Nguyễn Lê Hồng Hưng
Lên Hội Quán gặp đồng hương
(Góc Biển Xanh 5)
Tuy tôi không phải là người ở Hamburg, nhưng thành phố này đối với tôi nó rất thân quen. Có một thời gian dài tôi đi đi lại lại nơi đây và cũng có vài bạn bè người Việt thường hẹn nhau nhậu nhẹt mỗi khi tàu về bến. Lần này tàu ghé Hamburg lấy vài chục containers rồi tiếp tục hải hành, những chuyến hàng đột xuất như vầy tàu đậu bến không lâu và không đủ thời gian lên phố để hẹn gặp bạn bè lai rai tán gẫu. Trước đại dịch corona tôi ghé hội quán Duckdalben và đem theo mấy cuốn sách của tôi cùng một số sách, báo văn học Việt ở hải ngoại để trong tủ sách của hội quán. Thời gian đó nhân viên hội quán trang lứa với tôi hầu hết quen biết với tôi, cũng có thể nói là thân thiết với nhau, cho nên hôm nay trong lòng nôn nao như trở lại chốn thân quen. Định bụng chiều nay, nếu có thời gian, tôi sẽ lên hội quán uống vài ly bia và xem thử sau mùa đại dịch hội quán thay đổi như thế nào và những nhân viên cũ có còn ai không?
Tranh thủ làm nhanh, chiều xong việc sớm. Tắm rửa qua loa, thay quần, áo rồi đi lên phòng lái. Thuyền trưởng ngồi trước máy vi tính, tay gõ bàn phím, ghe tiếng bước chưn, ngó qua thấy tôi. Ông liền cười, nói:
– Chào buổi chiều.
Tôi vui vẻ chào lại và hỏi:
– Tui lên hội quán được không?
Thuyền trưởng nhíu mày rồi đưa tay lắc lắc độ chừng thời gian:
– Khoảng mười giờ tàu khởi hành.
Tôi nhìn lên chiếc đồng hồ trên vách:
– Chưa tới sáu giờ, tui lên đó chơi tới chín giờ về tàu. Được không?
– Dĩ nhiên, nhưng Bếp đưa số điện thoại cho tôi để khi cần tôi gọi.
Thuyền trưởng trẻ người Nga rất dễ dãi và hoà đồng, hào phóng biết thương và lo lắng cho thủy thủ đoàn. Rất nhiều thuyền trưởng thường hay nói dóc để rút ngắn thời gian tàu đậu bến để làm lý do ngăn không cho thủy thủ lên bờ. Thuyền trưởng nạp số điện thoại của tôi vô điện thoại của ông xong và đứng lên, đi lại kéo học tủ lấy sổ thông hành đưa qua cho tôi. Không chờ tôi hỏi, ông bấm điện thoại gọi shuttle bus (xe đưa rước trong phạm vi bến cảng). Xong, ông day qua tôi nói:
– Hai mươi phút nữa shuttle bus xuống rước và xe hội quán đón Bếp ở ngoài cổng.
– Tốt, cám ơn thuyền trưởng.
Tôi đi xuống đứng chờ xe ngoài boong phía sau lái. Dika bận áo lạnh dầy cộm, đầu đội nón len còn trùm thêm nón của áo lạnh lên và quấn khăn bịt kín mũi, miệng, hai bàn tay mang bao còn thọt vô túi áo, vậy mà đứng rụt cổ, co ro vì lạnh. Thấy tôi đi ra Dika bước tới nói:
– Tiếc quá, con gác cầu thang tới chín giờ, không lên bờ với chú được.
Tôi vỗ vỗ lên vai nó định nói câu an ủi gì đó, chợt Donald đi tới hỏi tôi:
– Con đi với chú được không?
– Dĩ nhiên, nhưng con hỏi thuyền trưởng chưa?
– Chưa, chú chờ con được không?
– Được, chú chờ nhưng shuttle bus không chờ đâu đó.
– Dạ, con biết.
Donald day lưng, tôi nói vói theo:
– Nhớ lấy sổ thông hành theo.
– Dạ, chú.
Thằng nhỏ đi như chạy trở vô trong. Dika thấy Donald đi rồi, nó nói:
– Chú mua dùm con thẻ internet được không?
