Nguyễn Lê Hồng Hưng


Vài chuyện nhỏ đầu tuần

(Góc Biển Xanh, chương 4)

.

Trước đây tôi thấy những thủy thủ lớn tuổi trên tàu thường có vẻ mệt mỏi, khó chịu bực bội và hay gây gổ với người khác, cho nên bị đám trẻ chọc ghẹo hoài, chắc cũng vì vậy mà tới ngày được nghỉ hưu thì họ về nghỉ liền. Hiện giờ trong công ty những thủy thủ trang lứa với tôi không còn ai hết.

Đúng ra tuổi của tôi được về hưu năm ngoái nhưng tôi thấy sức khoẻ còn tạm được nên nán lại. Định đi tới khi nào mệt mỏi và làm không nổi nữa thì nghỉ. Cũng vì thấy những người lớn tuổi hay khó chịu mà bị đám nhỏ coi thường, nên tôi tập tánh ôn hoà và không nổi nóng bất tử với ai, nhờ vậy mà cho tới nay tôi chưa gây gổ với người nào và cũng chưa từng bị ai chọc ghẹo hết. Được may mắn cái là khi xuống tàu phần đông thủy thủ đoàn chào đón vui vẻ, nói chuyện cũng đàng hoàng. Nhứt là thủy thủ trẻ người In Đô, có đứa mới gặp lần đầu cũng mừng rỡ chạy xuống cầu thang bắt tay, ôm: “Chào uncle Tấn”. Rồi tự giới thiệu là con hoặc cháu của một bạn đồng nghiệp nào đó đã nghỉ hưu và chúng nó phụ tôi rinh hành lý lên tàu. Chuyến này có thợ máy người Nga, nhỏ hơn tôi vài tuổi, mặt mày lúc nào cũng gầm gầm khó chịu, hôm xuống tàu tới nay ông không bắt tay và cũng không nói chuyện với tôi, ngoại trừ những khi ông vô bếp hỏi thêm đồ ăn. Sáng hôm nay, trong lúc tôi đứng gọt khoai tây, ông tới đứng ngoài cửa phòng ló đầu vô bếp kêu:

– Bếp!

Day lại thấy ông, tôi vui vẻ và lịch sự như người bán hàng, hỏi:

– Tôi có thể giúp gì cho ông?

Thấy ông nhếch đôi môi méo mó, hổng biết cười hay mếu và nói:

– Tui không ăn thịt nữa.

