Nguyễn Lê Hồng Hưng


Tình thương quê ngoại

   

Sông sâu cá lặn mất tăm
Chín tháng cũng đợi mười năm cũng chờ...
                                 (Ca dao)

Trên chuyến tàu đò Cà Mau - Thới Bình hành khách trật tự ngồi yên khi nghe một hồi kèn báo hiệu tàu rời bến. Thủy quỳ gối trên băng tàu, tay chống càm gát trên thành cửa sổ, mặt ngó ra ngoài. Hai dãy nhà bên bờ sông xoay dần theo chiều quay của con tàu. Khi tàu de ra, hướng mũi ngay ngắn nằm gọn giữa dòng sông, bác tài công liền rù ga trực chỉ hướng ra vàm Tắc Thủ.

Thủy nhớ lại hồi còn nhỏ, mỗi dịp theo má từ Thới Bình lên Cà Mau, trên chiếc đò máy cũ kỹ, chạy cà xì cà xịt như con rùa bò mất hết cả ngày. Vậy mà vui làm sao đâu. Mỗi khi nghe còi hụ, Thủy thỏ thẻ bên tai má: “Má, má, tàu xúp lê”. Bây giờ tiếng xúp-lê không còn xài nữa, người ta gọi kèn tàu hay tàu hụ gì đó. Những tiếng gọi theo trào lưu thay đổi, mọi vật theo thời gian đổi thay. Hồi đó tàu cũ kỹ, máy nhỏ, chạy chậm, thiếu tiện nghi, khoang tàu hẹp té. Hành khách, heo, gà, vịt, rau cải hành hẹ... chồng chất chung trong khoang. Heo la ột ột, vịt kêu cạp cạp, gà kêu chét chét. Người đi tới đi lui chen chúc càn lên nhau, đạp chưn đau la chói lói. Bây giờ tàu sạch sẽ, có băng ngồi bằng ván gõ bóng loáng từ sau lái tới trước mũi. Có bán cả bánh mì thịt, cơm dĩa nữa. Mấy em nhỏ bán cà-rem quảy bình đi tới đi lui, rao ơi ới.

Thới Bình là quê hương của Thủy hồi còn nhỏ. Ngày trước, ba má Thủy cưới nhau rồi sanh sống ở đây cùng bên ngoại. Quê nội Thủy ở Tắc Vân. Năm Thủy lên mười tuổi, chiến tranh bùng lên quá nặng, ba Thủy dẫn hết gia đình dọn về Cà-Mau.

Tuy theo gia đình lên tỉnh từ khi còn nhỏ, nhưng quê ngoại vẫn in sâu trong trí nhớ. Thủy nhớ Thới Bình nằm bên bờ sông Trèm Trẹm, với con nước màu trà quanh năm không thay đổi. Nhứt là mùa mưa nước ngập tràn bờ, lục bình bông tím lá xanh trôi đặc cả mặt sông. Thủy cùng chúng bạn, con Nga, con Hương, thằng Hiếu, thằng Minh, rủ nhau lội xuống mé, lựa những bẹ lục bình mập, cắt đem về bày trò cúng cuội bên bờ tre. Bắt chước trong quyển sách giáo khoa nào đó mà Thủy quên mất, chỉ nhớ là lấy bẹ lục bình làm ổ bánh mì, bông lục bình tím cắm trong chiếc bình nắn bằng đất sét, chặt nhánh đu đủ làm lọng, lấy viên gạch làm mâm trầu cùng nhau chơi trò đám cưới. Con Hương làm bà mai, về nhà ăn cắp khăn rằn đội đầu. Con Nga làm má, về nhà ăn cắp vôi, trầu, cau. Minh làm rể phụ. Hiếu làm rể chánh. Thủy hân hạnh được làm cô dâu. Những kỷ niệm xưa hiện về như mới hôm qua làm lòng Thủy dâng lên một niềm yêu thương man mác, tưởng như cơn gió đồng nội thổi ngang lũy tre còn vướng vít bên tai. Mấy năm nay Thủy không được về quê ngoại, tức ghê. Trong gia đình chuyện gì ba má cũng biểu nhường cho các em trước, đến việc về thăm Ngoại cũng bắt Thủy nhường. Mỗi lần tụi em về quê ngoại trở lên, chúng kể nào lội ruộng câu cá, bắt ốc bươu luộc lá ổi chấm mắm ớt ăn chơi, hái bình bát trộn đường dầm chung nước đá, leo dừa, ra bờ thành chiến lược đục ống tre mục, bắt ong bầu về lật đít thùng thiếc, trùm chiếc khăn lên, bỏ ong vô rồi dằn cái đĩa phía trên mình con ong cho nó kêu è, è... nghe giống như tiếng hát máy hồi xưa hết dây thiều...