– Dĩ nhiên.
– Để con vô lấy tiền đưa chú.
Nó dợm bước đi, tôi khoát tay, nói:
– Khỏi, chú mua về, con trả tiền sau cũng được.
Dika nói cám ơn rồi thọt hai tay vô túi áo, đứng dựa vô thành mui nhìn ra hướng cầu thang. Không lâu sau shuttle bus cũng tới, ngó vô cửa mui mà không thấy Donald. Tôi xuống cầu thang đi tới kéo mở cửa xe, ngó lên mấy băng phía sau, thấy không có người, tôi day ngang chào và hỏi tài xế:
– Còn một người nữa, ông bạn có thể chờ một chút được không?
Tài xế vui vẻ, nói:
– Không vấn đề.
Tôi nóng lòng vì sợ tài xế sốt ruột, bèn bước ra đứng bên kè đá, xoè hai bàn tay lên miệng làm loa, ngước mặt hướng lên đầu trên cầu thang gọi lớn:
– Dika!
Dika chồm đầu ra ngó xuống, cũng hô lớn:
– Uncle!
Ngay lúc đó Donald xuất hiện trên cầu thang, tay vừa kéo dây áo lạnh vừa gấp rút chạy xuống, làm chiếc cầu thang rung rinh vang tiếng rầm rập và những chốt sắt nghiến nhau kêu ken két. Tôi đưa tay khoát chào Dika và đứng chờ Donald đi xuống rồi mới bước lên xe.
Xe dừng lại lề đường nằm bên trong một hàng rào chặn ngang con đường trước mặt. Trước khi mở cửa xe, người tài xế chỉ tay về phía cánh cửa rào hẹp vừa một người đi, dặn chúng tôi tới đó bấm chuông thì có người bên trong mở cửa và anh nhắc chúng tôi nhớ trình giấy cho người gát cổng, sau đó đi ra phía trước đường, xe hội quán đang chờ ở đó. Mặc dù cách thức đi đường nơi đây tôi đã quen thuộc, nhưng tôi cũng lắng nghe anh tài xế căn dặn và gật đầu cám ơn. Sau đó chúng tôi bước xuống xe đi ra trạm trình giấy tờ cho nhân viên gác cổng. Trời hôm nay lạnh lắm, mặt đất trơn cứng, trình giấy tờ xong bước ra đường, mấy vũng nước đã đóng băng. Bên trong hàng rào bến cảng tiếng ồn ào của xe vận chuyển containers và tiếng bíp bíp của cần cẩu di chuyển. Bảy giờ chiều mà trời đất tối thui và đường xá bên ngoài vắng tanh, không một bóng người. Trước mặt chúng tôi một chiếc xe bus nhỏ, trước mũi xe có in hiệu hội quán, đậu chờ hồi nào không biết mà cửa đóng bít bùng. Tôi đi tới kéo mở cánh cửa bên hông, mọi người trên xe cùng chào một lượt, chúng tôi chào lại và ngó bên trong thấy đã đầy người. Có lẽ bác tài sắp sẵn hai chiếc ghế trống cạnh ngoài cửa dành cho hai đứa tôi, như vậy tôi và Donald là hai hành khách cuối cùng. Để Donald lên ngồi ghế trong, tôi bước lên ngồi ghế ngoài, tiện tay đẩy cánh cửa hông đóng lại thì cũng là lúc bác tài cho xe quay đầu trực chỉ về hội quán.
Xe dừng lại trước cửa hội quán. Tôi với Donald và hai người ngồi băng trước xuống xe, tôi đứng lại lật ghế cho những người ngồi sau bước ra. Donald vô hội quán đứng chờ tôi nơi phòng bi da. Khi tôi đi tới trước mặt nó, nó chỉ tay lên từng lầu trên, chỗ một gian phòng rộng để dành thờ phượng, trong đó có ngăn riêng cho mỗi tôn giáo một bàn thờ, dành cho ai muốn cầu nguyện thì cứ lên đó tha hồ mà cầu và có đầy đủ kinh, sách của các tôn giáo lớn. Donald nói:
– Con lên trên cầu nguyện nhé chú.