Đã lâu lắm rồi không nghe thấy ai vô bếp phàn nàn chuyện ăn uống và lâu lắm rồi tôi mới thấy lại cái gương mặt cũ kỹ của người Nga hồi cái thời nước Nga còn là Liên Bang Xô Viết. Theo quy định ăn, uống trên tàu của Hoà Lan thì ngày ăn ba bữa: bữa sáng ăn bánh mì thịt nguội phó mát và trứng chiên hoặc trứng luộc, bữa trưa là bữa ăn chánh có đầy đủ thịt, súp, khoai tây, rau cải và đồ ăn tráng miệng, bữa chiều cũng bánh mì thịt nguội, phó mát; sữa, trái cây và nước trái cây ăn, uống thoải mái. Buổi chiều, nếu đầu bếp siêng thì cuốn và chiên cho mỗi người một vài cuốn chả giò hoặc cơm chiên, mì xào. Nếu làm biếng thì lấy trong phòng đông ra kroket hoặc frikandel hay hamburger để tan đá rồi chiên cho mỗi người một cái, những món này không có cũng không sao. Nhưng từ khi người Nga và Đông Âu qua làm việc, hổng biết hợp đồng về ăn uống của họ như thế nào, mà đầu bếp không còn nhận những thứ thịt bò mềm làm bít tết, cá hồi, tôm thẻ, nói chung những món mắc tiền bị loại ra khỏi đơn đặt hàng. Đã vậy mà khi nhận hàng, kiểm đồ khô hết hạn, rau cải bị úng còn thấy được, chớ đồ đông đá thì khi nào tan đá mới biết nó như thế nào. Đầu nậu cũng mánh mung lắm, họ trộn cá ươn, thịt ôi chung với những thùng thịt đông đá, còn khoai tây thì không rửa sạch để đất bám vào cho nó nặng ký. Thịt bò thì dai nhách, đầu bếp phải ướp soda để cách đêm cho mềm rồi mới đem chế biến, còn thịt ươn thì phải ướp gia vị nhiều vô rồi mới đem chiên, xào, nấu. Nhiều người Hoà Lan thà ăn bánh mì thịt nguội, phó mát chớ không ăn những thực phẩm bị kém chất lượng như vầy đâu. Thiệt tình mà nói, chính tôi nấu ra mà tôi cũng hổng dám ăn luôn! Nhưng những người Nga và Đông Âu thì họ đớp sạch và còn khen ngon, nói chung những người Nga và người Đông Âu họ ăn nhiều thịt, những người này họ qua Hoà Lan làm việc lâu năm, đã quen cách ăn uống trên tàu Hoà Lan rồi nhưng bữa ăn chiều nào không thấy thịt thì họ có vẻ không vui. Thật ra thì đầu bếp dọn đồ ăn ra bàn ai ăn được thì ăn, không thì thôi, nhưng nếu nấu đúng theo tiêu chuẩn trước kia, nhiều món họ ăn không được, thức ăn bị đổ bỏ nhiều quá, thấy xót ruột nên tôi đành phải phá lệ. Buổi trưa tôi nấu thêm một phần thịt, chiều tôi đem phần thịt dư ra cho mỗi người một miếng, làm như vậy mới an tâm, vì không đổ bỏ thức ăn nữa. Trở lại chuyện ông thợ máy, có hôm buổi chiều tôi dọn món thịt gà chiên bột, ông hỏi:

– Bếp có thịt không?

Tôi chỉ dĩa thịt gà chiên bột cười, dí dỏm nói:

– Thịt đó, món này ông vô nhà hàng Việt mới có.

Thuyền trưởng và mấy người trẻ khác ra điệu sành ăn, bới miếng cơm vô dĩa, gắp cục gà chiên bột để lên và chan sốt chua ngọt vừa giải thích cách ăn. Nhưng ông thợ máy gầm mặt xuống miễn cưỡng ghim miếng gà chiên bột, moi miếng thịt ra ăn, còn phần bột ông bỏ lại, sau này tôi mới biết, cái món chả giò của Việt Nam mà nhiều người ưa thích ông cũng không ăn. Nói chung ngày nào cũng phải có miếng thịt cho ông, không thì ông hỏi, nhưng hôm nay không biết mắc gì mà trở chứng hổng ăn thịt nữa. Tôi ngoái ra nói:

– Ô kê.

Ông hỏi:

– Tui ăn cá được không?

– Dĩ nhiên là được.

– Cám ơn.

Nói đoạn ông day lưng đi ra ngoài. Buổi ăn trưa hôm đó, tôi dọn ra món gà đút lò, khoai tây chiên dòn, cải thảo trộn mayonnaise và súp giả vi cá, đây là thực đơn đặc biệt của riêng tôi chọn mà người Âu, người Á và người đạo Hồi đều ưa thích. Dọn bàn xong tôi trở vô bếp, đương lui cui dọn dẹp đồ đạc thì thợ máy đứng ngoài cửa ló mặt vô gọi:

– Bếp!

Mặt mày ông nhăn nhó, bèo nhèo như miếng nùi giẻ lau sàn. Thấy bộ mặt thê thảm của ông, biết có chuyện không vui, nhưng tôi vẫn bình thản hỏi:

– Ông cần gì?

– Cá của tui đâu?

– Hôm nay hổng có cá.

Giọng ông hằn học:

– Hồi sáng ông có hứa làm cá cho tui mà.

