Trần Văn Tích


Quang Luong

Thân tặng Anh Chu Vương Miện

Gia đình tôi năm người đặt chân lên đất Tây Đức ngày 25.01.1984. Mãi đến ngày 23.07.1993 chúng tôi mới nhận được giấy phép chính thức gia nhập quốc tịch Đức. Và những ngày sau đó thì lo đi làm thẻ căn cước. Trong giấy chấp nhận cho phép nhập quốc tịch, sinh quán của tôi được ghi là Quang Luong / Vietnam còn về phần bà xã thì được ghi là Hanoi / Vietnam. Luật lệ Đức qui định lả thẻ căn cước chỉ có giá trị trong mười năm, vì thế tôi đã hai lần đổi căn cước mới, lần thứ nhất năm 2013 và lần thứ hai là vào năm nay, ngày thứ ba 25.04.2023. Thẻ căn cước cấp lần thứ nhất hơi lớn, hai lần sau Đức rút kinh nghiệm, làm thẻ căn cước vừa đúng khổ thẻ ngân hàng, gọn ghẽ và xinh xắn. Nhưng sinh quán của tôi thì vẫn giữ nguyên là Quang Luong, cả hai chữ đều không có dấu hỏi, dấu nặng và dấu râu. Kèm tên họ là học vị Dr. Đức có truyền thống tôn trọng học vị đại học nên ai có bằng Dr dầu là Dr gì và làm nghề gì cũng luôn luôn được ghi kèm học vị đại học với tên họ. Trên sân túc cầu có trọng tài được xưng hô là Dr Felix Brych nhưng ít người biết Ông Brych là Tiến sĩ thuộc ngành gì khoa gì.

Địa danh sinh quán của bản thân tôi có vẻ không quan trọng lắm đối với các giới chức hành chánh quản trị Đức, khác với học vị cá nhân. Trong hồ sơ khai báo khi xin nhập tịch, tôi ghi rõ ràng và đầy đủ là Quảng lượng, Quảng trị, Việt nam nhưng Đức bỏ qua mấy chữ Quảng trị và Việt nam, chỉ giữ hai chữ Quang Luong mà thôi. Đức vốn không dè rằng “quảng lượng“ là độ lượng rộng rãi.

Nhớ lại thời Pháp thuộc, tôi cũng đã từng khai báo sinh quán khi nộp hồ sơ xin đi học và xin học bổng. Tôi đã ghi không biết bao nhiêu lần : village de Quảng lượng, canton d‘An giạ, phủ de Triệu phong, province de Quảng trị. Làng Quảng lượng, tổng An giạ, phủ Triệu phong, tỉnh Quảng trị. Tôi không hiểu sao người Pháp dùng các danh từ village, canton, province bằng tiếng Pháp mà lại giữ nguyên tên gọi phủ Triệu phong bằng tiếng Việt; có thể để phân biệt phủ với huyện trong cách gọi đơn vị hành chánh mà thời Việt Nam Cộng Hoà gọi chung là quận. Chữ village vốn rất quen thuộc, đó là tên gọi một đơn vị lãnh thổ qui tụ phần lớn là những người nông dân. Chữ canton được sử dụng bên Pháp, bên Thuỵ sĩ, bên Lục xâm bảo, bên Gia nã đại để chỉ những vùng có diện tích và có dân số khác nhau; qua Việt nam, canton là đơn vị từ ngữ tương đương với tổng, đơn vị hành chánh ở nông thôn thời phong kiến và thời bảo hộ, gồm một số làng xã. Khái niệm province đắc dụng ở Bỉ, ở Gia nã đại và ở Tàu. Năm tôi đang học lớp sáu (sixième) Lycée Khai Dinh thì gia đình khuyến khích tôi làm đơn xin học bổng. Trong hồ sơ có tờ giấy chứng nhận gọi là certificat d‘indigence, chứng chỉ nghèo khó; ba tôi bảo cầm cái giấy chứng đó đi hỏi khắp tổng chắc không có bao nhiêu người biết là giấy tờ vào loại gì.

