Topa
Gã Việt kiều điên trên đường phố Sàigòn
“Gã là ai?”
“Gã tên gì?”
“Gã từ đâu đến?”
Những người nhìn thấy gã lần đầu, chắc chắn không một ai để ý đến gã làm gì, nếu không muốn nói, phải lánh xa gã. Người điên điên khùng khùng, người thất tình, người thất nghiệp, người thất chí… không hiếm trên đường phố Sàigòn những tháng năm sau ngày Sàigòn bị đổi chủ và đổi tên cho đến tận ngày hôm nay.
Những người nhiều lần nhìn thấy gã, một gã đàn ông tuổi trung niên, chân không mang giầy hoặc dép; với chiếc khăn hình như chưa được giặt bao giờ và luôn được vắt trên vai… Suốt ngày đi lang thang trên đường phố Sàigòn với gương mặt ngơ ngơ ngáo ngáo mà miệng thì không ngớt nói lảm nhảm những lời gì đó mà không một người nào nghe rõ. Người ta gặp gã nhiều lần quá nên người ta đã hỏi nhau ba câu hỏi đó. Và, người được hỏi, nếu từng hỏi chuyện gã thì chỉ có thể trả lời câu thứ nhứt và thứ nhì mà thôi: “Gã là tên Việt kiều điên. Tên của gã là Jim hay Jam… gì đó.” Không người dân nào biết gã từ quốc gia nào đến thành phố Sàigòn này. Những người hiếu kỳ đã hỏi ngay chính gã thì được gã trả lời chỉ một câu gọn lỏn, “Tôi tên James”. Sau câu nói như muốn giới thiệu tên của mình với người hỏi, thường thì gã sẽ bắt đầu nói tiếp, nếu như gã cảm nhận được người hỏi sẽ không gây nguy hại cho gã. Gã sẽ nói câu mà gã thường lảm nhảm khi đi trên đường phố. Người hỏi dù là đàn ông hay đàn bà thì câu nói vẫn giống như nhau. Gã nói:
“Thưa quý ông, thưa quý bà, tôi biết rất rõ về nó. Nó là tên đểu cáng, nó là tên ‘ăn cháo đái bát’ và cũng là tên dâm đãng, nên khi ‘chơi’ người ta chán chê rồi nó liền chạy làng và giao cho tên đàn em mà nó cho nhiều quyền… ‘chơi’ tiếp. Tên đàn em ‘chơi’ chán chê rồi liền tạo ra tai nạn xe để bịt miệng; để cho tên dâm dục và láu cá kia còn đường ôm hôn các em gái nhi đồng. Tên già đó gây nên rất nhiều tội ác động trời nhưng không một người nào dám truy tố nó. Khi nó chết rồi bọn láu cá vẫn muốn lợi dụng tên của nó để tiếp tục được… chơi. Chính bọn láu cá đó đã ra lệnh cướp đất cướp nhà của dân nghèo. Tổ cha bọn láu cá đó.”
Thấy gã là người dở hơi, thế là người ta gọi gã là, gã Việt kiều điên. Nhưng, tất cả những người đã tiếp xúc với gã, đều phải công nhận là, gã ăn nói lưu loát và chửi không tục tằn. Gã đáng thương hơn ghét. Gã dễ gần gủi hơn là phải xa lánh.
Cho đến thời điểm hiện tại, vẫn không một người nào biết tên Việt Nam của gã gọi là gì, và, gã từ quốc gia nào trở về lại nước Việt này. Nhưng, chắc chắn công an biết hết về gã. Mà, công an đã không nói thì có người dân nào dám hỏi đâu. Ngày xa xưa lắm trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa, cảnh sát là bạn dân. Bây giờ, trong chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa, công an là cha là mẹ của dân. Công an gần như được bao che để đánh, chửi, và giết dân. Nếu chuyện đánh chửi và giết đó không bị phát giác thì... cho qua luôn. Đó cũng là một trong rất nhiều điều khác biệt giữa hai chế độ tự do và độc tài.
Không biết bắt đầu từ khi nào mà rồi gã James lại cứ đi lang thang từ ngày này qua ngày khác khắp hang cùng ngõ hẻm trong thành phố Sàigòn này. Gã có mặt gần như khắp thành phố từ sáng sớm tinh mơ, khi mà rất nhiều người vẫn còn đang say sưa giấc nồng trong chăn êm nệm ấm, cho đến tối mịt lúc đèn đường đã lên từ lâu. Những bà con buôn gánh bán bưng, những chú bác xích lô hoặc xe ba gác và các anh xe ôm… đã hơn một lần gặp gã đến các chợ như, chợ Sàigòn, chợ Tân Định, chợ Bà Chiểu, chợ Gò Vấp; và, xa hơn một chút là chợ Bình Tây ở tuốt luốt trong Chợ Lớn... đều không ngờ sao gã lại có thể đi nhiều đến như vậy được. Những bà con buôn bán trong các chợ thấy gã hiền từ chứ không dữ dằn nên đã cho gã thức ăn và các loại trái cây. Gã nhận và luôn cúi đầu nói: Cám ơn.
