Nguyễn Lê Hồng Hưng


Chuyến đi cuối cùng

(Góc Biển Xanh – Chương 9 [và hết])

   

Sáng hôm đó tôi đứng tầng trên phía sau lái tàu tập phất tay và phất được hai trăm cái thì thấy trên sông sương mù nhiều quá. Lòng chợt nhiên chùng xuống nên tôi ngưng tập và đứng ngó ra dòng sông như tìm một thứ gì mà chính tôi cũng hổng biết? Ánh sáng li ti của những bóng đèn viền theo những sợi dây cáp căng thẳng hai bên thành của chiếc cầu bắc ngang từ bên bờ này Lisbon qua bên kia bờ sông Tagus, vì bị mù sương cản tầm mắt nên chỉ thấy khoảng giữa chiếc cầu lờ mờ như lơ lửng trong mây. Nhìn lên bến cảng, những containers chất chồng và chiếc cần trơi cũng bị sương phủ mờ. Musli đi tới sau lưng tôi hồi nào không biết, tới khi nó lên tiếng chào, tôi mới day ngang chào lại. Nó liền nói:

– Hôi sớm sương mù nhiều quá, công nhân bến cảng không làm việc được.

Tôi cười dí dỏm, nói:

– Oh! Như vậy mới thấy được sức mạnh của sương mù.

Có lẽ Musli vội quá nên không hiểu kịp ẩn ý trong câu tôi nói nên nó vừa day lưng đi vừa đáp:

– Còn có mười tám containers, cất lên xong tàu sẽ khởi hành.

Nhìn thằng nhỏ bận bộ đồ bảo hộ bước ra boong làm tôi nhớ lại, hồi hôm nó ngồi với tôi trong một quán bar ngoài bến cảng, uống chưa hết ly bia thì có một cô gái trẻ tới gạ gẫm hỏi nó có chịu đi với cô ta không. Nó nhận lời và day qua hỏi tôi:

– Chú chờ một lát được không?

– Dĩ nhiên.

Musli bưng ly ngước cổ ực hết phần bia còn lại rồi đứng lên đi với cô gái. Tôi ngồi chờ cả giờ nó mới nhắn tin xin lỗi và dặn tôi khỏi chờ nó nữa. Tôi đứng lên đi lại quày tính tiền rồi bước ra ngoài. Trên đường về tàu tôi cười thầm trong bụng, mới mấy ngày trước nó với Frans chơi cả đêm ở Vigo, bây giờ chơi nữa, tuổi trẻ sức khoẻ dồi dào, chơi cho đã về già khỏi hối tiếc. Nhớ lại hồi còn trẻ tôi cũng như Musli bây giờ, mỗi lần tàu tới một bến lạ, chiều về lên phòng thay áo, quần bảnh bao rồi vội vã lên bờ chơi suốt đêm, sáng xuống tàu vẫn còn đủ sức làm việc cho tới chiều.

Bao nhiêu quá khứ của hơn bốn mươi năm trước chợt ùa về, mặc dù ở Việt Nam tôi là một ngư phủ đánh cá xa bờ, mang tiếng là đánh khơi nhưng cũng chỉ quanh quẩn trong vùng vịnh Thái, lần đầu tiên tôi lên tàu buôn quốc tế, tôi rất tò mò và lo lắng như thế nào. Lúc đó tôi nghĩ không biết mình có thể vượt qua những tháng ngày dài lênh đênh trên biển mà không gặp bất kỳ rắc rối nào với những thứ mới mẻ mà tôi chưa từng biết qua và làm sao để liên hệ với thủy thủ đoàn toàn người xa lạ, lạ màu da và lạ cả lời ăn tiếng nói. Những cảm xúc lẫn lộn với môi trường mới làm tôi lo sợ, nhưng tánh hiếu kỳ thúc đẩy tôi mạnh dạn bước tới. Lầu đầu bước lên chiếc Elisabeth trên cảng Rotterdam, con tàu không lớn lắm, nhưng vẫn lớn hơn chiếc tàu đánh cá dài hơn hai mươi thước của tôi ở quê nhà, vừa ngơ ngác vừa rộn rã trong lòng vì tôi được đứng trên con tàu buôn quốc tế và đậu trên hải cảng Rotterdam; hải cảng lớn nhứt thế giới nhờ đông đảo tàu bè các nước vô ra. Trong lòng tôi rất lo trước khi trình giấy tờ cho viên thuyền trưởng, nhưng khi ông bắt tay chào với vẻ mặt cười hiền thì tôi cảm thấy nhẹ lòng. Thuyền trưởng lấy giấy tờ của tôi xong, ông giao tôi cho viên thuyền phó, thuyền phó dẫn tôi xuống nhận phòng. Phòng ngủ có một tủ đựng quần áo, một chiếc giường và một bàn viết. Tàu buôn thời đó chưa có tiện nghi như những con tàu hiện đại của thời nay, trong phòng thủy thủ không có toilet và phòng tắm riêng, nhưng đối với tôi có phòng ngủ riêng và giường, nệm đàng hoàng thì quá đầy đủ rồi.

