Nguyễn Lê Hồng Hưng


Thế sự đổi thay (Góc Biển Xanh – Chương 2)

.

Dịch cô vít tung hoành hơn hai năm trời, làm con người khắp thế giới chán chường, mệt mỏi. Khi dịch vừa lắng xuống, luật phòng chống dịch được gỡ bỏ, mọi người như trút gánh nặng, thở phào nhẹ nhõm, thì chiến tranh Nga và Ukrainia nổ ra, làm cả thế giới xôn xao. Hai nước đánh nhau mới hơn ba tháng, không biết những châu lục khác thay đổi ra sao? Chớ riêng châu Âu thì dân chúng than phiền chuyện vật giá leo thang phát chóng mặt. Trong công ăn việc làm cũng có vấn đề, không thể tưởng tượng được mọi thứ khác hơn trước quá nhiều về mặt tinh thần lẫn thể chất, cũng vì nguyên do đó mà hôm xuống tàu tôi có hơi ngạc nhiên khi gặp lại Ivan, thợ máy người Nga. Tôi quen với Ivan hồi nó còn là phụ máy, nó thuộc thế hệ trẻ, sống vui vẻ, hoà đồng, hiểu biết và văn minh hơn lớp người Nga trước đó. Trong đầu tôi nảy sanh ra thắc mắc và có ý khôi hài, định hỏi nó: “Sao chưa về nước đầu quân xâm lược mà còn ở đây làm thợ máy?” Nhưng tôi kịp dừng vì sợ chạm tới tự ái dân tộc. Tôi trớ qua chào và hỏi thăm sức khoẻ gia đình nó:

– Lâu rồi không gặp, mày và gia đình mày khoẻ hết phải không?

Ivan trả lời:

– Tất cả ổn hết, cám ơn.

Hình như Ivan cũng muốn tránh né chuyện thời sự nóng bỏng đang xảy ra trên quê hương của nó. Nó hỏi lại tôi:

– Phi trường Amsterdam đông người lắm phải không?

– Đúng rồi, tao tới Schiphol lúc bốn giờ khuya, chen chúc sắp hàng rồng rắn cho tới bảy giờ sáng mới lên được máy bay. Chậc, từ trước tới giờ tao chưa từng đi máy bay cực khổ như đi lánh nạn. À, nghe nói những chuyến bay giữa Nga và Âu châu bị cấm, vậy mày đi qua đây bằng cách nào?

Ivan nhún vai, gương mặt buồn bã nói:

– Hôm tui xuống tàu thì chưa bị cấm, nên tui hông biết.

Lúc đó viên thuyền trưởng đi tới. Ivan lặng lẽ bỏ đi vô trong. Thuyền trưởng nhìn theo Ivan, cho tới khi nó đi khuất sau cánh cửa. Ông day qua tôi cười cười và nói:

– Nói chuyện với Ivan ông nên cẩn thận.

Tôi không khó chịu và ngạc nhiên về câu nói của ông. Nhưng giả bộ ngây ngô, không biết gì, hỏi:

– Có vấn đề sao?

– Nếu ông không nói về chiến tranh giữa Ukraine và Nga thì không có vấn đề gì hết.

– Chiến tranh thì nói chiến tranh, nói thanh bình sao được.

Thuyền trưởng ngây người nhìn tôi và nói:

– Nhưng ông đừng đem chuyện xấu của nước Nga ra làm đề tài chọc ghẹo Ivan nữa nhé.

Tôi gật đầu:

– Ờ ờ... tui hiểu rồi.

Ông vỗ vỗ tay lên vai tôi rồi bỏ đi lên phòng lái. Thuyền trưởng bằng tuổi tôi. Lúc ông còn là thuyền phó cho một công ty tàu chạy những tuyến đường châu Á. Lần đầu về công ty này làm việc, biết tôi là người Việt tị nạn bằng thuyền. Ông hãnh diện khoe:

– Trước kia tàu tui vớt được năm mươi ba người Việt vượt biển.

Lúc đó những người Việt tị nạn đường biển có tên là Vietnamese Boat people và được người khắp thế giới tự do yêu thương và tận tình giúp đỡ. Cũng từ đó tới nay, mỗi lần nói chuyện với tôi ông luôn ôn tồn tỏ vẻ thân thiện. Thật ra thì thuyền trưởng thấy tôi trước đây không ưa những người Nga và thường chỉ trích nước Nga và hay chế nhạo những người Nga già còn tánh tham lam, keo bẩn theo phong cách sống của thời cộng sản. Cũng vì vậy mà ông sợ tôi đem chuyện nước Nga xâm lăng Ukraine ra chế giễu, xỏ xiên trước mặt Ivan sẽ làm mất đi hoà khí trên tàu, nên ông mới lưu ý tôi đó thôi.

