Phan Ni Tấn


Thằng Bọ của tôi

Xứ Truồi ngọt mít thơm dâu
Anh đi làm rể ở lâu không về (ca dao)

Đang tợp một ngụm rượu, thấy tôi tới cúi đầu mở miệng “Con chào Bố” lập tức cha vợ tôi dằn ly xuống bàn một cái “cộp”, lườm tôi muốn rớt con mắt ra ngoài, nhăn mặt càu nhàu, thuyết cho một trận:

– Tau đã nói với mi bao nhiêu lần rồi. Bố với con cái chi. Mi dẹp ba cái trò lăng nhăng khách sáo của mi đi. Mà mi bị… Bắc kỳ hóa hồi mô rứa? “Bố bố con con” nghe bắt mệt. Hừ! Ngồi đi.

Tôi kéo ghế ngồi xuống, lừng khừng chống chế:

–  Dà. Biết rứa, nhưng…

– Nhưng với nhị cái chi. Cha vợ tôi cự liền. Mi với tau là bạn từ cái thời còn ở lỗ tắm mương, ngày nào mà không mi mi tau tau. Chừ nghe mi xưng “bố với con” tau thấy nực gà quá. Mà răng mi tới một mình rứa? Còn mụ O của mi mô?

Người xưng “tau” dĩ nhiên là nhạc phụ của tôi; còn “mụ O của mi mô” là vợ tôi, cũng là con gái rượu duy nhất của ông bà Bộ. Nhạc phụ tôi tên Bộ, Tôn Thất Bộ, hồi nhỏ tôi quen miệng gọi là Bọ, thằng Bọ. Trong đám bạn chơi với nhau chỉ có thằng Bọ là tôi thân nhất, đi đâu hai đứa cũng cặp kè ôm eo ếch, khoác vai nhau mà đi cà nhỏng ngoài đường. Tụi tôi khắn khít như đỉa cho tới cồ đầu ông trời mới bắt xa nhau. Đó là ngày “ông Bộ” lễ mễ áo dài khăn xếp đi đò lên làng Truồi hỏi vợ đúng lúc tôi xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ tòng chinh. Lúc mãn khóa tôi đinh ninh sẽ chọn miền Trung để chiến đấu cho gần nhà, rứa mà ai ngờ đường binh nghiệp đã đẩy tôi trôi giạt xuống tận mũi Cà Mau xa mịt xa mờ xứ Huế của tôi.

Đời người như con sông trôi hoài trôi mãi, trôi tôi xa quê ngót mười lăm năm không ngừng. Trong suốt thời gian đi hành quân mút mùa Lệ Thủy, thỉnh thoảng được ba ngày phép tôi vội vàng bay về Huế thăm gia đình, nhân tiện hỏi thăm “thằng Bọ” từ ngày lấy vợ, con cái chi chưa, sống chết ra răng v.v…, rứa mà tuyệt không ai biết. Huế trầm mặc, dân tình hiền hòa có lúc cũng… vô tình rứa thê.

Lặn lội ở miền Tây gần như hết đất, cho tới một ngày tôi được thuyên chuyển ngược về vùng 1, dải đất miền Trung thân yêu của tôi. Điều kỳ ngộ nhất là sau gần một tháng hồi hương tôi cố dò la tin tức thằng Bọ thì tình cờ lại ngộ cố tri, hắn đang đạp xe đạp ngang qua ngã ba Sình. Gặp lại nhau hai thằng bạn già mừng quýnh, bá vai bá cổ kéo nhau vô quán nước gần đó, bô lô ba la hỏi han nhau tận tình rồi chặp lâu cái ba hắn hẹn tôi về làng Truồi của nó chơi. Lúc lên yên đạp xe đi hắn còn ngoái cổ cười hề hề nói: “Mi chưa từng đặt chân lên Truồi thì quăng cái gốc Sịa của mi đi hỉ”.  Ở Huế ai mà không biết làng Truồi thuộc huyện Phú Lộc có núi Truồi, sông Truồi. Tôi biết nhưng chưa có dịp tới Truồi lần mô.

Một buổi trưa trời trong mây trắng, gió hiu hiu, chim kêu lít chít, tôi đi đò lên Truồi mới biết vợ chồng thằng Bọ còn có một cô con gái rượu tên Hường, ở tuổi đôi mươi, thanh khiết như sen vừa hé. Ca dao xứ Truồi thật chí lý:

Nước sông Truồi vừa trong vừa mát
Gái sông Truồi vừa đẹp vừa ngoan

Đánh giặc nhiều năm tưởng hồn mình đã thâm căn khú đế, ngọn lửa hùng xưa dầu cạn ngỡ trụi mầm, ai ngờ duyên ngộ tình cờ tôi chỉ chộ hình chộ dạng con gái hắn có một bận mà răng về nhà tôi “cực” luôn ba bốn ngày. “Cực” đây không phải là tôi có ý lụy tình lụy ái chi mà ngay lần đầu gặp mặt con gái thằng Bọ bụng dạ tôi ước chi cũng có một gia đình vợ con đề huề, dễ thương như hắn.

Ngặt một nỗi lính chiến sa trường bụi bặm như tôi lâu lâu về ghé thăm lần nào cũng bị thằng Bọ rầy rà: “Ôn mệ ơi! Áo quần với râu tóc bệt bạc rứa thê. Răng mi không nhuộm cho thanh thanh một chút, sạt lại cho sôm cái tuổi thâm trầm giùm tau cái”.