Ngồi bâng quơ nghĩ về quê ngoại đã bao năm trời xa cách, bỗng chợt tàu tốp máy. Anh bạch-lô đứng trước mũi khòm đầu vô mui nói lớn:

“Bà con nào lên Tắc Thủ mau chuẩn bị hành lý! Còn cô kia, bộ muốn đứt đầu sao mà giơ cái cần cổ dài thòn ra ngoài thành cửa sổ vậy?”

Nãy giờ lo nhìn trời, nhìn nước, nhìn bờ mơ mộng lung tung, Thủy quên sự nguy hiểm khi đi tàu đò mà ló đầu ra cửa sổ, rủi hai chiếc đò cặp nhau, thành tàu dập lại không đứt đầu cũng dập trán. Nghe anh bạch-lô tàu nạt lớn, Thủy dòm lại thấy anh ta nhìn mình lom lom, cười cười chế giễu, cô ngồi ngay ngắn, bẽn lẽn thẹn thùng tay mân mê tà áo.

Sau khi hành khách đã lên bến hết, tàu de ra day mũi. Trên bờ một anh lính nghĩa quân tay xách túi quân trang, đầu đội nón vải lúp thúp từ trong đồn chạy dọc theo bờ sông, tay giơ lên ngoắt lia ngoắt lịa. Bác tài phải tốp máy tấp vô bến lần nữa để rước anh ta. Thủy đang nôn nóng với ngày về, lại thấy cái anh nghĩa quân bê bối làm nàng nổi xung, mặt ụ xuống nhìn anh lính nọ không cảm tình.

Anh lính xuống tàu, thẩy gói quân trang vô góc rồi lại đứng bên cạnh bác tài công, móc thuốc ra mời bác. Có lẽ hai người quen nhau hay sao mà trông họ nói chuyện vui vẻ lắm. Nhìn anh lính, Thủy thấy quen quen, cố moi trí nhưng không nhớ nổi là ai.

Tàu ra khỏi ngã ba Tắc Thủ, rẽ vô nhánh sông Trèm Trẹm, lòng Thủy lâng lâng một niềm vui, khi biết một lát nữa đây quê ngoại sẽ hiện ra bên vườn dừa cao lao xao trên mái lá.

Vô tới ngã sông nầy, một hồi tàu rú ga chạy thiệt nhanh, một hồi bớt ga chạy chầm chậm. Hỏi người ngồi cạnh bên, Thủy mới biết tàu chạy nhanh khi nào hai bên bờ không có xuồng khẳm, nếu thấy xuồng khẳm mà không bớt máy, sóng tàu vỗ vô bờ, lỡ xuồng chìm thì chủ tàu phải chịu bồi thường. Thiệt vậy, hai bên bờ sông có nhiều xuồng chèo xuôi ngược, người đứng chèo thường là phụ nữ, đầu đội nón lá, bận áo bà ba, quần lãnh đen, hai tay nắm chặt cán chèo đẩy đưa trông thảnh thơi lắm. Dọc trên hai bờ sông, từng khuôn dừa nước cách khoảng theo nhiều bụi rậm. Xa xa cánh đồng rộng thẳng cánh cò bay thấp thoáng những vườn dừa.

Tàu ghé bến Thới Bình, quê ngoại của Thủy đây rồi! Những bạn hàng đón trên bến, hấp tấp xuống nhận hàng. Những hành khách mặt hớn hở vui tươi nối nhau lên bến. Người nào cũng có giỏ trái cây và chục ổ bánh mì xách tòn ten cùng hành lý. Thủy cũng bánh mì, trái cây, hành lý và còn thêm bọc vôi nàng mua cho ngoại nữa. Thủy ì ạch tay xách, nách mang bước lên bực cửa. Anh lính hồi nãy giờ đứng nép một bên nhường cho người ta lên trước. Đi ngang anh lính, vô tình chiếc khăn tay rớt xuống khoang tàu. Anh nhanh tay lượm lên giơ cho Thủy, Thủy nói:

“Cám ơn anh.”

Anh lính cười làm quen:

“Có nặng lắm hôn? Tui phụ xách dùm cho một giỏ lên nhà lồng chợ.”

“Cám ơn anh, tui xách được.”

Anh lính nhằn nhừ định bước đi, nhưng thấy Thủy khệ nệ chuyền từng giỏ đồ lên bến một cách khó khăn, anh nhanh tay tiếp mấy giỏ đồ lên bến. Xong không đợi Thủy cám ơn, anh bỏ đi lên chợ một nước.

Bảy năm về trước, khu chợ Thới Bình chỉ lèo tèo vài ba tiệm hàng xén. Sân chợ trống trải dành cho mấy bà, mấy chị bán rau cải, cá đồng nhóm vào hừng đông. Hàng thịt heo là một chiếc thau lớn, bày dọc theo góc chợ kia. Ngày nay, chợ có nhà lồng rộng lợp thiếc, những dãy nhà lợp ngói, vách tường tô vôi chen lẫn những mái lá khang trang. Chiếc cầu ngang nối liền từ ấp chiến lược ngày trước bằng ván nhỏ hẹp rung rinh, bây giờ vững chắc với thành sườn xi-măng cốt sắt cao ráo, rộng rãi.

