Phan Ni Tấn


Lồng đèn đầu lâu

(truyện dã sử)

   

Hai ngàn năm trước, nho sĩ Đặng Thiên Nho là bạn ấu thời của Dương Công. Nhưng ngược với Dương Công vạm vỡ, khỏe mạnh, thích võ nghệ, ăn ngay nói thẳng chẳng kiêng nể ai hay nịnh bợ ai, thì Thiên Nho lại gầy guộc, thâm trầm, ưa đọc kinh thư, chọn núi rừng tiêu dao cùng cỏ cây, hoa lá. 

Tuy nhiên, năm 40, đất nước Giao Chỉ bị nhà Đông Hán, Trung Hoa cai trị ngày càng hà khắc, bạo ngược khiến dân Nam lầm than, oán thán. Là nho sinh yêu nước, họ Đặng xuống núi hợp với Đô Dương, Phùng Thị Chính, Lê Đình Lượng giỏi việc quân, cùng nhân dân theo giúp Lạc tướng Phong Châu Dương Công nổi lên chống giặc ngoại xâm. 

Lực lượng của Dương Công tuy có chí dũng song với vũ khí thô sơ dao bầu, gậy, bẫy không thể chống nổi thiên binh vạn mã của Thái thú Tô Định. Rốt cuộc, phe Dương Công thua chạy tới Tử Khê lần lượt chết dưới đao của quân Tô Định, số còn lại bị bắt sống trong đó có Lạc tướng Dương Công, Lê Đình Lượng và mười một nghĩa sĩ, trừ nữ tướng Phùng Thị Chính chạy thoát về Phong Châu.

Riêng Đặng Thiên Nho vừa chạy vào hẻm núi Tuần Sơn, thì bất ngờ bị một tên Tàu ô từ trong bụi nhảy vọt ra thọc mũi thương vào ngực Thiên Nho. Nhưng thật may, lúc nghiêng mình né tránh mũi thương chí mạng, tuy thoát chết nhưng rủi ro Nho trợt chân té nhủi xuống khe đá sâu, bất tỉnh nhân sự. 

Lúc tỉnh dậy Thiên Nho bò lên tới miệng vực thì cuộc chiến đã chìm trong im lắng. Trận địa đầy mùi tử khí, khắp nơi la liệt những xác người; có xác nằm sấp, nằm ngửa, có xác cụt đầu, cụt cả chân tay, có xác phanh thây, banh ngực, thủng bụng, lòi ruột…

Trời vẫn mưa sùi sụt, nhưng mưa không đủ sức rửa sạch vết tích của con người. Máu hào kiệt không những nhuộm đỏ cả mặt đất bùn mà sắc đỏ kỳ diệu của máu cũng không ngớt thấm đỏ những trang sử hào hùng của nước Việt. 

Đứng trước sự bại vong, Đặng Thiên Nho bỗng thấy mình trở thành nhỏ bé hẳn đi. Khi Thiên Nho loạng choạng bước qua những xác chết rách bươm của đồng đội, ông bị rối loạn nhưng lập tức ông trụ hình và nhận thức được sự hy sinh của những vĩ nhân áo vải đạm bạc trong tư tưởng và lối sống đã mang lại cho ông những suy tư hầu để lại cho lớp người sau thấy rõ những giây phút hạnh phúc và khổ đau lẫn sự thất bại và thành công lịch sử của dân tộc mình.

Trong ánh chiều nhập nhoạng Đặng Thiên Nho lầm lũi đi về phía huyện lỵ Châu Vi. 

Đó là ngày 11 tháng 12 năm 40, trời giá lạnh và ẩm ướt.

Buổi sáng hôm ấy, Thái thú Giao Chỉ, tức Tô Định, một hung thần ác sát, ngồi chễm chệ trên chiếc ghế mây, vẻ mặt vô cùng hả hê, hắn vừa la hét vừa giơ cả hai bàn tay chai sạn chém gió về phía mười ba nghĩa sĩ đang quì dưới đất, hai cánh tay bị trói quặt sau lưng. Đứng đằng sau các nghĩa sĩ là ba đao phủ hắc y tay cầm đại đao sáng loáng.

