Nguyễn Lê Hồng Hưng


Chuyện vặt trên tàu

(Góc Biển Xanh - Chương 7)

   

Trợt giấc mơ màng mà thấy thèm cà phê, chồm dậy vói tay lấy cái điện thoại để trên bàn bấm xem, mới hơn bốn giờ sáng. Tôi ngồi dậy bước xuống giường, uốn éo thân người quơ tay duỗi chưn cho giãn gân cốt rồi đi xuống phòng bếp pha cà phê. Trong lúc lường cà phê bỏ vô lược thì nghe tiếng:

– Chào buổi sáng chú Tấn.

Tôi vừa chào lại vừa đóng lược và bấm nút máy pha cà phê, xong ngó ra cửa bếp thấy Bruce Lee, chưa kịp nói gì thì nó liền hỏi:

Chú có kem đánh răng và dầu gội đầu không?

– Có.

– Chú bán cho con một hộp kem và một chai dầu gội đầu.

– Cái gì? Chú đâu có bán.

– Con nghe Edy nói chú bán.

– Oh! Cái thằng Edy!

Không lạ gì chuyện ma cũ bắt nạt ma mới, nói dóc, nói láo để chọc ghẹo những thủy thủ mới xuống của đám thủy thủ người In Đô. Tôi nói:

– Trên tàu có nhưng cuối tuần căn tin mới mở, nếu con cần thì lên hỏi thuyền trưởng lấy trước cũng được.

Bruce Lee đứng xớ rớ một hồi rồi day qua hỏi:

– Chú cho con mượn, cuối tuần con trả lại, được không?

– Ờ, vậy cũng được.

Tôi lên phòng lấy kem và dầu gội đầu xuống đưa cho nó, cùng lúc cà phê cũng đã xong. Tôi hỏi:

– Con uống cà phê không?

– Dạ không, con lên ngủ.

Tôi chỉ tay vô hộp kem đánh răng và chai dầu gội đầu, cười nói:

– Bộ con thức canh chú để hỏi mấy cái này đó hả?

– Dạ.

Musli chào tôi rồi bước đi, chợt nó ngoái lại nói:

– Con tên Musli chớ hổng phải Bruce Lee.

– Ô kê, Musli, ngủ ngon.

Nó đi rồi tôi mới day qua lấy tách rót một tách cà phê, hớp một hớp cà phê nóng và thơm làm tỉnh táo tinh thần. Bưng tách cà phê đi lên phòng, ngồi xuống băng trước bàn để laptop vừa nhâm nhi cà phê vừa hít thở, chợt chuông đồng hồ reo, năm giờ rồi, tôi cầm điện thoại lên bấm tắt tiếng reo và hớp thêm hớp cà phê. Theo thói quen tôi mở laptop ra, dịnh lên mạng coi có gì để đọc không, nhưng không thấy tín hiệu của mạng, biết tàu còn xa bờ. Tiện tay mở ra phần word, chưa biết phải viết gì thì trong đầu hiện ra chuyện của Musli. Tôi liền gõ bàn phím viết:

“Thiệt ra thì tôi cũng biết tên Bruce Lee do thủy thủ đặt cho Musli chớ hổng phải tên thiệt, vì hôm nó mới xuống thay cho Zada. Zada dẫn Musli giới thiệu trong lúc tôi đang lu bu lo cho bữa ăn trưa nên nghe hổng rõ mới hỏi lại tên gì? Zada chưa kip trả lời thì Edy đứng bên “chỏ mỏ” vô nói: “Bruce Lee, Bruce Lee” nó huơ tay đánh, chưn đá, miệng chu ra và hú lên như Lý Tiểu Long trong phim đánh võ, nó cố gắng làm trò nhưng trong lúc ai cũng bận rộn, thấy nó vô duyên làm sao nên không ai cười được hết. Tôi có hơi khó chịu, vội bắt tay với thủy thủ mới xuống cười nói:  

– Ok. Welcome, xin lỗi chú bận rồi, gặp lại sau.

