhạc Yamaha tổ chức tại Nhật Bản năm 1973.
Sau năm 1975, mỗi khi vào Sài Gòn, tôi hay tìm thăm rồi rủ anh Ngọc Chánh đi cà phê. Hai anh em thương và quí nhau như ruột thịt dù thủa ấy tôi chỉ là một lãng tử luôn đi với các cave là partner quen thuộc của phòng trà anh. Tình anh em xưa giờ vẫn nồng ấm như những đêm tôi dancing, uống whisky say khướt rồi ra sân “cho chó ăn chè” sau sân khấu của Queen Bee hay Ritz nhưng vẫn được anh dìu ra tắc xi để về... Dạo đó, anh có ý muốn ra Phan Thiết hát vì nghe nói đây là quê hương của ca sĩ Thanh Thuý, Anh Khoa và nhạc sĩ Trần Thiện Thanh (tức Anh Chi) nhưng rồi chúng tôi cứ hẹn mãi mà vẫn không sao có dịp thuận tiện... Trong khi đó, anh tham gia đánh đàn cho Đoàn kịch Kim Cương hoặc đi hát chung với chị Lệ Thu trên sân khấu ngoài trời ở Huế hoặc vài nơi khác nhưng anh nhớ nhất là đêm ở nông trường Thái Mỹ (huyện Củ Chi). Anh kể: chị Lệ Thu đã hát rất “phăng” theo làn điệu Chachacha các sáng tác “Hà Nội, niềm tin và hy vọng” của Phan Nhân; “Tiếng chày trên sóc Bombo” của Xuân Hồng... và được cả ngàn khán giả là Thanh niên xung phong đang ngồi bệt dưới cỏ bỗng đứng dậy cả lên để vỗ tay tán thưởng và yêu cầu chị hát thêm nhiều bài nữa...
Tháng 10 năm 1978, anh Ngọc Chánh vượt biên cùng 3 người con của nhạc sĩ Phạm Duy là Duy Minh, Duy Hùng và Duy Cường. Sau đó, họ cùng gia đình anh định cư ở California... Ôi! Anh nhạc sĩ của Sài Gòn ngày nào lại rủ rê ca sĩ Kim Anh cùng làm sống lại vũ trường pha lê Ritz và Maxim’s tại San José và quận Cam... Cũng như thời ở Sài Gòn với các vũ trường lớn và tiếng tăm như Queen Bee, Quốc Tế đều do một tay anh làm chủ, nay tuy ở xứ người nhưng anh đã làm cho sống lại “Shotguns” và phòng trà Ritz ngày nào với các ca sĩ Ý Lan, Đon Hồ, Lynda Trang Đài, Dalena... Riêng bài hát “Mùa thu lá bay” lần đầu tiên do ca sĩ Kim Anh hát năm 1984 trong ngày khai trương Ritz của anh Ngọc Chánh tại quận Cam (Mỹ).
Tới năm 1998, anh tuyên bố giải nghệ để đi du lịch, chụp hình chơi hưởng tuổi già. Anh mất lúc 18 giờ ngày thứ bảy, tháng giêng năm 2023 tại Mỹ, thọ 86 tuổi. Tang lễ tổ chức tại Holy Spirit Catholic Church – an táng tại Westminster Memorial Park and Mortuary – California.
Đến nay với tôi, vẫn chợt nhớ bao kỷ niệm đẹp và bay bướm, ăn chơi và đa tình một thời sống bụi đời ở Sài Gòn của mình mỗi khi nghe đâu đó chị Khánh Ly hay anh Anh Khoa hát bài “Vết thù trên lưng ngựa hoang” của Ngọc Chánh – người anh cả – người bạn thân tánh tình trầm tĩnh đáng kính của mình ngày nào giữa Sài Gòn hoa lệ...
.
nguyễn như mÂy
Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhocnghethuat/van/vaikyniemvoinhacsingocchanh.html