Topa


"Người Hiệp Sĩ" trong rừng già.

.

Mùa hè năm ấy tôi trở về thăm nhiều gia đình người Hòa Lan đã từng giúp đỡ nhóm người Việt chúng tôi khi chúng tôi đặt bước chân tỵ nạn đến Thị xã. Dịp này tôi đã được nhiều người nói cho tôi biết về một đôi vợ chồng trẻ cũng là người Việt Nam, hiện làm chủ một khu resort bên khu rừng Fontainebleau Forest Pháp Quốc. Họ hết lời khen khu resort và khu rừng tuyệt đẹp. Họ nói: “Những ngày chúng tôi đến nghỉ dưỡng ở đây, chúng tôi rất vui và rất hài lòng vì được tiếp đón rất long trọng. Khu resort thật lịch sự và sang. Đặc biệt các món ăn Pháp và Việt thì vô cùng xuất sắc… ngoài sự chờ đợi của mọi người. Ba tuần ở đó thì hầu hết nhiều gia đình trong nhóm đã ăn điểm tâm với chỉ món phở, hoặc bánh bao, hoặc bánh mì với xíu mại; cũng như được thưởng thức ly café phin… rất lạ và rất ngon.”

Sau mùa hè năm ấy, tôi quyết định mùa hè năm sau sẽ đến nghỉ ở khu resort Fontainebleau Forest. Và, tôi đến khi đồng hồ chỉ đúng ba giờ chiều. Vì cùng là người đồng hương, tôi được đôi vợ chồng trẻ chủ resort tâm sự rất nhiều. Cô Antoinette Phạm và chồng là anh Lê Hiếu kể:    

“Ngày xa xưa lắm, khi đó tôi mới được năm tuổi đã phải theo ba mẹ bỏ nước ra đi. Đây là sự lựa chọn rất đúng và kịp thời. Nếu như gia đình tôi kẹt ở lại Việt Nam thì ba tôi chắc chắn sẽ bị Việt Cộng giết vì cấp bậc và vì công việc ông đã phụ trách. Chồng của tôi là anh Lê Hiếu đây, cũng đã cùng gia đình nhanh chân chạy khỏi quê hương trước khi cộng sản Bắc Việt tràn vô Sàigòn. Khi ấy tuổi của anh cũng còn rất trẻ. Anh lớn hơn tôi ba tuổi…”

Anh Lê Hiếu tiếp lời vợ:

“Khi học trên đại học chúng tôi đã gặp và rồi sau đó cùng nhau xây dựng gia đình. Cũng vì thấy người Việt mình thường làm công cho người ngoại quốc nên chúng tôi đã cố gắng học hành và tiết kiệm tối đa… mới có được ngày hôm nay. Khu resort hoàn toàn mới và hoạt động đã được hơn ba năm. Cũng nhờ chính phủ Pháp tận tình giúp đỡ nên khu resort được mở rộng khá lớn và sang trọng; lại tọa lạc bên khu rừng già tuyệt đẹp và tuyệt thơ mộng nên mau chóng được nổi tiếng và được du khách khắp thế giới đến đây nghỉ dưỡng thường xuyên. Đến nay đã có bảy mươi hai gia đình người Việt mình mà đa số sinh sống tại Pháp, đã đến đây với chúng tôi. Anh là người Việt Nam đầu tiên ở Hòa Lan đến đây.”

Cô Antoinette Phạm nói thêm vô:

“Vào những ngày lễ, hoặc mùa hè và mùa đông, phải đặt chỗ trước cả dăm ba tháng mới có chỗ. Những nhân vật có tiếng tăm như… Và những diễn viên điện ảnh tên tuổi như… cũng đã từng đến đây và cũng đều hết lời khen tặng.”

Tôi đặt chỗ trước gần một năm nên trước mùa nghỉ hè hai ngày, tôi đã có mặt tại khu resort. Năm đó tôi muốn được thay đổi không khí, tôi muốn rời xa thành phố để được hít thở không khí trong lành của núi rừng ba tuần, thay vì ở lại nhà để đi tham dự những cuộc du ngoạn vui chơi cắm trại và ăn uống với những người thân. Từ nhiều năm qua, mỗi năm chúng tôi đều họp mặt vào những ngày này gọi là để, mừng một mùa hè đầy nắng ấm sau mùa đông và mùa xuân với nhiều lạnh lẽo. Và, năm đó chỉ có tôi vắng mặt.

