Nguyễn Lê Hồng Hưng
Ngày Của Ba
(Góc Biển Xanh - Chương 6)
Buổi sáng nhẹ nhàng đánh thức sự yên lặng của đêm qua, tôi thức dậy trong sự êm ả của nước trời và thong thả bước ra boong. Quang cảnh bên ngoài quá hấp dẫn, khiến tôi phải im lặng đứng nhìn, trước mặt là một vùng nước yên bình, xa xa hiện ra một cánh buồm chập chờn, trông như một chấm trắng in trên nền nước màu xanh da trời và rải rác vài chiếc ghe ngư phủ đánh cá đang trên đường về bến. Phương Đông mặt trời đỏ như chiếc cầu nung, chỉ trong chốc lát đã nhô lên khỏi viền nước. Không gian trong trẻo, tinh khiết, ánh nắng vàng chiếu trên mặt nước biển lấp lánh màu kim tuyến, làm mắt choá loà, đổ đom đóm. Tôi bèn day mặt né vùng ánh sáng, dụi dụi và nheo nheo đôi mắt cho trở lại bình thường rồi hướng nhìn vô phía đất liền, mặt biển như dâng cao tiếp đất liền là chân núi. Ánh sáng mặt trời xoá chưa sạch lớp sương mù, sương vẫn còn lãng đãng lưng chừng dưới ngọn đồi cao.
Tàu vừa đón hoa tiêu và đang chạy vô hải cảng Cartagena. Nghe tiếng cửa mui mở, tôi ngoái lại thấy thủy thủ đoàn bước ra boong. Hiệu lệnh mỗi khi tàu bắt đầu vô bến hoặc trước khi tàu rời bến là “Fore and aft!”, tức là trước và sau. Thủy thủ nghe lệnh, tức thì ra boong, ai về vị trí đó, chuẩn bị dây chạc trước mũi, sau lái. Zada, Edy và thuyền phó phụ trách trước mũi, Frans và Iwan phụ trách sau lái. Tôi chưa tới giờ làm việc nhưng thấy đứng sớ rớ hổng làm gì, bèn đi vô bếp pha cà phê. Pha đầy bình cà phê, rót một tách bưng ra đứng bên thành tàu. Tôi nhìn ra phía đoàn tàu neo và vài chiếc ghe đánh cá chạy cùng chiều. Frans và Iwan sắp xếp dây chạc đâu vào đó, sẵn sàng cho tàu ghé bến. Hai đứa thấy tôi đứng nhâm nhi cà phê, liền hô lên:
– Oh, coffee! Coffee!
Iwan hỏi tôi:
– Có cà phê cho tụi con không chú?
– Dĩ nhiên, một bình cả lít, ở trong phòng bếp, hai đứa vô đó lấy uống đi.
Hai đứa vui vẻ đi nhanh vô trong, lấy cà phê rồi bưng trở ra. Trong thời gian chờ tàu ghé bến, hai đứa đi lại đứng cạnh bên tôi. Frans bắt chuyện hỏi:
– Trời đẹp quá hả chú?
Tôi đáp:
– Đẹp, nhưng năm nay vùng Địa Trung Hải nắng nóng có nơi lên tới trên bốn chục độ C. Hồi hôm thợ máy không mở máy điều hoà, trong phòng nóng nực làm khó ngủ.
– Ờ, con nghe tin tức, sắp tới đây châu Âu bị hạn nặng, có nơi đất khô, nứt nẻ và rừng ở bên Canada bị cháy, khói bay qua tận Tây Âu.
– Thời tiết càng ngày càng khắc nghiệt.
– Môi trường ô nhiễm, thiên tai, lũ lụt, cháy rừng, đã vậy mà còn chiến tranh tràn lan, tất cả tai ương phủ trùm như muốn huỷ diệt trái đất.
– Nói nghe khủng khiếp quá, nhưng dù sao mình cũng đang sống yên ổn mà.
Iwan đưa ngón tay cái ra gặt gặt, nói:
– Chú nói đúng, mình đang yên ổn.
