Nguyễn Quyết Thắng
Nhớ – Quả trứng – Nhánh cây – Vào Thiền *
Nhạc sĩ Nguyễn Quyết Thắng và nhà văn Doãn Quốc Sỹ
Tôi viết lên đây nhân dịp sinh nhật lần thứ 100 tính theo tuổi âm lịch của nhà văn Doãn Quốc Sỹ. Một trong những người hiếm có, để đạt đến “Bách Niên Thượng Thọ” như người đời thường chúc tụng.
Để chúc tụng hay ca ngợi Doãn Quốc Sỹ dù hằng trăm câu cũng không đủ, và chỉ một chữ cũng dư thừa. Bạn cứ thử gõ trên bàn phím chữ Doãn Quốc Sỹ, thì Google sẽ đưa ra hằng trăm bài viết tốt đẹp về nhà giáo kiêm nhà văn Doãn Quốc Sỹ này do bằng hữu viết, do học trò viết, và do những người ái mộ “văn hay chữ tốt” cùng những tâm hồn cao thượng, đôn hậu của ông. Với tôi, tôi chẳng biết nhiều về ông, ngoài sự giao tiếp gần gũi với đám con của ông là chính. Thế nhưng Doãn Quốc Sỹ đã đặt một dấu ấn quan trọng trong tôi từ thuở gặp gỡ quen biết lần đầu tiên, tính đến nay đã hơn 40 năm trôi qua.
Trong dịp sinh nhật của ông, xin nguyện cầu ơn trên ban đến ông mọi an lành, sức khỏe dồi dào và luôn hạnh phúc bên con cháu.
Thời gian vào bậc Trung Học tại Banmethuot, tôi được biết đến Doãn Quốc Sỹ một cách vô tình qua tác phẩm Ba Sinh Hương Lửa, rồi thích ông qua Dòng Sông Định Mệnh, và nể phục ông qua Khu Rừng Lau. Thế thôi… Doãn Quốc Sỹ với tôi lúc ấy, cũng vẫn chỉ là nhân vật trong sách vở, tiểu thuyết như bao nhà văn khác mà tôi chưa được gặp gỡ. Già - Trẻ - Lớn - Bé ra sao?, tôi cũng không quan tâm cho lắm.
Thuở tôi về sống tại Sài Gòn năm 71, trong thời gian này tôi được mời tham dự đám cưới của Hiếu, đó là một đoàn viên Du Ca Banme mà tôi rất qúi mến sánh duyên cùng Liên, là một trong những người con gái của Doãn Quốc Sỹ. Cũng kể từ đó tôi biết đến tất cả các con của ông, điều thú vị là dường như hầu hết các con của ông đều thích sinh hoạt văn nghệ, rất hợp với sở thích của tôi.
Rồi những ngày tháng ngờm ngợp nối đuôi nhau, nhiều biến chuyển trong công việc rày đây mai đó của tôi, mãi cho đến ngày đất nước chìm ngập trong bóng tối 30 tháng 4-75. Tôi đã phải rời bỏ Sài gòn, nơi mà tuổi trưởng thành của tôi hằng ước mơ sẽ tung cánh bay xa, sẽ tìm cho mình một tương lai tươi sáng hơn, nhưng đã phải trở về lại Banme nơi có gia đình, cha mẹ, anh em và vợ con, đang mong mỏi trông ngóng tăm hơi của tôi sau khi quốc lộ Sài Gòn-Banmethuot bị gián đoạn cả tháng trước đó.