***

Buổi sáng ngày thứ hai, sau khi ăn sáng với chỉ một cái bánh bao và ly café… pha máy, tôi quyết định đi dạo trong khu rừng rộng lớn đó để cho biết nó đẹp như thế nào. Vì nghĩ mình chỉ đi dạo loanh quanh gần khu resort thôi, nên tôi không cầm theo một thứ gì cả, ngoài bộ đồ đang mặc trên người.

Theo con đường mòn, tôi cứ đi và vừa đi vừa ngắm cảnh rừng tuyệt đẹp và thơ mộng… đã gợi cho tôi nhớ lại những ngày xa xưa khi tôi còn là cậu học sinh bậc trung học. Nhà trường, vốn là dòng tu Công giáo đào tạo các tu sĩ; tọa lạc ở ngoại ô thành phố Dalat; thường mỗi cuối tháng có tổ chức đi cắm trại trong khu rừng thông và sáng đi chiều về. Vào mùa hè hoặc những ngày lễ lớn, trường tổ chức những đêm cắm trại ngủ trong rừng từ hai đến ba đêm; rất vui và thật nhiều kỷ niệm cùng những san sẻ bạn bè buồn vui trong lứa tuổi học trò.

Sáng hôm nay vì quá say mê với cảnh đẹp thơ mộng của núi rừng trong không gian lặng gió và thời tiết ấm áp, tôi đã đi sâu vô trong rừng mà tôi không hề hay biết. Tôi yên trí khi nào muốn về lại khu resort tôi chỉ cần đi theo con đường mòn mà tôi đã đi… là về đến nơi thôi. Nhưng, đang đi tôi bỗng nghe rất rõ tiếng nước chảy. Vì nghĩ dòng nước cũng gần đây, và hơn nữa tôi cũng đang khát, nên tôi đã rời con đường mòn và đi qua một khu rừng cây để đến nơi có tiếng nước chảy. Tôi nghe rõ ràng tiếng nước chảy nên tôi nghĩ không xa. Vậy mà tôi đi đã rất lâu rồi, đi cũng phải có hơn hai mươi lăm phút, nhưng tôi vẫn chưa nhìn thấy dòng nước. Đến khi sự lo lắng và nỗi sợ hãi bị lạc đường xuất hiện trong đầu, tôi đã không còn cách nào tìm ra con đường mòn được nữa. Tôi đã đi lòng vòng trong khu rừng cho đến khi nhìn đồng hồ đeo tay thì thấy đã năm giờ hai mươi bảy phút chiều. Tôi đã đi trong rừng hơn tám tiếng đồng hồ rồi. Tôi vừa mệt, vừa khát, vừa đói, và vừa lo sợ. Nhưng, tôi vẫn cố tìm lối về trong khi lòng dạ tôi đã vô cùng hoảng loạn. Tôi nghĩ, tôi đã bị lạc đường thật rồi. Tôi đang ở trong tình trạng chưa bao giờ bị khủng hoảng như vậy. Tôi bị khát đến khô cả cổ họng và cái đói làm cồn cào dạ dày đến độ vả mồ hôi. Tôi cảm nhận được mồ hôi đang chảy rịn đầy lưng và ướt đẫm khắp cả người tôi. Vừa hoảng sợ vừa khát và vừa đói, đã làm cho tôi không thể bước đi cách bình thường được nữa. Tôi đói đến gần lả cả người ra nên việc tìm con đường mòn để quay trở về khu nhà nghỉ là điều tôi khó có thể thực hiện được. Mặc dù đang lo lắng và sợ hãi, tôi vẫn nghe có tiếng nước chảy. Cũng vì muốn đến nơi có dòng nước chảy mà giờ đây tôi mới ra nông nỗi này. Tôi chợt nhớ, theo tờ thông tin của khu resort thì, khu rừng Fontainebleau Forest có một cái hồ lớn cách khu resort khoảng năm cây số. Ngoài cái hồ ra thì khu rừng hoàn toàn không có sông không có suối gì cả. Thế mà tại sao tôi vẫn nghe tiếng nước chảy như có con suối nhỏ? Cái miệng của tôi đã quá khô rồi. Khô đến nỗi tôi không thể nào làm cho nước miếng chảy ra được mặc dù tôi đã nghĩ đến những trái chanh, trái khế, trái cóc, trái me...

