Nguyễn Lê Hồng Hưng


Góc Biển Xanh
Chương 3 – Cái Bóng Chiến Tranh

.

Hồi mới qua Hoà Lan định cư, đầu óc tôi lúc nào cũng nghĩ về quê hương loạn lạc trong thời chiến và bị ám ảnh cuộc vượt biển sau ngày ba mươi tháng tư năm bảy mươi lăm. Trong lòng luôn cay cú, chán đời nên đêm về giấc ngủ không sâu và thường hay bị ác mộng. May thay trên bước đường lưu lạc tôi gặp được nhiều vị Mục Sư, Linh Mục đã dạy cho cách cầu nguyện và làm sao để yêu thương. Nghe theo lời những con người đạo đức ấy, tôi tập yêu thương và nguyện cầu được một thời gian thì thấy trong lòng tạm ổn, ban đêm không còn chiêm bao thấy những điều dữ nữa. Tuy cái nhìn hằn học cuộc đời lần hồi tan biến nhưng mỗi khi tàu ghé những quốc gia còn theo chủ nghĩa cộng sản thì trong lòng lo sợ, ban đêm lại trằn trọc bất an, những lúc này lời cầu nguyện của tôi không còn linh thiêng nữa.

Trong đời tôi như có cơ duyên được chứng kiến ngay từ đầu cái ngày tàn của chế độ cộng sản nước Nga. Cũng từ sau đó tôi thường xuyên đi lại hải cảng St. Petersburg và vài hải cảng trong vùng vịnh Phần Lan. Và sau đó tôi làm việc chung với người Nga cho tới ngày hôm nay. Cũng nhờ đi đi lại lại  hải cảng St. Petersburg mà tôi đã chứng kiến cảnh đổi thay của thành phố này từ tàn tạ cho tới phát triển giàu có và nhiều màu sắc như hôm nay. Mới đó mà đã trãi qua hai lớp người rồi, tôi chia ra hai lớp người là tính từ những người sống hồi thời nước Nga còn cộng sản, những người này họ sống rất ích kỷ, vô kỷ luật, có tánh keo bẩn và tham ăn. Lớp thứ hai là những người trẻ có cơ hội qua tây phương học tập và làm việc trong thế giới tự do nên tánh tình họ thay đổi trở thành một con người văn minh, nhân bản. Từ ngày tổng thống Putin phát động cuộc xâm lăng Ukraine thì những người trẻ này tìm cách ở lại nước ngoài, họ không muốn trở về nước Nga nữa.

Hôm mới xuống tàu, tôi lên phòng thuyền trưởng trình giấy tờ. Thuyền trưởng đang làm gì đó trước máy vi tính, vừa thấy tôi ông đứng lên vui vẻ chào và bắt tay, hỏi:

– Bếp còn nhớ tui không?

Tôi biết viên thuyền trưởng này hồi còn là thuyền phó, bẵng đi thời gian có hơn năm năm, nay gặp lại, ông đã là thuyền trưởng rồi:

– Dĩ nhiên là nhớ, nhưng lâu quá rồi quên tên.

– Dimitriy.

Tôi cười và pha trò:

– Nhưng bây giờ gọi là thuyền trưởng, không cần biết tên nữa làm gì.

Ông nhún vai và đưa tay vỗ lên vai tôi, cười nói:

– Gọi tên cũng không sao?

Tôi hỏi:

– Ông cưới vợ chưa?

– Rồi và có một đứa con gái?

– Còn ở Nga hả?

– Yes.

– Tất cả ổn hết?

Ông nhíu mày đưa tay ra lắc lắc:

– Ổn, mà cũng không ổn.

– Tui hiểu rồi, nhưng gia đình yên ổn là ô-kê, còn cái hổng ổn từ từ rồi cũng sẽ ổn thôi.

Tôi đưa sổ thông hành và những giấy tờ cá nhân cho ông xong tôi nói:

– Tui xuống làm việc đây, gặp lại sau.

