nguyễn như mÂy


Đường về Mũi-Né

.

Cô Tạ Thị Rừng là bà con xa bên nội của tôi. Cha mẹ Rừng từ Bình Định vào Mũi-Né lập nghiệp và sinh ra một tá con gái mà Rừng là chị đầu nên mọi việc lớn nhỏ trong nhà đều do Rừng vừa đi học vừa gánh vác. Nhưng điều đáng nói là chúng tôi cùng tuổi và là bạn đồng môn từ năm đệ thất tới cuối cấp ba. Nhan sắc của Rừng đẹp “cáu cạnh” với style rất “thôn dã” của xứ biển Mũi-Né. Đôi mắt Rừng đen láy như hai hột nhãn, và lúc nào cũng có vẻ ươn ướt như mới được rửa trong nước biển Mũi-Né nên khi nói chuyện với nhau, tôi chỉ thích nhìn vào đôi mắt ấy rồi không nhớ Rừng đã nói gì! Tôi bị cô bạn học “la” nhiều lần chỉ vì “tật” ấy suốt mấy năm trời nhưng không có cách gì “sửa” cho ngay lại! Đó là tôi chưa “tả” thêm về vóc dáng rất thôn nữ dịu hiền, nết na ăn chắc mặc bền và dân dã của một Rừng chăm học và là học sinh học giỏi nhất liên lớp chúng tôi...

Lên cấp ba, Rừng học Anh văn nên chúng tôi tạm xa nhau vì tôi học Pháp văn (môn Anh văn là sinh ngữ phụ) và lại chọn ban “C” là ban Văn chương, trong khi Rừng học ban “A”. Nhưng mỗi cuối tuần, tôi được cả hai gia đình chọn chở Rừng từ nhà trọ ở Phan Thiết về nhà cha mẹ cô ở tận Mũi-Né – đường dài 23 cây số, bằng xe đạp sườn ngang bất kể nắng mưa hay những lúc hai đứa “trái gió trở trời” vì cái tánh khí con nít thích giận hờn vu vơ ...

Về nhà Rừng, tôi được trả công hậu hĩnh bằng bữa cơm trưa ăn với cá nục kho tiêu tỏi và ớt cay ngon “tuyệt cú mèo”; đó là chưa kể được uống nước dừa nạo thơm ngon và mát lạnh của vườn nhà Rừng. Tuy mọc ở sát biển nhưng nước dừa rất ngọt khi thêm vào vài giọt muối bột, và thơm ngon không sao tả nổi! Khi tôi về lại Phan Thiết, đám chị em nhà Rừng chất đầy “baga” xe đạp hơn chục trái dừa “nạo” dày cơm hoặc vài “tĩn” nước mắm nhỉ cá cơm để làm quà cho Ba Má tôi.

Tôi “ngán” nhất là mấy đoạn dốc cao ngất trên đường từ Phan Thiết về Mũi-Né, nhất là đoạn leo dốc đầu tiên cao ngất ở khu vực Lầu Ông Hoàng. Dĩ nhiên là Rừng phải xuống xe để đi bộ theo vì dốc cao quá, tôi không sao chở nặng được! Thậm chí, tuy đi bộ nhưng có khi cả hai đứa mồ hôi mồ kê ra ướt hết áo – tội nghiệp nhất là khi cô bạn học còn mặc nguyên bộ áo dài trắng nữ sinh và ôm cái cặp sách vở nặng trịch lẽo đẽo bước theo sau!..

Tôi nghe trong dân gian truyền khẩu rằng Mũi-Né là một “doi đất” (langue de terre / promontoire) được bồi đắp tự nhiên bằng cát biển. “Né” hay “Ná” trong địa danh Cà Ná (Phan Rang) đều để chỉ nơi dùng làm chỗ mua bán hải sản ngay bên bờ biển trong tiếng Chămpa xưa. Mũi-Né còn là một rừng dừa xanh ngát với bạt ngàn sóng vỗ quanh năm. Và cũng từ xa xưa, Mũi-Né còn là quê hương của các loại nước mắm thơm ngon mà nổi tiếng nhất là nước mắm cá cơm thơm lựng vang danh cả nước. Và chỉ có cá của biển dã Bình Thuận “chượp” bằng chính muối của tỉnh nhà mới làm ra loại nước mắm nhỉ ngon nhất thế giới này thôi! Đến nỗi ngay cả khi chỉ được ăn chén cơm nguội với nước mắm cá cơm có dằm trái ớt xiêm cay xé họng và vắt vài giọt chanh vào rồi thì ai cũng cảm thấy mình đang có một bữa ăn thịnh soạn và hạnh phúc nhất trên đời rồi!..