Tôi cười thầm trong bụng và vẫn giọng ôn tồn nói:

– Oh, tui nhớ hồi sáng ông có hỏi tui, ông ăn cá được không? Tui nói là được, chớ đâu có hứa là sẽ làm cá cho ông ăn.

– Vậy tui ăn gì?

Tôi có hơi khó chịu nhưng vẫn giữ giọng bình tỉnh hỏi:

– Đồ ăn đầy bàn, bộ ông hổng ăn được món nào sao?

Nghe tôi hỏi ông ta liền chửi thề một cái rồi mang cái bộ mặt thiểu não day lưng đi trở ra bàn ăn. Lâu rồi tôi không còn bận tâm, thắc mắc hay bực tức về thái độ ăn uống của con người ta nữa, khen cũng được, chê cũng hổng sao, có chửi cũng kệ luôn và cũng không cần giải thích. Sau bữa ăn thuyền trưởng bưng dĩa dơ vô bếp để lên bàn rồi day qua bắt chuyện hỏi:

– Chừng nào ông nghỉ hưu?

Tôi day lại nói:

– Tùy sức khoẻ và tùy thủy thủ đoàn, nếu mọi người thấy tôi không còn xài được nữa thì tui về nghỉ liền.

Thuyền trưởng cười nói:

– Vậy chắc còn lâu lắm.

– Biết đâu được?

– Bếp vui vẻ và nấu ăn mọi người ai cũng thích.

Tôi cười khôi hài và nói:

– Có một người chê và thường hay phàn nàn chuyện ăn uống.

Thuyền trưởng ồ lên một cái rồi bắt qua nói chuyện ông thợ máy:

– Tánh thợ máy tuy có hơi khó chịu, nhưng không chê bếp đâu. Bởi vì ông ta theo đạo chính thống Nga.

Tôi chặn:

– Bộ theo đạo rồi mặt mày lúc nào cũng chầm dầm như giẻ rách vậy hả?

Thuyền trưởng cười, phớt qua câu tôi hỏi và nói tiếp:

– Đạo đó có giới luật, trong tháng cuối năm, tín đồ không được ăn thịt, ăn cá cho tới ngày Giáng Sinh.

– Oh, tui biết rồi, chúa Jêsu của đạo này ra đời vào ngày bảy tháng Giêng tây lịch.

– Đúng rồi.

– Vậy sao ông ta đòi ăn cá?

Thuyền trưởng ỡm ờ, đưa tay chỉ lên đầu lắc lắc tìm câu trả lời. Trên tàu có mười hai người nhưng có năm quốc tịch khác nhau: Hoà Lan, Bun-ga-ri, Nga, In Đô và tôi là đầu bếp người Hoà Lan gốc Việt. Tôn giáo cũng khác nhau, người đạo Hồi có giới luật không ăn thịt heo, không rượu bia và ngày Ramadan họ ăn, uống ban đêm, ban ngày thì nhịn. Thiệt tình thì tôi không ưa những tôn giáo đem thiên đường ra dụ dỗ hoặc địa ngục ra hù doạ người khác, tệ hơn nữa là nhân danh đạo rồi xách vali đầy chất nổ tấn công đám đông. Tôi cho rằng chỉ có những con người cuồng chánh trị và cuồng tôn giáo họ mới nghĩ và sáng tạo ra những cảnh giết người dã man, chiến tranh tàn khốc, lớn thì khủng bố, làm cho nhiều nơi xáo trộn cả lên, còn nhỏ thì gây phiền phức cho những người sống chung với họ. Điển hình như những người đạo Hồi, mới xuống tàu thì giữ giới kỹ lưỡng và tưởng cái đạo của mình là ngon nhứt thế giới, ai đụng tới thì có chuyện, nhưng làm việc trong thế giới tự do được một thời gian, phần đông bỏ phong tục ăn ban đêm vào tháng Ramadan, người nào không ăn thịt heo thì cũng ăn da heo chiên dòn và uống bia, rượu. Có nhiều người ăn uống cho đã miệng rồi biện minh: “Rượu bia uống cũng tốt, đạo cấm là đạo sai.”. Còn mấy người đạo Chúa, chỉ có một quyển Thánh Kinh mà sanh nhiều ý tưởng, nhiều sáng tạo, mạnh ai nấy sáng tạo mới có chuyện đi tới đâu gây rắc rối tới đó. Duy có phụ máy người Bun Ga Ri, dễ thân thiện, lúc nào cũng vui vẻ, lễ phép, thỉnh thoảng nó vô bếp nói chuyện và kể tôi nghe, bánh mì là thức ăn chánh của gia đình nó, nhưng từ sau chiến tranh giữa Nga và Ukraina, bánh mì xứ nó mắc lắm nên mới ăn cơm và lúa mạch. Thấy ông thợ máy vô bàn ăn luôn lúc nào cũng khó chịu, hay phàn nàn. Nó nói:

– Có ăn là may mắn hơn nhiều người đang sống trong chiến tranh. Vậy mà lúc nào vô bàn ăn thợ máy cũng cằn nhằn này nọ.

Tôi hỏi nó:

– Mày theo đạo nào?

– Không theo đạo nào hết.

Thằng nhỏ hổng có đạo, vậy mà còn có lương tâm và biết nghĩ tới những người khốn khó. Ngày trước tôi hay tìm hiểu về tôn giáo và tôi cũng biết qua cái đạo Chính thống giáo Đông phương là nhánh Kitô giáo lớn thứ nhì trên thế giới, sau Giáo hội Công giáo Rôma. Là một trong những định chế lâu đời và có một vai trò quan trọng trong lịch sử, văn hóa Đông Âu, Hy Lạp, Nga, Kavkaz và vài nước khác. Có lẽ cũng vì trong đầu chứa chấp nhiều đạo quá nên tưởng mình đã là thánh nhân, hễ nghe ai nói tới chuyện đạo khác với ý mình thì rống họng lên bàn cãi om sòm. Rồi một ngày phát hiện ra, toàn là chuyện vô bổ, chỉ nói thôi mà sống thì chẳng ra gì hết! Từ đó tôi tập chú tâm làm việc đúng theo chức năng của mình và tập hoà nhã, sống thiệt lòng, chớ hổng lấy lòng người khác theo cái kiểu “đắc nhân tâm” và cũng không còn nhìn đời qua những cái tiêu cực, chướng tai gai mắt nữa. Sống trong tập thể thì phải tuân theo qui tắc tập thể, người nào sống không hoà đồng được với tập thể rồi sẽ tự mình loại ra thôi. Cũng giống như những người đạo Hồi tự cho mình chân chính, sống đúng theo giới luật đạo Hồi thì không người nào sống được với đời thủy thủ. Viên thợ máy chắc cũng dựa theo cái đạo Chánh thống Nga và tự sáng tạo ra cái ngày chay cho mình, ăn cá không ăn thịt vào tháng chay của đạo chánh thống Nga. Thấy thuyền trưởng ỡm ờ, không có câu trả lời, tôi day qua ngó thuyền trưởng cười và hỏi:

– Vậy ngày nào tui cũng phải nấu cá cho thợ máy ăn hả?

Thuyền trưởng cười và đưa tay khoát khoát nói:

– Không không, tui chỉ kể về tôn giáo Chánh thống Nga cho ông biết thôi.

– Đạo thì chánh thống mà làm toàn là chuyện tà.

Thuyền trưởng cười hì hì. Chợt trong đầu tôi hiện ra một ý tưởng. Tôi nói tiếp:

– Ông biết đó, thế kỷ trước, nước Nga ra đời cái “đạo” gọi là Cộng Sản, đã làm chết biết bao nhiêu người Nga và gây tang thương khắp thế giới....