Có lẽ cũng vì chuyện chiến tranh giữa Ukraine và Nga làm cho con người Ivan thay đổi, nhìn nó giống như tốp người sống trong xã hội chủ nghĩa thời còn liên bang Xô viết. Hết giờ làm việc nó về phòng đóng cửa lại, trong bữa ăn nó ngồi nín thinh, có đêm tôi thấy nó ngồi xem phim mình ên, gương mặt lúc nào cũng suy tư và trầm buồn. Tôi có thể hiểu được tâm trạng Ivan trong lúc này, nên tôi không đá động chuyện thời sự đang nóng bỏng của nước Nga và Ukraine trước mặt nó. Tôi không biết thuyền trưởng có nói gì với Ivan không mà gặp tôi nó cười chào gượng gạo, chớ không còn vui tươi và tỏ vẻ thân thiện như trước kia nữa.

Đêm hôm ấy tôi đứng sau lái nhìn mặt trăng tròn như chiếc mâm bạc bị phủ mờ trong màn sương mỏng. Chợt nghe tiếng điện thoại trong túi áo báo tin, tôi móc điện thoại ra xem mới biết tàu đã vô hải phận Bồ Đào Nha. Vậy là ngày mai tàu sẽ tới Lisbon.

Thủ đô Lisbon nằm bên sông Tagus ở phía tây bán đảo Iberia hướng ra Đại Tây Dương mà cũng là thành phố lớn nhứt của Bồ Đào Nha. Hơn nữa nó còn là một trong những thành phố lâu đời trên thế giới và cũng là thủ đô lâu đời đứng hàng thứ hai của châu Âu, sau Athens. Lisbon có trước các thủ đô hiện đại khác ở Châu Âu hàng thế kỷ. Đây thành phố duy nhứt dọc theo bờ biển Đại Tây Dương. Điển hình là tài chánh, thời trang, truyền thông, giải trí, nghệ thuật, thương mại quốc tế, giáo dục và du lịch, là một trong hai thành phố quan trọng của Bồ Đào Nha. Cùng với Porto được công nhận là thành phố lớn của Bồ Đào Nha, là trung tâm thương mại và công nghiệp của khu vực phía bắc sông Mondego. Trọng tâm lịch sử của Porto đã được Unesco công nhận là di sản thế giới.

Mùa xuân năm nay thời tiết nơi đây ấm áp, tuy trăng đêm nay không sáng và bầu trời có sao thưa, nhưng không khí trong lành mát dịu cũng làm con người ta dễ chịu hơn. Nhớ năm ngoái, nhằm giữa mùa đại dịch, tàu cũng ghé lại thành phố Lisbon, thủy thủ chúng tôi lên phố phải tuân thủ luật phòng dịch. Nghĩa là lên bờ phải đeo khẩu trang, vô siêu thị phải giữ khoảng cách với nhau và khi vô quán người phục vụ đặt đâu chúng tôi phải ngồi đó. Bây giờ dịch đã qua rồi, thủy thủ tha hồ mà đổ bộ, không còn cái cảnh khi ăn, uống mới được tháo khẩu trang và ăn, uống xong khi ra đường thì kéo khẩu trang lên đậy miệng, mũi lại.

Ivan từ trong mui đi ra, có lẽ nó từ hầm máy mới chui lên nên còn bận nguyên bộ đồ bảo hộ, hai tay cầm hai chai bia và khui bia bằng cái khui của nó tự chế bằng bù lon, con tán. Khui xong nó đưa cho tôi một chai và nói:

– Ông uống với tui.

Mấy tháng qua đầu gối của tôi bị viêm, đau luôn cả bắp chưn, anh bạn y sĩ châm cứu trị cho tôi đau mười phần giảm bớt tám chín phần. Trước ngày tôi lên đường anh bạn dặn phải uống thuốc đúng giờ; không được uống bia, rượu và ăn đồ cay. Hôm ở khách sạn của phi trường, tình cờ ngồi chung với cặp trai gái người Tàu, thấy vui vui tôi uống hết ba ly bia nửa lít. Sáng hôm sau ra phi trường, kéo hành lý chen chúc hết mấy tiếng đồng hồ, hổng biết vì uống bia hay vì đứng lâu mà chưn tôi bị đau, nhức lại. Nhưng trước sự vồn vã của Ivan làm tôi không từ chối chai bia của nó mời được. Nó đưa chai lên mời, tôi đưa chai lên cụng với nó một cái, rồi hai thằng ngước cổ nốc một hơi. Xong nó khoe:

– Tàu tới Lisbon tui về.