Như đã nói, tôi vừa nhận được thẻ căn cước mới hôm thứ ba 25.04 vừa rồi tại toà Thị chính Bonn. Trước đó tôi phải làm thủ tục xin cấp phát thẻ căn cước mới và đóng tiền xin cấp thẻ. Người ta bảo tôi mang theo hình bán thân nhưng đến nơi, nhân viên phụ trách cấp thẻ căn cước lại bảo là hình tôi mang theo không giống tôi, tôi phải chụp hình biometrisch, hình đo lường sinh học, với máy của nhà nước, tất nhiên phải trả tiền. Hình loại bio này không rõ có đặc điểm quí hoá/quan trọng gì nhưng trông không ra vẻ Trần Văn Tích chút nào mà mang nhiều nét trông như ốm đau! Thời hạn giá trị của thẻ căn cước mới là đến năm 2033, chắc đến năm đó tôi đã chết queo rồi. Sinh quán ghi trong thẻ căn cước mới được cấp vẫn chỉ là hai chữ Quang Luong trơ trụi, chẳng hề có chữ Vietnam. Nhận thẻ căn cước mới, tôi còn có kèm thêm một số PIN năm chữ số mà chỉ một mình tôi biết, mục đích của số PIN là nhằm mở trương mục mới, theo dõi biến đổi tiền hưu, xin trích lục lý lịch hành chánh, gửi bản khai thuế; tất cả các việc này tôi đều không phải làm nữa hay cần làm nữa.

Hỉnh như hai chữ Quang Luong trong thẻ căn cước của tôi không gây chú ý nhiều đối với các nhân viên hành chành quản trị Đức. Họ chỉ cần một địa danh nào đó, để có đầy đủ các đòi hỏi chi tiết liên quan đến lý lịch cá nhân theo luật định. Vả lại không thể bắt buộc nhân viên Đức rành về địa lý đất nước Việt nam. Ngay đến địa lý một siêu cường như Hoa Kỳ mà người nước khác cũng ù ù cạc cạc. Nhiều lần tôi gửi tiền sang Mỹ qua hệ thống chuyển ngân Western union. Tôi ghi Westminster và còn cẩn thận ghi thêm bằng bút chì trong dấu ngoặc đơn chữ city ở ngay đằng sau còn sau chữ CA thì tôi ghi state cũng đặt trong ngoặc đơn và viết với bút chì. Thế mà tôi vẫn cứ phải kiên nhẫn giải thích lôi thôi. Bởi vậy khi thấy giới truyền thông báo chí chế diễu cựu Tổng Thống Mỹ Donald Trump khi cựu Tổng Thống bảo vương quốc Bỉ là một tỉnh của Châu Âu hay khi cựu Tổng Thống lẫn lộn ba quốc gia Baltique với ba quốc gia Balkan; thì tôi cảm thấy bất nhẫn và bất bình.

Tôi quay quắt nhớ thương làng Quảng lượng và rất hay nằm mơ thấy mình đang về thăm lại làng, đang đứng nơi đoạn đường bắt đầu từ làng Đâu Kênh trở đi, trên tỉnh lộ chạy từ thị xã đến Cửa Việt.