Donald cũng như những người theo đạo Hồi và những người Công giáo ngoan đạo, hễ lên đây là phải lên phòng cầu nguyện. Tôi chỉ tay ra những chiếc bàn trống ngoài phòng bi da, dặn nó:
– Cầu nguyện xong thì xuống đó ngồi chờ chú.
– Dạ, chú.
Hội quán đông người nên chật chội. Tôi đi qua phòng để sách, nhìn lên chỗ để sách tiếng Việt, thấy sách và báo của tôi để mấy năm trước không còn cuốn nào hết. Trong lòng thấy vui vui, khi biết trong thời gian qua, ít ra cũng có vài lượt thủy thủ người Việt đã dừng chân nơi này.
Tôi trở qua gian bán hàng, không thấy có mặt người nào quen hết. Thấy người ta đứng chen chúc nhau trước quày, tôi cũng chen vô đám người đứng chờ để mua thẻ Internet cho Dika. Có hai người thanh niên phục vụ mà vẫn không xuể, người bán hàng nhanh nhẹn đẩy hai gói SIM internet ra trước mặt người thanh niên đứng phía trước quày rồi nói giá tiền. Người thanh niên moi bóp ra tờ hai chục đô la Mỹ để lên bàn rồi ngoái đầu lại người thanh niên đứng phía sau nói bằng tiếng Việt, tiếng ồn ào làm cho tôi nghe tiếng được tiếng mất, nhưng cũng biết cậu nhỏ thiếu tiền. Người thanh niên đứng phía sau móc bóp ra một xắp tiền màu xanh, xoè ra lựa lựa rồi rút ra một tờ hai chục đô la Mỹ đưa cho người đứng phía trước nói:
– Còn có bao nhiêu thôi.
Anh đứng trước lấy tiền để lên quày, day lại nói:
– Chưa đủ.
Người thanh niên đứng sau đưa sắp tiền còn lại, người thanh niên đứng trước lấy đưa cho nhân viên bán hàng, nhân viên lắc đầu từ chối. Lúc đó tôi mới để ý thấy sắp tiền trên tay của người đứng sau cũng màu xanh nhưng là tiền đồng của Việt Nam, tôi mỉm cười và nghĩ thầm, nghe nói nước Việt Nam giờ liên hệ tốt với thế giới, đi đâu cũng được người ta tiếp đón và kính nể lắm, vậy mà tiền cụ Hồ ra nước ngoài không xài được. Thấy hai người nhìn nhau bối rối, mà người chen chúc nhau mỗi lúc một đông. Tôi bèn rút trong học bao điện thoại của mình ra tờ hai chục euro, chồm tới để lên chỗ tiền của người thanh niên và nói bằng tiếng Việt:
– Bao nhiêu đó đủ rồi.
Anh bán hàng vội hốt hết mớ tiền day qua bỏ vô học của máy tính, anh ta đưa tay gõ lên bàn phím một cách thành thạo, lẹ làng và chính xác. Hai người thanh niên ngoái lại ngạc nhiên, trố mắt nhìn tôi và cùng hỏi một lượt với giọng miền Nam:
– Chú là người Việt sao?
Tôi cười:
– Người Việt mới nói được tiếng Việt chớ.
Trong khoảnh khắc, người nhân viên tính toán, đổi tiền và thối lại để chung với hai bao thẻ SIM rồi day nhanh qua hỏi người kế tiếp mua gì. Tôi chỉ qua hai bao SIM nói với hai người thanh niên:
– Lấy đồ kìa.
Người thanh niên đứng trước chợt nhớ, day qua lấy hai cái SIM bỏ vô túi xách, còn số tiền người bán hàng thối cậu ta hốt hết đưa trả lại tôi. Tôi khoát tay và nói:
– Con cất đi.
– Cám ơn chú.
Thấy người đứng chờ còn đông, tôi mới day ngang hỏi đứa đứng cạnh:
– Con tên gì.
– Dạ, tên Hùng.
Tôi chưa kịp hỏi thêm thì cậu kia liền nói:
– Con tên Hạo.
– Hai con uống bia nhé?
Hai đứa ra vẻ ngại ngùng ấp úng:
– Dạ dạ...