Frans day qua Iwan nói:
– Tui đọc báo mới biết vùng biển Cartagena tài nguyên cạn kiệt, cho nên bây giờ nghèo hơn ngày trước, làm cho dân chúng sống mỗi lúc một khó khăn.
Những người In Đô theo đạo Tin Lành hay Công giáo, phần đông tánh tình họ cởi mở hơn người theo đạo Hồi. Frans theo đạo Tin Lành, nó thường đọc tin tức và thường quan tâm tới chuyện thế sự. Tôi nói với Frans:
– Thiệt ra thì vùng biển nào trên thế giới này tài nguyên cũng cạn kiệt, dân chúng cũng khó khăn chớ hổng riêng gì Cartagena. Những tin tức trên thế giới thống kê ra những cái tiêu cực để cho con người ta đề phòng tai ương và phấn đấu làm việc để sống còn.
– Nhưng tài nguyên cạn hết thì tương lai con người sống ra sao?
– Tương lai thì để tương lai tính, hơn nữa bên những cái tiêu cực cũng có những cái tích cực đó chớ.
– Con thấy cuộc sống càng ngày càng tệ, không có gì tích cực hết.
– Có chớ, thí dụ như biển ít cá, ít tôm thì người ta ra luật dưỡng ngư và theo ven biển người ta lập ra nhiều trại, nhiều bè để nuôi tôm, nuôi cá…
Tôi chỉ tay vô đất liền, chỗ bến cảng nằm trong một eo núi với những cần trục lố nhố và nói tiếp:
– Con thấy trên bến cảng đó, công nhân và thủy thủ đoàn như tụi con, thay phiên làm việc ngày, đêm không ngừng nghỉ và tàu buôn vô ra chở hàng hoá, năm này qua tháng nọ mà vẫn không hết hàng. Còn trên hải phận quốc tế, lúc nào cũng thấy tàu buôn xuôi ngược.
Frans gật gật cái đầu ra vẻ hài lòng với những gì tôi giải thích. Hồi sau nó hỏi:
– Chiều nay chú có lên bờ chơi không?
– Nếu tàu đậu lại chú lên.
Iwan chen vào:
– Nghe Zada nói, có lần chú dẫn nó đi ăn đồ biển rất ngon.
Frans hoạ theo:
– Ờ đúng rồi, lúc đi tuyến đường Vigo và Lisbon tui cũng thường đi nhậu với chú.
Nó day qua hỏi tôi:
– Chiều nay chú đi chung với con nhé?
Iwan hoạ theo:
– Tui cũng đi nữa.
Tôi cười nói:
– Ừa, chú đi chung với hai đứa.
Frans nói:
– Nghe nói vùng này có nhiều di dân, con người ta tạp nhạp, nhưng con lên bờ nhiều lần, thấy ai cũng hiền và rất dễ gần gũi.
Tôi dí dỏm, nói:
– Dễ thì có dễ, nhưng phải cẩn thận, coi chừng túi tiền và điện thoại.
Iwan giả giọng dê kêu, cười he he làm tôi và Frans cũng cười theo. Khi mọi người im lặng, tôi chỉ tay qua mấy ghe đánh cá đang chạy cùng chiều nói:
– Ghe đánh cá vẫn còn ra khơi, chứng tỏ biển ít cá chớ chưa hết sạch. Trên phố đồ biển và những món ăn truyền thống của vùng Tây Ban Nha nổi tiếng với chất lượng phong phú, đa dạng, nó rất ngon và rất tốt cho sức khỏe.
Iwan nói:
– Chú nói chuyện mà giống như quảng cáo, nghe thèm quá, chiều nay mình làm khách du lịch.
Tôi cười:
– Dĩ nhiên, thủy thủ lúc nào hổng là khách du lịch.
Cũng giọng cười he he của Iwan làm chúng tôi cùng cười ha hả. Chợt có tiếng điện thoại báo tin, tôi móc điện thoại ra xem, thì ra con gái chúc mừng “Father’s Day” và nói:
– Ba làm gì cho vui.
