Nguyễn Lê Hồng Hưng


Một đời nhớ quên

   

Năm ngoái, khi vừa nghỉ hưu, tôi ghi danh học tiếng Hoà Lan tại thị xã nơi mình sinh sống. Lớp học được tổ chức trong thư viện, nhân viên và giáo viên đều là những người thiện nguyện, họ làm việc rất bài bản và nhiệt tình. Nhờ vậy, tôi học hỏi được nhiều điều. Không chỉ học ngôn ngữ, tôi còn khám phá ra một bài học lớn hơn: học cách hòa đồng tập thể, cùng sống chung với những người đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau.

Hôm ấy giữa tháng Tư, chỉ còn vài ngày nữa là đến lễ Phục Sinh. Sau buổi học, lớp sẽ được nghỉ xuân hai tuần. Lớp học cũng đã kết thúc. Tôi nán lại, ngồi uống cà phê với nhóm bạn trẻ cùng lớp – những học viên đến từ những quốc gia bất ổn, nơi chiến tranh, loạn lạc còn đương tiếp diễn, chưa biết tới bao giờ mới ngưng?

Họ kể lại những câu chuyện đầy sợ hãi trên quê hương mình và hành trình gian nan vượt thoát ra nước ngoài. Người nào cũng mang gương mặt căng thẳng, ánh mắt nặng trĩu niềm uất hận dành cho những kẻ đã gieo rắc đau thương lên dân tộc họ.

Mỗi tâm hồn như một hòn đảo riêng biệt, nhưng tất cả cùng công nhận một điều: “Đặt chân đến Hoà Lan, chúng tôi như được tái sinh. Sau những ngày tháng sống trong sợ hãi, đau thương, cuối cùng, một cuộc đời mới đã bắt đầu.”

Giữa tháng Tư. Trời Hoà Lan u ám, chợt mưa, chợt nắng, thành ngữ Hoà Lan có câu “April doet wat hij wil”, nghĩa là: “Tháng Tư làm theo ý nó muốn”. Tôi nhìn ra ngoài trời xuyên qua vách kiếng, không gian đục mờ như ký ức. Nghĩ tới những câu chuyện kể của những người bạn trẻ khốn khổ ấy, lòng tôi chợt trôi dạt giữa hai bờ nhớ và quên. Ký ức xưa hiện về rõ nét.

Gần năm mươi năm trước, tôi rời xa quê hương, theo đoàn người vượt biển. Sau hai ngày đêm lênh đênh trên chiếc ghe đánh cá nhỏ, chen chúc hàng trăm sinh mạng, may mắn thay, chúng tôi cũng tới được bến bờ an toàn.

Cuối cùng, tôi đặt chân đến miền đất tự do. Giống như những người bạn trẻ ngồi trước mặt tôi hôm ấy, tôi cũng cảm thấy như được tái sinh. Nhưng mà, những năm tháng chìm trong bất hạnh đã để lại vết thương sâu trong tâm hồn, chẳng dễ dàng xóa nhòa. Nhiều năm đầu sống ở Hoà Lan, tôi ăn không ngon, ngủ không yên, lòng đau như dao cắt vì một phần da thịt mình đã bị bỏ lại bên kia đại dương.

Sáng, trưa, chiều, tối đều nghĩ về Việt Nam. Đêm nằm mộng mị nhớ những người thân, người yêu; nhớ xóm làng, nhớ tên từng con kênh, dòng rạch, rừng mắm, rừng tràm, rừng đước và dòng sông uốn khúc. Nhớ nhứt là tiếng kẽo kẹt của mái chèo đưa nhóm người thôn quê trên những chiếc xuồng ba lá ra thị tứ nhóm chợ sáng.

Nặng nề hơn, giấc ngủ tôi thường xuyên bị quấy rầy bởi những cơn ác mộng kinh hoàng; chiến tranh, bom đạn, nhà cháy, xác người la liệt...

Thời gian lặng lẽ trôi...

Tôi sống trong vương quốc Hoà Lan nhỏ bé, xinh đẹp, hiền hòa và bao dung như vòng tay mẹ hiền. Tôi hòa nhập vào nhịp sống đầy nhân bản, xây dựng một mái ấm gia đình. Từ đó, quê hương chỉ còn hiện ra trong ký ức, có ngày nó cồn cào, tím ruột bầm gan, có ngày nhạt nhòa như sương khói.

Năm mươi năm đã trôi qua kể từ ngày cuộc chiến tương tàn của hai miền Nam, Bắc kết thúc. Những vết thương lòng, những mất mát khôn nguôi đã dần khép lại, đi vào lịch sử.

