Phan Ni Tấn


Ngày Xuân Con Én

"Đoạn viết về sự khác biệt giữa chim én và chim yến dưới đây là do một người bạn sành sõi
nghề săn bắt tổ yến kể ra, tôi căn cứ vào lời kể đó viết ra truyện này".

*

Cứ mỗi độ xuân về chim én lại xuất hiện bay rợp trời trên cao nguyên quê tôi. Chim én là biểu tượng của mùa xuân, và là hình ảnh rất quen thuộc với người Việt mình. Hồi nhỏ tôi tưởng chim én là chim yến, nhưng lớn lên tìm hiểu mới biết không phải. Chim én là chim én, cũng không phải là chim nhạn như nhiều người ngộ nhận, còn chim yến gọi là yến biển. Hai loài chim này mới nhìn thấy giống nhau, có cùng sở thích bay lượn và săn mồi trên không, còn thì khác nhau ở nhiều điểm.

Chim én có lông màu đen hoặc xanh đen, mỏ lớn hơn mỏ chim yến. Chim én có thể đậu trên dây điện nhờ đôi chân cứng cáp, trong khi chim yến không đậu được vì chân rất yếu. Bù lại, chim yến bay cao hơn, nhanh hơn chim én và bay lượn suốt ngày. Khi bay, đôi cánh chim yến xòe ra rất rộng, còn cánh của chim én có hình cánh cụp, đuôi chim yến cũng chẻ hai nhưng không nhọn và dài như chim én. Chim én thường xây tổ trong hang hay trong khe hở các mái nhà, còn chim yến thường xây tổ ngoài đảo. Nhìn chung, loài chim này bay nhanh nhất thế giới so với các loài chim khác.

Có hai loại yến là yến đảo và yến nuôi. Yến đảo làm tổ trên những vách đá cao, dựng đứng hoặc trong những hang động cheo leo, hiểm trở. Tổ chim yến có hình dạng như cái chén, to, dầy và cứng để bảo vệ trứng và chim non. Tổ làm bằng bùn đất, rong, rêu, cỏ, lông và lá cây kết bằng nước miếng của chúng. Thức ăn săn từ thiên nhiên nên tổ chim yến rất tinh khiết và quí hiếm, được coi là một dược phẩm thượng hạng. Đời vua chúa ngày xưa bên Trung Hoa, tổ yến dùng để tiến vua. Ngày nay, ngoài thị trường tổ yến có giá rất cao, nhưng ai cũng có thể mua được vì thiệt giả lẫn lộn.

Yến nuôi là yến được nuôi trong nhà. Chuồng yến na ná như chuồng bồ câu nhưng lớn như nhà ở cất trên gác thượng. Chuồng được trang bị hệ thống sưởi ấm, tạo mùi hoang dã, tiếng chim mồi cũng giả. Chim yến ngoài thiên nhiên nghe tiếng kêu của đồng loại sẽ tụ lại, nếu thích nghi sẽ ở luôn. Sáng sáng chúng bay đi tìm thức ăn từ thiên nhiên, chiều bay về tổ.

Hiện nay ở Rạch Giá, khu lấn biển trên đường Lâm Quang Ky, nhiều nhà dân cất chuồng nuôi yến thu được nhiều lợi nhuận. Nhưng vì là yến nuôi nên giá cả rẻ hơn yến đảo.

Trong thi ca Việt Nam, chim én được nhắc tới nhiều hơn chim yến.Thí dụ:

Én cũng là đề tài trong các bài hát mừng xuân của các nhạc sĩ như Chinh Phụ Ca (Phạm Duy), Xuân Và Tuổi Trẻ (La Hối - Thế Lữ), Nếu Xuân Này Vắng Anh (Bảo Thu), Xưân Này Con Không Về (Trịnh Lâm Ngân), Mùa Xuân Xôn Xao (Hàn Châu), Tạm Biệt Chim Én (Trần Tiến), Những Cánh Én Mùa Xuân (Nguyễn Hiền), Mùa Chim Én Bay (Anh Thơ), Xuân Ơi Xuân (Nguyễn Ngọc Thiện), Khi Chim Én Về (Võ Công Anh) v.v…

Tóm lại, chim én là loài chim quen thuộc đã bay vào tâm thức của người Việt từ bao đời. Nó có mặt trong mọi lãnh vực văn học nghệ thuật: thơ, văn, nhạc, họa.