Gã hiểu rất rõ sự việc mình đi lang thang mỗi ngày. Và, gã cũng luôn xác định với mọi người một trăm phần một trăm rằng: “Tôi hoàn toàn không điên.” Có lẽ vì gã có tật vừa bước chân đi, miệng vừa nói lảm nhảm không thành tiếng nên mọi người cho là gã bị điên chăng? Gã James quả quyết: “Tôi không điên. Tôi vẫn còn sáng suốt lắm. Người ta bắt tôi vô trại bệnh tâm thần, nhưng, các bác sĩ cũng phải thả tôi ra”. Đó là gã nói. Gã James gần như lập đi lập lại như là điều cần phải giải thích với những người mà gã gặp trên đường, và nhìn gã với ánh mắt như thương hại hoặc như khinh bỉ: “Tôi hoàn toàn không điên.” Vì muốn chứng minh mình không điên, nên những lúc có đông đảo người qua kẻ lại ở những nơi mà gã đang đứng, thế là gã nói thật lớn với giọng oang oang hùng hồn như người đang diễn thuyết. Gã nói về những chuyện thời sự, về kinh tế, về xã hội bên trong nước cũng như ở ngoại quốc đã và đang xảy ra. Gã cũng nói luôn về đảng cộng sản Việt Nam và những cộng đồng người Việt ở hải ngoại nữa. Gã nói đủ mọi thứ đề tài để nếu ai đó muốn nghe gã nói, hoặc muốn hỏi gã điều gì, sẽ hiểu là gã còn sáng suốt lắm chứ không điên. Nhưng, buồn thay, không một người nào muốn đứng lại để nghe gã nói. Và, cũng chẳng có một người nào muốn hỏi gã điều gì cả.
Mặc dù với thiện chí như vậy, nhưng, mọi người vẫn luôn cho gã là người điên, có lẽ một phần cũng vì hai con mắt của gã cứ hay nhìn thẳng vào mặt những người phụ nữ, tuy nhìn với ánh mắt thật hiền từ như là ánh mắt của kẻ đang van xin cầu khẩn. Cái nhìn của gã làm người bị nhìn rất khó chịu. Nhìn chằm chằm ngay mặt những người phụ nữ xa lạ thì dĩ nhiên không một người phụ nữ nào có thể chấp nhận được; nhất là những nữ công an. Gã James cũng biết mình hành động như vậy là không đúng, nhưng, gã không thể làm khác được. Vì, “có nhìn như vậy tôi mới tìm ra được điều mà tôi muốn tìm.” Gã đã nói với mọi người như vậy, nhưng họ không chấp nhận. Có những người phụ nữ đang đi trên đường thình lình bị gã chận lại hỏi chuyện và rồi người phụ nữ đó cũng sẽ vui vẻ trả lời lại với gã thật lích sự, thật đàng hoàng, rồi mới bước đi tiếp. Thỉnh thoảng gã cũng gặp phải những người phụ nữ nhìn lại ngay mặt gã với đôi con mắt có vẻ như giận dữ, như nhìn phải một tên bất lương, một tên ăn cắp hay móc túi. Nhưng, kết cuộc thì những người phụ nữ đó cũng sẽ đổi thái độ từ giận dữ qua cười vui với gã khi nhìn thấy thái độ của gã không có vẻ đe dọa mà lại nói chuyện rất lịch sự.
Thật ra thì gã James cũng không biết, hay không nhớ, nhà của gã ở đâu. Gã James vì thường lang thang ngoài đường phố cả ngày nên bị đa số người gọi là thằng. Trên cõi đời này không một người nào lại gọi người điên là ông hay bà với sự nể nang kính trọng cả. Tuổi đời của gã cũng đã cao rồi. Tuổi của gã cũng khoảng sáu mươi lăm sáu mươi sáu rồi chứ còn trẻ trung gì nữa đâu. Vậy mà người ta vẫn gọi gã là thằng. Có rất nhiều người nêu thắc mắc hỏi: “Thế đêm đến mày ngủ ở đâu?” Gã James không thể trả lời vì… gã có biết mình ngủ ở nơi nào nhất định đâu để mà nói chứ. Nhưng, mấy tay công an thì biết rõ gã ngủ ở đâu. Dĩ nhiên là như vậy vì... công an mà. “Cả đất nước này mỗi một người dân phải là một người an ninh… là tai mắt của nhà nước.” Có lần gã James nghe người của nhà cầm quyền mong muốn điều như vậy sẽ xảy đến. Nhưng, người dân gọi những người muốn biến mình thành công an chìm là con chó. Con chó săn. Nên… kêu gọi nhiều mà gần như không được người trong thành phố đáp ứng… ngoài mấy người thất học và thất nghiệp.
