Nguyễn Hiền
Trái cây của bà vợ tôi
Han Kang và bìa cuốn tuyển tập cùng tên với truyện ngắn này
Dẫn nhập của người dịch:
Giải Nobel Văn chương năm 2024 được trao cho nhà văn nữ Han Kang, 53 tuổi. Sinh ra tại Gwangju, Hàn Quốc, bà dọn đến Hán Thành (Seoul) sinh sống khi mới mười tuổi. Bà viết truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ, tùy bút… Các tác phẩm của bà đã giành được nhiều giải thưởng Văn học và Nghệ thuật. Cuốn tiểu thuyết của bà được nhiều người biết đến, là tác phẩm đã được dịch sang Anh ngữ với tựa đề The Vegetarian (xuất bản năm 2015), tác phẩm này đã đoạt Giải thưởng Man Booker Quốc tế (giải dành cho dịch phẩm Anh ngữ) năm 2016.
Han Kang đã viết cuốn tiểu thuyết trên vào năm 2007. Nhưng tiền thân của tác phẩm này là truyện ngắn có tên 내 여자의 열매 (nae yeojaui yeolmae). Nó cũng là cảm hứng để Han Kang xây dựng thành tác phẩm giả tưởng The Vegetarian gồm có ba phần với 3 nhân vật khác nhau trong gia đình. Truyện ngắn đã được Deborah Smith dịch sang Anh ngữ với tựa “My woman's fruits”. Dưới đây là bản dịch Việt ngữ từ bản Anh ngữ này.
Nguyễn Hiền
*
1.
Vào cuối tháng Năm, lần đầu tiên tôi nhìn thấy những vết bầm trên người vợ tôi. Một ngày mà những cây đinh hương tím trên vườn hoa bên cạnh văn phòng của người gác cổng phun ra những cánh hoa như những chiếc lưỡi bị cắt đứt, và những phiến đá lát trên lối vào trung tâm cao niên có những bông hoa màu trắng đang thối rữa dính bết vào, bị giẫm đạp dưới bước giày của khách qua đường.
Mặt trời đã lên gần tới thiên đỉnh.
Ánh nắng có màu ruột trái đào chín tuôn xuống sàn phòng khách, làm vô vàn bụi và phấn hoa rơi xuống.
Ánh nắng ấm áp, ngọt ngào đến phát bịnh đó tràn vào lưng áo khoác trắng của tôi khi vợ chồng tôi đang xem lướt qua số báo sáng Chủ Nhật.
Tuần vừa qua đánh dấu sự kiệt sức mà tôi đã cảm thấy trong nhiều tháng nay. Vào những ngày cuối tuần, tôi cho phép mình được ngủ nướng, và tôi mới thức dậy chỉ vài phút trước. Nằm nghiêng, tôi rê tay chân mệt mỏi của mình vào một thế nằm dễ chịu hơn, lướt qua tờ báo một cách càng chậm càng tốt.
‘Mình xem giùm chỗ này cho em một chút được không? Em không biết tại sao những vết bầm này nó vẫn không chịu bớt.’
Tôi cảm nhận những lời vợ tôi nói chỉ là khuấy động tấm màn im lặng hơn là phải hiểu ý nghĩa của chúng. Tôi lơ đãng liếc nhìn bà.
Tôi ngồi thẳng dậy. Lấy ngón tay đánh dấu chỗ đang đọc trên báo, tôi lấy lòng bàn tay dụi mắt. Vợ tôi đã kéo áo vest lên đến áo nịt ngực; những vết bầm tím sâu loang lổ trên lưng và bụng bà.
‘Làm sao mà em bị như vậy?’
Xoay người vừa đủ để tôi thấy đốt sống nhô lên từ khóa kéo của chiếc váy xếp li của vợ. Những vết bầm màu xanh nhạt to bằng nắm tay bé sơ sinh, rõ ràng như thể chúng được in bằng mực.
‘Ủa? Làm sao mà em bị như thế?’ Giọng sắc bén, chắc nịch của tôi phá vỡ không gian tĩnh lặng trong căn chung cư rộng mười tám p’yong (khoảng 60 thước vuông – chú thích của người dịch) chúng tôi đang ở.
‘Em không biết... Em chỉ nghĩ là em đã đụng phải không biết là cái gì, rồi mấy vết bầm sẽ lặn mất... nhưng thực ra chúng đang lan rộng thêm.’
Vợ tôi tránh ánh mắt tôi như một đứa trẻ bị bắt gặp làm điều gì đó lầm lỗi. Hơi hối hận vì đã có vẻ như đang la mắng vợ, tôi cố gắng làm giọng mình dịu lại.
‘Không thấy đau sao?’
‘Không, chẳng thấy gì cả. Đúng ra, không cảm thấy gì ở những chỗ bị bầm hết. Nhưng mà, anh biết, như vậy còn đáng lo hơn.’
Nét mặt biểu cảm tội lỗi mà tôi nhận thấy vài phút vừa qua đã mất biệt, thay vào đó là một nụ cười nhẹ, không phù hợp trong lúc này. Nụ cười đó hiện rõ trên môi vợ tôi khi hỏi là liệu bà có nên đến bệnh viện không.
Cảm thấy xa lạ với toàn bộ tình huống, tôi nhìn khuôn mặt vợ mình bằng ánh mắt lạnh lùng, vô cảm. Khuôn mặt mà tôi phải đối mặt với một cảm giác xa lạ. Nó xa lạ, gần như không thực; không giống với những gì người ta mong đợi khi chúng tôi đã chung sống với nhau được bốn năm.
Vợ tôi kém tôi ba tuổi, vào năm đó bà đã hai mươi chín. Khuôn mặt bà đã từng khiến bà trông trẻ một cách đáng mắc cở khi chúng tôi đi chơi chung, trước ngày chúng tôi lấy nhau – bà thường bị nhìn lầm là một nữ sinh. Bây giờ khuôn mặt bà có dấu hiệu mệt mỏi rõ ràng, trái ngược với vẻ ngoài ngây thơ với đôi mắt mở to của bà. Có vẻ như không ai có thể lầm bà với một nữ sinh nữa, hoặc thậm chí là một sinh viên đại học. Tạm thời có thể nói là bà thực sự trông già hơn tuổi của mình. Hai má bà có màu của những quả táo xanh mới bắt đầu chuyển sang màu đỏ, hõm xuống, trông giống như đất sét bị ai đập vào. Vòng eo trước kia mềm mại và dẻo dai như dây khoai lang giống, cái bụng từng có những đường cong hấp dẫn, thì giờ đây gầy đi một cách đáng tội nghiệp.
Tôi cố nhớ lại lần cuối cùng tôi thấy vợ mình khỏa thân, và lúc ấy trời đủ sáng để nhìn rõ bà. Không phải năm đó, chắc chắn như vậy; tôi thậm chí còn không chắc chắn rằng điều đó đã xảy ra vào năm trước đó nữa.
Làm sao tôi có thể không nhận thấy những vết bầm tím sâu như vậy trên cơ thể của người duy nhất mà tôi đang chung sống? Tôi cố đếm những nếp nhăn nhỏ tỏa ra từ khóe mắt của vợ tôi. Sau đó, tôi bảo bà cởi hết quần áo ra. Một vệt đỏ ửng xuất hiện dọc theo đường rãnh nơi gò má của bà, mà việc giảm cân đã khiến bà trở nên sắc nét một cách không mấy nhã nhặn. Bà cố gắng phản đối.
‘Nếu có ai nhìn thấy thì sao?’
Không giống như hầu hết các căn chung cư được xây theo hướng nhìn ra vườn hoặc nhìn ra bãi đậu xe, ban công của chúng tôi trông ra con đường chính phía đông. Vì chúng tôi ở cách khu chung cư gần nhất ba con phố, có cả đường lộ chính và con suối Chungnang ngăn cách, nên không ai có thể nhìn trộm nếu không có ống dòm cực lớn. Chắc chắn không có nguy cơ là có ai đó nhìn thoáng qua phòng khách của chúng tôi từ bên trong một trong những chiếc xe đang phóng trên đường. Vì vậy, tôi chỉ coi lời phản đối của vợ tôi là dấu hiệu của sự mắc cở. Vào những ngày cuối tuần khi mới cưới, trong chính phòng khách này, với cả cửa kính dẫn ra hiên và cửa sổ ở phía xa được mở toang để giảm bớt cái nóng oi ả của tháng Tám, chúng tôi thường làm tình nhiều lần vào giữa trưa, vụng về khám phá điều mới mẻ này đối với chúng tôi cho đến khi cuối cùng chúng tôi phải chịu khuất phục trước áp lực do kiệt sức.