Cuộc sống nào có bình yên, nhân viên trên Phường Khối sát nhập cùng thanh niên cờ đỏ đẩy chiếc xe “ba gác” đến nhà tôi, đưa lệnh tịch thu “Văn Hóa Phẩm” mà chúng gọi là “đồi trụy” và “phản động”. Chúng đã tự khuân toàn bộ tủ sách của tôi, trong đó có những Tuyển Tập nhạc Việt Nam, nhạc Dân ca, nhạc Du Ca, nhạc Sinh Hoạt Thanh Thiếu Niên, và nhạc của chính tôi sáng tác. Đa số những quyển sách trong tủ mà tôi rất thích là những tác phẩm được chuyển dịch của các văn hào thế giới như: William Shakespear, Kahlil Gibran, Ernest Hemingway, William Faulkner, Fyodor Mikhailovich, Lev Tolstoy, Victor Hugo, Fyodor Dostoevsky, Erich Maria Remarque….
Sách của những nhà văn Việt Nam như: Nguyễn Mộng Giác, Mai Thảo, Võ Phiến, Duyên Anh, Hồ Hữu Tường, Vũ Khắc Khoan, Phạm Công Thiện, Thanh Tâm Tuyền, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Doãn Quốc Sỹ, Duy Lam,Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Bùi Giáng, Nhất Linh, Nguyên Sa, Nhất Hạnh, Tuệ Sỹ….
Những cuốn sách tôi hằng trân quý, được mua bằng tiền nhịn ăn sáng, nhịn cà phê, bằng đồng lương được ngắt bớt ra dấu diếm mua sách, chúng được bọc bìa cẩn thận bằng giấy bóng mầu. Nay chúng lôi ra quăng lên xe ba gác, chồng chất, lăn lóc, rách nát…
Đúng như dự đoán của tôi việc này sẽ xẩy ra như trong sách vở đã từng kể lại của các nước bị quân Cộng Sản chiếm đóng. Trước đó tôi đã mang một số quyển sách mà tôi ưu thích đến tặng cho các bằng hữu thân quen và các em trong gia đình để đọc, gọi là làm giấy vệ sinh sau khi đọc xong. Một số sách của Erich Maria Remarque, Hemingway, Kahlil Gibran, Nguyễn Tuân, Doãn Quốc Sỹ, Thiền Luận của Daisetz Teitaro Suzuki, tôi đã bỏ vào một thùng sắt đóng nắp kín và đào hố chôn trong hiên nhà. Sau này tôi có dịp trở về thăm lại gia đình, mới biết nhà đã sửa chữa nối dài ra phía sau, lớp xi măng đổ lên làm nền kín mít. Chắc thùng sách của tôi giờ vẫn bị chôn vùi nằm nguyên dưới đó.
Tôi bị kết tội là một nhạc sĩ “Tâm Lý Chiến” của chế độ cũ, trong khi tôi chỉ là một Du Ca Viên của Phong Trào Du Ca VN. Tôi là tên tội đồ CIA, trong khi tôi chỉ là nhân viên của YMCA một hội thanh niên cơ đốc phụng sự thế giới giúp người nghèo khó, hoạn nạn. Tôi là tên Biệt Kích khát máu đánh thuê của Mỹ, trong khi tôi đã là một thương phế binh VNCH giải ngũ từ lâu. Những điều này, chúng đã biết sự thật là thế nào, nhưng chúng cứ lên án kết tội để đẩy tôi vào trại học tập và tống vào vùng Kinh Tế Mới. Tôi đã phải làm đủ mọi ngành nghề lao động để chống lại việc đẩy ải tôi đi vào con đường cùng, xa lìa thành phố.
Trong những lúc lao đao khốn cùng đó, tôi mới nhìn rõ được những người quen biết chung quanh, người tốt kẻ xấu ra sao? Có những người hàng xóm thật thân tình mà tôi thường giúp đỡ trược kia, nay vì quyền lợi và danh vọng, đã trở mặt hãm hại tôi. Có những người bạn thân thiết trước kia, sợ bị liên lụy cũng vẫy tay xa lánh, ngoảnh mặt-quay lưng, trong đó có cả những đàn em văn nghệ nữa.
Ôi Việt Nam quê hương tôi ơi! Ôi anh em, bằng hữu, người dân yêu thương quí mến của tôi ơi! Biến đâu cả rồi?.