Ngoài chim én, Truyện Kiều Nguyễn Du cũng có nói về chim yến, nhưng thường ghép với chim vàng anh, như: "Điều đâu lấy yến làm anh. Ngây thơ chẳng biết là danh phận gì". "Nàng rằng: Trời nhé có hay! Quyến anh rủ yến sự này tại ai"…

Nói tới chim yến tôi bồi hồi nhớ lại hồi nhỏ tôi và năm ba thằng bạn hay tắm biển Nha Trang. Tuổi trẻ hăng máu nghịch ngợm thích chọn bãi nào có những lượn sóng dữ dằn đập ầm ầm vào bờ, sủi bọt trắng xóa là lao mình xuống. Vẫy vùng trước cái bao la hùng vĩ của sóng biển từ sáng tới trưa xong lên bờ rượt bắt mấy chú còng, mệt thì nằm dài trên cát, nghe hàng dương vi vu, ngắm mây trời lộng gió, ngó về Cầu Đá, ngó ra Hòn Tre, nhất là nheo mắt ngó ra Hòn Yến tít ngoài khơi xa.

Hồi nhỏ tôi thích đọc truyện đường rừng, truyện phiêu lưu, mạo hiểm, ưa nhìn những gì mờ ảo xa xôi. Sau này lớn lên, có dịp trở lại Nha Trang, đứng trước biển tôi đều nhìn lung ra ngoài khơi coi Hòn Yến… còn đó hay không. Có lần tôi xuống xóm Cồn, gần Cầu Đá thăm thằng bạn tắm biển ngày xưa được vợ chồng nó đãi rượu đậu nành đưa cay bằng ghẹ luộc, ốc nướng và chén cháo yến thơm điếc mũi. Lúc ngà say nó oang oang kể về nghề săn bắt tổ yến nghe mà mê. Trong đám bạn tắm biển hồi đó, nó là thằng chì nhất, chẳng sợ biển cao sóng cả là gì. Chính nó là… “thằng thầy” dạy tôi dũng cảm lao mình vào những đợt sóng lớn, sùng sục sôi trào đổ ập vào bờ. Nó cũng dạy tôi chèo thuyền thúng mà “người ở núi” như tôi chèo gì thì chèo nó vẫn lắc lư, xoay tròn một chỗ. Thuyền thúng đan bằng tre, hình tròn,chở được một hai người, chỉ có ở các làng chài Việt Nam, dùng để ngư dân nuôi hải sản di chuyển. Lớn lên tụi tôi đều vào lính, riêng nó – con một – trở thành tay săn bắt tổ yến chuyên nghiệp. Vào mùa khô, nó theo ba nó dong ghe ra Hòn Yến, cách bờ biển Nha Trang khoảng 12 hải lý (25km) săn bắt tổ yến. Năm 1985, ở hải ngoại tôi nghe tin nó bị té chết trong hang yến vào tháng 3, đầu mùa thu hoạch tổ yến.

Nghĩ tới nó mà xót xa. Nhưng dù sao, trong đám bạn tắm biển Nha Trang hồi nhỏ, nó là thằng sau cùng chết ở ngoài đảo so với bốn thằng bạn kia lần lượt hy sinh trên rừng trên núi âm u. Bây giờ còn lại mình tôi ngồi nhớ lại những chuyện ngày xưa mà thương cho tuổi trẻ Việt Nam trong thời khói lửa, đao binh. Mỗi lần nhớ tới những thằng bạn chết trẻ tôi lại bùi ngùi. Có trời mới biết hồn tụi nó bây giờ ở đâu, đã giạt về phương nào hay còn vất vưởng đâu đó trên quê hương khốn khổ kia.

Thôi thì tôi cũng cầu mong cho tụi nó bay cao hơn chim yến trên trời đầy mây trắng hòng sớm tiêu diêu miền cực lạc nào đó xa xăm.

       

Phan Ni Tấn

 

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhocnghethuat/van/ngayxuanconen.html


Cái Đình - 2025