nguyễn như mÂy


Hai kỷ niệm về cây cầu sắt Phan Thiết

   

Cách nay hơn 60 năm, nghe tin tôi thi đậu vào Đệ Thất trường Phan Bội Châu, Ba tôi rất vui mừng vì ông biết việc thi đậu này là rất khó nên ngay chiều hôm đó đã chở tôi bằng xe đạp từ nhà (18, Nguyễn Hoàng – sau này đổi tên là đường Lê Hồng Phong) qua cầu sắt – nay là cầu treo Lê Hồng Phong – để tới nhà in – nhà sách Vui Vui mua tặng tôi cuốn tự điển Larousse khá nặng vì dày cộm. Bây giờ đây tôi đã 75 tuổi, nhưng cứ mỗi lần xuống dốc cầu và đi ngang qua nơi xưa từng là nhà sách cũ ấy tôi vẫn còn nhớ như in buổi chiều Ba chở tôi hôm ấy. Có một điều tôi không thể nào quên nữa là hình ảnh cây cầu bắt qua sông Mường Mán. Lúc ấy, cầu chỉ có độc một hướng đi qua hoặc đi về nên Ba đã ngừng xe dưới dốc để chờ ông cảnh sát gác cầu dùng tay quay tấm bảng cấm qua màu trắng thì các loại xe và người đi bộ mới được phép lên cầu. Còn Ba tôi, đã còng lưng già mà cố gắng đạp cho xe lên dốc – phía sau là thằng con trai út vừa thi đậu vào lớp Đệ Thất! (Ba sinh năm 1902, tôi ra đời năm 1949 nên lúc ấy Ba đã là một “ông già” 47 tuổi rồi – với lại lúc ấy Ba để râu dài xuống tới bụng rồi!). Nay “nuôi con rồi mới biết lòng cha mẹ”, tôi mới nghĩ tâm hồn của Ba lúc ấy chắc đã rất vui mừng mới nỗ lực đạp xe lên hết dốc cầu thiếu điều dựng đứng ấy. Thời đó, đa số người dân Phan Thiết đều đi xe đạp, ai “ngon” lắm thì cỡi xe Goebel hay Mobylette; còn hoạ hoằn lắm mới thấy một hai chiếc Lambretta hay Vespa standard xưa rích là “giàu” lắm – tuy vậy, so với dân số lúc ấy, số xe gắn máy kia chỉ đủ đếm trên đầu ngón tay!..

Rồi cũng từ cây cầu có tên xưa là “Cầu Quan” ấy của kỷ niệm tuổi thơ mình, vào tháng tư năm 1975, tôi lại vô tình trở thành một “nhân chứng sống” của nó. Đó là trước ngày 30 tháng tư khoảng mươi ngày (?), thị xã châu thành Phan Thiết bị máy bay Sài Gòn xuất phát từ phi trường Tân Sơn Nhứt bay ra dội bom. Nghe nói một trái rơi xuống Cảng Cồn Chà (phường Đức Thắng) làm chết trọn cả một gia đình (?) đi lánh nạn của Nhà in Ngọc Dân (nhà họ ở gần Kho Bạc Bình Thuận – ở phường Phú Trinh – nay thuộc đường Lê Hồng Phong – trong đó có người con trai trưởng là bạn học cũ của tôi)...

Trái bom thứ hai đánh sập cây Cầu Sắt trong khi cầu đúc bê-tông Trần Hưng Đạo (xây dựng năm 1970 – cách đó không xa) vẫn còn nguyên (có thể, trái bom nổ ở Cảng Cồn Chà là thay vì ném xuống cầu này đã bị “lạc” đường chăng?)... Hôm ấy, dĩ nhiên là cả thành phố đều vắng tanh. Khi quay về, không biết do ai xui khiến, tôi lại đi theo đường Trần Hưng Đạo (có cầu Trần Hưng Đạo vừa kể) nên thoát chết (?!); nhưng tôi bỗng mất hồn với tiếng bom nổ ở bến Cảng Cồn Chà – chỉ cách tôi khoảng 1 km! Tôi đâm đầu chạy một hơi về sân Tennis – nơi có “bar” Đào Viên (của nhà thằng Châu, bạn học tôi). Ở góc sân Tennis (trên đường Hải Thượng Lãn Ông) có một cây me hoang xưa rất to nên cành lá rất dầy, tôi núp ở đó trong khi máy bay còn quần mãi trên thành phố. Rồi liền ngay khi ấy, tôi nghe vang lên một tiếng bom nổ chát chúa khác ở giữa sông. Vậy mà không hiểu sao, tôi phóng nhanh tới... để coi sau khi nghe ngóng tiếng máy bay đã đi xa (!!?). Trời ơi! Cây cầu sắt lót gỗ thông cũ xì kia gắn liền với tuổi thơ tôi đã bị bom đánh sập ra làm ba khúc đành đoạn! (Nay là cầu Lê Hồng Phong). Ôi! Tôi như người mất sạch cả hồn lẫn vía, chỉ biết thẫn thờ đứng bên đầu cầu này nhìn qua bên kia sông rồi bật khóc ngon lành chẳng khác gì một đứa con nít vừa bị ai cướp hết đồ chơi của mình! Than ôi! Cây cầu sắt bị bom cắt đứt ra làm ba khúc. Tội nhất là nhịp giữa cầu đang chỉ còn sót lại cái cổ chân với bàn chân người đen xì không giầy dép của ai nằm lăn lóc trên sàn gỗ và đau đớn hơn là máu tươi từ cái chân ấy nhỏ từng giọt máu xuống dòng sông vẫn cứ vô tình lặng lẽ trôi xuôi ra biển. Thân thể của người ấy bị rơi mất lúc nào không ai biết! Ôi! Bên cạnh chỗ những giọt máu kia rơi xuống sông còn có một chiếc xuồng vô chủ như đang neo lại ngay đó chờ khách qua sông (?!). Ôi! Tôi vẫn đứng khóc một mình khi nghĩ đã có ai đó từ thuyền ấy chết rồi rơi xuống nước mà chẳng có người nào hay biết khi trái bom oan nghiệt kia rơi xuống!.. Và kìa là một con chó Nhật lông màu trắng với đôi mắt thất thần đang nằm le lưỡi ra thở hỗn hễn trên một nhịp cầu sắt trơ trọi giữa sông. Hay là người chủ thân yêu của nó bị bom giết chết rồi rớt xuống sông ngay lúc ấy rồi mà do không biết gì nên nó vẫn nằm đó chờ?! Tôi đã phân vân không biết con chó ấy làm sao để qua tới bờ trong khi từ nhịp cầu nó đang nằm xa cách bờ bên phố đã gần 20 mét?! Trong khi đó từ cầu xuống tới mặt sông đã gần 10 mét rồi!?... Lúc ấy trời đang bắt đầu có nắng nóng của mùa hè và quang cảnh im vắng tới độ tôi nghe rõ từng tiếng những giọt máu kia rơi trên mặt sông nên tôi lại đứng chết lặng một mình giữa trưa nắng cháy hoang dại... Tôi không ngờ mình đã càng lúc càng khóc to tiếng hơn với lòng thầm cầu mong những linh hồn chết bất thần hôm ấy khi đi qua cầu, qua sông mau mau được về cõi Phật!..

   

Phan Thiết, 4 - 2024    
nguyễn như mÂy

 

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhocnghethuat/van/haikyniemvecaycau.htm


Cái Đình - 2024