Những bài hát ca tụng đất nước tươi đẹp đã ngừng thoát ra trên môi, những bản nhạc kêu gọi khí dũng người dân Việt, những ca khúc mời gọi anh em bằng hữu nắm tay nhau cùng xây dựng hòa bình và tô điểm non sông tươi đẹp, cũng bị nuốt ngược vào trong tâm, lặng im…
Những hiện vật còn có trong tay, tôi đã đem bán hoặc nhờ người đem đi bán hộ, nhưng của đi thì có mà tiền về thì không. Gom góp mọi thứ, nhịn ăn, nhịn mặc, giao cho người quen để đi vượt biển thì lại bị người lường gạt.Vì sự sống và tương lai của các con tôi, tôi đã tìm đủ mọi cách để vượt thoát móng vuốt của những kẻ muốn ám hại tôi, tôi đã trốn chạy về Sài Gòn.
Tình cờ một hôm, tôi ghé vào con hẻm dẫn đến nhà anh Trần Đại Lộc, một huynh trưởng của PTDCVN, tôi thấy anh cùng một vài thanh niên đang quây quần bên quán cà phê hè đường cười đùa với nhau, té ra là các con của ông Doãn Quốc Sỹ, tôi nhập cuộc trò chuyện mới biết rõ anh Lộc được tôn làm “anh Hai” của nhóm mang tên là “Hội Ca Cầm”. Đây cũng là tựa một bài hát vui mà các tay hề VN thường hát trên đài truyền hình và anh Lộc cũng thường hát trong những buổi sinh hoạt Du Ca:
Hội Ca Cầm là Hội Ca Cầm
Chúc Cậu với Mợ giầu sang
Giầu sang, giầu sang phú quí
Trên thời ô tô dưới thời ca nô
Nằm thì nằm giường Lèo
Đắp chăn thì thêm nệm gấm
Đi giầy là giầy Gia Định
Ngồi ghế là ghế Phượng Loan
Cậu bịt thêm mấy răng vàng
Trên đầu cậu xịt dầu thơm, “dầu hôi”.
Dăm chuyện qua lại, tôi lắng nghe mới rõ các em đang bàn tính về việc ngày mai đi đón bố Sỹ, tôi chợt miệng hỏi:
– Bố Sỹ làm sao?
– Bố em bị bắt bấy lâu này, mai thì được thả về.
Sau 30 tháng tư, tôi chả khác nào như một kẻ khổ sai lưu đầy trên miền cao nguyên BMT, mọi tin tức xa gần đều không được biết đến. Nay lại đang ẩn nấp lao đao tìm đường thoát chạy, không biết bao giờ mình sẽ bị bắt vào tù đây. Thấy người lại nghĩ đến ta, lòng thật áy náy lại thêm tò mò.
Hơn tuần sau, vào một buổi tối tôi ghé thăm vợ chồng Hiếu ở căn nhà “Thành Thái” và cũng là lần đầu tiên diện kiến ông Doãn Quốc Sỹ. Trên chiếc bàn dài, ông ngồi một đầu, tôi và các đám con của ông ngồi chung quanh, bà Sỹ thì luôn bận rộn đi lên đi xuống qua lại, bếp núc.
Lâu lắm rồi, hôm nay tôi mới được nghe các em hát, những bài hát quen thuộc của Du Ca. Hiếu giới thiệu tôi với ông Sỹ và đề nghị tôi hát cho ông nghe. Mặc dù trong lòng lo lắng về hoàn cảnh hiện tại, nhưng máu văn nghệ bỗng bùng lên háo hức. Tôi cầm đàn và hát lên một cách hồn nhiên, một cách thèm khát, như cá gập nước. Tôi hát nhạc Nguyễn Đức Quang rồi chuyển qua nhạc của tôi sáng tác. Trong ánh sáng ấm áp của buổi tối, ông Doãn Quốc Sỹ ngồi lặng im, lắng nghe… Cho đến khi tôi ngưng hát và đặt đàn xuống, ông hỏi:
– Hay lắm, thế anh có còn sáng tác nữa không?
