Nguyễn Hữu Thời


Thời trang quân phục

   

Gần đây, ở ngoài Bắc, có hiện tượng một số nam nữ thanh niên thích mặc quân phục. Họ thích làm lính… giả! Họ mặc quân phục nửa giống lính QLVNCH, nửa giống lính Mỹ; tức là “không giống ai”. Dĩ nhiên là không giống chút nào với cha ông họ vốn chỉ mặc kaki Nam Định, dép râu và nón cối.

Những món đó bây giờ bị họ chê là xấu xí, lạc hậu, không “oai”. Họ thích quân phục lính Mỹ cơ.

Vì là lính giả nên tác phong, bộ dạng của họ không có gì là hiên ngang như lính thật; cái này chỉ có lính thật mới thấy. Quân phục của họ thường mới tinh, thẳng nếp, không một vết nhăn.

Họ không hiên ngang mà ngổ ngáo. Họ ăn mặc như thế để làm gì? Tôi nghĩ dường như họ mặc đồ lính, lại còn trang bị cả xe Jeep, chỉ để tỏ ra mình mạnh mẽ, sành điệu… và biết “chơi”. Chơi chứ không phải làm; nghĩa là ăn chơi.

Tôi đoán phần đông họ thuộc tầng lớp thừa tiền, lắm của. Họ thích “chơi nổi”, nghĩ rằng xuất hiện trong bộ dạng đó, sẽ được lứa đàn em ngưỡng mộ (?). Họ muốn làm anh hùng – anh hùng đường phố!

Hiện giờ chưa thấy nhà cầm quyền đả động gì đến cách chơi này. Người ta cứ để họ tự do mặc quân phục “nhái” quân đội Mỹ; thậm chí in cả cờ Mỹ cũng không sao! Mỹ bây giờ là bạn rồi (“đối tác chiến lược chiến thuật gì” đó). Nhưng… nếu là quân phục hay cờ vàng (VNCH) là không được nha! Dứt khoát không được! Vì sao, tại sao thì các bạn tự hiểu.

Theo tôi biết, có chủ trương của tuyên giáo, của thông tin, truyền thông Nhà Nước là không được nhắc đến bất cứ cái gì gợi lên hình ảnh, danh hiệu, thành tích, giá trị của chế độ cũ tức là VNCH nói chung và đặc biệt QLVNCH nói riêng. Nghiêm cấm! Ghét lắm! Không được!

Cựu binh QLVNCH thì tự do mặc lại quân phục cũ của họ… ở Mỹ !

Tôi cũng là cựu binh của QLVNCH nhưng tôi không bao giờ nghĩ hay muốn hay thậm chí hình dung mình trong quân phục cũ, bộ đồ của tuổi đôi mươi… Tôi nghĩ những bộ đồ đẹp đẽ, oai nghiêm ấy thật phù hợp và chỉ phù hợp khi khoác lên người những chàng trai trẻ… vào cái thời binh lửa ấy… Còn bây giờ… những chàng trai đó, đa số đã là những ông lão U80 bụng phệ, da mồi, tóc bạc, lưng còng, miệng móm… đi đứng nghiêng ngã chập choạng… thì mặc nguyên “comple” đồ lính, liệu có đẹp mắt?

Có một số ít chiến hữu của tôi ở hải ngoại thỉnh thoảng cũng mặc lại quân phục (mới may) trong những ngày kỷ niệm. Họ trông còn đẹp, vì may mắn được trẻ lâu (?). Tôi tôn trọng sở thích của họ và nghĩ rằng họ chỉ nhớ đến kỷ niệm. Kỷ niệm thì được nhưng đừng nên phô trương và nặng phần trình diễn. Phô trương quá thì những đồng đội còn đang ở quê nhà càng bị “để ý”!

Cũng vì cái cảnh không được ngoạn mục của những ông “lính già khoác chiến y” mà Nguyễn Tài Ngọc có viết một bài báo tựa là “Nỗi buồn quân phục” và… tác giả bị chửi quá trời, bởi những cựu quân nhân (!).

Trờ lại chuyện hình ảnh dấu tích liên quan đến VNCH và QLVNCH mà Nhà Nước CS rất dị ứng; có nhiều chuyện ngồ ngộ.

Vài nhà thơ là cựu binh QLVNCH “giấu” hay nói đúng hơn là đồng tình không nhắc đến xuất thân của mình, để được in thơ ở Việt Nam; dù thơ trong những tập thơ đó chỉ là thơ… tình. Cụm từ QLVNCH là điều cấm kỵ. Cũng vậy, lời nhạc cũ mà nhắc đến lính VNCH cũng không được; mà khổ nỗi nhạc cũ đa số là nhạc cho lính VNCH và quần chúng cả 2 miền bây giờ lại thích nghe mới chết chứ ! Còn Nhà Nước thì cũng phải xét cho phép hát, để tỏ ra mình rộng rãi. Làm sao đây? Thật là gay cấn! Phải kiểm duyệt; cho phép hát từng bài; nếu bài nào có ca từ “khó nghe” thì loại bỏ hoặc thay thế. Thậm chí hát “Việt Nam buồn lắm” cũng không được. “Chưa bao giờ đất nước ta được như hôm nay”. Việt Nam nào buồn lắm? Dù cái tâm tình trong bài hát là Việt Nam trong thời chiến tranh. Chiến tranh nào chả buồn?

Trở lại với những chàng trai cô gái “sành điệu” khoái mặc đồ lính thì… chưa chắc họ khoái đi lính (?) Nếu đất nước chằng may lại rơi vào cảnh chiến tranh, địch họa, họ có xung phong nhập ngũ để đánh giặc hay… trốn biệt? Họ thích cái hình thức anh hùng nhưng họ có dám làm anh hùng thực sự? Họ có bao giờ xăn tay áo hành động khi thấy chuyện bất bình? Khi thấy người cơ nhỡ, hoạn nạn… họ có giúp đỡ? Tôi không mong họ làm “hiệp sĩ Bình Dương” nhưng tôi hỏi họ có dám làm một việc rất nhỏ là can thiệp giúp đỡ một cô gái đang bị bọn lưu manh sàm sỡ trên đường? Họ có sẵn sàng lao vào đám cháy để giúp một tay dập tắt nó? Nhẹ nhàng hơn, họ có hăng hái phụ nhau bịt một vòi nước công cộng đang bị bể?

Chỉ có quân nhân tại ngũ là được phép, và phải mặc quân phục, một cách đúng quân cách. Người ta mặc quân phục là để giúp dân, giúp nước; không phải để làm dáng.

Thường thì những người cố dọn cho mình một bề ngoài “hầm hố”, như đám thanh niên kia, lại là những kẻ nhút nhát, yếu hèn và rất sợ chết!

Thì ra… Với cách phục sức có vẻ anh hùng ấy, họ cũng chỉ là những anh hùng “rơm”. Giỏi lắm, họ chỉ có thể diễn trong những vỡ kịch hay bộ phim “mì ăn liền” kiểu “Biệt động Saigon”.

Ăn chơi kiểu cách; đó là quyền của họ. Chỉ quân phục không thôi thì vô hại; nhưng cũng chẳng ích lợi gì cho xã hội; ngoại trừ những người buôn bán thứ quần áo đó.

Những chàng trai cô gái này giống như là những đào kép cải lương mới vào nghề đang tập tành diễn xuất.

Và họ diễn cho nhau xem.

   

Nguyễn Hữu Thời
1/4/2023
Trích FB tác giả

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhocnghethuat/van/thoitrangquanphuc.html


Cái Đình - 2023