Để phô trương sức mạnh và đe dọa nhân dân, tên Thái thú bắt dân làng tụ tập quanh chợ huyện để xem cuộc hành quyết. Trên bãi đất nâu nhòe nhoẹt bùn sình, chúng đặt ba tấm thớt cắt từ cây đại thụ to và nặng. Mặc dù đã được rửa sạch nhưng mặt tấm thớt thấm máu lâu ngày đã trở nên thâm xỉn. Trà trộn giữa đám đông đang cúi đầu câm lặng, Đặng Thiên Nho cũng cúi đầu im lặng. Không một hơi thở mạnh, không một tiếng xì xào. Họ cúi đầu xuống như một hình thức cư tang cũng là để tiễn biệt mười ba nghĩa sĩ anh hùng.

Giờ hành quyết diễn ra bằng những nhát đao man rợ vung lên chém phập xuống, những cái đầu lìa khỏi cổ, máu phun ra thành vòi nhuộm đỏ cả vạt đất lầy lội nước mưa.

Lạc tướng Dương Công là người cuối cùng bị chặt đầu. Rõ ràng tên Thái thú sài lang cố tình uy hiếp tinh thần Lạc tướng Phong Châu. Nhưng với tinh thần yêu nước, Dương Công tràn đầy sinh lực, ông ưỡn ngực, ngước mặt lên trời, cười nhạt, coi cái chết nhẹ tợ lông hồng. Không những thế, Dương Công còn lớn tiếng mắng nhiếc tên Thái thú bằng những lời lẽ khinh miệt.

Bị lăng nhục, tên Tàu phù nổi giận điên cuồng đứng phắt dậy, rút đao hét bộ hạ:

– Bịt mồm nó lại! Ghìm đầu nó xuống!

Đích thân Tô Định chặt đầu Dương Công. Chém tới ba  nhát đầu của Dương Công mới lìa khỏi cổ. Cái đầu rơi xuống đất không úp mặt mà ngửa lên trời, hai con mắt vẫn mở trừng trừng, môi vẫn còn mấp máy.

Thủ cấp của Dương Công và các nghĩa sĩ bị bêu giữa huyện lỵ Châu Vi thuộc địa phận Nại Tử suốt một tuần để răn đe quần chúng. Đặng Thiên Nho vốn là người điềm tĩnh, trầm tư và rất thận trọng. Lúc trở lại bãi chợ, Nho nén tiếng thở dài, rảo bước ngang qua cây đa mà không ngừng lại, sợ người khác sanh nghi. Nhưng đi được một quãng xa ông cảm thấy như có ai níu rịt lấy chân mình.

Đứng cách không xa sau gốc cây muỗm, định thần nhìn kỹ, Nho thấy dẫy đầu lâu treo lủng lẳng trên cây lúc này trông như những chiếc lồng đèn kỳ dị. Có đầu lâu mắt nhắm nghiền, có cái mắt trợn ngược, mồm há hốc. Tóc của mười ba cái đầu thê thảm bị túm ngược lên, cột chặt những đầu lâu vào cành đa đã biến dạng, da bầm tím, teo tóp lại, máu vồn cục trở màu thâm đen.    

Mười ba chiếc lồng đèn đầu lâu chặt từ thân mình của mười ba nghĩa sĩ huyện Châu Vi làm rung chuyển cả non sông, cả trời đất, và lay động cả những trang sử oai hùng của toàn dân Đại Việt.

Sự hy sinh của mười ba nghĩa sĩ Giao Chỉ đầy khí tiết và quả cảm khiến cho bầu trời Nại Tử trở nên xám xịt, mưa suốt ngày đêm thấm vào lòng đất, thấm vào lòng dân Giao Chỉ, vào trang sử Việt.

Chuyện kể trên xẩy ra từ hai ngàn năm trước cho thấy lịch sử chống ngoại xâm của Đại Việt rất oai hùng, nhưng vì thân phận nhược tiểu đã dẫn đến sự bại vong.

Sau này những sử gia không thấy ai đề cập đến số phận của nho sĩ Đặng Thiên Nho. Riêng bà Phùng Thị Chính, sử sách ghi chép về bà bằng những dòng chữ đẹp như khắc trên đá nhằm minh chứng và chia sẻ cái uy vũ của nữ tướng nội thị họ Phùng, cánh tay mặt của Hai Bà Trưng.

Đã hai ngàn năm trôi qua, người ta vẫn còn nghe tiếng ca não nùng của lịch sử kể lại những trận đánh bằng giáo mác để lại thây người, đầu người, máu đổ thịt rơi và cả triều chính thất trận thảy đều nhảy xuống sông tự trầm, sự tự trầm đầy hào hùng, thơ mộng và lôi cuốn.

   

Phan Ni Tấn

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhocnghethuat/van/longdendaulau.html


Cái Đình - 2023