Trần Văn Tích


Tiếng nói đầu đời của Cu

   

Chúng tôi sống chung được một năm và bảy ngày thì bà xã tăng gia sản xuất thành công và thằng Cu được Bác sĩ Nguyễn thị Long dùng forceps kéo ra tại bảo sanh viện Từ Dũ. Hôm sau đi visite Chị Long kể lại với tôi: “Tui thấy đầu nó tóc dài và rậm, đen nháy nên tưởng là con gái, té ra là con trai.”

Tôi bắt đầu hành nghề làm cha. Tôi hỏi chị Long nên cho thằng con tôi uống nước gì, nước cam thảo có tốt không? Chị tức cười trả lời là chỉ cần cho uống nước lã đun sôi để nguội. Cho trẻ sơ sinh uống nước cam thảo là kinh nghiệm truyền tử lưu tôn từ thế hệ này sang thế hệ khác của mẹ tôi, tức của mệ nội thằng Cu. Nó là đứa cháu đích tôn của mệ nó.

Tôi thường xuyên mật thiết chia sẻ tâm lý với thằng Cu. Tôi thấy rõ ràng Cu rất cần cảm giác an toàn được che chở, nâng niu, đùm bọc, ôm ấp. Tôi sống cùng sự bất lực hoàn toàn của Cu và nhận rõ nó lệ thuộc như thế nào vào sự tiếp tay giúp đỡ của người lớn, đặc biệt là của mẹ. Được mẹ cho bú – dầu là cho bú với bình sữa đặc pha chế Nestlé, nằm trong vòng tay của mẹ; sống cạnh người lớn thân yêu, được người lớn quan tâm chăm sóc là một nhu cầu thiết yếu đối với Cu. Thiếu mất nhu cầu này sẽ tác hại đến sự phát triển sinh tâm lý. Tôi tin rằng nếu ba má đi vắng lâu ngày, bỏ Cu một mình, Cu sẽ có cảm giác mất an toàn, từ đó ngôn ngữ hằng ngày tiếng Việt có từ “bỏ mẹ” gợi lên nỗi kinh hoàng khó tả, ghi lại tỳ vết cảm giác đã in sâu vào tâm linh từ tấm bé.

Cu sống những ngày tháng đầu đời trong vòng tay mẹ, hoàn toàn phụ thuộc vào mẹ. Lúc mẹ cho bú, không những chỉ cung cấp thức ăn mà còn nằm trong vòng tay mẹ, được bảo vệ an toàn, được sưởi ấm, da kề da, thịt áp thịt với mẹ, vừa nếm mùi vị sữa, vừa ngửi hơi hám của mẹ. Cu nhìn lên mặt mẹ, nghe lời mẹ, mặc dù biết Cu không hiểu, mẹ vẫn chuyện trò hú hí với con và sau vài tuần Cu cũng đáp lại không phải bằng lời nói mà bằng những tiếng bi bô líu lo. Lúc này tôi thấy rõ Cu còn sống tình trạng bất phân, chưa phân tích được giữa bản thân và sự vật xung quanh mà vật thể gần gũi nhất là cơ thể của mẹ. 

Đến lúc Cu biết đi, chập chững những bước đầu tiên vào đường đời, tôi cũng theo Cu bước sang cảnh sống khác. Đó là khoảng đầu năm tuổi thứ hai, Cu bắt đầu sử dụng được tay chân và đồ đạc một cách tương đối thuần thục. Chúng tôi mua cho Cu một cái xe tập đi và Cu rất thích thú vận dụng đồ vật mới mẻ này. Cu ngồi vào xe, ra sức đứng dậy trên hai hạ chi trong khi hai chi trên nắm vững thành xe và a-lê-hấp, Cu rướn người lao xe về phía trước. Khi thấm mệt, Cu chỉ việc ngồi phịch xuống yên xe bằng vải mềm. Rồi đến giai đoạn kỳ diệu kế tiếp: đã biết đi, Cu có thể đứng xa mẹ xa cha, đồng thời cũng bắt đầu hiểu tiếng nói của cha hay mẹ, ba má có thể bảo Cu và Cu có thể gọi ba má, giao thiệp giữa Cu và người thân ruột thịt thông qua lời nói : quan hệ ngôn ngữ là quan hệ quan trọng nhất trong xã hội bắt đầu. Có vàng vàng chẳng hay phô, có con con nói trầm trồ mẹ nghe. 