– Ô kê. Chào.

Tôi đi với thuyền trưởng Dimitriy một chuyến qua Thuỵ Điển, chưa được một tuần, khi tàu trở lại Antwerpen thì ông hết hợp đồng. Trước khi về Dimitriy bắt tay và hẹn ngày gặp lại. Làm tôi nhớ tới Ivan, hôm chia tay nó buồn bã nói:

– Không biết có còn gặp lại không?

Tôi lắc lắc đầu đi xuống cầu thang và nói thầm:

– Chậc, chiến tranh không ai đoán trước được điều gì hết!

Thuyền trưởng mới đổi xuống cũng là người Nga nhưng tôi chưa quen. Vậy là chuyến này tôi đi chung thuyền trưởng, thuyền phó, thợ máy là người Nga. Tuy chúng tôi tránh nói chuyện về chiến tranh của Nga - Ukraine, nhưng có lẽ ngày nào cũng nghe tin tức về chiến tranh và ngày nào cũng tiếp xúc với người Nga nên đêm nay giấc ngủ cứ mơ mơ màng màng, trằn trọc nửa ngủ, nửa thức. Vậy mà cũng có chiêm bao! Không phải là ác mộng, vì không thấy cảnh trực tiếp bắn giết nhau, không thấy máy bay oanh tạc, không thấy máu đổ, không thấy xác người chết nằm la liệt hay trôi lềnh bềnh trên sông như những cơn ác mộng mà tôi đã thấy cách đây nửa thế kỷ ở quê hương tôi thời chiến tranh Nam - Bắc và cũng không biết trận đánh xảy ra ở đâu? Nhớ mang máng là trong mơ chỉ thấy ánh sáng, lửa, khói, bom, đạn ngập trời và một tiếng nổ rền vang làm tôi giựt mình tỉnh giấc. Mắt mở trao tráo và nghe trong lòng bồi hồi thương cảm, không ngủ lại được nữa. Không biết bây giờ là mấy giờ? Cũng không muốn bấm điện thoại coi giờ, ngồi dậy bước xuống giường đứng huơ tay, co chưn làm vài động tác mạnh rồi mở cửa bước ra ngoài. Vừa ra boong thì thấy tàu vẫn còn chạy gần bờ Đan Mạch, xa xa đèn của những chiếc tàu buôn xuôi ngược, trong dải đất liền những chòm đèn thành phố sáng mù mờ. Biển tối hù, gió nhẹ, sóng gợn êm đềm như nâng đỡ để giữ an toàn cho chiếc tàu chở trên ngàn containers vững vàng lướt tới. Nhìn lên bầu trời chỉ thấy rời rạc những vì sao, ánh sáng của những vì sao yếu ớt không đủ chiếu mặt đại dương. Chu vi hẹp quanh con tàu sóng rẽ lăn tăn túa ra những đốm sáng nhỏ bên hông con tàu làm tôi tự hỏi. Đó có phải là sự phát quang chất ngời tự nhiên của nước biển? Nheo mắt mấy cái, mới nhận ra đó là ánh sáng tỏa ra từ những bóng đèn bên trên muôi tàu chiếu xuống bọt nước trắng tươi kéo ra sau lái một đường dài do chưn vịt đạp lên phản chiếu ánh đèn phát ra chất ngời sáng. Nghe lạnh người mới nhận ra đang bận đồ ngủ mà hổng choàng áo ấm. Tôi rùng mình một cái rồi quay trở vô phòng.

