Đoàn Xuân Thu
Phượng!
<==== Phượng tím – nguồn fast growing tree
Trái đất của chúng ta tròn quay, đầu hơi dẹp, chia làm hai, bằng đường xích đạo (tưởng tượng). Phía trên Bắc bán cầu, phía dưới Nam bán cầu.
Thời tiết đối nghịch nhau! Tháng Mười Hai, Một và Hai, Bắc bán cầu trời sắp sang Đông, lạnh quéo râu hè!
Nam bán cầu, Miệt Dưới (Down Under) là nước Úc, đang vào mùa Hè rực nắng! 8 giờ đêm trời vẫn còn sáng bửng.
Quê mình khác, quê người khác. Khác từ chuyện ăn đến chuyện học. Ở Úc, niên học bắt đầu từ tháng Giêng và chấm dứt vào tháng Chạp. Học như điên, học suốt 12 tháng hay sao? Đâu có! Học trò Úc cũng có nghỉ, nhưng không nghỉ Hè một lèo, suốt 3 tháng, từ tháng Sáu cho tới tháng Chín như ở quê mình đâu.
Một niên học của học trò Úc có 4 học kỳ; có 4 lần nghỉ, mỗi lần 2 tuần cho nó phẻ!
Các kỳ thi thường diễn ra vào cuối mỗi học kỳ, vào tháng 6 và tháng 11.
Schoolies là một sự kiện truyền thống ở Úc, diễn ra vào cuối năm học dành cho học sinh lớp 12 ăn mừng việc hoàn thành chương trình học phổ thông với các hoạt động vui chơi, giải trí tại các địa điểm du lịch nổi tiếng.
So với kỳ nghỉ mùa Xuân, mùa Thu, mùa Đông, nghỉ Hè, cuối niên học, từ thứ Tư 20 tháng Chạp năm 2024 tới Chủ Nhựt 29 tháng Giêng năm 2025 là dài nhứt.
Ôi nhớ xưa quê mình chỉ hai mùa mưa nắng. Hết nắng rồi mưa; hết mưa rồi nắng. Đôi khi chỉ trong một ngày lại nắng sớm mưa chiều. Còn bữa nào, mưa trong bình minh đó là những ngày bão rớt. Nơi mình sanh ra, rồi lớn lên, ở riết quen không còn để ý nữa. Chỉ đến khi xa rồi, mất rồi mới tha thiết nhớ làm sao?
Xin đừng cắm đầu, nhắm mắt, nhắm mũi theo Thanh Tịnh “Hàng năm cứ vào cuối Thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại náo nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường…” chỉ có trong văn thơ của miền Bắc. Dẫu vậy, bất cứ đứa học trò trai hoặc gái của quê mình, của tui một thời thơ dại, ai ai cũng thuộc lòng bài nầy hết ráo!
Mùa bãi trường của quê nhà, của Việt Nam chịu ảnh hưởng từ hệ thống giáo dục của Pháp, bao gồm cả lịch học và các kỳ nghỉ.
Tui nhớ năm 1975, ngày 30 tháng Tư ve trong vườn Bờ Rô, tức Vườn Tao Đàn chưa kêu inh ỏi thì xe tăng CSBV đã vào tới Sài Gòn. Và tiếng hát Thanh Tuyền với bản nhạc Nỗi buồn hoa phượng của Thanh Sơn chưa kịp trổi lên đà lịm tắt.
Tui lưu lạc; tui tha hương. Nước Úc ít thấy Phượng hồng. Mùa nầy đầy Phượng tím! Nổi tiếng nhứt là mùa hoa Phượng tím, Jacaranda, ở Grafton, cách Sydney khoảng 612 km về hướng Bắc mất khoảng 6 giờ 30 phút lái xe. Grafton được thành lập vào năm 1851 và phát triển mạnh mẽ nhờ vào ngành công nghiệp gỗ và nông nghiệp.
Hoa Jacaranda người Việt mình gọi là Phượng tím. Hoa Jacaranda có nguồn gốc từ Nam Mỹ, từ Brazil và Argentina. Những nhà thực vật học và những người định cư châu Âu mang Jacaranda đến Úc vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Cây này nhanh chóng thích nghi với khí hậu ấm áp của Úc và trở thành một phần không thể thiếu của cảnh quan đô thị ở nhiều thành phố, bao gồm cả Grafton.
Hoa Jacaranda thường bắt đầu nở vào giữa tháng 10 và kéo dài đến đầu tháng 11 ở miền Đông nước Úc, bao gồm cả Grafton, là thời điểm cuối mùa xuân.
Thời gian này, các con đường và công viên của thành phố được bao phủ bởi sắc tím rực rỡ của hoa Jacaranda, hoa nở biến các con đường của thành phố thành một biển màu tím rực rỡ.
Lễ hội Jacaranda ở Grafton năm 2024 diễn ra từ ngày 25 tháng 10 đến ngày 3 tháng 11. Lễ hội kéo dài 10 ngày. Cuộc diễn hành Hoa Jacaranda, nơi trung tâm thành phố được trang trí rực rỡ với sắc tím của hoa Jacaranda.
Grafton jacaranda festival
Đêm nay tui nhớ quê nhà. Tui nhớ vài năm đi dạy ngắn ngủi của tui trước khi CSBV chiếm được Miền Nam, tui lúi húi làm thơ:
Em cả quyết: “Không thương mùa Hạ!”
Mùa Hạ buồn ta phải xa nhau,
Bãi trường mà… anh, em nghỉ dạy,
Đang yêu mà… xa chút cũng đau.
Em cả quyết: “Không thương mùa Hạ!”,
Chỉ thương Thu… sớm buổi tựu trường;
Gặp lại anh nghe chừng lâu lắm,
Ba tháng là ba năm nhớ thương.
Em cả quyết: “Không thương mùa Hạ!”
Đi dạy hoài khỏi phải xa anh;
Hội đồng giáo sư mình đối diện,
Chạm chân cười… hiệu trưởng thao thao.
Em cả quyết: “Không thương mùa Hạ!”
Giữ tình ta bí mật nghe anh!
Học trò biết đồn; em mắc cỡ,
Thể như mình không được yêu nhau.
Mùa Hạ đó, tụi mình mất nước,
Lẳng lặng mình anh biển bão giông;
Mùa hạ đó mất anh mãi mãi
Nát lòng em mùa hạ biết không?
Xa anh, qua bao mùa Hạ đỏ,
Phượng rơi rơi máu nhỏ tim mình,
Quê người đó có mùa Hạ tím
Jacaranda bằng lăng tím chữ tình.
Em giữ cho em mùa Hạ đỏ,
Mắt lệ khóc người; khóc tình ta;
Anh giữ cho anh mùa Hạ tím,
Của người; đâu phải của em đâu?!
Đoàn Xuân Thu
06.12.2024
Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhocnghethuat/van/phuong.html