Phạm Ɖình Lân
Hồi tưởng hình ảnh quê ngoại
Tôi sống ở quê ngoại không đến hai năm nhưng tôi còn lưu lại trong ký ức nhiều hình ảnh sống động của quê ngoại. Tôi gắn bó với hình ảnh của quê ngoại trong thời ly loạn vì tình thương đặc biệt mà bà ngoại, các dì và các anh chị con của các dì dành cho tôi. Tất cả đều yêu sự dạn dĩ, vô tư, chuộng công bằng và sự chân thật của tôi. Ɖể nuôi dưỡng sự dạn dĩ của tôi, ba tôi thường cho tôi ăn gan gà và gan heo để có 'can đảm'. Dì Tư và các anh, các chị con của dì lúc nào cũng dành cho tôi những món ngon vật lạ. Dì có thói quen móc cứt ráy cho tôi. Tôi không sao quên được thói quen kỳ lạ này của dì.
Tôi thường đi khắp làng Bình Chuẩn từ vùng cao đất đai khô cằn, nắng đổ hoa trên tỉnh lộ Thủ Dầu Một-Biên Hòa sang vùng hầm hố đất sét chạy dài đến xã Thuận Giao, đến vùng ruộng lúa bao quanh bởi các dòng suối chảy dài từ ấp Phú Lợi ra xã An Thạnh (Búng). Thỉnh thoảng tôi vượt suối sang ấp Hòa Thạnh thăm dì Hai và các anh chị họ ở đó. Khi trời mưa to, nước suối dâng cao và chảy xiết, một người con trai của dì phải cõng tôi băng ngang qua suối giữa dòng nước chảy cuồn cuộn để về nhà bà ngoại ở Bình Chuẩn.
Bình Chuẩn là một làng nông nghiệp khiêm tốn nằm cách tỉnh lỵ Thủ Dầu Một lối 5km, cách Lái Thiêu lối 12km và cách Sài Gòn từ 25 - 30km. Các làng lân cận của Bình Chuẩn là Thuận Giao, Tân Khánh, Phú Hòa. Xa hơn một chút thì có làng Phú Hữu, An Mỹ, Phú Chánh. So với các làng lân cận, Bình Chuẩn là một làng nông nghiệp thuần túy. Không có chợ. Không có quán tiệm. Không có trại mộc, lò đường, lò chén như Thuận Giao, Tân Khánh, Phú Hòa. Trong làng chỉ có ông Tám Rỗ là thợ hớt tóc. Ông không làm ruộng nên da trắng trẻo, trông có vẻ là người có trình độ văn hóa cao. Thực tế ông không có học nhưng không biết do đâu ông đặt tên hai người con trai của ông là DÂN và CHỦ. Anh của ông Tám Rỗ là Bảy Mi hiếu động hơn ông rất nhiều. Hai con của ông là Khả và Dĩ hay gây hấn và đánh nhau với những đứa trẻ khác trong xóm. Khả và Dĩ chết trong cuộc chiến tranh 9 năm.
Trình độ học vấn của dân làng tương đối thấp. Từ ngữ mà dân làng dùng rất mộc mạc tự nhiên. Trụ sở hành chánh xã hình vuông được xây bằng gạch, tường sơn màu vàng sậm được dân làng gọi là nhà vuông hay nhà hội vì đó là nơi hội họp. Cạnh nhà vuông là trường học có hai lớp vào thập niên 1949: lớp đồng ấu và lớp dự bị. Trường không có học sinh nên phải đóng cửa.
Tại sao trường không có học sinh?
Nông dân thường có đông con. Nghề nông cần nhiều nhân lực. Người lo cày bừa, trồng trọt, tưới nước, vun phân. Người lo gặt hái, gồng gánh nông sản. Người lo chăm sóc em nhỏ. Người lo chăn trâu, chăn bò hay cắt cỏ cho trâu, bò ăn v.v.. Muốn đi học phải có khai sinh. Dưới thời Pháp thuộc chỉ trẻ em thành phố, con các công, tư chức mới có khai sinh. Công dân bình thường, nhất là người nông thôn, không để ý đến việc lập hôn thú sau hôn lễ hay lập khai sinh sau khi có con.