Tôi cố gắng một lần cuối. Tôi bước đi cách rất khó khăn về hướng có tiếng nước chảy. Như vậy là tôi đã vô tình đi sâu vô trong rừng hơn nhưng vẫn không thấy nước đâu. Mệt quá, tôi ngồi xuống dựa lưng vô gốc cây lớn để nghỉ mệt. Vì quá mệt nên cái mặt của tôi đang cúi gằm xuống nhìn mặt đất. Thất vọng đến gần như bị tê liệt cả tay chân và đầu óc. Tôi ngồi như vậy khoảng chừng dăm ba phút thì, thình lình một tiếng nói khàn khàn bằng tiếng Việt vang lên bên tai tôi:

“Ông đi đâu và tìm gì mà tôi thấy ông cứ đi lòng vòng trong khu rừng này mãi vậy?”

Giựt mình, tôi ngẩng đầu nhìn lên với hai con mắt mở thật lớn. Trước mặt tôi là một người đàn ông trung niên trong bộ đồ đi săn với cái nón đội trên đầu và đang ngồi trên mình con ngựa trắng, mà, một cách nào đó tôi đã không nghe được tiếng chân của con ngựa. Nhưng, gương mặt của ông cho tôi biết rõ ràng là gương mặt của người mang hai dòng máu. Ông là người Pháp hay người Mỹ hay dân tộc nào đó được lai với dòng máu Việt Nam… thì đối với tôi lúc này không phải là điều cần phải thắc mắc. Nhìn ông và con ngựa đã làm cho tôi nhớ đến một tấm hình trong quyển sách của nước Pháp được dịch ra tiếng Việt mà tôi đã đọc từ khi còn nhỏ. Câu chuyện viết về một vị hiệp sĩ trong một chuỗi những câu chuyện huyền bí ma quái của những nơi có những lâu đài của Pháp. Người hiệp sĩ trong rừng già đã giết chết một con cọp để cứu một người đi lạc trong rừng mà cuối cùng thì người hiệp sĩ đó lại chính là… oan hồn. Oan hồn hiện lên để cứu người chứ không nhát hay hại một người nào cả. Tuổi thơ tôi đã say mê đọc những chuyện như vậy đó. Tôi nhìn chằm chằm đến “Người hiệp sĩ” trước mặt tôi để tin rằng, ông là người thật chứ không phải là oan hồn. Ông mặc trên người bộ đồ đi săn còn rất mới. Nhưng, bộ đồ, cái nón và con ngựa thì lại bị đất bám đầy như thể ông và con ngựa đã… từ trong lòng đất vừa chui lên vậy. Tuy nhiên, tôi tin cách chắc chắn ông là người thật chứ không phải... Tôi nhìn ông và thều thào:

“Ông ơi tôi khát quá. Xin ông cho tôi uống nước vì tôi đang khát quá rồi.”

“Người hiệp sĩ”chỉ tay về hướng trước mặt tôi và nói:

“Tôi không có nước mang theo. Nhưng phía trước mặt, cũng không xa lắm đâu, có một dòng nước. Ông lên đây tôi sẽ đưa ông đến đó.”

“Người hiệp sĩ” cúi người xuống đủ thấp để nắm lấy bàn tay tôi. Và, lạ lùng thay, tôi thấy mình như bay từ chỗ đang ngồi lên lưng con ngựa… cách rất nhẹ nhàng. Tôi ngồi phía sau lưng “người hiệp sĩ” nên tôi ôm cứng lấy bụng của ông. Lần đầu tiên tôi cỡi ngựa nhưng vì ngồi phía sau, hơn nữa tôi đang đói và khát đến lả cả người ra nên có phần sợ. Con ngựa đưa hai chân trước lên cao làm cho tôi sợ quá nên tôi càng ôm chặt ông hơn. Con ngựa hí lên một tiếng rồi phi thật nhanh về phía trước giống như chiếc xe đua lao đi với vận tốc tối đa mà tôi thường thấy trên màn ảnh truyền hình. Và, chỉ trong  nháy mắt thôi thì phía trước mặt tôi xuất hiện một dòng nước nhỏ. Nhỏ thôi nhưng nước trong vắt. Nhỏ nhưng tôi biết đó là dòng nước cứu mạng tôi. Mặc dù đang quá mệt, nhưng tôi còn nhận ra là, nều tôi đi thêm một chút nữa thôi theo hướng trước mặt, tôi sẽ gặp dòng nước như tôi đã được nghe nước chảy trước đó. Con ngựa đang đứng sát bên dòng nước. Tôi liền bỏ tay khỏi bụng “người hiệp sĩ” và lao người xuống bên cạnh dòng nước trước khi “Người hiệp sĩ” kịp có hành động nào đó với tôi. Lúc này cái mặt của tôi đang sát bên dòng nước. Tôi đang nằm sát bên dòng nước nên tôi chỉ việc gục mặt xuống là... Hớp nước đầu tiên, hớp nước lạnh như nước đá chảy vô cuống họng và tôi nghe rõ dòng nước chảy xuống dạ dày làm cho tôi tỉnh táo hẳn lại. Sau khi tôi đã uống một bụng đầy nước thì, “người hiệp sĩ” đưa cho tôi một gói nhỏ. “Người hiệp sĩ”nói:

“Ông ăn đi. Tôi nghĩ chắc chắn ông đói lắm rồi. Đây là phần ăn mà vợ tôi thường chuẩn bị sẵn để tôi đem theo mỗi khi đi săn. Ông cứ ăn tự nhiên vì tôi cũng vừa ăn xong.”

Tôi mở nhanh gói thức ăn ra và nhìn thấy hai trái bắp chín và một miếng thịt heo hong khói thật lớn. Tôi gật đầu thay cho lời cám ơn và liền ăn ngấu nghiến hết liền hai trái bắp với miếng thịt heo. Đây có lẽ là bữa ăn ngon nhất trong đời tôi. Cũng vì đói quá nên khi ăn tôi đã không giữ được lịch sự. Tôi đã đưa thức ăn vô miệng và nhai ngồm ngoàm rồi nuốt nhanh chứ không đợi thức ăn nhuyễn ra. Tôi liếc thấy “người hiệp sĩ” mỉm cười khi nhìn tôi ăn. Sau khi tôi ăn xong, “người hiệp sĩ”… vẫn luôn ngồi trên lưng con ngựa. Chỉ tay đến dòng nước và nói:

“Bây giờ ông cứ đi xuôi theo dòng nước nhỏ này và ông sẽ về đến chỗ khu resort.”

Như muốn cho tôi biết tại sao bộ đồ dính đầy đất, “người hiệp sĩ”chỉ vô bộ đồ đang mặc và nói:

“Tôi đi săn mấy ngày nay chưa về nhà nên tôi cần phải về ngay để thay đồ. Tôi và con ngựa bị sụp xuống hố đất nên bộ đồ và con ngựa không còn sạch sẽ. Lúc này chắc chắn vợ tôi đang mong chờ tôi lắm rồi.”

Tôi nhìn ông với con mắt đầy biết ơn của người được cứu mạng. Tôi nói:

“Nhà ông ở đâu?  Và tôi muốn... sau này có thể đến thăm ông... được không?

“Người hiệp sĩ” lấy từ trong túi ra một tờ giấy có ghi sẵn địa chỉ và đưa cho tôi:

“Nhà của tôi… nhà mà tôi hiện sống trong đó cũng không xa đây lắm đâu. Địa chỉ của gia đình tôi có ghi trong mảnh giấy này. Ông nhớ đến nhà tôi nhé. Ông phải đến nhé. Tôi mong ông đến lắm.”

Và, không để cho tôi có lời cám ơn ông, “người hiệp sĩ” quay ngựa chạy ngược lại với dòng nước. Tôi nhìn theo “người hiệp sĩ”và hứa với lòng là sẽ đến thăm ông ngay sau khi về đến khu resort an toàn. Khi bóng “người hiệp sĩ” vừa khuất sau rừng cây. Và, tôi vừa định quay lưng để đi theo dòng nước thì, ngay lập tức một cơn giông gió nổi lên với sấm sét mạnh khủng khiếp. Và, chỉ trong tích tắc thôi là cơn mưa thật lớn và thật mạnh đổ xuống làm cho tôi cuống cuồng chạy đến đứng dưới thân cây lớn có nhiều tàn lá. Mưa đến thật bất ngờ và lớn quá. Tôi nghĩ, cơn mưa này chắc chắn sẽ kéo dài và tôi sẽ phải ngủ đêm tại đây thôi. Tôi hoàn toàn yên tâm ở lại đây trong bao lâu chờ cho cơn mưa qua đi rồi về. Khu rừng này không còn thú dữ nữa. Sách chỉ dẫn của khu resort có ghi rõ ràng như vậy. Hai con mắt của tôi bỗng trở nên nặng nề như thể có cục đá treo lên làm cho nó sụp nhanh xuống. Tôi ngủ ngồi chờ mặt trời lên.