Tôi nhắn lại:
– Sáng sớm đọc tin con gái chúc mừng, đủ để ba vui cả ngày rồi.
– Tới giờ con đi làm rồi, quà của ba con để trong bank của ba đó, chào ba.
Con nhỏ thiệt tình! Nghĩ vậy nhưng tôi cũng nhắn lại:
– Cảm ơn con, chúc con ngày vui và làm việc hiệu quả.
Tôi nghe trong lòng rộn rã một niềm vui và nhìn giờ trên điện thoại, thấy cũng sắp tới giờ làm. Day qua nói với Frans và Iwan:
– Chú vô thay đồ làm việc. Lát nữa tụi con hỏi Zada chiều có đi theo không?
Frans nói:
– Zada nói tàu ghé bến xong nó vô hỏi chú gì đó.
– Ồ, chú nhớ rồi, chuyến tới Zada lên làm đầu bếp, nên nó muốn học hỏi thêm chút kinh nghiệm.
Nói đoạn tôi đi về phòng đánh răng, rửa mặt, thay quần áo và bắt đầu cho một ngày mới.
Zada xong việc ngoài boong, nó vô thấy tôi đương lui cui dọn dẹp đồ đạc trong phòng ăn, nó liền phụ tôi đem mấy cái dĩa dơ để vô bồn rửa. Xong nó hỏi:
– Hôm qua chú nói, làm đầu bếp trên tàu phải học những lúc lương thực thiếu thốn, chớ hổng phải học lúc đồ dùng có sẵn. Bây giờ đồ tươi hết và gia vị cũng không đủ, vậy chú dạy con nấu món gì?
– Món thì khỏi cần dạy nữa, chú bày con cách nấu rau, củ đông đá.
Tôi chỉ tay qua rổ cà rốt đã lấy ra từ phòng đông đá, mớ khoai tây và mớ củ hành chưa gọt vỏ và hỏi nó:
– Bao nhiêu thứ cũng đủ chế biến ra một món ăn truyền thống của Hoà Lan. Nếu là đầu bếp con sẽ nấu món gì?
Zada đưa tay lên gãi gãi cái đầu rồi nói:
– Cà rốt và khoai tây luộc hả chú?
– Đó là món ăn thường, món này con biết rồi mà.
– Vậy chú định nấu món gì?
– Hôm nay chú chỉ con món hutspot, món ăn truyền thống của người Hoà Lan.
– À, con biết món này rồi, nhưng người In Đô ăn không được.
Thật ra thì trên tàu đầu bếp dọn ra ai ăn được thì ăn, ăn hổng được thì thôi, nhưng thấy nấu đúng qui định thì đồ ăn bị đổ nhiều quá, nên hôm nào nấu món của Tây mà tụi In Đô ăn không được thì làm riêng cho tụi nó một món. Tôi chỉ qua chỗ con gà mà tôi đã để tan đá nói với Zada:
– Chú có con gà kìa, con muốn làm gì thì làm?
– Con muốn kho gừng theo cách Việt Nam.
– Hết gừng rồi.
– Thì kho với Ketjap.
Zada mở tủ đựng gia vị lấy chai ketjap, đưa lên nhìn thấy còn chút xíu, nó đi xuống kho định lấy chai mới, hồi sau nó trở lên nói:
– Ketjap cũng hết rồi chú.
– Con thắng đường thay ketjap cũng được.
Nó thở hắt một cái rồi nói:
– Con chưa biết thắng đường.
– Vậy con chặt gà ra ướp trước, xong chú chỉ con thắng đường.
Nó lại chỗ con gà, chưa chịu làm mà đứng càu nhàu:
– Con thấy thuyền trưởng người Nga mỗi khi đổi về, biết thuyền trưởng Hoà Lan xuống thì đặt hàng ít lại.
– Thuyền trưởng người Hoà Lan cũng vậy thôi, họ chơi xấu qua lại với nhau vậy đó mà.
– Thuyền trưởng mà cũng bần tiện vậy sao?