Sau khoảng một năm qua đi, chúng tôi không còn xa lạ với tình yêu của mình nữa, và sự nồng nhiệt của những ngày đầu đó dần tan biến từng bực một. Vợ tôi đi ngủ khá sớm, và bà ngủ rất say, khác với nhiều người. Nếu tôi về nhà muộn, tôi có thể đinh ninh rằng bà đã ngủ rồi. Khi tôi tra chìa vào ổ khóa cửa trước và bước vào căn chung cư, lẻ loi một mình mà không có ai chào đón, tôi đi tắm rồi bước vào phòng ngủ tối tăm, nhịp thở đều đều của bà khiến tôi cảm thấy cô đơn một cách khó hiểu. Nếu tôi ôm bà, hy vọng sẽ xoa dịu nỗi cô đơn này, đôi mắt mở hé, ngái ngủ của bà không cho tôi manh mối nào về việc bà đang từ chối cái ôm của tôi hay đang đáp lại một cách nồng nhiệt. Bà chỉ im lặng lướt những ngón tay của mình trên mái tóc của tôi cho đến khi những chuyển động của cơ thể tôi ngưng lại.
‘Mọi thứ? Anh muốn em cởi hết mọi thứ ra sao?’
Khuôn mặt nhăn nhó của bà cố kìm nén cho khỏi bật khóc, vợ tôi cuộn chiếc quần lót vừa cởi thành một cục và che hạ bộ.
Và cơ thể trần trụi của bà, phơi bày hoàn toàn dưới ánh nắng mùa xuân. Đã rất lâu rồi, thật thế.
Nhưng tôi không thể cảm thấy gì, ngay cả những khuấy động nhỏ nhất của lòng ham muốn cũng không. Nhìn những vết bầm màu xanh lục ngả sang vàng, không chỉ trên mông mà còn trên xương sườn và ống chân của bà, làm hỏng cả phần thịt trắng phía đùi trong, cơn giận vồ lấy tôi, rồi đột nhiên buông tha, để lại một nỗi buồn vô cớ. Đối với người phụ nữ này, người có tâm trí dễ bị lạc đề, giấc ngủ đã xóa tan ngay cả ký ức về việc đi bộ dọc phố vào một buổi chiều tối – khi các giác quan đã bị tấm màn ngủ đang buông xuống làm cho tê liệt – để vụng về bước vào một chiếc xe đang chạy rề rề, hoặc có lẽ đã bước hụt và ngã lộn xuống cầu thang thoát hiểm không có đèn trong tòa nhà của chúng tôi không chừng?
Hình ảnh vợ tôi đứng đó che vùng kín khi ánh nắng cuối xuân chiếu xuống lưng bà, ý tưởng muốn hỏi xem bà có nên đến bệnh viện không, thật quá khốn khổ, đáng thương, thật buồn đến nỗi không thể diễn tả thành lời, khiến tôi thấy một sự buồn bã mà đã lâu rồi tôi không cảm nhận. Tôi chỉ có thể ôm chặt cơ thể gầy gò của bà vào lòng.
2.
Tôi cho rằng mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi. Và đó là lý do tại sao tôi ôm chặt thân hình gầy gò của vợ vào ngày xuân đó và nói: ‘Nếu mấy chỗ này không đau thì chắc chắn các vết bầm sẽ sớm mờ đi thôi. Em chưa bao giờ tự mình làm rối tung mọi chuyện lên như bây giờ, phải không?’ Tôi làm dịu đi lời trách móc bằng một tiếng cười lớn.
Vào một đêm đầu hè, cơn gió nóng nực tột độ cọ xát đôi má nhớp nháp của nó vào lá những cây sung cao, và đường phố với những cặp mắt đỏ ngầu nhấp nháy từ sáng sang tối. Vợ tôi, ngồi đối diện với tôi tại bàn ăn khi chúng tôi cùng nhau dùng bữa tối muộn, đặt thìa xuống kêu leng keng. Tôi đã hoàn toàn quên mất vết bầm của bà.
‘Ồ, lạ quá… nó khác rồi.’
Sau khi xem xét hai cánh tay gầy gò thò ra từ áo ngắn tay của bà, vợ tôi nhanh chóng cởi áo thun và áo nịt ngực. Một tiếng rên ngắn thoát khỏi tôi trước khi tôi có thể nuốt nó trở lại.
Những vết bầm tím hôm nào, vào mùa xuân trước cỡ chừng bằng nắm tay em bé sơ sinh, thì bây giờ lớn hơn, như những chiếc lá khoai môn. Ngoài chuyện đó, chúng đã sậm màu hơn. Chúng có màu xỉn của cành liễu rủ, màu xanh tái của chúng dường như pha chút xanh lam của trời đầu mùa hè.
Tôi đưa bàn tay run rẩy vuốt ve bờ vai bầm tím của vợ, cảm thấy như thể tôi đang chạm vào cơ thể của một người lạ. Chắc hẳn phải đau lắm, với những vết bầm như thế này?
Bây giờ nghĩ lại chuyện ấy, tôi nhận thấy rằng khuôn mặt của vợ tôi cũng bị ửng màu xanh lam vào ngày hôm đó, như thể bị tẩm nước có nhiễm chì. Mái tóc bóng mượt trước đây của bà giờ giòn như lá củ cải khô. Tròng trắng mắt bà có màu chàm nhạt, như do mực từ con ngươi đen bất thường của bà đã thấm vào chúng. Đôi mắt bà lóng lánh nước.
‘Tại sao chuyện này lại xảy ra với em thế? Em cứ muốn ra ngoài, rồi ngay khi em ra ngoài... ngay khi em nhìn thấy ánh mặt trời, em lại bị thôi thúc muốn cởi hết quần áo. Như thể cơ thể em muốn cởi bỏ chúng vậy.’ Vợ tôi đứng dậy, cho tôi thấy rõ nhất cảnh tượng mà tôi đã thấy trong suốt cả năm qua về thân hình khô héo, trần trụi của bà. ‘Hôm kia, em ra ngoài ban công mà không mặc gì cả và đứng cạnh cái máy giặt sấy. Không biết có ai nhìn thấy em không... và thậm chí em còn không cố gắng che giấu thân mình... Ý của em là, em giống như một bà điên vậy!’ Tôi chỉ biết ngồi đó và nhìn chằm chằm vào nửa thân trên gầy gò của vợ tôi khi bà tiến lại gần tôi, lo lắng lướt ngón tay dọc theo mép đôi đũa tôi đang cầm. ‘Em cũng mất cảm giác thèm ăn nữa. Nhưng em uống nhiều nước hơn trước... Em còn thậm chí không thể ăn hết nửa bát cơm trong suốt cả ngày. Mà vì em không ăn, em đoán là chất chua trong dạ dày của em không được tiết ra đúng cách hay có cái gì đó. Ngay cả khi em ép mình phải ăn, nó cũng không được tiêu hóa đúng cách rồi em lại ọe ra nữa.’ Bà khuỵu gối xuống như một con rối bị cắt dây và vùi mặt vào đùi tôi. Chắc chắn là bà không khóc chứ? Một mảng ẩm ướt ấm áp thành hình trên đũng quần thể thao của tôi.
‘Anh có biết cảm giác nôn nhiều lần trong ngày là như thế nào không? Nó giống như bị say xe mặc dù mình đang đứng vững trên mặt đất; rồi lại phải khòm lưng khi đi, không thể thẳng người lên được. Đầu thì đau như... như thể con mắt bên phải đang bị cái gì đục vào đó. Vai thì cứng như tấm ván, rồi nước dãi với mật xanh mật vàng từ trong bao tử trào ra lên vỉa hè, trên rễ cây dọc đường...’