Vào thời chúng tôi, muốn về Mũi-Né, ngoài việc dùng ghe thuyền chạy bằng buồm, người ta còn chọn đi xe ngựa, vì mỗi ngày chỉ có một chuyến xe hơi chạy khứ-hồi với khoảng 20 hành khách. Con đường ấy do bà Lục Thị Đậu – một doanh nhân Mũi-Né thời bấy giờ bỏ tiền ra dựng nên cho thông suốt việc đi lại của mọi người. Giá tiền xe ngựa đắt gấp đôi xe hơi nhưng vẫn đông khách. Và, trong số hành khách ấy, cô Rừng nhà mình đã có vài lần phải đi xe ngựa về Mũi-Né vì hai đứa học trò chúng tôi “lẫy” nhau vô cớ nên không có ai đưa đón mỗi cuối tuần!..

Nhưng không chỉ có vậy, muốn về tới Mũi-Né, anh em chúng tôi phải leo cho hết con dốc cao ngang qua khu vực Lầu Ông Hoàng và khu tháp Chăm sau này người ta gọi bằng tên riêng của bà Pô Xá I Nức, quí danh một công chúa là con út của vua Para-Chanh (lúc ấy đang đóng đô ở Pandurangga, tức Nha Trang ngày nay). Bà nổi tiếng văn võ song toàn, được vua cha giao quản lý đất Bình Thuận, trong đó có khu vực ấy (dân ta quen gọi là “Phố Hời”, lâu ngày “trại” ra thành Phú Hài – nay là một phường cách Phan Thiết 5 cây số đường bộ).

Và cũng ở ngay trên khu đất sát cửa biển có nhóm đền tháp Chăm ấy là nơi “thiên hạ đồn vang” về giai thoại tình sử thơ mộng giữa nhà thơ Hàn Mặc Tử và nữ sĩ Mộng Cầm (vốn là cháu gọi nhà thơ Bích Khê bằng cậu ruột, lúc ấy bà đang là nữ y tá của trạm xá Mũi-Né) gắn liền với địa danh nổi tiếng “Lầu Ông Hoàng” (tức biệt thự mang tên “Tổ Chim Ưng” – Nid d’Aigle) của Hoàng thân De Montpensier thuộc giòng D‘Orléans (Pháp) làm chủ trước thời tiêu thổ kháng chiến 1946.

Cách đây chưa lâu, trên chuyến xe lửa về từ Sài Gòn, tôi tình cờ gặp lại cô Tạ Thị Rừng với đùm đề con cháu vừa ở xa về thăm quê hương. Tôi được người xưa rủ cùng về Mũi-Né chơi. Dọc đường, Rừng nhắc lại vài chuyện xưa, nhưng tôi không hề nghe cô “ôn” lại những nụ hôn đầu tiên của tôi tặng khi hai đứa nghỉ chân trên đỉnh Dốc Đá Ông Địa... Còn đây là bài thơ ngày xưa tôi tặng, nay Tạ Thị Rừng đọc cho tôi chép lại:

ĐƯỜNG VỀ MŨI-NÉ

đường về Mũi-Né chiều chiều
em ngồi xe ngựa buồn thiu một mình
sao về không chịu rủ anh
cho đường Mũi-Né tụi mình dài thêm?
đường về Mũi-Né gập ghềnh
vó xe ngựa gõ buồn tênh gió chiều
em ngồi một dáng hiu hiu
áo bà ba phất phới theo nắng vàng
đường về Mũi-Nélang thang
chuyến xe ngựa thả nhịp hoang bềnh bồng
em cười, má lúm ửng hồng
nắng hay gió biển ướp thơm trời chiều?
đường về Mũi-Né chim kêu
Đá Ông Địa lạnh gió chiều đại dương
còn anh, Dốc Lầu Ông Hoàng
chiều nào cũng đợi về chung bạn mình
đường về Mũi-Né trăng lên
em qua chợ Rạng (*) có nhìn thấy anh
ngồi trên đồi cát một mình
đón em về vá lưới đêm xóm nghèo ?
em về Mũi - Né, anh theo
dù quang gánh nặng vẫn đèo thêm em
lạy trời cho biển dã yên
nay mai xe ngựa rước mình trăm năm ...

.

nguyễn như mÂy

(*) Rạng: tên “cúng cơm” của phường Hàm Tiến ngày nay trên nửa đường về Mũi-Né.

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhocnghethuat/van/duongvemuine.html


Cái Đình - 2022