– Người nào bần tiện thì bần tiện, những tay tai to mặt bự trên thế giới cỡ như tổng thống, chủ tịch nước, thủ tướng cũng chơi bần với nhau nói gì thuyền trưởng. Những chuyện xảy ra trên tàu nhiều chuyện mình hổng biết hết đâu, đầu bếp đặt hàng còn qua tay kiểm duyệt của thuyền trưởng, sau đó công ty xem xét lại rồi mới đặt mua, có những thứ hổng vừa ý, thắc mắc hỏi thì thuyền trưởng đổ thừa cho công ty. Còn những tên bán hàng giao cái gì thì mình phải nhận cái đó, trả lại không được, cho nên trên tàu có gì thì nấu nấy, con linh động một chút, nấu sao cho mọi người ăn được là tốt rồi.
– Con nấu chắc không bằng chú đâu.
– Chưa bằng chớ hổng phải là không bằng, chú làm bếp hơn bốn chục năm rồi, con muốn được như chú thì phải chờ bốn chục năm nữa.
Tôi dí dỏm cho nó cười mà nó hổng cười gì hết, còn nghiêm túc nói:
– Con thấy nhiều người làm bếp tới già mà cũng đâu có bằng chú.
– Mỗi đầu bếp có mỗi vị khác nhau, sao mà so sánh được.
– Nhưng con thấy bị phiền phức nhiều lắm.
– Làm đầu bếp trên tàu lúc nào cũng bị phiền phức, nấu tệ quá gây phiền phức đã đành, mà nấu ăn ngon cũng bị phiền nữa.
– Nhưng con thấy đâu có ai vô bếp phàn nàn với chú này nọ.
– Có chớ con, nhưng thằng nào vô bếp ọ ẹ chú đuổi tụi nó ra.
– Con thấy có nhiều đầu bếp tức giận chửi bới đập đồ, có người bỏ đồ dơ vô thức ăn.
– Tức giận làm gì, mấy người ham ăn thường ngu ngốc, nó đâu biết thưởng thức món ăn, lên bàn thấy đồ ăn liền chộp vừa ngốn vừa nuốt, trong đầu ước mơ món này, tưởng tượng món kia. Thấy món ngon hôm nay thì nó nghĩ tới món ăn ngon của ngày khác, đầu óc cứ để đâu đâu, ăn mà cũng hổng biết ăn gì.
– Con thấy chú dễ quá.
– Hồi còn trẻ chú giận lên cũng chửi bới om sòm, nhiều khi bực tức muốn múc nước trong bồn cầu pha cà phê cho họ uống và nấu cho họ ăn, nhưng nghĩ lại, hổng lẽ chỉ có một vài tên ba trợn mà mình cho tất cả những người khác ăn, như vậy đâu có được. Hơn nữa chú già rồi nên sống dễ dãi với mọi người cho nhẹ tấm thân.
– Nhưng...
Thấy thằng nhỏ đứng tần ngần, muốn nói thêm gì đó. Nhưng tôi muốn nó làm việc, bèn nói:
– Nãy giờ đứng nói chuyện tào lao. Con chặt gà và ướp gia vị đi, chú gọt khoai tây và lột vỏ củ hành.
Zada chặt gà và ướp xong day qua tôi nói:
– Kho gà xong con đi ngủ, chiều nay con trực.
– Vậy là không đổ bộ được rồi.
– Không chú, chiều Edy nghỉ, chú rủ nó đi đi.
– Nó hổng đi đâu.
– Sao chú biết nó hổng đi?
– Biết chớ, chú làm chung với Edy cũng đã hơn hai mươi năm rồi. Từ ngày nó có vợ tới nay, chú chưa thấy nó lên bờ. Nó chỉ biết có cái điện thoại thôi, hôm nào không có mạng nó như người mất hồn. Tàu chạy từ Nador qua Valencia chỉ vài tiếng không có mạng, vậy mà nó ngủ không yên, mới năm giờ sáng nó ra boong sau, cầm điện thoại đi tới đi lui chờ tín hiệu, nhiều lần chú thấy nó ôm cái điện thoại trên ngực nằm ngủ trên băng ở trong phòng nghỉ ngoài sau lái.