Ở một đất nước văn minh, tôi học được cách sống mới và suy tư mới: Lịch sử là bài học để rút kinh nghiệm, chớ không phải mảnh đất để nuôi dưỡng hận thù. Nếu cứ chìm đắm trong oán hận, chúng ta chỉ tự giam mình trong đau khổ và chia rẽ. Chúng ta đã mất quá nhiều thời gian cho những ngày tháng u buồn nhìn về quá khứ. Tại sao không cùng nhau nhìn về tương lai? Quê hương đất nước là của chung, nơi mọi người đều có quyền được sống trong tự do và nhân phẩm.

Ở những nước văn minh, dù có khác biệt về lập trường hay quan điểm chính trị, con người vẫn tôn trọng lẫn nhau. Tranh luận có bất đồng, nhưng không hạ thấp nhau bằng những lời lẽ thô tục, bởi đó là các hành xử của những kẻ thấp hèn. Nếu chúng ta còn mãi níu giữ oán hận, chúng ta sẽ mãi đi trong bóng tối của quá khứ, bỏ lỡ cơ hội xây dựng một tương lai tươi sáng cho chính quê hương mình.

Đặc biệt trong những ngày tháng Tư này, lên mạng sẽ thấy người Việt trong và ngoài nước lợi dụng trí tuệ nhân tạo, tạo hình ảnh câu văn tục tỉu chửi bới, lăng mạ nhau. Ai lưu danh, ai lưu xú, hãy để lịch sử phán xét, lịch sử rất công bằng. Nên để lịch sử trở thành câu chuyện của sự hiểu biết và cảm thông.

Thế hệ hôm nay và mai sau cần có trách nhiệm hóa giải oán hận còn sót lại giữa hai miền Nam và Bắc. Họ đủ thông minh để chọn một chánh quyền phù hợp cho dân tộc mình. Để ngày 30 tháng Tư chỉ còn là một dấu mốc lịch sử tươi đẹp, trong không khí hòa bình, yêu thương, không phải là biểu tượng biểu dương của lòng thù hận.

Chúng ta có thể khác nhau trong suy nghĩ, nhưng hoàn toàn có thể cùng nhau xây dựng một Việt Nam hòa hợp. Nơi mà không ai còn bị định nghĩa phe này thắng là vinh quang, phe kia thua là ô nhục.

Huynh đệ tương tàn bao năm đã đủ nhục cho cả một dân tộc rồi! Xin đừng bới vết thương cũ thêm nữa. Hãy chôn đi quá khứ, để ươm mầm cho tương lai.

Cuối tháng Tư Hoà Lan cũng tổ chức lễ sinh nhật Quốc vương. Có rất nhiều con đường chật ních người bán buôn và người đi dạo. Không có diễu binh, súng đạn, đại pháo và cờ xí ngợp phố phường nên hổng bị kẹt xe. Không có băng rôn cổ vũ treo lũ khủ các nẻo đường. Người xôn xao ồn ào, nhưng không bát nháo; màu mè nhưng không loè loẹt. Chen chúc trên đường mà trật tự, vui vẻ không quạu quọ, càu nhàu. Tiếng nhạc êm dịu, vui tai, hổng có nhạc quân hành, nên người nghe có cảm giác rất an tâm. Nhìn dân chúng nơi đây hân hoan vui sống trong cảnh thái bình, lòng tôi chợt chùng xuống, nỗi nhớ quê hương bỗng ùa về trong tâm trí.

Những năm gần đây, tôi nghe các nhà lãnh đạo Việt Nam tuyên bố rằng: “Đất nước Việt Nam ngày nay thanh bình, dân chúng được cơm no, áo ấm và con người văn minh, Việt Nam là nơi đáng sống...”. Nếu các vị đã nói như vậy, thì xin hãy nâng cao đời sống nhân dân sao cho đẹp mặt với bạn bè bốn biển năm châu! Và cũng nên đưa ra con số thống kê mỗi năm có bao nhiêu người Việt rời xứ để qua nước khác sinh sống và bao nhiêu người từ nước ngoài tới Việt Nam xin định cư.

Tuổi tôi nay đã cao rồi, không biết còn đủ sức trở về quê hương lần nào nữa không. Nhưng có một điều chắc chắn rằng: Dù ở đâu, dù cho thời gian có làm phai mờ bao nhiêu ký ức, trong lòng tôi vẫn mãi còn một khoảng trời dành cho quê hương đất nước Việt Nam.

   

Nguyễn Lê Hồng Hưng
Dronten, 28-4-2025

 

 

 

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhocnghethuat/van/motdoinhoquen.html


Cái Đình - 2025