Thuyền trưởng chận:

– Nhưng bây giờ nước Nga đâu còn cộng sản nữa.

– Còn chớ, đạo Cộng Sản nó biến dạng giống như con vi rút corona vậy đó, độc địa hơn nữa là nó còn chui vào các tôn giáo, lan ra tới đâu gieo rắc đau thương, chết chóc tới đó, cho tới ngày nay nó vẫn tiếp tục hoành hành. Tui đọc báo thấy tổng thống Putin thường đi lễ nhà thờ Chánh Thống giáo ở Moscow. Nghe nói trước khi ra lịnh xua quân qua xâm lăng nước Ukraina ông cũng có đi nhà thờ cầu nguyện, báo chí và truyền hình nước Nga cũng đưa tin và ca ngợi ông quá trời luôn.

– Oh, ông biết nhiều quá.

Mặt dù tôi cũng thường nghe những người Nga đã chạy ra nước ngoài lánh nạn chiến tranh hoặc nhiều người trong tuổi nghĩa vụ quân sự hối lộ để trốn quân dịch, những người này mở miệng ra thì nói xấu chế độ cộng sản trước kia và chống đối chánh quyền của tổng thống Putin hiện giờ. Nhưng dù sao thuyền trưởng cũng là người Nga, tôi không thể nói quá đà, sợ chạm tự ái dân tộc, nên tôi chỉ nói ngắn gọn để chấm dứt câu chuyện cho rồi.

– Có lẽ cũng vì biết nhiều quá nên tôi bị dị ứng, như đạo Hồi có giới luật hổng ăn thịt heo, đạo Phật thì ăn chay nên đi tới đâu gây phiền phức cho người ta tới đó. Bây giờ có thêm cái đạo Chánh Thống Nga nữa. Chậc, chỉ có ba cái chuyện ăn uống thôi mà phải đem tôn giáo ra làm bảo kê để người khác phục vụ cho mình.

Thuyền trưởng cười ha hả rồi nói sang chuyện khác:

– Lát nữa tui và thủy thủ đoàn đi xem bảo tàng viện xe Volvo. Bếp có đi với chúng tôi không?

– Không, ông đi trước đi, buổi trưa tôi muốn nghỉ ngơi một chút.

Thuyền trưởng nói:

– Vậy hả, tui lên gọi cho xe hội quán xuống rước. Ông muốn mấy giờ đi, tui hẹn giờ cho ông luôn.

 

– Không cần, tui có gọi hẹn với họ rồi.

–Vậy tui xem bảo tàng xong rồi về hội quán, lát bếp lên đó mình gặp.

– Ô kê.

Thuyền trưởng nói xong, chào tôi rồi đi lên phòng. Hình như nãy giờ Dika ngồi bên phòng ăn chờ. Khi thấy thuyền trưởng đi khuất nó bước qua hỏi tôi:

– Chú hổng đi sao?

– Đi, nhưng không đi chung.

Tôi hỏi:

– Bộ con hổng đi xem bảo tàng viện với mấy người sao?

– Con coi trên mạng thấy bảo tàng triển lãm chỉ có xe Volvo không à chú?

– Bảo tàng xe Volvo thì triển lãm xe Volvo chớ hổng lẽ triển lãm xe BMW hay Mercedes.

Dika cười hì hì và hỏi:

– Chú có lên đó chưa?

– Mười mấy năm trước chú có tới xem một lần, thấy người ta chụp hình, chú cũng bắt chước chụp, nhưng về xem lại thấy hình mình chụp xấu hơn những hình quảng cáo xe, nên chú xoá bỏ, với lại xe Volvo là loại xe “deluxe”, mắc tiền quá chú hổng dám nghĩ tới, cho nên trong đầu chú cũng xoá luôn, bây giờ chú hổng còn ấn tượng nào về nó hết.

– Vậy lát nữa chú định đi đâu?