Những bất an lo lắng lúc ban đầu tan biến khi thuyền phó dẫn tôi xuống phòng ăn giới thiệu tôi cho thủy thủ đoàn, thủy thủ toàn là người In Đô, khi biết tôi là người Việt tị nạn thì người nào cũng vui vẻ bắt tay, ân cần chào đón. Giới thiệu mọi người xong, thuyền phó giao tôi cho người phụ lái, anh ta dẫn tôi đi từ sau lái ra trước mũi và xuống hầm máy để cho tôi làm quen với con tàu. Sáng hôm sau, trước khi tàu khởi hành qua Phi châu, thuyền phó đưa tôi một khăn tắm và bộ đồ bảo hộ. Tôi trở về phòng cất khăn và thay đồ, may là cùng cỡ với người In Đô nên bộ bảo hộ tôi bận rất vừa vặn, chỉ có ống quần hơi dài, nhưng không sao, tôi xắn nó lên làm, khi xong việc tôi tự cắt cũng được, hồi ở Việt Nam bận đồ cũ đi đánh cá, qua đây bận đồ bảo hộ, làm thủy thủ tôi cảm thấy hãnh diện vô cùng. Khi ra boong Mujono, thủy thủ người In Đô, thấy tôi mang giày bata, anh mới vô lấy cho tôi đôi giày làm việc cũ và kêu tôi vô phòng thay xong rồi ra trước mũi với anh. Như vậy là tàu khởi hành tôi với Mujono và thuyền phó chịu trách nhiệm cuốn dây và khoanh dây trước mũi, đó là bài học đầu tiên của tôi trong đời thủy thủ. Khi tàu tách bến tôi theo thủy thủ người In Đô xịt nước rửa tàu và dọn dẹp xong cũng hết một ngày.

Qua ngày thứ ba tàu đã ra khơi, biển im và nắng ấm, người phụ lái giao cho tôi một cặp bao tay, một cây búa gõ sét và một bàn chải sắt, anh dẫn tôi ra boong nhập bọn cùng với bốn thủy thủ người In Đô, nhiệm vụ chúng tôi hôm đó là gõ, đục, cạo sét và sơn phía sau tàu. Biển đối với tôi phải nói là quen lắm, nhưng lúc tàu ra vùng nước xanh đậm của Đại Tây Dương, tôi vẫn bị hoang mang. Khi ánh sáng chói chang của mặt trời phản chiếu trên làn nước màu xanh đậm, lúc bây giờ tôi mới cảm nhận được sự khác biệt của biển và đại đương. Có lẽ khi lớn lên tôi gắn bó với biển, cho nên hải hành vài tháng tôi đã quen với cuộc sống trên tàu. Nhờ cái nhãn hiệu thuyền nhân, tị nạn cộng sản nên đồng nghiệp trên tàu ai cũng thương và tận tình giúp đỡ.

Vài ấn tượng đầu tiên của tôi khi tàu tiến xa về vùng Phi châu. Tôi còn nhớ về đêm khung trời đó trong lắm, mặt trăng gần xích đạo trông rất thấp và rất sáng, ánh trăng soi trắng mặt nước biển và thấy rõ đường cong của chưn trời. Lần đầu ghé bến Phi châu, tôi thấy người da đen đông như vậy và tiếp xúc với họ tôi mới biết tuy da người Phi châu đen như tràm cháy nhưng hai hàm răng họ thì trắng như bông gòn... Còn công việc của tôi cũng không có gì khó khăn, nhờ lúc đó tôi còn trẻ làm việc có mệt và đổ mồ hôi nhưng chỉ sau một đêm tôi đã lấy lại sức. Đó cũng là sự trải nghiệm bước đầu làm thủy thủ của tôi với cây búa gõ sét, bàn chải sắt và làm những chuyện lặt vặt trên tàu trong vùng nắng nóng của Phi châu.