Không biết ông Chín Rùa học đến lớp mấy. Chỉ biết rằng ông có thể đếm từ 1 đến 10 bằng tiếng Pháp. Giữa lúc đa số dân làng đều suy dinh dưỡng nên khi khám sức khỏe để đi lính đều bị loại. Ông Chín Rùa được làm mã tà ngoài tỉnh. Hấp thụ văn hóa thành phố thời thuộc địa, ông đặt tên hai người con trai của ông là Răng (Jean) và Rắc (Jacques). Ông là người đầu tiên trong làng mặc áo sơ-mi, quần sọt (short) màu trắng và mang giày có vớ cao tận đầu gối giữa lúc dân làng đi chân đất và mặc quần áo vải màu đen. Năm 1945 ông về quê và không làm mã tà nữa.
Trên 95% dân làng Bình Chuẩn là nông dân, 5% còn lại sống bằng nghề khai thác đất sét bán cho các lò gốm ở Phú Cường, Hưng Ɖịnh và Bình Nhâm. Những người này có cơ hội giao tiếp với thị dân.
Bình Chuẩn cách tỉnh lỵ Thủ Dầu Một lối 5km nhưng cư dân trong làng ít có dịp ra thành phố. Họ chỉ ra tỉnh khi đi khám sức khỏe để đi lính, khi bị bịnh hay khi bị bắt vì phạm tội trộm cướp, giết người hay không đóng thuế thân (impôt sur la taille). Vì thuế thân mà nông dân thời thuộc địa không có cảm tình với các “mã tà” tức cảnh sát sau này. “Mã tà” không có súng mà chỉ có cây ma trắc (matraque: dùi cui) màu trắng dài lối 60cm cũng đủ làm cho những công dân không đóng thuế thân phải khép nép e dè, không dám đối mặt với “mã tà”.
Bà tôi được xem là người khá giả trong làng nhưng suốt đời bà chỉ đi Sài Gòn vỏn vẹn hai lần: một lần đi thăm các cháu và một lần đi nằm nhà thương Nguyễn Văn Học, Gia Ɖịnh. Nông dân thường đi chợ Búng hơn là đi chợ Phú Cường (Thủ Dầu Một). Chợ Búng bán đầy đủ các mặt hàng mà nông dân cần. Họ mua cá cơm, muối để làm mắm nêm và ủ thơm hay dưa gang để dùng trong các bữa ăn hàng ngày. Búng có nhiều vựa bán tro buội được dùng như phân bón. Cuối cùng Búng có lò rèn và nơi đóng móng bò. Trong thời kỳ chiến tranh Việt-Pháp việc thông thương và đi lại của người nông thôn ra thành thị và người thành thị đi vào nông thôn rất hạn chế. Thôn dân bị nghi ngờ có liên hệ đến Việt Minh khi ra thành phố. Thị dân bị Việt Minh nghi ngờ có liên hệ với chánh quyền thuộc địa hay chánh quyền quốc gia thân Pháp nếu đi vào nông thôn. Không biết tình báo Pháp ở địa phương lấy tin tức ở đâu mà cho rằng dân An Phú (Tuy An cũ), quê nội của tôi, đều là Việt Minh. Sự qui nạp chánh trị nguy hiểm và độc hại này làm cho một vài cư dân An Phú tức Tuy An cứ lo sợ phải tìm cách sửa đổi nơi sinh Tuy An hay An Phú!
Dân làng Bình Chuẩn không đói nhưng không giàu. Cư dân ở đây không có nhà gạch. Trong làng chỉ có nhà hội (nhà làng, nhà vuông), trường học (2 lớp) và nhà thờ Thiên Chúa Giáo trên tỉnh lộ Thủ Dầu Một-Biên Hòa được xây bằng gạch, tô xi măng và quét nước vôi. Ɖiều kỳ lạ là làng có một giáo đường đồ sộ màu đỏ nhưng không có tín đồ. Không rõ ngôi giáo đường này được xây dựng vào lúc nào? Vào cuối thế kỷ XVIII trong thời kỳ nội chiến giữa họ Nguyễn và nhà Tây Sơn khi giám mục Pigneau de Béhaine (Bá Ɖa Lộc hay Cha Cả) còn sống và từng giảng đạo ở Tân Triều? Hay trong thời kỳ các vua nhà Nguyễn từ đời vua Minh Mạng đến vua Tư Ɖức ban hành các chỉ dụ cấm truyền đạo và giết người theo đạo Thiên Chúa trong nước? Vùng Tân Long và Bến Sắn (trước thuộc Biên Hòa, bây giờ thuộc tỉnh Bình Dương) có tín đồ Thiên Chúa Giáo. Trại cùi Bến Sắn do các nữ tu sĩ (Sœurs) Thiên Chúa Giáo điều hành.