Người ta có thể nghe thấy một chú côn trùng nào đó, từ chiếc bóng đèn huỳnh quang đang chập chờn, cao giọng rên rỉ. Và dưới ánh sáng dày đặc đó, vợ tôi, với vết bầm trên lưng to bằng lá cây đậu tía, đã cố gắng kìm nén tiếng rên rỉ nhỏ giọt từ bà.
‘Phải đi bệnh viện thôi,’ tôi nhìn thẳng vào mặt bà và nói. ‘Ngày mai, cứ đến thẳng khoa nội.’
Khuôn mặt ướt át, đầy vết bẩn của bà thật khó nhìn. Khi những ngón tay xòe ra của tôi lướt qua mái tóc giòn của vợ tôi, tôi nở một nụ cười tươi tắn. ‘Mà phải cẩn thận khi đi đứng. Em đâu có muốn tự làm mình đau lần nữa chứ. Không phải như em còn là một đứa con nít, có thể ngã và vấp vào mọi thứ.’
Khuôn mặt ướt át của vợ tôi run lên thành một nụ cười, và một giọt nước mắt duy nhất đọng trên môi bà kéo dài thêm rồi tự tách ra.
3.
Vợ tôi có phải lúc nào cũng mau nước mắt như vậy không? Không đâu. Lần đầu tiên tôi thấy bà khóc, là năm bà mới hai mươi sáu.
Khi còn là cô gái trẻ, bà dễ bật cười, giọng bà luôn vang lên một âm điệu tươi sáng, tiếng cười như một làn sóng màu. Tôi nghe thấy giọng nói đó, chín chắn điềm tĩnh, thường trái ngược với vẻ ngoài trẻ trung của bà, lần đầu tiên run run nói với tôi: ‘Em ghét sống trong những tòa nhà cao tầng ở Sanggye-dong.’
‘Bảy trăm ngàn người chen chúc nhau, em cảm thấy như mình sắp héo mòn và chết. Em ghét hàng trăm hàng ngàn tòa nhà y hệt như nhau, những căn bếp y hệt nhau, trần nhà giống hệt nhau, nhà vệ sinh, bồn tắm, ban công và thang máy giống hệt nhau, và em ghét công viên, khu nghỉ chân, cửa tiệm, đường vạch cho người đi bộ băng qua đường. Em ghét tất cả mọi thứ đó.’
‘Hừ, cái gì đã mang tới điều này thế?’ Tôi nói như thể đang xoa dịu một đứa trẻ khó bảo, vì chú ý nhiều hơn đến giọng nói nhẹ nhàng của vợ tôi hơn là những gì bà thực sự nói. ‘Có gì đáng ghét ở việc nhiều người sống gần nhau đâu nào?’
Tôi tỏ vẻ hơi nghiêm nghị khi nhìn vào mắt vợ tôi. Đôi mắt sáng ngời, rực rỡ của bà.
‘Em luôn muốn bảo đảm là những căn phòng em mướn nằm gần khu vui chơi giải trí. Em chỉ dọn tới những nơi có đông người qua lại, nơi có tiếng nhạc ầm ĩ tràn ra đường phố với xe cộ chen chúc trên đường và bóp còi inh ỏi. Nếu không, em không thể xoay xở được. Em không thể nào xoay xở được khi ở một mình.’ Ngay cả khi vợ tôi lấy mu bàn tay lau nước mắt trên má, chúng vẫn chảy đầm đìa. ‘Vậy mà giờ đây, em như thể sắp mắc một chứng bệnh trầm kha và sẽ chết. Giống như em không thể xuống từ tầng mười ba này, giống như em không thể nào ra ngoài đường được.’
‘Sao em lại to tiếng rồi nhảy dựng lên và múa may quay cuồng về chuyện đó như thế? Nói chuyện đàng hoàng một chút đi, hơi quá rồi đấy.’
Trong năm đầu tiên ở tòa nhà cao tầng này, vợ tôi thường xuyên đau ốm. Bà đã quen với môi trường thiên nhiên của căn phòng thuê ở một trong những quận ở vùng đồi núi của Hán Thành, và cơ thể bà dường như không thể thích nghi với một căn chung cư bít bùng có hệ thống sưởi chung cho cả trung tâm. Mức năng lượng của bà nhanh chóng sụt giảm, nó chỉ cho bà có sức để cùng lắm là đi bộ nhanh chóng lên con dốc đứng mỗi ngày một lần để đến nhà xuất bản nhỏ nơi bà làm việc với mức lương ít ỏi.
Nhưng không phải vì cuộc hôn nhân của chúng tôi mà bà nghỉ việc. Chỉ sau khi bà nghỉ việc, nói đúng ra là không lâu sau đó, tôi mới bàn cụ thể về hôn nhân. Bà đã rút hết tiền mình có – bất kỳ khoản nào mà bà đã dành dụm được từ tiền lương hàng tháng và trợ cấp lương hưu, cộng với bất kỳ khoản tiền nào từ công việc bán thời gian vào cuối tuần – và đang đặt kế hoạch bỏ nước ra đi.
‘Em muốn đi và lấy lại chút máu mới trong huyết quản của mình’, bà nói. Đó là buổi tối trong cái ngày mà bà rốt cuộc đã đưa đơn xin thôi việc cho vị sếp trực tiếp. Bà nói với tôi rằng bà muốn đổi cái thứ máu xấu đang vón cục lại trong tĩnh mạch như các cục u nang và thông sạch lá phổi già nua mệt mỏi của mình bằng không khí trong lành. Sống và chết một cách tự do đã là ước mơ của bà kể từ khi bà còn là một đứa bé, bà nói; bà đã trì hoãn nó vì chưa đến lúc thích hợp, nhưng bây giờ bà cảm thấy rằng bà đã để dành đủ tiền để biến ước mơ của mình thành hiện thực. Bà dự tính sẽ chọn một quốc gia, ở đó khoảng sáu tháng, sau đó chuyển đến một nơi khác, v.v.. ‘Em muốn làm điều đó trước khi em chết, anh biết không,’ bà nói, và cười khúc khích. ‘Em muốn thấy chốn tận cùng của thế giới. Để đi tới nơi xa nhất em có thể tới, từng bước, từng bước một.’
Nhưng cuối cùng, thay vì lên đường đến tận cùng thế giới, vợ tôi đã đổ hết số tiền ít ỏi của mình vào tiền đặt cọc cho căn chung cư này và cho chi phí đám cưới của chúng tôi. Bà đã giải thích tất cả những điều này với tôi chỉ trong một câu ngắn gọn, nói rằng bà đã làm như vậy ‘vì em không muốn xa anh’. Giấc mơ tự do này của bà ấy có thực đến mức nào? Nghĩ đến việc bà có thể từ bỏ nó dễ dàng như vậy, tôi cho rằng nó không thực tế lắm. Toàn bộ sự việc hẳn chỉ là một ảo tưởng lãng mạn không thực tế, và những kế hoạch bà lập ra chẳng khả thi hơn những mưu mẹo mà một đứa trẻ có thể nghĩ ra để du hành lên mặt trăng. Cuối cùng, hẳn là bà đã phải tự nhận ra tất cả những điều này, và tôi mơ hồ thấy xúc động và tự hào khi nghĩ rằng chính tôi là người đã thúc đẩy sự nhận ra muộn màng này.
Có lẽ tất cả là do những cơn đau nhức thường xuyên của bà, nhưng khi tôi thấy vợ tôi đứng áp má vào cửa kính ban công, đôi vai hẹp của bà rũ xuống như những chiếc lá bắp cải héo úa khi bà nhìn xuống những chiếc xe đang lao nhanh, trái tim tôi chùng xuống. Bà đứng yên, không nói năng gì, chỉ có tiếng thở yếu ớt đến khó tin của bà mới chứng tỏ là rằng bà vẫn còn sống; như thể có một đôi cánh tay vô hình đang giữ chặt vai bà, như thể một quả cầu sắt lớn gắn vào một sợi xích vô hình ngăn cản bà cử động bất cứ một bắp thịt nào.