Thời khóa biểu trong hai mươi bốn tiếng của gã Việt kiều điên gần như không bao giờ thay đổi. Cứ khoảng bốn năm giờ sáng là gã đã có mặt, khi thì ở chợ Bà Chiều. Có khi lại ở chợ Ông Tạ. Có khi lại ở tận chợ Bà Quẹo… vân vân. Khi bước chân đi, gã thường nói như muốn cho mọi người nghe là: “Tôi có vợ quý ông quý bà ơi. Điều đó rõ ràng như hai với hai là bốn. Và, cũng chắc như đinh đóng vô cột là tôi có vợ. Vợ tôi còn rất trẻ nhưng kể từ khi thằng tài xế của “bác” chở vợ tôi đi cho tới nay thì cả hai vẫn chưa thấy quay về.”
Một ngày kia, một người mặc thường phục nhưng có vẻ mặt ‘hình sự’ nghe gã nói như vậy liền sừng sộ hỏi gã:
“Mày vừa nói về bác, là bác nào vậy? Trả lời mau. Không thì chết với ông ngay đấy”.
Gã vẫn bình tĩnh và… hiên ngang trả lời:
“Thì… bác của tôi. Tôi gọi là bác vì… bác của tôi mà.”
Gã vừa nói dứt câu thì có một người đàn bà đi ngang qua trước mặt gã. Gã liền lên tiếng gọi:
“Này, chị kia!”
Gã chận người phụ nữ đẹp đang vội vã bước trên đường lại. Người phụ nữ nghe gã gọi lập tức dừng chân lại ngay. Phải dừng chân lại ngay vì làm sao người phụ nữ đó biết gã là ai trong cái thời buổi này. Thời buổi gì mà con người xử sự với con người còn hơn là thú vật nữa. Người ta thích dọa nạt, thích ra oai với người dân bình thường nhưng người ta sẵn sàng cúi đầu tới sát đất trước những ‘người lạ’; trước những con người có tiền có bạc ở các nước khác đến đây làm ăn. Có những người ăn mặc cũng tệ hại lắm mà khi ngồi thì co hai chân lên ghế như thể chỗ đang ngồi bị lụt vậy. Mặt thì lúc nào cũng cứ vênh vênh váo váo như cáo thấy gà. Vậy mà ai tỏ vẻ khinh khi là người đó mắng chửi ngay vô mặt, nào là không có văn minh không có văn hoá gì cả. Còn chửi, nào là tàn dư của đế quốc, nào là bọn đĩ điếm bọn chạy theo… ăn bơ thừa sữa cặn… nhiều nhiều lắm nên người ta sợ.
“Chị có phải là vợ của tôi không? Hay chị là bạn của vợ tôi?”
Người phụ nữ đổi sợ thành giận và toan nói ra những lời nặng nhẹ với gã. Nhưng, khi người phụ nữ thấy gã hỏi chuyện rất đàng hoàng và với ánh mắt nhìn thật hiền từ không có vẻ gì muốn làm hại chị, nên chị trả lời cách rất vui vẻ:
“Ông... dzô dziên thiệt đó nhe. Tui hổng phải là dzợ của ông hay là bạn của dzợ ông đâu nhé.”
“Này, chị đừng vội giận tôi. Tôi biết chị có chồng thì cũng như tôi phải có vợ, đúng không nào? Thế thì vợ tôi đâu chị hãy nói rõ cho tôi biết xem nào.”
Người phụ nữ nhìn gã với đôi con mắt thông cảm và thương hại nữa. Có lẽ chị nghĩ gã bị sa cơ lỡ vận nên thất chí? Vì nghĩ vậy nên chị xuống giọng nhẹ hơn trước:
“Ông ơi. Chuyện dzợ con của ông thì làm sao tui biết được chứ. Thôi, tui có chuyện gấp lắm phải đi đây. Ông hãy đi tìm dzợ của ông đi. Tui chúc ông được nhiều thành công và may mắn nhé.”