Nhà khá giả ở Bình Chuẩn là nhà gỗ, có vách gỗ kín đáo, có cửa chánh rộng rãi và có mái nhà lợp ngói âm dương.
Nhà trung bình là nhà gỗ, có cửa nhưng không có vách gỗ mà chỉ có rộng. Người đứng trước nhà có thể thấy tất cả vật dụng trong nhà. Không có nhà nào trong làng có nền xi măng hay lót gạch ca-rô (carreaux).
Người nghèo có nhà mái tranh, vách đất, không có cửa vì không có gì để mất cả.
Ɖiều đáng lưu ý là nhà khá giả hay neo đơn đều có sân trước và sân sau rộng rãi. Nhà nào cũng được bao bọc bằng những lũy tre xanh vừa làm đường ranh giữa nhà này với nhà kia, vừa phân định quyền sở hữu đất đai của chủ căn nhà vừa cung cấp tre và măng. Bất cứ nơi nào trên nước Việt Nam cây tre cũng có công dụng đặc biệt trong đời sống của cư dân nông thôn nước ta. Phần lớn các vật dụng trong nhà cư dân Bình Chuẩn như bàn, ghế, giường ngủ đều làm bằng gỗ hay tre. Gia đình khá giả có bàn ghế làm bằng gỗ quí như trắc, gõ, cẩm lai và có những bộ ván dày, bóng láng để ngủ. Ɖiều đặc biệt là không có nhà nào có mùng vì không có muỗi.
Nhà nào ở Bình Chuẩn cũng có bàn thờ tổ tiên. Trước nhà luôn luôn có một bàn Thiên. Chiều nào bà tôi cũng cúng nước trên bàn Thiên và lâm râm khấn vái. Bà không biết chữ nhưng bà khấn vái dài dòng và văn vẻ lắm. Tôi vẫn nghe bà khấn vái hằng ngày nhưng không sao nhớ và hiểu được. Do ảnh hưởng của bà, ngay từ nhỏ tôi đã có thói quen khấn vái. Thói quen này bám theo tôi cho đến cuối cuộc đời.
Bình Chuẩn có một ngôi chùa gần hương lộ Tân Khánh-An Thạnh (Búng) gần đường ranh giữa Bình Chuẩn và Thuận Giao. Ɖó là chùa Thầy Huề. Vào thập niên 1949, 1950 không nhà nào ở Bình Chuẩn có đồng hồ. Tiếng trống và chuông từ chùa Thầy Huề vọng ra trở thành đồng hồ công cộng đối với dân làng.
Làng Bình Chuẩn không có đình mà chỉ có một cái miếu trong khu rừng chồi. Hàng năm dân làng mang lễ vật đến cúng Thần miếu. Ɖại cương về lễ vật gồm có: hoa, trái cây, xôi, gà luộc, thịt heo, vài loại bánh làm từ nếp v.v.. Dù không rõ vị thần nào ngụ trong miếu, dân làng rất tin vào sự linh thiêng của đấng thiêng liêng được thờ trong miếu. Ɖầu năm 1946 anh Tèo bị bịnh thần kinh. Anh chạy về phía miếu và kêu la ầm ĩ. Ɖến miếu anh leo lên bàn thờ và nằm bất động ở đó. Dân làng tức giận về sự hỗn láo của anh đối với Thần Thánh. Họ bắt và trói anh lại, bỏ lên xe trâu (3) chở về nhà anh ở xóm ngoài.
Quê ngoại tôi nghèo sách vở và các công trình nghệ thuật. Không nhà nào có hình vẽ Phật A Di Ɖà, Phật Thích Ca, Quan Thế Âm Bồ Tát hay Quan Thánh Ɖế Quân. Tôi cũng không thấy một ảnh chụp nào của các tiền nhân trên bàn thờ tổ tiên. Vì trình độ học vấn giới hạn, không người nào trong làng biết truyện Lục Vân Tiên của Ɖồ Chiểu (Nguyễn Ɖình Chiểu), truyện Thúy Kiều của Nguyễn Du hay những tập thơ mỏng do nhà in Phạm Văn Thìn phát hành như Chàng Nhái Kiển Tiên, Thạch Sanh Lý Thông, Phạm Công Cúc Hoa v.v.. Không ai biết Ɖường Tam Tạng, Tôn Hành Giả hay Trư Bát Giới vất vả như thế nào trên đường đi Tây Trúc thỉnh kinh để tán dương nể phục.