Đi khỏi chiếc cầu, con đường đất đỏ nung ngày nào vẫn còn nguyên vẹn, lũy tre xanh trông lớn bùm xùm hơn hồi đó. Cây cầu khỉ dẫn vô nhà ngoại bây giờ cũng được cất lại bằng cầu xi-măng. Thủy tung tăng như hồi nhỏ, nàng quên luôn cơn nắng gắt mệt lả mồ hôi và những túi đồ lủng lẳng nặng trĩu hai tay.

Ngôi nhà ngoại vẫn lợp lá ba gian không thay đổi, duy có bụi trúc già chưa kịp đốn, nhành lá sum sê rào rạt vang tiếng theo con trốt nhỏ xoáy ngang. Quanh sân nhà là hàng rào bông bụp. Giữa sân nối liền lên mái lá là một giàn mướp trái dài, no tròn treo lủng lẳng, cạnh bên một luống mồng tơi giơ lá xanh xanh tím tím, cuốn bò quanh hàng rào mắt cáo. Thủy bước nhanh vô cổng rào, đi trên con đường nhỏ hẹp. Gần tới hàng ba, con chó đen đang nằm ngáp ruồi trước cửa đứng dậy nhào ra hừng hực sủa mừng. Tiếp theo, cậu Út từ trong nhà đi ra, cậu la “chó, chó”. Chợt thấy Thủy giọng cậu vừa ngạc nhiên vừa mừng rỡ:

“Ủa! Con Thủy!”

Thủy ríu rít:

“Cậu Út, con nè.”

Cậu Út đi nhanh ra tiếp lấy giỏ đồ, rồi day vô nhà gọi lớn:

“Má ơi má! Con Thủy dìa rồi!”

Bà ngoại từ trong nhà bước ra, thấy hai người cũng vừa vô tới cửa, ngoại mừng rỡ ôm chầm lấy Thủy vuốt ve:

“Chời ơi, con dìa sao hổng nhắn cho ngoại biết để ngoại ra ngoại đón. Ba má với mấy đứa em con có dìa hôn?”

“Hông, con dìa có mình ên à ngoại.”

Cậu Út lấy mấy giỏ đồ để qua bộ ván gõ. Mợ Út từ nhà sau chạy lên:

“Con Thủy đó hả! Mèn ơi, con nhỏ lớn quá chừng, mới hồi nẳm tui ra thăm anh chị ở ngoải, nó còn nhỏ xíu mà bây giờ lớn xộ như vầy. Mầy dìa chơi lâu hôn mậy?”

“Con hổng chừng nữa mợ, nhưng chắc chơi lâu mà.”

Ngoại ôm Thủy vuốt ve một hồi, thỏa mãn nỗi nhớ nhung, bà mới buông Thủy ra, nói:

“Con ra nhà sau tắm rửa đi, còn cơm nước nữa, trời xế rồi, đi từ sáng tới giờ chắc con đói lắm.”

Cậu Út đứng bên khôi hài:

“Con nhỏ nầy mà đói, ăn hàng như giặc...”

Thủy phụng phịu:

“Cậu kìa!”

Mấy đứa con cậu Út đi chơi đâu đằng xóm, hay tin chúng chạy về bu quanh Thủy ríu rít:

“Chị Hai kìa! Chị Hai dìa!”

Thủy lấy bánh mì chia cho mấy đứa em mỗi đứa một ổ, đám con nít hàng xóm nghe Thủy về cũng đến mừng, đứng lấp ló ngoài cửa. Thủy cũng bẻ bánh mì chia cho mỗi đứa một phần. Xong đâu đó cô đem trái cây ra nhà sau rửa sạch, sắp vô đĩa rồi để lên bàn thờ cúng ông ngoại. Nhà ngoại hôm nay vui nhộn lên nhờ có người thân từ tỉnh mới về thăm.

Chiều hôm ấy, Thủy tìm đến nhà Hương, được nhà cho biết Hương đã lấy chồng về Miệt Thứ, còn Nga thì theo chồng về Thạnh Mỹ. Hỏi tới Hiếu thì được biết chàng đi nghĩa quân hiện đóng đồn ở ngã ba Tắc Thủ. Nghe tới đây Thủy chợt nhớ tới anh chàng lính trẻ hồi trưa gặp ở dưới tàu đò... Sau khi hỏi thăm ba điều bốn chuyện, Thủy từ giã gia đình ba má Hương trở về.