Tiếng máy tàu nổ cùng tiếng hoạt động của máy cuốn dây sau lái, dấu hiệu cho tàu rời bến, đưa tôi trở về hiện tại. Frans, Eddy và một sinh viên thực tập phụ trách sau lái. Frans điều khiển cần cẩu câu chiếc thang, đường lên, xuống sau lái, hai người kia thì chờ chiếc thang lên tới thì vịn kềm cho ngay vị trí của chiếc thang, xong rồi bắt móc gài chiếc thang lại cho chắc. Nhìn đồng hồ cũng đã gần tới giờ tôi làm việc. Đi vô phòng đánh răng, rửa mặt thay đồ xong thì nghe tiếng máy tàu rù ga mạnh hơn thì biết tàu đã rời bến.

Tàu ra khỏi vàm sông Tagus thì nắng cũng đã lên, trên tàu có Musli và Iwan, hai đứa dọn dẹp và lau chùi trong tàu, thuyền trưởng trực trên phòng lái và tôi là đầu bếp đang soạn cho bữa ăn trưa. Những thủy thủ hồi hôm làm ca đêm được ngủ tới mười hai giờ trưa. Mười giờ tôi pha một bình cà phê và lấy hộp bánh ngọt để lên bàn, tôi, Iwan và Musli ngồi uống. Tôi hỏi Musli:

– Hồi hôm chơi cả đêm giờ không mệt và buồn ngủ sao?

Musli cười nói tỉnh bơ:

– Hồi hôm con cũng có ngủ mà.

Rồi nó khoe với tôi là nó có số điện thoại của cô gái, cô ta rất tốt và hứa kỳ sau trở lại nó sẽ gọi hẹn gặp cô ta. Tôi hỏi:

– Con thích cô nhỏ đó sao?

– Dĩ nhiên.

Theo tôi biết phần đông những người In Đô theo đạo Hồi có đi uống bia, chơi gái thì lén lút và dặn tôi xuống tàu đừng nói lại với ai và nói chuyện chơi bời thì không tự nhiên như những người theo đạo Thiên Chúa. Iwan chen vô nói:

– Tàu đi tuyến này một năm thì Musli có vợ Bồ Đào Nha.

Nói xong Iwan giả giọng dê kêu, cười he he. Tôi day qua nói với Musli:

– Thủy thủ mà vướng tình cảm trên đất liền thì mệt lắm đó.

Musli hỏi:

– Sao vậy chú?

Tôi chưa kịp trả lời thì Iwan chen vô nói:

– Thì sạch túi chớ sao.

Thêm một tràng cười. Musli day qua Iwan nói:

– Tiền không thành vấn đề, vui vẻ là được.

Nó day qua hỏi tôi:

– Phải không chú?

Tôi đáp:

– Phải nhưng lúc con còn độc thân, chớ khi có vợ, có con rồi thì tiền cũng là vấn đề. Chú muốn lưu ý con chuyện tình cảm thôi, thủy thủ như tụi mình mà vướng vào chuyện yêu đương, thương nhớ, đợi chờ mệt lắm đó.

– Chuyện này con học hỏi chú đây.

– Thiệt ra thì trong cuộc sống thì không ai dạy ai và cũng không ai học hỏi ai hết, chuyện gì thì cũng cần trải qua rồi mới biết.

– Oh, chú nói thử con nghe.

– Thủy thủ phải trải qua nhiều con tàu và nhiều khía cạnh khác nhau, không chỉ có chuyện cột dây, gõ sét, sơn tàu, làm chuyện lặt vặt hoặc ghé một vài địa danh và quen biết một vài người là đủ. Là một thủy thủ sẽ đi với những con tàu khác nhau và làm việc trong môi trường cũng khác, ví như đối mặt với những lúc thời tiết không thể đoán trước. Con thấy đó, con mới xuống chưa được hai tháng mà từ Địa Trung Hải ra Đại Tây Dương, thời tiết khác nhau như thế nào rồi.

Musli hào hứng nói:

– Đúng, chú nói đúng rồi, trong Địa Trung Hải thì nóng còn Đại Tây Dương mát mẻ hơn.

Iwan như sợ tôi nói hết những kinh nghiệm của nó đã trải qua, nên nó cũng háo hức chen vào góp chuyện:

– Nhưng hổng phải lúc nào biển cũng im ru và những cơn gió êm dịu, thổi hiu hiu, dễ chịu giống như hôm nay đâu.