Trước đây tôi có thói quen, đêm nào trợt giấc, ngủ lại hông được, tôi pha một bình cà phê một lít, dành uống trong khi đọc hay viết một cái gì đó. Chuyến trước đầu gối bị thoái hoá, đau nhức ngủ hổng được, nhờ anh bạn y sĩ châm cứu, đầu gối bớt đau mới xin đi làm lại. Mặc dù y sĩ có dặn tôi cử uống bia rượu, bớt cà phê và ăn chất cay ít lại. Nhưng hôm ấy trên đường đi thấy trời đẹp vào nhà hàng, gặp bạn đường vui vẻ, uống chơi vài chai bia. Sau đó xuống tàu, nhằm lúc Ivan về nước, chia tay với nó uống thêm mấy chai. Hổng biết có phải vì vậy mà đầu gối bị đau trở lại không? Đau nhức quá, đêm ngủ không được nên xin về nhà để trị. Trở về hẹn với y sĩ châm cứu, làm anh phải tốn mấy chục mũi kim châm nữa mới bớt đau. Lần này anh lặp lại lời dặn bớt uống bia, rượu, ít ăn cay và uống cà phê một ngày hai tách thôi. Nghe lời anh, trên đường đi thèm uống một ly bia cũng hổng dám. Tôi uống thuốc bằng nước ấm và giải khát bằng nước lạnh, bỏ tật uống cà phê thay nước và không uống bia, rượu nữa.

Bấm điện thoại xem giờ, mới ba giờ rưỡi sáng. Định mở laptop ra viết cái gì đó nhưng đầu óc trống trơn không có gì để viết hết. Muốn leo lên giường nằm nhưng không thấy buồn ngủ, tình trạng này, có nằm trên giường cũng khó mà ngủ lại. Tôi bèn lấy chiếc khăn lớn trải xuống sàn tàu rồi lấy chiếc gối kê mông ngồi, mỗi khi khó ngủ tôi dùng cách này, hồi trước tôi ngồi kiết già, từ ngày chưn bị đau, tôi ngồi một chưn ngay và một chưn xếp. Ngồi hít thở thả lỏng tâm tư một hồi rồi thiêm thiếp ngủ... cho tới khi đồng hồ reo tôi tỉnh dậy. Mặc kệ cho đồng hồ reo, tôi rùng vai lắc qua lắc lại, uốn éo vài cái mới đưa hai tay xoa cổ, xoa đầu, bóp chưn cho máu chạy đều rồi từ từ đứng lên và vói tay lấy điện thoại trên bàn gạt tắt tiếng reo. Nhìn số giờ trên màn hình của điện thoại, đã hơn sáu giờ sáng rồi, ngủ ngồi được hơn hai tiếng thấy người khoẻ khoắn.

Từ ngày đầu gối bị đau tôi không tập được hết mười hai thức trong Dịch Cân Kinh, chỉ tập những thế đứng yên, cử động hai tay và đứng phất tay tới lui, đếm hơi thở đúng theo thế Phất Thủ Liệu Pháp, nghe nói cách này cũng là một thế trong Dịch Cân Kinh, siêng thì phất hai ba trăm cái, làm biếng thì một trăm. Có người nghe tôi kể liền cười chê:

– Ông tập như vậy ăn nhằm gì, đúng ra mỗi lần tập phải phất trên một ngàn cái mới được.

Còn trai tráng hoạ may, chớ giờ già rồi, phất vài ba trăm cái đã nghe hơi thở nặng. Ai nói gì mặc kệ, tập sao thấy người khoẻ khoắn là được. Tôi ra boong đứng điều chỉnh tư thế, mặt hướng về phương đông vừa phất tay vừa đếm và mắt nhìn những chiếc tàu đánh cá, vô tình để tâm trí hướng quá xa nên đầu óc không được tập trung, nhưng cũng ráng phất cho đủ một trăm cái rồi ngưng. Tôi dừng lại và nhìn về phía con tàu đánh cá màu trắng với ánh đèn bẹo yếu ớt vẫn còn nhấp nhá như thoi thóp chút hơi tàn và ánh của bình minh cũng bắt đầu ló dạng phía trời đông. Màu trời ui ui, buồn buồn tầm nhìn xa đủ để thấy chưn trời hồng, nước biển xanh và đám chim nhàn cũng đã xuất hiện tìm mồi. Đi vô phòng bếp lấy chai nước lọc rót ra một tách rồi bỏ vô lò vi sóng, chờ nước sôi, pha trà xong bưng ra ngoài boong sau lái ngồi trên trụ cột dây nhâm nhi. Mùa thu lành lạnh uống tách trà nóng nghe ấm lòng. Mặt trời đã lên, ánh sáng chiếu xuống mặt nước xanh, gió hiu hiu thổi làm sóng ngầm nhè nhẹ đưa đẩy con tàu lắc lư lên xuống. Uống xong tách trà tôi trở vô phòng đánh răng rửa mặt, thay đồ và bắt đầu cho ngày mới.