Trên con đường đất đỏ nung, lúc chiều về càng thêm vắng vẻ. Trời chưa tối mà trăng đã treo tuốt trên đầu ngọn tre. Chim sâu dưới bụi ô rô chim chíp giành chỗ ngủ. Đến bụi tre Thủy dừng lại, dấu vết trống trải ở dưới gốc tre chứng tỏ đám trẻ trong xóm cũng thường ra đây chơi trò cúng cuội. Kỷ niệm ngày thơ thoáng chút ngậm ngùi. Lúc đó từ sau lưng có tiếng chưn người, Thủy ngó qua, tim nàng đánh thình thịch khi thấy người thanh niên hồi trưa dưới tàu đò, quần tây xanh, áo sơ mi trắng ngắn tay đi trên con đường đất đỏ tiến về phía nàng đứng. Tới nơi, anh chàng lựng khựng lại nhìn nàng cười mỉm.

Anh ta hỏi:

“Làm gì mà đứng ngó quanh ngó quất vậy cô?”

Không hiểu sao Thủy lính quính. Hồi sau nàng mới tìm ra câu trả lời, giọng nàng lí nhí:

“Lâu quá mới dìa đây, thấy cái gì cũng lạ hết.”

Được nước, anh chàng bắt chuyện tiếp:

“Cô từ tỉnh dìa chơi?”

“Không phải, tui dìa thăm ngoại tui.”

“Vậy à! Mà nhà ngoại cô ở đâu vậy?”

Thủy giơ tay chỉ qua bên kia con rạch:

“Nhà ngoại tui ở bên đó đó.”

“Ủa! Cô là cháu bà Năm?”

“Ừa...”

Người con trai không giấu được nỗi vui mừng trên nét mặt:

“Xin lỗi, cô có phải là cô Thủy không?”

“Phải... ủa... mà... anh... là...???”

Thủy ngập ngừng câu nói, người con trai liền giới thiệu:

“Tui là Hiếu nè, cô còn nhớ tui hôn?”

Mặc dầu đoán trước là Hiếu, nhưng khi nghe chàng tự giới thiệu, Thủy vẫn cảm thấy lòng vừa thẹn, vừa mừng vui:

“Nhớ chớ sao không, hồi trưa nầy ở dưới tàu đò nhìn mặt anh quen quen, rồi chiều có nghe má con Hương nói, tui sanh nghi, ai dè lại đúng.”

Nói được bao nhiêu, tự nhiên hai người ngó trời, ngó đất, ngó mông lung. Không khí trở nên trầm lắng. Hồi sau Hiếu cất giọng buồn buồn:

“Từ ngày cô đi, bạn bè vẫn sống với nhau vui vẻ, đôi khi cũng có nhắc cô. Mấy năm trước đây Hương, Nga đều lần lượt lấy chồng đi xa hết. Bạn trai thì vô lính mỗi đứa một nơi, mấy năm sau nầy ít gặp. À, cô còn nhớ thằng Minh sún hôn?”

Thủy đáp vội:

“Nhớ, cái anh hồi đó leo cau một cây, bây giờ ảnh ở đâu?”

“Nó chết hồi năm ngoái, lúc quận Hiếu Lễ mới khánh thành.”

“Tội nghiệp ảnh.”

Nói được bấy nhiêu Thủy nghẹn lời, rồi tự nhiên hai hàng nước mắt chảy dài hai bên má. Hiếu buồn bã, đớn đau cũng như Thủy chớ có khác gì đâu. Cả hai người im lặng, không nói gì hết và cùng lầm lũi bước đi vô xóm.

Gà vừa gáy đợt chót, Thủy đã giựt mình thức giấc. Cô lật đật tung mền bước ra khỏi giường. Thấy nhà sau đèn thắp sáng trưng, cô men xuống. Mợ Út đang dọn cơm, còn cậu thì ngồi xếp bằng trên ván. Thấy Thủy xuống, mợ hỏi:

“Sao con thức sớm vậy ?”

Thủy nói:

“Sao con nôn quá mợ à.”

Cậu Út ngồi bên chen vô:

“Đi chợ mà mà cũng nôn, con ra rửa mặt đi rồi vô ăn cơm với cậu mợ luôn thể.”

Thủy cười:

“Mới sáng sớm mà ăn cơm, con ăn hổng vô đâu.”

Mợ Út:

“Ở nhà quê là vậy đó, con hổng ăn bây giờ, trưa đói chết.”

Cậu Út quay qua mợ Út:

“Thôi, một lát mình nói với sắp nhỏ xách tô ra chợ mua bún cho cháu.”

Thủy nói:

“Cậu mợ ăn đi, một lát nữa con ăn với ngoại.”

Nói đoạn Thủy sửa soạn đi ra nhà sau đánh răng, rửa mặt rồi vô buồng chải tóc. Lát sau cô trở ra thì cậu Út đã đi ra đồng hồi nào rồi, còn mợ đang lo dọn dẹp chén đũa ra sàn lãng nhà sau. Thủy bước đến giành rửa chén và hối mợ sửa soạn đi chợ. Mợ chiều theo ý cô nhưng cằn nhằn:

“Cái con kì cục này, mới tảng sáng mà đòi đi chợ.”