Thấy vậy tôi tách ra khỏi chỗ bán hàng, qua đứng sắp hàng bên quày bán nước và chỉ tay ra phía mấy chiếc bàn trống:
– Hai con ra ngồi ngoài kia chờ chú.
Hạo đưa thẻ internet lên hỏi:
– Thẻ này nạp vô xài liền hả chú.
– Chú nghĩ có số mật mã.
– Hồi nãy con nghe người bán hàng nói nạp vô xài liền.
– Theo chú thì mật mã có ghi trong thẻ. Con cứ nạp SIM vô, nếu nó hỏi mật mã thì xem trong cái thẻ đó.
Chợt thấy Donald chen ra từ trong đám người, đi tới trước mặt tôi, nó nói:
– Bàn ngoài kia có người ngồi rồi chú.
Tôi nói:
– Không sao.
Rồi day qua giới thiệu Hạo và Hùng và nhờ Donald giúp hai đứa nạp thẻ.
Tôi day qua nói với Hạo:
– Chú xài thuê bao nên không biết nhiều về thẻ lắm. Donald xài thẻ nên nó rành hơn chú.
Day qua Donald tôi nói:
– Chú mua bia, con ra ngoài tìm bàn trống ngồi và giúp hai bạn dùm chú.
– Yes, uncle.
Donald và hai đứa vừa quay lưng. Tôi ngó lại thấy mấy người phía trước bước lên chừa ra khoảng trống, sợ có người chen vô. Vừa bước lên tôi chợt nhớ ra, bèn kêu Hạo và chỉ tay qua tấm bảng ghi mật mã wi-fi miễn phí của hội quán, nói:
– Con muốn liên lạc gia đình thì lấy wi-fi hội quán xài đi, còn thẻ thì để dành xuống tàu xài.
Hai đứa day ngang, nói.
– Có wi-fi hả chú.
– Có chớ, miễn phí đó.
Tôi chỉ qua Donald:
– Đi đi, cái gì hổng biết thì hỏi Donald.
Ba đứa chen lấn đám người đi qua chỗ bảng ghi wi-fi. Tôi nhìn theo và cười thầm, quả là lính mới nên còn ngơ ngơ ngáo ngáo. Tôi day lại đứng ngay ngắn vào hàng, bên quày bán nước, bia và rượu coi vậy mà trật tự hơn quày bán hàng. Hồi nãy tôi đứng nối đuôi sau hơn cả chục mạng, bây giờ còn năm mạng, ngoái lại phía sau lưng thấy cái đuôi người đã dài ra. Có tới ba người phục vụ mà người nào người nấy tay, chưn tất bật, thoăn thoắt vừa lấy bia, rượu cho khách vừa thu tiền, tính tiền, thối tiền một cách nhanh gọn và chính xác, không bao lâu đã tới lượt tôi. Tôi mua cho mỗi người hai chai bia, đồ nhắm là một bọc da heo chiên dòn và xin thêm chén dấm ớt, cái món da heo chiên dòn chấm dấm, ớt chỉ hội quán Duckdalben này mới có và thủy thủ rất ưa chuộng, kể cả những người theo đạo Hồi giữ giới phân nửa giống như Donald uống bia, uống rượu, không ăn thịt heo mà lại thích ăn da heo chiên dòn chấm dấm ớt.
Anh phục vụ đưa mâm bia và bọc da heo, có chén dấm ớt và luôn cả tiền thối. Tôi để số tiền thối lại cho anh ta và bưng mâm chen chúc đám người đi ra ngoài. Ngó quanh ngó quất, thấy Hùng ngồi mình ên bên chiếc bàn trong góc phòng, tay mân mê thẻ điện thoại chưa tháo bao. Thấy tôi đi tới nó đứng lên đưa tay phụ tôi bưng mâm bia để xuống bàn. Không thấy Hạo và Donald đâu, vừa sắp bia ra bàn tôi vừa hỏi:
– Hạo và Donald đâu?
Hùng nói Donald vô mua đồ và chỉ tay ra ngoài trước cửa, nói:
– Còn thằng Hạo nó đương nói chuyện với gia đình ngoài kia.