– Chú định vô phố Gothenburg. Nhưng con có đi theo mấy người kia thì lên thay đồ đi đi, đứng đây nói tới nói lui một hồi trễ xe đó.

– Không, con đi với chú.

– Chú có hẹn một giờ rưỡi xe hội quán xuống rước.

– Không sao, con chờ chú.

Tôi nhìn lên đồng hồ trên tường gần một giờ rồi. Tôi day qua nói:

– Nãy giờ nói chuyện làm mất thời gian nghỉ trưa rồi, để chú đọn dẹp xong, thay đồ chắc cũng vừa đúng giờ xe xuống rước.

 – Để con phụ chú.

Tôi chỉ tay qua đống dĩa dơ trên bàn, nói.

– Ờ cũng được, vậy con sắp cái đám này vô máy rửa dùm chú đi.

– Được rồi chú tắm và thay đồ đi.

Nó chỉ tay qua phòng ăn nói:

– Xong rồi con ngồi đó chờ chú nhé.

– Cảm ơn nhé.

Tắm rửa thay đồ xong tôi trở ra thấy Dika bận áo lạnh mỏng quá, thường thì áo lạnh mùa đông bên In Đô không có độn lớp bông, chỉ có hai lớp vải mỏng cỡ áo lạnh mùa thu và mùa xuân bên Âu Châu. Tôi chỉ tay ra bên ngoài cửa kiếng nói:

– Coi kìa, bên ngoài tuyết rơi và trời lạnh trừ một hai độ, con bận áo mỏng và không khăn choàng cổ đi ngoài trời chịu sao thấu.

Nó ngó mặt ra cửa sổ, ngẫm nghĩ một chút rồi nói:

– Hổng lẽ lấy áo làm việc bận.

– Đi phố mà bận áo làm việc coi sao được.

– Chắc hổng sao đâu chú.

Tôi trở vô phòng lấy chiếc áo lạnh và khăn choàng cổ dành bận trên tàu mỗi khi ra ngoài boong đưa cho nó:

– Con bận áo và choàng khăn này đi, mùa đông Thụy Điển, chớ hổng phải bên In Đô.

Tay nó nhận áo mặt lộ vẻ vui mừng, nói:

– Oh, tốt quá, cám ơn chú.

Chờ nó bận áo và choàng khăn xong rồi chúng tôi vô ngồi trong phòng ăn chờ xe xuống rước. Dika hỏi tôi:

– Con nghe Gothenburg là thành phố lớn thứ hai của Thuỵ Điển phải không chú.

– Phải rồi, Gothenburg đứng sau thủ đô Stockholm.

– Con cũng biết Gothenburg là do người Hoà Lan xây dựng.

– Theo chú được biết là thành phố Gothenburg được thành lập trước đây năm sáu thế kỷ do vua Thụy Điển và dân chúng Thuỵ Điển đã sống ở vùng này hàng ngàn năm, đời sống rất thoải mái và phong phú hơn nhiều so với những thành phố khác.

– Dạ , nhưng thành phố thiết kế do những chuyên gia người Hoà Lan, đặc biệt là dựa theo mô hình Batavia, tức thủ đô Jakarta ngày nay.

– Con nói đúng một phần, thật ra phần lớn dựa theo kinh nghiệm đê điều của người Hoà Lan cách xây dựng trên đầm lầy và những con kinh đào trong thành phố lấy theo mô hình của Amsterdam.

Nói tới đây thì nghe tiếng còi xe trên bến, biết là xe hội quán xuống rước, tuy tiếng còi không có vẻ thúc hối, nhưng tôi và Dika cũng vội vàng đứng dậy bước ra ngoài và đi nhanh xuống cầu thang chỗ xe đậu. Xe mở sẵn cửa bên hông, chúng tôi vừa bước lên thì đã nghe tiếng chào của cô tài xế và chúng tôi cùng chào lại. Trước khi cho xe chạy, cô day mặt ngó ra sau, thấy chúng tôi chưa cài dây an toàn, cô nhắc chúng tôi cài dây an toàn và nói cho chúng tôi biết, cô còn ghé những chiếc tàu khác đón thêm người. Dika hô:

– Yes Madam!