“Con muốn coi người ta nhóm chợ sớm.”

Mợ Út hứ một tiếng rồi đi vô buồng. Một hồi sau Thủy đã rửa xong hết mớ chén đũa úp lên sống chén bên hè. Khi trở lên nhà trên thì mợ Út áo quần tươm tất, đang vấn chiếc khăn lên đầu. Xong mợ mới ra nhà sau lấy chiếc giỏ tre cầm tay cùng Thủy đi chợ.

Chợ Thới Bình nhóm vào lúc ban sáng. Xuồng ba lá từ trong ruộng chèo ra đậu san sát nhau bên bờ sông, không giống như chợ nổi, họ khiêng hàng hoá lên để trên khoảng đất trống. Mấy bà mấy chị ngồi chồm hổm bán cá đồng đựng trong chiếc thau nhôm tổ chảng, cá lóc con nào con nấy lớn bằng bắp chưn; cá rô mề đen lườm lớn bằng bàn tay xoè; cá trê vàng, cá trê trắng lóc ngóc giơ râu. Trong cái thùng vuông lớn, lươn con nào con nấy bằng cườm tay, vàng ối; rắn, rùa để riêng nhau trong từng bội, con le lưỡi, con thụt đầu. Rau muống, rau ngổ óng, rau đắng, lá mồng tơi, bầu bí, mướp hương... thứ nào cũng tươi rói.

Trong nhà lồng chợ, bên những thớt thịt heo, mấy anh ba tàu nện dao bôm bốp, ra thịt xong, treo lủng lẳng ở phía trên. Còn mấy chị bán bún nước lèo, bánh bèo, bánh chuối chưng, cháo lòng dọn chén đũa trên một chiếc sạp. Bên cạnh, mấy chị bán bánh ú, bánh dừa, xôi ngồi một bên, trước cái xửng chờ người tới mua.

Thủy dắt tay mợ Út đi hết hàng cá qua hàng rau, lên hàng thịt, ngang hàng bánh mà chưa mua được gì hết, miệng cứ tấm tắc khen vui. Mợ Út nóng lòng hối Thủy:

“Con mua gì thì mua lẹ lẹ rồi dìa, mợ còn phải lo cơm cho cậu con. Ông đó xấu đói lắm, hôm nào trễ bữa là ổng cằn nhằn cho nhức xương.”

Thủy lưỡng lự rồi buông tay mợ Út:

“Hổng ấy mợ coi cá tôm gì đó mợ mua dìa trước đi, một lát nữa con dìa sau.”

Thấy Thủy nằng nặc như vậy, mợ mới bỏ đi xuống bến mua những vật cần thiết rồi đi về trước.

Thủy tiếp tục rảo bước đi ngang qua mấy hàng quán. Các chú nông dân đang ngồi phì phèo hút thuốc bên ly cà phê. Thình lình có tiếng kêu vọng ra từ trong quán:

“Cô Thủy!”

Thủy ngó vô, thấy Hiếu ngồi bên chiếc bàn ngoài cửa góc quán. Anh giơ tay ngoắt Thủy, miệng mỉm nụ cười. Thủy ngần ngừ một chút rồi bước lại gần Hiếu, hỏi:

“Anh mần gì mà ra đây sớm vậy?”

Hiếu không trả lời thẳng mà nói:

“Cô ra sớm hơn tui.”

“Sao anh biết?”

“Vậy mới hay chớ.”

Hiếu đứng dậy kéo ghế bên kia ra mời:

“Ngồi ăn sáng cho vui.”

Thủy khép nép đi vô và ngồi xuống đối diện. Nàng kêu một ly cà phê sữa. Hiếu ép Thủy ăn thêm tô bún nước lèo.

Thủy nói:

“Lâu quá mới về quê, thấy cái gì cũng lạ hoắc.”

Hiếu lại mỉm cười:

“Vậy hả? Còn tui, tui thấy cô cũng lạ nữa.”

“Lạ chỗ nào đâu?”

“Cô bây giờ chợ thiệt là chợ vậy đó.”

“Sao là chợ, sao là đồng?”

“Tui hổng biết, có điều thấy cô bây giờ lạ quá chừng đi.”

“Thì anh cũng lạ vậy.”

Hiếu hỏi lảng sang chuyện:

“Hồi hôm cô ngủ ngon hôn?”

Thủy bẽn lẽn cúi đầu:

“Anh hỏi chi vậy?”

Hiếu rút điếu thuốc châm rít một hơi phà khói rồi nói vu vơ:

“Hồi hôm dìa nhà, tui trằn trọc cho tới sáng.”

“Sao kỳ cục vậy?”

“Lâu lắm rồi tui mới được nói chuyện với bạn bè cũ cho tới khuya như hồi hôm nầy.”

“Chỉ có vậy thôi mắc mớ gì mà anh hông ngủ được?”