Dân sống dọc theo tỉnh lộ Thủ Dầu Một-Biên Hòa và hương lộ Tân Khánh-An Thạnh dùng nước giếng. Dân xóm trong dùng nước mạch. Nước mạch trong và ngọt nhưng việc gánh nước khá khó nhọc vì phải đi trên một đường dốc đất sét dài, trơn trợt khi trời mưa. Người có xe bò hay xe trâu chở được nhiều nước để dùng trong nhà và tưới rau, tưới trầu.
Trong thời gian giữa đệ nhị thế chiến và cuộc đấu tranh chín năm, không người nào có xe đạp ở Bình Chuẩn. Người ta thường đi bộ bằng chân đất từ ấp này đến ấp khác trong xã trên những con đường đầy cát nóng phỏng da vào mùa hè. Nông sản được gánh hay được chở về nhà bằng xe bò. Nông dân chủ yếu trồng lúa, khoai củ, rau cải, các loại đậu phộng, đậu xanh, đậu trắng, đậu đen, đậu đỏ, thuốc lá. Nông dân không có kinh nghiệm trồng mè và đậu nành. Vì quá lo ngại nạn đói, nông dân Việt Nam ưu tiên trồng lúa. Cây lúa đóng vai trò độc tôn trong các loài cây lương thực. Năm 1950 tôi mang về Bình Chuẩn một bao trái chùm ruột (1). Ông Bảy Ánh không biết đó là trái gì. Ông nói: “Giống trái bí bái” (2).
Thuốc lá mang nhiều lợi nhuận cho nông dân. Trong Chiến Tranh Việt Nam I việc giao thương giữa vùng này với vùng khác trở nên khó khăn khiến giá thuốc lá lên cao nhưng nông dân sản xuất thuốc lá lại không bán được thuốc lá do họ sản xuất. Trong thời kỳ chiến tranh có hai loại chỉ tệ khác nhau được lưu hành: tiền Quốc Gia do Viện Phát Hành Việt-Miên-Lào in và tiền cụ Hồ in trong chiến khu bằng một loại giấy thô. Ở vài vùng nông thôn việc mua bán được trả bằng tiền cụ Hồ. Tiền cụ Hồ hoàn toàn không có giá trị trong các cuộc giao dịch ở thành phố. Người giữ tiền cụ Hồ có thể bị bắt và bị điều tra. Ở vài vùng nông thôn tiền Quốc Gia bị tịch thu hay bị đóng mộc UBHCNB (Ủy Ban Hành Chánh Nam Bộ) nên không tiêu xài được! Trận giặc tài chánh giữa các phe lâm chiến ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của nông dân Bình Chuẩn trong thời kỳ đất nước rơi vào cơn giông bão đẫm máu và đẫm lệ. Tiền Quốc Gia bị khinh rẻ, chê bai khi người ta tự lưu hành đồng bạc bị xé đôi. Giấy 10đ bị xé đôi. Phân nửa tờ bạc bị xé đôi trị giá 5đ. Tình trạng này kéo dài ở phía nam vĩ tuyến 17 cho đến khoảng năm 1956, 1957 mới hoàn toàn chấm dứt.
Nguồn lợi tức lớn của dân làng Bình Chuẩn dựa vào việc bán thuốc lá, các loại đậu và bán heo. Việc làm ra tiền khó bao nhiêu thì việc mất tiền lại dễ bấy nhiêu. Trong làng thời bấy giờ làm gì có ngân hàng. Có một số tiền to lớn nhờ bán heo, bán thuốc lá và các loại đậu (đậu phộng, đậu xanh, đậu đen, đậu đỏ, đậu trắng) nông dân gói tiền bằng giấy “nhựt trình” (báo) rồi bỏ vào cái khạp đem đi chôn. Khi cần dùng thì kiếm mãi không ra cái khạp tiền. Có thể vì không nhớ chính xác nơi chôn cái khạp tiền? Bị chính người trong nhà trộm? Hay cái khạp tiền di chuyển dưới dưới mặt đất càng ngày càng ra xa nơi được chôn? Có người cuốn tiền và cho vào cây thuốc lá phơi khô. Cây thuốc lá phơi khô dùng để làm củi chụm hay làm đuốc soi đường khi di chuyển ban đêm. Thỉnh thoảng có người vô tình đốt tiền cất giấu trong cây đuốc!