***

Những ngọn đuốc chiếu sáng rực cả một khu rừng làm cho tôi bừng mở mắt vì tôi có loáng thoáng nghe như có tiếng gọi tên tôi. Cơn mưa giông đã ngưng từ lúc nào mà tôi không hề hay biết. Tôi đã ngủ một giấc ngủ thật sâu trong tư thế ngồi co ro vì lạnh và vì quá mệt. Tiếng gọi tên tôi mỗi lúc mỗi gần hơn nhưng tôi không thể nào lên tiếng đáp lại hay đứng lên ngay được.

Một nhóm người trong bộ đồ đồng phục của khu resort và trên tay mỗi người cầm một cây đuốc… đã nhìn thấy tôi. Họ đang bước từng bước thật chậm với vẻ thận trọng tiến về phía tôi. Và, một trong những người đầu tiên khi đến bên tôi đã lên tiếng hỏi:

“Ông có bị sao không? Ông có đứng lên và bước đi được không?”

Lúc này tôi mới để ý hai chân của tôi không thể duỗi ngay ra được. Tôi nghe họ hỏi và tôi cũng muốn nói với họ một lời. Nhưng không hiểu tại sao tôi vẫn chưa mở miệng ra được. Nhóm người sau đó đã lẹ làng làm một cái cáng và đặt tôi nằm lên đó. Tôi muốn nói với họ là, chân tôi không thể duỗi ra được. Nhưng tôi vẫn không làm sao mở miệng ra được. Và, tôi cũng không hiểu tại sao hai cái chân của tôi bị co cứng khi đã nằm trên cáng. Tôi lại chìm vô giấc ngủ sâu khi những người đi tìm tôi bắt đầu cáng tôi đi.

***

Thật không thể dễ dàng mà tin ngay được là tôi đã ở trong rừng, bên cạnh dòng nước từ bốn ngày qua với chỉ hai trái bắp và một miếng thịt heo hong khói trong bụng. Những nhân viên khu resort đã tìm thấy tôi cũng như vị bác sĩ đã nói với tôi, tôi bỏ đi biệt tăm đến hôm tìm gặp tôi là đúng bốn ngày. Đến trưa ngày thứ tư vợ chồng cô Antoinette Phạm và anh Lê Hiếu mới biết mấy ngày qua tôi không có mặt ở resort nên đã quyết định cho mười nam nhân viên đi tìm tôi. Vợ chồng cô tin là tôi đã đi lạc trong rừng rồi. Và, thật may mắn cho tôi khi các nhân viên tìm gặp tôi trong rừng cách khu nhà nghỉ mát khoảng bốn cây số. Họ dự định tìm kiếm tôi trong vòng năm cây số thôi chứ không xa hơn. Cô Antoinette Phạm và anh Lê Hiếu có lý khi quyết định như vậy. Thật may mắn cho tôi quá.

Nhớ lại mọi chuyện đã qua. Nhớ lại người đã cứu tôi làm cho tôi thật hoảng sợ. Tôi cố không nghĩ người đã cứu tôi cũng là oan hồn đã hiện ra và cứu tôi. Tôi nhớ lại chuyện ma của Pháp cũng với người hiệp sĩ cỡi ngựa mà rùng mình. Chợt nhớ đến mảnh giấy ghi địa chỉ mà “người hiệp sĩ” đã đưa cho tôi, tôi vội vàng chạy ngay đến phòng giặt đồ để tìm mảnh giấy. Thật xui cho tôi quá vì bộ đồ đang ở trong máy giặt và không còn cách nào hơn là chờ cho máy ngưng.