Nói xong tôi bỏ đi ra dọn bàn cho bữa trưa. Cũng từ đó tới nay đám thủy thủ In Đô nói chuyện với tôi gọi Musli là Bruce Lee và tôi thấy có tên gọi cho biết người cũng được nên không hỏi tới hỏi lui làm gì. Musli cao ráo, đẹp trai, nói năng nhỏ nhẹ, lễ độ nhưng không hiểu sao hôm xuống tàu tới nay chỉ có Frans nói chuyện và giúp đỡ, chỉ dẫn nó, Iwan và Edy có vẻ lạnh lùng không thấy nói chuyện với Musli.”

Viết tới đây thì hết biết gì để viết nữa. Tôi ngồi dựa lưng vô băng ghế, hai tay để dưới bụng, định ngồi lim dim một chút rồi thức dậy, không ngờ ngủ luôn hồi nào hổng hay. Tới lúc nghe điện thoại trên tường reo, mới giựt mình và đứng lên bắt máy, bên kia đầu dây tiếng của Frans:

– Chào buổi sáng chú Tấn, hơn bảy giờ rồi chú.

– Oh! cám ơn.

Tôi cúp máy, gát hộp nghe lên rồi vội vàng đi vô phòng tắm đánh răng, súc miệng, rửa mặt, thay đồ, xong đi một mạch xuống dưới. Tới cửa phòng bếp thấy Musli đứng tráng mấy cái dĩa bỏ vô máy rửa. Frans ngồi trong phòng ăn thấy tôi nó đi tới tươi cười:

– Mệt hả chú?

– Ngủ quên, nhưng không mệt.

– Chú hổng để đồng hồ reo sao?

– Có, nó có reo nhưng chú bấm tắc rồi ngủ lại. Frans cười ha ha rồi nói:

– Tụi con ăn mì gói rồi.

Frans chỉ tay qua phòng ăn của đám officers nói:

– Con cũng đã dọn bàn cho officers xong rồi.  

Musli dọn dẹp xong đi ra đứng cạnh bên. Nhìn vô bếp thấy đồ đọc sạch sẽ, gọn gàng, tôi day qua để tay lên vai Musli và nhìn thẳng mặt nó nói:

– Cám ơn Musli.

– Có gì đâu chú.

Tôi day qua hỏi Frans.

– Edy và Iwan ăn chưa?

– Xong rồi.

– Tốt, cám ơn nhiều.

Cũng từ hôm đó, không biết có phải Frans kêu Musli phụ tôi không mà chiều nào ăn xong nó cũng vô bếp dọn dẹp và xách hai bao rác đen bỏ vô thùng chứa sau lái tàu.

Cuối tuần căn tin mở cửa. Musli ôm thùng bia đi ngang cửa bếp, thấy tôi đứng làm cá trong bếp, nó để thùng bia xuống ló đầu vô cửa nói:

– Thuyền trưởng nói kem và dầu gội đầu phải đặt trước.

Tôi nói:

– Vậy chờ lấy hàng kỳ tới, phải mất hơn hai tuần nữa, nếu con thiếu thì hôm nào lên bờ mua cũng được.

– Nhưng bây giờ chú hổng có xài rồi sao?

Tôi đưa tay vò lên cái đầu trọc lóc của mình, nói:

– Đầu chú hổng còn cọng tóc như vầy thì đâu cần dầu gội còn kem đánh răng thì chú còn đủ.

Nó móc túi ra tờ hai chục euro, đưa qua tôi. Tôi xua tay nói:

– Khỏi, khỏi cho con đó.

Tự nhiên nó đứng ngây người nhìn tôi với vẻ xúc động rồi cúi đầu nói:

– Chú tốt quá, cám ơn chú nhiều.

Nói xong nó khom xuống bưng thùng bia rồi đi lên phòng.

Trưa hôm đó, trong lúc tôi đang đứng cuốn chả giò. Edy bước vô đứng cạnh bên, hay bàn tay chà nhau, miệng xuýt xoa:

– Loempia, loempia, chiều nay được ăn loempia ngon quá, ngon quá!

Không phải tôi hổng ưa Edy, nhưng tánh nết và thái độ lóc chóc, loi choi của nó làm tôi có hơi khó chịu, nhưng cũng day ngang từ tốn nói:

– Làm như hồi trước tới giờ con chưa ăn chả giò Việt Nam vậy.