Tôi nhìn theo hướng tay Hùng chỉ, xuyên qua một tấm vách kiếng, thấy Hạo tay cầm điện thoại áp sát lên tai. Tôi day lại nói với Hùng:
– Con không nói chuyện với gia đình sao?
– Dạ, con chưa có gia đình.
Vói tay bưng bia lên vừa cụng vừa nói:
– Làm thủy thủ, không có vợ, con cũng tốt.
Chúng tôi ngước cổ, uống xong ngụm bia, để chai xuống, Hùng nhìn tôi hỏi.
– Chú tên gì vậy chú?
– Tên Tấn con.
– Chú làm gì ở đây?
Nãy giờ để ý thấy Hùng với cặp mắt quan sát, theo dõi nhìn tôi. Tôi chỉ tay lên vách, chỗ tấm bảng bằng gỗ bóng có khắc một dòng chữ International Seamensclub Duckdalben, Nói:
– Đây là hội quán thủy thủ, con nghĩ coi chú làm gì mà có mặt ở đây?
– Ồ... con...
Thấy nó ngập ngừng, tôi hỏi tiếp:
– Sao con?
– Dạ... lần đầu con mới thấy một thủy thủ già như chú.
Tôi bắt đầu hải hành với đồng nghiệp người In Đô, nay cũng đã hơn bốn mươi năm. Những người tới tuổi nghỉ hưu, hổng chết thì cũng èo uột, bịnh hoạn, một người cùng tuổi mới nghỉ hưu năm ngoái, trong công ty bây giờ tôi là người già nhứt mà cũng là người cuối cùng của lớp người trước. Bây giờ còn lại con cháu của họ tiếp nối theo nghiệp hải hồ, đứa kêu tôi bằng chú, đứa kêu bằng ông. Trong những năm gần đây, lên hội quán và những thành phố cảng xứ người tôi thường gặp những thanh niên Việt Nam trẻ làm thủy thủ trên những chuyến tàu vượt đại dương cũng nhiều. Có lẽ vì tuổi tôi đã già mà còn phiêu bạt giang hồ, nên gặp đồng hương trẻ, đứa nào cũng trố mắt ngạc nhiên và thắc mắc hỏi han nhiều chuyện. Phần đông tưởng tôi nhiều tiền lắm nên khuyên tôi về nước cất nhà hay xây biệt thự để dưỡng già. Hơn sáu mươi rồi mà vẫn còn lang bạt giang hồ, tụi nhỏ thắc mắc cũng phải thôi. Riêng tôi thì hay băn khoăn, nghĩ ngợi, không phải vì sợ già, sợ chết nơi xứ lạ quê người mà vì tôi nghĩ tới dòng thời gian. Xa quê hương từ khi mái tóc còn đen tới khi đầu bạc và sói sọi mà vẫn còn đi, tính ra hết cả đời lênh đênh trên sóng nước. Chớp mắt cái đã trải qua hai thế hệ con người, khi gặp mấy đứa đồng hương, thăm hỏi vài câu, khi tụi nó biết là người Việt, chúng nó gọi bằng chú, bằng bác rất thân mật và rất tự nhiên và tôi cũng gọi chúng nó bằng con xưng chú, bác mà không cần phải rào trước đón sau như trước kia nữa.
Tôi cười và trả lời:
– À, chú hợp đồng làm bếp cho công ty đã hơn bốn mươi năm rồi. Đúng ra, chú được nghỉ hưu năm ngoái nhưng chú hổng chịu.
– Cũng được hả chú?
– Được chớ con, ở Hoà Lan được làm việc tới sáu mươi bảy tuổi.
– Hoà Lan là Hà Lan hả chú?
– Ờ, đúng rồi, trước năm một ngàn chín trăm bảy mươi lăm dâm miền Nam mình gọi Hà Lan là Hoà Lan.
– Vậy chắc chú lãnh lương cao lắm?
Những lần đầu gặp các bạn trẻ người Việt nghe hỏi về chuyện lương bổng, tôi có hơi khó chịu, nhưng nhớ lại đó là thói quen của người Việt Nam mình. Hơn nữa chế độ lương bổng của công nhân Việt Nam không đồng đều, nên những người làm công hay tò mò chút thôi. Nghĩ vậy nên tôi không còn khó chịu nữa và cũng có cách trả lời:
– Hợp đồng của chú ở Hoà Lan, nên lương cao hơn những người ở nước ngoài đến Hoà Lan làm việc.