Nói rồi người phụ nữ lắc lắc cái đầu cùng điểm một nụ cười nhẹ và bước đi tiếp. Gã Việt kiều điên nhìn theo người phụ nữ một lúc rồi cũng lắc lắc cái đầu và cũng bước đi tiếp hướng trước mặt.
Người mặc bộ thường phục có vẻ mặt ‘hình sự’cũng lắc lắc cái đầu và đi qua bên kia đường. Những người phu xích lô và xe ôm thì đã quá quen mặt gã nên khi chứng kiến cảnh đó họ thường chép miệng nói với nhau: “Cả nước này bây giờ hễ ra ngõ, ra đường là gặp người điên và gặp đĩ ngay. Vậy mà có nhiều người lại cố tình nói khác đi để che giấu cái mặc cảm tự ti. Những tên đó mới là người điên nên cho mọi người là điên. Những tên đó vì điên nên muốn biến bọn mình trở thành nghèo hèn đói rách hơn ngày xưa. Bọn chúng muốn bọn mình đói nên sắp tới bọn chúng sẽ ra lệnh cấm các loại xe thô sơ chạy trong thành phố. Rồi đây bọn chúng sẽ làm cho đường phố Sàigòn thành… hoang mạc hết.”
Một người phu xe đứng gần bên tỏ vẻ rành chuyện chính trị rành chuyện thời sự nên nói tiếp vô:
“Bọn chúng nó muốn trả thù người miền Nam mình nên… bọn chúng mình phải bị hy sinh trước. Bọn chúng nó cho rằng bọn mình thuộc thành phần bình dân và thất học. Tức là thành phần dễ bất mãn. Bọn chúng nói phải mình cũng phải nghe mà nói trái đi mình cũng phải nghe.”
“Này thằng kia. Nhà mày ở đâu mà cứ lang thang ngoài đường hoài vậy?”
Một tên đàn ông có dáng vẻ là công an chìm vì hắn mặc thường phục. Hắn muốn ra oai với gã như vậy để cho mọi người sợ, chứ người dân bình thường thì ai rỗi hơi bỏ công hỏi chuyện gã làm gì cho thêm phiền phức và mất thời giờ.
Gã Việt kiều điên tên James chống hai tay vô cạnh sườn và hất cái mặt lên thật cao. Gã nói với vẻ rất hãnh diện:
“Nhà tôi ở đây. Nhà của tôi ở ngay đây… Anh nghe rõ chứ? Nhà của anh ở trong hang động, ở trong rừng chứ không phải ở đây, anh phải biết rõ điều đó. Anh đang ở trong nhà của tôi thế mà anh lại hỏi nhà tôi ở đâu là làm sao chứ. Nhà của tôi rộng bao la… từ Ải Nam Quan cho đến tận cùng mũi Cà Mau nên mọi người đều có thể ra vô tự nhiên được mà.”
“Mày là thằng điên mà cũng biết lập luận ra trò đó chứ. Dưới bầu trời này, vùng đất này, mày cho là nhà của mày hả?”
“Đúng như vậy. Chính các anh là những thằng điên nên mới ngăn cản những người muốn về lại căn nhà mà người ta từng ở đây. Người ta muốn về thì các anh lại không cho, hoặc cho thì lại bắt ép người ta phải xin xỏ này nọ. Các anh có biết làm như vậy là gây thêm thù và chuốc thêm oán hay không? Thù oán sẽ tạo ra oán thù đời đời kiếp kiếp đó nghe… con.”
“Này, mày đừng nói năng vô trật tự như thế nhé. Liệu hồn đấy. Có nhà thì cứ về chứ ai cấm cản làm gì. Bắt phải xin xỏ này nọ là để dễ kiểm soát và làm thống kê mà thôi. Mày phải hiểu cho rõ ràng là, ai được quyền lãnh đạo, ai được phép làm chủ và ai được phân công làm quản lý mà. Điên thì cũng điên vừa vừa thôi chứ không thì chúng ông cũng có cách làm cho mày phải tỉnh lại ngay đấy. Cho đi cải tạo chừng… hai mươi năm là tỉnh lại ngay thôi.”
“Anh điên thì anh lại nói tôi điên là thế nào. Tôi chỉ bị quẩn trí một chút vì con vợ trẻ của tôi ra đi cho đến nay mà sao vẫn chưa thấy quay về nên tôi phải đi lang thang tìm. Tôi tìm là vì tôi lo cho nó sẽ bị người ta tạo ra tai nạn xe cộ giống như…con mường con mán khi xưa bị đến hai thằng ‘chơi’ cho đã rồi giết chết. Vậy mà mấy người không thông cảm lại còn cho tôi là điên à.? Miệng thì lúc nào cũng cứ oang oang lên phải hòa giải hòa hợp nhưng trong lòng thì đầy dao.”