– Chỉ có đi với chú mới được ăn chả giò của Việt Nam.

– Trong công ty có mình ên chú là bếp Việt thì nấu thức ăn của Việt Nam phải rồi.

Edy đứng xớ rớ ngập ngừng một hồi rồi nói:

– Chú coi chừng Musli đó.

– Sao vậy?

– Hồi sáng xém chút nó đánh con.

Thật tình thì tôi hổng ưa những chuyện mách lẻo và có ý kéo bè, kéo cánh như vầy, nên ngước lên nhìn nó và nghiêm nghị nói:

– Nó đánh con thì mắc mớ gì mà chú phải cẩn thận?

– Nhưng Musli dữ lắm.

– Chú thấy nó cũng hiền lành mà sao mới xuống có mấy ngày đã sanh chuyện rồi?

– Chú hổng biết đó thôi, ở In Đô nó cầm đầu một nhóm đòi nợ mướn, tụi nó đánh đập người ta rồi bị ở tù mới ra đó.

– Bộ con thiếu nợ nó hả?

– Không, không...

– Không, thì tại sao nó muốn đánh con?

Nghe tôi hỏi Edy ậm ờ không trả lời và đứng bẽn lẽn một hồi rồi bỏ đi ra ngoài. Nhìn điệu bộ, cử chỉ của nó tôi đoán chừng, có lẽ nó chọc ghẹo Musli gì đó nên thằng nhỏ mới đòi đánh. Nếu đúng như lời Edy nói, ở In Đô Musli là dân đòi nợ mướn, thuộc xã hội đen, cũng là thứ dữ, bây giờ xuống đây bị chọc ghẹo, hiếp đáp nhưng nó chỉ có hăm he, không dùng dao, búa, tay, chưn là nó đã chịu nhịn nhục lắm rồi. Trước kia tôi hay hỏi han tìm hiểu nguyên nhân để khuyên ngăn hoà giải nhưng sống chung chạ với nhiều giống người gần hết một đời tôi mới nhận ra, mỗi thế hệ con người, bất cứ người nước nào, đều khác về cách sống, chỉ có bản tánh hơn thua, ganh tị, phân biệt với nhau thì ai cũng như ai. Cho nên sống trong tập thể thì cứ để mọi chuyện tự nhiên sắp xếp, người nào không chịu được đời thủy thủ thì sẽ tự bị loại ra thôi, hơi đâu mà chen vào nói tới nói lui hổng khéo làm tụi nó nghi kỵ với nhau rồi sanh thêm phiền phức.

Buổi chiều gió nhẹ, mát mẻ, mặt biển im và phẳng lặng như tờ. Mặt trời đỏ lòm từ từ hạ xuống gần viền nước, phía trời đông ráng hồng phả lên mặt biển, có hai chiếc tàu buôn đang giao đầu nhau dưới ánh mặt trời trông như một bức tranh tuyệt đẹp. Tôi móc túi lấy điện thoại mở phần máy ảnh lên chụp mấy cái, xem lại hình mới chụp thấy mặt trời choá loà đỏ hoét nhưng hai chiếc tàu thì đen thui. Mở máy ảnh chỉnh phần khoảng cách định chụp lại nhưng khi chỉnh xong thì hai chiếc tàu đã qua mặt nhau và mặt trời cũng lặn xuống nước, tôi xoá bỏ tấm hình hư rồi cất điện thoại vô túi. Định đi vô tắm thì Frans cầm hai chai bia khui sẵn từ trong đi ra chìa trước mặt tôi một chai:

– Uống bia chú.

Tôi đứng lại đưa tay cầm chai bia và nói:

– Cám ơn.

Frans đưa chai lên cụng, chúng tôi ngước cổ ực xong ngụm bia lạnh. Tôi nói:

– Hôm nay trời đẹp, ấm áp uống bia lạnh ngon quá.

– Dĩ nhiên.

Frans hỏi:

– Tới Valencia chú lên bờ chơi không?

– Có thời gian thì lên chớ.

– Musli cũng muốn đi theo, được không chú ?

– Nó có thời gian thì cứ đi, sao lại hỏi chú?

Frans ngập ngừng một chút rồi nói:

– Con thấy Edy và Iwan không thích Musli nên sợ nó đi chung làm chú khó chịu.