Cướp rất thính tai mỗi khi nghe tiếng heo kêu inh ỏi lúc bị người Hoa (4) mua heo trói chặt bốn chân và đặt con heo lên cái bọt-ba-ga (porte-bagages/pannier rack) dài của chiếc xe đạp sắt. Thế là tối hôm ấy có nhiều khả năng cướp viếng nhà!
Dân làng Bình Chuẩn không ăn độn trong đệ nhị thế chiến (1939 - 1945) và trong Chiến Tranh Việt Nam I. Thức ăn thường ngày gồm: cơm trắng, mắm nêm, dưa mắm (thơm hay dưa gang gài trong lu mắm nêm có nhiều muối, muối đậu, canh rau đắng, canh chua lá dang, canh khoai mỡ, canh bầu, canh mít non, canh bồ ngót, rau lang, rau sam, đọt bầu luộc chấm mắm nêm, rau càng cua trộn giấm và đường. Không ai trong làng biết thịt vịt Xiêm và thịt gà tây. Cá, thịt heo, thịt bò, thịt gà chỉ thấy trong các lễ giỗ, vào những ngày Tết hay ngày lễ cúng cầu an (kỳ yên) ở miếu. Ɖể có chất dinh dưỡng người ta đi bắt cua, rắn và soi ếch, cóc, nhái vào những đêm mưa tầm tã. Nhà nào cũng nuôi vài con gà để ăn thịt và lấy trứng. Vì thiếu nước và mương rãnh việc nuôi vịt hầu như vắng bóng.
Dì tôi là một phú nông. Trong suốt cuộc đời làm nghề nông dì luôn luôn được mùa. Thế mà dì chưa đi ăn cao lầu lần nào trong đời. Dì rất siêng năng. Các con của dì đều làm lụng cực nhọc hàng ngày để tạo cuộc sống ổn định cho gia đình. Dì chỉ khéo tráng bánh tráng, gói bánh tét, bánh ít, bánh ú, bánh cúng, bánh cấp, làm bánh tổ và nấu xôi vị. Trong làng chỉ có gia đình cậu Sáu Bầu biết làm bánh bò có rễ tre mà thôi.
Trái cây thường thấy ở Bình Chuẩn là: chuối, khế, đu đủ, mít, mãng cầu, lê ki ma, vú sữa. Phần lớn đó là những cây ăn trái thích hợp với vùng đất cát ít nước. Trước nhà bà tôi có một cây ô môi cổ thụ bên cạnh các cây mít và mãng cầu ta. Sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, dâu miền dưới (bòn bon) được xem là những loại trái cây thuộc dạng đắt tiền vắng bóng trong làng. Dân làng không có tiền để thưởng thức những loại trái cây cao cấp này.
Ông Năm, người láng giềng của bà tôi, được xem là thầy thuốc duy nhất trong làng. Nhà của ông rất khang trang. Bàn, ghế, ván, tủ thờ đều được đánh bóng lộng lẫy. Nền nhà của ông là nền đất nhưng láng và rắn chắc như nền xi măng. Quanh nhà ông có nhiều dây thanh long trái chín đỏ trông rất đẹp.
Ông Năm cao lớn, trán cao, tai to, mắt bự. tôi không biết ông Năm chuyên trị bịnh gì. Một hôm có một người miền bắc ở ngã tư Bình Chuẩn-Tân Khánh đến nhờ ông Năm chữa bịnh. Tên anh là Ɖường, bị bịnh gì không rõ khiến cho anh mất thị giác. Không biết ông Năm chẩn đoán bịnh cho anh Ɖường như thế nào mà ông quyết định cạo một đường tóc trên đầu anh Ɖường, rồi dùng dao bổ cau sắc bén mổ cho máu chảy xuống một thùng cát đặt dưới đất. Thấy máu chảy, tôi sợ quá bỏ chạy không dám nhìn cách giải phẫu táo bạo này. Lạ thay! Thị giác của anh Ɖường được phục hồi phần nào. Anh tự nguyện làm con nuôi của ông Năm và ở lại trong nhà ông thầy thuốc duy nhất trong làng.
Anh Ɖường làm thợ mộc nhưng không có khách hàng nên cuộc sống không mấy khả quan, nhất là sau khi ông Năm bị một người lính bạt-ti-zan (partisan) ở Thủ Dầu Một bắn chết. Bà Năm chết trước ông Năm. Anh Ɖường trở thành chủ căn nhà rộng lớn có nhiều bàn, ghế, ván, tủ thờ bằng gỗ quí. Anh vẫn nghèo và chết trong cô đơn hai năm trước khi cuộc chiến tranh Việt-Pháp chấm dứt.