Gã chận một người phụ nữ có dáng nhà quê lại:
“Này chị kia! Chị có nghe người này vừa nói gì không?”
Tội nghiệp chị đàn bà nhà quê đã giật nẩy mình lên khi thấy gã, một người đàn ông hoàn toàn xa lạ gọi chị. Chị dừng chân lại nhìn gã và chờ đợi.
“Tôi hỏi chị có nghe người đàn ông khi nãy nói gì không mà chị lại cứ trơ mặt ra nhìn tôi là thế nào?”
“Tôi… Tôi không để ý, tôi không nghe gì cả.”
Chị nhà quê có vẻ sợ thật.
“Chị có biết vợ tôi ở đâu không?”
Chị đàn bà nhà quê thoáng ngạc nhiên và rồi chị liền mỉm cười rồi nói:
“Ông qua Mã Lai, ông qua Cam-Pu-Chia, ông qua Đài Loan, ông qua Nam Hàn mà tìm. Ở dưới quê tôi đàn ông như ông mất vợ thiếu cha gì. Ông có nghề ngỗng gì không?”
“Tôi từng là chủ nhân một cơ sở thương mại nhưng...”
Chị đàn bà nhà quê ngắt ngang câu nói của gã:
“Nhưng bất tài nên làm ăn thua lỗ phải không?”
Chị nhà quê vừa bỏ đi vừa nói lớn hơn để cho gã nghe:
“Nếu đúng như vậy thì bị vợ bỏ là đáng kiếp lắm rồi đó nghen.”
Gã bước mau theo chị đàn bà nhà quê để hỏi tiếp:
“Tại sao chị nói như vậy là đáng kiếp?”
Chị đàn bà nhà quê nhìn trước nhìn sau rồi mới nói nho nhỏ đủ cho một mình gã nghe:
“Chỉ có một mình ông là không biết thôi, chứ cả nước này ai ai mà không biết là “mấy thằng chả” qua tới tận bên kia chiêu dụ Việt Kiều chiêu dụ những tay tư bản… đang giãy chết là bên đây có rất nhiều gái đẹp. Như vậy thử hỏi còn người phụ nữ nào chung tình với những người chồng hay người yêu có hoàn cảnh chẳng may như ông không. Đó, gái đẹp được đem quảng cáo với các nước chứ có ai quảng cáo cái gì hay cái gì đẹp đâu. Rồi đây đàn ông ở các nước đó sẽ ùn ùn kéo qua đây thì phụ nữ cả nước… toàn đi làm đĩ hết thôi.”
“A!” - Gã James la lên đầy vẻ thích thú và nói tiếp:
“Chị coi vậy mà nói chuyện nghe được đó nha. Tôi thấy chị có vẻ nhà quê lắm, vậy mà chị cũng theo dõi tin tức thời sự nữa hé. Tôi hy vọng là chị sẽ tìm được vợ tôi lại cho tôi đó nghe.”
“Tôi là giáo viên cấp hai mới bị cho nghỉ việc vì tôi cứ bỏ lớp để đi tìm em gái tôi mà không biết nó còn ở trong nước hay đã đi ra nước ngoài rồi…”
“Em gái chị... Hay là em chị đã rủ rê vợ tôi... cũng không chừng.”
“Bọn giang hồ thì chuyên đi lùng gái đẹp. Bọn chúng được bao che và ăn chia với những tay đồ tể mà người ta gọi là VIP là đại gia để đưa các cô gái qua Trung Quốc làm gái một thời gian rồi giết chết để lấy nội tạng. Tôi nghĩ em tôi… không chừng cũng bị gạt gẫm đưa đi mất tiêu rồi. Bây giờ tôi phải đi tìm em tôi đây. Chào ông nhé. Chúc ông may mắn và mau tìm lại được vợ.”
Một người đàn bà khác vừa đi đến bên, gã James liền hỏi:
“Chị cho tôi hỏi thăm. Chị đã có chồng rồi phải không? Mà chị tên gì?”
Người đàn bà… nhăn cái trán lại như cố nhớ ra gã mà bà đã từng gặp gã qua rồi nên trả lời gã vẻ rất tự nhiên:
“Tên tôi giống với tên của người phụ nữ bị “bác”… Tôi tên Minh Khai. Nguyễn Thị Minh Khai. Tôi... có chồng rồi và, trước sau có đến hai đời chồng. Ông chồng thứ hai của tôi cũng bị bọn ma cô bọn giang hồ cô lập một thời gian rồi… chết ngắc.”