Iwan day qua tôi nói:

– Chú còn nhớ hồi con với chú làm việc bên chiếc Elsa không?

– Nhớ chớ.

– Lúc đó từ Houston qua Nam Mỹ gặp bão, sóng cao trên mười thước, đánh ập vô thành tàu khiến thân tàu lăn lộn dữ dội làm cho thủy thủ đoàn ói mửa quá trời luôn.

– Tại vì lần đó đám thủy thủ toàn là gà chết, gặp sóng to, gió lớn thì ói mửa tùm lum nên con còn ấn tượng đó thôi. Cũng có nhiều lần bị bão trên vùng bắc Đại Tây Dương, sóng cao tới mười bốn thước, thiệt ra thì không có hiện tượng thời tiết nào mà thủy thủ không đương đầu, có những ngày mùa đông trên vùng Bắc cực, nhiệt độ giảm xuống dưới độ không, băng và tuyết phủ từ dưới mặt biển lên tới trên tàu trắng xoá. Cũng có lần trên chiếc Elsa, vượt sông Amazon lên vùng cao nguyên, gần xích đạo, nắng nóng mà máy điều hoà bị hư, nhiệt độ bên ngoài lên tới bốn mươi độ C, trong tàu nóng như trong phòng tắm hơi, còn dưới hầm máy thì giống như là hoả ngục.

Iwan chen vào:

– Con nhớ rồi, kỳ đó chú lấy nước để vô can đem đông đá rồi để can nước đá trước máy quạt trong phòng ngủ cho mát, cả tàu ai cũng bắt chước chú làm theo nên trong phòng đông giữ lương thực lúc nào cũng đầy nhóc can nước.

Musli dùng mình một cái:

– Nghe nói thấy cũng hơi lo nhưng cũng tò mò.

– Yên trí còn đi thì còn gặp.

Tôi chỉ tay lên chiếc đồng hồ treo trên vách, kim đồng hồ chỉ hơn mười giờ rưỡi:

– Lố giờ rồi, con làm việc cho hết lo.

Thấy hai đứa đứng lên cầm tách định đem vô bếp, tôi chặn lại:

– Chỗ này để chú, tụi con làm việc của tụi con đi.

Iwan và Musli tiếp tục lau chùi trong tàu. Tôi lấy bình cà phê và đem mấy cái tách đi rửa. Xong tôi bắt đầu nấu cho bữa ăn trưa.  

Giờ ăn của phụ lái là mười một giờ rưỡi, có lẽ hồi khuya phụ lái mới xuống thay cho phụ lái cũ, nó còn mệt nên ngủ trễ. Gần mười hai giờ mới thấy phụ lái ló đầu xuống, nó bắt tay chào và nói:

– Tuần tới trở lại Bilbao ông về.

– Bộ mầy xuống báo tin cho tao thôi hả?

Nó cười, chợt nhớ ra:

– Oh, ông có gì cho tôi ăn không?

Nhìn dáng người nhỏ thó nước da ngâm ngâm và tóc đen, tôi đoán nó không phải là người Hoà Lan. Tôi chỉ tay ra bàn ăn và từ tốn nói:

– Dĩ nhiên là có, ra bàn kia ngồi đi.

– Không, trễ giờ rồi, ông cho tôi một đĩa, tôi bưng lên phòng lái ăn.

– Vậy chờ một lát.

Tôi lấy rau, thịt và khoai tây để vào dĩa, định lấy tô múc súp.

Thằng nhỏ ngăn lại:

– Bao nhiêu đủ rồi.

Tôi lấy dao và nĩa và bưng dĩa thức ăn đưa cho nó. Nó liền bưng dĩa đồ ăn quay đi, chợt nhớ quên chén trái cây, tôi kêu nó và nói:

– Còn chén trái dâu nè.

Nó day lại nói:

– Ông để đó, chiều tôi xuống ăn.

Phụ lái đi rồi thì Musli đi vô hỏi:

– Con dọn bàn nghe chú?

– Ô kê.

