Trần Văn Tich
Thẻ căn cước thứ hai
Cậu bé lượm banh Noel 15 tuổi đã tạo cho Musiala ghi bàn
ở Dortmund sau quả phạt góc của Kimmich. Hình: Imago
Tôi mới được cấp cái thẻ căn cước thứ hai. Thẻ căn cước thứ nhất được cấp từ lâu, đó là thẻ bọc nhựa chắc chắn, kỹ lưỡng. Thẻ căn cước mới thô sơ, trần trụi, không có bọc nhựa. Nó mang tên Behindertenausweis, nghĩa là thẻ căn cước của người tàn tật. Đáng chú ý là tuy thẻ do Đức cấp nhưng lại mang hàng chữ Anh rất rõ ràng: The holder of this card is severely disabled. Tỷ lệ tàn tật của tôi là 70%, xếp hạng 2. Thuở sinh tiền, bà xã tôi có tỷ lệ tàn tật là 80%, xếp hạng 3. Bả bệnh nặng hơn tôi vì bị chứng động kinh và chứng loạn nhịp tim. Tôi bị/được xếp hạng 2 vì các chứng tai điếc, cao huyết áp và không kềm chế được tiểu tiện.
Quyền lợi vật chất do tàn tật cấp 2 mang lại cho tôi là khoản hiện kim 347 Euro, do quỹ điều dưỡng chi trả hằng tháng, chuyển thẳng vào trương mục cá nhân của tôi. Đây là quyền lợi luật định vì trong thời gian làm việc, tôi đã thường xuyên đóng góp cho quỹ bảo hiểm y tế. Tôi đến Đức năm 1984 và bắt đầu đi làm với Đức năm 1986; năm 1997, đáo hạn 65 tuổi, tôi phải về hưu. Như vậy tôi đã đóng góp vào quỹ bảo hiểm hưu bổng trong 11 năm. Tuy nhiên tôi không nghỉ việc nằm nhà sau khi tới tuổi hưu trí mà tiếp tục xin làm việc trong các bệnh viện tư cho tới năm 2022, tròn 80 tuổi tôi mới nghỉ hẳn. Trong thời gian từ 1997 đến 2022, tôi vừa lãnh tiền hưu bổng hằng tháng vừa lãnh tiền lương làm việc hằng tháng. Như vậy, trong hai mươi hai năm ròng rã, tôi có hai nguồn thu nhập hằng tháng đều đặn là tiền hưu cộng với tiền lương; nhờ vậy tôi để dành được khá tiền để góp với con gái mua ngôi nhà chúng tôi hiện đang ở và ngoài ra còn để dành tiền cho nhà băng vay lấy lãi.
Đối với tư chức, tiền hưu ở Đức do quỹ hưu bổng trung ương trả. Tiền hưu nhiều hay ít, lên hay xuống tuỳ thuộc vào thị trường lao động; nếu có nhiều người tham gia lao động và tiền lương hằng tháng của những người này tăng thì tiền hưu cũng tăng. Thị trường lao động của Đức thường xuyên khả quan, tỷ lệ số người còn trong tuổi lao động có công ăn việc làm cao nên thu nhập tổng quát của giới lao động cũng cao; nhờ thế tiền hưu bổng cũng cao theo. Năm 2025 này, tiền hưu của tôi đã được tăng lên vào đầu năm, vào tháng bảy này, nó sẽ tăng lên đợt thứ hai. Tiền hưu ở Đức của tư chức không tùy thuộc vào thị trường chứng khoán. Tính đổ đồng, mỗi năm tôi có thêm trên 4.000 Euro bỏ túi, do quỹ bảo hiểm y tế-điều dưỡng chi cho vì là phế nhân, bên cạnh số tiền hưu hằng tháng, do quỹ hưu bổng tư chức trả. Cả hai khoản tiền này đều được chuyển vào trương mục của tôi vào đầu mỗi tháng; khác với tiền lương khi còn đi làm việc, chỉ được chuyển vào trương mục cá nhân vào cuối mỗi tháng.
Anh NTM rất chăm chỉ theo dõi thị trường chứng khoán và Anh thường bàn luận là nên mua cổ phần, cổ phiếu nào. Tôi không dám theo lời Anh vì tính tôi nhát như thỏ đế, chỉ sợ mua cổ phần lại bị mất toi cả vốn đầu tư. Thuở sinh tiền bà xã, tôi tìm cách kiếm thêm chút lợi tức cá nhân từng tháng cho bả bằng cách đầu tư vào ngân hàng Postbank.
Khi bả mất, tôi cùng con gái đến Postbank để kết toán sổ sách. Chúng tôi nhận được một khoản tiền do ngân hàng thanh toán vốn lời. Tháng hai vừa rồi, tôi lại đến Postbank để cho vay một khoản tiền dành dụm mới.