“Chồng của chị thuộc loại dâm ô nên đã đi với vợ tôi vì vậy mà bị giết chứ gì?”
“Ông phải biết, xã hội này làm nhỏ ăn nhỏ thua nhỏ. Làm lớn ăn lớn thua lớn. Gạt gẫm nhau và tham nhũng cứ như là chuyện bình thường vì đạo đức của con người đã quá sa đọa ngang tầm với loài thú. Lão già dâm đãng và ‘ăn cháo đái bát’ nổi tiếng cả thế giới đều biết… chỉ có ông là không biết thôi.”
“Tôi không cần biết điều đó vì chính tôi cũng gian dối mà. Nhưng, có điều là tôi không dâm đãng và không ‘ăn cháo đái bát’ bao giờ cả. Tôi làm thương mại, mà, những người làm thương mại thì có ai là người ngay thẳng bao giờ đâu. Mua vốn một nhưng bán ra tới chín… mười lần lời. Có thể chồng của chị chính là tôi đây nhưng chị vì quá lo cho cuộc sống mà quên tôi rồi… phải không?”
“Ông… nói chuyện khôn quá há.”
Nói rồi người đàn bà cười lên khanh khách và bỏ đi vô trong chợ.
***
Trời mưa kéo đến thật mau làm cho gã Việt kiều điên luống cuống chạy đến ngồi đụt mưa dưới gốc cây cổ thụ thật lớn trong Vườn Tao Đàn. Ngồi co ro dưới gốc cây và nhìn quanh quẩn với cặp mắt thất thần. Và, cái đầu của gã bỗng như… được bình thường nên gã đã tự hỏi: “Vì sao tôi vẫn đi và vẫn tìm một hình bóng của quá khứ mà tôi hằng thương yêu nay đã xa lìa? Cái xã hội mà tôi từng sống qua là một xã hội nhân văn nhân bản và khai phóng… nay đã đâu rồi? Tôi đi tìm vì tôi tin rằng, rồi ra tôi sẽ tìm lại được những gì đã mất ngày hôm qua, bởi vì tự trong trái tim tôi, tôi tin ở lẽ công bằng của trời đất. Tôi chưa bao giờ có ý làm hại một người nào hay có ý nghĩ sẽ làm hại một con vật nào. Một nhóm người đang cuống cuồng tìm đủ mọi phương cách để thóat ra khỏi ngõ bí nhưng họ như những con cá bị mắc lưới nên hễ càng vùng vẫy thì càng bị siết chặt hơn.”
Mưa bắt đầu rơi xuống như trút nước. Một lũ trẻ con trần truồng đang chạy giỡn vui đùa và dùng chân đá vô các vũng nước làm nuớc văng tung tóe đến gốc cây nơi gã đang ngồi. Lũ trẻ con hồn nhiên đùa giỡn và không bận tâm về những giọt nước văng vô người gã. Nhìn lũ trẻ chạy nhảy trong mưa, gã chợt nghĩ đến thân phận con người: “Tất cả rồi sẽ trôi qua mau như những tia sáng sấm sét chợt chớp lóe lên rồi vụt tắt. Nhưng, con người lại là động vật độc ác nhứt như tiếng sấm sét kia đã làm cho mọi người sợ hãi và đôi khi đã cướp đi những mạng sống. Nhưng, đồng thời con người cũng là những động vật nhân ái nhứt nếu trong người có mang trái tim thật sự của con người. Tôi căm thù sự tàn bạo mà một số người đã và vẫn đang hành xử như những con dã thú. Những tấm thân tàn tạ rách nát như mình đây có gì để mà họ phải lo sợ và để bị căm thù? Người ta vẫn nuôi mãi sự thù hận với cả những con người mà chính miệng người ta thường rêu rao là phải bỏ qua hận thù để nhìn về phía trước cùng nắm tay nhau xây dựng lại đất nước xây dựng lại quê hương. Người ta… hy vọng là thế hệ của mình rồi sẽ qua đi và sự chống đối sẽ tự nhiên biến mất. Nhưng, người ta quên là
sự tàn bạo và cướp nhà cướp đất thì hận thù và chống đối sẽ là vĩnh viễn.”