Tôi ngẫm nghĩ một lát rồi chậc lưỡi nói:

– Iwan và Edy không thích nó thì mắc gì tới chú.

– Tại vì Musli ở tù mới ra.

–  Chuyện Musli đòi nợ mướn đó hả?

– Chú cũng biết hả chú?

– Chú nghĩ hổm nay Edy truyền tin cả công ty đều biết.

 – Edy ở trên tàu riết rồi bị khùng.

– Chú thấy Musli thông minh, làm việc hết lòng, biết điều và sòng phẳng nhưng không hiểu vì sao Edy với nó có vấn đề?

Frans nói:

– Theo con biết thì hồi nhà Edy còn nghèo, có lần má nó bịnh vô nhà thương, ba nó phải vay nợ nóng để trả tiền bác sĩ, tiền thuốc. Sau đó má nó hết bịnh nhưng phải mắc cả đống nợ, ba nó ráng làm thêm để trả, nhưng tới kỳ chưa trả được bị mấy tên chủ nợ mướn xã hội đen hăm doạ, đòi đánh làm ông phải bán gấp đồ đạc trong nhà để lấy tiền trả nợ. Bởi vậy khi Edy biết Musli là dân đòi nợ mướn nên nó không ưa.

Nghe tới đây mới vỡ lẽ ra. Tôi bèn giải thích:  

– Đó là chuyện ân oán của thế hệ trước rồi. Con nói với Edy chuyện gì ở In Đô thì cứ để nó ở bển đi, quan trọng là bây giờ Musli sống có tốt và làm việc được hay không?

– Thì chú cũng thấy đó, Musli rất tốt và rất siêng năng. Nhưng chú cũng biết tánh Edy mà, hay chọc ghẹo con người ta.

– Con nói với Musli làm gì thì làm, trên tàu không nên đánh nhau.

– Không sao đâu chú, Edy làm Musli khó chịu nên hăm he cho nó sợ chút thôi.

– Nhưng Edy có sợ không?

– Có, sáng hôm kia, Musli ở trước mũi tàu dọn dẹp, Edy đi ngang đá cái xô cạnh bên rồi nói xỏ xiên, chọc ghẹo gì đó. Musli mới đứng lên chộp ngực cảnh cáo nó, từ đó tới nay Edy sợ không dám hó hé nữa.

Tôi cười ha ha và nói:

– Cái này gọi là ma mới bắt nạt ma cũ. Chú thấy Iwan hình như cũng sợ Musli.

– Hổng biết Iwan có phải sợ không, nhưng theo con biết thì trong mắt người đạo Hồi, những người tù tội là thành phần xấu cần nên lánh xa.

– Đúng ra những người như Musli nên được giúp đỡ, tạo phương tiện cho nó trở lại hoà nhập với xã hội mới phải.

– Đối với đạo Hồi những người không đồng đạo, họ cũng cho là người xấu rồi.

– Chú không hiểu kinh Koran, nên không biết trong giáo lý của đạo Hồi có nói về thương yêu và tha thứ không?

– Ờ, cái này ở In Đô con cũng không nghe nói, chỉ thấy họ kết tội và trị tội người khác không thôi.

Tôi nghĩ tại vì Frans là đạo Thiên Chúa mới có chút thành kiến với đạo Hồi nên nói vậy thôi. Tôi nói:

– Theo chú do con người hết, giống như bên Trung Đông cũng vì con người nhân danh đạo này trị tội đạo kia, đạo kia chống lại đạo nọ nên mới sanh ra cái gọi là Thánh chiến. Chú nghĩ ma quỷ chiến thì có, chớ thánh thần nào mà chiến.

Chợt Frans day qua hỏi:

– Chú có đạo không?

Tôi khoa tay một vòng ra biển và nói:

– Đạo có khắp nơi, nhưng mà nhiều quá, chú không biết theo đạo nào.

Frans định nói gì đó nhưng không hiểu sao nó im lặng và đưa bia lên uống. Tôi cũng đưa chai lên tu một hơi cho thấm giọng rồi nói:

– Thật ra thì chú thích cách sống của  những mục sư hơn, chú thấy những vị này có mặt khắp nơi trên thế giới. Nhứt là những nước nghèo, các Ngài sống chung chạ với những người cùng khổ để giúp đỡ và sẻ chia.