Ba tuần qua hệ thống điện lò bị hư sao đó mà mỗi lần mở hoặc tắt điện đầu bếp phải xuống tủ điện gần hầm máy bật lên, nấu nướng xong xuống bật tắt lại. Còn lò nướng không điều chỉnh được nhiệt độ chỉ mở được điện cao và thấp, bốn mặt bếp nấu thì hai cái không có điện, hai cái còn lại có điện mà độ nóng chỉ đủ nấu súp và luộc rau chớ không đủ nóng để chiên vàng một cái trứng thì nói gì tới thịt và cá. Mấy tuần qua tôi cho thủy thủ đoàn ăn những món chiên trong dầu. Còn gà, thịt heo, thịt bò bít tết tôi đút vô lò nướng hết.

Tôi xuống tủ điện bật điện vừa xong trở lên phòng bếp thì nghe tiếng của Dika:

– Chào buổi sáng chú.

Tôi day qua chào lại, thấy Dika đứng sớ rớ, trên tàu có mình ên nó là đạo Hồi nên nó hổng muốn ngồi ăn chung với thủy thủ người đạo Thiên Chúa, sáng nào nó cũng thức sớm hơn và hỏi xin gói mì, hoặc cơm trắng, cá hộp rồi đem lên phòng ăn. Hiểu ý nó tôi mới hỏi:

– Con muốn ăn hả?

– Dạ, chú cho con mì gói được không?

– Dĩ nhiên.

Tôi chỉ tay vô phòng bếp nói:

– Chú có để sẵn trong này.

– Mì gì đó chú?

Hồi xuống tàu tới giờ tôi nghe câu này nó lặp đi lặp lại không biết bao nhiêu lần rồi. Dika mới đi chuyến đầu, là lính mới, còn giữ giới rất kỹ nên đưa món thịt nào ra nó cũng hỏi là thịt gì. Hổm rày sáng nào nó cũng hỏi xin hổng mì gà thì cũng mì tôm. Bánh mì, thịt nguội, phó mát nó không rớ tới. Trước kia tôi chửi tụi đạo Hồi cũng vì cái tánh ngu ngốc của chúng, mì gói đâu có hiệu nào làm mì thịt heo đâu, vậy mà cũng hỏi mì gì. Lâu ngày sống chung với họ, tôi mới phát hiện ra, có những người biết món xúc xích và hamburger có pha trộn thịt heo, thèm ăn nhưng sợ đồng hương chọc ghẹo mới vô hỏi đầu bếp là thịt gì. Nếu bếp nói thịt bò thì nó ăn, còn nói thịt heo thì thôi. Theo những người này, dù họ biết là thịt heo nhưng đầu bếp nói thịt khác họ vẫn ăn, họ cho rằng đầu bếp bị tội vì nói dối và sẽ bị Allah trừng trị, chớ họ thì vô tội. Có điều tôi nhận thấy là những người nhân danh đạo này, đạo nọ họ chỉ chú ý tới chuyện ăn uống sao cho thân thể mập ra thôi, chớ về mặt tâm linh họ không quan tâm cũng hổng biết gì hết, đó là chưa nói tới chuyện làm ngu ngốc của họ mà gây phiền phức cho những người khác. Không phải chỉ có đạo Hồi chú trọng chuyện ăn mà đạo Phật cũng vậy, tới chùa nào cũng nghe chuyện cúng dường, tiền bạc, nói tới nói lui một chập rồi cũng bắt qua chuyện ăn uống, mặc dù là ăn chay, vậy mà cũng sanh ra biết bao chuyện lôi thôi, phiền phức. Sư, sãi tranh ăn rồi lôi lênh youtube, mượn cớ giảng đạo, ông đại đức này nói xấu, nhục mạ thượng toạ kia, sư cô này xiên xỏ bà sãi nọ...