Vào lúc nửa đêm và rạng sáng, vợ tôi thể nào cũng sẽ giật mình tỉnh giấc, bắt đầu bị quấy rối bởi tiếng taxi hoặc xe máy thỉnh thoảng gầm rú trên con phố vắng. ‘Như thể con đường đang lao nhanh hơn là xe chạy, giống như căn chung cư này đang bị cuốn phăng đi cùng với con đường vậy’, bà nói. Ngay cả sau khi tiếng ồn của động cơ đã lùi xa và giấc ngủ đã trở lại, khuôn mặt đáng yêu của vợ tôi vẫn tái nhợt như chết.
Vào một đêm như vậy, vợ tôi lẩm bẩm như đang mơ, giọng khàn khàn của bà chỉ nghe được rất khẽ: ‘Tất cả mọi thứ đó, chúng nó từ đâu ra... tất cả đều đang chạy đi đâu?’
4.
Tối hôm sau, khi tôi mở cửa trước và bước vào căn chung cư, tôi thấy vợ tôi đã ra cửa chào tôi, có lẽ là đã nghe tiếng tôi bước ngoài hành lang. Bà đi chân trần và những đường cong của móng chân, mà bà không cắt giũa như bà thường làm, trắng lấp lánh.
‘Bệnh viện bảo sao?’
Không có câu trả lời. Sau khi chăm chú nhìn tôi trong im lặng khi tôi cởi giày, vợ tôi quay đi, vén một lọn tóc xỉn màu đang nằm trên má ra sau tai.
Cái dáng đó, tôi tự nhủ. Tôi nhớ lại lúc chúng tôi lần đầu tiên được giới thiệu để làm quen với nhau, một sự im lặng êm ả trôi qua sau khi cấp trên của tôi nơi tôi làm việc – ông này đóng vai trò ông mai – đứng dậy và để chúng tôi ở lại một mình, và tôi đã bối rối như thế nào trước vẻ mặt bí ẩn trên khuôn mặt của người vợ tương lai của mình. Nó khiến bà trông như thể đang lang thang ở một nơi nào đó rất xa, ở một địa điểm nào đó không được tiết lộ. Trên khuôn mặt đó, thoạt nhìn có vẻ chỉ tươi sáng và đáng yêu, tôi có thể đọc được một nỗi cô đơn không ngờ tới, dường như là của một người hoàn toàn khác, và chính điều này đã cho tôi niềm tin nhất thời là bà hiểu tôi. Sau đó, với niềm tin này và có rượu uống vào đã khiến tôi thốt ra lời thú nhận rằng tôi đã cô đơn cả đời, người phụ nữ hai mươi sáu tuổi sắp trở thành vợ tôi quay đi để hướng về một chân trời xa xăm, để lại tôi đối mặt với cùng một khuôn mặt lạnh lẽo, hoang vắng mà tôi đang phải đối mặt bây giờ.
‘Em đã đến bệnh viện rồi chứ?’ Vợ tôi khẽ nghiêng đầu như một chỉ dấu tối thiểu thay cho cái gật đầu. Bà quay đi để che giấu làn da trông không lành mạnh của mình, hay là tôi đã làm gì đó? ‘Làm ơn làm phước nói cho anh biết đi. Bác sĩ đã nói gì vậy?’
‘Không sao đâu,’ bà nói, giống như một lời thở ra hơn là một lời kể lể. Giọng bà đều đều lạt lẽo đến đáng sợ.
Trong buổi gặp gỡ đầu tiên đó, giọng nói của bà đã thu hút tôi nhất. Một sự so sánh vô nghĩa, nhưng giọng nói của bà khiến tôi nhớ đến một chiếc bàn uống trà được tráng men và sơn bóng công phu; một trong những món đồ nội thất thanh lịch mà ta không muốn mang ra ngoài cho bất kỳ ai được thưởng lãm, ngoại trừ cho những vị khách quan trọng nhất, và trên chiếc bàn đó dường như chỉ có loại trà ngon nhất được rót ra, trong những chiếc tách tốt đẹp nhất. Đêm đó, dường như không hề bối rối chút nào về lời thú nhận mà tôi đã lỡ miệng, phản ứng của vợ tôi hoàn toàn là sự thật và được truyền tải bằng giọng điệu điềm tĩnh thường thấy của bà. ‘Còn em’, bà nói, ‘em muốn sống cả đời em mà không định cư ở một nơi nào cả’.
Sau đó, tôi đã nói về cây cối. Tôi kể với bà rằng tôi đã mơ thấy ban công chất đầy những chậu hoa lớn, mỗi chậu đều chứa đầy rau diếp xanh và tía tô. Vào mùa hè, những bông hoa nhỏ sẽ nở trên những cây tía tô như những giọt tuyết. Và trong bếp sẽ ủ giá đậu, tôi thêm vào. Cuối cùng, vợ tôi bật cười khe khẽ, bà vẫn nhìn tôi với ánh mắt hoài nghi như thể tất cả những câu chuyện về cây cối này hoàn toàn trái ngược với suy nghĩ của bà về tôi. Cố gắng níu giữ tràng cười ngây thơ, mong manh đó, tôi lại nói: “Anh đã cô đơn cả đời rồi”.
Sau khi kết hôn, tôi đặt những chậu hoa ngoài ban công như đã bàn trước với nhau, nhưng cả hai chúng tôi đều không tỏ ra là người thực sự có tay trồng trọt. Vì lý do nào đó, ngay cả những loại cây xanh cứng cáp, mà tôi cho rằng không cần phải làm gì cả ngoài chuyện tưới nước thường xuyên, cũng héo úa và chết mà chẳng cung cấp cho chúng tôi một vụ thu hoạch nào.
Có người bảo là căn hộ tầng trên của chúng tôi cách quá xa hơi đất; người khác lại nói với chúng tôi rằng tất cả cây cối của chúng tôi đều chết vì cả không khí và nước đều xấu. Thậm chí chúng tôi còn được người ta mách rằng chúng tôi thiếu thiện chí cần thiết để chăm sóc những vật sống, nhưng điều đó hoàn toàn không đúng. Cách vợ tôi tận tụy chăm sóc những cây đó đã vượt quá mọi mong đợi. Nếu một cây xà lách hay tía tô héo úa, điều này đủ để khiến bà chìm vào trầm cảm trong nửa ngày, trong khi nếu một cây có vẻ vẫn kiên trì bám víu vào cuộc sống, bà sẽ đi lung tung khắp nơi và hát thầm một khúc nhạc vui tươi.
Vì lý do nào đó, giờ đây không còn gì sót lại trong những chậu hoa hình chữ nhật trên ban công, ngoài đất khô. Tôi tự hỏi chúng đã đi đâu, tất cả những cây chết đó? Và những ngày mưa khi tôi đặt những chậu hoa trên bệ cửa sổ để nhúng tay chúng vào những giòng nước mưa lạnh lẽo, tất cả những ngày tháng tươi trẻ đó đã đi đâu rồi?
Vợ tôi quay sang tôi và nói: ‘Chúng mình nên đi đâu đó thật xa, cả hai đứa mình.’ Không giống như cây cối, ít nhất chúng cũng hồi sinh một chút khi lá của chúng hấp thụ cơn mưa sảng khoái đó, vợ tôi có vẻ đang héo úa và chìm sâu hơn vào trạng thái trầm cảm. ‘Không thể sống ở nơi ngột ngạt này được’, bà nói, đưa bàn tay gầy guộc của bà lên phía trên những chiếc lá xà lách để hứng những giọt mưa đang rơi, rồi bà rẩy chúng xuống ban công. ‘Mưa này dơ bẩn quá,’ bà nói, ‘đen kịt mũi dãi.’ Mắt bà tìm kiếm sự đồng tình của tôi. ‘Nơi đây không phải là sống,’ bà khạc nhổ, ‘nó chỉ trông tựa như vậy thôi.’ Giọng bà đầy vẻ thù địch, như lời tuyên bố lắp bắp của một tên say rượu, Đất nước này thối nát đến tận gốc rễ rồi! ‘Không có cách nào để bất cứ thứ gì có thể phát triển ở đây, anh không thấy sao? Không bị mắc kẹt ở đây trong cái... trong cái nơi ngột ngạt, điếc tai này, nơi với chỗ!’
Tôi không thể chịu đựng lâu hơn được nữa.