Musli tới chỗ để dĩa lấy chồng dĩa và kéo học tủ lấy dao, muỗng, nĩa đem ra bàn. Từ lúc Musli quen việc trên tàu tới nay nó thường vô bếp phụ tôi dọn bàn trước khi ăn và phụ tôi dọn dẹp mỗi buổi chiều. Thấy nó gọn gàng, sạch sẽ và thích làm nên tôi để nó tự nhiên. Lúc đó thủy thủ đoàn cũng vô phòng ăn, thủy thủ ăn mười hai giờ mười lăm và đám officers thì ăn mười hai giờ rưỡi. Musli dọn bàn xong vô hỏi tôi:

– Bưng đồ ăn ra được chưa chú?

Tôi ngước mặt lên nhìn đồng hồ, còn năm phút nữa mới tới giờ ăn, nhưng thấy thủy thủ đã vô bàn ngồi chờ tôi mới nói:

– Cũng được.

Thấy tôi mở tủ lạnh lấy tô sà lách ra, Musli trầm trồ:

– Oh, hôm nay có rau tươi.

Tôi nói:

– Mới mua thêm hôm ở Lisbon.

– Trước khi xuống tàu, con nghe nói thức ăn trên tàu cũng không có gì đặc biệt và hay bị thiếu. Nhưng hồi xuống tàu tới giờ ngày nào cũng thấy ăn uống linh đình.

– Chú hổng biết mấy công ty khác ra sao, nhưng công ty này thì chú biết. Thiệt ra trước kia thức ăn rất là phong phú, từ ngày người Nga và Ukraina xuống đây làm việc thì thực phẩm bị cắt giảm gần phân nửa.

– Vậy hả chú?

– Con xuống chiếc Tina này nhờ thuyền trưởng là người Hoà Lan nên hai tuần được mua thêm trái cây, rau cải tươi, thịt, cá dậm thêm. Nếu thuyền trưởng không phải là người Hoà Lan thì thức ăn một tháng lấy một lần và họ đưa gì ăn nấy, có thiếu thì cũng ráng mà chịu.

– Có sự phân biệt sao chú?

– Chú thấy là vậy.

Tôi vừa nói vừa dọn thức ăn để hết ra bàn rồi nói:

– Trên tàu toàn là dân tứ xứ nên hay xảy ra chuyện chướng tai gai mắt, nhưng không đụng tới mình thì thôi, con để ý làm gì. Con bưng đồ ăn ra rồi cùng anh em ăn đi, bàn của officers chú lo được rồi.

Giờ làm việc của thủy thủ kết thúc lúc năm giờ chiều. Còn đầu bếp thì lo cho thủy thủ đoàn ăn, uống và dọn dẹp xong thì mặt trời cũng bắt đầu lặn.

Tôi ngồi tầng trên phía sau lái tàu, ngắm hoàng hôn trên đại đương. Phía trời Tây, mặt trời giống như một chiếc mâm sắt nung đỏ, từ từ chìm xuống viền nước, toả lên ánh hồng nhuộm đỏ phía chưn trời. Không bao lâu ánh nắng cuối ngày tắt hẳn, nhường chỗ cho bóng đêm thay vào, không khí lúc này mát mẻ dễ chịu hơn. Musli cầm hai chai bia, đi lên chỗ tôi đứng, có lẽ leo lên hai bậc thang nó bị mệt nên vừa đưa chai bia cho tôi vừa thở hổn hển, nói:

– Hồi nãy con gõ cửa phòng hổng nghe chú trả lời, ra phía sau boong cũng không thấy, thì ra chú đứng trên đây.

Thiệt ra tôi không muốn gặp ai nên mới lên đứng trên này. Tôi cầm chai bia đưa lên cụng, ngước cổ uống một hơi và chỉ tay lên mặt trăng nói:

– Coi kìa, trăng khuyết và trời rất trong.

Musli cũng hớp xong hớp bia, nó ngó quanh rồi nói.

– Đẹp quá hả chú, nhưng trăng mọc sớm quá.

Tôi ừ hử và mặt vẫn hướng về phía mặt trăng. Musli im lặng hồi sau nó mới lên tiếng:

– Con nghe Frans nói mai tàu tới Casablanca, nhưng không lên bờ chơi được hả chú?

– Lên thì được, nhưng thủ tục rắc rối lắm và lên bờ cũng gặp nhiều phiền phức, vì vậy thuyền trưởng không cho lên đó thôi.

– Vậy, tới Bilbao chú về rồi, chỉ còn có Frans đi chơi với con thôi.

– Có Frans cũng tốt, trên đường đi có người bạn đồng hành hợp nhau cũng đủ rồi.

– Con thích đi với chú.

– Chú già rồi đi với tụi con chỉ có vướng bận.