Đám trẻ con đang chơi đùa dưới mưa nhưng thình lình gã nhìn thấy một nhóm năm sáu đứa đang vây đánh một đứa.Thằng bé cô thế cố thoát khỏi vòng vây nhưng chạy về phía nào nó cũng bị chận đánh. Cuối cùng khi bọn kia bỏ chạy hết và gã nhìn thấy thằng bé đã nằm bất động. Người người qua lại trên đường phố nhìn thằng bé bị đánh nằm đó như nhìn một đống rác hôi thối nên né tránh qua một bên. Tất cả mọi người điềm nhiên tiếp tục bước đi như không một ai bị động lòng; không một ai hay biết gì về sự thể đang xảy ra trước mặt. Một người ngoại quốc, một bà đầm dừng chân bên thằng bé. Bà cúi xuống nhìn nó rồi đứng lên nhìn quanh và đưa tay ngoắc chiếc tắc xi vừa chạy đến. Người tài xế tắc xi ẵm thằng bé vô xe và bà đầm cũng chui vô xe ngồi bên cạnh thằng bé rồi chiếc tắc xi chạy đi.
Gã như chợt nhớ ra là mình không phải ở chốn này. Gã nói lầm bầm trong miệng: “Đúng rồi, bà Đầm... Ông Tây… Ngày xưa mình đã ở đây và cũng từ nơi vùng đất này mình đã bỏ ra đi từ lâu rồi, mà tại sao bây giờ mình lại có mặt ở đây?” Gã bóp trán cố suy nghĩ để nhớ lại mọi chuyện nhưng quả thật là quá khó khăn. Gã đứng lên đi tới đi lui bên gốc cây một lúc, và, gã đảo mắt nhìn khắp chung quanh rồi la lên thật lớn: “Tôi biết tại sao rồi. Tôi biết tại sao rồi các người ơi. Chính bọn chúng. Chính bọn chúng đã toa rập với nhau để hãm hại tôi. Chính bọ chúng đã cướp hết tài sản của tôi. Tôi chính là người mà bọn chúng gọi là Việt kiều đây các người ơi. Tôi là tên Việt kiều ngu si và mê muội đã chạy được ra khỏi nơi này để rồi lại nghe lời dụ dỗ của mấy thằng ma cô chuyên quảng cáo gái đẹp để bây giờ tay trắng vẫn hoàn trắng tay đây. Tôi phải tìm bọn chúng để trả thù. Tôi phải trả thù. Phải trả thù...”
Gã đưa nắm đấm về phía trước và cắm đầu chạy băng qua đường. Nhưng, gã chợt đứng lại giữa đường vì nhìn thấy bảng ghi tên đường không còn là Hồng Thập Tự nữa mà là, Nguyễn Thị Minh Khai. Gã lẩm bẩm: “Nguyễn Thị Minh Khai. Nguyễn Thị… À! tôi nhớ ra rồi, người này… cũng bị lão già dâm đãng cướp lấy từ tay một người cùng là đồng chí với lão…” Khi gã chợt nhớ ra tên người đàn bà và đang nói thì… Một chiếc xe chở hàng chạy tới với tốc độ cao. Tiếng bánh xe cọ xát trên mặt đường phát ra thứ âm thanh rùng rợn … trong chỉ một vài khoảnh khắc thật ngắn ngủi, gã thấy thân mình của gã bay thật xa khoảng gần hai chục thước rồi rớt thật mạnh xuống cạnh đường. Gã rớt xuống cạnh bệ xi măng của lề đường. Cái đầu của gã gối lên bệ xi măng, và, từ cái đầu đó có một giòng máu thật mạnh phụt ra. Người đi đường đổ xô đến xem tai nạn và xem mặt gã thật đông làm tắc nghẽn giao thông. Gã nằm im nhìn mọi người xem họ sẽ làm gì với mình. Trong đám đông người đứng xem có một anh xe ôm chỉ vô gã và nói với mọi người:
“Tưởng ai hóa ra là thằng cha Việt kiều khùng điên hay đi lang thang tìm vợ đây mà.”
Chị bán thuốc lá trước một quán ăn ngay chỗ gã nằm vừa chắp hai tay trước ngực như cầu xin vừa nói:
“Chết như vậy mà lại sướng cái thân, đỡ phải vừa làm lụng cực nhọc mà lại không đủ ăn, lại vừa bị đàn áp… trong cái thời buổi khốn nạn đầy tham nhũng và xảo trá này”.
Một người bán hàng rong từ bên Vườn Tao Đàn vừa chen vô đứng cạnh bên xác của gã cũng nói xen vô:
“Trước khi ổng bị xe đụng, tôi nghe rõ ràng ổng vừa chạy vừa nói ổng là tên Việt kiều ngu si bị dụ dỗ.”