Tôi vỗ tay lên vai Dika và từ tốn nói:

– Con yên tâm, trên tàu chỉ có mì nấm, mì tôm, mì gà và mì chay.

– Chú cho con gói mì tôm được không?

– Dĩ nhiên.

Tôi vô bếp lấy gói mì tôm, mở tủ lạnh lấy cái trứng rồi tháo mì bỏ vô tô, đập trứng bỏ lên, chế nước nóng, lấy cái dĩa đậy lại rồi đút tô mì vô lò vi sóng vặn ba phút. Day ngang mở học lấy muỗng, nĩa đưa cho Dika và dặn nó:

– Con chờ mì xong rồi lấy ra ăn.

– Dạ, cám ơn chú.

Tôi day qua pha cà phê và bấm điện nấu nước rồi đi qua mở tủ lạnh phòng ăn xem lại đồ ăn. Hồi hôm mấy người trực đêm ăn nhiều quá làm thịt nguội, phó mát và bánh mì cái nào cũng gần hết. Tôi phải lấy châm thêm mỗi dĩa cho đầy rồi đem sắp ra bàn và lấy dao nĩa dĩa tách dọn ra hai bàn. Khi tôi trở vô thì bình nước đã sôi, chế nước pha trà và lấy trứng gà bỏ vô nồi cơm, đổ nước vô bật điện luộc trứng. Khi cà phê, trà, trứng dọn ra bàn coi như đã dọn xong buổi ăn sáng. Để đó, tới giờ mạnh ai nấy lấy ăn. Tôi định vô hút bụi và dọn dẹp lại phòng ngủ của mình. Thuyền trưởng từ trên đi xuống, chúng tôi chào nhau. Thuyền trưởng khèo tay tôi nói:

– Bếp lại đây tui hỏi cái này.

Ông dẫn tôi đi lại chỗ dán bảng danh sách thủy thủ đoàn, rồi chỉ chỗ đề quốc tịch sau tên họ của tôi và hỏi:

– Ông là người Hoà Lan hả?

– Phải rồi, có vấn đề sao?

– Không không, tui tưởng Dimitriy ghi lộn.

– Vậy à.

Tôi quay lưng định đi vô phòng. Viên thuyền trưởng đi về phòng ăn và chỉ chiếc ghế mời:

– Bếp ngồi chơi.

Tôi ngồi xuống, ông rót cà phê đưa qua mời tôi và hỏi:

– Bếp không phải người In Đô?

– Không, tui là người Việt.

Mặt ông sáng lên:

– Ồ, tốt tốt, Việt Nam rất tốt, trước kia tui có ở Việt Nam.

– Oh! Vậy sao? Mà ở đâu?

– Nha Trang.

Ông đưa ngón tay lên gặt gặt, trầm trồ:

– Nha Trang đẹp tuyệt vời...

Tôi nhún vai:

– Dĩ nhiên Nha Trang là đẹp rồi! Tui biết có người Nga qua đó du lịch rồi ở lại luôn. Nhưng giờ ông ở đâu?

– Tui đang ở Thổ Nhĩ Kỳ.

– Ờ, tui có nghe người Nga qua Thổ Nhĩ Kỳ không cần xin visa và vé máy bay cũng rẻ.

– Không rẻ đâu, mỗi vé vài ba ngàn đô Mỹ, có vé lên tới mười ngàn đô Mỹ.