– Nhưng học hỏi ở chú được nhiều thứ.

– Những chuyện chú nói nó đã qua hết rồi, tương lai con sẽ biết được những thứ mới mẻ hơn. Con không thấy sao, chú đi với các con lúc nào cũng giữa chừng, không bao giờ chơi cho tàn cuộc.

– Tại chú không muốn thôi, chớ con thấy nhiều người lớn tuổi hơn chú cũng còn ăn chơi mà.

– Chú cũng ăn chơi vậy, đi chung với con hoài.

– Chú chỉ xem thành phố, tìm ăn đặc sản và uống bia, rượu.

– Như vậy đối với chú cũng đầy đủ lắm rồi.

– Bộ chú hổng còn thích đàn bà nữa sao?

Đưa bia lên uống, chợt nghe thằng nhỏ hỏi, tôi cười làm cổ họng bị sặc bia, tằng hắng cho qua cơn, tôi nói:

– Thích chớ con, nhưng thích theo kiểu già.

– Là sao?

– Chuyện hổng đáng để thắc mắc đâu, khi nào con lớn tuổi như chú thì con tự biết.

Tôi với Musli uống hết chai bia, đem chai bỏ vô thùng rác, tôi hỏi:

– Con uống nữa không?

– Không, khuya nay con trực. Nghe nói tàu trở lại Bilbao chú về nên muốn gặp chú nói chuyện chơi.

– Vậy con đi ngủ đi.

Musli đi rồi tôi mới day nhìn ra khơi, chưa tới mười giờ mà trăng đã sáng soi trên mặt biển, nhiều ngôi sao cũng đã mọc, trăng tuy khuyết nhưng ánh vẫn toả sáng làm những ngôi sao không được rực rỡ như những đêm tối trời. Thiệt là hấp dẫn khi ánh trăng chiếu sáng xuống mặt biển như đèn pha, đột nhiên đám mây kéo ngang che mặt trăng, trời tối sầm lại làm con tàu nằm trong bóng mờ, mặt nước không còn lấp lánh và đường chưn trời cũng biến mất. Một lát sau mây bay qua, ánh sáng mở rộng ra bốn hướng. Hơn bốn mươi năm qua, không biết bao nhiêu lần, tôi đứng hàng giờ chỉ nhìn chằm chằm vào sự thay đổi của vầng trăng, nhứt là ánh sáng lung linh khi trăng sắp lặn xuống biển, lúc đó nước và trời liền nhau và không còn thấy đường chưn trời nữa. Trăng trong tôi mỗi nơi mỗi khác, biến dạng cũng khác nhau lúc nào cũng đẹp... nó vượt quá khả năng của con người để giải thích cái đẹp và yên bình như thế nào. Không gì thay đổi được quan điểm vô giá khi đứng nhìn và cảm thấy cuộc sống hoà hợp với thiên nhiên hơn bao giờ hết.

Nhưng đêm nay tôi nhìn trời, trăng, mây nước với một tâm trạng bâng khuâng khó tả, khi nhận biết, một cách rõ ràng, là đời thủy thủ của tôi sắp chấm dứt. Tôi sẽ chia tay với biển, với đất trời bao la, với những tối êm đềm trăng sáng. Một sự ngẫu nhiên hay là sự sắp đặt của tạo hoá? Hơn bốn mươi năm trước, chuyến hải hành đầu tiên trong đời qua Phi châu, hôm nay chuyến cuối cùng cũng trên đường qua Phi châu. Sợi dây liên lạc với những người từ khắp bốn phương kéo dài hết một đời rồi. Biết rằng tôi sắp bỏ biển nhưng tôi chỉ thoáng buồn, vì cả đời với kiếp lữ hành vui có, buồn có, nhưng tất cả đều đem tới lưu luyến, nên tôi không muốn nói với mấy bạn trẻ của tôi đây là chuyến cuối cùng. Rồi đây những cái tên Musli, Edy, Iwan, Frans, Mujno, Mohamet… chạy qua trong đầu tôi. Rồi một buổi chiều nào trên một thành phố lạ, chúng ngồi nhậu với nhau và nhắc lại: hồi đó có uncle Tan, chú đầu bếp già Việt Nam đã cùng đi với chúng trên một chuyến tàu…

   

Hết

Nguyễn Lê Hồng Hưng

 

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhocnghethuat/van/gocbienxanh_9.html


Cái Đình - 2024