– Dạ thưa bác, mấy năm nay cháu ngưng, không viết được bài nào cả….
Làm sao viết được bây giờ, mọi đoàn thể đều ngưng hoạt động vì cấm đoán, không còn sinh hoạt thì môi trường sáng tác cũng bế tắc trong tôi. Bàn tay thư sinh ôm đàn sinh hoạt với thanh niên YMCA và học sinh các trường học, nay đã chai đá, mồ hôi tuôn trào trong lao động cật lực không ngừng nghỉ, tâm trí đã biến thành một màn chắn bảo vệ cho bản thân, cho gia đình, để tránh né những cạm bẫy đang rình rập chung quanh sẵn sàng để hãm hại mình.
Một tác phẩm muốn viết ra, chúng giao điều kiện phải mang tính chất Đảng, tính Sản Xuất, tính Chiến Đấu v.v.. Tôi không phải là một thợ nhạc, không thể phất theo chiều gió, và thật sự trong lúc này, tôi không còn thời giờ để có thể cầm đàn nhởn nhơ như thế.
Ông Sỹ nói tiếp:
– Người viết ví như con gà… Gà thì phải đẻ trứng, gà không đẻ trứng thì chỉ mang đi làm thịt thôi!
Tôi há miệng, liếc nhìn nhanh ánh mắt của ông, thầm nghĩ: Hả? Tại sao không là gì khác hơn, mà phải là gà? Gà đẻ trứng vàng hay đẻ trứng thường?… Nhiều suy nghĩ, thắc mắc, quay nhanh trong đầu. Gà đẻ “trứng vàng” là những người có tiền để dành trong ngân hàng sinh lợi. Chắc ông ám chỉ đây là “trứng thường” thôi…
Chỉ có một câu nói đó đã làm vướng bận tâm tôi mãi mãi.
Là một thầy giáo, thầy quăng cho tôi quả trứng (zero điểm). Hay tôi phải tạo ra quả trứng (0 điểm). Điều hổ thẹn nhem nhúm trong tôi, cái quả trứng ám ảnh, ray rứt lòng tôi suốt những ngày tháng lo toan vượt biển.
“Gà không đẻ trứng chỉ đem đi thịt…” Lời ông đã tặng cho tôi không phải là một trách móc, cũng không phải là một lời khuyên nhủ, mà thực sự là một phán quyết, răn đe. Cũng chỉ vì một quả trứng “bình thường” đó, mà mỗi khi nghĩ đến nó, là tôi như một kẻ phạm lỗi, sự hối thúc phải tiếp tục sáng tác khơi dậy trong lòng. Những nhà văn, nhà thơ họ vẫn còn sáng tác trong lao tù, lời bi thương, lời hờn oán vẫn được thể hiện bằng máu và nước mắt, tại sao mình lại im hơi lặng lẽ như thế sao đành?
Suốt từ tuổi thanh niên 30 cho đến nay trên 70 tuổi, tất cả những bản nhạc của tôi đã viết ra, tôi mong ước được thầy quăng cho tôi quả trứng, con số 0. Không điểm tức là đã có điểm, vui quá. Tôi hình dung những bản nhạc của tôi đã viết ra, đều ẩn hiện số Không to tướng của thầy Sỹ, là quả trứng của tôi.
Tôi thầm cám ơn ông và luôn nhớ đến ông.
