nguyễn như mÂy
Những bài thơ nuôi dưỡng tâm hồn tôi
.
Hình như khi vừa mới chào đời là tôi đã có sẵn một tâm hồn yêu thích thơ văn! Có thể nói một phần lớn do Ba và Má tôi là những người đã từng vui buồn với thơ ca hò vè dân dã lúc còn trai trẻ nên sau này tôi là người được tiếp bước... Hồi còn con gái ở quê Hội An, Má tôi đã yêu mến những làn điệu dân ca hay hát hò khoan dưới những đêm trăng nam thanh nữ tú cùng tát nước hay giã gạo, đập lúa bên sông... Ba tôi là một lực điền trai trẻ nhưng rất mê môn Hát Bộ ở quê nhà xứ Nẫu Bình Định. Ngoài ra, Người còn “mê” ngâm nga Truyện Kiều hay truyện thơ Chinh Phụ Ngâm vốn là những viên ngọc sáng chói trong văn học Việt Nam... Tôi lấy làm vinh dự được thừa hưởng tinh thần yêu Thơ và Nhạc của cha mẹ mình từ ấy...
Ngoài những bài thơ như “Tây Tiến” hào sảng khí phách của Quang Dũng, “Hai sắc hoa Ti-gôn” diễm tình của T.T.K.H., hay mang chất hào khí như “Tống biệt hành” của Thâm Tâm... tôi vẫn thuộc lòng và nhớ đời ba bài thơ viết về mùa thu của cụ Nguyễn Khuyến (1835 - 1909) dù nay mình đã qua tuổi “thất thập cổ lai hy”; trong đó tôi vẫn yêu chất thơ phảng phất nét mực tàu khi Tác giả hạ bút viết nên bài thơ “Thu Điếu”:
Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo
Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo
Tựa gối, ôm cần lâu chẳng được
Cá đâu đớp động dưới chân bèo...
Cụ Nguyễn Khuyến tuy rất giỏi cả chữ Hán lẫn chữ Nôm nhưng sau khi lấy cớ đau mắt để xin về vườn, ông còn là một nhà thơ thôn dã ưa thích sự nhẹ nhàng nơi thôn trang và một hôm, ông đã “hóm hỉnh” viết nên bài thơ “Bạn đến chơi nhà” khéo léo và tếu nhất trong văn học nước ta:
Đã bấy lâu nay Bác tới nhà
Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa
Ao sâu, nước cả - khôn chài cá
Vườn rộng, rào thưa - khó đuổi gà
Cải chửa ra cây, cà chửa nụ
Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa
Đầu trò tiếp khách - trầu không có !
Bác đến chơi đây ta với ta...
Riêng trong thơ thơ văn tiền chiến, tôi vẫn yêu quí một “viên ngọc” sáng chói rất mẫu mực từ hình thức tới nội dung, đó là bài thơ “Ông Đồ” của Vũ Đình Liên mà cứ vào tháng chạp hằng năm là tôi hay ngâm nga:
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người quaBao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
“Hoa tay thảo những nét
Như phượng mùa rồng bay”Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu ?
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu...Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bayNăm nay hoa đào nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ ?
Lòng tôi buồn buồn theo hồn thơ tiếc nuối một thời suy tàn của chữ Hán sau khi ai ai cũng thi nhau chuyển sang dùng chữ Quốc ngữ... Sau này có người hỏi về động cơ để viết nên bài thơ Ông Đồ, tác giả Vũ Đình Liên kể:
– Ông đồ trong bài thơ là có thật. Ông ấy thường ngồi ở phố Hàng Bồ (Hà Nội). Đó là một phố hàng xén bán diêm, xà bông, giấy, bút và mực. Vì nghèo nên ông đồ không có tiền mua sẵn giấy. Chỉ khi nào có ai tới “mua” chữ thì ông mới chìa tay vào phía trong rồi nói với cô hàng xén: “Cho tôi mua một tờ giấy”.
Và điều rất có duyên cho nhà thơ Vũ Đình Liên, tác giả bài thơ Ông Đồ, cô hàng xén bán giấy ấy chính là vợ nhà thơ của chúng ta, vì nhạc mẫu Vũ Đình Liên có cửa hàng bán giấy dó ngay chỗ ông đồ ngồi! Nhà thơ còn phân trần:
– Nếu tôi không lấy nhà tôi làm vợ năm 1935 thì đã không có bài thơ ấy!
Tác giả còn kể thêm:
– Tôi lấy màu hoa đào đỏ đưa vào bài thơ vì nhớ tới câu thơ của Thôi Hộ: “Đào hoa y cựu tiếu đông phong” mà cụ Nguyễn Du nhà mình đã “Việt hoá” một cách tài tình là “Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông”...
Cũng theo lời kể của Vũ Đình Liên, Hoạ sĩ Bùi Xuân Phái đã vì yêu quí hồn thơ của ông qua bài “Ông Đồ” mà hai người thành bạn thân với nhau cho tới ngày cuối đời ...
Được biết, bài thơ “Ông Đồ” đã đăng lần đầu tiên trên báo Tinh Hoa năm 1936 tại Hà Nội...
.
nguyễn như mÂy
Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhocnghethuat/van/nhungbaithonuoiduong.html