Nếu tôi không nhìn thấy thì không thể nào tin được khi mảnh giấy ghi địa chỉ vẫn còn nguyên vẹn với nét chữ thật rõ ràng như thể chưa hề bị nhúng vô nước. Tờ giấy là giấy thường thôi nhưng tại sao lại không ướt và bị rách? Bây giờ tôi xác định là, tôi đã gặp một oan hồn hiện ra cứu giúp tôi và muốn tôi đến nhà. Câu nói của “người hiệp sĩ”: “Ông nhớ đến nhà tôi nhé. Ông phải đến nhé. Tôi mong ông đến lắm”… vang lên trong đầu tôi làm tôi quyết định ngay sáng hôm sau tôi sẽ đi đến địa chỉ ghi trong giấy.

***

Ngôi nhà là căn biệt thự tọa lạc cách khu resort tám cây số và khá cũ. Tiếp tôi là một bà khoảng hơn sáu mươi tuổi. Bà chịu tiếp tôi khi người giúp việc cho bà đưa tờ giấy ghi địa chỉ mà tôi đưa ra trong đó có tên người đã cứu tôi. Bà tuy tuổi đã cao nhưng chắc chắn lúc còn trẻ bà phải là người rất đẹp và sang trọng. Bà tiếp tôi rất lịch sự và mời tôi uống cà phê trước khi tôi thuật lại thật tỉ mỉ mọi chi tiết cho bà nghe về chuyện, bằng cách nào đó tôi đã gặp được “người hiệp sĩ” và đã cứu tôi:

“Thưa bà, khi đó ông có nói: “Tôi đi săn mấy ngày nay chưa về nhà nên tôi cần phải về ngay để thay đồ. Tôi và con ngựa bị sụp xuống hố đất nên bộ đồ không còn sạch sẽ. Lúc này chắc chắn vợ tôi đang mong chờ tôi lắm rồi.” Bây giờ bà cho tôi biết ông không có mặt trong nhà đã lâu. Điều đó làm cho tôi vững tin là ông đã… xuất hiện kịp lúc để cứu tôi. Và, qua tôi ông cũng sẽ được trở về nhà. Lúc đó tôi đang lả người ra vì đói và khát. Nếu không có ông cứu thì ngày hôm đó có lẽ tôi đã bị kiệt sức và chết trong rừng rồi. Ông đã đưa tôi đến bên dòng nước và còn cho tôi hai trái bắp với miếng thịt heo hong khói mà ông nói, đây là phần ăn mà vợ tôi thường chuẩn bị sẵn để tôi đem theo mỗi khi đi săn.”

Vừa nghe tôi kể đến đoạn, hai trái bắp và miếng thịt heo, bà liền bật khóc. Bà ôm mặt khóc… không phát ra tiếng khóc trông bà thật đau khổ và thật tội nghiệp. Toàn thân bà cứ rung lên từng chập vì quá xúc động, cho đến khi bà lấy lại được sự bình tĩnh để nói cho tôi biết: “Ông ơi, người đã cứu ông đích thật là chồng của tôi đã mất đúng bốn mươi hai năm mười sáu ngày; tính hết ngày hôm nay. Khi chồng tôi mất, thời gian đó tôi mới được hai mươi bốn tuổi. Tôi đã đếm từng ngày để xem khi nào tôi gặp lại chồng tôi. Ba chồng của tôi là người Pháp có vợ là người Việt Nam. Chồng tôi từ nhỏ đã theo ba chồng tôi đi săn bắn nên rất đam mê, mà, mỗi khi đi săn chồng tôi chỉ thích ăn bắp với thịt heo hong khói… giống như ba chồng tôi vậy.”

Bây giờ tôi đã biết là tôi đoán đúng. “Người hiệp sĩ” đã cứu mạng tôi là người mang hai dòng máu Pháp Việt. Hai trái bắp với miếng thịt heo hong khói là có thật. Và, cũng nhờ vậy mà tôi được sống sót đến bốn ngày trong rừng. Sau một lúc để cho cơn xúc động đi qua, bà nói tiếp:

“Chồng tôi đi săn rồi mất tích luôn đến ai ai cũng tin là ông ấy đã bị thú dữ ăn thịt đến mất xác rồi. Chính quyền đã huy động rất đông người mà ròng rã cả nửa năm tìm kiếm nhưng vẫn không tìm thấy xác. Ông ấy là người rất tốt hay cứu giúp những người nào cần đến ông. Ông rất thương yêu và chiều chuộng tôi nên vì vậy mà tôi đã ở vậy cho đến nay...”

