nguyễn như mÂy
Kỷ niệm tuổi thơ với khỉ và mèo
Khi về già, nhiều “cuốn phim” xưa lắc xưa lơ của thời con nít mình “sống” lại rất rõ nét; thậm chí có “cuốn” như mới vừa “quay” đâu chừng ngày hôm qua nên chất “tươi rói” đã tạo cho mình cảm tưởng là “ta” vẫn còn đang... rất trẻ?!
Ví dụ như chuyện con khỉ nuôi ở nhà tôi. Vì tôi bị con khỉ “thiếu nhi” ấy quậy quá làm cho tay chân bị nó cào xướt khắp nơi nên Ba tôi buộc lòng phải xích nó lại trên cây ổi trước nhà. Nó thấp hơn tôi một cái vai nhưng rất thông minh và khôn lanh. Tôi thương nó như ruột thịt vì tôi không có anh hay chị em gì thêm. Đi học về là tôi với nó như hình với bóng; thậm chí tôi còn rủ nó vào ngủ chung nữa. Những lúc đó nó rất ngoan vì biết nghe tiếng người, bảo gì làm nấy như một chú học trò cưng của một thầy giáo chỉ mới học lớp ba!
Nhà có nuôi khỉ nên tôi mới biết đó là một động vật có vú và đi được bằng hai chân như chúng ta – và đặc biệt là chỉ ăn chay trường suốt một cuộc đời mình! Kể cả khi tôi cho kẹo hay bánh thì nó chẳng những đã không từ chối mà còn cào cấu, lục hết các túi áo túi quần tôi không sót chỗ nào làm tôi mắc cỡ quá trời! Nó chỉ ăn trái cây nên được “ưu tiên” ngồi trên cây cả ngày. Ở đó, nó có một cái nhà gỗ với mái tôn khá đẹp và kiên cố. Khi nhìn nó nằm ngủ thì ai mà không thương vì thấy như một em bé đang say giấc nồng... Do nó được cho lên cây ở nên tôi bớt mất thời gian chơi với nó để lo việc học. Cũng vì vậy mà cây ổi tuy già tuổi hơn nó nhưng vẫn không kịp ra trái cho nó ăn nên Ba Má tôi phải đặt hàng trái cây các loại hàng ngày từ nhà quê để nuôi nó...
Thủa ấy, tôi nghe loáng thoáng người lớn tuổi hay nói với nhau về bản tánh con khỉ như: “Nuôi ong tay áo, nuôi khỉ dòm nhà” khi có ý “mượn” hai con vật ấy để nói về các tật xấu của con người – đồng loại của mình, khi họ cùng ở chung nhau dưới một mái nhà ...
Khái niệm “ăn chay” (vegetarien) trong tôi bắt đầu từ đời sống của con khỉ vẫn rất hời hợt do trình độ học vấn và tuổi đời hãy còn non nớt. Mãi tới lúc ra đời, với mớ kiến thức sách vở vừa đủ trang bị, dần dần tôi mới bắt đầu hiểu về loài khỉ thì “người bạn bốn chân” kia đã không còn trên cõi đời này nữa. Thế là tôi lại phải mua sách viết về dòng giống nó để đọc – kể cả các sách viết về “Thuyết Tiến Hoá” của Darwin. Và, đã có vài lần tôi dắt con mình vào Thảo Cầm Viên để rồi lại đứng hồi lâu trước cái chuồng khỉ mà bâng khuâng một mình. Thế là tôi bắt đầu nghĩ lại mình – một con người có “dính dáng“ đến loại linh trưởng khôn ngoan (homo sapiens) ấy với chế độ ăn uống từ khi còn là một con vật đi bốn chân và chuyên ăn sống thịt động vật như thuyết của nhà bác học ấy đưa ra...
Nhưng bạn thân có biết không, cùng lúc nuôi con khỉ thì Ba tôi còn nuôi một con mèo để bắt chuột. Nó cũng là bạn rất thân yêu của tuổi thơ tôi ngày ấy. Nghe tiếng tôi đi học về là con mèo gần như “bỏ hết mọi chuyện” để quấn quít dưới chân, hoặc lên bàn học nằm đè lên bất cứ cuốn sách nào nó thích. Gia đình tôi luôn dành mọi tình cảm đẹp nhưng nhỏ bé nhất cho con khỉ và con mèo. Đến nỗi lúc chúng có vẻ bệnh vì thời tiết, Ba Má tôi đều lo thuốc thang cho chúng y như lo cho con mình.
Thủa ấy, tôi không hề biết gì về đời sống con mèo nuôi trong nhà mình. Chỉ biết khi có nó, không một con chuột nào còn tồn tại để ăn và phá khắp nơi và suốt cả ngày đêm trong nhà. Tôi đã nhiều lần chứng kiến cảnh con mèo “xé xác” con chuột to gần bằng nửa thân xác nó. Với con mèo khác, chưa chắc nó đã dám “xơi tái” con chuột “đã có tuổi” ấy vì bộ dạng chúng gần bằng nhau! Ấy vậy mà mèo ta nhai ngấu nghiến và ngon lành sau khi “diễn” hết các trò tung hứng với con mồi cho đã “nư” mất gần cả buổi. Vì tò mò, tôi đã chăm chú nhìn ngắm kỹ đến nỗi thấy từng giọt máu tươi của con chuột trào ra lênh láng trên miệng con mèo – bạn thân của tôi!
Từ ngàn năm trước, con mèo từng là một giống động vật sống hoang dã, sau này được con người thuần hoá dần nhưng đến nay nó vẫn còn “máu” chuyên ăn thịt sống, trong khi con chuột lại là động vật ăn... chay (lúa, gạo, bắp, các loại củ, quả ...) như con khỉ! Ấy vậy mà bọn chúng “nuôi” nhau đã mấy ngàn năm nay rồi mà tôi nào có biết chi mô!? Lúc còn bé ấy, tôi chỉ biết mình đã thuộc lòng bài ca dao :
Con mèo trèo lên cây cau
Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà?
Chú chuột đi chợ đàng xa
Mua mắm mua muối về giỗ cha chú mèo ...
Sau này tôi mới biết con chuột ấy đã chửi khéo tới người sinh ra con mèo mà chẳng biết nó còn vui sướng chi không để tim cách ăn thịt cho được con chuột nhỏ xíu bằng cái tay của nó?! Rồi, lúc về già, càng nghĩ tôi càng thấy thấm thía khi biết hai kẻ thù “không đội trời chung ấy” ở xã hội nào cũng có – bề ngoài chúng đã vờ đóng kịch “dạ dạ vâng vâng” với nhau để cùng kiếm chút miếng ăn hay lợi ích riêng về mua đất, cất nhà, sắm xe... cho gia đình, vợ con mình hưởng trên đầu trên cổ thiên hạ...
Cũng lúc về già, tôi chợt nhớ tới một ông bạn mà bạn bè từng đặt cho nó cái tên là “thằng họ Hứa” dù nó không phải người Tàu. Đó là vì anh chàng này sẵn sàng nói lời “hứa” tùm lum với bất cứ ai và với bất cứ việc gì; nhưng qua một đêm thì lời “hứa” ấy tan biến mất ngay mà không hề để lại một tí “vết tích” chi! Mọi người đều mượn câu tục ngữ xưa để nói về “chàng họ Hứa” ấy:
- Hắn “hứa” như ... chuột chạy ống tre!..
nguyễn như mÂy
Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhocnghethuat/van/kyniemtuoithovoikhi.html