– Sao giống Việt Nam quá.

– Oh! Giống sao?

– Chuyện xảy ra có khác, còn chuyện làm tiền thì giống y chang. Trong thời gian cô vít hoành hành, hãng hàng không Việt Nam lập ra những chuyến bay giải cứu những người Việt còn kẹt ở nước ngoài. Họ nói giải cứu cho có vẻ nhân đạo, chớ nghe nói, họ bán vé có khi lên tới cả chục ngàn đô Mỹ.

– Oh!

Tôi nhìn viên thuyền trưởng, hỏi:

– Nhưng mà ông ở luôn Thổ Nhĩ Kỳ hay ở tạm ?

Ông lắc đầu:

– Không, tôi đang làm thủ tục xin ở lại. Nước Nga hổng an toàn nữa, về làm gì?

Nếu quen lâu với ông như Ivan hay những người bạn Nga khác chắc tôi sẽ dí dỏm trả lời:

– Về làm lính.

Nhưng dù sao ông cũng là người chưa quen, tôi cần phải nghiêm túc. Thời thế đổi thay rồi, từ đây trở đi tôi phải tập tánh nghiêm túc mới được. Tôi nói qua chuyện khác:

– Ông có biết thợ máy Ivan không?

– Biết, Ivan đang ở chiếc Fenja.  

– Ồ, chuyến rồi tôi đi chung với Ivan bên chiếc Tina. Hôm về Nga nó từ giaã tui và nói không biết có được trở lại nữa không? Tôi sợ nó kẹt lại Nga và bị bị bắt lính.

Thuyền trưởng lắc đầu:

– Không sao, không sao.

– Vậy là tốt cho Ivan, khi ông liên lạc với nó, nói tôi gởi lời thăm.

– Ô kê.

Ông đưa ngón tay cái và ngón tay trỏ chà chà với nhau, nói:

– Tiền, có tiền là không đi lính.

– À đúng rồi, tôi thấy những người Nga ra nước ngoài nhiều lắm, cũng như sau năm một ngàn chín trăm bảy lăm dân miền Nam nước Việt Nam chạy ra nước ngoài phần đông là dân có tiền.

Thuyền trưởng ngước nhìn đồng hồ trên vách, rồi day qua tôi nói:

– Còn nhiều chuyện Bếp chưa biết lắm, hôm nào nói nghe, tới giờ trực rồi, tui ăn đây.  

– Ô kê, ăn ngon...

Nãy giờ lo nói chuyện mà không có thời gian uống tách cà phê thuyền trưởng mời. Tôi bưng tách cà phê đứng lên rồi đi về phòng mình. Thật ra thì tôi cũng không cần nghe và biết thêm nữa để làm gì, tin tức chiến tranh Nga và Ukraine tràn ngập, nghe riết rồi nằm chiên bao cũng thấy chiến tranh. Có rất nhiều thứ mà tôi ao ước không bao giờ xảy ra, nhưng nó đã xảy ra rồi, những cảnh kinh hoàng mà tôi hy vọng sẽ không bao giờ chứng kiến. Tôi chỉ ngắn gọn vài dòng thôi, thời đại của thế giới trước mắt chúng ta không giống như thời đại nào khác. Ma Vương hay gọi là Satan cũng được, đã tung ra mọi tội ác khắp thế giới này, những âm mưu và mọi thủ đoạn đồi bại trắng trợn, hèn hạ từng được biết đến với con người trong mọi thế hệ đã được phơi bày. Cũng như hiện nay là khoảng thời gian viên mãn của thời đại, vì nó cũng là khoảng thời gian đầy đủ sự bạo tàn nhứt trong lịch sử của loài người...

(Còn tiếp)

.

Göteborg 7.11.2022
Nguyễn Lê Hồng Hưng

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhocnghethuat/van/gocbienxanh_3.html


Cái Đình - 2022