‘Cái gì mà ngột ngạt thế?’ Tôi không chịu nổi những châm chích nhỏ bé mà sắc bén này, chúng vô tình phá vỡ hạnh phúc mới chớm nở mong manh của tôi, hay là dòng máu của nỗi khổ đau đã bị kìm nén bấy lâu mà lời nói của bà đang trút chúng ra khỏi cơ thể kiệt quệ. ‘Cứ nói cho tôi biết đi.’ Tôi tạt nước mưa mà tôi hứng được trong hai bàn tay khum lại lên vai vợ tôi. ‘Cái gì ngột ngạt thế? Cái gì điếc tai thế?’
Một tiếng rên nhỏ thoát ra từ vợ tôi, đôi tay giật mình quờ quạng trên mặt bà. Nước mưa lạnh bắn tung tóe vào khung cửa sổ ban công, vào mặt tôi. Chậu hoa trên bệ cửa sổ đâm vào chân vợ tôi bằng cạnh sắc của nó trước khi rơi xuống sàn ban công. Những mảnh gốm thô và những cục đất bám vào quần áo của vợ tôi, vào đôi chân trần của bà. Bà cúi xuống, nắm chặt bàn chân bị thương bằng cả hai tay và cắn môi dưới.
Cắn môi là thói quen lâu đời của bà; ngay cả trước khi chúng tôi kết hôn, bà vẫn làm vậy mỗi khi tôi tức giận hoặc lớn tiếng. Việc lo lắng về đôi môi của bà dường như giúp bà sắp xếp lại suy nghĩ của mình, và sau một thời gian, bà sẽ bắt đầu trả lời bất cứ điều gì tôi đã nói hoặc làm, kể ra các quan điểm của bà một cách bình tĩnh và hợp lý. Nhưng sau sự việc xảy ra trên ban công, đôi môi cắn chặt của bà trở thành phản ứng duy nhất tôi có thể nhận được từ bà. Chúng tôi đã ngừng cãi nhau sau ngày hôm đó.
‘Bộ bác sĩ nói rằng chẳng thấy có gì sai hay sao?’ Tôi cảm thấy một làn sóng mệt mỏi và cô đơn dữ dội. Khi tôi cởi áo khoác ra, vợ tôi không đỡ lấy nó.
‘Ông ấy nói rằng ông ấy không tìm thấy có cái gì lệch lạc hết,’ bà xác nhận, vẫn quay mặt đi nơi khác.
5.
Vợ tôi dần mất đi từng chút một khả năng nói mà bà còn nhớ. Bà không nói trừ khi được hỏi chuyện, và ngay cả khi đó, câu trả lời duy nhất của bà chỉ là gật hoặc lắc đầu. Nếu tôi cao giọng, yêu cầu bà trả lời, bà chỉ nhìn chằm chằm vào khoảng không, ánh mắt mơ hồ. Sắc mặt ngày càng xuống dốc của bà giờ đây có thể nhận thấy rõ, ngay cả dưới ánh đèn huỳnh quang mờ mờ.
Cứ cho là vị bác sĩ đã nói rằng ông ta không tìm thấy bất cứ điều gì bất thường, có lẽ thế, thay vì có vấn đề sức khỏe với dạ dày hoặc ruột của vợ tôi, thì đó chỉ là một trường hợp khao khát đơn giản. Nhưng bà có thể khao khát điều gì trên đời?
Ba năm qua là khoảng thời gian ấm áp và yên bình nhất trong cuộc đời tôi. Công việc của tôi không quá nặng nhọc, tôi may mắn gặp được người chủ nhà không cố gắng tăng tiền đặt cọc cho căn chung cư, tôi đã trả gần xong tiền vay thế chấp cho căn hộ mới này và tôi có một người vợ, cho dù bà có thể không hấp dẫn đến mức làm mọi người choáng váng, nhưng đó là tất cả những gì tôi mong muốn ở một người bạn đời; sự mãn nguyện của tôi giống như nước ấm nhẹ nhàng vỗ về bên trong bồn tắm đầy nước, vuốt ve cơ thể mệt mỏi của tôi.
Vậy vấn đề của vợ tôi là gì? Nếu bà thực sự khao khát điều gì đó, tôi không thể hình dung được làm sao nó có thể nghiêm trọng đến mức gây nên một căn bệnh tâm thần. Mỗi lần tôi tự hỏi liệu người phụ nữ này thực sự có quyền gây ra cho tôi sự cô đơn như vậy không, tôi cảm thấy như toàn bộ con người mình tràn ngập một sự ghê tởm vô bờ bến, cô lập tôi như một lớp bụi cũ.
Sáng chủ nhật tuần sau đó, một ngày trước chuyến công tác nước ngoài kéo dài một tuần của tôi, tôi nhìn vợ mình đang giũ quần áo mới giặt ngoài ban công. Những vết bầm giờ đã phủ kín cánh tay bà đến nỗi những vùng da trắng trông giống như những vết bầm ngược lại, tức là những đốm trắng nhỏ giữa tất cả những màu xanh đó. Tôi nín thở. Khi bà mang giỏ đựng quần áo, giờ đây đã trống, trở lại phòng khách, tôi chặn đường bà và bảo bà cởi quần áo ra. Bà chống cự, nhưng tôi cởi áo thun của bà ra, để lộ bờ vai nhuộm màu xanh lam sẫm, xỉn màu.
Tôi loạng choạng lùi lại và nhìn chằm chằm vào cơ thể bà. Hơn một nửa số lông nách dày của bà đã rụng mất, và núm vú nâu của bà, trước đây mềm mại và dịu dàng, thì nay đã phai màu.
‘Mọi chuyện không thể nào tiếp tục kiểu như thế này được nữa. Anh đi gọi điện thoại cho mẹ em hay đây.’
‘Không, đừng gọi, em sẽ làm,’ vợ tôi vội hét lên, cách phát âm của bà lắp bắp như thể bà đang nhai lưỡi.
‘Phải đi bệnh viện ngay, hiểu chưa? Đến bác sĩ chuyên khoa da. Không, phải đến bệnh viện đa khoa.’ Bà gật đầu, câm lặng. ‘Em biết là anh không có thời gian để đi cùng với em. Em tự biết cơ thể mình mà, vì thế nên em phải giữ nó cẩn thận, đúng không?’ Bà lại gật đầu. ‘Nghe anh nói đây. Gọi cho mẹ em đi.’ Vợ tôi vẫn gật đầu, môi bà mím lại. Cái gật đầu này có nghĩa là bà đang lắng nghe hay không? Rất có thể lời nói của tôi đã vào tai này và ra tai kia; tôi có thể nghe thấy chúng rơi xuống sàn phòng khách, vỡ vụn như bánh quy rẻ tiền.
6.
Cửa thang máy lách cách mở ra. Tôi bước xuống hành lang tối tăm, mang theo chiếc vali cồng kềnh của mình và bấm chuông. Không có ai lên tiếng.
Tôi áp tai vào thành cửa thép lạnh buốt. Tôi tiếp tục bấm chuông, hai lần, ba lần, bốn lần, nghe ngóng xem nó vẫn tốt; đúng vậy, tôi có thể nghe thấy tiếng chuông reo bên trong căn hộ, mặc dù tác động làm giảm âm thanh của cánh cửa khiến nó nghe như thể đến từ một nơi nào đó xa hơn nhiều. Tôi chống vali vào cửa và nhìn đồng hồ. Tám giờ tối. Phải công nhận là vợ tôi là người ngủ rất say, nhưng thế này chắc chắn là hơi quá.
Tôi đã kiệt sức. Tôi cũng chưa ăn gì. Chỉ lần này thôi, tôi không muốn phải mất công lục chìa khóa.
Có lẽ vợ tôi đã gọi cho mẹ bà và đến bệnh viện như tôi đã bảo, hoặc đã đến ở với bà con họ hàng ở quê. Nhưng không – ngay khi bước qua cửa, tôi nhìn thấy sự lộn xộn quen thuộc của đôi dép xẹp, đôi giày thể thao và đôi giày thông minh ghi nhớ những hoạt động của bà.