Trong thời kỳ 1940-1950 người Bình Chuẩn còn xa lạ với bác sĩ và thuốc Tây. Khi bị bịnh, người ta thường dùng các loại dược thảo quanh nhà. Sau đệ nhị thế chiến bịnh ghẻ ngứa lan tràn. Người ta dùng các loại lá cây có vị chua và chát nấu nước tắm. Khi bị tiêu chảy kiết lỵ, người ta dầm đọt ổi, vắt nước uống. Có người còn đưa ra công thức nam thất, nữ cửu, nghĩa là nam 7 lá và nữ 9 lá vì nam có thất khiếu nhưng nữ có cửu khiếu. Khi bị trái rạ, người ta uống nước rễ tranh hay gốc rạ và tránh đạp phân gà. Khi bị cảm, nhức đầu, người ta dùng sả và các loại lá có tinh dầu nấu nước xông cho ra mồ hôi v.v..
Tôi để ý đến ông Năm thầy thuốc, ông Bảy Ngâu, vợ chồng ông Tám Tròn¸ ông Năm Gia, ông Bảy Ánh và ông Tám Hiển, em của bà ngoại tôi.
Ông Năm thầy thuốc và ông Bảy Ngâu không có tướng nông dân. Da hai ông trắng hồng như các trưởng giả thành thị.
Ông Bảy Ngâu là một nông dân tài tử. Khi mặt trời sắp ngả về hướng tây, nắng không còn oi bức, ông mới vác cuốc ra ruộng. Nho nhã và đẹp lão như ông Bảy Ngâu lại là người giỏi võ nghệ. Các con ông đều trắng trẻo như ông, giỏi võ nghệ và hiếu đễ với cha. Tôi không biết bà Bảy. Có lẽ bà mất đã từ lâu. Ông Bảy được các con yêu thương và kính nể có lẽ vì ông không tục huyền mà sống trong cảnh góa vợ nuôi con. Trong xã hội Khổng Giáo đàn bà góa chồng không tái giá hay đàn ông góa vợ không tục huyền đều được sự kính mến của con cái và sự quí trọng của mọi người trong xã hội.
Vợ chồng ông Tám Tròn cao lớn và trắng như Tây. Các con của ông đều to lớn, hiếu động và hay gây hấn vì biết chút võ thuật do cha truyền lại. Ông Tám Tròn thân thiện với anh cả tôi khi cả hai người bị bắt nhốt chung trong một khám ở Phú Lợi. Sau khi được tự do, anh tôi về Sài Gòn làm việc cho một ngân hàng trên đường Chaigneau trước khi làm việc cho hãng Denis Frères trên đường Catinat (Tự Do sau này) đến năm 1975.
Ông Năm Gia ốm gầy, da đen như da cưỡng. Có ngờ đâu ông đã từng dạy võ. Khi tôi biết ông thì ông gần 70 tuổi. Ông không uống rượu đế bằng ly mà bằng tô như người khát nước sau một cuộc hành trình dưới ánh nắng nóng bức của mùa hè.
Ông Bảy Ánh đen đúa và khỏe mạnh. Ông rất mạnh tay khi giết trâu hay bò bằng búa. Có lần ông đập búa vào đầu một con trâu. Con trâu giựt đứt dây và dùng sừng cụng vào những người chứng kiến cảnh giết trâu khiến cả xóm chạy hoảng loạn và la làng inh ỏi. Ông Bảy Ánh bình tĩnh chạy theo con trâu, nắm sợi dây xỏ dầm (xỏ mũi trâu) ghì cho nó đứng lại và bắt nó lui về nơi trảm quyết. Ông Bảy Ánh nổi tiếng là người nhanh nhẹn, gan dạ và mãnh lực. Ông được sự yêu mến của cư dân xóm trong. Từ khi cư dân Bình Chuẩn dọn nhà ra Ấp Chiến Lược dọc theo tỉnh lộ Bình Dương-Biên Hòa, tôi không còn gặp lại ông.
Ông Tám Hiển là em của bà tôi. Ông và vợ đều có võ. Khi gây gổ nhau, hai người đều sử dụng dao búa, gậy gộc đánh nhau như chiến tranh thời Trung Cổ. Ông Tám Hiển là người nóng nảy. Ông nghiện rượu nặng. Lúc nào cũng thấy ông say. Không cần uống rượu, chỉ cần ngửi mùi rượu là ông đã say! Vì tánh ông hay gây gổ nên ông không có bạn. Từ khi rời khỏi đất của bà tôi, ông cất nhà gần bờ suối gần cây chay, sau đổi về Ấp Chiến Lược cách đó lối 500m. Các con trai của ông đều chết trong cuộc chiến vừa qua (1960 - 1975).