Tôi không lấy hẹn trước mà chỉ tiện đường ghé vào văn phòng chi nhánh Postbank ở trung tâm Bonn vào một buổi sáng thứ bảy; nghĩ rằng nếu không có nhân viên nào chịu tiếp mình thì mình ra về, chẳng mất mát chi. Không dè có một nhân viên trực và khi tôi ngỏ ý với người này là tôi muốn gửi tiền cho vay ở Postbank thì đương sự niềm nở vui vẻ mời tôi ngồi nói chuyện. Sau khi được biết tên họ của tôi, người nhân viên mở computer ra xem rồi bảo trước đây tôi đã ký gửi một khoản tiền cho Postbank, khoản tiền đó vẫn nằm nguyên trong quỹ, hiện giờ tính cả vốn lẫn lời thì được 21.650,94 Euro; mã số của ngân khoản liên hệ là 3MKF Sparbuch. Tôi sửng sốt hỏi lại có chắc không, người nhân viên hân hoan trả lời chắc chắn, computer xác nhận như vậy mà! Tôi bảo có lẽ tôi không còn giữ hồ sơ vụ đầu tư này nhưng nhân viên ngân hàng bảo không sao cả, computer đã xác nhận thì tôi cứ yên trí! Thế là bỗng nhiên tôi có được khoản tiền kha khá hơn hai chục ngàn Euro coi như từ trên trời rơi xuống, chắc không có cổ phiếu nào mang lại cho tôi nhiều lời lãi như vậy!
Tôi thích coi đá banh. Những trận đấu túc cầu có sức quyến rũ thu hút rất mạnh đối với tôi mà ở nước Đức thì có rất nhiều trận đá banh, quanh năm hầu như ngày nào cũng có, không tranh giải này thì tranh giải khác; lại còn có đá banh nam và đá banh nữ nữa. Trên bảng xếp hạng các quốc gia có cuộc sống hạnh phúc của người dân, Thuỵ điển đứng hàng đầu, Đức chỉ đứng hạng thứ 22 hay 23 gì đó. Nhưng tôi lại thấy khác.
Theo tôi, sống ở nước Đức là hạnh phúc vui vẻ nhất hoàn cầu vì khi nào muốn coi đá banh cũng có thể coi được. Mới đây tranh giải Nations League, đội tuyển quốc gia nam của Đức đá với đội tuyển quốc gia nam của Ý. Màn thắng 2:0 ở phút 36 của Đức khiến tôi khoái chí vô cùng. Thủ quân đội Đức Joshua Kimmich được một chú bé nhặt banh ngoài sân cỏ mau mắn ném cho quả banh phạt góc và đá liền trái banh vào vùng cấm địa của đội Ý trong khi thủ môn Ý Gianluigi Donnarumma đang la lối các đồng đội hậu vệ không hết sức cản Tim Kleindienst của Đức để anh này tung một cú đội đầu sấm sét về phía khung thành của Ý, thủ môn Ý phải vận dụng tất cả khả năng để đón quả banh và hất nó bay qua sà ngang, chịu quả phạt góc. Bất ngờ nhận được quả banh làm quà hi hữu từ Kimmich, tiền đạo Jamal Musiala lẹ làng hất nó vào khung thành trống của Ý, ghi bàn thắng thứ hai, khiến khán thính giả cả hai phe sững sờ mất mấy phút mới nhận ra là Đức vừa làm bàn! Và chỉ có cầu trường mới thấy banh vô lưới của Ý, chứ khán thính giả coi trực tiếp truyền hình không hề xem được cú đá khôn lanh của cặp bài trùng Kimmich-Musiala, vì các phóng viên cạnh sân cỏ không có thì giờ quay kịp cảnh ném banh của chú bé nhặt banh, cảnh Kimmich đặt đúng trái banh vào khu đá góc rồi tung banh về phía Musiala và cảnh anh này chụp ngay lấy banh bằng chân để gạt banh vào lưới. Thực ra tôi có thể kể chi tiết hoạt cảnh này thành một bài riêng nhưng để khỏi lạc đề tôi chỉ xin cố gắng tường thuật thực ngắn gọn mà thôi. Ai muốn xem phóng sự tường trình màn tung lưới ngoạn mục này bằng tiếng Đức thì có thể mở google, vào tiểu mục “Balljunge, Kimmich, drin: Das kuriose deutsche Ecken-Tor”* trên internet.
Trần Văn Tich
______
*Tạm dịch : “Chú bé nhặt banh, Kimmich, vào lưới: bàn thắng do đá phạt góc kỳ cục của Đức”.
Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhocnghethuat/van/thecancuocthuhai.html