Võ Kỳ Điền


Đức Phật trên vách đá

   

Tôi xin kể lại cho các bạn nghe một câu chuyện tưởng đơn giản nhưng hơi lạ kỳ. Số là lúc mới lớn có lần tôi tình cờ đọc được một bài viết khá đặc biệt của học giả Nguyễn Hiến Lê, Ông đã thuật lại một đoạn hồi ký ngắn do chính Thiền Sư Huyền Trang viết lại trong quyển Đại Đường Tây Vực Ký khi đi qua xứ Tây Trúc (Ấn Độ) để thỉnh kinh Phật vào thế kỷ thứ VII đời Đường, cuộc hành trình trải dài dọc theo Con Đường Tơ Lụa. Đại khái tôi còn nhớ được như vầy:

“Sư Huyền Trang tháp tùng theo một đoàn người Hồi, đa số thuộc vùng Trung Á gồm các thương buôn tứ xứ với ngựa, lạc đà, mải miết hướng về phương trời Tây, vượt bao sa mạc nóng cháy mênh mông, từ nơi nầy qua nơi kia, từ ngày nầy qua tháng khác, trên những nẻo đường thiên lý vạn dặm. Trên là trời nắng gắt chói lòa, dưới là cát nóng như thiêu như đốt. Toàn cảnh chỉ có cát đá với đoàn người ngựa, lạc đà trên lưng chất đầy những kiện hàng hóa nặng nề. Những bước chân chậm chạp lầm lũi đi qua những đụn cát nhấp nhô, những vách đá cheo leo cao thấp, đây đó cây cỏ xác xơ khô cằn, những vực thẳm sâu hun hút nhìn không thấy đáy... Đoàn người lầm lũi cứ mải miết đi như vậy cho đến một buổi cả người và ngựa dừng chưn lại bên một vách đá chớn chở, bên trong có một hang động rộng rãi...

Người dẫn đường dọn dẹp sắp xếp cho đoàn người một khoảng trống thoáng đãng hầu tạm nghỉ ngơi để lấy lại sức, mai kia sẽ nối tiếp cuộc hành trình. Trước khi ra ngoài, ông ta có nói với Sư Huyền Trang... – động đá nầy rất linh thiêng, tôi có nghe thiên hạ đồn rằng người nào thành tâm hướng về phương Tây cầu nguyện chân thành, hành lễ đúng một ngàn lạy thì Đức Phật sẽ hiển hiện ra trên vách đá cho mình được chiêm bái. Nói xong ông cùng với đám người xung quanh đi ra ngoài nấu nướng, tắm rửa, chuyện trò...

Nghe lời nói đúng như một ước nguyện, Sư rất đỗi vui mừng, bèn chỉnh đốn lại xiêm y, sụp xuống quỳ lạy thánh tích theo như lời nói của người dẫn đường. Một ngàn lạy, đâu phải ai cũng có thể thực hiện được. Với một đức tin tuyệt đối, không gì lay chuyển, không một chút hoài nghi, Sư đứng lên quỳ xuống tiếp nối, ngũ thể đầu địa mà lạy đúng số một ngàn. Bao nhiêu lần Sư đuối sức, sắp gục ngã. Và đã bao nhiêu lần kiên trì đứng lên lạy tiếp. Cuối cùng rồi Sư đã lạy đúng được một ngàn lần. May mà thuở đó sức Sư còn khoẻ mạnh. Đến đúng lần thứ một ngàn, điều kỳ diệu cũng đã xảy ra y như lời người hướng dẫn nói. Đức Phật uy nghi tọa ngự trên tòa sen tỏa sáng, hào quang rực rỡ chói loà, sáng bừng cả động đá hoang vắng với các vị Bồ Tát vây quanh. Sư Huyền Trang sung sướng, rúng động toàn thân, quỳ mọp xuống đảnh lễ Phật Tổ trong niềm hạnh phúc vô biên chất ngất...

Lễ xong rồi, Sư Huyền Trang vội đi ra ngoài, nôn nả báo tin cho mọi người biết niềm vui Phật Hiện và mong người người cùng vô động đá chiêm ngưỡng cảnh quan kỳ thú và chia sẻ niềm hạnh phúc với mình. Nghe báo, đám đông cùng xúm nhau ba chân bốn cẳng tranh nhau mà chạy ùa vào. Khi vào tới, họ đã thấy được gì. Động đá im lìm, lạnh lùng vắng ngắt, động bây giờ cũng giống y như lúc họ đã bước ra thôi, không có gì khác lạ hết. Phật Tổ uy nghi đầy hào quang vàng ánh bừng sáng như Sư Huyền Trang đã kể đâu mất tiêu rồi, không có ai thấy hết. Trời đất! Giữa ban ngày ban mặt Sư Huyền Trang đã nói một chuyện kỳ quái, lạ lùng, làm sao mà tin cho được! Ở đây hồi nãy, chỉ có mình Sư Huyền Trang thấy được Phật, ngoài ra không có ai thấy được hết. Bây giờ Phật đã biến đi đâu mất tiêu, toàn cảnh chỉ còn là trống vắng. Các bạn nghĩ thử coi, cảnh tượng lúc đó sẽ như thế nào. Tâm trạng Sư Huyền Trang ra làm sao? Chắc phải dùng đến hai chữ “hụt hẩng” và “ngỡ ngàng”.