– Người nước ngoài là nước nào vậy chú?
– Ồ tạp nhạp lắm con, trên tàu có trên mười người mà có tới năm, sáu quốc tịch khác nhau và lương bổng cũng không giống nhau, nên chú cũng hổng rành lắm. Tuy nhiên với thủy thủ ngoài boong là người In Đô, theo chú biết thì những người này họ lãnh bảy tám trăm đô Mỹ, còn đầu bếp thì trên một ngàn đô mỗi tháng.
– Chú có tính về hưu rồi dìa Việt Nam ở không?
– Ồ, chú cũng chưa tính và cũng không nghĩ tới chuyện về Việt Nam ở.
Lúc đó Hạo trở vô chào và đứng xớ rớ, làm câu chuyện đương nói bị ngắt ngang. Tôi bèn chỉ chiếc ghế cạnh bên cho Hạo ngồi. Tôi chỉ chai bia trước mặt và mời Hạo. Chúng tôi đưa bia lên cụng, vừa để ly xuống, thì Hùng day qua nói với Hạo:
– Chú Tấn là đầu bếp của tàu Hà Lan.
Nghe Hùng giới thiệu, Hạo day qua nói:
– Con cũng là đầu bếp.
– Vậy hả? À, mà tụi con làm cho tàu nước nào vậy?
– Dạ, tàu của Nhựt đó chú.
– Có khó khăn lắm không?
– Dạ cũng khó, vì trên tàu thường dùng đồ đông đá, thịt, cá thì không sao, nhưng rau thì khó nấu quá chú.
Trước đây cũng có gặp vài thủy thủ làm đầu bếp trên tàu buôn và trên những giàn khoan dầu, nghe tôi làm bếp lâu năm trên tàu, cũng trao đổi với tôi về kinh nghiệm nấu ăn ở trên tàu và cũng than phiền về nhiều cái bất tiện, nhứt là chuyện rau cải đông đá. Là một đầu bếp có lương tâm thì rất áy náy trong lòng khi thấy thức ăn mình bỏ công ra nấu cả buổi mà không ai ăn và đem đổ bỏ. Thiệt ra đầu bếp siêng năng, chịu khó thì cũng có thể chế biến những món ăn được. Đầu bếp mà nấu khó nuốt quá có thể ảnh hưởng cuộc sống trên tàu và làm cho không khí trên tàu sẽ mất vui.
Tôi nói với Hạo:
– Rau cải đông đá thì con để tan đá trước khi nấu, thiệt ra thì con nấu nước sôi rồi trụng vài phút là ăn được rồi.
Thấy Hạo chú ý lắng nghe tôi nói tiếp:
– Là đầu bếp thì con phải biết các loại gia vị và rau cải mà mình thường xử dụng. Có một điều cần phải lưu ý, trên tàu đặt thực phẩm qua đầu nậu mà đầu nậu khắp thế giới này hổng có tên nào lương thiện hết, họ giao cho mình toàn những thứ rẻ tiền, họ mánh mung ăn gian dữ lắm, thực phẩm của họ kém chất lượng hơn thực phẩm mua trực tiếp trên siêu thị. Cho nên lúc đặt hàng phải cẩn thận chọn những thứ cần dùng và chỉ đặt những thứ mình biết nó là gì. Trên tàu không phải lúc nào cũng thuận lợi, ngoài chuyện gặp sóng to, gió lớn ra mà đi trên những chiếc tàu có không gian bếp nhỏ hẹp và trong bếp hổng phải lúc nào cũng đầy đủ nguyên liệu.
Hạo cắt ngang:
– Ờ, chú nói đúng đó.
Tôi cười nói tiếp:
– Thiệt ra những thủy thủ nào đã dày dạn với biển khơi, họ ăn uống rất dễ dãi, không cầu kỳ kén chọn, miễn sao thức ăn không bị thiu và có mùi khó nuốt là được. Nhưng dù sao đi nữa đầu bếp cũng phải nghĩ cách điều chỉnh thực đơn mỗi ngày để cho thủy thủ đoàn ăn không bị ngán.
