Trần Văn Tích


Sĩ kiêm nhất nghệ

.

Tôi sang Đức năm 1984 và về hưu hẳn năm 2012. Tôi được nghỉ ngơi thơ thới đâu chừng năm ba năm. Nhưng rồi bà xã không may mắc một số bệnh và tôi không còn được nghỉ nữa. Tôi phải dần dà lo chuyện bếp núc trong nhà cho ba người ăn (vợ tôi, con trai tôi và tôi), thỉnh thoảng cuối tuần còn có con gái về thăm nữa là bốn người. Tiền nhân bảo rằng “sĩ kiêm bách nghệ”, rằng “vạn sự xuất ư nho“. Cho nên kẻ sĩ làm quan văn, làm quân sư cũng được mà làm quan võ, làm tướng trấn thành cũng được. Ngoài ra thầy đồ, thầy bói, thầy tướng, thầy lang, thầy địa lý v.v... cũng đều là nhà nho xuất thân. Tôi tự coi như xuất thân là kẻ sĩ nhưng về già bỗng kiêm luôn một nghề mới là nghề nội trợ.

Khi mua ngôi nhà hiện chúng tôi đang ở để dưỡng già, chúng tôi đã mua nhà theo một số tiêu chuẩn định sẵn. Ví dụ nhà phải có nền nhà ngang với mặt đường, triệt để tránh mua nhà có mấy bậc tam cấp ở cửa chính ra vào: chúng tôi biết là một ngày nào đó chúng tôi sẽ bắt buộc phải dùng walker. Quả nhiên bà xã cuối đời phải dùng y cụ trợ lực này khi di chuyển. Trong nhà, nền của tất cả các phòng phải nằm trên một mặt phẳng, không được có cách bố trí nền phòng này cao hơn nền phòng kia vài phân hay một tấc. Nhà phải không quá xa chợ. Người xưa chủ trương cư sở phải “nhất cận thị nhị cận giang“, nhà ở tốt nhất là gần chợ, tốt thứ hai là gần sông. Chúng tôi không biết bơi, không có du thuyền (!) nên chúng tôi chọn nhà gần chợ, không phải chỉ gần một chợ mà gần đến ba, bốn chợ. Chúng tôi ở gần đại siêu thị Kaufland, bán đủ thứ thượng vàng hạ cám, từ thực phẩm tươi, hoa quả, trái cây đến máy móc gia dụng, sản phẩm vệ sinh, tivi máy lạnh, xe đạp và phụ tùng xe đạp v.v..Gần nhà còn có siêu thị DM bán các tạp phẩm vệ sinh và trang điểm cùng đủ thứ trái cây khô, hạt cây khô. Lại thêm chợ quốc doanh ALDI bán mọi loại hàng theo giá phải chăng, trên nguyên tắc chợ ALDI dành cho người có thu nhập khiêm tốn. Ngoài ra lại có thêm một tiệm của người Thổ bán rau tươi thích hợp với người Á đông như rau ngò, hành lá, rau sam, rau húng, rau thìa là. Rau sam tiệm Thổ gọi là Portula, tên gọi này không có trong từ điển Đức ngữ; người Thổ dựa vào tên khoa học của rau sam Portulaca oleracea mà tạo thành tên. Ngoài ra họ bán những trái đào, trái hồng thực lớn và thực ngọt, tôi không thấy bày ở các siêu thị của Đức. Nhưng họ cũng có những trái bầu chỉ nhỏ bằng trái cà tím, tôi không rõ người ta mua về gọt bỏ vỏ đi thì còn được bao nhiêu thịt bao nhiêu ruột. Cũng chỉ có chợ Thổ mới bán ớt thường xuyên và bán nhiều loại ớt: ớt thường, ớt hiểm, ớt nâu; bán riêng từng quả ớt hay bán trong gói bọc kín ghi sẵn giá cả.