Anh xe ôm nói tiếp như là người biết rành mọi chuyện:
“Việt Kiều bây giờ cũng chẳng là cái thá gì cả đâu, so với “mấy ông kẹ”. tham nhũng. Tôi từng chở nhiều thằng Việt kiều già như thằng cha này. Đụ mẹ tụi nó kẹo còn hơn kẹo kéo nữa. Trả giá cứ như là mấy bà đi mua hàng trong chợ Sàigòn vậy. Thằng cha này ở bên đó chắc thất nghiệp bị vợ bỏ rồi về đây kiếm gái và khi hết tiền cũng bị gái đá nên bị điên bị khùng rồi cứ tưởng gái là vợ nên đi lang thang tìm hoài.”
Chị bán thuốc lá đảo mắt nhìn mọi người rồi nói:
“Không chừng dám anh đoán đúng là thằng cha Việt kiều này bị gái gạt lấy hết của cải nên hóa điên đây mà. Mấy thằng cha Việt kiều sồn sồn về đây ham gái trẻ bị gạt thiếu cha gì”.
Một người đàn ông đi trên chiếc xe du lịch bước ra và đi đến rẽ đám người hiếu kỳ qua một bên và nhìn xác của gã rồi nói:
“Ông này tôi biết. Ông là Việt kiều bị gạt về đây đầu tư đến mất hết tài sản rồi bị gái gạt đến không còn một xu dính túi. Ông này có một thời tạm trú trong chùa Khánh Anh ở Gò Vấp đây mà. Tôi ở gần đó nên biết ông này. Ông tên Jem hay Jam gì đó mà”.
Chị bán thuốc lá đem đến cái chiếu cũ đắp lên người gã. Gã thấy và biết hết, đồng thời gã cũng biết mình đã chết nên không thể phản đối hay lên tiếng gì được nữa. Một người nào đó đã đem đến đặt trước đầu gã chén cơm trắng có cái hột vịt luộc và ba cây nhang. Gã muốn ăn chén cơm trắng với cái trứng vịt luộc quá. Nhưng…
“Mấy người thuộc bộ phận nào đây? Giải tán ngay lập tức cho tôi.”
Mấy tên công an mặt còn non choẹt đáng hàng con cháu của gã và thân hình thì ốm nhom ốm nhách đang nhảy từ trên chiếc xe công an Quận Ba xuống. Mặt của đứa nào đứa nấy hầm hầm tỏ vẻ hình sự mà trong tay mỗi đứa đều có cầm cây dùi cui và đang cố ra oai với mọi người. Anh xe ôm vừa đạp máy xe vừa hậm hực nói nhỏ với ông đi trên chiếc xe du lịch biết chỗ ở của gã Việt Kiều điên:
“Phải hỏi thuộc cơ quan nào hoặc thuộc đoàn thể nào chứ sao lại hỏi thuộc bộ phận nào. Chẳng lẽ thuộc… bộ phận sinh dục? Đồ ngu như con bò tót mà hay nói chữ. Sao sấm sét không đánh ngay mấy đứa ngu ngốc và ưa làm tàng này cho chết mẹ hết đi để đời bớt khổ hơn”.
Mọi người tản ra xa hơn một chút để đứng xem những viên công an đang vẽ và đo khoảng cách trên mặt đường. Người tài xế chiếc xe chở hàng đã bỏ đi mất ngay sau khi nhìn thấy gã Việt Kiều nằm im lìm bên vệ đường.
Một tiếng đồng hồ sau, một chiếc xe chở thương chạy đến. Hai người đàn ông từ chiếc xe đó bước đến chỗ gã đang nằm. Và, một người nắm hai chân, một người nắm hai tay đặt gã nằm lên cái băng ca. Chiếc xe chở gã liền chạy thật nhanh qua các con đường với cái đèn báo hiệu ưu tiên.
Ngay khi chiếc xe chở thương vừa chảy khỏi, gã còn kịp nhìn thấy đám đông người cùng ùa đến giành giật chén cơm trắng với cái trứng vịt luộc mà gã muốn nhưng không được ăn.
Cơn mưa lớn lại đổ xuống và sấm sét vang rền cả thành phố. Nước mưa đổ xuống xối xả mỗi lúc mỗi mạnh hơn làm ngập cả con đường. Chị bán thuốc lá nãy giờ cầm cái chổi trong tay buột miệng nói như cho chỉ một mình chị nghe trong nỗi vui mừng:
“May quá! Vậy là tôi khỏi mất công quét cái đống máu kia. Lần đầu tiên tôi thấy sự lợi ích khi đường sá trong thành phố bị ngập lụt.”.
.
Topa (Hòa Lan)
Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhocnghethuat/van/gavietkieudien.html