nguyễn như mÂy
Già Làng Api của tôi
<=== Ảnh: Thanh Tùng
Đầu mùa hè năm 1983 tôi là phóng viên đầu tiên và duy nhất tới được xã xa nhất và cao nhất của vùng núi Bác Ái (ở đầu đèo Ngoạn Mục, còn gọi là K' Rông Pha, nay thuộc tỉnh Ninh Thuận). Nhưng tôi chỉ là người luôn phải đi “theo sau” Api – một già làng tuy lúc ấy đã 55 tuổi, nhưng lại là một “tay” kỳ cựu nhiều kinh nghiệm của cả vùng núi rừng ấy. Ngay từ dưới chân núi, tôi đã “chạy” theo vì một bước sải chân của Api dài bằng ba bước đi của tôi. Tôi phải nhiều lần bảo chờ tôi đi với nhưng ông nói: vậy hả? mình đi nhanh như gió đã quen từ nhỏ rồi ... Rồi ông bước chậm lại để song hành với tôi nhưng chỉ được một chặp thì đâu lại vào đó! Nghĩa là tôi buộc lòng phải chạy theo ông suốt từ ngoài lộ vào tới chân núi. Tôi vừa mang theo hai máy chụp hình vừa đeo thêm một túi nặng 10 ký đựng nhiều cá khô và ít vật dụng cá nhân trong đó có cà phê bột và mấy cái “bánh xe lịch sử” bằng khoai mì luộc sẵn – là lương khô của thời bao cấp ấy. Gian khổ nhất là những bước đầu tiên đi vào con đường do xe lô của huyện mới ủi để mở đường tắt lên làng cho gần hơn. Cây rừng rậm rịt quanh chân núi tới nỗi gần cả buổi sáng vẫn tìm không ra chút ánh sáng trời. Đó là chưa nói tới những tre gai do ông trời thích rải đầy suốt dọc đường để chào đón tôi – một thanh niên thành phố ham thích phiêu lưu mạo hiểm mới chịu đi như thế này. Dọc đường, Api quất mạnh cành cây đã tuốt sạch hết là kêu “trót trót” cho cọp beo và trăn, rắn nghe tiếng roi mà tránh xa (!?). May là cả buổi sáng hôm ấy tụi thú hoang như đã rủ nhau qua núi bên kia kiếm ăn nên hai anh em cứ vừa leo núi vừa thở phì phò như hai con trâu mà không lo sợ gì nhiều. Tôi nhớ đâu chừng khoảng ba giờ đồng hồ sau bọn tôi mới lên tới làng. Lúc này trời nắng như lửa đốt trong làng. Ai cũng núp trong nhà nhìn ra những cái sân đất khô đang phơi lúa rẫy tới độ vàng cháy. Bọn dê và chó chạy theo tôi đánh hơi người lạ như các anh bảo vệ của làng. Bỗng dưng tôi vờ ngồi sụp xuống giữa đường đi thì tất cả bọn chúng liền quay đầu bỏ chạy ngay. Đó là “phép” đuổi thú rừng – loại không nguy hiểm do bà con Rắc-Lay vùng núi bày cho tôi. Nhưng có một con chó to như cọp đánh hơi cá khô trong bọc của tôi nên liền ra vẻ ngoan ngoãn đứng lại nhìn mà không có ý kiến gì về người khách lạ lần đầu tiên xâm nhập vào làng của nó. Tôi biết ý nó nên đưa cả gói cá khô ra, nó như thèm lắm rồi nên nhảy ào vào vòng tay tôi như một em bé lâu ngày không được ai bồng ẵm. Tôi vuốt ve rồi nói với nó rằng: phần của con sẽ có vào tối nay nha. Không biết nghĩ sao, nó quẫy đuôi rồi bỏ đi về hướng suối. Vậy là tôi đã có thêm một bạn bốn chân suốt tuần tôi ở lại chơi với làng, tôi nghĩ vậy. Còn Api thì đang đứng nhìn cảnh chó và người làm quen nhau từ nãy giờ nên chỉ biết cười cười rồi đi quơ cây khô để làm bếp cho tôi nấu nước pha cà phê – Api từng học lớp hai ở huyện và từng cà phê cà pháo nên ra vẻ thích cùng tôi vui chơi mấy món “tư sản” của dân miền xuôi. Lại vẫn ba cục đá núi bằng nắm tay mà “xây” lên thành cái lò bếp bên chái nhà sàn ngay trên bờ suối. Theo lời Api, nhà sàn bằng tre ấy là “nhà khách” dành cho khách cấp huyện, tỉnh; nhưng mãi tới hôm nay vẫn chỉ có mình tôi là khách duy nhất!