***
Bức tranh của quê ngoại tôi có vẻ nghèo nàn, đơn điệu. Bình Chuẩn không được vào lịch sử từ giữa thế kỷ XIX đến ba phần tư thế kỷ XX. Năm 1861 đoàn quân của Nguyễn Tri Phương rời khỏi Sài Gòn trên đường rút lui về Biên Hòa đi ngang qua Bình Chuẩn. Từ đó đến năm 1960 Bình Chuẩn chìm trong giấc ngủ CHẬM TIẾN và NGỪNG ƉỘNG như nhiều quốc gia khác trên hoàn vũ.
Năm 1962 dân làng Bình Chuẩn phải dọn nhà ra Ấp Chiến Lược. Phản ứng tự nhiên của dân chúng là bất mãn với chánh quyền Sài Gòn vì bắt họ phải rời bỏ mái nhà xưa với muôn ngàn kỷ niệm để về sống xa nơi canh tác. Thời gian là liều thuốc hàn gắn sự mất mát tinh thần và vật chất của dân chúng. Chuyện buồn nào cũng qua đi để chuẩn bị chào đón chuyện vui sắp đến.
Nơi cư trú mới trong Âp Chiến Lược gần đường có nhiều xe cộ chạy ngang qua. Tỉnh lộ Bình Dương-Biên Hòa giúp cho dân làng có cơ hội di chuyển từ vùng này đến vùng khác dễ dàng. Xe ngựa vẫn còn. Dần dần xe ngựa được thay thế bằng xe đò, xe Lambretta ba bánh.
Ɖời sống của dân làng cải thiện ít nhiều. Nhà nào cũng có giếng nước. Có nhà có nền xi măng, sân phơi lúa, phơi đậu. Có nhà có xe Lambretta ba bánh để chở nông sản bán sang vùng khác. Từ năm 1965 về sau hầu như nhà nào cũng có radio, xe gắn máy Nhật. Số người đi chân đất hầu như không còn nữa. Ɖàn ông mặc Âu phục. Ɖàn bà có áo dài để mặc khi đi đám cưới hay lúc cúng Thần ở miếu.
Ɖời lính phong sương và nguy hiểm nhưng có nhiều thú vị vì mở rộng tầm nhìn ra khỏi lũy tre xanh khi đi qua nhiều địa danh khác nhau trong nước. Sáu Rô, sau khi đi lính về, quyết định về Sài Gòn sống. Anh mở một tiệm hớt tóc nhỏ ở Thị Nghè. Anh có xe Vespa. Thỉnh thoảng anh cưỡi Vespa về thăm bà con ở Bình Chuẩn.
Sáu Bầu từ bỏ nghề cầm cuốc về Sài Gòn làm lao động cho Câu Lạc Bộ Thể Thao Sài Gòn (Cercle Sportif Saigonnais).
Sáu Trượng làm ruộng từ lúc 13 tuổi. Da anh như bị nhuộm đen. Anh làm việc cực khổ nhưng không một tiếng than van. Lúc nào anh cũng có những mẩu chuyện đời xưa đề cao sự chăm chỉ, hiếu đễ với những kết thúc vui tươi và hạnh phúc. Hình như những mẩu chuyện ấy ảnh hưởng nhiều đến cuộc đời của anh. Từ khi sinh cho đến năm 40 tuổi anh chưa ra thành phố lần nào. Anh vẫn là nông dân trong làng suốt hai cuộc chiến. Thượng Ɖế như thương xót người con hiếu thảo và một con người vui vẻ với định phận của mình. Anh được ban cho một người vợ đẹp và hiền thục. Anh được đặt trong cảnh vợ chồng cú đẻ con Tiên. Các con gái của anh đều đẹp và phúc hậu. Các cháu có chồng giàu. Người thì sống ở nước ngoài. Người thì sống ở thành phố Hồ Chí Minh tức Sài Gòn. Gần nửa thế kỷ sau Trượng rời nơi chôn nhau cắt rốn về sống với con và rể ở thành phố. Anh trở thành công dân Sài Gòn vì lý lịch trong sáng đối với tân chế độ và vì làm tròn nghĩa vụ đầy thử thách đối với Thiên đình. Ɖối với tân chế độ anh không có một ngày trong quân đội VNCH. Ɖối với Thiên đình anh là người con hiếu đễ, không một lời than thân trách phận mà chỉ biết chấp nhận định mệnh an bài để làm tròn nhiệm vụ và trách nhiệm của mình. Ɖối với xã hội anh không có kẻ thù. Thế là anh được giải phóng khỏi kiếp lao lực khó nhọc để trở thành người Sài Gòn. Anh không biết cưỡi xe đạp hay xe gắn máy nhưng anh là nhạc phụ của đại gia nên đi đâu cũng có tài xế lái xe.