Nói rồi bà lại ôm mặt khóc. Tôi nhìn bà và nói với giọng nói thật run vì vẫn còn thất kinh hồn vía:

“Bà cho biết... ân nhân của tôi đã mất từ mấy mươi năm qua rồi nên... bây giờ nhớ lại tôi mới để ý đến những điều bất bình thường khi gặp vị ân nhân. Điều thứ nhất, tại sao vị ân nhân biết tôi là người Việt để hỏi tôi bằng tiếng Việt. Điều thứ hai, lúc vị ân nhân đưa tôi đến bên dòng nước thì…  đã bảy giờ tối rồi. Và, tuy đang là mùa hè nhưng chúng tôi đang ở giữa rừng và bị che phủ kín bởi các cây cao. Thế nhưng, tôi vẫn nhìn thấy dòng nước trong vắt như thể đang là giữa trưa với ánh mặt trời chiếu sáng. Điều thứ ba, vị ân nhân nói tôi cứ đi theo dòng nước là về đến khu resort, trong khi tôi đâu có nói là tôi ở khu resort. Tôi tin... tôi tin là xác của vị ân nhân... xác của ông nhà... đang nằm ở đâu đó gần chỗ... chỗ mà ông ấy đưa tôi đến dòng nước cho tôi uống và cho ăn. Ông có nói là, ông ở gần đó.”

“Tôi hoàn toàn tin câu chuyện của ông vì mảnh giấy ghi đúng là chữ của chồng tôi. Tôi hiện tại không thể làm gì được. Nhưng, xin ông hãy giúp tôi đem xác của chồng tôi về đây chôn ông nhé?”

Bà lại ôm mặt khóc. Cái cách khóc thương người thân của bà đã biểu lộ bà là người sang trọng và tư cách.

Tôi nói trong nỗi xúc động mạnh khi nhớ đến “người hiệp sĩ”:

“Thưa bà, tôi hứa sẽ làm tất cả những gì mà tôi có thể làm được. Xin bà hãy yên tâm vì nhờ ông mà tôi còn đến ngày hôm nay. Ơn cứu mạng đó tôi không bao giờ quên được. Thưa bà.”

***

Vợ chồng cô Antoinette Phạm và anh Lê Hiếu đã hết lòng giúp tôi. Cô Antoinette Phạm và anh Lê Hiếu cùng tất cả mọi người đều quả quyết, trong chu vi năm cây số của khu rừng hoàn toàn không có dòng nước nào như tôi mô tả. Họ đã cùng tôi đến ngay nơi mà họ đã tìm thấy tôi. Tại nơi đó chúng tôi đã tìm ra một cái hố sâu và rộng lớn. Quả thật nơi đó không hề có dòng nước như tôi đã thấy và đã được uống. Chính quyền địa phương đã giúp phương tiện nên chẳng bao lâu đã tìm thấy xác của “người hiệp sĩ” và con ngựa bị vùi chôn dưới cái hố thật lớn đó. Theo báo cáo của nhân viên địa chất được chính quyền địa phương cử đến thì, đúng là hố đất đó đã bị sụp từ mấy mươi năm trước vì bên dưới cái hố có dòng nước ngầm. Cái hố cách nơi tìm ra tôi chỉ khoảng năm mươi thước. Có một điều làm cho tôi và mọi người thắc mắc nhưng không có lời giải. Đó là bộ đồ của “người hiệp sĩ” vẫn còn nguyên vẹn như mới mà tôi đã nhìn thấy ông mặc khi đến cứu tôi. Thân xác “người hiệp sĩ”và con ngựa, dĩ nhiên chỉ còn là hai bộ xương thôi.

Từ mùa hè năm đó tôi đã tin có sự huyền bí, có sự sống tiếp nối ở bên kia thế giới. Từ nay, mỗi năm vào mùa hè tôi sẽ trở lại khu resort của cô Antoinette Phạm và anh Lê Hiếu để được đến nơi tôi đã gặp Ông Jean Louis Robespierre – “Người hiệp sĩ” trong rừng già. Vị ân nhân đã cứu mạng mà tôi đặt tên là, Ông Việt.

.

Topa (Hòa Lan)

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhocnghethuat/van/nguoihiepsitrongrunggia.html


Cái Đình - 2022