Tôi theo dõi và biết giá tiền một số món hàng phổ thông. Gạo thơm hoa nhài hiệu con phượng của Thái Lan bày bán tại hai tiệm thực phẩm Việt Nam ở Bonn mỗi bao 20 kg giá 45 €, nay nhấp nhổm lên giá 50 €. Jasmin White Scented Rice 18 kg bán ở tiệm Tàu với giá 39,99 €. Gạo Cao miên rẻ hơn. Bên Đức này không có bán gạo Mỹ hạt tròn hạt dài, vốn rất quen thuộc với công nhân viên chức thời Việt Nam Cộng Hoà. Có anh bạn ở vùng Boston cho biết gạo Thái Lan bày bán ở Walmart giá hiện thời mỗi bao 20 lbs là 27 $US, như thế có vẻ giá gạo Thái Lan bán ở Mỹ vùng Boston có phần cao hơn giá gạo Thái Lan bán ở Bonn, Đức quốc. Tôi biết rõ là Âu châu chủ yếu xài dầu ăn nhập từ xứ Ukraine, bởi vậy khi đọc tin từ bên Mỹ theo đó Putin sắp đánh Ukraine, tôi báo ngay cho bà con quen biết là phải lo mua dầu ăn về trữ còn bản thân tôi thì vào đại siêu thị Kaufland quơ một mớ chai dầu hướng dương loại 1 lít. Quả nhiên sau đó tôi không mua được dầu ăn vì dầu hướng dương do Ukraine sản xuất không xuất cảng sang Âu châu được nữa. Cả mấy tuần lễ liền các ngăn, các kệ bán dầu ăn trong các tiểu siêu thị và đại siêu thị trống trơn, đi đâu tìm mua cũng không có. Dần dà mới có dầu của Thổ Nhĩ Kỳ rồi của Ru-Ma-Ni nhưng giá cả tăng vọt. Trước kia mỗi chai một lít giá 95 Cent, nay lên giá 3,99 Euro mà mới đầu không có loại chai một lít, chỉ có loại chai năm lít, giá gần 20 Euro một chai. Nay đã có loại chai một lít nhưng giá thì không trở về giá cũ nữa. La cà đi khảo giá ở các siêu thị Việt và Tàu, tôi thiết lập được một danh sách các loại nước mắm kèm theo giá bán. Nước mắm loại 3 con mực, mỗi chai 725 ml, sản xuất tại Thái Lan, bán mỗi chai 3,19 €, mua nguyên thùng 12 chai tính hạ giá là 34,50 €, như vậy mỗi chai chưa tới 3 €. Nhà tôi hiện tích trữ hai thùng loại 12 lít. Nước mắm nhĩ Việt Hương của Thái Lan chai 682 ml giá mỗi chai 7,50 € ở tiệm Việt Nam, tiệm Tàu bán 7,99 €. Rẻ hơn có thứ nước mắm nhĩ Phú Quốc Thanh Hà của Việt Nam, 720 ml, giá 6,99 €, tiệm Tàu lại chỉ bán có 5,99 €. Tại tiệm Tàu có thể tìm thấy nước mắm Phú Quốc Hưng Thành của Việt Nam, chai 650 ml, giá bán 6,99 €. Rẻ nhất có hai thứ nước mắm: Tiparos Fish Sauce Thai Lan, chai 700 ml, giá 2,80 € và Crab Fish Sauce Thai Lan, chai 680 ml, giá chỉ có 2,59 €. Giá cao nhất là loại nước mắm Red Boat, chai dung tích 500 ml, made in Phu Quoc Island, Vietnam, bán ở tiệm Tàu với giá 12,99 € một chai (hai tiệm thực phẩm do người Việt làm chủ không bán thứ nước mắm này). Nồng độ cá tươi trong dung dịch nước mắm thay đổi tuỳ theo loại nhưng không giống như tôi tiên đoán. Nước mắm nhĩ thượng hạng Red Boat có nồng độ 80%, nước mắm phổ thông hiệu ba con mực có nồng độ 77%, nước mắm nhĩ Việt Hương có nồng độ 49% và Crab Fish Sauce, loại nước mắm rẻ nhất, có nồng độ 45%. Tất cả các loại nước mắm đều cho biết được chế tạo từ cá anchovy. Tôi tra các tự điển, từ điển Anh-Việt, Pháp-Việt thì thấy giảng anchovy, anchois là cá đối. Tuy nhiên theo tôi biết thì nước mắm chủ yếu được chế biến từ cá cơm hay cá duội chứ không phải cá đối.