Tôi nhẹ nhàng cởi giày ra và xỏ chân vào đôi dép xẹp, trong vô thức tôi cảm nhận được sự lạnh lẽo thường thấy của căn hộ. Tuy nhiên, trước khi bước được vài bước, tôi ngửi thấy mùi thối kinh tởm. Tôi mở tủ lạnh; bên trong, các món bí và dưa leo để ăn kèm với thức ăn đã nhăn nheo và cong vênh thành những cục thối, rỉ nước.
Có chừng nửa chén cơm thừa trong nồi cơm điện; rõ ràng là nó đã nằm đó từ lúc nào rồi, vì nó đã khô và dính vào chiếc nồi ruột bên trong. Khi tôi mở nắp, mùi đặc biệt của cơm lưu cữu tràn vào mũi tôi cùng với hơi nước vẫn còn ấm. Có một đống đĩa dơ trong bồn rửa và mùi thối ngọt bốc ra từ chậu rửa bằng nhựa đặt trên đầu máy giặt, bên trong có đồ giặt ngâm trong nước xà bông xám.
Vợ tôi không có trong phòng ngủ, trong phòng tắm hay trong căn phòng bỏ không mà chúng tôi dùng cho nhiều việc khác nhau. Tôi gọi to tên bà; không thấy trả lời. Trong phòng khách chỉ có tờ báo buổi sáng, mở banh ra như tôi đã để nó vào tuần trước; một hộp sữa 500ml rỗng không; một chiếc ly thủy tinh lốm đốm những giọt sữa đã đông đặc; một trong những chiếc vớ trắng của vợ tôi, lộn bề trái; và một chiếc ví da giả màu đỏ; tất cả nằm rải rác khắp nơi.
Tiếng máy xe hơi gầm rú khi chúng phóng nhanh trên con lộ chính bên dưới, cắt một đường bén ngót vào khối chắc nịch của sự trống rỗng chứa trong căn hộ.
Do mệt và đói, vì mấy thứ đồ bát đĩa đều nằm rỉ sét trong chậu rửa, không có một chiếc thìa sạch nào để tôi xúc chút cơm, tôi thấy mình lẻ loi. Bởi vì tôi trở về căn nhà trống trải sau một chuyến đi xa, bởi vì tôi muốn kể về tất cả những điều nhỏ nhặt tầm thường xảy ra trên mấy chuyến bay đường dài, về những cảnh vụt qua cửa sổ trên những chuyến xe lửa ở nước ngoài, bởi vì không có ai hỏi “Mệt không anh?”, chúng cướp đi cơ hội chứng minh sức chịu đựng bền bỉ của tôi bằng câu trả lời ra vẻ ta đây “Chẳng sao cả”, nên tôi cảm thấy lẻ loi. Và vì sự cô đơn này, tôi đâm ra tức giận. Bởi vì với cảm giác là, do cơ thể mình quá nhỏ bé, tôi vốn đã không thể hòa nhập được vào thế giới này, bởi vì cái lạnh đang thấm qua lớp quần áo mỏng manh của tôi, và bởi vì suy nghĩ rằng tất cả những gì tôi đã làm được trong cuộc sống cho đến nay chỉ là lừa dối bản thân rằng tôi được trân trọng, tôi thấy giận. Cô đơn, và không có ai yêu thương mình, sự tồn tại của tôi cũng có thể đã bị dập tắt.
Đúng lúc đó, tôi nghe thấy một giọng nói yếu ớt.
Tôi quay về hướng phát ra âm thanh. Đó là giọng của vợ tôi. Một tiếng thì thầm yếu ớt từ ban công vọng vào, không thể hiểu được nó mang ám hiệu gì.
Ngay lập tức, nỗi cô đơn dữ dội đó biến dạng, thành cảm giác nhẹ nhõm, và khi tôi dậm chân bước đến ban công, tôi cảm thấy một cơn bực tức xoắn xít trào ra từ đầu lưỡi. ‘Sao em không trả lời anh nếu em đã ở đó trong suốt thời gian qua?’ Tôi mở tung cánh cửa hiên. ‘Đây có phải là cách lo lắng việc nhà không? Em đã sống ở trái đất nào thế?’
Rồi tôi nhìn thấy cơ thể trần truồng của vợ mình và ngưng lại.
Vợ tôi đang quỳ xuống, đối mặt với song sắt trải dài trên cửa sổ ban công, hai cánh tay giơ lên như thể bà đang reo hò. Toàn bộ cơ thể bà có màu xanh lục đậm. Khuôn mặt trước đây tối sầm của bà giờ sáng lên như một chiếc lá cây vạn niên xanh bóng. Mái tóc như lá củ cải khô của bà bóng láng như thân cỏ dại.
Hai mắt bà lấp lánh nhợt nhạt trên khuôn mặt xanh lục của bà. Quay lại nhìn tôi khi tôi rụt lại, bà lê người như thể muốn đứng dậy. Nhưng thay vào đó, những cơn co thắt giựt chân bà lên xuống một cách vô ích. Bà có vẻ không thể đứng hoặc đi được.
Vòng eo mềm mại của bà xoắn lại một cách đầy đau đớn. Chiếc lưỡi teo tóp của bà đung đưa như một cây thủy sinh giữa đôi môi xanh thẫm của bà. Không còn thấy dấu hiệu nào của hàm răng bà nữa.
Một tiếng kêu độc nhất, chỉ khá hơn tiếng rên chút xíu, thoát ra từ giữa đôi môi nhợt nhạt nhăn nheo đó.
‘. . . nước.’
Tôi chạy đến bồn rửa, mở vòi hết cỡ và đổ đầy chậu rửa bằng nhựa cho đến khi nó tràn ra ngoài. Nước vỗ vào thành chậu theo mỗi bước chân gấp gáp của tôi, bắn tung tóe xuống sàn phòng khách khi tôi vội vã quay lại ban công. Ngay khi tôi tạt nước vào ngực vợ tôi, toàn bộ cơ thể bà run rẩy trong cơn hồi sinh, giống như lá của một cái cây khổng lồ. Tôi quay vào và lại đổ đầy chậu rửa, rồi đổ lên đầu vợ tôi. Tóc bà dựng đứng lên, như thể có một sức nặng vô hình nào đó đã đè nén nó trước đó. Tôi nhìn cơ thể xanh lấp lánh của bà nở rộ trở lại sau lễ rửa tội của tôi. Tôi thấy choáng váng.
Vợ tôi chưa bao giờ đẹp đến thế.
7.
Mẹ.
Con không thể viết thư cho mẹ nữa. Hay mặc chiếc áo len mẹ để lại ở đây. Chiếc áo len màu cam, chiếc áo mà mẹ vô tình để quên khi lên thăm vào mùa đông năm ngoái.
Con đã mặc nó vào ngày sau khi anh ấy đi công tác. Mẹ biết con thấy lạnh thế nào mà.
Chiếc áo chưa giặt, nên vẫn còn mùi đồ ăn cũ hòa lẫn với mùi da mẹ. Nếu là ngày khác, có lẽ con đã giặt nó, nhưng trời quá lạnh, và hơn nữa, con muốn hít thở mùi hương đó, nên con đã mặc nó, và thậm chí ngủ thiếp đi khi vẫn còn mặc. Sáng hôm sau, sương giá vẫn chưa tan, và có lẽ vì con quá lạnh và khát nên khi ánh nắng buổi sáng cuối cùng cũng chiếu qua cửa sổ phòng ngủ, tiếng kêu nghẹn ngào của con bùng lên: mẹ. Muốn được bao bọc trong ánh sáng ấm áp đó, con bước ra ban công và cởi bỏ quần áo. Những tia nắng mặt trời xuyên qua làn da trần của con giống hệt mùi hương của mẹ, con quỳ xuống đó và gọi mẹ ơi, mẹ ơi. Không còn lời nào khác.
Con tự hỏi bao thời khắc đã trôi qua. Mấy ngày, mấy tuần, mấy tháng rồi? Thấy không khí không có vẻ ấm áp rõ ràng, tất cả những gì con ghi nhận sau đó là nhiệt độ tăng nhẹ, tiếp theo là giảm một cách tương tự như vậy.