– Chú có đọc Kinh Thánh hả?

– Có chớ, chú thích kinh Tân Ước, vì Jêsu khuyên người ta yêu thương và tha thứ. Thích nhứt là chuyện ăn, uống thoải mái, luôn cả ăn thịt chó, uống rượu cũng được. Cho nên đạo Chúa không có vấn đề về chuyện ăn uống.

– Con thấy đạo Hồi chỉ có giới luật không ăn thịt heo thôi mà cũng sanh ra chuyện giết người rồi.

– Giết người vì miếng thịt heo!

– Dạ, có một người giết vợ cũng vì vợ lén ăn thịt heo lỡ bị hắn ta bắt gặp.

– Gì mà ghê vậy! Chú thấy đạo Hồi bên In Đô hiền hơn những nơi khác. Nhưng dù sao chú cũng thích kinh Tân Ước, vì Jêsu không ra giới luật khắt khe, Ngài sống rất đời thường và cũng biết nhậu nữa.

Frans cười ra tiếng:

– Ha ha chú hài hước thiệt.

– Chú nói thiệt mà, trong kinh Thánh có nói về tiệc Thánh của Chúa và các cha nhà thờ mỗi khi làm lễ cũng uống rượu nho ăn bánh Thánh.

– Con đâu có nói chú nói sai.

Thấy nói chuyện đạo nhiều quá sợ sanh ra tranh cãi, tôi bèn nói để thoát:

– Hồi trẻ chú đọc nhiều sách và kinh điển của nhiều tôn giáo và tập ngồi thiền, lúc đó chú nghĩ mình hiểu biết nhiều lắm. Rồi có một ngày, chú nhận ra mình không biết gì hết! Từ đó chú trở lại sống với mình, không theo đạo nào và cũng hổng phe nhóm hay một đoàn thể nào nữa.

– Sống tốt thì không có đạo cũng hổng sao.

– Đúng vậy, chú nghĩ theo một đạo hay gia nhập một đoàn thể nào đó thì mình sẽ không còn là mình, chẳng những không công bằng với bản thân mà còn bị mất tự do nữa.

Frans nói:

– Con thấy trên thế giới ngày này đâu nơi nào có được tự do và công bằng đâu chú?

Tôi chỉ ngón tay lên đầu nói:

– Chú muốn nói tự do, công bằng trong cách suy nghĩ.

Frans gật gật cái đầu, rồi nói:

– Đúng rồi chú, công bằng cho tự thân.

Nó đưa chai lên uống hết phần bia trong chai rồi liệng chai xuống biển, tôi cũng làm theo. Frans day qua tôi hỏi:

– Chú có bia lạnh không?

– Có, một thùng để trong phòng lạnh.

– Con hết bia lạnh rồi, để con lấy bia của con đổi, chú uống nữa không?

Tôi cười:

– Đổi gì mà đổi, để chú xuống lấy, trời đẹp như vầy hổng nhậu cũng uổng.

Tôi day lưng định bước đi thì thấy Musli từ trong đi ra. Frans nói tiếng In Đô với nó gì đó. Musli day qua nói với tôi:

– Ok, chú để con xuống lấy bia cho.

– Cũng được.

Musli lấy lên ba chai bia lạnh để lên trụ cột dây, ngước lên ngó dáo dác rồi nhìn tôi, hỏi:

– Có đồ khui không chú?

Tôi day qua hỏi Frans.

– Có đồ khui đó không?

– Không chú.

Musli nói:

– Đồ khui để đâu, chú chỉ con vô lấy.

– Chú biết, để chú vô lấy.

Tôi vô phòng bếp mở học tủ đựng dụng cụ làm bếp lấy đồ khui và con dao bén, day ngang mở tủ lạnh lấy cục phó mát Hoà Lan và hũ mù tạc Pháp ra. Musli cũng đi vô đứng bên nói:

– Con coi chú làm.

– Ok.