Xe có mười hai ghế, ghé rước mới hai tàu mà đã hết chỗ ngồi. Mấy người cứ leo lên xe ngồi ém và lấn tôi với Dika sát vô thành xe. Cô tài xế thấy vậy liền hô:

– Oh ho!

Cô liền mở cửa xe leo xuống và đi ra phía cửa hông, cô từ tốn nhỏ nhẹ kêu mấy người chen lên ngồi ngoài bìa xuống và nhắc mấy người còn lại cài dây an toàn. Nhìn thấy nhóm người đứng lóng ngóng với vẻ mặt không vui, biết là người Á Đông. Có lẽ những người này ít đi lại Âu Châu nên không biết đây là Thụy Điển, một xứ sở văn minh, người dân ai cũng nghiêm túc tuân thủ luật đi đường, chớ không phải ở các nước còn lạc hậu, kém văn minh, hễ lên xe là cứ chèn ém tới khi nào chật nức mới thôi. Cô tài xế lấy điện thoại gọi về hội quán, rồi day qua ôn tồn nói với mấy người đứng lóng ngóng bên dưới, nói:

– Không là vấn đề, khoảng mười phút có xe tới rước các bạn.

Tôi nhìn xuyên qua khung cửa kiếng, tuyết rơi lai rai từ hồi sáng tới giờ mà đã lấp đầy mặt đất, khắp bến cảng trắng xoá và phủ lên những lố containers trông giống như những ngọn đồi tuyết. Cô tài xế cho xe dừng lại bến xe bus gần hội quán. Tôi xuống xe và bước tới hỏi cô tài xế mấy giờ hội quán đóng cửa. Cô nói:

– Sáu giờ.

Tôi và Dika cám ơn cô rồi bước tới bảng chỉ dẫn trong trạm xe xem giờ. Hôm nay ngày chủ nhựt xe vô phố chỉ có một giờ một chuyến. Tôi nhìn đồng hồ, đã quá ba giờ rồi. Tôi day qua nói với Dika:

 – Định đi vô phố chơi rồi trở về hội quán giang xe bus xuống tàu, nhưng hội quán sáu giờ đóng cửa mà xe vô phố bận đi bận về mất hết hai tiếng thì còn đâu giờ để đi chơi.

– Vậy chú tính sao?

Tôi nói với Dika:

– Thuyền trưởng và nhóm thủy thủ đang coi đá banh ở trong hội quán, con thích vừa coi đá banh vừa nhậu thì vô với họ. Cái thời trai trẻ, khoẻ mạnh, thức thâu đêm, đụng đâu nhậu đó của chú đã qua rồi.

– Vô ngồi chơi thôi chú.

Tôi chỉ tay qua hướng hàng cây thông, nói:

– Chú đi dạo qua trung tâm của cái xóm nhỏ nằm bên kia, rồi trở vô hội quán sau.

– Vậy con đi với chú.

Tôi với Dika đi trên con đường nhỏ dưới hàng cây thông. Tuyết vẫn lả lơi rơi nhẹ, lên những cành cây trút lá và góp phần trải thảm lên bãi cỏ giờ đã trắng tươi, làm tôi nhớ tới cái thời mùa bông gòn chín ở quê tôi. Thiên nhiên trầm lắng, tuyết trắng tinh khôi, sáng ngời. Vào mùa đông ở Gothenburg của Thụy Điển mở rộng và có vẻ đẹp tự nhiên, giống như xứ sở thần tiên trong truyện cổ tích.

.

Hul, Anh quốc 18-3-2023
Nguyễn Lê Hồng Hưng

 

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhocnghethuat/van/gocbienxanh_4.html


Cái Đình - 2023