Donald xách túi đồ mới mua đi lại ngồi xuống chiếc ghế trống cạnh bên. Thấy vậy tôi nói để chấm dứt chuyện riêng tư giữa tôi và Hạo:
– Gặp nhau ngắn ngủi như vầy thì làm sao nói hết được, chắc chú phải viết một cuốn sách về nấu ăn trên tàu quá.
Nghe tôi nói vậy mấy đứa cùng cười tán thành và bưng bia lên cụng. Chúng tôi vô một cái, để bia xuống. Donald day ngang nói với tôi:
– Không biết hai bạn ở đây có lâu không mà mua thẻ internet nhiều quá.
Tôi day ngang hỏi Hùng:
– Tàu con còn ở đây bao lâu nữa?
– Dạ, mai khởi hành qua Rotterdam rồi trở lại Hamburg sau đó mới trở lại Nhựt.
– Vậy còn ở lâu mà.
– Dạ, chắc cũng hơn một tuần.
Tôi hỏi Donald:
– Con có giúp nạp thẻ chưa?
– Dạ xong rồi chú.
– Không sao, thẻ internet mười GB, nghe nhạc và nói chuyện với gia đình hơn một tuần có khi còn thiếu.
Nhìn lên đồng hồ thấy gần chín giờ, ngó qua quày bán hàng thấy không còn đông người nữa, nhân viên cũng rảnh rang hơn. Tôi đứng lên, đi qua quày bán hàng, mua thẻ internet cho Dika và hỏi nhân viên hẹn giờ xe bus, họ cho biết chín giờ mười lăm có xe xuống bến cảng. Tôi qua quày rượu mua thêm bốn chai bia. Nãy giờ chỉ thấy toàn nhân viên trẻ làm việc, không thấy người quen cũ nào hết, cũng không muốn hỏi thăm vì thời gian đâu nữa để mà nói chuyện. Người bán hàng để bốn chai bia lên mâm đưa qua tôi, trả tiền xong, tôi cầm cổ bốn chai bia lên hai tay rồi đi lại bàn. Hai đứa nói với Donald bằng tiếng Anh, mấy đứa trao đổi với nhau về chuyện lương bổng, thấy tôi tới chúng dừng lại, không nói nữa. Tôi để bốn chai bia lên bàn, chia mỗi đứa một chai, rồi bưng chai bia của mình lên cụng và uống phần còn lại. Để chai xuống, tôi nói với Hùng và Hạo.
– Tụi con có vô phố Hamburg chơi chưa?
Hạo hỏi:
– Xa không chú?
– Dĩ nhiên đi bộ thì xa, nhưng nếu con muốn thì hỏi nhân viên hội quán, người ta chở con ra đường hầm băng ngang sông Elbe rồi con đi bộ qua phố. Nếu con trở về trước mười giờ thì tới đứng chỗ cũ, gọi xe hội quán xuống rước, còn quá mười giờ thì chịu khó đi tắc xi, tốn khoản ba, bốn chục euro.
Chợt nghe người tài xế xe bus tới kêu tôi và Donald ra xe. Chúng tôi cùng cầm chai lên cụng và ngước cổ uống một hơi. Tôi nhìn lên đồng hồ trên tường, thấy hơn chín giờ. Tôi day qua nói:
– Giờ này đi thì con không về kịp trước mười giờ.
Hạo nói:
– Vậy kỳ sau trở lại con đi.
– Cũng được, tới giờ chú xuống tàu rồi.
Tôi và Donald bưng bia lên cụng và chúng tôi uống cạn, để chai lên bàn. Tôi chỉ tay xuống chỗ mấy chai bia còn nguyên, cười nói:
– Hai đứa ở lại uống hết mấy chai này mới về, hy vọng sẽ có ngày gặp lại.
Chúng tôi bắt tay chào Hùng và Hạo rồi cùng đi ra bãi đậu xe…
Nguyễn Lê Hồng Hưng
Dronten 20/05/2023
Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhocnghethuat/van/gocbienxanh_5.html