“Tui hổng biết.”

Câu nói vô nghĩa của Hiếu, chợt làm Thủy ngậm ngùi, nàng cúi xuống mân mê tà áo:

“Tui hổng được như anh.”

Lúc đó người chạy bàn bưng hai tô bún ra để lên bàn rồi đi trở vô lấy dĩa chanh ớt và ống đũa ra mời hai người. Hiếu bỏ điếu thuốc xuống đất, lấy gót giày dẫm lên dụi cho tắt rồi so đũa giơ qua cho Thủy:

“Nè, ăn đi.”

Sau khi ăn xong, Thủy lấy khăn tay lau miệng, Hiếu châm điếu thuốc rít một hơi phà khói, chàng hỏi:

“Chừng nào cô dìa trển?”

Thủy hớp miếng cà phê, để ly xuống đáp:

“Có lẽ hết tháng nầy. Còn anh, chừng nào anh trở lợi đồn Tắc Thủ?”

“Thì chừng nào hết bảy ngày phép.”

“Vậy à, mau quá hén.”

“Sao, cô dìa đây thấy buồn hơn ở tỉnh hôn?”

“Vui thấy mồ.”

“Vui sao hổng dìa ở luôn?”

“Tui muốn lắm chớ, nhưng ba má tui hổng cho.”

“Sao vậy.”

Thủy buông thõng một câu:

“Sợ Việt cộng lắm.”

Hiếu cúi xuống, ngón tay búng búng tàn thuốc, giọng buồn buồn:

“Phải chi đừng có chiến tranh, bạn bè còn đông đủ thì vui biết mấy.”

Thủy nhìn Hiếu cười cười rồi đổi sang câu chuyện:

“Chừng nào anh cưới vợ?”

Thay câu trả lời, Hiếu hỏi ngược lại:

“Còn cô, chừng nào lấy chồng?”

Thủy bẽn lẽn đỏ cả mặt mày:

“Tui còn nhỏ mờ.”

“Hương với Nga đã có con rồi đó.”

“Ờ... mà tụi nó thì khác...”

Nói tới đây, Thủy đưa mắt ngó ra ngoài sân. Ánh nắng đã lên cao, Thủy đứng dậy từ giã Hiếu trở về.

Hồi trào Ngô Đình Diệm, chính quyền có làm một bờ thành chiến lược, bao bọc phía ngoài một xóm lá nên người ta gọi xóm nầy là ấp chiến lược. Trên bờ thành có hàng rào tre vạt nhọn, mặt ngoài thành chông cắm có hàng khít nhau, chen chưn không lọt. Bây giờ hàng rào mục nát, mặt thành nhẵn dấu chưn người, hai bên có hoa cỏ dại mọc phủ, đọt giao nhau chạy dọc theo con đường mòn ngoằn ngoèo ven theo bờ ruộng.

Thủy đầu đội nón lá, tay cầm cần câu trúc, tay xách chiếc giỏ tre, đi chưn đất. Nàng đi thẳng trên con đường mòn, và thả câu bên mấy cái vũng. Thủy không được vui lắm, vì từ sớm tới giờ nàng câu chỉ được có mấy con cá rô tôm tích. Thấy cái màn câu theo vũng coi bộ không khá, nàng mới lội ven vô vườn tìm một cái ao có cá nhiều thả cho chắc ăn. Ngồi dưới gốc dừa cạnh bờ ao, câu hoài vẫn không có cá. Thủy tức mình lẩm bẩm:

“Tức ghê, hay là tại mình hông sát cá?”

Thủy thay mồi liền liền, mỗi lần thả câu xuống, nàng quất đọt cần câu trên mặt nước lõm bõm. Bất chợt bên kia bờ ao có tiếng hỏi:

“Nãy giờ câu đủ kho một nồi chưa cô ?”

Thủy đỡ vành nón ngó qua bên kia, thấy Hiếu bận đồ bà ba đen kiểu xây-dựng-nông-thôn, đứng khoanh tay, lưng dựa vô gốc dừa, mặt tươi cười. Thủy ụ mặt:

“Sớm tới giờ được có mấy con cá rô tôm tích đó.”

Hiếu đi vòng qua đến đứng sau lưng Thủy dòm vô chiếc giỏ:

“Giác nầy mà câu được bao nhiêu đó là hay lắm rồi.”

Thủy hấy Hiếu một cái:

“Anh chọc quê tui đó hả?”

“Ai mà chọc quê cô làm chi, trưa nắng chang chang như vầy câu làm sao cá ăn.”

“Sao kỳ vậy?”

“Trưa nắng nóng, cá dầm dưới đáy ao, biếng lội cũng như biếng ăn.”

“Thiệt hôn?”

“Thiệt mà, hổng tin cô dìa hỏi cậu Út coi.”

Hiếu đi qua, đứng nép mình bên gốc dừa. Thủy cắm cần câu bên mép đìa rồi men lên đứng cạnh Hiếu:

“Trưa anh không nghỉ sao mà ra đây?”