– Ồ, vậy sao? Có vé bay chưa?

– Có rồi, chiều mai tôi lên khách sạn ngủ, sáng mốt bay qua Minsk, Belarus đổi chuyến bay qua Moscow.

Nhờ nó nói tôi mới biết là cấm thì cấm, người ta cũng biết cách luồn lách. Còn bữa trước nó nói không biết phải đi cách nào, chắc là nói cho qua chuyện thôi. Tôi nói:

– Oh, vậy là tốt rồi.

Định hỏi nó có trở lại làm việc nữa không? Nhưng thấy bình thường thì không sao, hoàn cảnh lúc này thì có hơi ngại. Với lại từ hôm gặp nó tới nay mới thấy nó được thoải mái một chút. Không biết Ivan nghĩ gì mà nó im lặng. Tôi nhìn biển nhìn trăng và sao trời, tất cả đều lặng yên. Một lúc sau tôi mới tìm ra câu hỏi để phá tan bầu không khí có vẻ lạnh lùng này:

– Mày có tới thành phố Lisbon lần nào chưa?

Hình như nó cũng cảm nhận thoát được cái bầu không khí minh mông nhưng trầm lắng này. Nó day qua tôi lắc đầu và nói:

– Không, không tôi chưa một lần lên Lisbon, nhưng đọc báo du lịch tôi biết nó đẹp lắm.

– Đúng rồi, Lisbon là một thành phố cổ kính nhưng rất hiện đại, là một thành phố hiền hoà và cũng khá an toàn cho khách bốn phương. Tao nghĩ nơi đây cũng là một trong những thành phố lý tưởng cho khách du lịch nào thích tham quan thành phố.

– Đúng rồi, Lisbon vẫn còn dùng xe điện có một toa ngắn, loại xe xưa cách đây hàng thế kỷ và xe tuk tuk (xe lam), hình như hai loại xe này trong các đô thị Âu Châu chỉ có thủ đô Lisbon còn xử dụng. À mà ông có tới sân vận động José Alvalade chưa?

– Chưa, có lẽ vì tao hổng ưa đá banh nên tao không thích tới đó.

– Tui nghĩ tới Lisbon mà không tới sân vận động José Alvalade là thiếu sót.

– Thật ra thì tao không thích đi mình ên tới những nơi lộng lẫy do bàn tay con người xây dựng.

Nó cười thành tiếng:

– Vậy sao tôi thấy ông tham quan thành phố Venezia và đi xem những ngôi nhà cổ, đồn bót cũ kỹ cách đây vài trăm năm trên quần đảo Canary ông khen đẹp và kiên cố quá trời?

– Vì những thứ đó nó có từ bao thế kỷ, nó đã trở thành đồ cổ rồi.

Ivan cười:

– Vậy là phải chờ một hai thế kỷ nữa, cho sân vận động José Alvalade thành đồ cổ rồi ông mới tới xem.

Chúng tôi cười ha hả và đưa bia lên cụng. Ngước cổ uống hết phần bia còn lại trong chai, liệng chai vô thùng rác. Ivan móc trong túi áo bảo hộ thêm hai chai bia nữa.

– Trời! Mày thủ sẵn bia trong túi?

Nó đưa chai bia mới khui cho tôi và nói:

– Dĩ nhiên.

Sau khi bỏ đồ khui vô túi áo, nó đưa chai lên cụng. Vậy là chúng tôi uống tiếp tục. Uống xong tôi nói:

– Thiệt ra thì đi chơi mình ên tao thích tìm những món đặc sản nơi mình đến và hoà mình với dân địa phương. Còn những nơi hoành tráng thì đi chung với người hợp ý mới vui. Tao có ý định sẽ dẫn vợ tao đi Lisbon một lần, chắc chắn sẽ tới sân vận động José Alvalade cho bà xã tao chụp hình danh lam nổi tiếng cho thỏa thích.

– Tôi có nghe thủy thủ đoàn nói ông biết nhiều về những món ăn địa phương ngon lắm.

– Dĩ nhiên, tao là đầu bếp mà và tao cũng thường dẫn thủy thủ In Đô lên ăn những món ngon lạ của nhiều nơi chớ hổng riêng của Bồ Đào Nha.

– Ông thấy ở Lisbon có món nào đặc biệt?