Quyển Đại Đường Tây Vực Ký là do chính Ngài Huyền Trang kể lại cho đồ đệ tên là Biện Cơ ghi chép, chính xác từng chi tiết, từng khoảng cách địa phương, các sinh hoạt chánh trị, kinh tế, xã hội, phong tục tập quán của dân chúng hằng ngày, những nơi Sư đã đi ngang qua. Các nhà khảo cổ ngày nay vẫn dùng nó để tìm hiểu cuộc sống Ấn Độ ngày trước vào thời Đức Phật. Câu chuyện nầy được chính Ngài Huyền Trang kể lại, đã xảy ra tại động đá hoang vắng trên đường đi thỉnh kinh hằng ngàn năm trước. Câu chuyện là như vậy. Chúng ta là những kẻ hậu bối, thử dùng cái nhận định, hiểu biết ngày nay để thử tìm hiểu chuyện của cổ nhân coi sự thực là gì?

Thử tìm hiểu lại câu chuyện, trong trường hợp nầy trong đám đông lữ khách chộn rộn kia, ai là người đã thấy Đức Phật và ai đã không thấy. Câu trả lời rõ ràng lắm. Ở đây chỉ có Sư Huyền Trang thấy mà thôi. Còn người hướng dẫn thì chỉ nghe tin đồn đãi, chớ chưa hề nói đã thấy bao giờ.

Câu hỏi được đặt ra tiếp là chuyện Đức Phật có thực sự hiện lên trên vách của động đá hay không? Trong trường hợp nầy, không biết các bạn đã nghĩ như thế nào, riêng tôi, tôi vẫn tin Sư Huyền Trang đã nói thực và Sư đã nhìn thấy Đức Phật xuất hiện rực rỡ chói lòa trên vách là sự thực. Chuyện không có xảy ra thực thì làm sao mà Sư thêu dệt ra để nói làm chi. Một người tâm địa vĩ đại như Ngài Huyền Trang thì không thể nào đặt chuyện thêm thắt vẽ vời không đâu.

Riêng học giả Nguyễn Hiến Lê phần cuối bài có ghi chú thêm lời nhận xét của một học giả Tây Phương. Vị nầy cho rằng Sư Huyền Trang quá mệt mỏi do chuyến du hành, rồi phải quỳ lạy một ngàn lần, đầu óc lúc nào cũng quán tưởng hình ảnh cao quý Đức Phật trong mỗi niệm, mỗi sát na... nên sanh ảo giác. Do vậy chỉ có Sư Huyền Trang là thấy Phật thôi, chớ ngoài ra không ai khác.

Tôi thì chỉ biết ghi nhận ý kiến nầy, không dám cho là đúng hay sai vì đời có rất nhiều chuyện “không thể nghĩ bàn”. Nhưng lúc nào nhớ tới Đức Phật trên vách đá thì tôi cũng nhớ luôn nhà văn Kim Dung khi đọc quyển Lục Mạch Thần Kiếm, có chàng công tử xứ Đại Lý, một xứ sùng bái đạo Phật. Anh chàng Đoàn Dự nầy tánh tình hiền lành rất dễ thương, đẹp trai hào hoa phong nhã, trong một lần dạo chơi bên một vách núi, bị người truy đuổi, bèn chạy trốn vô tình lọt vô một cấm địa, trong căn phòng có một pho tượng một mỹ nữ tạc bằng ngọc bích, cực kỳ mỹ lệ. Tưởng là Phật Quan Âm độ mạng mình, chàng quỳ xuống lạy pho tượng một ngàn lần theo lời yêu cầu được ghi dưới chân pho tượng. Đến lần thứ một ngàn thì tìm được hai bí kíp Bắc Minh Thần Công và Lăng Ba Vi Bộ trong tấm bồ đoàn...

Đọc ngang đây thì tôi khám phá được một điều thú vị. Như vậy là nhà văn Kim Dung tài hoa mà tôi say mê đã mượn đỡ hình ảnh quỳ lạy một ngàn lần của Ngài Huyền Trang trong Đại Đường Tây Vực Ký để xây dựng câu chuyện chàng Đoàn Dự hào hoa mê nàng Vương Ngọc Yến. Kể từ đó, tôi không còn có ấn tượng về Sư Huyền Trang đạo mạo, nghiêm trang, khắc khổ như một nhà tu nữa mà thấy sư hiền lành, dễ thương, cũng đôi khi có vẻ hào hoa phong nhã, nhứt là… đẹp trai.

Chắc cũng giông giống như Thầy Thích Pháp Hòa ở xứ Canada của chúng ta ngày nay vậy. 

   

Võ Kỳ Điền
Brossard. QC le 18 -06-2024

 

 

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhocnghethuat/van/ducphattrenvachda.html


Cái Đình - 2024