Hiếu nói câu không ăn nhập gì đến lời Thủy hỏi:

“Tui tới nhà mà hông thấy cô, hỏi bà Năm mới biết cô ra đồng từ sau bữa cơm sáng, tui mới lội ra chơi cho vui. Trưa đi dọc theo con đê ra cánh đồng kia đẹp lắm, cô đi dạo với tui nhe?”

“Ờ, đi thì đi.”

Nói đoạn Thủy bước theo Hiếu men con bờ nhỏ thẳng ra cánh đồng. Trên cánh đồng rộng, vài chiếc máy cày đang chạy tới lui trên khuôn đất. Những nơi đã được cày, từng đám đất lật lên lổm chổm. Bên phía đất chưa cày, đất vàng trơ màu rạ rũ. Xa xa, cánh đồng xanh xanh màu cỏ, vài con trâu vẫy đuôi ngáp vặt.

Hiếu dừng lại, giơ tay chỉ qua đồng cỏ, nói:

“Bên kia cánh đồng cỏ xanh có trâu gặm cỏ, cảnh sắc hợp với thiên nhiên, nếu không có những chiếc máy cày kia thì dãy ruộng nầy là một bức tranh tuyệt đẹp.”

Thủy cười khúc khích:

“Anh làm thơ đó hả?”

Hiếu trả lời rất hồn nhiên:

“Ước gì tui là một nhà thơ, tui sẽ có muôn lời ca ngợi cảnh đẹp của Thới Bình thôn.”

“Trông anh cũng giống thi sĩ lắm, nhưng trâu với máy cày cùng chung trên cánh đồng, tui thấy cũng đẹp và mới thấy được sự tiến bộ chớ.”

Hiếu đưa tay gãi đầu, day qua nhìn Thủy:

“Ngạo tui chi cô.”

Thủy trầm ngâm giây lát rồi ngó Hiếu cười duyên:

“Ai ngạo anh mà làm gì! Thấy anh thiết tha với cảnh cũ, tui lấy làm lạ đó thôi, nhưng anh quên rằng máy cày thay trâu tiện hơn, lại khỏe trâu khỏe người nữa.”

“Cô có lý và trúng ý nhiều người, riêng tui thì nghĩ khác. Cô nghĩ coi, hồi mình còn nhỏ mặc dầu có chiến tranh, nhưng ở đâu xa lơ xa lắc, trai gái trong làng cứ thản nhiên vui chơi, cày cấy, không bận tâm đến chuyện vu vơ. Rồi từ khi máy móc tối tân xuất hiện thay người, con trai bị bắt đưa ra mặt trận, con gái phải đảm nhiệm việc cày sâu. Có máy móc mà ruộng lại bỏ hoang nhiều hơn trước, ruộng còn lại thiếu người chăm bón nên lúa không được tốt tươi. Đôi khi tui nghĩ, những người ra mặt trận hôm nay để chết thay cho những cái máy của xã hội hiện thời. Thà không có thì thôi, chớ có mà chẳng những vô tích sự còn tai hại thì vứt bỏ tốt hơn.”

Vài giây yên lặng rơi xuống, một lát sau Thủy với giọng trầm buồn:

“Anh Hiếu, hình như anh không hài lòng khi vô lính?”

“Tui nghĩ ai cũng vậy hết cô à,” tự nhiên Hiếu nhìn Thủy đổi giọng thiết tha. “Phải chi chúng mình còn nhỏ như ngày xưa, mình sẽ cùng nhau chơi trò chơi đám cưới, tui sẽ hái bông lục bình tím kết lại cài lên tóc Thủy để tăng thêm vẻ đẹp của cô dâu!”

Thủy cúi mặt hỏi nhỏ:

“Anh muốn nói gì?”

“Câu chuyện lòng.”

Thủy bấm những ngón chưn xuống đất, đất cứng mà nàng ngỡ như đất bùn, tim đập mạnh. Hồi sau bình tĩnh lại, nàng nói:

“Anh làm tui suy nghĩ.”

Hiếu không nói được thêm gì, cứ vu vơ nhìn trời, nhìn đồng rộng, sau đó nắm tay Thủy dắt đi. Nàng ngoan ngoãn theo chàng loanh quanh trên đường đất băng qua đồng cỏ...

Những ngày sau đó, có lúc hai người chèo xuồng thả trôi trên sông Trèm Trẹm và kể nhau nghe câu chuyện dòng sông hồi thuở thanh bình, có câu hò, tiếng hát cao vút những đêm trăng, có gái trai yêu nhau hồn nhiên và nồng thắm...