Giờ đây, có thể bất kỳ lúc nào đó, khung cửa sổ của những căn chung cư phía xa, bên kia dòng suối Chungnang sẽ sáng rực ánh sáng màu cam.
Những người sống ở đó có nhìn thấy con không? Còn những chiếc xe đang đua nhau trên con lộ chính, đèn pha chiếu rọi ánh sáng thì ra sao? Bây giờ con trông thế nào?
*
Anh ấy cực kỳ tốt bụng. Anh ấy đã mua một chậu hoa lớn và trồng con vào đó. Vào ngày chủ nhật, anh ấy dành cả buổi sáng ngồi trên bực cửa ban công để bắt mấy con rầy.
Anh ấy, người thường kiệt sức suốt cả ngày, thì giờ đây mỗi sáng leo lên ngọn núi phía sau khu nhà của chúng con, trở về với một xô nước khoáng để tưới chân cho con (anh ấy còn nhớ rằng con không thích nước máy). Một dạo trước đây, anh ấy đã đổ hết đất trong chậu hoa của con và thay đất bằng một ôm đất thịt mới màu mỡ. Khi cơn mưa đêm hôm trước đã rửa trôi bớt bụi bẩn trong không khí thành phố, anh ấy mở toang cửa trước và cửa sổ cho thoáng.
*
Thật kỳ lạ, mẹ ạ. Ngay cả khi không nhìn thấy, nghe thấy, ngửi thấy và nếm thấy, mọi thứ vẫn thấy tươi mới hơn, sống động hơn. Con cảm nhận được sự cọ sát thô ráp của lốp xe khi chúng lướt trên đường nhựa, tiếng vang khe khẽ của bước chân anh ấy khi anh mở cửa trước và bước về phía con, không khí đậm đặc nước mưa tràn ngập những giấc mơ màu mỡ, ánh sáng mờ mờ của bình minh.
Con cảm thấy những nụ hoa nảy mầm và cánh hoa nở ra ở khắp mọi nơi, gần và xa, đám nhộng chui ra khỏi kén, chó mèo sinh con, mạch đập run rẩy của ông già ở tòa nhà bên cạnh, rau dền đang được luộc trong nồi ở bếp căn nhà tầng bên trên, một bó hoa cúc bẻ gãy được cắm vào bình hoa bên cạnh máy quay đĩa trong căn hộ bên dưới. Ngày cũng như đêm, các vì sao tạo thành một đường vòng cung tĩnh lặng, và mỗi khi mặt trời mọc, cây sung bên vệ đường lại nghiêng thân cây một cách thèm khát về hướng đông. Cơ thể của chính con cũng phản ứng theo cách tương tự.
Mẹ có hiểu không? Không bao lâu nữa, con biết, ngay cả suy nghĩ con cũng sẽ mất đi, nhưng con thấy như vậy được rồi. Con đã từng mơ về điều này, về việc có thể sống chỉ bằng gió, ánh nắng và nước, từ rất lâu rồi.
*
Những suy nghĩ về thời khi con còn trẻ: khi con chạy vào bếp và vùi mặt vào váy mẹ, mùi thơm ngon đó; mùi dầu mè, mùi hạt mè rang. Con luôn luôn thọc tay trong đất, mẹ biết chứ. Bàn tay lấm lem đất của con làm bẩn gấu váy của mẹ.
Lúc ấy con được bao nhiêu tuổi nhỉ? Ngày xuân ấy, trời mưa phùn, cha bế con lên xe máy cày và chở cả ba người mình xuống bờ biển. Tiếng cười vô tư của những người lớn mặc áo mưa, những đứa trẻ với mái tóc ướt dính chặt vào trán, nhảy nhót và vẫy tay, khuôn mặt của chúng quay cuồng, mờ ảo.
Ngôi làng nghèo nàn bên bờ biển đó là cả thế giới của mẹ. Mẹ sinh ra ở đó và lớn lên ở đó. Mẹ sinh ra con ở đó, làm việc ở đó, già đi ở đó.
Đến một lúc nào đó, mẹ sẽ yên nghỉ nơi đó, ở cuối nghĩa trang gia đình, bên cạnh cha.
Chính nỗi sợ sẽ kết thúc như mẹ, mẹ ạ, đã khiến con tạo ra khoảng cách lớn như vậy giữa con và gia đình. Rời nhà năm mười bảy tuổi, những quận nội thành của Busan, Daegu, Gangneung, nơi con lang thang vô định trong hơn một tháng, vẫn còn trong ký ức của con. Nằm lì ở độ tuổi của mình tại một nhà hàng Nhật Bản, một mình chạy việc vặt, những buổi tối cuộn tròn tư thế bào thai trong phòng đọc sách – con thích nơi đó. Ánh đèn rực rỡ của các quận nơi phố thị, sự quyến rũ lấp lánh của cư dân nơi đó.
Con không biết bắt đầu từ khi nào con đã nhận thức ra là mình sẽ già nua và tàn tạ, lang thang trên những con phố đông đúc người lạ này. Con không thấy hạnh phúc ở nhà và cũng không vui ở những nơi khác, vậy hãy cho con biết, con nên đi đâu?
Con chưa bao giờ hạnh phúc. Có một linh hồn bị hành hạ nào đó mãi mãi ở sau lưng con, bám chặt lấy cổ họng con, ôm chặt chân tay con? Con chỉ muốn chạy trốn, một sự thôi thúc ở tận đáy lòng, nỗi đau khiến con phải khóc, sự ngắt véo làm cho con phải hét lên. Ngồi co đầu gối ở cuối xe buýt, trông như thể con sẽ không làm hại một con ruồi, nhưng suốt thời gian đó con hằng khao khát lấy nắm đấm đập vỡ khung cửa sổ. Tham lam muốn để cho máu chảy xuống lòng bàn tay, con sẽ liếm nó như con mèo liếm sữa. Con đang cố gắng chạy trốn khỏi điều gì, điều gì đã hành hạ con đến mức con khát khao chạy trốn đến tận bên kia thế giới? Và điều gì đã kìm hãm con, làm con khập khiễng, làm con què quặt? Xiềng xích nào đã đè nặng con, ngăn cản bước mạo hiểm sẽ truyền dòng máu kinh tởm này đi?
*
Ông bác sĩ già liên tục dùng mấy ngón tay gõ vào ống nghe, lẩm bẩm rằng bên trong con im lặng như nấm mồ. Âm thanh duy nhất là tiếng gió thổi vọng lại từ xa. Ông đặt ống nghe xuống bàn và xê dịch màn hình siêu âm. Con nằm im khi ông bôi một loại keo nhớp nháp lên bụng con rồi xoa một dụng cụ có hình que mà lạnh lên da thịt con, từ từ kéo nó từ mỏ ác xuống đến bụng dưới. Dường như thông qua dụng cụ đó, hình ảnh bên trong con được truyền đến màn hình đen trắng.
‘Bình thường cả’, ông lẩm bẩm, tặc lưỡi. ‘Những gì tôi và cô đang nhìn bây giờ là ruột của cô... chẳng có gì bất thường nơi đó cả.’
Mọi thứ đều được xác nhận là ‘bình thường’.
‘Dạ dày, gan, tử cung, thận, tất cả đều tốt.’
Tại sao ông không thể thấy rằng những cơ quan này đang teo dần, sắp biến mất? Con lau sạch phần lớn gel bằng một nắm khăn giấy, nhưng khi con cố gắng đứng dậy, ông ấy bảo con nằm xuống lại. Ông ấn vào vài chỗ khác nhau ở bụng con; không thấy đau lắm. Con trừng mắt nhìn khuôn mặt đeo kính của ông ấy khi ông nói một cách bình thản “Đau không?”, và con liên tục lắc đầu.
“Ở đây tốt chứ?”
“Ở đây không đau à?”
“Không đau.”