Tôi day ngang rút tấm thớt mỏng để lên bàn và để phó mát lên cắt ra từng cục hình xúc xắc sắp vô dĩa gọn gàng, múc miếng mù tạc để bên góc dĩa, day qua cất phần còn lại vô tủ lạnh, lau chùi dao và tấm thớt để lại chỗ cũ rồi đưa dĩa phó mát qua cho Musli:

– Con bưng cái này.

Tôi cầm đồ khui, Musli bưng dĩa phó mát đi ra lái tàu để lên đầu trụ cạnh ba chai bia, tôi nói:

– Giữa biển khơi ăn phó mát của Hoà Lan chấm mù tạc Pháp, uống bia lạnh thì ngon hết chỗ chê.

Musli đưa ngón tay cái ra gặt gặt:

– Tốt, rất tốt.

Tôi khui bia chia cho mỗi người xong rồi đưa chai lên mời. Chúng tôi đứng dựa thành tàu uống bia lạnh ăn phó mát nói chuyện trời trăng mây gió một lát thì thấy Edy và Iwan đi ra. Hai đứa ngó thấy chúng tôi thì lưỡng lự như muốn đi trở vô.

Tôi liền hô:

– Hi, Iwan, Edy! Lại nhậu chơi, hôm nay trời đẹp lắm, hổng nhậu mất quyền lợi đó nha.

Hai đứa sựng lại một chút. Frans lên tiếng nói gì đó, hai đứa mới đi lại đứng dựa lưng vô thành tàu. Frans day qua Musli nói bằng tiếng Anh:

– Vô lấy thêm bia đi.

Musli lẹ làng đi xuống kho lấy hai chai bia lên khui ra đưa cho Iwan và Edy mỗi đứa một chai, Edy không cầm và nói gì đó bằng tiếng In Đô, Frans chen vô nói với Edy cũng bằng tiếng In Đô. Edy miễn cưỡng cầm chai bia, cả ba đứa nói với nhau bằng tiếng In Đô. Tuy tôi không hiểu tụi nó nói gì nhưng nhìn vẻ mặt đứa nào cũng nghiêm túc, không có vẻ gì đùa cợt, tôi nghĩ mấy đứa đương hàn gắn chuyện giữa Edy và Musli. Thật ra thì Frans nói cho mấy đứa đứng nghe, nhìn mấy đứa chăm chú nghe Frans nói chuyện mới thấy Frans là người rất có uy tín. Tôi không hiểu Frans nói gì? Nhưng khi nó nói hết, thì thấy Edy và Musli vui vẻ chìa tay ra bắt. Xong mấy đứa bưng bia lên hướng về tôi mời:

– Vô, hết luôn nhé chú.

Khi đưa bia lên miệng, chợt nhớ ra, tôi bèn ngước cổ uống hết phần bia trước tụi nó, xong tôi hô:

– Không liệng chai xuống biển!

Mấy đứa uống xong liền nói:

– Dạ chú.

Tội định đi vô lấy bọc rác ra đựng vỏ bia thì nghe Frans kêu Musli xuống kho lấy thêm bia. Musli đứng lên dợm bước đi. Tối nay trong lòng thấy vui vẻ nên tôi đứng lại nói với Musli:

– Con xuống kho rinh thùng bia lên đây để khỏi mất công đi lên đi xuống.

– Yes sir!

Musli đi rồi tôi day ngang cười ha ha và nói với mấy đứa:  

– Dân anh chị ở In Đô, qua đây mà chịu để mình sai vặt, như vậy chứng tỏ Musli hổng phải là người thường.

Edy và Iwan cười nhưng không nói gì, chỉ có Frans cười hì hì và nói:

– Chú nói với con nên giúp Musli trở lại người tốt mà.

Tôi nhìn ra biển khơi, trời cũng tối rồi, xa xa trong dãi đất liền, phố xá cũng đã lên đèn, biển êm và rất thanh bình. Tôi nói thầm trong bụng: “ Phải chi ở những nước có chiến tranh con người ta cũng biết nói chuyện ôn hoà để hàn gắn nhau thì thế giới này thanh bình biết là bao.”

    

Biển Bắc 21/01/2024
Nguyễn Lê Hồng Hưng

 

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhocnghethuat/van/gocbienxanh_7.html


Cái Đình - 2024