Rồi hắn chắp tay sau đít, mặt hất lên trời triết lý cuộc đời qua một nhành mai: “Trên đầu già đến rồi…” (thơ thiền sư Mãn Giác).

Mệ Xoa, vợ thằng Bọ cũng không vừa chi, mệ tận tình sửa lưng:

– Anh Bộ nói đúng đó anh Hòa nờ. Lính bụi có ma nó mê. Mà anh có còn trẻ chi mô. Ráng chải chuốt ra chút lắm cô theo, anh chiến binh hỉ.

Tôi biết vợ chồng thằng Bọ “giũa” tôi với ý tốt nhưng ngặt một nỗi con gái tụi nó mỗi lần thấy “lính rằn ri” từ ngoài cổng xăm xăm bước vô là cô mặt sa mày sỉa, quảy đít lủi vô buồng.

Rồi mất nước, tôi đi tù Cộng sản từ Nam ra Bắc hết mười ba năm vì “có nợ máu với nhân dân”. Khi được tha về tôi mới biết bọ mạ tôi mất đã lâu, nhà cửa, ruộng nương cũng không còn, tôi quyết định bỏ Huế về Sài Gòn sống đời trôi sông lạc chợ. Ban ngày tôi làm nghề bốc vác hàng hóa dưới bến Hàm Tử. Ban đêm ngủ bờ ngủ bụi sống qua ngày.

Một hôm buồn tình tôi ghé vô một tiệm sách trên đường Nguyễn Trãi coi giá tiền cuốn The Call of the Wild của nhà văn Jack London để mua thì cô gái trong tiệm tới gần ấp úng hỏi: “Dạ… Chú? Chú Ho…à. Chú Hòa phải không?” Tôi chưa kịp nhận ra cô là ai thì cô nhìn vết sẹo trên cằm tôi òa lên: “Đúng là chú Hòa rồi” xong cô day mặt hướng vô nhà sau la: “Cha Mạ ơi! Chú Hòa!  Chú Hòa tề!...” Lúc đó tôi mới nhận ra Hường, con gái của vợ chồng thằng Bọ, đã khác xưa rất nhiều, đẹp hơn, chững chạc hơn. Mười ba năm rồi chớ ít chi.

Sau cuộc tái ngộ ly kỳ đó, một buổi chiều cuối tuần, thằng Bọ và tôi ngồi sau hè nhâm nhi ly rượu đế thì mệ Xoa và cô Hường mang ra một dĩa gỏi xoài khô cá lóc và dĩa mực nướng đưa cay. Hường vui vẻ chào chú Hòa xong trở vô nhà. Nhìn đôi mắt tha thiết, biết cười của Hường, “chú Hòa” nhận thấy có sự khác biệt rõ ràng so với ngày xưa mỗi lần thấy “lính rằn ri” tới thăm là cô nguýt háy, cố tình tránh mặt.

Mệ Xoa kéo ghế ngồi nhìn tôi, ôn tồn hỏi: “Anh Hòa nì. Răng anh không lấy vợ hỉ?”. Nhìn Xoa rồi nhìn thằng Bọ, tôi nói nhỏ: “Già rồi, hơn nữa gia cảnh như ri ai chịu lấy tôi chừ?” Chợt thằng Bọ nói một câu làm tôi sững sờ, lặng người đi như không tin vào tai mình:

– Mấy hôm ni, vợ chồng tau đã bàn kỹ lắm rồi. Giữa cái xã hội hỗn độn như ri, cả nước đều chìm hết trong bia rượu, con trai cờ bạc, con gái thì mánh mung, con Hường đã ngoài 30, biết tìm ai vừa ý để lấy làm chồng”. Tợp một ngụm rượu xong thằng Bọ để ly xuống, giọng chắc nịch: “Con Hường cũng đồng ý để vợ chồng tau gả hắn cho mi”.

Sau một hồi bàn cãi gay go cuộc tranh luận dịu đi, chúng tôi ngồi im lặng, trong đầu lan man nhiều ý tưởng. Hường và tôi nên sống ra sao – cố gắng chế ngự sự cách biệt về tuổi tác và nếp sống khác nhau bằng sức mạnh của lý trí, tính khiêm nhường và lòng tin tưởng để đắm mình vào cuộc sống sâu hơn, đằm thắm hơn. Cuối cùng chúng tôi cũng hiểu ý nghĩa chân thực, nỗi niềm thầm kín của nhau để rồi sẵn sàng chấp nhận mối lương duyên tiền định mà tôi và cả Hường cũng không kịp nghĩ tới.

   

Phan Ni Tấn

__________________________

Chú thích: Thời của chúng tôi (thập niên 1940) chỉ có sông Truồi, chưa có hồ Truồi. Tuy nhiên nói tới xứ Truồi thì sau này dân xứ Truồi ai cũng muốn “gom” núi Truồi, sông Truồi, hồ Truồi, chợ Truồi, cầu Truồi, ga Truồi, đập Truồi…  lại cho gọn, cho nôm na dễ nhớ và để “nó” (Truồi) còn in sâu trong tâm khảm những ai xa quê, như tôi.

 

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhocnghethuat/van/thangbocuatoi.html


Cái Đình - 2024