Thực ra phép lạ từng xảy ra khi Cu lên chừng sáu bảy tháng và bập bẹ mấy tiếng vô nghĩa “a a a” rồi chuyển qua “ba ba ba”. Rồi có vẻ Cu bắt đầu hiểu ý nghĩa của các từ, các chữ, các tiếng. Những tiếng nói đầu đời được Cu phát âm vào khoảng mười hai đến mười tám tháng tuổi nhưng Cu phát âm không rõ, nghe ngọng nghịu. Tuy nhiên tôi không còn nhớ rõ trong tình huống nào và ở vào hoàn cảnh nào Cu đã lên tiếng gọi ba hay má. Trái lại, tôi nhớ rất rõ câu hỏi đầu đời của Cu.

Đã hơn chín chục năm rồi nhưng buổi chiều hôm đó còn hiển hiện trong ký ức tôi như mới xảy ra hôm qua. Tôi đi làm về, thay quần áo xong bế Cu ra đứng trên mảnh sân trước nhà. Trời chạng vạng tối. Hai cha con đứng nhìn vào bụi chuối tây trồng làm cảnh phía trước mặt. Bỗng nhiên Cu lên tiếng nêu thành câu hỏi hoàn chỉnh: “chon chon gì ó?”. Dưới gốc mấy cây chuối tây, một con cóc vừa nhảy từ trong hang ra. Có lẽ hình thù dị hợm của con vật tác động mạnh vào đầu óc non nớt của Cu khiến Cu vừa tò mò vừa kinh hãi. Bán cầu trái đại não của Cu hoạt động tối đa để giúp Cu nêu bật được câu hỏi nhưng Cu chưa có khả năng phát âm chính xác mà Cu nói ngọng; thay vì “con gì đó?” thì Cu nói thành “chon chon gì ó?”. Trong bốn chữ, chỉ có chữ “gì” là Cu nói ra chính xác, chữ “con” hoá thành “chon” và được lặp lại hai lần còn chữ “đó” thì hoá thành “ó”. Nhưng Cu đã biết sắp xếp chữ thành câu theo thứ tự ngữ pháp tiếng mẹ đẻ; Cu đã tiến một bước dài trong quá trình học tập văn phạm tiếng nước ta.

Cu rất thích trò chuyện với ba và tỏ ra cố gắng rất nhiều để làm việc đó.

Một hôm, Cu bỗng dưng kể với tôi “trưa nay Cu ngủ cả đống.” Đó là một lời khoe khoang thành tích. Cu tự hào vì đã ngủ một giấc ngủ trưa dài và say. Nhưng lại có hôm tôi vừa đi làm về là Cu chạy ra ôm chân tôi và mách “Ba ơi, cậu Hoàng đánh nó.” Chữ “nó” Cu dùng rất độc đáo. Chả là Cu cứ nghe ba má hỏi : “Cho nó ăn chưa?” “Nó đi ỉa chưa?”, “Nó có ngủ không?” nên Cu tự suy luận là chữ “nó” vốn chỉ dành riêng cho Cu.

Nuôi ba đứa con khôn lớn, tôi sống với trẻ em những tháng năm dài, mỗi ngày thu thêm một kinh nghiệm, mỗi tháng biết thêm một dữ kiện, mỗi năm tích luỹ một tình cảm. Tất cả sống động, gắn bó; tất cả tuy xảy ra giữa hai cá nhân mà như chỉ thuộc một thể chất hay một tâm hồn.

Điều an ủi là khi tôi vào tù cộng sản thì các con gần như đã trưởng thành, mối quan hệ cha-con không còn quá mật thiết và quan trọng nữa. Nhưng với tôi, trẻ con bao giờ cũng phải được sống gần cha mẹ. Quan hệ ruột thịt là một điều thiêng liêng cần được triệt để bảo vệ và hết sức tôn trọng. Gặp những hoàn cảnh khách quan nghiệt ngã thảm khốc, khi con cái còn thơ ấu bị bắt buộc phải xa cha lìa mẹ, tôi thông cảm với kẻ trưởng thành lâm nạn một thì tôi thương xót trẻ con phải tách xa cha mẹ mười. 

Tôi tự dưng nghĩ tới chuyện viết bài này khi tình hình thế giới có những biến chuyển gây thành chuyện cách ly con cái khỏi cha mẹ bằng vũ lực do nhu cầu chính trị.

   

Trần Văn Tích
27.01.2025
(hình chỉ là minh họa)

 

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhocnghethuat/van/tiengnoidaudoi.html


Cái Đình - 2025