Con được chích một mũi thuốc, và trên đường về nhà, con lại bị ói. Con khom người xuống ga tàu điện ngầm, lưng dựa vào bức tường lát gạch. Con đếm trong khi chờ cơn đau dịu đi. Bác sĩ đã bảo con phải thư giãn, cô hiểu chứ, phải có những suy nghĩ thoải mái và điềm tĩnh. Mọi thứ đều phụ thuộc vào tâm trí, ông nói, ngâm nga như một vị thầy Phật giáo. Suy nghĩ điềm tĩnh, suy nghĩ thoải mái, một, hai, ba, bốn, sự bình yên vô tận, đếm trong khi cố gắng không ói mửa... cơn đau khiến mắt con đẫm lệ, những cơn co giật siết chặt con khi con nôn ra chất chua trong bao tử, một lần nữa, một lần nữa, cho đến khi cuối cùng không còn gì nữa và con có thể để mình chìm xuống sàn. Con chờ đợi mặt đất đang rung chuyển sẽ ngừng lại, đồ chết tiệt, ngừng lại đi thôi.
Đã bao lâu rồi nhỉ?
*
Mẹ ơi, con cứ mơ cùng giấc mơ như vậy. Con mơ thấy mình cao lớn như một cây dương. Con xuyên qua mái ban công và xuyên qua mái của tầng trên, tầng mười lăm, tầng mười sáu, xuyên qua bê tông và các thanh chịu lực cho đến khi con xuyên qua mái nhà ở tầng cao nhất. Những bông hoa như ấu trùng màu trắng ngọ nguậy nở rộ ở đầu mút chân tay của con. Khí quản của con hút nước trong, căng đến mức có vẻ như nó sắp vỡ, ngực con nhô lên đến tận trời và con cố gắng duỗi từng nhánh cây. Đây là cách con thoát khỏi căn hộ này. Mẹ ơi, đêm nào, đêm nào con cũng mơ như vậy.
*
Chuỗi ngày đang trở nên lạnh hơn. Hôm nay, thế giới này cũng sẽ chứng kiến nhiều chiếc lá rụng xuống đất, nhiều con rắn lột da, nhiều loài côn trùng trút bỏ cuộc sống nhỏ bé của chúng, và nhiều con ếch bắt đầu ngủ đông sớm hơn một chút.
Con cứ nghĩ đến chiếc áo len của mẹ. Ký ức về mùi hương của mẹ không còn rõ ràng nữa. Con muốn nhờ anh ấy phủ nó lên người con, nhưng giờ con không còn nói năng được nữa. Con có thể làm gì đây? Anh ấy khóc khi thấy con héo mòn, và anh ấy cũng tức giận. Như mẹ biết, con là tất cả gia đình mà anh ấy có. Con có thể nhận ra những giọt nước mắt ấm áp của anh ấy hòa vào nước khoáng mà anh ấy đổ lên người con. Con có thể cảm nhận được các phân tử không khí bị xáo trộn, bàn tay nắm chặt của anh ấy tung ra những cú đấm khắp nơi không có chủ đích.
*
Con sợ lắm, Mẹ ạ. Chân tay con phải rụng ra. Chậu hoa này quá chật chội, thành chậu quá cứng. Đầu rễ con đau nhói. Mẹ ơi, con sẽ chết trước khi mùa đông đến.
Và con đâm nghi ngờ rằng con sẽ lại nở hoa trên thế giới này.
8.
Đêm hôm đó, khi tôi trở về từ chuyến công tác xa, sau khi dội ba chậu đầy nước vào người vợ, bà nôn ra một bãi chất chua từ trong dạ dày có màu vàng. Tôi nhìn đôi môi bà nhăn lại và nhanh chóng khép lại, thịt hòa với thịt, ngay trước mắt tôi. Những ngón tay run rẩy của tôi mò mẫm trên đôi môi nhợt nhạt đó, cuối cùng tôi nghe thấy một giọng nói yếu ớt, yếu đến nỗi tôi không thể nghe rõ bà đang nói gì. Đó là lần cuối cùng tôi nghe thấy giọng nói của vợ mình. Sau đó, không còn một tiếng rên rỉ nào nữa.
Một chùm rễ dày màu trắng đâm ra từ đùi trong của bà. Những bông hoa đỏ thẫm nở rộ khỏi ngực bà. Hai nhị hoa, đầu màu trắng, gốc dày và vàng, đâm xuyên qua núm vú của bà. Khi đôi tay đưa lên của bà vẫn còn một chút lực, vợ tôi muốn ôm chặt lấy cổ tôi. Nhìn vào đôi mắt ấy, trong đó vẫn còn một chút ánh sáng yếu ớt, tôi cúi xuống để đôi bàn tay có đầy cánh hoa trà đó ôm lấy. ‘Em vẫn không sao chứ?’ Tôi hỏi. Đôi mắt bà, một cặp nho chín mọng có vỏ lấp lánh, một nụ cười ma quái.
Khi trời vào thu sâu hơn, tôi được chứng kiến một ánh sáng màu cam trong trẻo dần thấm vào người vợ tôi. Khi tôi mở cửa sổ, đôi cánh tay dang rộng của bà sẽ đung đưa nhẹ nhàng, chuyển động theo luồng gió.
Khi mùa thu sắp tàn, những chiếc lá của bà bắt đầu rụng từng đôi ba chiếc. Cơ thể bà từ từ chuyển từ màu cam trước đây sang màu nâu đục.
Tôi nghĩ đến lần cuối tôi ngủ với vợ.
Thay vì mùi chua chua của chất nước trong cơ thể, một mùi hương ngọt ngào thoang thoảng, xa lạ đã tỏa ra từ vùng thân dưới của vợ tôi. Vào lúc đó, tôi chỉ cho rằng chắc là bà đã đổi sang một loại xà bông khác, hoặc là bà có chút thời gian rảnh rỗi và dành chút thời gian để rắc một vài giọt nước hoa xuống đó. Tất cả những điều đó đã xảy ra từ bao lâu rồi?
Bây giờ, hình dáng của bà hầu như không còn dấu vết gì của loài lưỡng túc bà đã từng là chúng. Tròng mắt của bà, bây giờ dường như đã biến hình thành những quả nho tròn sáng bóng, đang dần bị chôn vùi trong những cành cây màu nâu. Vợ tôi không thể nhìn thấy gì nữa. Bà thậm chí không thể uốn cong các đầu cành. Nhưng khi tôi ra ngoài ban công, tôi cảm thấy một cảm giác mơ hồ đánh bại mọi ngôn ngữ, giống như một dòng điện nhỏ chạy từng luồng từ cơ thể bà truyền vào tôi. Khi những chiếc lá trước kia từng là bàn tay và mái tóc của vợ tôi đã rụng hết, rồi nơi môi bà từng đan vào nhau nứt ra, làm bung ra một nắm quả, cái cảm giác đó kết thúc như một sợi chỉ mỏng đứt ngang.
Những trái nhỏ xíu đã bung ra hàng loạt như trái lựu; tôi gom chúng trong tay và ngồi xuống bực cửa nối ban công với phòng khách. Những trái này, lần đầu tiên tôi được thấy, có màu xanh lục hơi ngả vàng. Và chúng cứng, giống như những hạt hướng dương người ta dọn lên bàn cùng với bắp rang, như một món nhắm kèm theo bia.
Tôi nhặt một trái, bỏ vào miệng. Vỏ mịn và hoàn toàn không có mùi vị gì. Tôi nhai nó. Trái của người phụ nữ duy nhất tôi từng có trên trái đất này. Thứ đầu tiên mà vòm miệng tôi cảm nhận được là một hương vị chua, gần như cay nóng, và nước trái cây bám vào gốc lưỡi tôi có dư vị đắng chát.
Ngày hôm sau, tôi mua một tá chậu hoa nhỏ, tròn, và sau khi đổ đầy đất màu mỡ vào, tôi trồng những trái này vào đó. Tôi xếp những chậu hoa nhỏ cạnh chậu hoa của người vợ héo úa của mình, và mở cửa sổ. Tôi nhoài người ra ngoài lan can và hút một điếu thuốc, thưởng thức mùi cỏ tươi mới đột nhiên nở rộ từ phần dưới của vợ tôi. Cơn gió lạnh cuối thu làm xáo động làn khói thuốc lá, mái tóc dài của tôi.
Khi mùa xuân đến, liệu vợ tôi có nảy mầm trở lại không? Liệu những bông hoa của bà có nở đỏ không? Tôi chẳng thể biết.
Nguyễn Hiền
Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhocnghethuat/van/traicaycuabavotoi.html