– Thiệt ra thì những phố cảng nằm hướng ra biển, thì không lạ gì chuyện quảng cáo về hải sản tươi sống nổi tiếng trong vùng, món nào cũng đặc biệt. Mày cũng biết đó, những nhà hàng, quán nhậu hải sản đông đúc giữa những con đường trung tâm thành phố, các đầu bếp thi nhau chế biến những món hải sản, trong khung cảnh rất vui tươi, rất hấp dẫn. Nhưng phiền cái là đi mình ên mà hổng biết chút khái niệm về ăn uống, thì khó mà chọn được các món ăn cho vừa miệng, một bữa nhậu vừa lòng. Thí dụ như Petiscos gọi chung là những món ăn nhẹ nổi tiếng của Bồ Đào Nha, nhưng Petiscos cũng giống như món tapas ở Tây Ban Nha, cũng là món nhấm nhẹ, uống rượu vang Bồ Đào Nha hay bia lạnh cũng ngon lắm.

 - Vậy làm sao biết món nào vừa miệng?

– Điều này rất khó nói, ở Bồ Đào Nha, có rất nhiều món ăn nhưng làm sao ăn thử hết. Tao chỉ đưa ra vài món thông thường tao thích như salade de polvo (salad bạch tuộc), pastéis de Bacalhau (cá tuyết chiên giòn) và caracóis (ốc)...

– Nhưng nhiều món đặc biệt quá thì biết chọn món nào?

– Thì vô nhà hàng nhìn hình ảnh trong thực đơn, thấy món nào bắt mắt thì chọn, theo tao thì các món ăn trong nhà hàng, món nào nhìn cũng hấp dẫn và mùi vị thơm ngon. Nhưng cái khung cảnh chỗ ngồi mới góp phần tạo ra cái đặc biệt. Thích nhứt là tìm một chỗ ngồi thích hợp và vài món ăn nhẹ để thưởng thức và chia sẻ với bạn bè, kèm theo một chai bia hoặc chai rượu vang Bồ Đào Nha.

Ivan đưa bia mời tôi uống, xong rồi hỏi:

– Là sao?

Tôi nói:

– Thay vì sắp xếp một danh sách các món ăn ngon trong đầu giống như tao kể nãy giờ. Tốt hơn hết chỉ cần tìm một khung cảnh đẹp trên bãi biển hoặc một nơi trong góc phố thích hợp chọn một vài món vặt, đồ nhấm nhẹ và uống một vài ly rượu vang bản xứ là cảm thấy đặc biệt lắm rồi.

– Nãy giờ uống bia khan và nghe ông kể các món ăn làm uống bia cũng rất ngon.

Tôi với Ivan ngước cổ uống hết chai bia. Xong nó chìa tay ra bắt tay tôi, gương mặt buồn bã nói:

– Sáng mai tôi đi sớm, lần này tôi về rồi hổng biết có còn gặp lại nữa không?

Lời từ giã như lời trăn trối và tôi cũng nghĩ như nó vậy, nhưng cũng nói một câu an ủi thông thường:

– Trái đất này nhỏ mà, còn sống thì mình còn gặp lại.

– Tui hy vọng!

Xong tôi với nó cầm hai vỏ bia bỏ vô thùng rác và chia tay bằng câu chúc ngủ ngon.

Vô phòng tắm rửa, đánh răng, thay đồ rồi lên giường nằm nhưng chưa ngủ. Đầu óc tôi suy nghĩ, chiến tranh lúc nào cũng buồn thảm, làm cho con người của những quốc gia khác nhau cũng bị ảnh hưởng lây và ngại ngùng, giữ kẽ mỗi khi đối diện nói chuyện với nhau. Tôi lại nhớ ra chuyện quá khứ, từ khi nước Liên Bang Sô Viết tan rã, nước Nga không còn tăm tối như thời cộng sản nữa. Người Ukraine và người Nga rất thân thiện và làm việc với nhau rất vui vẻ. Cho tới những năm gần đây chánh trị của hai nước bốc đồng và hục hặc thì họ không còn thân thiện và bắt đầu tỏ thái độ khó chịu với nhau. Cho tới khi tổng thống Putin phát động cuộc xâm lăng nước Ukraine thì người Ukraine không thấy qua đây làm việc nữa. Lúc này tôi mới hiểu ra những người Ukraine họ về nước để đầu quân chiến đấu, đánh đuổi giặc ngoại xâm. Chợt nhiên trong lòng tôi thấy thương cho dân nước Nga, họ mới hít thở không khí tự do chưa được bao lâu thì phải trở về với cuộc sống tối tăm của nước Nga thời chiến tranh lạnh. Không biết tương lai, số phận những người Nga tiến bộ này rồi sẽ đi về đâu?

.

Nguyễn Lê Hồng Hưng
Dronten 18-9-2022

Xem Chương 1 - Lên Đường

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhocnghethuat/van/gocbienxanh_2.html


Cái Đình - 2022