nguyễn như mÂy
Những hạt kim cương lấp lánh tình người
.
Một ngày Tết của năm tôi đang học lớp ba, hai mẹ con cùng mặc áo mới – Má tôi mặc áo dài the màu tím than (chỉ mặc trong ngày Tết); tôi mặc quần “soọc” xanh có hai quai chéo, áo vải pô-pơ-lin trắng ngắn tay thắt “nơ” xanh trông khá đẹp trai. Các bạn biết mẹ con tôi đi đâu hôm ấy không? Xin thưa ngay: Má dắt tôi đi lễ Tết Cô giáo theo truyền thống “Mùng Một Tết Cha, mùng Ba Tết Thầy” có từ bao đời xưa nay đã thành lệ và mọi người đều theo đó mà làm. Xưa, người ta giữ quan niệm: “Quân, Sư, Phụ” rất nghiêm. Theo đó, trên là vua, thứ hai là Thầy rồi mới tới vai trò của người cha...
Tôi còn nhớ món quà cho Cô giáo hôm ấy gồm một hộp cốm, một hộp trà B’Lao ướp bông lài và một gói khoảng nửa ký “thèo lèo” mua ở tiệm tạp hoá trong chợ. Cô của tôi hôm ấy cũng mặc chiếc áo dài màu hồng phấn rất hợp với tuổi trẻ của Cô. Trong khi Má nói chuyện với Cô giáo, tôi chạy theo đứa con trai của Cô đang đi xe đạp con nít chơi quanh trong sân. Tôi rất mê và mơ ước có được xe đạp ấy nhưng vì là con một nên Ba Má tôi không mua cho vì sợ tôi bị... té và ... “tai nạn” gây ra trầy xướt tay chân dù xe đã có thêm hai bánh sắt nhỏ kèm bên cạnh bánh sau! Sau này có con rồi tôi mới thấy Ba Má tôi ngày xưa ấy đã “có lý” khi dư sức mua xe đạp cho tôi mà vẫn... không chịu mua! Có con rồi, vợ chồng tôi chăm con thật kỹ vì cứ sợ chúng té ngã... rất đúng với câu tục ngữ: “Nuôi con mới biết lòng cha mẹ!”.
Tình thương ấy của Cha Mẹ tôi kèm với kỷ niệm đi lễ Tết Cô giáo ngày ấy tôi vẫn còn giữ tới nay mỗi lần ngang qua nhà Cô dọc đường đi uống cà phê hằng ngày... Cô giáo đã mất từ lâu. Con trai của Cô bây giờ cũng là một ông lão 72 tuổi như tôi. Hai đứa tôi cùng học lên tới cấp ba; nhưng anh chàng bị động viên phải đi sĩ quan – trong khi tôi được hoãn dịch vì là con một. Ngày chàng cưới vợ sau ngày nhập ngũ, tôi được gọi tới nhà Cô giáo để đóng vai phù rể. Tôi đã vui vẻ nhận việc vì nghĩ tới công ơn và tình thương dạy dỗ xưa của Cô giáo... Cô hay đánh tôi bằng thước bảng gỗ to bằng cán chổi vì tôi học dốt quá. Nhưng ngày Cô mãn phần, tôi đến thắp nhang và đã khóc sướt mướt như tôi là con ruột của Cô – vì tôi nghĩ quí Cô hay Thầy giáo của mình đều đáng kính trọng như cha mẹ... Tình thương ấy chưa từng phai nhạt trong ký ức và tâm tư tình cảm của tôi mỗi lần đi qua trước ngôi nhà Cô – nơi Cô đã mở lớp dạy học cho chúng tôi ngày nào ...
