nguyễn như mÂy
Sinh nhật búp-bê
Sài Gòn, giữa trời chiều cuối năm khá lạnh. Một ông lão dựng chiếc xe đạp trước cửa hàng sang trọng rồi cúi nhìn cho rõ đám búp bê đang đứng trong các hộp giấy lấp lánh đủ màu sắc vui mắt bày trong tủ kính. Trên tay ông lão là nắm hoa cỏ dại ông mới hái chơi trong công viên gần đó. Tình cờ trên đường dắt xe đạp về, không biết nghĩ gì mà ông lão lại đứng thả hồn vào tủ kính ấy.
Đang chăm chăm nhìn với một tình cảm không vui không buồn pha một chút tò mò, ông lão chợt nghe có tiếng con gái nói vang vang thật nhẹ bên tai :
– Ông ơi! Ông hái hoa ở đâu mà đẹp mà thơm quá vậy?
Ông lão liền quay lại để tìm coi có ai đứng sau lưng nói những lời ấy không. Phố xá vẫn đang tấp nập người và xe cộ của một thành phố lớn. Vài khách bộ hành bước đi với dáng vẻ co ro lạnh ngay cạnh nơi ông đứng. Không thấy có một thiếu nữ nào dừng lại để hỏi ông câu ấy. Ông lại quay nhìn chăm chăm vào tủ kính lần nữa và có ý chờ nghe gì đó.
– Ông ơi! Hôm nay là sinh nhật của cô Búp Bê cùng là bạn búp bê đang đứng cạnh con đây...
Ông lão cố mở to mắt nhìn vào tủ kính. Hơn mười con búp bê Tây phương với các loại áo đầm đủ màu sắc sặc sỡ đang trong các tư thế đứng ngồi với những đôi mắt đen láy, tóc uốn tóc xoã rất sinh động. Tất cả bọn chúng đều được “đóng kín” trong các hộp gỗ có giấy kính bọc ngoài in đầy hoa lá xinh tươi rất bắt mắt. Ông thò tay vào túi áo gió lấy cái kính lão ra mang để có ý nhìn cho rõ hơn. Ôi! Từ xưa tới giờ ông chưa từng thấy có “Cô búp bê” nào lộng lẫy, duyên dáng và có gương mặt kiêu hãnh như các Cô này! Hôm nay, trong dịp lên thành phố thăm người thân nên ông mới được đi chơi một vòng quanh để nhìn ngắm quang cảnh nhộn nhịp này.
Thủa thanh niên đến nay, từ một lực điền rồi trở thành một nông dân cần mẫn của đồng ruộng quê nhà yêu dấu suốt hơn sáu mươi năm bền bỉ, ông chỉ thấy bọn con cháu gái trong làng suốt ngày cứ bồng ẵm những con búp bê nhỏ xíu bằng nắm tay con nít được “sản xuất” từ các loại vải rách hoặc vải dư của tiệm may quanh xóm thải ra. Vậy mà ông thấy tụi nhỏ mải mê ôm ấp, nâng niu rồi ca hát vi vu để ru ngủ những con búp bế “nhà quê” ấy với tất cả tình thương yêu chân thành nhất của bọn con gái chưa từng ra khỏi lũy tre làng...
– Ông ơi! Ông tặng những hoa dại ấy cho Cô bạn con đi nha. Hôm nay là sinh nhật Cô ấy nhưng tụi con chưa có dịp ra ngoài đặt bánh sinh nhật, mua hoa và đèn sáp... Sáng giờ bạn con buồn muốn khóc đó ông ơi!
Ông lão nghe rất rõ tiếng nói nhẹ nhàng và trong trẻo, dễ thương của con búp bê đứng ở gần chỗ mở cửa tủ. Bất chợt, ông nhớ về mấy đứa trẻ trong xóm thường tới cái chòi lá ngoài bờ ruộng hoang vắng để chơi với ông. Có vài đứa thích thú khi được ngồi hẳn vào lòng ông, rồi chúng đã không ngần ngại khi đưa cả hai tay vuốt chòm râu bạc của ông nhưng ông vẫn vui vẻ như một ông Di Lặc ở chùa. Trong làng, ai cũng thương và quí ông; thậm chí vào những hôm nhà họ có đám cúng giỗ đều gọi ông tới ăn vì biết ông đã nghèo đói và mồ côi cha mẹ ngay từ lúc trẻ...
Không một chút do dự, ông lão nhà quê kia đã dùng cả hai bàn tay sần sùi mang dấu tích đồng ruộng của mình để trân trọng đưa hết cả chùm hoa dại vào tủ kính cho đám búp bê. Ông muốn nói lời chúc mừng sinh nhật cho cô búp bê nào đó nhưng kìa, ông lão nhà quê của chúng ta trong một giây phút bất ngờ của đời mình đã bật khóc nức nở như một em bé. Từ ngày trẻ tới nay, bây giờ ông lão mới biết thế nào là tặng quà sinh nhật – mà lại là tặng cho một cô búp bê nước ngoài ông chưa hề biết một tí gì về họ. Có lẽ nghĩ vậy mà ông lão đã xúc động rồi lặng lẻ dắt chiếc xe đạp còn dính đầy đất bùn đồng ruộng ra về...
Ông lão vừa tặng hoa xong thì trời đêm cũng vừa ập tới sau lưng. Phố xá đã lên đèn khắp nơi. Ông lão chợt lẳng lặng dừng xe đạp để quay nhìn lại đám búp bê trong cái tủ kính đang lấp lánh đầy ánh đèn màu như cả một trời sao ở quê nhà mình...
nguyễn như mÂy
Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhocnghethuat/van/sinhnhatbupbe.html