Không thể nào về lại làng, tôi đặt nhiều hy vọng vào chuyến thăm làng của cô cháu gái, trưởng nữ của cô em gái út của tôi, vào tháng ba năm nay. Tôi dặn cháu tôi cố chụp cho tôi càng nhiều hình ảnh Quảng lượng càng tốt, càng quí rồi chuyển qua internet sang Đức cho tôi. Tôi nhận được tất cả bảy tấm hình màu, trong số có hình của địa điểm cũ nhà cha mẹ tôi. Thuở tôi ở làng, nhà ba má tôi có thể coi như lớn nhất làng và ngay tại cửa ngõ có hai trụ xi-măng cao và lớn, rất chắc chắn và đẹp đẽ. Anh em chúng tôi đi học xa trên trường phủ Triệu phong, mỗi khi rời hai cái trụ đó là thấy rời mẹ rời cha; mỗi khi đi đâu về mà thấy hai trụ đó là thấy lại nhà mình, là thấy lại bóng dáng mẹ đang loay hoay làm gì đó trong nhà mình. Nhất là những ngày mưa lạnh mà chúng tôi vẫn bị bắt buộc phải mang áo tơi – không phải áo mưa vì làm gì có áo mưa mà mang – để rời nhà lên trường phủ; lắm khi cha mẹ tôi cẩn thận thuê mướn cả người lớn dẫn đường đi kèm lên nhà trọ. Ôi những chiếc áo che mưa che gió chằm bằng lá cọ, lá kè, không có tay, chỉ trùm lên người, mưa gió phía nào thì xoay áo về phía đó. Mà gió thì mạnh và lạnh, cỏn đường thì trơn trợt lầy lụa. Có lần Tây hành quân về làng bị bộ đội Việt Minh tấn công, mấy người lính Pháp rút vào cố thủ trong nhà thờ họ Trần gần sát nhà tôi còn những người “bộ đội cụ Hồ“ thì núp quanh hai cột trụ để bắn tỉa. Anh em chúng tôi bị xua xuống chen chúc núp trốn trong hầm đào dưới nền nhà ngang.

Bây giờ không còn gì quen thuộc nơi làng Quảng lượng của tôi nữa. Hai cột trụ biến mất tăm mất tích và cổng đi vào khu vực địa điểm nhà cũ của cha mẹ tôi thì mới xây cất rất đẹp, các song cửa bằng sắt rất sạch sẽ văn minh. Khu vực nhà cũ của tôi giờ đây biến thành một kiến trúc có vẻ mang dáng dấp một cơ sở tôn giáo! Nhà thờ họ Trần nay mang tên nhà thờ hai họ Trần-Võ và có cổng tam quan rất đồ sộ, “hoành tráng”. Trên một bức hình do cháu tôi chụp, tôi thấy có cả xe ô-tô đậu trong nhà xe. Dân Quảng lượng mà sắm cả xe hơi để xài!

Charles Péguy (1873-1914) là nhà thơ và nhà văn Pháp, xuất thân từ một gia đình gốc nông dân, làm công nhân và thợ thủ công; học trường đại học sư phạm. Chống Đức và tử trận năm 41 tuổi. Nhân vật Jeanne của thi sĩ – mang hình tượng nghệ thuật của nhân vật lịch sử ngoài đời Jeanne d‘Arc – rời làng, rời nhà, rời cha mẹ để tham gia cuộc sống phiêu lưu chiến đấu thần thánh và tử vì đạo. Vĩnh biệt dòng sông quê hương (Adieux à la Meuse), nhà thơ ký thác tâm trạng của nhân vật chính qua những dòng thơ như sau :

Quand nous reverrons-nous? et nous reverrons-nous?
O maison de mon père, ô ma maison que j‘aime.

Jeanne d‘Arc, A Domremy, IIe partie, acte III (Librairie Gallimard, éditeur)

(Khi nào thì chúng ta tái ngộ? và chúng ta có tái ngộ không?
Ôi ngôi nhà của cha tôi, ôi ngôi nhà mà tôi [ngày đêm] thương nhớ.)

Tôi hiểu đại danh từ “nous” trong câu thơ thứ nhất là chỉ bản thân thi sĩ và ngôi nhà của cha mẹ mình, ngôi nhà được nhân cách hoá. Ngôi nhà là một Péguy thứ hai.

Ngôi nhà của cha mẹ tôi ở tại làng Quảng lượng, tổng An giạ, phủ Triệu phong, tỉnh Quảng trị, ngôi nhà nằm phía bên trái tỉnh lộ chạy từ thị xã về Cửa Việt, ngôi nhà đó cũng là một phần của thân xác và tâm hồn tôi. Một nửa của tôi nay không còn nữa.

.

02.05.2023
Trần Văn Tích

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhocnghethuat/van/quangluong.html


Cái Đình - 2023