Thời gian cứ trôi nhanh, tôi vượt biển và định cư tại Hòa Lan. Việc sinh nhai nơi xứ lạ quê người khá bận rộn. Tuy nhiên tôi vẫn luôn theo đuổi nền văn nghệ Du Ca mà tôi đã chọn từ thuở mới lớn, sự liên lạc với bằng hữu thân quen, cũng như với các người con của ông Doãn Quốc Sỹ mỗi ngày một gần gũi và thân tình hơn, mỗi lần gọi điện thoại thăm viếng hoặc gập gỡ nhau, tôi luôn nhắc nhớ và thăm hỏi:
– Bố có khỏe không em?
Riết rồi quen miệng, tôi gọi ông là Bố êm ru như gọi Bố mình vậy. Bố của tôi nhỏ hơn ông Sỹ 1 tuổi. Tôi không biết hai người có quen nhau không, nhưng có lần tôi đã nghe Bố tôi nhắc đến ông qua tác phẩm Sợ Lửa và Dòng Sông Định Mệnh. Những cái tựa của các tác phẩm ông đã viết nghe rất đặc biệt, rất lôi cuốn, khiến người ta (tôi) dễ nhớ và gợi sự tò mò muốn tìm hiểu.
Vào một ngày tháng 3 năm 2002, tôi nhận được tin thư của Thái từ Texas cho biết ông sẽ qua Hòa Lan chơi và ghé thăm gia đình tôi. Những ngày dạo bộ thăm phố phường Hòa Lan, thăm con đê dài chắn biển nổi tiếng, thăm giàn quạt gió tát cạn nước biển, đến những khu văn hóa đặc biệt của Amsterdam đèn xanh đèn đỏ, tôi đã được nghe ông nói rất nhiều.
Một buổi tối đầu xuân trong nhà, cái lạnh của thời tiết vẫn còn bị nhốt ngoài trời, cả gia đình chúng tôi được quây quần bên ông trong căn phòng khách nhỏ bé của gia đình tôi, được lắng nghe ông kể về chuyện Thiền ấm áp, những mẩu chuyện ông đã ghi lại trong tập sách “Vào Thiền” của ông cũng được kể lại.
Trước kia, tôi cũng đã đọc qua 3 tập Thiền Luận của Daisetz Teitaro Suzuki, nhưng cho tới nay thì chẳng còn nhớ điều gì. Thế mà chỉ lắng nghe ông kể chuyện Thiền, lúc cao giọng, lúc trầm xuống, lúc mỉm cười, lúc khua tay. Như một giảng sư làm mê hoặc người nghe, làm nổi bật một Thiền sư trong ông.
Một câu chuyện làm tôi nhớ mãi kể về 2 vị cao tăng, một già một trẻ. Trên đường đi phải băng ngang con suối, gặp một cô gái xinh đẹp đang rụt rè trước dòng nước và tỏ ý nhờ 2 vị giúp đỡ. Vị sư trẻ ngại ngùng không dám nhận lời, nhưng vị cao tăng kia bèn khom lưng cúi xuống bảo cô gái bá trên lưng và cõng cô ta qua bên kia suối. Hai vị lại tiếp tục im lặng rảo bước, mãi cho đến một lúc sau không nhịn được nữa, vị sư trẻ cất tiếng hỏi: Mình là người tu hành sao ngài lại cõng cô gái xinh đẹp đó trên lưng như thế? Vị cao tăng trả lời: Giúp người là lẽ tự nhiên, ta đã bỏ cô ta ở bên bờ suối kia rồi, sao đệ vẫn còn cõng cô ta mãi cho đến đây?
Câu chuyện này, tôi đã được của ông Doãn Quốc Sỹ tặng cho, tôi đã áp dụng nó ở bất cứ chuyện gì trong sinh hoạt hằng ngày. Những chuyện không cần nhớ, không đáng vướng bận, tôi gắng bỏ qua ngay. Từ chỗ đó, tôi cảm thấy tâm hồn mình nhẹ nhàng hơn, vui và yêu đời hơn. Niềm sảng khoái trong tâm hồn thúc đẩy tôi lại thêm ý sáng tác nhạc, lại vui vẻ ôm đàn và cất tiếng hát vang.