Lên trung học, tôi được học nhiều Thầy Cô qua tất cả các môn học. Hầu hết tôi đều bị quí Cô Thầy “quở mắng” liên tục vì tôi rất ham chơi. Thậm chí, Thầy Giám hiệu đã về “mét” với Ba Má tôi – dĩ nhiên là sau đó tôi phải “ăn đòn” suốt... Nhưng rồi “chứng nào tật nấy”, tôi phải ì ạch lắm mới học xong cấp ba! Sau này tuy đã có gia đình, cứ mỗi lần gặp lại quí Thầy Cô nay đã quá tuổi hưu rồi nhưng sao tôi lại vừa hồi hộp vừa sung sướng khi “thưa gửi” y như lúc mình đang còn là học trò của Thầy Cô dù họ chỉ lớn hơn tôi cao nhất là 10 tuổi! Con tôi đã hỏi:
– Sao ba má già rồi mà cứ còn xưng “Em” với các Thầy, Cô như hồi nhỏ vậy?
Tôi cho chúng biết rằng đó chính là Hạnh Phúc của một người học trò cũ có bổn phận kính trọng và tưởng nhớ công ơn đối với những người đã dạy mình học... Thậm chí với một người Thầy chỉ từng dạy tôi khoá học trong một tháng luyện thi đệ thất nay đã quá 80 tuổi nhưng nay tôi vẫn cúi đầu chào trân trọng mỗi khi gặp Thầy ngồi phơi nắng sáng dọc bờ sông.
Có thể là bạn có rất nhiều tiền nhưng tôi tin chắc rằng bạn rất khó có được một tình thương chân thành đối với quí Thầy và Cô mình như vậy. Trong các dịp họp lớp, chúng tôi đã ôm chặt lấy quí Cô quí Thầy xưa của mình mà khóc sướt mướt như đám con nít – dù hồi nhỏ đi học hay bị Thầy-Cô “quở mắng” thậm tệ!.. Nay, cả học trò lẫn Thầy giáo đều đã có tuổi với mái tóc bạc, răng long và hai chân đau khớp như nhau nên đi lại không còn vững vàng như xưa nữa. Có Cô đã rất cố gắng tới dự họp lớp với học trò cũ trên chiếc xe lăn làm cho cả đám học trò giành nhau đẩy xe cho Cô để mong được góp phần “trả ơn trả nghĩa” cho những người “không có công sinh nhưng có công dạy dỗ nên người”... Tất cả đều xuất phát từ Tình Thương giữa con người với nhau, giữa Thầy trò với nhau dù biết rằng Thầy Cô của chúng ta đi dạy học cũng là một cách kiếm sống cho mình và cho gia đình mình ...
Xưa, đã từng xuất hiện câu “Nhất tự vi Sư, bán tự vi Sư” để luôn nhắc nhở chúng ta về Công Ơn của người thầy, dù chúng ta chỉ học được ở các vị ấy có “nửa chữ”!.. Hoặc, quí Thầy còn hay nhắc đến danh từ vui vui mới nghe qua tưởng là tiếng Tây: “Godautre” là... “Gõ Đầu Trẻ”! Thật ra, Thầy của chúng ta không những đã “gõ đầu” học trò mà còn “đánh” học trò như... đánh con cái ở nhà Thầy! Nhưng rồi ai cũng khóc khi gặp lại Thầy-Cô mình bây giờ đã trở thành “chân yếu, tay mềm” hết cả rồi; và, thêm một điều không kém phần quan trọng nữa mà ai cũng từng gặp trong các cuộc họp lớp: Học trò và Thầy-Cô bày cho nhau các toa thuốc trị bịnh tim mạch, khớp hay thần kinh toạ...
Ôi! Tôi đã từng nghĩ rằng chắc gì những hạt Kim Cương đắt giá nhất thế giới này có thể so sánh được với Tình Thương Yêu của quí Cô-Thầy đối với học trò của mình từ khi họ còn đang những ngày trẻ trung đã hết lòng dạy dỗ học trò cho tới tận ngày mình già yếu và bệnh tật hôm nay!..
.
nguyễn như mÂy
Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhocnghethuat/van/nhunghatkimcuong.html