nguyễn như mÂy


Lồng đèn kéo quân

   

Cha con cu Tí mất đứt hai ngày công mới làm xong chiếc lồng đèn kéo quân cho lễ Tết Trung Thu năm nay. Rồi trước hết, thằng Tí phải xách chai qua xóm bên mua rượu về cho ba nó ngồi nhâm nhi để ngắm lồng đèn treo dưới hiên nhà. Nó cũng bắt ghế ngồi bên, thỉnh thoảng đưa ý kiến nhận xét về lồng đèn cho ba nó nghe. Ba nó thầm nghĩ thằng nhỏ này coi bộ vậy mà có những ý tưởng hay hay. Cu Tí nói :

– Mang tiếng lồng đèn kéo quân nhưng theo ý con thì cha con mình nên phân biệt từng người như ông lính, ông sư, ông thầy giáo hay cô thợ may...

– Làm chi cho rắc rối vậy? Cứ kéo quân là hay lắm rồi! Họ đi trong bóng tối nên đâu có ai biết họ thuộc tầng lớp nào!... Ối cha, cứ xưa bày sao, nay làm vậy đi con à.

Thằng Tí đã từng làm lồng đèo ông sao hay bánh ú cho cô giáo nó chấm điểm từ hồi học lớp ba. Dĩ nhiên, vì thương con nên ba nó đã bỏ công ra để làm gần hết; nó chỉ ngồi bên “coi cai“ là chính. Chỉ hôm nay cha con nó mới hứng chí làm lồng đèn kéo quân là đề tài tự do nên tốn nhiều vật liệu và nặng công hơn. Hai cha con hì hục làm suốt cả buổi trưa. Ba nó quên cả việc ra ruộng dắt trâu về chuồng lúc chiều.

Thằng Tí cắt thêm giấy làm súng cho nhân vật đi đầu trong số những bóng người đóng vai quân lình kéo nhau đi vòng quanh trong lồng đèn. Người thứ hai không ai khác là ba nó dắt trâu lẽo đẽo theo sau. Rồi đến vài người khác như trong trí tưởng tượng của nó từng nghĩ ra nào là cô giáo, thầy giáo, cô thợ may, nhà sư rồi cuối cùng là hai nhân vật nó từng nghĩ tới từ xưa nay là chàng Hậu Nghệ và nàng Hằng Nga trên Cung Trăng trong chuyện đời xưa. Ba của cu Tí thấy con mình có những ý tưởng vui vui của trẻ con nên góp ý :

– Con phải vẽ thêm cây Đa là nơi Hậu Nghệ thường cưỡi trâu về hát họ trăng rằm nữa chứ. Hồi nhỏ, ba đã nghe họ ca hát rầm trời ở trên đó ...

Vậy là Tí lại phải tháo lồng đèn ra lần nữa để cắt, tỉa rồi vẽ thêm các nhân vật ấy trên tấm giấy bìa. Trong trí óc trẻ con của nó, ba và má nó phải sánh vai với đoàn người kia để chung vui với mọi người.

– Còn Tí của ba đâu ?

– Trời ơi, chính con tạo ra họ mà cần gì phải có con trong đó? Ở trường, ai cũng biết lồng đèn này do chính tay con sáng tạo ra thôi đó.

– Hai ngày công của ba đâu?

Thằng Tí chợt nhớ lại tất cả đều do ba nó làm nên chiếc lồng đèn này chứ chẳng phải do công nó hoàn toàn. Nó liền hôn vài cái lên trán ba nó như để đền ơn rồi che tay đốt diêm cho đèn sáng lên. Từ sức nóng của ngọn sáp bên trong, đoàn người bằng giấy bắt đầu nối đuôi kéo nhau đi vòng quanh trong chiếc lồng đèn. Tất cả họ đều đại diện cho những lớp người sống quanh trong xóm mà xưa nay nó từng biết. Chỉ có người đi đầu trong lồng đèn là một người lính với cây súng nhỏ như tăm nhang vác trên vai. Với nó, lồng đèn kéo quân như vậy là đã quá đủ các thành phần dân chúng của xã hội.

Lúc gần nửa đêm, cu Tí kéo tay ba nó:

– Ba này, mình quên một nhân vật thân quen nữa trong đoàn kéo quân đó ba.

– Ai vậy con?

– Thằng Bù Nhìn ngoài ruộng nhà mình chứ ai nữa!

Cha con cu Tí lò mò đem chiếc lồng đèn kéo quân ra đặt giữa nhà rồi cùng ngồi tính toán để tìm chỗ xếp sao cho thằng Bù Nhìn được đứng chen vào. Một chặp sau, ba cu Tí buột miệng :

– Thằng Bù Nhìn đứng trơ trơ giữa đồng suốt mấy năm nay mà có ích lợi gì đâu! Chim với chuột ăn lúa rầm trời mà nó vẫn như... bù nhìn! Giờ cha con mình đưa nó vào đứng chung với đoàn quân này thì thế nào cũng bị họ phản đối đó Tí à. Bỏ ra thì thấy tội nghiệp nó nhưng...

Thằng Tí cứ ngồi nhìn đoàn người kéo nhau đi vòng quanh trong chiếc lồng đèn đèn với bao thích thú. Bấy giờ cha con nó mới chợt nhớ tới vầng trăng tròn của đêm Mười Bốn đã nghiêng xuống sát mái hiên nhà. Mùi lúa chín bay đầy trong đêm vắng. Tiếng chim ăn đêm kêu vút trong trời sương.

Đoàn người trong lồng đèn vẫn nối đuôi nhau đi quanh đi quanh mãi như một đoàn quân áo đen dân dã của đồng ruộng quê nhà. Trong trí nhớ của một trẻ thơ, hình ảnh Thằng Bù Nhìn kia đứng trơ vơ cả ngày ngoài ruộng với bao mưa nắng đã phai mờ dần rồi tan mất đi hồi nào nó không còn nhớ nữa...

   

nguyễn như mÂy

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhocnghethuat/van/longdenkeoquan.html


Cái Đình - 2023