Thoạt kỳ thuỷ tôi nấu các món ăn với sự cố vấn của bà xã nhưng dần dà tôi tự lực nấu nướng một mình, dựa theo một cuốn sổ cẩm nang nhỏ trong đó tôi ghi lại những điều hướng dẫn cần thiết. Tôi biết muốn nấu phở thì cần loại thịt bò nấu xúp nào của Đức, muốn nấu bún bò giò heo thì cần loại thịt bò nào. Nhiều thứ thịt bò nhập cảng từ Brazil, từ Argentina. Có thứ thịt bò của con bò cái tơ, chưa đẻ con lần nào; có thứ thịt bò khác của con bò đực mới lớn. Những miếng thịt bò để xào thì khi mua về tôi cho vào tủ đá nhằm ướp đông lạnh trong vài giờ, như vậy khi cắt, lát thịt cắt sẽ rất mỏng. Đó là kỹ thuật “cao cấp“ được qui định trong khoa ana-path, khoa giải phẫu bệnh học, khi làm sinh thiết các mô tế bào cần quan sát qua kính hiển vi. Thịt heo không mua được ở chợ Thổ, ở đây chỉ có bán thịt bò, thịt cừu, thịt gà, thịt gà tây. Phần thịt heo ở vùng bụng có ba thớ nạc xen với mỡ – gọi là thịt ba chỉ hay thịt ba rọi – chợ Đức bán theo hai loại: loại có xương và loại không có xương. Xương ở đây là xương sườn. Loại có xương tất nhiên rẻ hơn loại không xương. Nhưng thịt rọi có xương của Đức nhiều khi chỉ có một chút xương sườn hay một chút xương sụn. Tôi cần cù chọn những hộp thịt rọimang nhãn hiệu “Schweinbauch mit Knochen“ (Thịt rọi có xương) nhưng thực ra thì chỉ có một tí sườn hay một tí sụn; mua các hộp thịt rọi này rẻ hơn loại thịt rọi không xương, mỗi kilô giá khác nhau đến hơn hai, ba Euro. Nhất là khi đại siêu thị Kaufland bán đại hạ giá, mỗi kilô thịt rọi tuy có xương nhưng thực ra là không xương, với giá 4,44 € một kilô thì tôi quơ ngay mấy kí mang về ướp tiêu, muối, đường, ớt và ngũ vị hương để làm món bún thịt nướng; tất nhiên không thể nào ăn hết vào một bữa; phần dư thừa còn lại tôi cất vào tủ đá. Tôi có đến hai tủ đá và tủ đá nào cũng đầy ắp thức ăn đông lạnh.

Thế giới đang lâm vào cảnh khó khăn thiếu thốn về đủ mọi mặt, trong đó có chuyện thiếu thực phẩm. Tôi vốn mang tỳ vết tâm linh rất nặng của những năm tháng đói khổ trong trại tù cộng sản cho nên tôi luôn luôn nghĩ đến chuyện phòng thân, chỉ sợ không mua được gạo và thức ăn. Nhưng may mắn là cho đến hôm nay, chợ búa nước Đức vẫn dồi dào thực phẩm. Các ngăn hàng, các sạp hàng vẫn tràn ngập hàng hoá. Giá cả có tăng nhưng túi tiền của tôi vẫn còn tạm đủ sức chịu đựng cho dù báo chí than vãn quá chừng về lạm phát. Trong khi đó thì tại nhiều quốc gia, dân chúng oán trách chính phủ trung ương vì giá xăng nhớt tăng, giá khí đốt tăng, giá thực phẩm tăng, giá dịch vụ tăng. Tôi thấy chính phủ Đức đang gồng mình hết sức chống lại lạm phát. Để giúp người dân đối phó phần nào với sự gia tăng giá nhiên liệu, Đức ban hành biện pháp “tấm vé 9 Euro“. Với tấm vé này, bạn có thể di chuyển trên toàn lãnh thổ nước Đức bằng các chuyến tàu chợ, các chuyến tàu điện hay xe buýt trong một tháng liền, trong ba tháng sáu, tháng bảy và tháng tám. Nhiều du khách ngoại quốc đến Đức bỏ ra 9 Euro để mua tấm vé đặc biệt là tha hồ đi đây đi đó, đi cả ban ngày lẫn ban đêm. Hết tháng tám này chưa biết nhà nước của Thủ tướng Olaf Scholz sẽ có biện pháp nào thay thế tấm vé 9 Euro.

“Bạc là dân, bất nhân là lính“. Đã mấy chục năm rồi, tôi hết là lính nhưng tôi vẫn còn là dân. Tôi không thấy đời sống của tôi trong tư cách là một công dân Đức có phần bạc bẽo.

.

Trần Văn Tích
23.08.2022

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhocnghethuat/van/sikiemnhatnghe.html


Cái Đình - 2022