Rồi bảy ngày phép ngắn ngủi trôi qua, Thủy ra tận bến tàu đưa Hiếu trở về Tắc Thủ. Hồi còi kéo dài chấm dứt cuộc tiễn đưa. Hiếu trở lại với bộ đồ trận, tay xách quân trang, tay cầm nón vải, đứng trên mui tàu phất phất cái nón tới khi chiếc tàu khuất sau con doi. Thủy buồn bã trông theo con tàu từ từ biến mất sau hàng cây, chỉ để lại lằn bọt nước trắng xóa giữa dòng sông.

*

Sau khi tiễn Hiếu đi rồi, Thủy mới thấy lòng buồn trống vắng. Đêm hôm đó Thủy trằn trọc không sao ngủ được. Mãi đến khi nghe tiếng gà gáy vang sau chuồng, nàng chồm dậy gỡ nhẹ chiếc mền bước khẽ xuống, đừng cho tiếng vạt kêu sợ ngoại giựt mình. Thủy lẻn bước ra hàng ba. Giàn mướp trước nhà, trái treo lủng lẳng dưới bóng trăng, lá đen óng ánh những giọt sương đọng. Mảnh trăng khuyết đã nghiêng về phía trời tây. Trời vẫn chưa sáng, chú gà thấy ánh trăng tưởng bình minh nên giựt mình gáy vang báo hiệu.

Thủy rảo bước ra phía bờ sông, đến lũy tre cạnh cây cầu ván. Trong ngôi nhà lá nép dưới dạng vườn dừa, ai đó cất tiếng ru con theo nhịp võng:

Ầu... ơ...
Sông sâu cá lội mất tăm
Chín tháng cũng đợi mười năm cũng chờ
Chờ anh chờ ngẩn chờ ngơ
Chờ hết mùa mận, mùa mơ, mùa đào
Chờ anh cho tuổi em cao
Cho duyên em muộn má đào em phai.
Ầu... ơ...

Tiếng ơ kéo dài rồi chấm dứt. Thủy nghe lòng não nuột trong đêm. Người xưa sao thiết tha quá đỗi, yêu nhau, hẹn hò... đều lồng trong những khúc ca dao. Thủy nghẹn ngào rơi nước mắt, chưn cứ bước thẳng ra bờ sông.

Dưới dòng sông một chiếc xuồng lướt nhẹ, rồi hai chiếc. Ồ không... Một đoàn xuồng nối nhau theo con nước xuôi. Tiếng nghiến kẽo kẹt của những mái chèo càng lúc càng rõ, có cả tiếng nói chuyện nho nhỏ thì thào. Thủy nao nao chờ nghe một câu hò, nhưng bặt nhiên không có, cho đến khi đoàn xuồng đã lướt đi xa. Tự nhiên nàng giận đoàn xuồng vô cớ. Người xưa biết hát biết hò, người nay miệng câm như hến. Đang vu vơ trách đoàn xuồng, bỗng nhiên từ xa có tiếng súng đì đùng vọng lại. Thủy giựt mình trở về thực tại. Nàng nhớ Nga, nhớ Hương, thương cho Minh, buồn cho mình, tội nghiệp Hiếu. Giờ nầy có lẽ anh đang ngồi trên vọng gác cao để lắng nghe và nhìn vô khu rừng nhỏ, coi có bóng giặc nào không. Nhưng giặc là ai? Cũng là người Việt Nam chớ? Thủy bồi hồi lo lắng, nhớ Hiếu quá chừng. Cái anh kì cục, từ giã suông không một lời hứa hẹn, câu chuyện lòng chưa nói hết đã bỏ ra đi. Thủy chợt nhớ lại một bài ca dao trào Pháp thuộc.

Tàu xúp lê một còn mong còn đợi
Tàu xúp lê hai còn đợi còn trông
Tàu xúp lê ba tàu ra biển bắc
Tay anh vịn song sắt, nước mắt anh chảy ròng ròng

Thủy tự trách mình, phải chi hồi sáng hôm qua khi tàu rời bến, nàng khóc để có thêm chút hương vị tình yêu. Tự nhiên nàng bật khóc ngon lành, khóc cho mối tình đầu, khóc cho quê ngoại phân chia. Bên kia bờ sông Trèm Trẹm lại thêm một tiếng súng xé không trung. Thủy hốt hoảng chấp tay cầu nguyện. Nàng nguyện cho Thới Bình trở lại bình yên không tiếng súng, như cái tên Thới Bình đúng nghĩa, để nàng trở lại nghe Hiếu kết thúc câu chuyện lòng. Và sau đó anh sẽ cài bông lục bình tím lên mái tóc, dắt nhau ra lũy tre xanh coi đàn trẻ thơ chơi trò đám cưới. Ngày đó chiến tranh không còn nữa, những người trai ra đi sẽ trở về xây dựng lại quê hương. Để cho quê ngoại được bình yên hòa nhịp theo câu hò tiếng hát thay cho tiếng súng giữa trời khuya.    

Nguyễn Lê Hồng Hưng
(1985)

 

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhocnghethuat/van/tinhthuongquengoai.html


Cái Đình - 2024