Tôi thầm cám ơn ông, và vẫn luôn nhớ đến ông…
Lần gặp ông gần nhất cách đây 2 năm, trong dịp Tết Nguyên Đán, cũng trùng ngày sinh nhật của ông và cũng là ngày sinh hoạt văn nghệ kỷ niệm Du Ca Banme tại California. Theo lời mời và sự đón tiếp chu đáo của Liên, tôi có dịp gần gũi ông Sỹ đôi ngày, cùng ăn cơm chung, cùng dạo phố chung, cùng thăm vườn hoa chung với ông.
Mặc dù bên nhau, nhưng tôi ít được nghe ông nói hơn là nghe ông cười:
– Hà… hà….
– Hà… hà….
Được dịp nhìn ông cúi xuống nhặt những cành cây khô, đứng lên cắt ra từng khúc nhỏ, hoặc bẻ vụn, quăng đi, rồi lại cúi xuống, đứng lên, không ngừng nghỉ. Đó là một cách sinh hoạt vận động hằng ngày của ông…
Trước kia, trong việc làm của tôi tại công sở, một ngày ngồi 8 tiếng trước máy điện toán, cơ thể hoạt động không nhiều nên hai bàn tay thường bị tê cứng, tôi hay dùng trái banh làm bằng da, nhỏ bằng trái golf trong độn những hạt nhỏ như cát. Bóp… nắn… cho những ngón tay được hoạt động lưu thông máu, gân cốt. Nay trái banh đó vẫn còn đây, mỗi lần nhìn thấy nó, là tôi lại nhớ tới ông Sỹ, ông xử dụng bàn tay mạnh mẽ hơn tôi. Cắt hay bẻ một nhánh cây nó có sức phản hồi lò so kéo cắt, hoặc độ dẻo cứng của nhánh cây. Không như tôi bóp trái banh bằng cát nó không có sức công phản đó, cho nên mỏi thì vẫn mỏi. Hơn nữa, tôi không có dịp để đứng lên ngồi xuống như ông. Mỗi lần ngồi xuống là một quyết định, một bổn phận. Mỗi lần đứng lên là một chấp nhận, một gánh chịu. Mỗi lần bẻ là một niềm vui, một thỏa mãn. Mỗi lần cắt là một kiên nhẫn, một thành công. Tất cả đã thể hiện thoát ra từ hình hài ông mỗi khi ông háo hức khoác áo, đội mũ, thoăn thoắt với đôi chân mạnh mẽ bước ra cửa.
Nay tôi đã học của ông điều này, tôi phải bắt chước những động tác ông đã làm, chắc chắn cũng sẽ vui và hữu ích lắm.
Nghĩ đến thế, tôi bật dậy ra sân, nhìn ngó… tìm kiếm những cành cây khô nào có thể bẻ, hoặc những cành cây tươi nào có thể cắt được. Nhưng khổ nỗi trong vườn chỉ có những chậu hoa kiểng của nhà tôi đã được vun khéo, chăm sóc kỹ lưỡng, chẳng có cành nào dư thừa cả… Nhà tôi nhìn theo tôi với ánh mắt đầy vẻ thắc mắc, ngờ vực…
Chẳng nhẽ thời tiết lạnh lẽo, ẩm ướt như thế này mà tôi lại rủ nhà tôi cùng nhau dạo bộ công viên thì cũng lạ lắm...
Tôi vẫn luôn nhớ đến ông, thầm cảm ơn ông.
.
Nguyễn Quyết Thắng
Hòa Lan
________
* Những mẩu chuyện kỷ niệm với nhà văn DOÃN QUỐC SỸ được in trong tập sách: "Sáng Nay Mùa Xuân" do Doãn Gia xuất bản 2022.
Bìa cứng, dày 322 trang
Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhocnghethuat/van/nhoquatrung.html