– Ừa, con thấy lúc nào nó cũng lăng xăng, đương ngồi ăn nghe tin nhắn liền bỏ ngang, cầm điện thoại chạy lên phòng.
– Nhưng nó tốt bụng.
– Ừa, con cũng thấy vậy.
– Thì vậy, mỗi khi thấy chú bưng đồ nặng là nó tới phụ và chiều nào nó cũng đổ rác dùm chú.
– Con thấy mình cũng nên lên bờ chơi, chớ ở trên tàu riết đầu óc không còn bình thường nữa.
Biết Zada ám chỉ Edy, tôi nói thẳng:
– Tánh Edy loi choi lóc chóc vậy thôi, nhưng nó là một người chồng gương mẫu, sống hết mình với gia đình, mình nên nể phục và tôn trọng.
– Chú nói đúng, ai cũng có cách sống riêng, mình nên tôn trọng.
Tôi lấy hộp đường ra đưa cho Zada và nói.
– Vậy thì con mở lửa lò cho nóng, bắt chảo lên thắng nước màu rồi kho gà đi. Còn hutspot con biết rồi thì khỏi làm.
Zada thắng đường và bỏ gà vô xào, tới khi gà ra nước thịt săn lại. Tôi kêu nó:
– Con bớt lửa nhỏ rồi đi ngủ đi, phần còn lại để đó chú coi.
Hôm nay Father’s Day đứa con gái còn đi học gởi thiệp chúc mừng, đứa đi làm thì nhắn tin chúc mừng và chuyển tiền thay quà; bà xã cũng như con gái, dặn làm cái gì đó cho vui.
Chiều tôi tranh thủ làm nhanh, nghỉ sớm và tắm rửa thay đồ. Xong rồi cùng Frans và Iwan lên phố. Mùa hè trên phố khách du lịch rất đông, chúng tôi cùng hoà trong dòng người đến từ bốn phương. Sau khi đi dạo một vòng và chụp hình những nơi ấn tượng của thành phố, chúng tôi ghé vô một quán ăn lề đường nơi đầu phố. Người bồi bàn thấy chúng tôi vô liền đi tới vui vẻ chào, chỉ chỗ ngồi và đưa mỗi người một tấm thực đơn. Xong, anh ta hỏi chúng tôi uống gì. Tám giờ tối rồi mà trời còn nóng nực, đứa nào cũng khát nên kêu bia uống trước. Trong lúc anh bồi bàn đi vô trong lấy bia. Iwan coi thực đơn, chợt ngước lên vỡ giọng cười theo tiếng dê kêu và nói:
– Thực đơn tiếng Tây Ban Nha, hổng hiểu gì hết.
Tôi cười.
– Chú cũng hổng hiểu gì ráo.
Frans cũng cười:
– Tui cũng hổng hiểu gì luôn.
Frans day qua tôi hỏi:
– Con nhớ có lần ở Lisbon chú với con vô quán, chú gọi món mực, cá chiên giòn rất ngon, chú nói nó giống như món tapas của Tây Ban Nha.
– A, chú nhớ rồi, tiếng Bồ Đào Nha gọi món đó là petiscos.
Tôi lấy điện thoại bấm tự điển google lên và mở phần chụp hình để lên tấm thực đơn cho nó dịch ra tiếng In Đô rồi đưa qua cho Frans và Iwan coi. Hai đứa chụm đầu nhau nhìn vô điện thoại rồi ồ lên một cái. Đọc xong Frans day qua hỏi tôi:
– Chú thích món nào?
– Con kêu một dĩa cá các loại chiên chanh cho ba người mình nhậu chung cũng được.
Cùng lúc anh bồi bàn bưng bia tới, nhìn ly bia tươm chất lạnh thấy thèm, nhưng chờ Frans kêu món xong, khi anh bồi bàn đi vô trong rồi chúng tôi mới cụng ly. Ba người cùng ngước cổ uống một hơi hết một phần ba ly bia nửa lít. Để bia xuống Iwan hỏi tôi:
– Chú định hải hành tới chừng nào mới nghỉ hưu?