Tới lúc mặt trời dần khuất bên kia núi, tôi được mời ra ăn chiều với bà con. Đuốc thắp sáng bằng dầu rái cháy đỏ cả một góc núi. Đó là một bữa tiệc thịnh soạn với nào là thịt dê, cừu, nai và khoai lang đỏ nướng lửa than... Tôi biết mình sắp “được” say tới sớm nhất là chiều mai mới mong được hồi tỉnh lại – vì rượu của họ luôn đi kèm với thuốc lá rẫy – chỉ vài hơi khói thôi thì người miền xuôi sẽ “chết” ngay tại chỗ rồi. Do biết trước, tôi uống nửa bát (to bằng ba cái chén ăn cơm của miền xuôi ), còn lại để mời Già làng Api. Vậy rồi tôi vẫn là người “say quất cần câu” trước hết. Họ chia nhau nắm hai tay và hai chân tôi rồi nhẹ nhàng đặt cái xác tôi lên giường tre giữa nhà. Khi tôi tỉnh đậy thì đã qua trưa ngày thứ ba tính từ lúc tôi vào cuộc nhậu này! Api nấu cháo bắp cho tôi ăn với cá khô suốt một ngày đó rồi tôi mới cảm thấy dần dần khoẻ lại. Api vui mừng ra mặt, còn tôi thì rơm rớm nước mắt vì cảm động.
Mẹ của Api đã hơn 90 tuổi nhưng còn lặn lội đi cắt măng, hái tổ ong để cho tôi “đem về làm quà” cho bà con dưới xuôi. Bà như một người mẹ già lúc nào cũng lo ngồi bên săn sóc cho tôi. Sao mà tôi đã cảm động tới nỗi muốn khóc thật to lên như một em bé! Rồi tôi đã không dám từ chối lòng tốt của Mẹ và bà con. Nhưng khi tôi đưa tay ra cầm các món quà ấy thì con chó hôm nọ ở đâu chạy tới cắn chặt lấy gói quà. Mẹ của Api mới giải thích – qua thông dịch của Api: nó cũng muốn bày tỏ tình cảm yêu quí chớ không phải đòi quà lại đâu; đừng lo gì mà tội cho nó! Mẹ Api nắm chặt cứng cả hai bàn tay tôi như một người mẹ già của chúng ta muốn dặn dò con yêu điều gì... Tôi chỉ biết run run mà nói lời cảm ơn đẹp nhất tới Mẹ và Api. Rồi tôi lại ngồi im để nghe lời Mẹ nói về làng bản, quê hương rừng núi quanh năm đầy khói sương của mình – qua lời dịch của Api. Mẹ nhìn vào mắt tôi làm tôi không cầm được nước mắt... Tôi khóc nữa đây Api ơi!..
Khi trời dứt hết mưa sau ba ngày dài, nước suối cạn lại như cũ, Api mới chịu “dắt” tôi từng bước theo đường mòn xuống núi để ra về. Chân tôi nghẹn ngào nên không sao bước đi được chớ không phải do lòng tôi chần chừ muốn khóc khi phải từ biệt bà con... Api cũng khóc làm cho cả làng và cả tôi nữa đều thút thít khóc theo. Tôi nghĩ: chắc sẽ không có lần thứ hai tôi “mò mẫm” lên đây với bà con nữa đâu! Không phải vì đường núi cheo leo, chông gai khó đi trong gian khổ mà vì công việc tôi sẽ khó mà có dịp quay lại thăm bà con!
Tiễn tôi ra tận đầu đường mòn xuống núi – ngoài Api thân mến như một em trai sương gió – là bầy dê chó và đám gà vịt hôm nọ từng nháo nhác bỏ chạy tán loạn khi tôi mới chân ướt chán ráo bước vào làng... Chúng như rủ nhau cùng đủng đa đủng đỉnh đi từng bước theo sau tôi và Api rất thân mến của chúng...
* Để nhớ và thương Mẹ Rắc-Lay và Api ngày xưa của tôi yêu quí...
nguyễn như mÂy
Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhocnghethuat/van/gialangapi.html