Trời có sáng có tối
Người có thịnh có suy.
Sáu Trượng đã dành gần nửa thế kỷ gian khổ để phụng sự cho gia đình và cha mẹ. Thành quả của những việc làm trong tiền vận vẫn được gặt hái trong hậu vận. Xin chia mừng cùng anh.
Số người mù chữ ở Bình Chuẩn giảm sút đôi chút. Làng có trường tiểu học. Vài học sinh trong làng học ở trường Trung Học Trịnh Hoài Ɖức cách nhà gần 10km. Các em có xe đạp để đi học trên một đoạn đường khá xa như vậy chứng tỏ đời sống của nông dân có những tiến bộ lớn so với thập niên 1950. Tám Ẩn (Trần Long Ẩn. – không phải nhạc sĩ) học đến lớp 11 trường Trịnh Hoài Ɖức. Nguyễn Viết Ɖức học trường Trịnh Hoài Ɖức, có tú tài II và đậu vào học viện Quốc Gia Hành Chánh. Sau năm 1975 Ɖức vượt biên. Sang Hoa Kỳ Ɖức vừa làm việc để mưu sinh vừa tiếp tục học. Cuối cùng Ɖức có Ph.D. và trở thành ông nghè đầu tiên của làng Bình Chuẩn. Tám mươi năm trước làng An Mỹ, cách Bình Chuẩn lối 6km, có lưỡng tiến sĩ Trần Văn Trai với Docteur en Droit và Docteur ès Lettres do Ɖại Học Sorbonne ở Paris cấp.
Bình Chuẩn ngày nay có nhà gạch, nhà lầu. Nhà nào cũng có điện, nước máy, truyền hình. Một ít người có computer và cell phone. Vài người có con ở nước ngoài như Úc, Canada. Ɖa số thanh niên từ bỏ nghề nông để làm việc trong các khu kỹ nghệ do Ɖại Hàn, Ɖài Loan hay Singapore làm chủ. Ɖời sống vật chất tương đối khả quan hơn tiền nhân của họ vào thế kỷ trước.
Cầu xin vạn sự lành và thịnh vượng đến với Việt Nam, quê nội và quê ngoại của tôi. Sự lành luôn đến với dải đất lành và những người thiện tâm.
Phạm Ɖình Lân, F.A.B.I.
_________
Chú thích:
(1): Chùm ruột: Tên khoa học của cây chùm ruột là Phyllanthus acidus (chua), gia đình Euphorbiaceae hay Phyllanthaceae. Pháp gọi là Groseille, Anh: Malay gooseberry. Trái chùm ruột rất chua. Người ta ăn chùm ruột ngâm cam thảo với muối ớt hay dầm trái chùm ruột ăn với nước mắm đường. Mứt chùm ruột rất ngon và có giá bán cao vào dịp Tết.
(2) Tên khoa học của cây bí bái là Acronychia laurifolia, gia đình Rutaceae. Rễ cây bí bái dùng để thuốc cá.
(3) Xe trâu được gọi là xe cà-rệt. Có phải chăng là do chữ âm từ charrette của tiếng Pháp?
(4) Pháp lẫn Việt Minh đều xem người Hoa được miễn nhiễm chánh trị. Ɖối với Pháp người Hoa là công dân của một nước Ɖồng Minh trong Ngũ Cường (Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Hoa). Ɖối với Việt Minh họ là những người phi chính trị, chỉ biết chăm lo buôn bán và đóng thuế cho cả hai phe lâm chiến. Ɖiều đáng lưu ý là việc mổ heo, quay heo và thiến heo (pig’s castration) đều do người Hoa đảm trách. Người thiến heo cưỡi xe đạp chạy từ làng này đến làng khác, thổi một ống tiêu ngắn lối 25cm thay cho lời giới thiệu công việc làm của ông ta.
Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhocnghethuat/van/hoituonghinhanhquengoai.html