– Chừng nào thấy mệt và hết vui rồi chú nghỉ.
– Vậy chắc còn lâu hả chú?
Frans chen vô nói:
– Con hy vọng sức khoẻ chú tốt để chú được vui hoài.
– Tương lai không biết được đâu, còn bây chú đương vui với tụi con mà.
Iwan cười he he làm cả ba cùng cười. Chúng tôi uống gần hết ly bia thì anh bồi bàn bưng ra một dĩa cá chiên dòn các loại và một dĩa mực khoanh cũng chiên dòn. Tôi nói anh bồi bàn cho thêm bia rồi day qua chỉ dĩa cá nói với hai đứa:
– Món này là một trong những món đặc trưng của Tây Ban Nha.
Frans nhìn hai dĩa thức ăn áy náy mói:
– Con nghĩ dĩa của chú đặt không có mực khoanh nên con kêu thêm dĩa mực, nhiều quá, chắc ăn hổng hết đâu chú.
– Không thành vấn đề.
Tôi đẩy dĩa mực khoanh qua một bên, chỉ dĩa cá các loại nói:
– Mình ăn dĩa này, dĩa kia lát nữa nhờ anh bồi bàn gói lại, đem về cho Edy và Zada.
Iwan cười:
– Chú tốt quá.
Frans cũng tán thành và thắc mắc hỏi:
– Giữa tapas và pintxos khác nhau như thế nào chú?
– Pintxos ghim bằng que cocktail để trên một miếng bánh mì hoặc những loại bánh khác, người ăn cầm đầu que lên bỏ miếng pintxos vô miệng ăn mà không bị dính tay, còn tapas được phục vụ trong đĩa và ăn bằng dao nĩa. Nhưng mình ăn bằng tay cũng hổng sao.
Nói xong tôi bốc một miếng cá lên bỏ vô miệng, chợt nghe mùi vị của cá đuối, lần đầu ăn cá đuối chiên, gân cá dòn và thịt cá thơm, tôi buột miệng khen:
– Ngon quá!
Iwan và Frans định tháo dao nĩa ra, thấy tôi bốc ăn tụi nó liền để dao nĩa lại, ăn bốc là văn hoá của In Đô mà, mỗi đứa bốc một miếng bỏ vô miệng ăn ngon lành. Hai đứa khen ngon và bưng ly lên cụng, ngước cổ nốc một hơi cạn ly. Cùng lúc anh bồi bàn bưng bia ra để trước mặt mỗi người và chúng tôi tiếp tục uống.
Chúng tôi lai rai đến khi đĩa cá gần hết và bia cũng gần cạn, tôi kêu anh bồi bàn lại, đưa dĩa mực khoanh nhờ anh đóng hộp và kêu thêm bia. Anh lấy dĩa cá trở vô trong, một lát anh bưng bia và hộp cá ra để lên bàn. Tôi nói cám ơn và kêu anh tính tiền.
Frans nói:
– Chú để con trả.
Iwan cũng đòi trả, tôi nói với hai đứa:
– Hôm nay Father’s Day, con gái chú có cho chú tiền đủ đãi hai đứa.
Hai đứa ồ lên một cái và chìa tay chúc mừng. Iwan nói:
– Father’s Day tụi con đãi chú mới phải.
Frans cũng hoạ theo:
– Tiệc này chú để tụi con trả.
Thấy dành qua dành lại cũng kì. Tôi nói:
– Ô kê, vậy lần sau chú đãi hai đứa món mariscada.
Frans đưa ngón tay cái ra gặt gặt hô:
– Oh, mariscada, ngon lắm!
Tôi bưng bia lên nói:
– Cái này cũng ngon, uống hết cái này mình về được rồi.
Địa Trung Hải 23 7 2023
Nguyễn Lê Hồng Hưng
Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhocnghethuat/van/gocbienxanh_6.html